CÁ TÍNH CỦA MIỀN NAM (14)

VỤ PHAN XÍCH LONG NĂM 1913 VÀ 1916

Năm quý Sửu có vụ Phan Xích Long làm “cách mạng”. Phan  Phát Sanh tự Lạc năm ấy (1913) vưa hai mươi tuổi, con của Phan Núi là cảnh sát trong Chợ Lớn. Lúc nhỏ không ham học, lớn ở bồi với Tây, bỗng xưng Phan Xích Long, tự cho mình là Đông cung, con vua Hàm Nghi, sắm mão và dây đai vàng, tự tôn làm hoàng đế, lập đảng kín, chế tạo lựu đạn trái phá, in trát dán khắp Chợ Sài gòn, Chợ lớn, Bình Tây kêu gọi dân nổi dậy chống Pháp. Việc làm như giả ngộ, chưa chi mà lậu sự bắt bớ lung tung. Phan Xích Long bị cò Tây bắt tại Phan Thiết, còng giải về Sài gòn. Đồng đảng cả thảy bị bắt 111 người, đem ra tòa Áo đỏ xử từ mùng 5 đến 12 tháng 11 dương lịch 1913, tha bổng 57 người, nặng hơn hết là án chung thân khổ sai 6 người, Phan Xích Long, Nguyễn Tri và Nguyễn Hiệp, án hiện diện; còn Nguyễn Màng, Trương Phước và Nguyễn Ngọ trốn thoát không bắt được, bị án Khiếm diện. Ba người này bị giam Khám lớn Sài gòn, làm trấn động giới giang hồ mã thượng”.

Qua lời bạch hỏi của tòa án, vụ Phan Xích Long chứa nhiều chi tiết qua trọng.

– Trong 57 người bị kêu án, chỉ có 1 người Hoa kiều mà thôi, kỳ dư là người Việt nam đa số là dân ở tỉnh Chợ lớn và tỉnh Tân An.

– Phan Xích Long, Nguyễn Tri và Nguyễn Hiệp là nhân vật hành động có ý thức. Trước tòa, Phan Xích Long dám bảo: ông chống đối chính sách thuế khóa nặng nề của người Tây và đặt những trái bom trong thành phố là để hăm dọa người Tây, để mong người Tây giảm thuế cho dân. Và cách chế tạo mấy quả bom thì ông học ở bên Xiêm La.

– Cùng với Nguyễn Tri và Nguyễn Hiệp, Phan Xích Long đặt cơ sở đầu tiên ở đất Cao Miên tại Cần Vọt, cất ngôi chùa do tiền bạc quyên để làm nơi tụ họp. Nên nhớ là vùng Cần Vọt (Kampot) được xem là nơi trú ngụ lý tưởng của những chiến sĩ Cần Vương, sau khi phong trào ở làng An Định (núi Tượng ) thất bại, dân làng bị tống xuất về quê cũ. Phan Xích Long vẫn giữ được tinh thần vững chắc, trả lời với tòa rằng ông xem thường cái chết, sẵn sang chết vì nước và muốn được xử tử.

– Nguyễn Hiệp cung khai rằng chống nhà nước Tây là có dụng ý nhắc nhở nhà nước phải thương dân, là mấy quả bom chỉ là để dọa người Tây chớ không có ý giết người Việt. Năm ấy, Nguyễn Hiệp 27 tuổi.

Ba năm sau, phong trào lại phát khởi:

