CÁ TÍNH CỦA MIỀN NAM (10)
LÀNG AN ĐỊNH BỊ GIẢI TÁN
Tín đồ Tứ Ân cứ tập hợp rộn rịp bất thường, thực dân được báo cáo là cuộc dấy loạn lại sắp diễn ra ngay trên địa phận tỉnh Châu Đốc. Chủ tỉnh Châu Đốc muốn tỏ thái độ dứt khoát nên đánh điện tín về Sài Gòn yêu cầu được gặp viên giám đốc Nội vụ để bàn về một kế hoạch hết sức quan trọng; đối phó với tín đồ Tứ Ân ở núi Tượng, nơi có ngôi chùa nổi danh toàn cõi Nam Kỳ mà ông Năm Thiếp đang cư ngụ “uy tín tinh thần của ông còn mạnh, ông là giáo chủ của tôn giáo mới” và “theo lời đồn đãi của một số nho sĩ già chống đối sự khai hóa của Pháp thì chùa nói trên là trung tâm điểm để phát khởi một phong trào phục hưng cho dân An Nam”.
Thực dân còn nghe tin có toán quân gồm người Miên và người Việt do một ông hoàng Cao Miên cầm đầu đang xuất hiện trên lãnh thổ tỉnh Châu đốc, giữa núi Trà sư và núi Dài. Thiếu tá Peignaux cầm đầu toán quân gồm lính Pháp (thuộc thủy quân lục chiến) và lính tập bổn xứ đến tảo thanh, giết vài người và bắt một số cầm tù. Sauk hi hạch hỏi, bọn Pháp thấy rõ là không thấy ông hoàng Cao Miên nào cả, loạn quân gồm đại đa số là người Việt cư ngụ ở làng An Định.
Cuộc hành binh qui mô nói trên diễn ra từ ngày 13 đến ngày 29 – 5 – 1887, cứ tiến vào An Định. Tên Việt gian lợi hại là cai tổng Trương văn Keo thừa dịp này trổ tài điểm chỉ và trả thù cá nhân. Bọn Pháp muốn một số người điểm chỉ và dẫn đường, chọn đem theo vài người biết chữ nho, biết tiếng Miên, viên chỉ huy Pháp thừa dịp thử cưỡi voi.
Chùa chiền ở An Định bị đốt sạch một lần chót, đồng bào Tứ Ân bị tập trung để kiểm soát từng người về tên họ và lý lịch để rồi bị tống xuất trở về quê quán.
Bảng kê khai chính thức nêu ra 407 gia đình ở An định gồm tất cả nam, phụ, lão, ấu là 1.990 người của 13 tỉnh khác nhau ở toàn cõi Nam Kỳ, Sa đéc 16 gia trưởng, Bến tre 26, Sài Gòn (nên hiểu là tỉnh Gia Định ngày nay) 16, Tân An 24, Vĩnh long 30, Mỹ tho 55, Chợ lớn 14, Long xuyên 35, Cần thơ 14, Sóc trăng 1, Hà tiên 2, Châu đốc 98.
Làng An định là thành quả tinh thần của những người yêu nước toàn cõi Nam Kỳ, tuy là xa xôi hẻo lánh nhưng người ở Chợ lớn, Gia định vẫn đến, với tỉ lệ khá cao.
Thống đốc Nam Kỳ chỉ thị cho các chủ tỉnh theo dõi những người vừa được đưa về quê cũ, nhưng đồng bào Tứ Ân lúc bấy giờ tìm cách trốn ở lại để cùng tranh đấu bên cạnh đức bổn sư. Thí dụ như trường hợp tỉnh Bến tre, trong danh sách ghi là 24 gia đình, nhưng chỉ 11 gia trưởng về trình diện tại nhà mà thôi.
Về mặt hành chính, làng An định bị chính thức giải tán, lãnh thổ của làng nhập qua làng kế cận là Ba chúc.
