…..

CÁCH DÙNG HỌ VÀ TÊN
CỦA CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM

NGUYỄN KHÔI

…..

IMG.889

…..

LỜI DẪN :

Nguyễn Khôi vừa cho phát hành cuốn Các Dân Tộc Ở Việt Nam Cách Dùng Họ Và Đặt Tên , Nhà Xuất Bản Văn Hoá Dân Tộc, Hà Nội – 2006 . Cách dùng họ và đặt tên của Việt nam rất độc đáo , nó mang đặc sắc văn hoá Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.Chúng tôi xin trích giới thiệu 6 bài trên 54 bài về giải mã họ và tên 54 tộc người ở Việt nam

IMG.890

…..

1 – DÂN TỘC ÊĐÊ

…..

IMG.891Ê Đê có nghĩa là người sống trong rừng tre . Dân tộc Ê Đê có trên 270 nghìn người , cư trú tập trung ở Đắc Lắc , Gia Lai , Khánh Hoà và Phú Yên.

Các nhóm địa phương gồm : Rađe Đe, Kpa, Adham, Krung, Ktul, Đlie, HrueBlô, Epan, Mdhuna,Bih.

Về kinh tế đồng bào này làm nương rẫy , nhóm Bih làm ruộng nước dùng trâu giẫm đất thay cho cày cuốc , ngoài ra là chăn nuôi, săn bắn , dệt…

Tổ chức đời sống chặt chẽ. Làng gọi là ” Buôn” , các địa danh gọi tên rất gợi như ” Buôn chư mơ ga ” nghĩa là làng núi lửa., Sông Đực, Sông Cái , Sông Tóc… Gia đình theo mẫu hệ, chủ nhà là phụ nữ . Con cái mang họ mẹ , con trai không được hưởng thừa kế. đàn ông ở nhà vợ. Nếu vợ chết mà bên nhà vợ không còn ai thay thế thì người chồng phải về ở với chị em gái mình. Nếu chết , được chôn bên người thân của mẹ đẻ.

Nhà ở của người Êđê là nhà sàn và nhà sài. Trang phục màu chàm có điểm các hoa văn sặc sỡ . đàn bà mặc váy áo , đàn ông đóng khố mặc áo . Ngày xa có tục cà 6 răng cửa hàm trên. Người Êđê rất thích uống rượu cần , đặc biệt là vào các dịp lễ tết. Về tín ngưỡng , thờ nhiều thần linh. Người Êđê có kho tàng văn hoá đồ sộ to lớn như các sử thi ” Khan Đam San ” , cồng chiêng cũng rất nổi tiếng , đã được Unesco công nhận là văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Người Êđê có Lễ đặt tên. Khi đứa trẻ sinh ra trong vòng một tháng , gia đình sửa soạn đồ cúng để làm lễ đặt tên cho trẻ.Thầy cúng hướng dẫn gia đình chuẩn bị lễ vật . Họ quan niệm : Khi mới sinh ra , con người cha có hồn , nên lúc đặt tên là lúc nhập hồn cho đứa trẻ . Gia đình sẽ chọn rất nhiều tên trong dòng tộc của ông bà nội ngoại , tên những người tài giỏi , có uy tín được lấy để đặt tên cho đứa trẻ. Ý nghĩa việc này là mong trẻ mới sinh ra được nhập hồn của một trong những người tài giỏi của dòng họ. Muốn làm được như thế , người trong nhà khi đi mời thày cúng sẽ nói trước với thày cúng những tên dự kiến đó để thày cũng nhập tâm . Lễ vật cho lễ đặt tên thường là một con gà , một ché rượu . Lễ được tổ chức vào đêm khuya, khoảng 11-12 giờ đêm., khi cả buôn đã đi ngủ thì bắt đầu làm lễ . Ché rượu được đặt vào cột chính gian trước , lễ vật đặt phía đông. Thày cúng ngồi đối diện với ché rượu , quay mặt về phía đông để cúng.

