CÁ TÍNH CỦA MIỀN NAM (17)
CAO VỌNG CỦA THANH NIÊN
TRONG BỐI CẢNH ĐẶC THÙ CỦA MIỀN NAM
Thiên Địa Hội và cuộc Minh tân đã qua, nhưng hơn mười năm sau vẫn còn để lại nhiều ảnh hưởng rõ rệt ở nông thôn, các tỉnh lỵ và chợ quận chợ làng nảy sinh ra hai giới hiếu động nhất:
– Bọn du côn trong từng lớp bình dân, nóng nảy khi thấy chuyện bất bình.
– Những cậu công tử, con nhà khá giả, thích ăn chơi, ưa hòa mình với những người chung quanh không phân biệt giai cấp hoặc trình độ học vấn.
Lần hồi hai giới này gây ảnh hưởng qua lại. Gọi là du côn, xuất than nghèo túng gần như vô nghề nghiệp nhưng lại ham ăn chơi hưởng lạc theo kiểu nhà giàu. Và tuy là công tử, hào hoa, học chữ Pháp, con nhà gia giáo nhưng lắm khi mang vài tác phong có vẻ du côn, đặc biệt là ở lười ăn tiếng nói. Với sự phát triển kinh tế sau trận Âu châu đại chiến, giới đại điền chủ càng giàu thêm. Vài ngành kỹ nghệ hoặc tiểu công nghệ thành hình và thực dân lại đầu tư, thâu dụng nhân công. Đường giao thông phát triển theo chiều hướng mới với những con lộ liên tỉnh hoặc lộ thuộc địa. Mức sản xuất lúa gạo gia tăng, đồng bạc Đông dương vững giá; người tiểu điền chủ có thể cho con du học bên Pháp, nếu cố gắng. Nhiều cậu công tử ăn chơi mãi mà không hết tiền, khi phong trào cải lương phát triển, các cậu hùn vốn vào gánh hát để cầu vui và lấy danh. Mỗi làng thường lập hội đá banh do các cậu đỡ đầu. Lại còn những sòng bạc gần như công khai, những trường đá gà. Nhiều cậu qua Pháp du học vài năm, đỗ đạt, hoặc không đỗ đạt gì cả, về xứ cứ ở không mà chơi hoặc chỉ nhận một chức tượng trưng trong ban hương chức hội tề!
Nguyễn An Ninh xuất hiện, đóng vai trò tích cực rồi trở thành người được ái mộ nhờ khả năng sáng tạo về mặt lý thuyết cùng mặt thực hành. Nếu thân phụ của ông ao ước một cuộc Duy Tân hướng về nước Nhựt thì lần này, khi du học ông hấp thụ được tinh túy về lý thuyết của Tây phương. Ông có sẵn một căn bản về triết học Đông phương vững chắc, am hiểu đạo Phật, đạo Lão, đạo Khổng. Nhưng quan trọng nhất là am hiểu tình hình miền Nam.
Lòng yêu nước nồng nhiệt ông có thừa. Óc thực tế giúp ông thấy điều có lợi và bất lợi ở miền Nam. Muốn làm cách mạng phải tùy cơ duyên. Miền Nam là nơi đa số đồng bào tin vào tôn giáo, phụ nữ chưa tham gia vào các cuộc vận động lớn, vấn đề nông dân chưa được đặt đúng tầm quan trọng. Thiên Địa Hội thu hút được nông dân, nhờ những biến thể của đạo Lão, đạo Khổng, đạo Phật. Phong trào Duy Tân được giới điền chủ hưởng ứng nhưng nông dân,tá điền gần như không được tham gia (làm sao có vốn để hùn vào công ty thương mãi hoặc cho con du học, nghèo dốt thì làm sao giao thiệp với các ông cai tổng, công chức). Thương vay khóc mướn, hướng về giới bình dân chưa đủ. Phải có lý thuyết xã hội, và phải nhìn vào cơ cấu của chính quyền Pháp ở xứ thuộc địa. Lý thuyết của ông đã cảnh tỉnh đám bọn “anh hùng hảo hán” và đem một nội dung yêu nước, yêu dân chủ, thay cho lý tưởng Cần Vương không còn hợp thời.
Với chiến sĩ của phong trào Đông Du và Duy Tân đã thấm mệt, ông đặt nặng vấn đề tự cường không ỷ lại vào ngoại bang, đả phá những kiểu cách phong kiến; tinh thần quốc tế không phải là chỉ liên kết với dân da vàng nhưng là với tất cả nhân loại tiến bộ.
