Bóng Người Xưa (3)

Chương 3

Thúy Ái đang ngồi đan trên chiếc ghế đá thì một chiếc xe ngừng ngay trước cửa. Một người đàn ông còn trẻ mở cửa nhảy xuống. Bộ đồ du lịch chàng mặc cho biết chàng ở xa đến. Lại còn chiếc xe bám đầy bụi chứng tỏ một cuộc hành trình xa xăm trên các con đường dài.

Người khách phương xa lễ phép chào Thúy Ái và hỏi:

– Tôi không lầm?

Thúy Ái chẳng biết người ấy lầm cái gì, liền hỏi:

– Ông hỏi thăm ông bà Nghĩa?

Người khách ấy nói:

– Nhà vẫn còn xưa, người lại người mới, tôi sợ tôi lầm. Ông bà Nghĩa hiện giờ còn ở phải không cô?

Thúy Ái thấy lối ăn nói của người khách có vẻ cao kỳ, liền đáp:

– Nhà này là nhà bà Nghĩa, nhưng ông bà Nghĩa đi vắng, đi Đà Nẵng đến hai tuần nữa mới về.

Người khách ấy tự giới thiệu:

– Tôi là cháu gọi ông Nghĩa bằng chú. Tôi ở Huế vào đây định ở chơi vài tháng. Nay chú thím tôi lại đi khỏi thì phiền quá. Và xin lỗi cô, cô là cháu bà Nghĩa?

Thúy Ái đáp:

– Tôi là người được mướn để dạy thêm và săn sóc ba con của bà Nghĩa. Dù sao thì ông cũng cho xe vào nhà chớ?

Ánh Hoa ở trong nhà chạy ra, thấy người khách lạ liền reo lên:

– Anh Kiệt! Anh mới vào phải không?

Ánh Hoa cất tiếng gọi rối rít:

– Anh Lang, anh Minh ơi! Ra đây mừng anh Kiệt!

Trọng Lang và Trọng Minh nghe em gọi, xô nhau chạy ra và khi nhận ra Anh Kiệt, chúng đổ xô ôm lấy Anh Kiệt, hỏi rối rít:

– Anh đi đâu mà lâu thế, không vào đây thăm ba má và các em?

Xoay qua Thúy Ái, Trọng Lang nói:

– Đây là chị Thúy Ái, cô giáo của chúng em.

Anh Kiệt cúi đầu chào và hỏi:

– Cô Thúy Ái… Cái tên đẹp quá. Lúc nãy, anh đã có dịp nói chuyện với cô Thúy Ái rồi.

Anh Kiệt hỏi Trọng Lang:

– Ba má đi khỏ cả, các em có cho anh ở đây không?

Trọng Lang và Trọng Minh đều nói:

– Cho chớ.

Anh Kiệt nhìn Thúy Ái và hỏi:

– Cô có cho tôi ở không?

Thúy Ái cười đáp:

– Ai lại hỏi người không có quyền. Nhưng theo tôi nghĩ, ông đã là cháu của ông bà chủ thì ông có quyền ở, đợi gì phải hỏi ai?

Anh Kiệt cười nói:

– Thế thì để tôi đem xe vào nhà.

Ánh Hoa hỏi:

– Anh có mua mè xửng Huế cho em không?

Trọng Lang tiếp:

– Cả nem nữa?

Anh Kiệt cười đáp:

– Cái gì cũng có… Anh có bao giờ quên các em. Anh mà biết có cô Thúy Ái thì anh mua thêm chiếc nón Huế bài thơ…

Ánh Hoa cười:

– Ê, chị Thúy Ái người Nam, không đội nón lá đâu!

Trọng Lang cãi:

– Chị Thúy Ái đội chớ sao không, em thì có tài nói bá láp. Anh Kiệt mua thì chị Thúy Ái đội cho mà xem. Bận sau anh nhớ mua cho chị Thúy Ái chiếc nón bài thơ nhé, quên em giận lắm.

Anh Kiệt cười và lên xe cho xe vào gara, đoạn mở cửa nhắc ra ba chiếc vali to tướng.

Thúy Ái và Ánh Hoa đi lại gần xe, Anh Kiệt vội nói:

– Cô đừng xách hộ tôi làm gì, để tôi xách vào nhà.

Nói xong, hai tay Anh Kiệt xách hai cái vali lớn, còn Trọng Lang và Trọng Minh thì khệ nệ khiêng cái vali nhỏ.

Thúy Ái xách hộ cái giỏ. Mọi người đều vào nhà.

Vì là nhà của chú thím và đã nhiều lần vào nghỉ ở đây nên Anh Kiệt tự nhiên sắp đặt, rồi lấy khăn đi tấm. Thúy Ái và ba đứa bé lại ra ngoài sân chơi.

Tắm xong, Anh Kiệt soạn các món quà bày la liệt lên bàn, nhìn Thúy Ái cười và nói:

– Bây giờ chú thím tôi đi khỏi, cô là người quản gia, vậy bổn phận tôi là thưa với cô và nhờ cô nhận lãnh.

