CÁ TÍNH CỦA MIỀN NAM (5)
CUỘC KHỞI NGHĨA BẢY THƯNG (1873)
Giáo hệ Bửu Sơn Kỳ Hương nêu những nguyên tắc thiết thực gắn liền đời và đạo, cá nhân và gia đình với đồng bào nhân loại và đặc biệt là với Tổ quốc (ân đất nước). Người tu hành tham gia sản xuất, cày cấy như bao nhiêu người khác. Khi người sáng lập viên tịch, Bửu Sơn Kỳ Hương đã có sinh lực mạnh, lý thuyết và thực hành đi đôi nhau. Thực dân Pháp đến, chiếm trọn Nam Kỳ lục tỉnh. Những xáo trộn về chánh trị, kinh tế, xã hội diễn ra. Dưới mắt người nông dân miền Nam thuở ấy, rõ ràng là thực trạng nhân tâm ly tán của thời Mạt pháp: “Hạ ngươn giáp Tý đầu tiên. Gẫm trong thiên hạ không yên chỗ nào. Giáp Tý tức là 1864, hai năm sau khi miền đông Nam Kỳ chánh thức nhường cho Pháp. Theo truyền thuyết của giáo hệ, Bửu Sơn tức là núi quý báu, tức là Thất sơn mà đỉnh linh thiêng nhứt là núi Cấm, Kỳ Hương tức là mùi thơm lạ. Hội Long hoa sau thời Mạt pháp sẽ thành lập tại đó.
Người tín đồ tin tưởng rằng, cõi tiên, cõi thiên đường sẽ hiện ra tại thế gian này, trong thời rất gần trên lãnh thổ của tỉnh An giang gần biên giới. Một đệ tử của Phật Thầy Tây an là Trần văn Thành ( về sau được tôn xưng là đức Cố quản) tích cực vận động tín đồ và đồng bào khởi nghĩa với qui mô khá lớn và liên tục. Ông là quản cơ đời Tự Đức, từng đóng vai trò tích cực trong cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá năm 1868. Thoạt tiên, ông chiếm cứ, đóng đồn ở chung quanh đồng Láng Linh. Năm 1871, lần đầu tiên thực dân Pháp cho tên đốc phủ Trần Bá Lộc truy nã. Sau đó, ông bố trí những cơ sở phòng thủ hiểm trở hơn. Bon do thám cho biết hình dáng ông Trần Văn Thành: “Vóc dáng to lớn, mạnh khỏe, gương mặt nghiêm nghị, nhìn thấy là phải kính trọng và ngưỡng mộ, hăng hoạt động và rất thông minh. Ông lập ra một đạo gọi là đạo Lành. Trong hầu hất các tỉnh ở đất Gia định đều có tín đồ. Tín đồ từ các nơi vì tôn kính ông nên tới mật khu, mang theo nào lúa gạo, sắt (để rèn khí giới)…
…dân làng lân cận bảo vệ ông bằng cách giữ bí mật và không ai đi lọt vào vùng cấm địa”. Tháng 2 dương lịch 1872, một môn đệ của ông đi trong tỉnh (Long xuyên) để phát bùa và kết nạp thêm tín đồ. Tháng 4 năm 1872, chủ tỉnh Long xuyên ra lịnh cho cai tổng Lý Mul (người Miên, làm việc cho Pháp) theo dõi những người tới lui câu cá hoặc đặt lờ đặt lọp ở ngọn Mạc Cần Dung, rồi chính tên chủ tỉnh này phối kiểm các tin tức, ra lịnh bí mật, tránh những hành động quá non có thể làm cho đối phương đề phòng trước. Nhưng cai tổng Lý Mul không được yên tâm, hắn sợ tình thế trở nên rối rắm vì ở mật khu xảy ra quá nhiều cuộc tụ họp đông đảo,mà bọn do thám của hắn không tài nào len lỏi vào được. Ở Bảy thưa, ngày như đêm, để đối phó, lo rèn khí giớ, xây đắp đồn lũy, dự trữ thêm nào gạo muối, lương thực. Tri huyện Trần Bá Tường nóng lòng muốn lập công, nên đích thân len lỏi đến gần mật khu rồi báo cáo là đồn lũy đã xây đắp khá kiên cố, tuy nhiên chỉ cần vài người lính mã tà đi với ông ta là có thể dẹp được. Nhưng cai tổng Lý Mul lại can gián.
Chủ tỉnh Long xuyên là Emile Puech lo bố trí cuộc tảo thanh. Hắn xin quân tiếp viện them 40 người từ Cần thơ, dưới tay hắn đã có chừng 60 lính mã tà. Ngày 19-3-1873, bọn lính mã tà lên đường, mỗi đứa mang theo bốn ngày lương thưc và 40 viên đạn. tên chủ tỉnh chia lính ra từng toán nhỏ tiếp tay với hắn có đại úy Guyon. Trần Bá Tường lãnh một cánh quân, phó quản Hiếm (phó quản lính mã tà) cũng lãnh một cánh. Hiếm trước kia từng chến đấu bên cạnh ông Trần Văn Thành thời đàng cựu, rồi đầu thú bọn Pháp.
