BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG (24)

Chương 24

uy Pha không đi làm mướn nữa, song ở nhà, anh chẳng được nghỉ ngơi chút nào. Bệnh vợ anh không bớt. Cơm cháo chị không ăn. Thành ra chị xanh xao, gầy gò, và dài thêm. Đến đêm, chị lại nổi cơn ho, rũ ra mà ho. Con anh, vì đói sữa, khóc xa xả cả ngày. Nhà anh đã tối, lại tối hơn, vì người ốm sợ gió, nên không những cửa giả phải đóng im ỉm, mà các khe đều có dán giấy nhật trình. Bởi vậy, mùi hôi hám, hơi ẩm thấp, càng được lẩn quất ở trong, không có đường thoát ra ngoài. Họ hàng bà con, từ hôm nghe tin chị ốm nặng, mới năng lui tới, người mách thứ thuốc nọ, kẻ mách thứ thuốc kia. Nhưng anh chỉ có thể cho vợ dùng những thứ không phải mua mất tiền, hoặc ở sẵn quanh cọc giậu, hoặc cùng lắm, giá độ dăm ba xu. Bà trùm Sủng thì đoán chắc hôm đi làm ngoài đồng, chị qua miếu bà Cô nên chạm vía. Thôi ai bảo sao anh nghe vậy, nên đã phải sửa trầu cau, khăn áo cung kính đi lễ tạ. Bà lại thành thực chịu tốn kém, đi kêu cầu cho chị ở đền đức thánh Trần. Song bệnh người ốm vẫn không thuyên giảm. Cả ngày chị nóng như lò than, sù sù đắp chiếu và rên hừ hừ. Quần áo và người ngợm, lúc nào cũng đẫm những mồ hôi, bẩn thỉu.

Pha rất bối rối. Cha anh ngày xưa, và anh Hòa anh bây giờ, cũng đều góa vợ năm hăm bốn tuổi. Anh không tin sự linh thiêng của bà Cô và đức thánh Trần, vì anh chắc rằng số anh như vậy. Và vơ vẩn, anh sực nghĩ đến cái chiêm bao tháng trước, thấy ông nội anh về, ăn mặc rách rưới tiều tụy, anh mới đoán sở dĩ ít lâu nay, anh bị nhiều tai nạn, chẳng qua là động mộ. Ngôi mộ ông anh, năm nào đi tảo, anh cũng đắp cẩn thận, mà vẫn bị lún đi gần hết. Thôi, không còn hồ nghi gì nữa, anh bèn nhờ ông lang Sáng tìm cho một cho đất khác để giấu diếm mà cất mả tức khắc.

Chạy xong mộ, anh hơi yên tâm, song đêm mồng bốn từ trống tư trở đi, anh thấy chị cứ thở dài, buồn chân, buồn tay, hỏi không nói. Anh lo sợ đã phải phát khóc.

Nhưng ác quá, ngày mong năm đã tới, ngày mà ông nghị bảo anh đến lễ giỗ cụ cố ông. Ruột rối như mớ bòng bong, anh lại hỏi vợ:

– Bu nó thấy trong người thế nào, cứ nói cho thật?

Song chị Pha vẫn không đáp và nằm yên như cái xác chết. Bỗng lúc tan canh có tiếng Phát gọi cổng:

– Anh Pha ơi, quan bảo anh đến mổ lợn.

Pha bèn mời Phát vào nhà, trỏ vợ và đáp:

– Anh làm ơn về bẩm với quan hộ rằng nhà tôi nguy lắm, xin quan cho gọi người khác.

Phát đi một lát, lại có tiếng anh Hai nheo nhéo ngoài ngõ:

– Anh Pha, bà đang gắt um lên kia kìa. Bà bảo anh là đồ bạc, chỉ biết có vợ con.

Chị Pha nghe thấy, giục:

– Thì thầy nó đến một tí vậy.

– Đã đến thì chiều mới được về. Mà bu mày thế này, tôi có bụng nào mà đi cho đành.

Chị Pha thở dài, hổn hển nói:

– Nhưng thầy nó không đi không được đâu. Mấy thầy nó ở nhà tôi cũng không yên tâm. Rồi ông bà ấy ghét, lại đòi nợ, thì chết cả.

Pha thở mạnh một cái, phàn nàn:

– Đến thì hầu hạ bỏ mẹ, mất cả việc nhà. Chẳng những không được đồng công nào lại mất cả đồ lễ nữa.

Chị Pha nhăn nhó gắt:

– Nhưng mà ông ấy không kiếm chuyện về sau.

Hai người yên lặng, thì lại có tiếng gọi:

– Anh Pha ơi. Có vào ngay không. Quan đang chửi địa lên kia kìa.

