CÁ TÍNH CỦA MIỀN NAM (2)
ĐÀO MƯƠNG LÊN LIẾP
Trên khoảng đất khá rộng, muốn cho không ngập nước và rễ được bám nhuần mãn năm, muốn đón nhận và dự trữ phù sa để làm thứ phân bón thiên nhiên khỏi tốn tiền thì cách hay nhứt là đào mương lên lếp
Liếp còn gọi là bờ, đất trên liếp phải cho cao để khỏi ngập lụt vào mùa mưa hoặc mùa nước nổi hàng năm. Nhiều bờ nằm song song, giữa hai bờ là mương. Theo kỹ thuật lập vườn đến nay hãy còn áp dụng, bề ngang mỗi bờ (thí dụ như để trồng quýt) thường là 4 mét, bề dài tối đa là 40 mét, hình chữ nhật.
Mương ở bên cạnh (giữa hai bờ) rộng từ 1met rưỡi đến 2 mét, sâu chừng 1 mét rưỡi. Mấy mương này ăn thông nhau ở đầu bờ và cuối bờ. Nhờ vậy mà khi nước ngoài song ngoài rạch dâng lên, nước trong mương cũng lên cao. Nước trong mương vì chảy quanh co nên để lại đất phù sa rồi đứng lại, trở ra song rạch khi nước ròng. Chuyến vào mang phù sa, chuyến ra chỉ là nước trong, phần lớn phù sa lắng xuống mương.
Để quá lâu thì mương cạn, vì phù sa đóng một lớp dày ở dưới đáy. Theo nguyên tắc, cứ một năm móc mương, một năm nghỉ, đát bùn dưới mương được quăng lên cho bờ cao thêm (vì mưa làm cho bờ bị lở và mòn). Thường là quăng ngay gốc cây cho rễ cây khỏi lòi ra mặt đất, bùn dưới mương là thứ phân tốt.
Muốn cho trong mương luôn luôn có nước, phải đắp đê để ngăn chặn không cho nước trong mương tràn lên ruộng phía sau vườn, và từ mương ra rạch hoặc sông cái, mạch nước phải lưu thông: đặt ống bọng. Ống bọng thường là cây dừa lão khoét bọng phía trong ruột.
Giữa mấy bờ liếp có cầu để khi săn sóc cây trái chủ vườn qua lại dễ dàng. Mương vườn lại là nơi cá tôm bị lùa vào theo con nước lớn, nếu lấy đăng chặn lại, chủ nhà có thức ăn đầy đủ khi nước ròng.
Thông thường, tháng 9 tháng 10 âm lịch là có nước son, nước đỏ chở đầy phù sa. Dưới mương nhiều người thích bỏ vài giề lục bình, nhờ đó mà đất phù sa dễ bám vào, nhưng lục bình sanh sản quá nhanh, rốt cuộc lại trở thành tai họa. Ném lục bình lên gốc cây thì dường như không ích lợi cho lắm để làm phân bón.
Nơi thuận lợi để làm vườn, thường là có người đến lập nghiệp từ quá lâu, đất vườn bị chia manh mún. Người chủ vườn nhỏ thường khai thác phần đất chừng nửa mẫu mà thôi, chủ vườn lớn năm mẫu, trung bình là ba mẫu. Ở Cái Mơn, nhiều liếp vườn đã xưa hơn trăm năm. Trở lại đời Tự Đức, ta biết vùng này qui tụ nhiều tín đồ Thiên chúa Giáo, Mấy ông cố đạo tùy tình hình an ninh mà ở Cái mơn, lên Nam Vang hoặc rút về Mã lai (Pénang) để rồi khi trở lại không quên mang theo nhiều giống cây ăn trái từ miền Dưới: sầu riêng, măng cut, chôm chôm, bòn bon. Cái Mơn là vùng gần biển nhưng nước mặn không lên tới. Từ thế kỷ trước, dân Cái Mơn giỏi về trồng cây ăn trái, nhứt là về kỹ thuật chiết và tháp cây, cung cấp cho toàn Nam kỳ lục tỉnh.
Vét mương vườn, “làm đất”, đào mương lên liếp là công việc khó nhọc đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và sức người. Dụng cụ là cây xuổng, hoặc cây len (còn gọi là cây vá) để sắn đất, có cán khá dài. Từ trên nhìn xuống lưỡi xuổng là một đường thẳng, trong khi lưỡi vá là một đường cong.