Thúy Ái cười nói:

– Vâng, của ông cho ông Nghĩa, thì ông cứ cất cả vào tủ, cần gì phải nói… Thật ông làm tôi ngại quá.

Trọng Lang nhìn Anh Kiệt rồi nói:

– Anh lúc này coi bộ vui và trẻ hơn lúc trước.

Anh Kiệt khoát tay ra dấu bảo đừng nói. Trọng Lang không hiểu, nói tiếp:

– Lúc trước anh ngồi đây cú rũ đó!

Anh Kiệt nói:

– Nhờ anh đi du lịch một thời gian nên bây giờ anh vui lắm. Thôi đừng nhắc chuyện cũ nữa anh giận đa, mà chị Thúy Ái của em chắc cũng không bằng lòng.

Trọng Lang liến thoắng trả lời:

– Chị Thúy Ái không bằng lòng thì em sợ, chớ còn anh giận thì em không sợ đâu, anh buồn em nói là anh buồn chớ sao.

Trọng Minh nói:

– Anh Kiệt đã không thích thì đừng nói nữa, nói anh giận chả ích gì.

Ánh Hoa nói:

– Tối mai anh đưa chúng em đi xinê nhé, chị Thúy Ái ít đưa chúng em đi xinê quá anh ạ.

Anh Kiệt hỏi:

– Cô Thúy Ái không thích xinê à? Các cô gái đời bây giờ có cô nào không thích xinê.

Trọng Lang nói:

– Chị Thúy Ái không phải không thích xinê. Nhưng chị Thúy Ái đi xinê với chúng em thì có một bọn thanh niên cứ theo chị nói lải nhải mãi.

Anh Kiệt vung tay nói:

– Có anh thì anh đánh chết.

Thúy Ái cười nói:

– Lại hiệp sĩ nữa.

Từ ngày Anh Kiệt đến đây, không khí trong nhà đã đổi hẳn. Anh Kiệt nô đùa suốt ngày với ba đứa bé con bà Nghĩa. Sáng nào Anh Kiệt cũng dạy chúng tập thể dục, buổi chiều Anh Kiệt đưa chúng ra biển, tập bơi.

Hễ Anh Kiệt đưa mấy bé ra bãi thì Thúy Ái khỏi đi, ở nhà may vá. Anh Kiệt không hề nài ép Thúy Ái đi, cũng không bao giờ tỏ ra để ý nhiều đến Thúy Ái cả.

Mấy đứa trẻ cứ quấn quít bên Anh Kiệt nên cũng không quấy rầy Thúy Ái nhiều. Anh Kiệt tự hào về chỗ mấy đứa bé mếm mình, nên nói với Thúy Ái:

– Tôi mà ở đây vài tuần nữa thì chắc tôi giành mất chỗ làm của cô đó, cô Thúy Ái ạ.

Thúy Ái cười:

– Ai giành thì tôi sợ, chứ ông giành thì tôi không hề lo và cũng chả phiền ông chút nào cả.

– Vậy à?

Nghĩ một lát, Anh Kiệt nói:

– Từ trước đến giờ tôi chưa hề làm thầy giáo, tôi thấy công việc của một ông giáo cực nhọc quá. Nhưng từ khi ra đây, được biết cô, lại thấy cách cô dạy mấy em và được mấy em yêu mến, tôi đâm ra thích làm cái nghề của cô.

Anh Kiệt nói chưa dứt lời thì Trọng Lang đã hỏi:

– Anh không làm thầu khoán nữa sao?

Anh Kiệt cười:

– Anh có làm thầu khoán bao giờ đâu mà thầu?

Trọng Minh lại hỏi:

– Chớ anh làm gì?

– Anh thất nghiệp.

Thúy Ái nói:

– Em Trọng Lang thấy ba làm thầu khoán rồi cũng tưởng ai cũng làm thầu khoán như ba cả.

Ánh Hoa cười:

– Ê, anh Trọng Lang nói vậy, bị chị Thúy Ái chê rồi.

Trọng Lang chạy lại nũng nịu với Thúy Ái:

– Chị không chê em phải không chị?

Anh Kiệt nói:

– Làm cô giáo được các em yêu như vậy thật sung sướng quá.

Thúy Ái đáp:

– Nay mai tôi sẽ có thêm một đồng nghiệp nữa, và trong đội binh chống giặc dốt trên thế giới sẽ có thêm một người lính xung phong.

– Nhưng ai giới thiệu cho tôi vào nghề đã chớ. Cô có thể giới thiệu cho tôi không?

Thúy Ái nói:

– Tôi xem ông không có vẻ gì làm thầy giáo được.

Anh Kiệt hỏi:

– Cô chê tôi không được đạo mạo à?

Thúy Ái nói:

– Không phải thế, chiếc xe Huê Kỳ của ông nó không cho ông làm một nhà giáo.

Anh Kiệt nói:

– Lạ nhỉ, có chiếc xe Huê Kỳ rồi hết làm thầy giáo, mà hết làm thầy giáo nghĩa là không được ai thương yêu cả sao?