Từ đó đức Bổn sư (ông năm Thiếp) và các tín đồ phải lẩn tránh. Bọn Việt gian như cai tổng Keo tha hồ bắt bớ, đắc lực nhứt là viên huyện Cuey Kiên (người Miên). Bọn này cứ dẫn lích mã tà đi lục soát trên núi, bắt trâu bò của dân mà làm tiệc. Bọn Pháp không thấy gì là bên này biên giới, nhưng hai nhân vật ở trong đất Miên xa chừng 20 cây số ngàn tại vùng Phnom Ba Giông vẫn thường liên lạc về núi Tượng. Nhân vật thứ nhứt là Hai Phép, tay do thám mà phủ Lộc đưa vào hang ngũ đạo tứ Ân từ năm 1880 nhưng về sau lại hối cải, theo phe đức Bổn sư. Nhân vật thứ nhì là ông Tư Phong, già trên 60 tuổi, học hành giỏi, từ năm 1866-1867 tham gia những cuộc khởi nghĩa ở Vĩnh long, Sa đéc, Gò công. Năm 1868, ông bị bắt tại Vũng Liêm, lãnh án lưu đày chung thân qua Nam Mỹ châu (Cayenne), được ân xá, sau đó về cư ngụ tại tỉnh Chợ lớn rồi đến núi Tượng lien lạc với đức bổn sư.
Năm 1889, đề đốc Bùi văn Thuận bị bắt tại giồng Bat ha, thực dân kết án 30 năm lưu đày ra Côn đảo. Nhờ lời khai mà ta biết them là Bùi văn Thuận được phong chức bởi viên chỉ huy khởi nghĩa tên là Pus nou Luc Chluc (dưới quyền ông hoàng Si-Vatha) lãnh trách nhiệm hoạt động ở tỉnh Tréang. Bấy giờ, người Việt nam lãnh “bằng cấp” của người Miên để khởi nghĩa với danh chính ngôn thuận. Bùi văn Thuận lãnh chức phó nguyên soái có lẽ vì chức Chánh nguyên soái trên nguyên tắc thuộc về người chỉ huy Miên vì ở lãnh thổ Miên. Lãnh tụ thứ nhì là Lê văn Quý bị bắt rồi chết ở khám đường Châu đốc. Thực dân ra lịnh tập nã những người quan trọng còn sót lại. Riêng ông năm Thiếp thì ẩn tránh khéo léo, cai tổng Keo nhiều lần theo dõi tận núi Két nhưng không gặp.
Ngài viên tịch năm 1890, từ thuở thiếu niên đến ngày sau cùng luôn luôn tích cực chống Pháp. Tương truyền rằng sau khi phong trào Cần vương ở miền Trung thất bại, một chiến sĩ từ miền Trung len lỏi vào để mưu đồ tiếp tục nghiệp lớn. Ngài cố ý lánh mặt vì thấy tình hình không còn thuận lợi. Chiến sĩ vô danh ấy vốn là cận thần của vua Hàm Nghi, vì không gặp nên đành ngậm ngùi ra đi, để lại bài thơ như sau:
Cửa thiền rày đã bặt hơi bon,
Quê hạc hương bay kiểng vẫn còn
Tiếng trống quân canh đâu lặng lẽ?
Kèn chiêu muôn dặm hãy còn non.
Dưới hố mưa lấp sen tơi tả,
Trên đỉnh sương sa đá mỏi mòn.
Ngàn thuở điểm đã ghi dạ ngọc,
Chin trùng non nước biệt tôi con.
Giáo thuyết Bửu sơn Kỳ Hương được Bổn sư áp dụng sát với hoàn cảnh miền Nam với phong trào Cần vương, liên kết với người Cao Miên. Đây là thái độ sáng tạo nhập thế, gần như vô điều kiện; đừng nghĩ tới chuyện xa xôi, hãy cố gắng tu tập. Hội Long hoa tức là ngày đất nước độc lập, không còn bóng quân ngoại xâm. Hình bóng đức Phật Di lặc và hình bóng Tổ quốc đã hòa hợp như là một. Cõi tiên, cõi cực lạc không phải là ở bên Tây tạng, ở Ấn độ nhưng là ở ngay làng mạc mà ta đang sinh sống, một cõi thiên đường tại thế.