– “ qua năm Bính Thìn (1916) giữa trạn Âu châu đại chiến bên trời Tây, tây thua liểng xiểng thì đêm 12 tháng giêng âm lịch, đảng kín Thiên Địa Hội tổ chức cuộc phá khám định cứu đại ca ra khỏi vòng dủ lý. Ban đầu rất nhiều thuyền nhỏ tứ xứ đến đậu chen nhau dưới gầm cầu móng Khánh Hội, đến ba giờ khuya là khởi sự. Dưới khẩu hiệu “Cứu Đại ca”, các đồng đảng đều thảy uống bùa, cổ mang phù chú, tay cầm gươm mác, kéo lên Khám lớn Sài gòn. Dao nói chuyện với súng làm sao lại, bùa chú chống đạn chỉ có hiệu lực trong trí óc người mê tín. Sự thực thì hai người bị bắn chết tại cửa Khám lớn, bốn người bị rượt theo, bắn ngã tại xóm Dầu trong Chợ lớn. Đồng đảng bất cứ đàn ông đàn bà ai mặc quần đen áo trắng buổi sáng ấy cứ luẩn quẩn trong xóm, tình nghi là bị bắt nhốt khám, đem ra xử tòa đại hình. Kết cuộc: 38 người bị xử tại Đồng tập trận và bắn ngày 22 tháng 2 năm 1916, kể luôn hai người đêm phá khám bị tử chiến tại trận tiền và 4 người bị hạ sát tại Xóm Dầu thì cuộc phá khám năm 1914 đã khiến 57 vị anh hùng, ghi tên vào sử, nhưng thây thì bị chôn vùi “đất thánh Chà”đường Hiền Vương, cho đến mới đây nghĩa địa này bị bom phá thành bình địa, xây xóm nhà anh  em lao động tài xế đô thành, mồ mả xiêu lạc mất tích luôn nhưng danh thơm còn mãi trong trí óc người yêu nước.

Vụ hành quyết 51 người yêu nước trên đây đã khiến cho vài người Pháp bất mãn, trong đó có viên chưởng lý Tricon. Sau này, chính ông Tricon làm luật sư biện hộ hùng hồn cho những nông dân bị Tòa án quân sự xử tử nhưng nhà nước phải để cho can nhân chống án qua  Pháp. Đành rằng nước Pháp trong tình trạng chiến tranh, tình thế khẩn cấp, nhưng ở thuộc địa Nam kỳ là nơi cách xa chánh quốc đến 16.000 cây số thì làm sao có việc khẩn cấp như ở chánh quốc được. Và viên chưởng lý Tricon công khai phản đối hành động của Thống đốc Nam kỳ, khi tên này cho hành quyết các can phạm.

Phong trào Thiên Địa hội từ các tỉnh Nam Kỳ đã phối hợp với Sài gòn- Chợ lớn tại Mỹ tho, vùng Long Hưng, vùng Thuộc Nhiêu, vùng Cù lao Thới sơn, nhóm Nghĩa Hòa tham gia tích cực. Vào cuối tháng 1-1916, phong trào nổi lên ở vài làng tỉnh Trà Vinh, đạt thành công nhát định ở tỉnh phải ghi công đầu của Thiên Địa hội tại chợ Biên Hòa. Cuộc đánh phá diễn ra nhanh chóng, phối hợp với bọn tù nhân nổi loạn bên trong, 17 tù nhân thoát nạn được. Ở Bến tre, tại Mỏ Cày phong trào lên cao nhằm đánh phá công sở, hăm dọa hương chức hội tề. Ở Thủ Dầu Một, Bà Rịa, tỉnh Gia Định, tỉnh Tân An cũng xảy ra nhiều cuộc tụ họp, phía Cần Giuộc có báo động.

Người trong hội kín đa số là người Việt Nam, người Hoa kiều đóng vai phụ, thường là giữ chức vụ coi sóc nghi lễ trong hội mà thôi.

Thiên Địa hội không còn hoạt động sau khi bị khủng bố nhưng âm dư vẫn còn mạnh. Rải rác từ thành thị tới thôn quê, nhiều anh hùng còn tới lui với nếp ngang tàng, giang hồ quen thói. Họ là những người trước kia gia nhập hội. Hoặc chỉ là cảm tình viên bị sa thải. Trường hợp tiêu biểu nhứt là đại ca Tư Mắt, một nhân vật bấy giờ ở Sài Gòn-Chợ lớn không ai không nghe danh.