Trọng Lang nói:

– Lại buồn nữa cho mà xem… Chị…

Anh Kiệt ra dấu cho Trọng Lang nín, và nói:

– Anh đã cấm em nói đến tiếng buồn kia mà.

Xoay lại Thúy Ái, Anh Kiệt nói:

– À, tại sao cô cứ gọi tôi bằng ông mãi thế? Chú Nghĩa tôi, cô cũng gọi bằng ông, mà tôi, cô cũng gọi bằng ông, tôi không bằng lòng chút nào cả.

Thúy Ái nói:

– Chớ ông bảo tôi gọi ông bằng gì? Tôi thấy tiếng ông thích hợp nhất, vì ông là ông kỹ sư.

Anh Kiệt nói:

– Ai bảo với cô tôi là kỹ sư? Cô ngạo tôi đấy à, có muốn bảo khéo tôi là kỹ sư đào mỏ phải không? Tôi không biết đào mỏ, tôi muốn cô gọi tôi bằng anh. Và tên tôi là Anh Kiệt, cô gọi anh Kiệt, người ta có thể tưởng tượng rằng cô chỉ gọi trổng tên tôi chớ không phải gọi anh.

Thúy Ái nói:

– Thế thì tôi càng không dám gọi… Còn tôi cũng không dám bảo ông là kỹ sư đào mỏ, tại ông muốn nói như thế mà thôi.

Anh Kiệt cười nói:

– Nếu cô không bằng lòng gọi tôi bằng anh thì tôi về ngay chớ không chịu ở đây nữa.

Ánh Hoa nói:

– Anh Kiệt về thì còn gì vui nữa.

Trọng Lang cũng nói:

– Thì chị Thúy Ái chìu anh ấy một tí chị nhé. Chị gọi anh ấy bằng anh cũng chả sao…

Trọng Minh nói:

– Chị Thúy Ái yêu em, gọi anh Kiệt bằng anh đi cho em mừng.

Ánh Hoa nũng nịu ôm Thúy Ái và nói:

– Chị gọi anh Kiệt bằng anh, chị nhé!

Thúy Ái cười nói:

– Ừ, thì chị gọi bằng anh cho các em vui.

– Và cũng cho tôi vui nữa chớ.

Nghe Anh Kiệt nói thế, Thúy Ái nhìn Anh Kiệt nói:

– Anh đạ cho phép thì tôi mới dám gọi như thế.

Giữa Anh Kiệt và Thúy Ái đã có một tình bạn… Thúy Ái thường chuyện trò với Anh Kiệt. Anh Kiệt kể cho Thúy Ái nghe về đời chàng.

Anh Kiệt nói:

– Tôi là một người góa vợ và chưa có con, tôi đậu kỹ sư và hiện đang giúp việc ở Sở Công chánh.

Thúy Ái chí biết có thế. Nàng lấy làm lạ từ khi về nhà bà Nghĩa, Thúy Ái chưa bao giờ nghe nhắc đến tên Anh Kiệt, mặc dù Anh Kiệt là cháu ruột của ông Nghĩa.

Thúy Ái nhận thấy Anh Kiệt là người rất thực tế, mà Thúy Ái thì cũng rất thực tế.

Hai tâm hồn ấy như có chỗ giống nhau nên dễ cảm nhau.

Họ đã thân nhau thì ông bà Nghĩa lại về. Thoạt thấy Anh Kiệt, bà Nghĩa mừng rỡ nói:

– Thím đã nghĩ đến cháu. Chưa nhắn thì đã thấy cháu vào.

Anh Kiệt cười nói:

– Đó, thím thấy cháu tài không, thím có ý nghĩ trong lòng là cháu biết được. Như thế, thím và cháu mới gọi là cảm thông chớ.

Oâng Nghĩa nói:

– Còn tôi không đáng kể phải không?

Anh Kiệt cười:

– Đáng kể lắm chớ, chú là người hiểu cháu hơn hết, cho nên mấy năm cháu đi khỏi, chú lo giùm công việc cho cháu… và nhờ thế mà ngày nay cháu nghiễm nhiên là một ông nhà giàu.

Từ ngày ông bà Nghĩa về thì trong nhà lại càng vui hơn nữa. Bà Nghĩa tìm đủ dịp để cho Thúy Ái và Anh Kiệt thân nhau.

Bà dò ý Anh Kiệt:

– Thím thấy cô Thúy Ái nết na, thím mến lắm, thím liền nghĩ đến cháu, cháu mà có được một người vợ như thế thì mới có thể hạnh phúc được. Thím định gọi cháu vào nhưng sợ cháu đòi cưới gấp thì không ai dạy dỗ ba em.

Anh Kiệt cười nói:

– Thím đã nghĩ đến cháu mà thím lại lo cho ba em. Thím mến Thúy Ái lắm à? Được thím mến yêu, phải là người nết na đức hạnh lắm chớ phải chơi sao. Vợ trước của cháu tài hoa và đẹp đẽ như thế mà hình như thím không ưa.

– Cháu nhắc chi đến người đã chết. Hãy nghĩ đến tương lai, tương lai cháu đang sáng tươi kia mà.

