BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG (2)
Chương 2
ừng mắt ra, Pha ngồi nhổm dậy. Tuy ít ngủ, nhưng anh tỉnh táo lắm. Anh lắng tai nghe tiếng vợ thở đều đều, bèn khẽ ra nâng hé cái liếp để đi lại nhà bếp.
Trời xanh ngắt. Vừng đồng đã đỏ ửng, nhưng ánh nắng chưa láng đến tận sân. Gío hiu hiu làm xào xạc bụi tre, bỏ rơi những chiếc khô bay tơi tả.
Đứng một nơi râm mát và nghĩ đến vợ đẻ con trai. Pha sung sướng, khoan khoái lạ. Anh đã lẩn quẩn mãi đêm qua về nghĩ đặt tên con, và định hôm nay trước khi ra đồng cấy nốt cho bà trưởng Bạt, anh rẽ vào nhà thơ ký, nhờ ông ấy vào sổ khai sinh cho.
Bỗng một con gà mái đi kiếm mồi từ sau nhà ra sân trước, làm anh chú ý. Tự nhiên anh nghĩ đến cách sinh nhai vất vả của vợ. Mấy hôm trước chị vẩn tỏ ý tiếc mấy buổi chợ khi phải nằm một xó.
Con gà lò dò đến gốc cau, bớt đất rỉa sâu, rồi ngẩn cổ lên nhìn, và nhún một cái, nó nhảy đứng bám vào thành vại.
Pha sợ bẩn nước giơ tay ra đuổi. Con vật hoảng dang rộng hai cánh, nhảy xuống. Bất đồ con chó mực xồ ra theo đuổi. Con gà cuốn queo, vỗ cánh bay đành đạch, và cục cục kêu. Chó vồ theo. Gà quang quác chạy. Và hai con đuổi nhau sang vườn bên cạnh.
Pha chắc tiếng động này làm vợ thức giấc. Anh không thổi cơm vội, hãy đứng ở gốc nhà xem tình hình. Thì quả nhiên, chị đã ló cái mặt xanh nhợt ra ngoài cánh liếp:
– Gớm, gọi mãi mà chả thưa!
Người đàn bà ấy có dáng rất mệt nhọc, và vì mới đẻ, nên lại như gầy thêm. Chị tùm hum cái khăn vuông, mặc áo nâu dài và lận đôi dép một. Người ta bảo phụ nữ thuộc về phái đẹp. Song sự thực, với chị Pha hiện giờ, câu ấy hòan tòan có nghĩa mỉa mai.
Pha nhìn bộ dạng ốm yếu, chán nản của vợ thì thương hại. Anh nói:
– Tôi thổi cơm cho bu nó ăn, rồi đến đĩ Dự báo tin và xin cành cau, mang lại nhà ông Ký Chỉnh nhờ khai sinh cho thằng cu mới được.
– Thôi, phiền lắm.
– Đĩ Dự với tôi thì hắn tiếc cái gì.
Pha chắc chắn như vậy, vì Dự là em vợ, và hai anh em vốn thân với nhau. Nhưng vợ anh lại nói:
– Đi đâu mà vội. Trẻ con mà cứ chụp ảnh là một, khai sinh là hai, là chúa đội đấy.
Pha cười:
– Vẽ! Con bé dại trước thì ai khai sinh cho nó.
Đoạn anh vui vẻ mở rộng liếp ra và cùng vợ ngồi trên phản bàn việc:
– Này, bu nó ạ. Tôi định đặt tên cho thằng cu là Trộn. Bu nó bảo thế nào?
Chị nhăn mặt, lắc đầu:
– Không gọi thế, tên xấu lắm. Hôm nào đến nhờ ông làng Sáng đặt tên cho nó.
– Ồ, chả, chữ nghĩa gì, giỏ nhà ai quai nhà ấy, không cần, Quấy, Quậy, Hòa, Sáo, Pha! Thì tên thằng cu là Trộn, thế phải.
– Nhưng các bác có đặt tên cho lũ cháu thế đâu!
– Thì con bác Quậy chả là Sỏi, là Sành là gì.
Vợ chồng đương dở câu chuyện, bỗng bên hàng xóm, có tiếng the thé của bác trương Thi gái mắng con:
– Thằng Yểng hư thật, mày có tìm xem nó đâu không, ban sáng nó vừa lảng vảng đây mà.
Bác trương trai ồ ồ nói:
– Tao thấy nó chui qua hàng rào bác Pha đấy.
Bác trương gái lại the thé:
– Thế thì sang mà tìm, thấy đứa nào ăn cắp, đem mà đào mả bố nó lên!
Pha bị nói cạnh, bỗng nảy ra ý kiến:
– Bu nó ơi, phải rồi.
Rồi anh nói thầm, chị Pha cau mặt gắt:
– Cái gì nói to lên nào!
– Tôi nghĩ ra tên thằng cu rồi.
– Tên là gì?