Thầy khấn: ” Ơ Yàng , hiện giờ gia đình đã dâng lên một con gà , một chén rượu để làm lễ đặt tên cho con. Mời tất cả các Yàng về uống rượu , ăn thịt , giúp đỡ cho trẻ ăn no , chóng khoẻ, không khóc. Mời các ông , các bà trong dòng tộc của gia đình : Mảng , Ma Choá , Mí Thơ, Mí Thơm, Ma Đam … về ăn thịt, uống rượu , giúp đỡ cho trẻ lớn… “. Thày cúng khấn đến tên nào, đứa trẻ không thấy khóc lại tỏ ý thích thúc (vui) thì gia đình sẽ lấy tên đó để đặt tên cho trẻ. Khi cúng xong , cả gia đình và thày cũng sẽ ăn cơm , ăn thịt gà , uống rượu . Sau khi ăn uống xong thì toàn bộ xương , lòng , lông gà , cơm dư thừa sẽ được gói lại cẩn thận, ché rượu úp xuống , bỏ lại gian khách (tiếng ÊĐê là Gah) của gia đình đúng 3 ngày . Sở dĩ làm thế , bởi người Êđe quan niệm rằng con người khi mới sinh còn rất yếu ớt, mới được nhập hồn người chết còn rất mỏng , nên phải giữ tất cả những lễ vật đã cúng đúng 3 ngày rồi mới mang đi thả xuống suối. Khi đó hồn mớí nhập hoàn toàn vào trẻ mới sinh.

IMG.892Các họ của người Êđê :

Adrâng, Ayun, Ayun C, Ayun Tul H, Wing Atul, Atul Buon Yah, Buon Krong , Duot, Eban, Eban Rah Lan, Eman, Emo, Enoul, Hđok, Hrue, Hmok, Hwing, Jdrong, Ktub, Kebour, Knul, Kpa, Kpor, Ksor, Ktla, Ktul, Mjao, Mlo, Mlo Duon Du , Mlo Hut, Mlo Ksei, Nie Blo, Nie Buon Dap, Nie Buon Rit, Nie Cam , Nie Mkriek, Nie Mla, Nie Mlo, Nie Sieng, Nie Sor , Nie Sok , Nie To, Nie Trang …

Xin có ví dụ :

. Nam : Y Ngong Nie Dam ( 4 chữ này có nghĩa là Trai – Tên – Họ – Chi họ)
. Nữ : Hlinh Mlo Duon Du ( 4 chữ này có nghĩa là Gái -Tên – Họ – Chi họ)

Người Êđê xưng hô : Khi vợ chồng có con thì gọi theo tên con . Tục này có ở nhiều dân tộc , kể cả người Kinh , ví dụ Ma Thuột có nghĩa là Bố thằng Thuột. Chính về thế mới có tên ” Buôn Ma Thuột ) tức là làng bố thằng Thuột , nên nay có thành phố Buôn Ma Thuột . Còn nếu gọi Ban mê Thuột là gọi theo tiếng Lào có nghĩa là mẹ thằng Thuột.

Như vậy dùng tên con để gọi bố mẹ . Thật là độc đáo bản sắc văn hoá Việt nam ./.

…..

2 – DÂN TỘC CHĂM

…..

IMG.893Dân tộc Chăm có trên 132 nghìn người. Sống ở Ninh Thuận ( 50%), Bình Thuận, An Giang, Đồng Nai , Sài Gòn, . Người Chăm là cư dân bản địa lâu đời.
Đồng bào trồng lúa nước thâm canh có trình độ cao. Các nghề thủ công như đồ gốm , dệt thổ cẩm rất nổi tiếng.

Người Chăm theo chế độ mẫu hệ . Mỗi làng có từ 1000 đến 8000 người.
Văn hoá nghệ thuật rất phong phú với các sử thi, lễ hội, mua hát , ca nhạc… Tháp Chăm là công trình thờ cúng đặc sắc của người Chăm.

