CÁ TÍNH CỦA MIỀN NAM (6)
KHI VIỆC ĐỜI ĐÃ ĐẾN
Nếu Bửu Sơn Kỳ Hương đã qui tụ được một số đông tín đồ trung kiên để báo đáp ơn Tổ quốc thì dân gian lúc bấy giờ cũng chờ cơ hội để nổi lên đánh bọn Pháp và bọn Việt gian. Trong phong trào kháng Pháp hồi cuối thế kỷ thứ XIX ở Nam Kỳ, chúng ta chú ý vài chi tiết: người tham gai khởi nghĩa theo danh từ đương thời là ứng ngãi (ứng nghĩa) hoặc quân một nghĩa. Kháng Pháp là làm ngãi (làm nghĩa) tức là chiến đấu cho nghĩa lớn.
Qua những khẩu cung của người tham gia kháng Pháp, thời ấy thì đi mộ quân ứng nghĩa là: rủ an hem lo việc đời, thời cơ đến thì gọi là “việc đời đã đến” hoặc “việc đời gần lắm” đây không phải là mật hiệu nhưng là quan niệm yêu nước rõ rệt: phải xả thân lo việc cho đời quên việc riêng tư.
“ Việc đời đã đến” vì hoàn cảnh trở nên thuận lợi, năm 1882, binh Pháp đánh vào thành Hà Nội, tổng đốc Hoàng Diệu tự vẫn nhưng năm sau công việc bình định ở Bắc kỳ vẫn chưa thành, quân nhà Thanh vẫn còn khá mạnh mẽ ở vùng biên giới Việt-Hoa. Thừa lúc Pháp bận việc binh ở Bắc Kỳ, người yêu nước ở Nam kỳ lục Tỉnh tin rằng họ có dịp tốt để quấy rối và khôi phục đất nước. Bấy lâu, từ 1867, một số sĩ phu Nam Kỳ không đành sống trong vùng do giặc kiểm soát nên tị địa ra tỉnh Bình thuận để lo kế lâu dài; liên lạc về tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa với chủ trương sẽ phát động khởi nghĩa khi thời cơ thuận lợi, đồng thời bày ra việc khẩn hoang để tự túc về lúa gạo. Kế hoạch ấy được ông Nguyễn Thông (người quê ở Tân An, đậu cử nhân năm 1849), từng là huấn đạo ở An Giang, làm đốc học ở Vĩnh long đảm trách. Ở Bình thuận ông Nguyễn Thông được vua Tự Đức phong chức Dinh Điền sứ, triều đình chuẩn y một kế hoạch lớn theo đó ông đề nghị “lập đồn điền khai khẩn miền Tây Nguyên”, từ biên giới Cao Miên đến Quảng Trị, thâu nạp những dân lưu ngụ, nhứt là dân từ Nam Kỳ ra. Nhưng kế hoạch này không thực hiện được vì triều đình Huế bị Thống đốc Nam Kỳ phản đối, vả lại ông Nguyễn Thông lâm bịnh nặng.
Cuối năm 1882, một viên chỉ huy quân sự trở về Nam kỳ nhằm mục đích khuấy động phong trào. Đó là Lê Văn Viên năm ấy tuổi cỡ 60, quê ở vùng Cái Bè (Định tường), trước kia đã thông thạo vùng Đồng Tháp Mười, từng là thống binh vào năm 1866 dưới quyền của Thiên Hộ Dương; trong vụ khởi loạn ở Vĩnh long năm 1869, ông từng là phó đề đốc. Khi Pháp khủng bố gắt gao, ông trốn về miền Trung.