Chị Pha giục:

– Thôi đi đi, khổ lắm. Vợ người ta ốm cũng không cho người ta trông nom.

Bất đắc dĩ, Pha đứng dậy, đi mua một chai rượu, một đinh vàng và một thẻ hương. Chỗ năm thùng thóc vay của nghị Lại, thế là anh không được tiêu cả cho anh.

Anh đến nhà ông nghị. Bà nghị thấy anh, mát mẻ khen:

– Mời ông vào xơi rượu. Ông khôn lắm, bây giờ ông mới thèm bước chân đến. Ông có hiếu với vợ ông lắm!

Nhưng thấy anh có đem đồ lễ, ông nghị cau mặt, tặc lưỡi gắt:

– Sao mày cứ bày vẽ. Thôi đưa đây tao nhận cho, rồi xuống nhà mà làm giúp.

Cổng lớn nhà ông nghị hôm nay mở toang để đón khách các nơi. Thật là một sự long trọng.

Dần dần xe pháo đỗ cửa. Mỗi khi có tiếng trống báo đánh tùng, thì ông nghị vội vàng đặt tẩu xuống, chụp quàng cái khăn vừa đi vừa cài khuy áo thụng trắng, chạy ra đón khách.

Ông kính cẩn vái khách và chắp hai tay đi theo sau. Trông vẻ mặt cố làm ra buồn rười rượi của ông trong ngày kỵ, không ai còn nhớ đến thuở xưa, ông đã chửi lại bố ông hai lần.

Đàn bà đàn ông các nơi về rất đông. Các ông chánh phó tổng, chánh phó lý, chánh phó hội, hoặc đương thứ, hoặc đã từ dịch, ai ai cũng mang đồ lễ hậu, khiến ông nghị rất cảm động. Một vài ông phán tỉnh và các bà ở Hà Nội cũng chung nhau thuê ô-tô để về. Nói tóm lại, ngày giỗ quan đông làm sao, thì ngày giỗ ông nghị Lại cũng đông thế. Quan, người ta sợ cái uy của quyền thế. Nghị Lại, người ta sợ cái uy của đồng tiền. Vì, cũng như Pha, khách khứa toàn là người có dây dưa nợ nần với ông nghị.

Song bọn có nợ cũng chia ra giai cấp như ở xã hội. Hạng sang trọng được ngồi chễm chệ trên nhà chờ ăn cỗ, nghe ông nghị cảm ơn. Hạng hèn hạ phải ở dưới bếp, phục dịch mửa mật, chờ mâm bưng xuống để ăn thừa và nghe bà nghị chửi đổng.

Nhất là Pha, từ sáng đến giờ bị chửi nhiều nhất. Bà nghị bảo anh khụng khượng, cho mời năm tin, mười tin mới đến, mà lúc đến còn hầu hạ không tận tâm, lại hay trốn việc, hễ vắng bà là tìm một xó để đứng.

Thực ra, lúc nào Pha cũng nghĩ đến vợ ốm sắp chết, nằm nhà một mình. Giá anh muốn lén về một lát cũng không thể được vì sau khi khách đã đông đủ, ông nghị sai đóng bịt cổng lại, cấm ngặt không cho lũ ăn mày được vào. Đầy tớ thân ông đứng canh cổng. Nếu Pha trốn, chắc hắn vào mách liền. Mà Pha lại sợ nữa, là nếu mình có mở hé cổng ra, làn sóng người đói rách tràn vào, làm nhớp mắt những người đang chè chén phởn phơ, thì trách nhiệm ắt mình phải chịu.

Bởi vậy, anh như người mất trí, lúc nào cũng lờ phờ, chẳng thiết làm việc gì, chỉ mong chóng được ăn mà về với vợ sắp hấp hối.

Đến mãi giữa trưa, khách nhà trên mới ăn xong. Bà nghị sai cất những đĩa nguyên đi, còn đĩa ăn dở thì trút vào với nhau, cho đầy tớ. Bọn điền tốt đặt mâm xuống đất ở bếp, ngồi xổm xung quanh, ăn uống. Cạnh đó những con chó cũng ngồi vểnh mõm lên chờ xương.

Pha yên lặng và vội vàng vài bát. Ăn xong, anh ngậm tăm, uống quàng bát nước, rồi lên nhà trên vẩn vơ đi tìm bà nghị, định xin phép về. Nhưng ngạc nhiên quá, đám xóc đĩa đang vui thú, tự nhiên tan và người ta nhốn nháo đứng cả dậy, đi tìm.

Thì ra một bà trắng như tiên, cả từ bộ răng cho đến cái mặt, cái quần, kêu mất chiếc nhẫn kim cương, vì ban nãy bà tháo ở tay ra để rửa mặt, rồi quên không đeo vào.