“ Tư Mắt tên thiệt là Nguyễn Văn Tước, sanh tiền có lập một tiệm hớt tóc, số nhà 200 đường Thủy bình cũ (rue des Marins, nay là đường Đồng khánh) lấy hiệu tiệm là Nam Hữu Mai. Ngày 14-5-1915, tòa đem Tư Mắt ra xử kể lai lịch Tư Mắt có đến ba vợ, đều phục sự “anh Tư”hết lòng và vô số anh  em. “Tòa khép Tư Mắt vào tội “gia nhập hội kín ám trợ Cường Để” kêu án lấy chừng, kỳ trung Tư Mắt bắt chước theo gương Đơn Hùng Tín trong chuyện Thiết Đường: phàm trong đám du côn có đứa nào đã chịu làm em nuôi của “đại ca Tư Mắt” thì đại ca không khi nào bỏ, hoạn nạn tương ứng, sanh tử bất ly. Không tiền đại ca cho tiền, không áo đại ca cho áo, thậm chí khi bị tù rạc thì có người nuôi ăn và cung cấp thuốc bánh. Nhưng khi nào đại ca cần dùng thì ra lịnh phải tuân hành, chết sống không kể thân, sai biểu chém ai, giết ai là chém giết bất luận là bà con thân thích. Tư Mắt đi đến tỉnh nào, xứ nào là em út rần rần đứa theo ủng hộ, đứa đến trình diện bái nghinh đại ca. Tư Mắt bước vào quán nước nào thì người khác hội nên lui chân, hàng em út tha hồ gọi bánh, gọi mỳ vì đã có đại ca bao trả. Nhưng phải nhớ “ăn của anh tư thì sau này có việc chớ khá so đo cùng anh Tư”. Lính tráng kiêng dè nể mặt, bót cò miệng ngậm sáp cũng làm lơ. Lính sai nã tróc đã ra, mà không tìm thấy ai dám sinh cầm Tư Mắt; không khéo có ngày mang thẹo ăn dao của hàng em út anh Tư. Tuy vậy, hết hồi vinh đến hồi xuống dốc. Về sau Tư Mắt ăn năn vào chùa Giác Lâm (CHợ Lớn) lần chuỗi bồ đề tụng kinh sám hối.

Vài nhà khảo cứu chê bai phong trào Thiên Địa Hội là manh động, gần như du đãng, thất nhân tâm. Có người cho rằng anh hung Thiên Địa Hội chọn một lý tưởng quá lạc hậu là tôn vương, bảo hoàng, vào lúc trong nước đã có phong trào Duy Tân tiến bộ hơn ra đời từ năm năm về trước – nhưng phong trào Duy Tân Nam kỳ lúc bấy giờ nặng tính chất bảo hoàng, hướng về chế độ quân chủ lập hiến dành cho kẻ giàu sang.

Âm vang của Thiên Địa Hội khá mạnh mẽ. Nhiều người bảo là dân chúng ở Nam kỳ hiếu khách ăn nói sỗ sàng, không quanh co giấu giếm, dám ăn xài hết túi là do máu nóng của dân đi khẩn hoang: vì nhiều tiền, nhiều tương lai nên không sợ đói. Nhưng thiets tưởng đó là lý do phụ. Thiên Địa Hội tạo ra một nếp sinh hoạt sâu đậm khá hấp dẫn, thực tế: ăn cơm nhà lo việc ngoài đường, sống chết nhờ anh  em, tận tình giúp đỡ bạn. Trút tất cả tâm sự với bạn kết nghĩa thì không có gì đáng ngại, đã là bạn với nhau rồi thì làm sao có chuyện phản bội! Ưa gặp gỡ nhau, nói chuyện làm ăn và chuyện đời ngoài quán nước quán rượu. Gặp chuyện bất bình, hoặc như bạn nào bị kẻ khác ăn hiếp thì nổi nóng, trả thù cho bạn vô điều kiện, lập tức.

Đó là đạo nghĩa giang hồ, là điệu nghệ giữa anh  em kết nghĩa, tứ hải giai huynh đệ. Người ban lớn tuổi hơn mình thường được gọi nửa đùa nửa thật là “đại ca” (theo tổ chức bí mật của hội kín, đại ca là người giữ chức vụ lớn nhứt, không khác nào người chỉ huy trưởng quân sự).