Anh Kiệt cúi đầu suy nghĩ. Hình ảnh người vợ đã hiện ra trong óc chàng và vẻ mặt chàng buồn thiu…

Bà Nghĩa biết Anh Kiệt đang nghĩ đến Lệ Hằng, nên nói:

– Bảy năm nay cháu nghĩ đến người xưa nhiều rồi, bây giờ cháu phải nghĩ đến cháu. Nếu chú không thương cháu, có lẽ sự nghiệp cháu đã tiêu tan vì Lệ Hằng rồi. Bây giờ đã đến lúc cháu phải nghĩ đến cháu. Thím thấy Thúy Ái nết na và dễ thương lắm, cháu có nhận thấy như thế không? Thúy Ái lại mồ côi cha lẫn mẹ, giờ đây thím chịu đứng gả cho cháu.

Anh Kiệt nói:

– Cháu thấy Thúy Ái có nhiều nết tốt và cháu cũng đã nghĩ đến tương lia. Thím giúp cháu thành công, cháu mừng lắm. Có điều cháu là người có vợ, cháu lại lớn tuổi, cháu sợ Thúy Ái chê cháu.

Bà Nghĩa nói:

– Thúy Ái mồ côi, được một địa vị như thế là quá sức tưởng tượng rồi, lẽ nào lại chê.

Anh Kiệt nói:

– Cháu không dám lạc quan như thế.

Bà Nghĩa liền kể về cuộc đời thiếu thốn, mồ côi của Thúy Ái cho Anh Kiệt nghe, Anh Kiệt thương hại nói:

– Và Anh Kiệt đã yêu Thúy Ái lại càng yêu hơn nữa. Chàng định chiều nay rủ Thúy Ái đi dạo bãi biển để dọ thứ ý của Thúy Ái.

Ánh Hoa mặc quần áo xong gọi:

– Chị Thúy Ái ơi! Chị có đi tắm biển với chúng em không?

Thúy Ái nói:

– Đi chớ. Để chị lấy “sắc” đồ đã nhé.

Anh Kiệt nãy giờ ngồi xem báo nhưng sự thật là để đợi giờ phút này, cái giờ phút Thúy Ái đưa ba con bà Nghĩa đi chơi biển.

Trọng Lang nói:

– Anh Kiệt có cùng đi với chúng em không? Em nghe má nói vài bữa nữa anh về Huế phải không?

Anh Kiệt nói:

– Mai anh về rồi…

Thúy Ái nghe thế ngước mặt lên nhìn Anh Kiệt, Anh Kiệt đón cái nhìn ấy liền nói:

– Mai tôi về, cô Thúy Ái ạ. Vì vậy hôm nay thế nào tôi cũng theo các em ra biển tắm một lần nữa. Cô có cho phép tôi đi không?

Thúy Ái nói:

– Anh đi thì đi chớ ai cấm đâu, tôi có quyền gì mà anh xin phép.

Anh Kiệt nói:

– Tôi xin phép là… cô cho tôi cùng đi với các em và cả cô nữa.

– Cả tôi nữa? Mọi ngày anh đi với các em không cần có tôi có sao đâu. Có anh khỏi tôi, có tôi khỏi anh.

– Nhưng tôi muốn cả tôi và cô cùng đi, cô có cho phép không?

Thúy Ái nói:

– Nếu mai anh về thì tôi không thể từ chối.

Anh Kiệt nói nho nhỏ:

– Cám ơn cô.

Hai người đi song song với nhau. Ba đứa con bà Nghĩa chạy tung tăng trước mặt, có vẻ mừng vui.

Anh Kiệt nói:

– Ngày mai tôi về và không biết bao giờ tôi mới trở lại đây, mới lại gặp cô…

Thúy Ái hỏi:

– Lâu lắm anh mới vào đây một lần à? Không phải vào thường sao? Công việc làm ăn của anh có dính dấp đến ông bà ở đây mà sao anh lại ít vô như vậy?

– Tôi nhờ chú tôi lo giùm, lời bao nhiêu hay bấy nhiêu, tôi có thì giờ đâu mà lo… Việc gia đình tôi không có ai lo cả. Cô Thúy Ái ạ, mai tôi về và vì không biết bao giờ mới trở lại đây, nên hôm nay tôi định nói với cô một chuyện, có thể nói là từ giã luôn không còn gặp nữa nếu cô muốn thế.

– Anh nói gì tôi không hiểu…

– Tôi muốn nói tôi còn trở lại đây hay không là do cô cho phép hay không…

Thúy Ái chỉ cười một cách hồn nhiên, nói:

– Anh nói nhiều câu nghe buồn cười quá… Ai lại nhà thì của ông bà Nghĩa, mà ông bà Nghĩa là chú thím của anh, tôi thì tôi chỉ là người giúp việc, thế mà anh lại bảo anh tới lui đây là do tôi định đoạt. Anh là kỹ sư, hèn gì anh ăn nói có vẻ máy móc quá.

Anh Kiệt cũng cười và nói:

– Còn cô là nhà giáo, thảo nào cô ăn nói văn phạm quá…

– Ai làm nghề gì thì có phong độ của nghề ấy chớ. Nhưng anh hãy cắt nghĩa cái cách ăn nói máy móc của anh đi.