Thừa lúc có rắc rối ở Bắc Kỳ, ông vào Nam với chức An Hà hộ đốc, đến Sa Đéc, gặp nghĩa quân cũ, đồng thời cũng tìm cách lien lạc với những người bạn ở Vĩnh long. Vài phong trào nhỏ nổi lên, trong vòng chẩn bị; một thnah niên nhiều tâm huyết là Nguyễn văn Nở (năm ấy mới 27 tuổi) từng đến Vĩnh long để gia nhập THiên Địa Hội, lo gây cơ sở ở vùng Cái Thia, tỉnh Định Tường, Nguyễn văn Nở nghĩ ra kế hoạch ám sát đốc phủ Lộc vào dịp hắn đi dự lễ lạc thành một công sở làng. Một phong trào khác thành hình; Nguyễn văn Tường trước kia đã tham gia kháng Pháp, sau đầu hàng, dạy chữ nho. Tường bèn liên lạc với Trần văn Cương (Cương còn bí danh là Nguyễn hữu Hùng). Cương là người khí phách, trước kia là tổng binh, bị Pháp bắt đày qua Cayenne ở Nam Mỹ châu năm 1872, sau mươi năm bị lưu đày (về năm 1882) ông hoạt động trở lại ở vùng Long Hưng, Rạch gầm.
Nhóm thứ tư là của Nguyễn văn Vi, còn có tên là Nguyễn văn Hay và Nguyễn kế Trung, ngoài đời gọi là ông đạo Tư, hoạt động cho phái Bửu Sơn Kỳ hương rất đắc lực, đã từng làm đội cố vấn cho Trần văn Thành. Khi thất trận, Nguyễn văn Vi trở về quê quán ở vùng Cái Bè, Nguyễn văn Vi trở về liên lạc với Lê Văn Vang, tục danh là Tám Vang (năm 1883, khoảng 60 tuổi) từng làm chức đội nhứt. Khi thất trận Bảy Thưa, ông Lê văn Vang lần hồi lưu lạc tới Nam Vang (kinh đô Cao Miên) trú nhụ tai Bưng đồng, làng Long Hội. Nguyễn văn Vi đến Nam Vang Gặp Lê văn Vang mà hỏi ý kiến và cho biết thêm là phong trào đang lên, Lê văn Vang tán thành, hứa sẽ trở về Cái dầu (Châu Đốc) mà điều khiển. Theo khẩu cung của Lê Văn Vang thì khi được hỏi có phải đạo Lành không, ông trả lời: “Tôi thật người đạo Lành, nguyên trước tôi lãnh bùa Bửu Sơn Kỳ Hương là bùa của Quản Thành đã phát cho tôi”.
Đạo binh do ông Trần Văn Thành tổ chức ở Bảy Thưa gồm tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, mang danh là Binh Gia Nghi (chữ nho là Gia nghị Cơ). Khi Nguyễn Văn Vi hỏi ý kiến về danh xưng của đạo binh sắp thnahf lập để hưởng ứng cuộc khởi nghĩa chung ở Mỹ Tho, ông Le văn Vang khuyên Nguyễn văn Vi nên gọi là Giang Nghị, chớ không dùng chữ Gia Nghị lúc trước.
Tại ssao có sự đề nghị thay đổi danh xưng này? Chúng tôi phỏng đoán là vì giữ bí mật, nhưng lý do chánh vẫn là muốn hòa mình vòa phong trào chung. Giang có nghĩa là tỉnh An giang, cơ bình thời đàng cựu thường lấy một chữ trong tên của Tỉnh, ghép vào một chữ khác. Tuy nhiên trong một số văn kiện vẫn dung danh xưng là Gia Nghị hoặc Gia Nghị cơ, trụ sở trung ương của cơ này là Thiên Sơn trung tự (chùa Thiên Sơn Trung), thỉnh thoảng có văn kiện ghi rõ là “Thiên Sơn Trung Gia Nghị tam quan hiệp đồng” ngụ ý là lịnh được ba vị chỉ huy tối cao bàn bạc kỹ lưỡng rồi mới ban ra. Tên của ông quản Thành được nêu lên, nhưng ghi là Trần Vạn Thành. Theo lời truyền khẩu của tín đồ, ông này chỉ mất tích sau trận Bảy thưa chớ không chết.
Đáng chú ý là Nguyễn văn Vi tuy thuộc hàng giáo phẩm của Bửu Sơn Kỳ Hương nhưng vẫn liên lạc mật thiết với các phong trào ngoài tôn giáo của mình, trong một tờ trình mà thực dân bắt gặp, không ghi rõ năm, ông đề nghị với cấp trên của mình là nên liên kết với Thiên địa Hội vì đó là tổ chức có thực lực.