Ông chịu khó xem xét yếu tố tôn giáo đã một thời là căn bản cho phong trào Cần Vương và Thiên Địa Hội, để khơi nguồn sinh lực dân tộc. Yếu tố này bị các chiến sĩ của phong trào Duy Tân ở miền Nam đánh giá quá thấp hoặc công khai đả kích, căn cứ vào hình thức thờ phượng phức tạp, tốn kém. Ông đặt vấn đề nông dân, từng lớp mà phong trào Duy Tân miền Nam xem là thứ yếu.
Du côn ở thành thị hay ở miền quê phải thấy rằng ham đánh đấm thì không đủ gây hại hoặc làm sụp đổ chế độ thực dân, rốt cuộc chỉ làm tay sai đắc lực cho ông chủ xe đò hoặc một tay công tử hào hoa.
Với từng lớp công tử hạng sang hay công tử vườn, ông vạch cho họ thấy rằng chia sẻ một vài tiện nghi và lạc thú cho đám em út, ăn xài rộng với dân nghèo vẫn chưa phải là bình dân, phóng khoáng; phải dám đối diện với thực dân Pháp.
Về chiến thuật, ông khéo nắm những nhược điểm của chế độ thực dân ở Nam kỳ. Dùng báo chí Pháp ngữ, dùng luật lệ hiện hành của thực dân để chống trả lại thực dân.
Bởi vậy, nhiều người tuy không hiểu rành chánh kiến của ông, hoặc đang làm công chức, làm hương chức hội tề hoặc là đại điền chủ nhưng vẫn mến mộ ông, xem như vị Thánh sống. Ông làm hài lòng mọi giới qua những tác phong độc đáo. Đạp xe đạp, thờ ông Quan Công, tụng kinh gõ mõ; hình ảnh của người trí thức trở về nguồn để tìm sinh lực. Ông ôm chồng báo đem đi rao bán trên đường phố Sài Gòn, ông đứng bán rao hàng chợ Tết, hình ảnh của lớp người nghèo thành thị, người tiểu thương nặng lòng vì đại nghĩa. Ông xem việc làm của mình như là hành đạo; đạo ái quốc, đạo xã hội.
Bài diễn thuyết “Cao vọng của bọn thanh niên An Nam” đêm 15-10-1923 nêu rõ nỗi khát khao của người thanh niên lúc ấy mới 24 tuổi. Diễn thuyết bằng tiếng Pháp.
Đây là bản tuyên ngôn súc tích, mỗi câu mỗi chữ gợi ý nghĩa lớn. Nội dung là khơi dậy tinh thần dân tộc, văn hóa dân tộc. Phải tự xét mình để hiểu khả năng và hoàn cảnh của nước mình. Theo ý của ông, không nên quá chú trọng đến chuyện quốc sự: “Cái mối lo của dân ta không phải là nơi quốc sự mà nó ở trong cái tinh thần của dân ta từ Nam chí Bắc. Có lẽ là ta chưa đến sự lo ấy nữa. ta còn đang phải lo cho có ra một cái cao vọng cho thời bây giờ, đặng sanh hạt giống của cái cây “ ngày mai” của dân ta.
…“chúng ta phải lo tạo lập ra mới, chúng ta phải là người tạo lập ra mới mãi. Mà người sanh tạo phải là người chín muồi như trái cây chín mới có đủ sức mà sanh cây được. Ta không cần là phải bắt chước in như kẻ khác, như kẻ ngu tối bắt chước người khôn vậy, còn bắt chước người như vậy là còn nhờ người, còn nương tựa theo sự khôn khéo của người thì không mong giải thoát được. Điều của ta sanh tạo phải là của ta, phải là ở trong máu mủ của ta mà ra, hay là ở nơi học thức Âu Tây với Á Đông hòa hợp nhau trong ta mà sanh ra…”Các bực Thánh nhơn thường giục các đệ tử mình phải bỏ nhà cha mẹ đi. Bọn thanh niên ta ngày nay cũng phải vượt ra khỏi nhà cha mẹ, vượt ra khỏi cái xã hội hẹp hòi, xa bỏ non sông của ta một lúc. Ta cần phải sống trong một nơi tranh cạnh đặng trau dồi, tu lập lại chút tinh thần còn hoi hóp đây. Ta cần biết giá trị của ta. Ta cần phải sống trong một chỗ nào nó giúp cho trí thức và tinh thần của ta được cao thanh thêm nữa. ta cần phải lên một chỗ non cao, ở một nơi yên tịnh mà tra mình cho biết cái thân của mình thế nào rồi lấy con mắt hòa hảo, tương ái mà ngó cả vũ trụ, xã hội chung quanh mình. Chừng ấy,ta mới bỏ chỗ non cao là chỗ đày ta một lúc, mà trở về với xã hội mà trong ấy ta có thể dùng trọn cái tinh thần tạo lập của ta được, nghĩa là ta đây là người An nam, ta phải trở về xứ Nam Việt này vì ta là người sanh trong xứ này, ta quen biết với non sông, nòi giống cuả ta thì ta làm việc của ta, ta khỏi mất công lần mò vô ích.
