BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG (13)
Chương 13
ì lòng tử tế của chị gái và anh rể, chị Pha bán được gánh hàng ba mươi hai đồng.
Vợ chồng rất mừng, tuy mất mối sinh nhai hàng ngày, nhưng có tiền để trả món nợ nặng lãi, đỡ phải ngày đêm lo ngay ngáy. Vậy tuy rồi anh chị sẽ phải vất vả hơn để kiếm ăn, nhưng được ăn ngon, chứ không phải vừa ăn vừa lo.
Hôm nhận đủ tiền, chị Pha bảo chồng:
– Thôi, thầy nó khăn áo lại nhà ông nghị, rồi đến mừng bác San, kẻo người ta mời vào giấc này, mình lại đến chậm.
Pha nhăn mặt đáp:
– Mình có phong lưu mới nói chuyện mừng, chứ túng kiết thì hẵng chịu đấy, ở làng ở nước, thiếu gì dịp trả nợ nhau.
– Không coi được, ngày ông mất, bác ấy làm giúp bao nhiêu, lại phúng những năm hào. Cho nên bây giờ mình có kiết cũng phải mừng ba hào.
Pha gạt đi:
– Tiền mừng ra tiền mừng, tiền phúng ra tiền phúng, để bao giờ bà trùm bảo anh Sũng chết, lúc ấy ta mới phúng lại, thì mới phải. Con bác ấy đỗ Sơ học yếu lược, bác ấy khao mời bà con thân thuộc, thế là việc vui chơi, cần gì phải mừng. Mấy lỵ xưa nay ở làng này làm gì có lệ mừng Sơ học yếu lược?
– Nhà nghĩ thế không phải. Là bởi xưa nay đã có ai đỗ đâu mà khao với mừng. Bây giờ mới có con bác ấy thành đạt về chữ Tây là một. Vả lại bác ấy cũng chưa đóng góp gì với làng, chả lẽ cứ ăn của người ta mãi mà không trả, cho nên bác ấy mới làm thế.
Pha cười lắc đầu:
– Thế thì bu nó chưa rõ tại sao có đám khao này. Nguyên là tại ông nghị đến nhà bác San, dỗ dành bà trùm với bác ta nên khao, cũng viện lẽ ngày xửa ngày xưa, bây giờ mới có con bác ấy danh giá cho làng. Ông ấy bỏ tiền ra cho bác ấy vay, rồi chính ông ấy bán lợn bán bò bắt bác ấy mua.
Chị Pha nghĩ ngợi rồi nói:
– Thế là phải viết nhà viết ruộng cho ông ấy chứ?
– Khỏi được? Người nhà khuyên can mãi, nhưng không biết bác ấy bị ông nghị phỉnh khéo thế nào mà nhất định không nghe ai. Lại dơ nữa là chỗ, phải lễ thầy giáo đâu mất mười đồng, thế mà bố khệnh khạng như ông cụ cố, chiều không dám đi bón hàng cho vợ, thỉnh thoảng có dắt trâu đi tắm, bác ta cũng đội khăn, mặc áo dài và đi guốc. Dởm đời thế thì có mất nghiệp cũng đáng kiếp!
– Nhưng đã được lân la với ông phó Nhị, danh giá bao nhiêu. Bây giờ bác ấy mời thầy nó, mà thầy nó không đi, rồi bao giờ mình có việc, mời bác ấy, bác ấy lại không đi nữa.
Pha trầm ngâm một lát, rồi gật:
– Được, tí nữa tôi đi.
Nói xong, anh mang ba chục đến nhà ông nghị.
Phát ra mở cổng, bảo trong nhà đương có ông lý, ông chánh hội đến từ trưa để trình sổ thuế mới năm nay. Pha vào, ngồi chờ ở hè bên cho khuất. Nhưng những tiếng bàn tán bên trong làm anh chú ý nghe.
Ông nghị hỏi:
– Các anh thấy lẽ gì mà đánh tôi lên hạng năm mươi đồng?
– Bẩm quan là gia trưởng. Đã đành là ruộng tên quan ít, nhưng những ruộng đứng tên các bà, và các cô các cậu, người ta quy cả vào quan để quan đóng thuế thân hạng nhất.
Ông nghị ngạc nhiên:
– Thế ra sang tên cũng vô ích à?