Anh Kiệt đắn đo một lát rồi nói:

– Tôi không có ý ăn nói máy móc gì đâu. Tại tôi không biết nói làm sao cho cô nghe lọt tai. Nhưng nói hay nói dở gì rồi cũng phải nói, cô ạ. Tôi chưa có con. Bảy năm trời nay tôi buồn lắm vì người vợ trước của tôi là vợ hiền, chẳng may chết đi trong một trường hợp hết sức đau đớn. Cô có nghe thím Nghĩa tôi kể về cái chết của vợ tôi không?

Thúy Ái lắc đầu nói:

– Không, từ khi tôi tới đây đến nay, bà Nghĩa cũng như ông Nghĩa không bao giờ nói chuyện anh trước mặt tôi. Vì vậy khi anh tới đây lần đầu, tôi đâu biết anh là ai. Bà Nghĩa mấy hôm nay cũng không hề nói gì về gia đình anh cả.

– Nếu vậy thì để tôi kể tiếp câu chuyện của tôi. Bảy năm trời nay tôi buồn, nhưng cái buồn ấy cũng đã theo thời gian mà hàn gắn rồi. Giờ đây sau khi đi du lịch về, tôi đã tạm quên được cái dĩ vãng đớn đau ấy. Tôi định làm lại cuộc đời để tìm phần hạnh phúc cho đời tôi. Cô có cười tôi là kẻ không chung thủy không, cô Thúy Ái?

– Cái buồn dù có bền, có nặng đến đâu cũng sẽ qua đi với thời gian, thế mà anh đã theo đuổi cái buồn ấy đến bảy năm, cũng hiểu anh bị giày vò đến bậc nào rồi. Nay anh quyết định làm lại cuộc đời là quyền của anh, tôi không có quyền gì mà chê anh không thủy chung?

– Không, tôi hỏi ý kiến cô như vậy, cũng có nguyên do chớ. Tôi muốn làm lại cuộc đời, mà làm lại cuộc đời với cô, nên tôi mới nói.

Anh Kiệt nói một cách đường đột như thế, khiến Thúy Ái không sao đề phòng kịp. Thúy Ái nhìn Anh Kiệt với đôi mắt vừa ngạc nhiên vừa e thẹn.

Anh Kiệt không để Thúy Ái kịp suy nghĩ, nói tiếp:

– Và tôi tóm tắt rằng, đời tôi từ nay về sau vui hay buồn, sướng hay khổ, giàu hay nghèo, do cô cả… Đó, tôi muốn cô trả lời cho tôi hôm nay để ngày mai tôi về… Nếu cô bằng lòng, tôi về một tháng sắp đặt nhà cửa rồi sẽ vào đây rước cô, còn cô không nhận lời thì tôi về luôn, không vào nữa.

Thật Thúy Ái có ngờ đâu Anh Kiệt lại muốn cưới nàng làm vợ.

Thấy Anh Kiệt vui vẻ với mình, Thúy Ái cũng tưởng rằng đối với thiếu nữ, có người đàn ông nào mà không tử tế. Còn khi Anh Kiệt tỏ ý thân mật thì Thúy Ái cho đó là tại bà Nghĩa xem Thúy Ái như bà con, cho nên Anh Kiệt cũng đối đãi với nàng như thế. Ngoài ra, Thúy Ái coi Anh Kiệt như một người anh cả, Anh Kiệt lớn hơn Thúy Ái đến mười tuổi.

Vì câu hỏi của Anh Kiệt quá đột ngột nên Thúy Ái bối rối không biết phải trả lời ra sao.

Thúy Ái cứ nhìn đôi bàn chân của nàng trên làn cắt trắng…

Anh Kiệt tiếp:

– Cô có cần suy nghĩ không?

Thúy Ái đáp:

– Việc hôn nhân là việc quan hệ, có ai mà không cần suy nghĩ? Anh hỏi đột ngột quá, tôi nhận thấy như người mê ngủ. Vì từ hồi nào tới giờ, tôi chưa hề nghĩ đến việc hôn nhân.

– Tại sao cô chưa nghĩ đến việc hôn nhân?

– Tôi chưa nghĩ đến vì nhiều lẽ. Lẽ thứ nhất là tại tôi nghèo, mồ côi cha mẹ. Lẽ thứ nhì là tôi chưa có quan niệm gì về việc chồng con cả. Lúc bé tôi quá cực, bây giờ mới gọi là hưởng những ngày tự do à sung sướng, tôi muốn kéo dài cái thời thiếu nữ của tôi, chớ chưa muốn giam mình vào cảnh chồng con.

– Trước kia cô chưa nghĩ về việc hôn nhân là tại chưa phải lúc cô nghĩ đến. Nay đã đến lúc, cô nên nghĩ là phải… Về những lẽ tại sao cô chưa nghĩ đến hôn nhân, khi nãy cô quên không nói đến một lẽ chánh.

– Lẽ gì thế anh?

– Lẽ cô chưa gặp được người vừa ý. Có phải thế không, cô Thúy Ái?

