CÁ TÍNH CỦA MIỀN NAM (1)
ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
VÀ MIỀN HẬU GIANG VỚI NẾP SỐNG CỰC KHỔ
NHƯNG NHÀN RỖI
Tập sách này viết ra từ trước 1975 không lâu, riêng về nhan đề “Cá tính miền Nam” tôi và vài bạn thấy như chưa ổn, đáng lý ra phải gọi Phong cách, Nét đặc trưng hoặc gì gì đó, nhưng rồi đành chọn hai tiếng Cá tính. Điều quan trọng là quyển sách nói được những điều gì.
Đến nay, xem lại, thấy những nét lớn vẫn đúng, mặc dầu sự việc đã thay đổi, thí dụ như ngày nay người làm vườn đã thay đổi giống cây ăn trái, dùng xáng cỡ nhỏ để đào đất phù sa đưa lên bờ cù lao. Cây phảng ít thấy, đã cày máy, lúa xạ, không phải lom khón cấy vất vả như trước. Đáng lưu y chăng là nét tồn tại về tín ngưởng dân giang của người vùng biên giới An Giang. Và nét đặc trưng của kẻ sĩ thời xưa, sống sát với quần chúng, có tính quần chúng thì hợp với vơi đã mặc nhiên theo “kinh tế thị trường” từ khi mở nước. Vả lại, ta nhờ miền Nam là đồng bằng, với sông rạch và biển, “văn minh sông nước” là chủ yếu. Lại còn tiếp cận sớm và trực tiếp với các nước mà nay ta gọi là EASEAN. Tác động của tư bản Tây phương đã có, ngay từ buổi đầu.
Lòng yêu nước, yêu quê hương được thể hiện rõ nét, mẫu số chung của cả nước vẫn là vậy. Các tín ngưởng, thậm chí các tổ chức HỘI kín vẫn là nhằm đánh đổ thực dân.
Miền Nam bị thực dân xâm chiếm 25 năm, xem như một thế hệ trước miền Bắc, miền Trung, sông Cửu Long, sông Đồng Nai khác với sông Hương, sông Hồng về địa lý, cách khai thác mặc nhiên là khác. Ở đâu dân ta cũng sản xuất, xây dựng gia đình, cần cù, chịu sự áp bức của thực dân, phong kiến nhưng mức độ khác nhau.
Riêng tôi, nay thấy ngậm ngùi khi đọc lại những trang viết công phu về đạo tứ Ân ở Bảy Núi (An giang). Hồi chiến tranh biên giới Tây Nam vừa bùng nổ, gần như 70 phần trăm đồng bào ở đây bị thảm sát. Xã Ba chúc anh hùng, nay còn đài tưởng niệm, còn nơi trưng bày tội ác của Khơ – me đỏ là nơi mà đồng bào nên cố gắng đến viếng, tuy xa xôi.
Tư liệu trích dẫn ở đây phần lớn chưa ai đọc và phát hiện, tạm dẫn chứng để làm cơ sở, ngõ hầu các bạn trẻ nghiên cứu kỹ hơn. Tái bản “Cá tính miền Nam” đợt kỷ niệm 300 năm lịch sử mở đất của Sài Gòn – Nam Bộ cũng nhằm khẳng định cái riêng, sự đa dạng phong phú được bắt nguồn từ cái chung cội nguồn của tính cách con người Việt Nam cao quí được thử thách trong tiến trình lịch sử 4.000 năm dựng và giữ nước của dân tộc
Tháng 11 -1997.
Sơn Nam
So với Bắc và Trung phần thì Nam phần là nơi dễ sinh sống, đất rộng người thưa. Người dân thảnh thơi: vừa làm vừa chơi cũng đủ ăn. Chúng ta thử nhìn kỹ hơn để tìm hiểu nhờ đâu có sự thảnh thơi ấy. Sông Cửu long chảy dài từ Tây tạng xuống Nam Hải (nay ta gọi là biển Đông-BTV), mỗi năm một mùa lụt ( gọi là mùa nước lên, mùa nước nổi), hai bên bờ sông tuyệt nhiên không có bờ đê, từ hồi Vương quốc phù Nam đến vương quốc Chân lạp vẫn thế. Đất rộng người thưa, không đủ nhân công vả lại vào mùa nước lụt hãy còn nhiều giồng đất cao ráo không bị ngập, đủ chỗ cho dân cư ngụ. Phù sa tràn vào ruộng, làm cho đất thêm màu mỡ. Cá tôm cũng theo nước mà vào rạch, xuống địa, hoặc vào mấy khu rừng cầm thủy, thường là rừng tràm, tha hồ sanh sôi nảy nở.
Không thì cứ canh tác theo thời tiết và phỏng đoán mực nước tối đa vào mùa nước nổi, có xê dịch vài tấc cũng không đủ gây tai hại đói kém ngày đêm khỏi phải làm công tác đắp đê hoặc gìn giữ đê cho khỏi vỡ như trường hợp ở Bắc phần.