Cũng như địa danh làng Palei Chăm , tên người của dân tộc Chăm thường có hai (2) tên : tên khai sinh theo hộ khẩu tương tự như người Kinh và tên dân tộc .

Các họ Chăm : Bá, Bạch , Báo, Bố, Chế, Dương, Đàng, Đạo, Đạt ,Đổng, Fatimah, Hàm , Hán, Hứa, Kiêu, La, Lâm,Lộ, Lu, Ma, Mohâmch, Miêu, Nại , Não, Nguyễn, Ông (ôn), Phú, Qua, Quảng Đại, Samách, Tài , Từ, Thanh, Thập, Thị (nữ), Thiên Sanh, Thiết, Thổ, Trà , Trương, Trượng , Văn.

Ví dụ Tên thường goi là Phú Trạm (tên dân tộc là Inrasa), Chế Bồng Nga (Ceibingu), Chế Mân (SimhavarmanIII), Phạm Phật (Bhadravarman).
. Nam: Ka Sô Liêng (Họ – Lót – Tên)

. Nữ : Sô Mơ Đinh .

IMG.894Theo nhà thơ Inrasara thì : Họ ngày xưa của các vua Chăm Pa gồm có :
. Inđra/Indravarzman
. Jaya/Jờyinhavarma
. Cri/Cri Satyavirman
. Maha/MahaVijaya
. Rudra/Rudrravarman…

Ngày nay các họ này vẫn còn được một số người sử dụng :
. Inra/Patra (là biến thái của inđra)
. JayaMrang
. JayaPanrang
. Inrasara (Inra là sấm , Sara là muối)
. Puđradang

Các họ này được phiên âm ra tiếng hán là Chế (Cri) như Chế Mân , Chế Củ, Chế Bồng Nga, Chế Linh , Chế Lan Viên…
. Họ Ong (hay Ông) như: Ông ích Khiêm,Ông Văn Tùng …
. Họ Ma có lẽ phiên âm từ chữ Maha.
. Họ Trà (có lẽ từ Jaya)

Bốn họ Ông, Ma , Trà, Chế xưa kia là họ Vua.

Họ người Chăm bình dân : ở người Chăm thường thì cứ Ja (Nam) hay M (nữ) được đặt trước tên để phân biệt giới tính, nó như Văn nam Thị nữ của người Kinh , thời xa coi đó là họ ?

Gần đây có khuynh hướng đặt tên cho mình như thế , ví dụ Lờy “nó” làm bút danh như Jantâhrei (nhà nghiên cứu Thiên Sanh Cảnh), Talau (Nhà thơ Trương Văn Lỗu) được coi là đẹp và sang.

IMG.895Họ người Chăm theo dòng tộc: Như trên đã trình bày , trước đây người Chăm không có họ như kiểu người Kinh như Trần , Nguyễn , Phạm , Lê…, mà người Chăm chỉ có chữ Ja hoặc M (Mng) đặt trước tên mình để phân biệt nam nữ, ví dụ Ja Phôi, Ja Ka (Nam) M Ehava, Mng Thang Ôn (nữ) , giống như Văn Thị của người Kinh .

Người Chăm chỉ có hoàng tộc mới có họ : Ôn, Trà , Ma, Chế . Quan lại thường đựoc gọi bằng chức như Po Klăn Thu (ngài Trấn thủ) , Pô Phok Thăk (ngài phó trấn thủ tên Thak) hoặc như Đwai Kabait (ông đội Kabait).

Cũng có dòng họ đặt theo tên vua : họ Po Rome, họ Po Gihlw hoặc đặt theo tên lòai cây trụ trong kut chính , họ Ga dak, họ Mul Pui , nhưng không dùng họ này đặt tên riêng.