Anh Kiệt khôn ngoan lanh lẹ, nhưng Thúy Ái cũng không kém:

– Vì chưa đủ điều kiện để tạo lập gia đình nên tôi chưa nghĩ đến chuyện hôn nhân, mà đã không nghĩ đến chuyện hôn nhân thì tôi chú ý đến ai làm gì mà gặp người vừa ý hay không vừa ý.

Anh Kiệt vỗ tay và nói:

– Giỏi lắm… Cô ăn nói hay lắm. Nhưng dù sao thì cô phải trả lời cho tôi. Cô có vui lòng trả lời cho tôi không?

Thúy Ái cắn môi suy nghĩ:

– Anh đã biết gì về tôi chưa? Mới gặp tôi vài tuần nay, anh có kịp thì giờ xét đoán về người tôi chưa?

Anh Kiệt nói:

– Tôi đã ngỏ ý cưới cô, tức là tôi đã suy nghĩ kỹ. Còn về hoàn cảnh cô… hay gì gì thì tôi không cần biết.

– Sao lại như thế được? Tôi là một đứa mồ côi từ thưở bé…

Thúy Ái vừa nói đến đây thì Anh Kiệt không cho nói, chàng đưa tay khoát và nói lớn:

– Cô khỏi phải kể dài dòng về thời quá khứ ấy. Tôi chỉ biết cái hiện tại của cô, cô là một thiếu nữ có học thức, nết na, chịu được cực khổ, sống bên cái giàu mà không hèn thể cách, sống những ngày vui mà không quên bổn phận, nhất là không quên quãng đời đau khổ của mình… Một thiếu nữ như thế đủ đem đến hạnh phúc cho đời tôi rồi.

– Không, anh không nên dễ dãi như thế, việc hôn nhân là việc quan hệ. Huống chi anh đã trải qua một đời vợ và anh đã đau khổ vì mất người vợ hiền. Người vợ trước của anh tài hoa, đẹp đẽ, đã ghi lại trong đời anh bao nhiêu kỷ niệm êm đềm… Người vợ ấy đã chiếm ở lòng anh một mối tình đầu khó mà phai lạt. Bảy năm không phải là nhiều, bảy năm chỉ có thể treo trước mắt anh một tấm màn mỏng mà thôi. Người vợ đến sau, dù có một tài hoa và sắc đẹp bằng người vợ trước, biết đã xóa được cái hình ảnh người xưa để tạo ra cho gia đình một hạnh phúc mới mẻ hay chưa, nữa là tôi, kẻ ít tài bạc phước, không sắc đẹp và nghèo của tiền. Anh cứ để tôi bày tỏ hoàn cảnh tôi cho anh nghe. Tôi chỉ mới đậu bằng Trung học phổ thông. Về đức, tôi chưa làm gì ích lợi cho xã hội. Về hoàn cảnh gia đình thì tôi là đứa mồ côi, khi bé sống bên một người cô khắc khổ, khô khan vì tình, lẻ loi vì độc thân. Với mảnh bằng và chút học thức thu thập được ở trường, tôi chỉ mới có thể tìm lấy cái sống qua ngày, con đường tương lai mù tịt. Tốt hơn anh nên nghĩ đến người khác.

Anh Kiệt nóng lòng nói:

– Cô nên nghĩ kỹ mà trả lời tôi thì tốt hơn, cô không nên khuyên tôi. Ơû địa vị tôi góa vợ bảy năm trời nay, tôi muốn nghĩ đến ai mà không được, nhưng tôi chưa hề nghĩ đến ai cả, vì tôi không thấy ai là người có thể an ủi đời tôi. Nay tôi mới gặp cô… Nếu cô mà từ chối, chê tôi, thì tôi nhất định ở vậy chớ không cưới ai cả. Tôi nhất định ở vậy để mơ bóng người xưa.

Nói xong câu này, Anh Kiệt chợt ăn năn. Khi nãy, Thúy Ái có nói về sự sút kém của nàng đối với người vợ cũ. Anh Kiệt lo ngại Thúy Ái có ý ghen chăng. Đọc qua các sách, Anh Kiệt thấy cái ghen về tư tưởng mới đáng sợ, vì nó khó giải thích cho người ghen hiểu được. Ghen về tư tưởng, ghen với một bóng người mình chưa từng gặp, lại càng ghê lắm.

Thúy Ái mà có ý ghen thì khó lòng giải thích được.

Anh Kiệt liền hỏi:

– Cô nghĩ đến người xưa à? Giữa cô và tôi, bị cái bóng người xưa làm cho cô phân vân phải không?

Thúy Ái sợ Anh Kiệt nghĩ lầm, liền nói:

– Không phải tôi nghĩ đến người xưa, nhưng tôi sợ tôi thiếu điều khiện để đem hạnh phúc đến cho đời anh. Anh bảo tôi trả lời gấp như thế, thì anh thật là độc đoán. Lại nữa, nói câu gì, anh cũng có ý bắt buộc và tấn tôi vào một tình thế khó xử quá, tôi biết nói sao bây giờ?