Mực nước lụt đôi khi thay đổi gây thiệt hại chỉ là từng địa phương nỏ, rủi như mùa màng bị tiêu hủy thì dân địa phương này có thể tìm lúa ăn do các vùng phụ cận cung cấp.
Nạn lụt gây cảnh chết chóc hàng trăm người, dường như mỗi thế kỷ chỉ xảy ra một đôi lần mà thôi. Bão tố ở Nam phần tuy có nhưng quá nhẹ so với miền Trung. Đại khái, khi cân nhắc lại những thiên tai hạn hán, đồng bào ở Nam phần chỉ biết dẫn chứng trận bão lụt năm Giáp Thìn (1904) gây thiệt hại cho tỉnh Gò Công. Hoặc nạn cào cào chỉ xảy ra một lần ở Gò Công năm Ất tỵ (1905). Năm sau cũng ở Gò Công xảy ra nạn “bạch đồng” trời cứ nắng suốt mùa mưa, lúa không cấy được, nước dưới sông không lớn không ròng.
Đã khỏi gìn giữ tu bổ bờ đê, người dân lại được nhẹ công việc canh tuần. Làng ở Nam phần không có lũy tre bao bọc. Hình thế của làng thường là chạy dài theo hai bờ sông bờ rạch, với một lớp nhà, phía sau là vườn rồi ruộng, chỉ ở nơi ngã ba hoặc ngã tư thì nhà cửa mới đông đúc hơn, trở thành những chợ nhỏ. Ranh giới của làng thường thay đổi, trồng tre chỉ là để tạo bóng mát chung quanh nhà, có thêm vật liệu dùng vào việc lặt vặt, thế thôi. Vả lại, không tài nào canh phòng nổi một làng dài bảy tám cây số ngàn hoặc dài hơn nữa, với số dân ít ỏi. Bọn trộm cướp cứ chạy ra ngoài ruộng hoặc bơi xuồng qua làng khác bên kia bờ rạch, bên kia cánh đồng
Nói chung thì khí hậu ở miền Nam không được tốt cho lắm. Ở Bắc phần, nếu miền thượng du nhiều sơn lam chướng khí thì vùng hạ lưu lại trong lành, với hoa bướm của bốn mùa rõ rệt.
“Miền Nam với mưa nắng hai mùa đã người bức, ẩm thấp lại còn là nơi mà muỗn mòng, kiến, mọt mối, rắn rít, đỉa vắt tha hồ sanh sôi nẩy nở. Khi mùa nắng sắp chấm dứt, bịnh dịch thường xảy ra, lại còn bịnh kiết, bịnh rét rừng với những biến chứng như đau ruột, đau gan. Ngày qua ngày, với sự chia thác đất đai, bụi rậm và nước đọng bớt dần. Ta không nên phỏng định quá thây về tỷ lệ người chết vì bịnh, hàng năm, trước khi có chích thuốc ngừa, trồng trái. Khi mới chiếm Nam Kỳ, người Pháp rất bi quan và nhận định rằng không thể nào định cư được, chỉ là ở tạm rồi về. Họ sợ muỗi mòng, sợ nắng chói, sợ rắn, sợ những buổi chiều vào đầu mùa mưa, nắng người bức rồi mưa rơi và sấm sét liên hồi.
Về đất phù sa, chúng ta nên nhìn kỹ và tránh những ảo tưởng cho rằng đồng bằng sông Cửu Long quá phì nhiêu. Ở vùng đất rộng này có nhiều “tiểu hình thể” khác nhau: nơi nước mặn, nước phèn, nơi nước ngọt; nơi ngập lụt gần như sình lầy mãn năm, nơi cao ráo; nơi làm ruộng làm vườn được, nơi thì hoang vu, cỏ lác, dưng cỏ năn mọc lưa thưa.
Phù sa được gọi nôm na là đất mở gà, bãi sình. Nước có phù sa gọi nôm là nước đỏ, nước son. Nhiều vùng đất ở sát bờ Tiền Giang hoặc Hậu Giang tuy quanh năm nước ngọt nhưng đất quá xấu, lần hồi trở nên cằn cỗi vì nước son, nước đỏ trở đầy phù sa cứ trôi đi tuốt, không tích tụ lại được, không cứ ở bờ sông cái là sống thong dong, tha hồ trồng cam quýt. Chúng ta thử xem khung cảnh vài nơi ở Long Xuyên – Châu Đốc hoặc Đồng Tháp Mười buồn bã. Tuy là ở gần sông Tiền sông Hậu những cánh đồng giữa Sa Đéc, Long Xuyên quá nhàm, thua xa vùng Tân An, Cần Giuộc là nơi có con sông kém quan trọng hơn chảy qua.
Muốn cho phù sa kết tụ (trầm tích) lại, cần rất nhiều điều kiện.
– Nước ngọt và nước mặn gặp nhau
– Trên đất giồng ở bờ sông có lùm bụi nhiều, như lác, sậy,cỏ tim bấc, lục bình
– Sông già, không chảy thẳng, có nhiều nơi uốn khúc, có doi có vịnh
“Tiền Giang sông già, nên trầm tích, trái lại Hậu Giang còn sức vận chuyển mạnh nên không trầm tích nhiều.