– Để tôi bàn với cậu Dự rồi mai hãy khai sinh. Mai tôi bảo.
Chị Pha càu nhàu:
– Lại còn mai với chả kia. Thế nói bây giờ làm sao?
Pha vui vẻ, bảo vợ:
– Đặt tên nó là Bạch.
– Sao là Bạch?
– Thì nhé, trương Thi nó đặt tên con nó là Yểng, tội gì mình không gọi tên mình là Bạch.
Vợ Pha tươi tỉnh, thân mật nói khẽ:
– Thế tên bố nó là Bạch à?
Pha vênh váo đáp:
– Ừ!
– Ừ, chỗ hàng xóm với nhau, mà nó đi lấy tên bố mình đặt cho con nó thì tội gì mình không báo thù? Không đặt thế làng nước lại bảo mình lép.
Hai vợ chồng đồng ý với nhau. Nhưng trong buồng thằng bé con khóc, làm cho tắt câu chuyện đương nồng nàn.
– Ồ, gớm, khỏe chửa, đã ra ngoài đấy à.
Pha nhìn ra ngỏ, thấy bà trùm Sủng đương chống gậy đi đến, và theo sau là bác San gái, con dâu bà. Bà trùm nói:
– Chứ lỵ người ta yếu như mày ấy. Mẹ Mới nó đẻ xong, nó lội xuống ao ăn trộm liền, để sáng hôm sau đem ra chợ bán.
Pha chạy ra đón hai người. Bà trùm bảo:
– Hôm nay tôi nghĩ buổi chợ. Độ này cũng ế hàng.
Bác San dừng lại giơ roi đánh chó, và nói:
– Tôi thấy bà tôi nói bác gái ở cữ nên sang thăm đây.
– Tạ ơn bác.
– Thế bác gái ở cữ thằng cu hay cái đĩ?
Tuy Pha cho câu trả lời là thừa nhưng cũng đáp cho phải phép:
– Thằng cu bác ạ.
Bác San chẳng ngạc nhiên và cũng chẳng mừng hơn tí nào, tuy vậy bác cũng:
– Ồ, thề à! Thế bác gái nằm đâu?
Pha cho câu đáp mình là vô ích, vì bác San vừa thấy vợ mình vào buồng:
– Bu cháu nằm trong kia bác ạ.
Bà trùm chồng gậy, cố dướn mình bước lên thềm nhà rồi quay bảo con dâu:
– Chốc nửa về, mầy nhớ xin bác ấy nắm lá dành dành nhé. Tối qua tao thức khuya, mắt lại kệnh lên rồi.
Bác San không đáp, vẫn thân mật với Pha:
– Thấy nói bác gái ở cữ, gọi là thế, tôi có chục trứng cáy, đem sang bác ăn kiêng.
Pha cảm động đáp:
– Bác lại cứ cho! Bà tắm cho cháu, tôi chửa có gì cho lại, thế mà….
Bà trùm quay lại nói:
– Nhà nó biếu bác, bác cứ nhận đi cho nó được không. Ngày trước nhà bác ở cữ thằng cu Chắt, bác gái cho những năm quả trứng gà kia mà!
Pha từ chối cho phải phép, tuy vẫn biết mình có quyền nhận đồ biếu trả nợ. Anh chẳng ngần ngại lâu, giơ tay cầm lấy xâu trứng cáy và mời khách ngồi chơi ở quán. Vợ anh bế con ra. Bác sau đỡ lấy thằng bé, nhìn mặt nó hôn hít nó.
Một lát Pha đứng dậy nói.
– Mời mấy bác ngồi chơi, tôi đi đằng này có tí việc.
Bà trùm, cơ chừng vì thông minh hay hoặc vì lịch duyệt, đoán ngay chủ nhân định đi làm cái gì, vội vàng gạt:
– Đi đâu? Này, đừng làm cơm nước gì đấy, chúng tôi ăn cả rồi.
Chị Pha nhếch mép cười:
– Không phải chúng cháu định đến ngày đầy cữ, mới mổ con gà, trước là cúng mụ, sau là mới bà mời bác đến uống rượu.
Bà trùm chữa then cười, ha hả:
– Ừ, bây giờ có gà cứ nuôi cho béo đi.
Pha nói cho lạc câu chuyện:
– Tôi đi khai sinh cho thằng cu đây.
Vốn quen sống giản dị, bà trùm trịnh trọng mắng một cách thân mật:
– Thôi đừng vẽ. Lên năm, lên muời, nhờ trời chúng sống, lúc nào khai chẳng được.
– Thưa bác Tân cháu phải phép nhà nước bây giờ như thế, không có bố mẹ phải phạt.
– Thôi đi phép vua thua lệ làng. Tục ở đây không có khai sinh như thế. Lúc nào người ta phạt cứ bảo ông già bà cả ở làng này ngày xưa có khai sinh bao giờ, sao vẫn sống lâu bảy, tám mươi cả.