Khoảng 6 giờ sáng ngày 20-3-1973, bọn Pháp đến cách đồn chánh của mật khu Bảy Thưa chừng hai cây số ngàn, lính mã tà nạp đạn sẵn và được lịnh không nổ sung vô cớ, trừ khi nào đối phương chống cự. Trong đồn, nghĩa quân đã sẵn sàng chờ đợi, tiếng tù và vang lên và nghĩa quân bắn trước. Đến sát đồn, tên chủ tỉnh Puech mới giật mình vì đối phương quá đông và chiến đấu với phong độ cao. Để đề phòng sự thất bại, chủ tỉnh ra lệnh cho hai cánh quân nhỏ (trong đó có huyện Trần Bá Tường) phải tập trung lại. Trần bá Tường thú nhận là đối phương có khí giới tương đối đầy đủ. Theo lịnh của chủ tỉnh, phải tiết kiệm đạn dược, chờ dịp tốt hãy xung phong.
Ông Trần văn Thành vẫn bình tĩnh đối phó, tuy đang bị vây. Ông đứng sau phòng tuyến làm bằng ván với những bao gạo chồng chất. Ông thách thức bọn Pháp, dung ống loa mà chửi rủa thậm tệ. Đồng thời ông day về phía quân sĩ của mình mà khích động tinh thần; quân sĩ hò reo vang rần, chửi rủa bọn Pháp, trống đánh liên hồi. Ông Trần Văn Thành cắt từng lọn tóc nhỏ của mình mà phân phát cho các tín đồ.
Bọn Pháp được lịnh đánh tràn vào. Ông Trần Văn Thành mặc áo màu đỏ sậm, đốc thúc chiến sĩ, ra hiệu lịnh, bên cạnh ông là đứa con ruột đang tiếp tay và đích thân ông bắn sung.
Chừng hai giờ sau (9 giờ sáng), cuộc chiến như kết thúc, quân Pháp chiếm đồn. Viên cai tổng Lý Mul, huyện Trần bá Tường bấy lâu đã từng ra trận vẫn kinh ngạc trước sự gan lỳ của đối phương và giải thích: đó là ảnh hưởng tinh thần của ông Trần Văn Thành đối với tín đồ.
Bọn Pháp thấy tại trận 10 xác chết của nghĩa quân, 5 người bị thương và bắt sống được 2 người, tịch thâu khá nhiều súng, gươm giáo, lúa gạo, ghe xuồng.
Chúng ước lượng lực lượng nghĩa quân chừng 400 hoặc 500 và than phiền là không thắng trận hoàn toàn. Nghĩa quân chạy thoát quá nhiều vì cánh quân tiếp viện của tỉnh Châu đốc không tới kịp.
Một chi tiết đáng chú ý là phó quản Hiếm và bọn mã tà của y bắt thêm được 13 nghĩa quân: tất cả những người này đều là dân từ Bến tre, Trà vinh đến hưởng ứng chánh nghĩa của ông Trần Văn Thành.
Bọn chúng còn tịch thâu một số giấy tờ, xác nhận rằng ông có lien lạc với nhiều tỉnh ở nam kỳ để khởi nghĩa, ông đã từng ở Rạch Giá ( vụ Nguyễn trung Trực) và ở Vũng liêm (có lẽ vụ giết tên chủ tỉnh Salicetti).
Rõ ràng là khi người Pháp đến, giáo hệ Bửu Sơn Kỳ hương đã gây được sự tin cậy của đồng bào và trở thành nơi nương tựa tinh thần cho nghĩa quân từ các nơi muốn tiếp tục chiến đấu chống ngoại xâm.
Tháng sau, ngày 22-4-1873, một nghị định được ban hành do đô đốc Dupre nghiêm cấm không cho dân chúng được theo đạo Lành vì đạo này xúi dục dân đi lạc khỏi đường nagy nẻo chánh. Nghị định nói trên cũng cho biết còn nhiều người đi truyền giảng đạo này ở toàn Nam kỳ, hang giáo phẩm của đạo cũng như tín đồ sẽ bị phạt theo luật đàng cựu, xem như là gian đạo sĩ, phiến loạn.
Tại sao gọi Bửu Sơn Kỳ Hương là đạo Lành?
Vài tài liệu của Pháp dịch là đạo dạy việc làm lành (làm lành lánh dữ). Có người cho là đạo của ông Trần Văn Thành nhưng người Pháp đọc trại ra theo giọng Pháp? Nhưng chúng tôi đã thấy nhiều công văn của Pháp lúc sau cũng ghi là đạo Lành. Nên nhớ lúc bấy giờ người Pháp đã mua chuộc được một số nho sĩ thân hào để làm cố vấn cho họ trong việc nội trị, lẽ nào người Việt lại lầm lẫn? Theo thiển ý của chúng tôi, đương thời ông Trần Văn Thành được gọi là ông quản Thảnh. Có lẽ đồng bào lúc bấy giờ gọi trại ra, vì cử tên ông nên Thành đổi ra Lành. Hoặc đó là danh xưng riêng mà người trong đạo cố ý đặt ra để che mắt nhà cầm quyền, khiến chúng khó có lý do đàn áp hoặc ngăn cấm; vô đạo chỉ để làm điều lành thôi, chớ không phải để chống Pháp như ông Trần Văn Thành của phái Bửu Sơn Kỳ Hương.