“Mặt khác, các giồng ven sông Tiền Giang quan trọng ở Mỹ tho, có lẽ là do sự xâm thực triền lỏm của các nếp uốn, và vì sức vận chuyển của sông yếu nên có sự bồi đắp của khối vật liệu liền theo đó”.
Tiền giang đón nhận nhiều phù sa hơn Hậu giang, và trên Tiền giang, vùng Mỹ Tho là nơi được ưu đãi nhất, với những con rạch đón nhận phù sa và cù lao phì nhiêu giữa sông cái.
Suốt hai bên bờ Hậu giang thuộc Việt nam, chỉ riêng con rạch Bình thủy, rạch Cần thơ là trù phú, có thể so sánh với miệt vườn bên Tiền Giang.
Vùng Mỹ tho quả thật là địa đàng với những con rạch nhiều nhóc nhách như Cái Thìa, Cái Bè, Rạch Gầm, cù lao Năm Thôn.
Đáng chú ý là phía bên kia Cái Bè, còn vùng Chợ Lách, Cái Mơn lừng danh. Rạch Sa Đéc ở hữu ngạn Tiền Giang cũng được ưu đãi. Phù sa trôi vào rạch, vào mương vườn, vào ao; khi nước ròng, trên cầu ao hiện ra một lớp bùn non, gọi là đất mỡ gà (màu giống mỡ gà) dày đến mức hễ vô ý bước xuống là có thể trượt té. Người làm vườn móc đất dưới mương, hai năm một lần, bằng không thì mương cạn.
Ruộng vườn tốt, rau cải cũng tốt, cá tôm dư ăn trong gia đình, quanh năm nước ngọt, mùa nước nổi nhà không bị ngập, muốn đi xóm hoặc chuyên chở hàng hóa thì dùng đường thủy, ngoài huê lợi ruộng còn huê lợi vườn.
Quãng đường từ Sầm Giang, Mỹ Đức Tây, Cái Cối, Trà lọt, An Hữu đến bến đò Mỹ Thuận xoài xum xuê hai bên bờ rạch, vườn tược xanh um, với một mẫu đất là dư sống. Bến đò Mỹ thuận phô bày tất cả tặng phẩm của sông Cửu long: nào trái ngon, cơm trắng, tôm, ổi, mứt chuối.
Nhờ khả năng thích ứng với hoàn cảnh và biết tổng kết kinh nghiệm về trồng tỉa ngay ở những vùng hẻo lánh bất lợi, nên nếp sống con người lần hồi trở nên thuần thục. nhà cửa chú trọng vào cách bố trí những bộ cán để nghỉ ngơi trong mùa nực. Về trồng tỉa, tuyển chọn loại cây thích hợp với chất đất ở địa phương để rồi trở thành sản phẩm độc đáo: cam Cái bè, chôm chôm Cái Mon, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, quýt Sa đéc, Quýt và Cam ở Bình Thủy, Phong Điền ( Cần thơ). Về thức ăn chọn những món “cây nhà lá vườn” tuy là tầm thường nhưng nếu ăn đúng lúc thì quả là phong lưu. Trồng bầu vào tháng 9 âm lịch để rồi khi trái vừa lớn là tới lúc có cá trê, nấu cá trê canh bầu vùng ruộng sạ, gạo không ngon nhưng gạo lúa sạ vừa mới gặt nấu cháo trắng ăn với khô cá lóc thì hương vị khó quên được. Nắng hạn, rủ vài người bạn ra giữa đồng đêm theo cái hộp quẹt, một gói muối hô, vài trái ớt rồi đến vũng nước khô cạn nào đó mà bắt cá lóc to con, đốt gốc rạ và rơm mà nướng trui, chấm muối ớt, nhai thêm vài ngọn lá nghễ bên ao. Lươn, rùa, ếch, rắn được chế biến thành ra nhiều thức ăn ngon.
Mùa nắng ăn chanh chua vừa khỏe vừa đỡ khát, hoặc là khổ qua hầm thịt. Bí rợ hầm nước dừa, ăn với mắm chưng vào buổi trưa, dưới cơn mưa lất phất khi cấy lúa gần rồi công. Mắm sống ăn với gừng non. Măng tre Mạnh tông hầm thịt là cao lương mỹ vị.
Ngoài cây Tùng trồng làm cảnh hoặc cây Tre để nhắc nhở thiết tháo của bậc trượng phu, ngày Tết có Mai vàng, đất xấu tốt đều trồng được. Cây Mai chiếu thủy (còn gọi là mai hoằng) cây cần thăng, cây kim quýt, thậm chí tới cây gừa được chọn lực vì lá đẹp vóc dáng xinh.
Rước thợ Bắc về để chạm trổ nhà cửa là phong lưu tột bậc, thợ ở luôn tại nhà, làm lai rai hết công chuyện này qua công chuyện kia, chủ nhà nuôi cơm đôi ba năm. Lại còn thói ganh đua mua sắm đồ sành sứ “ chơi đồ xưa” hoặc thi tài tuyển chọn giống gà nòi, cá thia lia.