Bốn nhóm nói trên gây được ảnh hưởng tâm lý sâu rộng trong tỉnh Mỹ Tho, Sa đéc, Vĩnh long và trung tâm vẫn là vùng Cái Bè, một vị trí chiến lược. Đóc phủ Trần bá Lộc báo cáo với chủ tỉnh Mỹ Tho:
– “Dân gian đồn đãi là nhà nước (Pháp) đánh Bắc Kỳ thì chắc có lẽ vua An Nam cho phép kẻ cừ nghịch trấn ở Bình Thuận thuộc về ông Điền Nông quản thúc bấy lâu nay trở về khuấy rối.”
– “Chừng ba bốn tháng nay quân hoang dã đã thong với quân hoang Vĩnh Long, Sa Đéc, Long xuyên toan lấy Vĩnh long khi quan trên rút lính Lang Sa và lính tập…”
– “Dân chúng đợi quan trào vào mà dấy loạn…”
– “Trường bố Mỹ Tho ít người đến làm việc là quân nghịch đồn ngoài Huế tràn vào…”
Cuộc khởi nghĩa không thành tựu nhưng về nội dung rõ ràng là có sự đoàn kết nhất trí của đồng bào miền Nam. Hòa hợp nhau, không câu nệ về lý thuyết, tín ngưỡng: bài Mãn phục Minh, hoặc phò Thanh diệt Tây dương, hoặc đón chờ cơ hội Long Hoa thời mạt pháp, hoặc gìn giữ xã tắc đều là một. Đạo và Đời gắn liền nhau. Đốc phủ Trần Bá Lộc bắt trong các nhóm trên tất cả là 135 người: 103 người mà hắn cho là nghịch, 16 người thuộc hạn tri gian nhi bất tố (tức là biết kẻ gian mà không chịu tố cáo), 16 người là thân nhân của những người cầm đầu phong trào. Vì thiếu bằng cớ cụ thể về mặt pháp lý và cũng vì không muốn làm cho nhân tâm náo loạn. Thống đốc Nam kỳ ra quyết định ngày 26-11-1883 chỉ lưu đày 14 người ra Côn Đảo;mấy người kia được thả ra ngay. Trong số bị đày có ông đạo Tư tức Nguyễn văn Vi.
Trong giấy tờ là như thế, trong thực tế, nhiều người bị đốc phủ Lộc bắt giam ở dinh quận tra tấn tàn nhẫn rồi thả ra. Riêng một làng Thạnh Hưng, tổng Phong phú (Cái Bè) số người bị bắt lên đến 73 người, một người nọ bị bắt cổ mang gông tay bị trói đã nhảy xuống sông mà tự tử.
Được hỏi về trường bị quyến rũ tham gia phong trào, vài bị can cùng khai như sau:
– Thày Vi nói rằng: “Việc đã gần lắm, chú phải kiếm chút giấy chi mà giữ mình ngày sau. Tôi trả lời: thày sao tôi cũng vậy”.
– Trùm Tập kêu tôi tới nhà mà nói với tôi rằng: “Việc đời đã đến, em út có tình theo tao mà làm việc nghĩa không? Tôi trả lời rằng: “ Tôi không việc việc ra thế nào mà phóng theo. Để thủng thẳng sau sẽ hay, hễ anh làm sao thì tôi cũng vậy”.
– Đến nhà tôi, danh (tên) nớ hỏi tôi rằng: “Việc đã đến, anh có tính ra với người ta hay không? Tôi nói rằng không dám thì danh Nở nói: Nếu mà anh không dám làm, anh phải kiếm cho tôi ít người…”
Có người trên 70 tuổi bỏ nhà để tham gia phong trào, không bắt được ông lão này thì đốc phủ Lộc bắt người con tuổi đã 52. Người con khai: “ Cha tôi nói với tôi: thôi bây giờ thiên hạ người ta đi làm nghĩa, tao đi với người ta, còn nhà của mày, tao giao cho mày giữ lấy mà làm ăn.