Anh Kiệt hiểu là Thúy Ái không thể nào từ chối lời chàng được. Riêng về Thúy Ái không bao giờ dám ngờ đời nàng lại gặp toàn những sự may mắn đến thế. Được làm vợ Anh Kiệt thì đời nàng sẽ đầy đủ về vật chất. Thúy Ái thưở bé đã quá cực khổ nên nàng hết sức thực tế. Nàng cứ lo nghĩ về cuộc sống đầy đủ. Còn về tinh thần, Thúy Ái chưa nghĩ đến. Thúy Ái thấy nàng không có một lý do nào mà không nhận lời Anh Kiệt được…

Thúy Ái liền nói:

– Anh đã nghĩ kỹ chưa? Sau này anh sẽ ăn năn không?

– Tôi đã nghĩ kỹ. Tôi cũng đã nói ý muốn của tôi cho chú thím tôi nghe và chú thím tôi hết sức tán thành việc này.

Thúy Ái làm thinh. Sau vài phút sau nghĩ, nàng cau mày nói:

– Đọc qua các sách, tôi thấy các nhà văn khi tả những cặp thanh niên nam nữ gặp nhau, yêu nhau là cả những trang thơ mộng, tươi đẹp. Thế mà anh và tôi, chúng ta nói chuyện hôn nhân, coi như là một cuộc thương lượng buôn bán, hoặc một cuộc thảo luận để ký kết một bản hợp đồng, nghe có buồn cười không anh? Nhưng anh đã muốn thế thì còn biết làm sao bây giờ?

– Nghĩa là cô nhận lời?

Thúy Ái khẽ gật đầu.

Anh Kiệt hết sức vui mừng:

– Vậy để tôi về sắp đặt công việc với thím Nghĩa tôi, cho kịp mọi việc trong tháng sau.

Thúy Ái nhìn theo Anh Kiệt đang chạy về nhà, mỉm cười một cách sung sướng.

– Trong hai người chúng ta không biết ai sung sướng hơn.

Ánh Hoa và hai anh đi phía trước đã đến rừng thông, quen với mọi ngày, cùng nhau ngồi xuống chơi. Bỗng Ánh Hoa ngó lên thấy Anh Kiệt đâm đầu chạy, liền đứng lên hỏi:

– Kìa, sao anh Kiệt chạy về?

– Chị Thúy Ái đuổi anh Kiệt à?

Trọng Lang nói:

– Lẽ nào?

Rồi Trọng Lang chạy lại hỏi Thúy Ái:

– Tại sao anh Kiệt chạy về?

– Tại anh ấy vui mừng.

– Tại sao vui mừng mà lại chạy, không đứng đây cùng vui với chị?

– Anh ấy chạy về báo tin cho mẹ em biết.

– Mừng việc gì vậy chị?

– Anh ấy sắp về nhà, anh ấy mừng chớ mừng gì.

– Về nhà thì có gì mà mừng, ở nhà có ai mà mừng anh đâu. Chị Lệ Hằng chết rồi.

Thúy Ái ngạc nhiên hỏi:

– Vợ trước của anh ấy tên là Lệ Hằng à? Tên đẹp nhỉ?

– Chị ấy lại đàn và hát hay, vẽ cũng tài nữa.

– Ai bảo em thế?

– Mẹ bảo chớ ai. Bức ảnh của mẹ do chị Lệ Hằng vẽ đó.

– Chi ấy đau gì chết?

– Em không biết. Em hỏi thì mẹ rầy không nói, em đâu dám hỏi.

– Thế à? Còn anh Kiệt, anh ấy có nói gì về chị Lệ Hằng không?

– Khi chị Lệ Hằng chết, anh ấy buồn lắm. Mẹ bảo anh khóc lu bù và bệnh cả năm. Sau ba dỗ dành anh ấy đi chơi xa để quên, anh ấy mới quên đó.

Thúy Ái suy nghĩ một lát rồi thở dài.

Ánh Hoa hỏi:

– Sao chị buồn? Mà anh Kiệt lại vui?

– Chị có buồn đâu.

– Chị mới thở ra…

– Chị thở ra cho khỏe…

Lần này là lần đầu tiên Thúy Ái nghĩ đến Lệ Hằng, đến bóng người xưa… Cái bóng ấy đã lu mờ hẳn chưa? Hay còn án giữa Thúy Ái và Anh Kiệt?

Suy nghĩ vẩn vơ một hồi, Thúy Ái lại tự trách mình:

– Sao ta lại nghĩ chuyện đâu đâu như thế. Việc đã qua thì cứ để nó qua. Dù giữa Anh Kiệt và ta có còn cái bóng người xưa chăng nữa, thì cái người xưa ấy chỉ là cái bóng… Bóng và người, người bao giờ cũng hơn bóng. Mình đã nhận làm vợ Anh Kiệt thì mình phải làm thế nào đem lại cho Anh Kiệt một đời sống mới mẻ, không còn gì vương vấn với cái cũ. Mình sẽ sửa đổi lại nhà cửa từ người giúp việc đến cách trang hoàng. Mình phải làm thế nào gây một không khí mới, không khí của Thúy Ái của không phải của Lệ Hằng… Aên thua ở tài khéo léo của ta.