Họ và tên còn đặt theo tôn giáo ( Islam) :Thường do sự tiên đoán tương lai của đứa con mà người cha chọn 1 trong 25 vị thánh đặt tên :
. Con trai là Ali, Ibrohim, Mousa, Ysa…
. Con gái là : Fatima,Khođijah,Maryam…

Cách đặt tên theo giấy khai sinh :

Vào đời vua Minh Mạng ( 1820-1840) , năm thứ 14 , nhà vua ban cho người Chăm các họ theo phong tục Việt Nam :
. Bá
. Đàng
. Hứa
. Lưu
. Lựu
. Hán
. Lộ
. Mà
. Châu
. Nguỵ
. Tử
. Tạ
. Thiên
. Uc
. Vạn
. Lâm
. Hải
. Báo
. Cây
. Dương
. Quảng
. Qua
. Tưởng
. L…
Số người có công với triều đình được mang họ Nguyễn .

Như vậy có sự giao lưu văn hoá Kinh – Chăm , nhưng nét đặc sắc của văn hoá Chăm là Họ tộc Chăm là theo Mẫu Hệ, ví dụ Nguyễn Văn Tỷ (khai sinh) , họ mẹ là Po Đăm hoặc Phú Trạm (khai sinh) , họ mẹ là Inrasara ./.

…..

3 – DÂN TỘC THÁI 

…..

IMG.896Dân tộc Thái có trên 1,32 triệu người, cư trú ở các tỉnh Tây Bắc, Hoà Bình, Thanh Hoá và Nghệ An.

Người Thái có nhiều họ khác nhau. Họ Lò không ăn thịt chim Táng Lò ( vật tổ). Họ Quang kiêng ăn thịt hổ…
Đồng bào Thái thờ cúng tổ tiên , trời , đất, cúng bản Mường , không theo tôn giáo nào.

Văn hoá nghệ thuật Thái rất độc đáo rạng rỡ với nghệ thuật ” Múa Xoè”, ” Múa Nón” , Khèn Thái, Pí Pặp, Quăm Khắp (Hát).

Các tác phẩm truyện thơ nổi tiếng như “Sống Trụ Son Sao ” (Tiếng dặn người yêu – như Truyện Kiều) mà Nguyễn Khôi đã chuyển dịch rất thành công sang thơ Song thất lục bát , tái bản nhiều lần ), Khun Lua – Nàng ủa , Em bé – Nàng Hổ ( như Tấm Cám của người Kinh .

Lối hát giao duyên ” Hạn Khuống” ( như Quan họ Bắc Ninh ) , rất hấp dẫn.

Nhìn chung người Thái là dân tộc phát triển trồng lúa nước , dệt thổ cẩm, làm được súng săn…

Thường được goi là ” người Kinh ” ở miền Núi. Có rất nhiều nhà hoạt động chính trị , tướng tá , văn nghệ sỹ khá nổi tiếng.

Người Thái có các họ : Bạc , Bế, Bua, Bun, Cà, cầm, Chẩu , Chiêu, Đèo , Hoàng, Khằm , Leo, Lỡo, Lềm, Lý, Lò, Lô, La, Lộc , Lự, Lường, Mang, Mè, Nam, Nông , Ngần , Ngu , Nho, Nhọt, Panh, Pha, Phia, Quàng, Sầm, Tụ, Tày, Tao, Tạo, Tòng, Vang, Vì, , Sa, Xin, .

12 họ gốc là Lò, Lường, Quàng, Tòng, Cà, Lỡo, Mè, Lù, Lềm, Ngần, Nông.

IMG.897Người Thái có một số dòng họ quý tộc ( thường là các họ lớn ) tuỳ theo từng nơi đó là Cầm, Bạc, Xa, Đèo,Hà, Sầm, Lò…

Các tên khác của một số họ :

Họ Lò còn gọi là Lô, La, sau còn đổi là Cầm, Bạc, Điêu (Đèo), Tao (Đào), Hoàng , Lò Cầm (Lò Vàng) , Lò Luông (Lò Lớn).
Họ Lường còn gọi là họ Lương
Họ Quàng còn gọi là họ Hoàng, Vàng.
Cà còn gọi là Sa , Hà , Mào .