Nhưng hút xong điếu thuốc, ông nói:
– Không, tôi chỉ chịu hạng ba mươi nhăm đồng là quá lắm. Năm ngoái tôi chỉ phải mất có hai đồng rưỡi. Năm nay có tăng, thì đến hai mươi bốn đồng, cùng lắm là băm nhăm đồng, cứ làng nước với nhau, các anh bắt tôi nộp năm mươi đồng thì nghe sao được.
– Bẩm, đáng lý ra quan nộp thuế hạng hai trăm kia đấy ạ, vì cộng cả quan có cả bốn trăm mẫu. May các quan nghị xóa trước phần nhiều là điền chủ to, các quan bênh những người nhiều ruộng mới cố xin rút xuống năm chục đấy ạ.
Ông nghị ngẩn ra lắng nghe rồi bĩu môi, nói:
– Hạng nghị viên ấy là hạng nghị viên chó má, nhà nước định thế, sao không cãi cho bằng được, để y nguyên thuế cũ nhất loạt hai đồng rưỡi có hơn không. Lý gì thằng mõ cũng là người như tôi, mà chỉ nộp có một đồng thuế thân. Hay tôi tưởng sự sung sướng của nhà nước ban cho năm mươi lần hơn nó? Thực là mất cả công bằng. Đáng lẽ càng người giàu càng đáng nộp một đồng, quanh năm, như tôi đây, có ra ngoài mấy khi đâu, cho nên chẳng cần gì đến đường xá cầu cống của nhà nước. Nhà tôi lại xây tường kiên cố để giữ trộm cướp, chả cần gì đến lính tráng tuần đinh. Nhà giàu thường hay nuôi thầy giáo riêng trong nhà để dạy con, hoặc cho chúng nó đi Hà Nội, đi sang Tây, học tháng nào mất tiền tháng ấy. Tôi không hiểu sao, viện dân biểu trong đó biết bao nhiêu ông nhà giàu, mà không biết bênh lấy quyền lợi cho chu đáo. Thực là tiếc cái thời buổi cũ. Nghị viên ngày xưa danh giá lắm chứ, ai cũng được kim khánh, mề đay, phẩm hàm. Bây giờ nhà nước coi rẻ quá, chả thưởng cho cái gì cả.
Nói đoạn, ông thở dài. Lý trưởng thưa:
– Khóa sau, mời quan ra nghị viên.
– Anh tính tôi ra làm gì? Giàu có tôi cũng giàu rồi, sang tôi cũng sang rồi, hơi đâu mà tranh giành, vất vả. Mà có chạy được, bất quá mình cũng lại vẫn chỉ là quan nghị, chứ hơn gì? Hễ nhà nước có mở quốc trái phòng thủ Đông Dương nữa mà có thưởng hàn lâm, thì tôi quyên cái ấy hơn, vừa danh giá, vừa không mất đi đâu đồng nào, vừa được lãi.
Nói đoạn tiếng xè xè thuốc phiện kéo thật đều. Rồi ông nghị bảo:
– Nghĩa là vui chuyện, tôi nói cho các anh nghe chơi, chứ băm nhăm năm mươi đồng, thì tôi cũng chẳng phải nộp đồng nào.
Chánh hội vội vàng đáp:
– Lạy quan, như năm ngoái, mỗi xuất thẻ chả là bao, chỗ chúng con làm việc trong làng này như tôi con quan, nên không dám thu của quan, nhưng năm nay, bẩm nó cao quá.
– Chà, các anh phải bỏ tiền túi ra nộp cho tôi đấy hẳn? Chẳng qua các anh thu lạm của anh Cò, nhà Binh, thằng Sét với những đứa chúng nó. Bất quá các anh thí cho tôi xuất sưu, thì tôi che chở cho các anh. Chứ tôi đã làm việc với làng chán, lại không biết hay sao? Xuất sưu của tôi năm nay năm chục chứ giá hai trăm như nhà nước định, mà các anh trừ đi cho tôi, các anh cũng chả thiệt đi đâu đồng nào, đâu có đó cả.
– Quan tha tội cho, làm nghề nào ăn nghề ấy ạ.
– Ừ, thế chứ lỵ. Sao lúc đầu các anh lại nói ghét rằng năm nay quan bắt thu hơn năm ngoái nhiều? Tôi bảo cho các anh biết, tôi không phải đóng một xu thuế thân nào cả, các anh liệu làm thế nào thì làm. Chứ đừng giở luật lệ lý sự với tôi mà không xong đâu.