Nghĩ như thế, Thúy Ái yên lòng, vui vẻ dắt ba đứa bé về nhà.

Trọng Minh nói:

– Anh Kiệt sắp về Huế rồi…

Trọng Lang nói:

– Nói đi nói lại nãy giờ cũng chỉ là chuyện anh Kiệt.

Thúy Ái hỏi:

– Anh Kiệt về, các em buồn lắm phải không?

– Dạ, buồn lắm chớ. Mà chị cũng buồn nữa. Không ai nói chuyện với chị.

Nghe Ánh Hoa nói như vậy, Thúy Ái cười mà không trả lời.

Thúy Ái về đến nhà thì đã thấy bà Nghĩa và Anh Kiệt đứng trước cửa có vẻ mong đợi.

Ba đứa bé thấy bà Nghĩa liền chạy vào ôm mẹ vòi vĩnh.

Bà Nghĩa bảo các con:

– Các con vào nhà. Để mẹ nói chuyện với chị Thúy Ái và Anh Kiệt.

Ba đứa bé riu ríu đi vào nhà. Bà Nghĩa và Thúy Ái ngồi xuống chiếc ghế đá trước nhà. Còn Anh Kiệt thì ngồi phệt xuống cỏ.

Bà Nghĩa nhìn Thúy Ái một lát rồi nói:

– Anh Kiệt đã nói với tôi về sự bằng lòng của cháu… Vậy từ đây chúng ta là bà con một nhà. Cháu cho phép thím gọi cháu bằng cháu ngay từ hôm nay cho thân mật. Cháu đã nhận lời, thật là phước cho Anh Kiệt. Vậy mai Anh Kiệt về và đúng tháng sau thì sẽ cử hành lễ cưới tại đây, thím muốn làm lễ cưới và hỏi một lần cho tiện. Cháu nghĩ sao?

– Cháu nhờ chú thím đã thương cháu thì sắp đặt giùm, chớ cháu mồ côi, có ai mà lo liệu chỉ bảo.

Bà Nghĩa bằng lòng nói:

– Được, chú thím sẽ lo hết lòng, không sao đâu. Cháu yên lòng, Anh Kiệt về Huế một tháng lo sắp đặt nhà cửa để đón cháu. Anh Kiệt mấy năm nay, nhà cửa giao cả cho người làm trông nom. Một sở nhà lớn lắm, hết sức đẹp, lại ở giữa một phong cảnh hữu tình tất nên thơ cháu ạ, cháu về làm chủ sở nhà ấy tha hồ mà đi dạo… Thỉnh thoảng thím sẽ gửi các em ra ngoài chơi với cháu cho vui.

Anh Kiệt ra dấu với bà Nghĩa, bà Nghĩa gật đầu…

Bà nhìn Thúy Ái nói:

– Cháu thích những món nữ trang gì? Và áo quần cháu muốn sắm thứ gì, cháu cứ bảo thím.

Thúy Ái nói:

– Cháu chỉ thích những màu nhạt, còn đồ nữ trang thì cháu thích ngọc bích. Về việc sắm may, cháu nhờ thím chọn lựa, cháu không phải lo nghĩ tới. Cháu không dám làm phiền thím và anh Kiệt nhiều.

Bà Nghĩa cười, nói:

– Các em mà nghe cháu đi thì chắc chúng nó buồn lắm, thế nào chúng nó cũng và phản đối, nhất là Ánh Hoa.

Anh Kiệt nói:

– Thím sẽ tìm một cô giáo khác.

– Dễ gì tìm được một người như Thúy Ái. Nhưng nếu tìm được lại có người đến phỗng và dẫn đi mất thì sao đây chớ?

Anh Kiệt nhìn Thúy Ái cười. Thế là công việc cưới hỏi đã bàn xong cả. Hôm sau, Anh Kiệt lên đường… Còn Thúy Ái tiếp tục công việc hàng ngày. Bà Nghĩa lo may sắm áo quần và đồ nữ trang cho Thúy Ái, bà sắm được món gì đều đưa Thúy Ái xem.

Thúy Ái thấy bà Nghĩa sắm đồ cho mình nhiều quá thì nói:

– Thím đừng sắm nữa, chừng ấy áo quần cháu mặc sao hết… Cháu quen sống giản dị từ nhỏ rồi.

– Không, bây giờ là vợ một ông kỹ sư, cháu phải có lối sống khác chớ, lôi thôi sao được. Huống chi ngày cưới của cháu, thế nào vợ chồng ông bác sĩ và hai cô Kim Chi, Ngọc Diệp cũng ra… Cháu phải được như các cô ấy. Anh Kiệt cưng vợ lắm, cháu ạ. Trước khi về, Anh Kiệt căn dặn thím sắm cho cháu đủ cả… Chú Nghĩa sắp đi Sài Gòn để mua cho vợ chồng cháu một chiếc xe hơi Huê Kỳ…

Thấy cả một cảnh giàu sang trước mắt, Thúy Ái thầm sung sướng và tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng.

Trở Về

Tìm Kiếm