Nguyễn An Ninh hiến trọn cuộc đời để hành động thực hiện chí hướng ấy. Nhiều thanh niên giàu tâm huyết đã ái mộ ông, cùng theo đuổi chí hướng. Về tác phong của ông, Phan Văn Hùm đã viết như sau: “ Ông người thể chất yếu, nhờ thể thao, nhờ đi xe đạp, nhờ chịu cực mà mới khỏe được. Ông thân ông có bệnh bại, đang ngồi rũ ở nhà dịch tự điển Khang Hy. Ông Ninh có chịu cái bệnh di truyền ấy nhiều ít. Người ông như vậy, cho nên về sau này ở trong ngực hễ thời tiết thay đổi là ông bị cảm ngay. Thế mà ông ghét đám thanh niên ăn sung mặc sướng, đi ra nửa bước đã ngồi xe, ông muốn bày ra một cảnh sinh hoạt tự do, mà “cần lao” như dân đi làm rừng làm rẫy, quần áo vải bô, chiếc nóp, đẫy cơm, bầu nước, rồi là mênh mông đâu cũng là nhà. Ông nói, ở trong nhà, ông thấy kèo cột nó đè ông, ông không chịu được. Ông lại cũng hay hát câu “La terre entiete appartient aux vagabonds” dịch rằng “ Một bầu thế giới mênh mông, dành riêng cho kẻ bềnh bồng phiêu lưu”. Tội nghiệp thay cho những người ru rú trong nhà.
Tác phong bình dân ấy có sức thu hút mạnh. Khi vào tù cửa vừa đóng lại, thiên hạ vây chung quanh ông, khám bên kia có mấy người chui song sắt qua chào.
“ Người năm xưa viết báo La Cloche Fêlée, làm cho một góc trời Nam chấn đông, bạn thanh niên đột khởi như sóng điện (ondes electriques) nổi trong lòng, phồn gian nịnh ghê hồn như búa trời sa trước mặt, mà cả nước bước một bước dài trên con đường cải cách, người ấy là người “quyết sống đặng làm cho điều phải nó thắng điều quấy”, hôm nay vì binh vực một đứa ngu không đáng binh vực là tội, mà phải chịu nhẫn nhục, chịu cho điều quấy nó đè ép, mới đáng thương, đáng thảm là dường nào.
“ Hỏi ra thời ông không để cho bị bắt, mà chính là ông thân đến nạp mình, sau khi thấy tờ tập nã của chánh phủ (thuộc địa) nói rằng ông đã đào thoát đi rồi. Ông thuật lại lúc đi nạp mình, ông mặc đồ dài toàn sắc trắng tinh khiết, mà nói rằng, khi đem mình cho người ta làm lấm, tôi muốn cho tôi trong sạch.”
“ Đến năm 1928, anh Ninh tạo được một phong trào nông dân. Phong trào ấy âm thầm và thiếu huấn luyện chính trị.
Có người nhận xét rằng Nguyễn An Ninh mang tâm hồn nghệ sĩ. Ít nghĩ tới việc tổ chức lực lượng cách mạng, nhưng ta không nên đòi hỏi quá nhiều ở một kẻ sĩ. Ở một nhà hiền triết nồng nhiệt yêu nước. Cách mạng không phải là độc quyền của kẻ sĩ nhưng là sự đóng góp của toàn dân từ thế hệ này qua thế hệ khác, nhiều miền, nhiều giới.
Ông làm tròn sứ mạng của kẻ sĩ: sáng tạo, đi tiên phong, đốt lên ánh đuốc sáng rực trong buổi bình minh đầy giông tố.
Sài gòn, ngày 25-7-1974 (SƠN NAM)