Ông nghị cáu lắm, xám mặt lại, ra hiên gọi lũ người nhà, bắt họ hãy bỏ đũa bát đấy, lập tức phải lên ông hỏi:

– Bà phán mất cái nhẫn kim cương, có đứa nào bắt được, thì phải đem nộp ngay, kẻo mang tiếng tao.

Mọi người ngơ ngác nhìn nhau. Xưa nay, Pha có biết nhẫn vàng bạc, chưa hề được nghe nói nhẫn kim cương bao giờ. Không biết nó quý thế nào. Không thấy ai đáp, ông nghị choang choang mắng:

– Chúng bây hầu hạ trong này, xưa nay tao vẫn tin cẩn, quanh năm đồ đạc không suy suyển cái gì, mà sao hôm nay lại thế?

Muốn tỏ ra mình thực thà để xin phép về trước, Pha thưa:

– Lạy quan, thực chúng con không biết. Từ sáng con ở nhà dưới.

Bà nghị hơi nghi, mắng:

– Không thể thế được. Mà Pha! Sao ban nãy tao thấy mày đi vơ vẩn hết buồng nọ đến buồng kia? Trong lúc này, một mất mười ngờ, chi bằng hãy khám một lượt đã. Chứ kẻ cắp ở lẫn với người, không chịu được, của bà phán cũng như của tao, đứa nào trót dại thì đem ra nộp, kẻo không ra gì với tao đâu.

Từng ấy mắt đổ dồn vào Pha, như để cố nhìn cho thấu tâm can anh. Nhưng tâm can anh chỉ rối lên về vợ ốm, nên phải ở lại, anh tức lắm.

– Bẩm thế xin bà lớn cứ khám.

Bà nghị hằn học nói:

– Đứa nào gian nên thú ngay, kẻo mang tiếng cả lũ. Mà khi tìm thấy, ta giải thằng ăn cắp lên huyện cho quan làm tội. Nếu không ra, tao phải tra ngay ở nhà này cho được.

Ai cũng có vẻ tức bực. Một người nói to:

– Anh nào xấu thói, đừng để anh em phải đòn lây.

Ông nghị bèn sai cô Ba ra canh cổng và bắt ngôn ngữ cởi áo. Một loạt thân người gầy gò, đen đủi, xếp hàng ở giữa sân. Vú em, vú già, và vợ các điền tốt, đều phải bỏ sự ngượng nghịu của đàn bà để chịu cái nhục hình cởi trần ra trước mắt mọi người. Họ oán thán vụng thầm. Ông nghị đầu đội nón dứa, tay cầm roi song, đứng cạnh từng người, nắn túi, nắn khăn, nắn cả cạp quần nữa. Đến lượt Pha, ông khám thật kỹ. Rồi khi xét kỹ, vẫn không có kết quả, ông ngần ngừ, lắc đầu, lại gọi Pha, khám riêng lại lượt nữa. Song vẫn vô hiệu. Mặt đỏ lên, ông hầm hầm, giơ roi dọa dẫm:

– Chúng bây thế này thì lệ thật. Nhưng cái kim trong bọc rồi một ngày cũng ra, thì cái nhẫn này chúng bây không nuốt trôi đâu. Có khôn hồn đem ra đây để về mà ở với vợ con, tao hẹn cho năm phút nữa, giấu chỗ nào thì đi mà lấy về. Những thằng ngay thực, phải đi tìm cho ra. Nếu không tao đã có cách xử.

– Chua cả mồm.

Một người phàn nàn thế, rồi bọn người tình nghi là gian được tản đi mỗi kẻ một nơi. Họ cố đi sục xem cái nhẫn kim cương bị giấu chỗ nào. Pha chán ngán. Anh đã phải ở lại mất bao thì giờ. Mà rồi cũng không biết lúc nào mới được về đây. Ruột anh nóng như nung.

Bỗng trên buồng nhà trên có tiếng giằng co và tiếng reo của Pha:

– Đưa tôi xem. Đây rồi!

Ai nấy mừng rú. Pha đã tóm dược đứa ăn cắp để minh oan cho anh em khố rách áo ôm. Người ta dồn dập chạy lên, thì, ô hay, không có lẽ đứa ăn cắp lại là… con trai ông nghị.

Cậu bé mười tuổi ấy, bị Pha móc chiếc nhẫn trong tay thì tức, nên đỏ mặt tía tai, cậu cứ mũi giày tây đạp mãi vào ngực và móng tay sắc cào nát mặt kẻ thù. Pha gỡ mãi mới được.

Trở Về

Tìm Kiếm