Bóng Người Xưa (LTG)

Lời Tác Giả

Nếu người đàn bà sinh ra chỉ để làm bạn với bếp núc, thì cái câu “Giặc đến nhà đàn bà phải đánh” chẳng là vô nghĩa lắm?

Không, giang san đôi gánh nặng, trách nhiệm gái trai chung, nếu tài lực và tâm đức cho phép thì đối với nhân quần xã hội, người đàn bà cũng phải có một phần nhiệm vụ như người đàn ông vậy.

Và nếu quốc gia, xã hội mà đòi hỏi, thì người đàn bà cũng phải vứt chỉ kim mà đứng dậy, đạp gai góc để lên đường.

Trong lịch sử nước nhà, hai bà Trưng, một bà Triệu, há không là tấm gương sáng nghìn thu cho nữ nhi ta đấy ư?

Sống dưới bàn tay sắt của thực dân Pháp trên 80 năm, người dân ta đã chịu đựng biết bao nỗi tủi nhục đau thương, và qua đấu tranh mà trên hoang đảo, giữa Côn Sơn, đã có biết bao nhà ái quốc sống trong cảnh lao tù đày đọa. Hơn thế nữa, đã có biết bao người khẳng khái bước lên đoạn đầu đài, đem xương máu mà đền ơn sông núi.

Chính khí không tiêu ma, hồn dân tộc vẫn luôn luôn âm thầm ngấm cháy, và trong đám chí sĩ, nhân dân ấy, người ta vẫn thấy có bóng hồng thấp thoáng vào ra.

Hai chị em cô Bắc, cô Giang há không là hình ảnh của hai chị em bà Trưng đấy ư?

Nhưng trong bóng tối dễ chi đã hết người trung ái, đầy bầu máu nóng thương nước, thương dân.

Cô Lệ Hằng, nhân vật chính của Bóng Người Xưa, là điển hình của loại nhân vật cao thượng ấy trong thời Pháp thuộc. Là một cô gái có sắc, có tài, lại có lòng yêu nước, cô phải làm thế nào để thực hành chí nguyện của cô?

Thế là cô tham gia vào một đảng chống Pháp và lãnh nhiệm vụ kinh tài. Chồng cô, Anh Kiệt, một tư sản chỉ biết có tiền; cô, một nhà ái quốc chỉ biết có Đảng của cô, thì tất nhiên cô phải đem hương sắc của mình trao cho Anh Kiệt, vì lấy đồng tiền của Anh Kiệt trao cho Đảng.

Sự hi sinh của cô đáng quí đáng mến, mà cách hành động của cô lại cũng đáng ghi đáng chép. Nhưng Anh Kiệt tuy chỉ là người làm tiền, với cô lại là người chồng chung thủy. Bên tình, bên nghĩa, cô phải làm sao? Và làm sao trong tình thế ấy, người bạn trăm năm của cô khỏi phải vì cô mà mang họa?

Trăm năm ân ái, không một tiếng giã từ, để bốn mặt phong ba khỏi phải liên lụy đến người bên gối, chước “kim thiền thoát xác” đã giúp cô trọn vẹn một gánh nghĩa tình.

Nhưng cốt chuyện đáng quý ấy không phải đến đây là dứt. Ta thấy cái cao quý của người đàn bà Việt Nam ở nhân cách cô Thúy Ái, một nhân vật chính khác.

Về sống bên chồng giữa một không khí không chút thuận lợi, thế mà ngày một ngày hai, với cử chỉ đoan trang mà điềm đạm, với đức độ bao dung mà khiêm tốn, cô đã chinh phục được tất cả người quanh cô.

Và cái đáng quý nhất là một khi biết được hành tung và tâm chí của Lệ Hằng, cô tình nguyện đóng vai tiếp tế mà không một chút ghen tuông, ganh tị.

Hơn thế nữa, cô còn tự vận dụng tài sức của mình để làm ra của, chứ không khoanh tay ngồi dùng của sẵn của chồng. Một tấm gương hoạt động cho các bà chủ gia đình ở chốn gác tía lầu son.

Giờ đây, nước nhà đã độc lập, công cuộc kiến thiết bắt đầu, người như cô Lệ Hằng cần phải ra mặt góp sức với nhân dân, và người như Thúy Ái phải trở thành một gương mẫu chung cho cả thế hệ.

Đó là điều tác giả hằng mong mỏi.

T. L (1956)

Trở Về

Tìm Kiếm