– Vâng, bẩm quan đã cho phép, chúng con mới giám quyết định. Vì chúng con chắc năm nay thuế mới, nhiều người phải đóng góp nặng hơn năm ngoái, họ kêu.
– Kêu thì vả tan họng chúng nó ra. Thế bao nhiêu đứa đóng vào hạng vô sản?
– Bẩm, đáng lý trăm rưởi người, nhưng quan trên chỉ cho có năm mươi người.
– Bao nhiêu thì bao, các anh cũng phải để dành mười xuất cho những đứa người nhà tôi.
– Bẩm tên những người nộp một đồng, đã kê vào sổ bổ cả rồi.
– Đâu, đưa xem nào.
– Không được. Thằng Cò, thằng Sét, với những thằng này, bắt nó đóng lên hạng sáu, hai đồng rưỡi cũng được. Mọi năm nó còn lo nổi kia mà. Có đứa nào đấy không, lấy đĩa trầu chứ.
Chẳng có tiếng thưa, Pha chạy xuống nhà dưới để gọi thì đã thấy ông nghị cởi trần trùng trục ra hiên, rồi vừa đi vừa xoắn cạp quần cháo lòng. Gặp Pha ông hỏi:
– Thằng Pha đấy à?
Đứng ngoài sân, Pha quay lại, vái chào:
– Dạ, lạy quan ạ.
– Có việc gì thế?
Pha rón rén bước lên hè, qua ngưỡng cửa, móc túi lấy cuộn giấy bạc, gãi tai thưa:
– Bẩm đội ơn quan cho con nhờ món tiền hôm nọ, hôm nay con xin nộp.
Ông nghị ra dáng giận dữ lắm. Còng lưng, nhăn mặt mà phàn nàn:
– Khổ lắm, ai đòi mà mày nộp?
– Lạy quan, quan nhận cho, con sợ để lâu không tiện.
– Tiện với chả không tiện gì. Thôi, tao chưa cần mà mày lại vay cào vay cấu ở đâu đấy chứ gì?
Pha nói thực:
– Lạy quan không, con bán gánh hàng của nhà con.
Ông nghị cau có để tỏ lòng thương hại, rồi chửi yêu mà mắng:
– Thế đấy. Ai đòi mà dại dột thế? Thôi được, tao biết bụng cho vợ chồng nhà mày, nghe chưa. Chỉ có gánh hàng để kiếm ăn, lại đem đi bán, lạ quá.
Rồi ông đặt tay lên vai anh Pha, đưa anh vào trong nhà âu yếm nói với ông chánh hội:
– Mình thương chúng nó mà chúng nó có hiểu lòng mình đâu.
Pha nhăn nhó năn nỉ:
– Bẩm quan, tiếng thế con cũng còn vài sào ruộng, và hai vợ chồng khỏe khoắn.
Ông nghị lại mắng át:
– Thôi đi, tao thương thì để tao thương, đem tiền về. Tao bảo không nghe, rồi tao ghét thì không ra gì đâu.
Pha yên lặng ngẫm nghĩ. Ông nghị nói:
– Nhân tiện có ông lý đây, để tao viết cho mấy chữ rồi điểm chỉ vào, nhờ ông ấy cho cái triện. Tao nhiều việc hay quên, biên thế cho nhớ.
Nói đoạn ông nghị loay hoay viết, rồi giảng qua loa cho anh nghe và đưa anh điểm chỉ.
– Anh lý cho nó cái triện.
Lý trưởng cầm tờ giấy ra sáng, đánh vần đọc:
– Tôi tên là Nguyễn văn Pha…
Ông nghị tặc lưỡi:
– Xem thôi mà, đọc to làm gì, văn tự nào không giống nhau.
Lý trưởng hiểu ý nói:
– Quan thương nhà anh nghèo. Chứ người ta còn thầy thợ, lạy sứt trán. Quan không cho vay đấy.
Pha nhăn nhó cố cười. Ông nghị cầm lấy bức văn tự đã đóng triện, bỏ vào tráp, và bảo Pha:
– Liệu kiếm cơi trầu tạ ông lý, nghe chưa?
Pha thở dài, cầm tập giấy bạc, chào mọi người rồi thui thủi ra về.
Anh rất bất mãn và lo lắng cho số phấn ba chục bạc này sẽ chẳng được lâu bền. Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống.