CÁ TÍNH CỦA MIỀN NAM (9)

TÍN ĐỒ Ở AN ĐỊNH
LIÊN KẾT VỚI PHONG TRÀO CHỐNG PHÁP BÊN CAO MIÊN

Vương quốc Cao Miên lọt vào vòng thống trị của thực dân Pháp bắt đầu với hiệp ước 11-8-1863, rồi đến thỏa ước bổ túc ngày 17-6-1884, vì nhà vua tỏ ra quá nhu nhược. Cuộc khởi nghĩa đầu tiên do ông hoàng Achar Soa cầm đầu kéo dài suốt ba năm, quấy nhiễu vùng Téang, chiếm vùng Cần Vọt (Kampot). Nhiều trận giao phong voqis quy mô nhỏ diễn ra thường xuyên ở khu vực giữa Nam Vang và Vịnh Xiêm La. Rồi về sau lại tan rã khi ông hoàng này thử kéo quân về chiếm kinh đô Nam Vang (tháng 8-1866). Cũng năm ấy, để tiếp sức với phong trào đánh đổ thực dân Pháp, ông hoàng Pucombo nổi lên, vì ông đã từng xuất gia ở chùa nên nhiều vị sư sãi và nông dân hưởng ứng theo, suốt hai năm liên tiếp gây khó khăn cho thực dân, nhiều phen quân khởi nghĩa tiến sát thành Oudong và kinh đô Nam vang. Một điểm đáng lưu ý là ông hoàng cũng là tu sĩ Pucombo này đã liên kết với Trương Huệ ( cậu hai Quyền, con trai của Trương Định) để cùng chống Pháp ở phía biên giới Tây Ninh.

Một cuộc khởi nghĩa quan trọng khác dấy lên do ông hoàng Si-Vatha (có nơi âm là Si-Vothia) gây rối ở tỉnh Thbeng, bị đàn áp như ông hoàng này lại tiếp tục, non một năm sau khi có thỏa ước 1884.

Thoạt tiên, vào đầu 1885 phong trào kháng Pháp dấy lên ở tỉnh Kratie và tỉnh Kompong Cham, vì Si-Vatha có uy tín và có linh nghiệm nên cuộc kháng chiến bùng nổ với quy mô rộng rãi, quy tụ đến 5.000 người với khí giới thô sơ, dùng chiến thuật du kích khi tụ khi tán, tập hợp và bổ sung lại kịp thời. Hai năm sau, thực dân Pháp dẹp không tận gốc được, binh sĩ Pháp bị hao mòn sức khỏe khi xông pha vào nơi rừng rậm (bịnh rét rừng, bịnh kiết). Cuộc khởi nghĩa kéo dài mãi tới năm 1887, đến sau nhờ sự trung gian của nhà vua mới dẹp xong.

Thực dân ở Chấu đốc đoán trước là ông hoàng Si-Vatha sẽ gây được ảnh hưởng mạnh và lôi cuốn mấy tổng gồm đa số người Miên ở biên giới, nếu quân sĩ của ông hoàng tràn qua Nam Kỳ thì khó ngăn chống, theo kinh Vĩnh tế, đồn bót của Pháp quá yếu kém, người Miên ở Thất Sơn là lực lượng đáng kể, có đến 4.000 dân đinh. Bấy giờ thành kiến giữa người Việt và người Miên hãy còn, đó là dư âm của những cuộc giao tranh Việt – Miên. Đặc biệt là vào đời Minh Mạng và Thiệu Trị, ở Thất Sơn người Miên đã nổi loạn chống triều đình Huế, tướng Nguyễn Tri Phương từng đến dẹp loạn mang theo lực lượng hùng hậu là 5.000 người.

Người Việt và người Miên bên này bên kia biên giới đã xóa boe tị hiềm nhỏ nhen. Và đồng bào đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa với sự lãnh đạo của ông Năm Thiếp lại cương quyết nổi lên kháng Pháp, lien kết với phong trào của ông hoàng Si-Vatha. Tình hình ở ngoài Huế lại là yếu tố quan trọng khiến cho đồng bào ở An Định xúc động. Thực dân đang làm áp lực mạnh tại kinh đô, để rồi vua Hàm Nghi phải xuất bôn.

Tháng 4-1885, quân của ông hoàng Si-Vatha khuấy động tỉnh Treang, tập trung tại Tà Keo.

Khoảng cuối tháng 5-1885, người Miên ở Thất Sơn, đồng bào ở An Định và người Miên từ bên kia đất Cao Miên nổi lên. Họ chiếm nhanh chóng một đồn Pháp ở biên giới: đồn Phú thạnh. Bọn Pháp ở Châu Đốc cho toán quân của đại úy Ferussec đi thám sát nhưng không dám tới nơi, rồi đành rút lui. Chủ tỉnh Châu Đốc hối tiếc và lo ngại: trước kia vì đánh giá loạn quân quá thấp nên cho cánh quân quá yếu đi thám sát. Phải chi đem chừng 200 quân với thiếu tá Goulias cầm đầu thì tái chiếm đồn Phú Thạnh quá dễ dàng, trấn an được dân chúng. Ngoài vùng núi Tượng và đồng bào Tứ Ân Hiếu Nghĩa còn vài làng khác với người Việt cũng tham gia, đặc biệt là vùng sát biên giới (tịnh Biên)bờ kinh Vĩnh Tế tuy không tái chiếm được đồn Phú Thạnh nhưng toán quân thám sát của đại úy Ferusccec bắn giết và đốt nhà của người Việt lẫn người Miên, đặc biệt là làng An Định.

Vài ngày sau, qua tháng 6-1885, chủ tỉnh Châu Đốc đi thanh sát vùng Thất sơn, xác nhận rằng đồng bào đang hiang mang lo sợ. Đây là vùng gồm tất cả bốn tổng đa số người Miên và tất cả bốn viên cai tổng người Miên đều ủng hộ trực tiếp quân khởi nghĩa từ bên kia biên giới (của ông hoàng Si-Vatha). Về phía dân chúng, phỏng định chừng 2 hoặc 300 người Miên làm loạn, trong số ấy có đứa con trai của viên cai tổng Miên ở Thành Ý bị thương, rể của viên cai tổng này cũng tử trận,ngoài ra còn 2 người Miên bị giết trong cuộc tảo thanh vừa qua ở làng Thuyết Nạp, 1 ở Xuân Tề, 2 ở Tú Tế, 1 ở Vĩnh Trung, 1 ở Yên Cư, 2 ở Bích Tri, 1 ở làng Trác Quan.

Phía Hà Tiên, dọc theo biên giới ảnh hưởng cuộc khởi nghĩa Si-Vatha cũng làm cho nhà cầm quyền lo ngại. Từ tháng 4-1885, ở biên giới có ba làng (mỗi làng tỷ lệ đồng bào Miên đến 9/20) đã theo lãnh tụ của họ là Phủ Nghét và phần đông người Việt tại chợ Hà tiên cũng có cảm tình với vị lãnh tụ người Miên này. Một cựu phó tổng ở Hà tiên có uy tín tên là Nguyễn văn Thừa cùng 80 người thân tín đã mưu toan chở chừng 300 người Miên qua bên kia biên giới tiếp tay khởi nghĩa nhưng bị phát giác kịp thời: theo kế hoạch thì cuộc tấn công Hà Tiên sẽ xảy ra từ ngày 2-6 đến 12-6-1885 với cao điểm là đốt chợ tỉnh lỵ. Phong trào ở Hà tiên gặp thuận lợi là một khi vượt biên giới gia nhập vào quân khởi nghĩa Miên thì nhà cầm quyền ở tỉnh không đủ lực lượng truy nã. Năm sáu vị hương chức hội tề ở nhiều làng khác nhau đã vượt biên giới, sau này bị bắt. Lãnh tụ Nghét ở Cao Miên tuy làm tri phủ của nhà nước Pháp nhưng lại làm loạn, ngoài ra trong vụ này có sự tham  gia đắc lực của lãnh đạo Thiên Địa Hội người Trung Hoa là quản Khiếm bấy lâu hùng cứ vùng Cần vọt (Kampot).

Phía Thất Sơn, quân của thiếu tá Goulias cứ tảo thanh, một số đồng bào Việt theo quân khởi nghĩa bên Cao Miên chịu hồi cư và trình diện, trước tiên là đồng bào ở hai bờ kinh Vĩnh tế. Riêng về làng An Định do tín đồ tứ Ân dày công khai khẩn thì có 120 dân đinh hồi cư. Chủ tỉnh Châu Đốc thử điều tra lý lịch của 22 người thì thấy mỗi người đều có quê quán khác nhau ở các tỉnh Nam Kỳ, chẳng một ai là người của tỉnh Châu đốc. Ý kiến của chủ tỉnh là không nên cho họ trở về sào huyệt cũ là làng An Định; lần sau nếu họ còn làm loạn, nhà nước nên tỏ thái độ cứng rắn hơn vì sự khoan hồng sẽ đem lại nhiều hậu quả tai hại.

Tháng sau (8-1885), dân hai bờ Vĩnh tế trở về khá đông, tu bổ nhà cửa lại (đã bị quân Pháp đốt cháy), dân làng Vĩnh lạc thì gom về gần chợ Châu đốc. Riêng làng An Định, tổng cộng dân đinh trình diện trước sau lên đến con số 204 người, tính luôn viên xã trưởng. Nhưng một thảm trạng lại xảy ra. Vì giặc Pháp dân làng không canh tác được, lúa thóc dự trữ lại bị đốt sạch, bốn tổng người Miên ở Thất Sơn và mấy làng ở bờ kinh Vĩnh tế bị nạn đói, gạo bán với giá cao, nhiều người phải vô rừng lên núi đào củ nừng mà ăn lay lứt qua ngày (lúc bấy giờ 1 đồng bạc mua được 2 giạ lúa). Chủ tỉnh Châu Đốc tháng sau lại thắc mắc về làng An Định: hồi cư thêm tất cả 258 dân đinh, “toàn dân bất hảo, chống đối sự khai hóa của người Pháp, họ ở tứ xứ gom về và tất cả đều theo đạo Phật, nhưng là phật tử có nhiệt tâm đến mức cuồng tín (ám chỉ đạo tứ Ân của ông Năm Thiếp). Họ ra vẻ chí thú làm ăn về hình thức mà thôi, gặp cơ hội là họ khởi loạn nữa”.

Bọn Pháp cho đóng một đồn lính ở Vĩnh lạc để sẵn sàng ngăn chặn những cuộc đột nhập từ bên Cao Miên. Tháng sau, khi đồn vừa cất xong là bọn Pháp hay tin xã Đông (xã trưởng làng An Định) và một người nữa cũng ở An định (tên là Năm Trước) nhận được lịnh của Hai Phép (một nhân viên do thám của Phủ Lộc đã quy thuận theo ông Năm Thiếp) toan tấn công. Năm 1996, vào đầu năm, phong trào bên Cao Miên như phát khởi, dân chúng từ bên này qua cao Miên mua gạo lại gặp nhiều toán “loạn quân” bắt họ làm xâu.

Theo sự điều tra, đó là cánh quân thuộc ông hoàng Si-Vatha, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Pus-nu-Luc-chluc gồm chừng vài trăm người đi lưu động. Rồi thỉnh thoảng bọn Pháp ở Châu Đốc lại phát giác vài toán quân khởi loạn người Miên đột nhập thình lình qua lãnh thổ Nam Kỳ với súng ống gươm giáo, có khi họ cưỡi ngựa.

Tháng 4-1885, một toán người Miên và vài người dân làng An Định (theo loạn quân hồi năm ngoái) có võ trang đến trú đóng tại xóm Chroui Sleng sát bờ kinh Vĩnh tế, đối diện với làng An nông (Tịnh Biên, thuộc lãnh thổ Nam kỳ). Cầm đầu là phó nguyên soái Bùi Văn Thuận, xuất thân thợ rèn. Họ tiến sát bờ kinh, gọi hương chức làng An Nông để báo rằng sẽ chiếm làng này. Dân An Nông và mấy làng kế cận hoảng sợ, kéo nhau về gần núi Sam mà lánh nạn, cạnh chợ Châu Đốc.

Cuối tháng 5-1886, phó nguyên soái Thuận chỉ huy một toán quân gồm 30 người Việt mặc sắc phục như lính mã tà, với súng ống đầy đủ và 20 nghĩa quân người Miên cũng có sung đầy đủ, đột nhập làng An Nông đúng theo lời cảnh cáo trước. Họ bắt ba người hương chức hội tề ở An Nông, giết một, một trốn thoát, còn người thứ ba đem về lãnh thổ Cao Miên, giao cho một ông hoàng nổi loạn Cao Miên ( không rõ tên), sau nhờ lo hối lộ mà được tha tội trở về. Bọn Pháp tin chắc đây là cuộc thanh trừng chính trị vì bọn người làm loạn không cướp phá tài sản của dân. Những người hương chức này năm ngoái đã bắt than nhân của Bùi văn Thuận rồi áp giải cho viên Công sứ Pháp ở Nam Vang, nhằm mục đích áp đảo tinh thần của người khởi nghĩa, theo sách lược của phủ Lộc.

Sau biến cố trên, bọn Pháp cho xây cất them một đồn ở An Nông (Tịnh Biên) sát bờ Vĩnh tế. Ngày 2-6-1886, viên chỉ huy tiểu khu Châu Đốc với lực lượng chừng 40 lính hiệp với toán quân trú đóng tại Vĩnh lạc (do thiếu úy Grimaud chỉ huy) tiến qua lãnh thổ Cao Miên để truy nã. Lực lượng Việt-Miên do phó nguyên soái Thuận chỉ huy rút về phía Bantay Méas. Ngoài cuộc đánh phá từ bên kia biên giới, lãnh tụ Miên là Pos Luc Nop tái xuất đánh phá vùng sóc Som, bọn Pháp ở Châu Đốc phải gởi cánh quân 60 lính đến giải tán.

Hơn hai tháng sau, phó nguyên soái Thuận lại xuất hiện từ vùng Tra Lop, chừng 6 cây số bên kia biên giới. Bọn Pháp truy nã đốt phá sào huyệt và giết tại trận được hai thuộc hạ, một người nữa là đề đóc Danh bị bắn gãy chân, giải về Chợ Quán (Sài gòn) để điều trị rồi lấy khẩu cung.

Thống đốc Nam Kỳ yêu cầu chủ tỉnh Châu Đốc dán yết thị, khuyên bọn người làm loạn ra đầu hang nhưng chỉ có 5,6 người Việt chịu trở về. Bọn Pháp hơi lạc quan khi hay tin đồn đãi là phó nguyên soái Thuận đã bị ông hoàng người Miên là Keo Menobo bắt, ông hoàng này là thuộc hạ của ông hoàng khởi nghĩa Si-Vatha. Phải chăng lúc bấy giờ ông hoàng Si-Vatha đa sắp sửa giải binh, sau khi thương nghị xong xuôi với vua Cao Miên đương thời (vua theo Pháp, Ông hoàng Norodom).

Nhưng đó là tin thất thiệt vì phó nguyên soái Thuận hãy còn hoạt động.

Trở Về

Tìm Kiếm