Làng An định ngày nay là một viện Bảo tàng sống. Những nét mà thực dân ghi chép trên công văn, trong báo cáo chỉ là thiếu sót nghèo nàn so với nền chùa, những hốc đá, những con đường mòn và nụ cười hồn nhiên của đồng bào địa phương. Đồng bào ở đay ít chịu khoe khoang, ghi chép. Còn nhiều pho kinh, đặc biệt là những bài văn có giá trị về văn chương, về sử liệu, điển hình nhứt là Văn Vườn Dâu ghi lại những ngày tị nạn lận đận của đồng bào đã vượt biên giới, qua Cao Miên với đức Bổn sư. So sánh sự kiện trong bài văn với tài liệu, công văn thời Pháp thuộc, rồi phối hợp với trí nhớ của ông gìa bà cả địa phương, lần hồi chúng ta thấy rõ rệt hơn những nét đẹp, yêu đời, yêu Tổ quốc của đồng bào hồi cuối thế kỷ qua.
Cụ Phan bội Châu đã am hiểu tình thế và đánh giá đúng mức phong trào Cần vương của Miền Nam nên vào năm 1903 đã vào tận Thất sơn để gặp tại ngôi chùa nọ một người nặng lòng non nước, họ Trần.
Thực dân Pháp cố ý đánh giá thấp những việc vừa kể trên. Đại khái, chúng nhìn nhận đã đốt một ngôi chùa ở làng An định.
Các vị thức giả đa số ở miền Bắc, miền Trung hoặc ở Sài gòn thì đòi hỏi những tài liệu đáng tin cậy khi nghe những giai thoại về Thất sơn huyền bí.
Chúng tôi đã cố gắng giải đáp. Phong trào nói trên tuy không có chiều rộng nhưng quả thật có chiều cao và chiều sâu. Và dư âm hãy còn mạnh ở Hậu giang.
(sách thiếu…?) không phải từ dưới Sóc Trăng. Và nếu không đề phòng thì trong hai năm tới ở Nam Kỳ sẽ có một chính phủ bí mật, có thể gây nhiều rắc rối nghiêm trọng cho nhà nước.
Một ông hội đồng quản hạt quả quyết rằng mục đích của Thiên Địa Hội không phải là để tương tế, vì nếu tương tế thì tại sao người Hoa kiều không rủ người Hoa kiều mà lại rủ người Việt gia nhập theo? Luật lệ hiện hành quá nhẹ nên hội viên không sợ. Đến mức chót, Thống đốc Nam Kỳ báo cáo tình hình cho Tổng trưởng Hải quân và Thuộc địa bên Pháp: “Trước kia đã có Thiên địa Hội, nhưng bây giờ lan tràn, kết nạp người Việt lẫn người Cao Miên. Họ dung thủ đoạn mua chuộc bằng tiền bạc, tương trợ người nghèo, ai không gia nhập thì bị hăm dọa. Luật lệ quá dễ dãi với họ, trước kia thời đàng cựu, mỗi năm ở Nam kỳ nhà vua xử trảm trung bình từ 200 đến 300 người, từ năm rồi, chánh phủ thuộc địa không xử tử người nào hết”. Thống đốc Nam kỳ tỏ ra bi quan “không nên nghĩ đến chuyện tận diệt Thiên địa hội vì ở bên Trung hoa mặc dầu áp dụng những hình phạt cực kỳ ác độc, hội ấy vẫn còn hoạt động, tốt hơn hết là chú trọng tới khu vực xa xôi khó kiểm soát mà Thiên địa Hội dựa vào để hoạt động, đó là vùng Sóc Trăng, Cà mau rộng cỡ 12.000 cây số vuông.