Nói tới Thiên Địa Hội, khổng thể quên là đạo Minh sư đã từng làm cho thực dân lo ngại hồi cuối thế kỷ vừa qua. Đây là tôn giáo hơi khác thường, tu học có vẻ bí mật. Về lý thuyết, đạo Minh sư thờ Tam giáo nhưng nặng về Lão giáo với phép luyện trường sinh, với nghi thức cúng kiến phức tạp. Về mặt chính trị, thực dân theo dõi khi đã thâu nhập bằng chứng xác nhận một vài lãnh tụ của đạo này vận động chống Pháp, như cuộc khởi nghĩa loạn 18 thôn Vườn trầu của ông Quản hơn năm 1885 (tài liệu của thực dân ghi hồ đồ là đạo “Phật Đường” chùa của đạo này không ghi là tự, nhưng là Phật đường.)

Năm 1882, vào tháng 6 dương lịch, ở Long  Xuyên có phú thương Hoa kiều là Dư Tú (A Xious) mời đại lão tên Hứa Mỹ ở bên Trung hoa tới để làm lễ, lạc quyên cất chùa. Đại lão sư Hứa Mỹ đi qua Châu Đốc, đã từng ở Nam Vang. Ở Gò công, tại chợ Thuận Tắc làng Tân Duân Trung, Nguyễn Văn Hiền bị bắt với nhiều tài liệu Ở Sài gòn, thực dân phát giác vị lão sư của đạo Minh Sư ở vùng Cầu kho là Ba Hý, ngòai ra còn có một số người trong đạo cùng bị bắt ở Cần thơ (8-1882). Dưới con mắt thực dân thời bấy giờ, trung tâm của đạo Muinh sư ở Trà Ngoa (giáp ranh với Cần Thơ). Người hoạt động hăng hái nhứt là Nguyễn văn Di còn mang tên là Khoa, tục danh lão Báu, 70 tuổi vào năm 1896. Quê của thày Di ở Chợ lớn, vùng Cần giuộc. Thày tới lui vùng Cầu kho (Sài Gòn), vùng Trảng bàng (Tây Ninh), vùng Ba Kè (Tam Bình, Vĩnh long) và liên lạc với đồng đạo ở Hương Cảng, Ở Bình thuận. Lục soát trong nhà thầy Di, gặp kinh sách, địa bàn, mặt kiếng, chuỗi, đặc biệt là bức ảnh của vị Tổ sư (ông này đã qua Sài gòn năm 1894 được đón rước long trọng, mất ở bên Tàu năm 1895). Nhà cầm quyền theo dõi nhóm Minh sư ở Trà Ngoa, khám phá ra một ngôi chùa về danh nghĩa công khai thì thờ ông Quan Đế nhưng bên trong là chùa của đạo Minh sư. Hương chức làm báo cáo rằng khi cúng chùa thì chùa không đánh trống hoặc nhạc lễ gì cả, người trong chùa cứ khấn vái lầm thầm; họ mặc áo dài may bằng vải trắng, tay rộng, có người nhuộm áo màu xanh lợt; khi lạy, không cúi đầu xuống. Cúng xong người trong đạo don vật đến nơi khác, sau đó dân địa phương mới được phép đem heo hoặc vịt tới cúng ông Quan đế. Nhà của người theo đạo không thờ món gì rõ rệt, trước tấm trần bằng đệm buồn, đôi khi bày một tượng Phật nhỏ nỏ, trên bàn thờ ngày như đêm đốt ngọn đèn nhỏ không bao giờ để tắt. Trong đạo nếu có ai chết thì người ngoại đạo chẳng được lại gần, chỉ riêng bổn đạo đến khấn vái; khi tẩm liệm đặt trong quan tài thì người chết day đầu vào vách nhà.

Ở Cần thơ, còn có một chùa Minh sư nổi danh thời bấy giờ tại Bình Thủy: Minh sư Thảo Phật đường, gọi nôm na là chùa Nam Nhã.Ông lão sư chùa này là Nguyễn Giác Nguyên, học trò của thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Khi phong trào Duy tân nổi lên ở Miền Nam. Ông lão sư Nguyễn giác Nguyên đã tích cực hoạt động ủng hộ ông Cường Để và chùa đã bị lục soát

Trở Về

Tìm Kiếm