Bác San hỏi:
– Thế hai bác đặt tên cháu chưa?
– Rồi.
Vẫn giọng thân mật, bà trùm mắng:
– Gớm tên tuổi làm gì cho sớm. Cứ thằng cu mà gọi.
Chị Pha ngồi vững lại vì chị cần phải kể lể:
– Bà với bác tính thế thì ai nhịn được. Bên ấy hắn đặt tên cho thằng bé trùng tên với ông cháu, thì tôi tội gì không lấy ngay tên bố hắn đặt cho con tôi, để tôi réo cho sướng cái mồn.
Bà trùm làm như cũng giận lắm, hỏi dồn để thỏa chí tò mò:
– Ai?
Chị Pha trỏ sang bên nhà trương Thi:
– Lại còn ai!
– Thế bác định đặt thằng cu là Bạch à?
– Ừ.
Bác San can:
– Thôi người ta không bíêt, bác sang bảo người ta một tiếng, để người ta đổi tên đi, chứ hàng sớm láng giền với nhau mà!
Chị Pha vạch xuống chiếu, tức tối nói:
– Tôi nói dối tôi chết, còn bao nhiêu cái uất ức, tôi chịu nhịn bảy tám tháng nay, nó làm như bắt nạt tôi không bằng ấy.
Bác San vẫn can:
– Thôi máu non đừng nghĩ ngợi.
Ba trùm hất tất cả cái mặt đanh đá vào con dâu, thưỡi môi ra mắng:
– Câm mồn đi, chứ ly như vợ chồng nhà mày ấy.
Bác San lườm cãi:
– Bà bảo vợ chồng nhà tôi làm sao?
Bà trùm quai mồm ra:
– Thôi, già này xin! Mẹ kiếp! Bà chả thấy chúng nó làm gì cũng phải câm họng! Bà thì bà chửi cho ủng mồ ông tam đại tứ đại chứ bà lại chịu à!
Bác San sừng sộ toan cãi nữa, nhưng chị Pha can:
– Thôi xin bà, xin bác, để đến bận khác. Bà tính tôi làm như thế có phải không?
Bà trùm khen:
– Phải ăn miếng trả miếng, chứ cứ chịu nước lép thì có họa… Chả có thì kiện nhau đếm tam phủ, tứ phủ chứ chắc đã làm gì nhau tốt.
Nói đoạn bà trùm lấy nước tắm cho thằng Bạch rồi vẫn tức con dâu, bà mát mẻ “chào hai bác” rồi về trước. Bác San bế thằng bé, vạch vú cho nó bú, rồi khi thấy mẹ chồng ra khỏi cổng, bác bảo:
– Tôi ghét cái lối bà ấy cứ đem chuyện nhà nọ đi nhà kia nói. Ấy rồi thế nào nội ngày hôm nay, bên bác trương cũng biết chuyện này cho mà xem. Ở trong làng trong nước, nhất là hàng sớm láng giềng, ta nên chín bỏ làm mười, chứ không thì thù hận nhau đời đời.
Dứt câu nói, đôi bạn đã nghe tiếng bà trùm léo xéo bên nhà trương Thi, và chỉ độ mươi phút sau, ngay bên hàng rào, cạnh vách, tiếng the thé của vợ trương Thi, đã nổi lên để bình một bài văn bất hủ:
– Làng trên sớm dưới! Bên sau phía trước! Bên ngược bên xuôi! Tôi có con gà mái xám nó sắp ghẹ ổ, nó lạc ban sáng, mà thằng nào con nào ở gần đây mà qua, đứa ở xa mà lại, nó day tay mặt, nó đặt tay trái, nó bắt mất của tôi, thì buông tha nó ra, không thì tôi chửi cho đơơới!
Chém cha đứa bắt gà nhà bà! Chiều hôm qua bà cho nó ăn hãy còn, sáng hôm nay, con bà gọi hãy còn, mà bây giờ mày đã bắt mất. Mày muốn sống mà ở với chồng với con mày, thì mày buông tha thả bỏ nó ra, cho nó về nhà bà. Nhược bằng mày chấp chiếm, thì bà đào thằng tam đại tứ đại nhà mày lên, bà khai quật san bằng ngũ đại lục đại nhà mày lên. Nó ở nhà bà, nó là con gà, nó về nhà mày nó biến thành cú thành cáo, thành thần nanh đỏ mỏ, nó mổ chồng mổ con, mổ cái nhà mày cho mà xem. Ớ cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia! Mày mà giết gà nhà bà, thì một người ăn chết một, hai người ăn chết hai, ba người ăn chết ba, mày xuống Âm phủ mày bị quỷ sứ thần linh rút ruột ra, ớ cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia ạ!
Chị Pha câm tức như chính chị bị chửi. Chị run lên, nghiến răng, xỉa xói bảo bác San:
– Đấy, bác xem, ai mà nhịn được