Vi còn gọi là Vi, Sa. 
Lêm còn gọi là Lâm , Lim.

Ngành Thái đen còn có các họ Cầm , Bạc thường hay giữ các chức vị Chảu Mường . 

Ngành Thái trắng thường là các họ Đèo Lò Làm Chảu Mường  
Các tên thường gặp , ví dụ như :  
Lò Văn Muôn (vui)  
Lò Văn ứt (đói)  
Hoàng Nó (vua măng). 

Xưng hô hàng ngày của người Thái thường không gọi tên tục của nhau Thưòng là hai người ” Cu-mưng ( như ủa- nỉ của Tàu, Toa- moa của Pháp , hiểu đơn giản như Tao-Mày – tôi- anh (chị). 

Thường gọi ” dựa ” con : Đàn ông là ải nọ… , ải kia… , người tôn trọng nhất gọi là “ải ộ”, anh là “ải luông”, bác là “ải lung” rồi ” ải thẩu”; đàn bà là Êm (ếm) nọ …, Êm kia , già nhất là Êm thẩu. 

Các vị chức sắc xưa thì gọi là Tạo nọ , Tạo kia hay Phìa nọ , Phìa kia ( con cháu những người này cũng được tôn trọng gọi là Tạo con…, Nàng… già là bà Nàng…) 

Sau năm 1945 bà con dân tộc được đổi tên mới , đặt tên không theo truyền thống mà phù hợp với đời sống văn minh hiện đại.Ví dụ nhà văn nhà thơ lấy bút danh như Tòng ín là Ban Pún (Hoa ban nở). 

Dân tộc Thái có Huyền thoại về dòng Họ : Sau nạn hồng thuỷ , chỉ còn sống sót một cặp vợ chồng. Người vợ có một thỏi đồng liền đem ra nấu và đúc thành dụng cụ. Quá trình đúc đồng được chia làm mấy giai đoạn như : lúc đầu làm đồng nguyên , sau nấu gọi là lô, muốn tăng sức nóng thì phải quạt , rồi đảo quấy đều , sau đó thành nước loãng , đem luyện lại , tô luyện thành công cụ rắn chắc . 

Vì vậy khi sinh con , họ đặt cho con đầu lòng mang họ Tông (đồng), con thứ hai là Ló nay gọi là Lò (lô), con thứ ba họ Ví ( quạt) , con thứ tư họ Quá( quàng) , con thứ năm họ Đèo( đồng thành nước), con thứ sáu họ Liếng ( đã luyện ) nay gọi chệch là Lường , con thứ bày họ Cả ( tôi luyên rắn thành công cụ ) , nay gọi là Cà. 

Quá trình phân hoá giàu nghèo nên các họ trên đều có ngày giỗ riêng . 

Đến nay tên đệm Văn cho Nam và Thị cho Nữ khá phổ biến như người Kinh. 

Theo nghiên cứu của chúng tôi thì nét đắc sắc văn hoá dùng họ và đặt tên có thể thấy ở Thanh Hoá, Nghệ An và Lai Châu . 

Người Thái Trắng ở Lai Châu rất chú trọng lễ đặt tên cho con. Đồng bào cho rằng: Trẻ con mới sinh do vía yếu , không muốn người lạ lên nhà người ta gài vào đầu cầu thang một cành lá xanh và giắt tấm phên đan mắt cáo (Ta Leo). Đến ngày trẻ đầy tháng (Hết Hoóng) làm lễ cúng đầy tháng và cũng là lúc đặt tên cho trẻ . Cách đặt tên không trùng với tên gọi ông bà họ hàng nội ngoại là được. 

Ngườì Thái Nghệ an do Lê Thái Tổ cho di từ Thuận Châu vào Miền Tây Nghệ An. 

Người Thái ở Thanh Hoá có câu tục ngữ :” Người có họ , cây có vườn (con mi họ, co mi xuân). Người Thái gọi là ” Chao ” có nghĩa là nòi giống. 