Xuổng dùng nơi đất cứng: một người xắn đất, một người khom lưng móc cục đất ấy mà ném lên để đắp bờ. Cây vá thì dùng nơi đất mềm: xắn từng cục đất nhỏ (giống như người bán tàu hũ nấu đường dùng muỗng mà múc từng lát nhỏ) rồi quăng lên, cục đất dính theo lưỡi và phải tách rời ra. Khởi đầu, người đào đứng trên mặt đất, quăng đất không đòi hỏi sức lực quá nhiều nhưng mương càng sâu, đứng dưới mương mà quăng lên cao và hơi xa để đắp bờ thì quá tốn sức. Ta thử tưởng tượng một lực sĩ ném từng cục đất nặng non hai ký, không ngừng tay, mỗi buổi hàng ngàn động tác như vậy. Và sức dùng để ném mỗi lúc một gia tăng. Khi đào khá sâu thường là gặp mạch nước, xúc từng cục đất nhỏ khi nước ngập đến ngang bụng không phải dễ.
Hai năm một lần, lại vét bùn đem lên liếp cho mương được sâu,cho bờ thêm cao. Dùng loại thùng hình tròn có cán dài tra theo bề dọc mà xúc, gọi là cái gàu vét mương (hoặc cái len thùng).
Những năm gần đây, nghề trồng cây ăn trái đem lợi tức đáng kể, dân thành thị mỗi lúc thêm đông, việc chuyên chở dễ dàng hơn trước nhờ xe hàng, xe gắn máy. ở những nơi mà đất phù sa có điều kiện lưu lại như bờ sông, bãi bùn hoặc chung quanh cù lao sông cái, nhiều người đã mạnh dạn làm kế hoạch lấn đất ra sông. Thay vì chờ đợi năm bảy năm sau cho đất phù sa bồi lan ra năm bảy chục thước thì dùng sức người mà đắp bờ bao ngạn (gọi tắt là bờ bao) ở một góc cồn (cù lao nhỏ trên sông) nào thích hợp. Bờ bao đắp lấn ngoài sông cao chừng 3 mét trên mặt rộng chừng hai mét, chân bờ khá rộng để có thể đứng vững khỏi bị nước sông hoặc sóng gió làm bể hoặc phá lủng. Bên phía trong bờ, cứ trồng tỉa, đổ đất bùn. Công trình này thực hiện theo qui mô nhỏ bé do sáng kiến cá nhân, có thể so sánh với việc đắp đê lấn biển tăng diện tích đất ở Hà lan, ở Nhật.
Trên vùng đất tân tạo lấn ra bãi ra sông này, người và đất đều can đảm đóng vai người lính tiên phong. Lúc giông tố hoặc khi nước lớn, rõ ràng bên ngoài bờ bao ngạn dâng cao, chảy cuồn cuộn khỏi đầu người đang làm rẫy làm vườn. Và cây tơ mới trồng vì chịu đựng triền miên những trận gió nơi sông rộng, thường bị “ cháy lá”, lá không nảy nở nhanh chóng như trường hợp những cây trồng trên liếp ở nơi thông thường.
Không phải ở nơi đất tốt, nhiều phù sa này mà mỗi người đều làm chủ một khu vườn nhỏ. Đất đã có chủ. Đất lại bán với giá cao. Có đất lại còn phải ra công đào mương hoặc mượn vốn mà mướn đào lên liếp, chờ vài năm mới thâu huê lợi đất vườn chia lần hồi cho số con cháu quá đông. Bởi vậy, một số khá đông người địa phương phải sống bằng nghề làm mướn cho chủ vườn. Dầu muốn hay không, người của thế hệ sau cùng đành rời quê quán, tìm nơi đất rộng người thưa. Không nên đánh giá quá cao sản lượng tổng quát về cây ăn trái. Trước năm 1945, họ có cam Cái Bè, dâu và Măng cụt Cái Mơn, nhưng ở miền Nam mấy ai thưởng thức được. Mức sản xuất không đủ cung ứng cho nhu cầu nội địa, nhiều người trung lưu ở miền quê Long Xuyên, Rạch Giá không biết trái vú sữa, sầu riêng hoặc măng cụt như thế nào? Nó chỉ dành riêng cho người khá giả ở thành thị.
Ở miệt vườn, tức là vùng trồng cây ăn trái nói trên, huê lợi quan trọng nhứt vẫn là ruộng. Đời Tự Đức, ruộng làm mỗi năm chỉ một mùa, khi người Pháp đến, vài địa phương làm hai mùa với phân bón. Tuy là vào tháng hạn người dân có thêm chút ít công ăn việc làm (làm đất vét mương, liên tiếp cho chủ vườn) nhưng làm sao xem đó như một ngành tiểu công nghệ hoặc công nghệ. Việc đào đất xúc đất khá nặng nhọc chỉ dành cho một số ít người chịu cực, số nhân công thâu dụng chỉ có giới hạn. Người làm đất đến mùa mưa lại là ruộng như bao nhiêu người khác, từ khi cấy xong đến khi chờ gặt, họ lại ở không,sống thiếu kém, vay nợ mà chờ thời trời.