Tại Tây Bắc họ Lường làm thày mo , họ Lò làm Tạo , nhưng ở Thanh Hoá thì họ Hà làm Tạo. 

Người Thái theo phụ quyền (huyết thống cha), ở Việt nam người Thái mang cả tên họ gốc và tên phiên âm sang tiếng Việt , ví dụ Chao Lộc là họ Lục. Đó cũng là nét văn hoá Thái trong cộng đồng 54 dân tộc Việt nam ./. 

…..

4 – DÂN TỘC MƯỜNG

….. 

IMG.899Dân tôc Mường Dân tôc Mường có trên 1,1 triệu người, chiếm hơn 1,5 % dân số Việt Nam 

Ngoài ra có các tên khác gọi : Mol, Mual, Mọi, Mọi bi, Au tá,. Tên Mường mới xuất hiện khoảng hơn một thế kỷ nay, để chỉ cộng đồng dân có nét tương đồng với người Kinh (Việt) sinh sống ở các bản Mường Hoà Bình,Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La,Thanh Hoá…”Mường” là một loại tổ chức hành chính cơ sở ở vùng núi , trở thành tên gọi của tộc người .

Xét về nguồn gốc lịch sử , người Mường là người Việt cổ ( bản địa) từ 3000 năm trở về trước, từ sau thế kỷ 10 có sự cách biệt của nhóm người Việt ở đồng bằng với người ở miền núi nên dần dần có sự khác biệt thành người Kinh – người Mường.

Về kinh tế , đồng bào Mường trồng lúa nước là chính. Trên nương dẫy có ngô, khoai, sắn , đậu , đỗ. Một số nơi trồng tre , luồng, trẩu , gai, sở , đay, bông, quế, mía. Về chăn nuôi có trâu, bò,ngựa, lợn ,gà, ngựa, lợn, gà, vịt. Đồng bào có các nghề thủ công : dệt,đan lát, mộc… Ngoài ra còn thu hái các lâm thổ sản, săn bắt các lọai thú rừng để cải thiện bữa ăn hàng ngày . 
. 
Xã hội Mường Hoà Bình trước năm 1945 là một xã hội có đẳng cấp , trong đó mỗi con người được ” chính danh định phận “. Quý tộc gọi là Lang , bình dân gọi là Jan ( dan ) . Trong một mương ( Mường) gồm nhiều xóm , quý tộc thống trị đều là thành viên một dòng họ. Ví dụ dòng họ Bạch Công thống trị ở Mường Rếch ( 12 xóm ) . Con trai trưởng thống trị toàn bộ thung lũng 12 xóm gọi là Lang Cun ( cun ) . Lang Cun Mường Rếch là Cun Đếch ( Chiềng Rếch hay Cun Rếch là Cun Đếch ) Chiềng Rếch , tức là Chiềng của Mường Rếch). Các chi thứ chia nhau thống trị các xóm khác ở phạm vi ngoài Chiềng ( ý là trung tâm) . Đứng đầu xóm Đúp là con trai trưởng của một chi thứ của họ Bạch Công , đó là Lang Tạo ( Lang Đạo ) , nói rõ là Tao Tuúp ( Đạo Đúp , tức Lang Đạo xóm Đúp).

Nội bộ bình dân phân hoá thành từng lớp Âu. Người bình dân được cất nhắc vào bộ máy thống trị của Cun ở Chiềng hay Đạo ở xóm chức Âu, cao nhất là Âu Eng ( Âu anh) được ăn phần ruộng tốt nhất , chức nhỏ là Âu ún ( Âu em ) là tay chân cho Lang và các Âu anh sai phái.

Dưới Âu đến nóc dân thường được ăn ruộng công gọi là nhà nưóc , cấp thấp nhất là Noóc K,Loi (Nóc Trọi) sống bằng nước rẫy , đó là Tứa Roong , có ý khinh miệt..

Sau năm 1945 mọi người Mường đều được bình đẳng..

Gia đình Mường tổ chức theo mô hình gia đình nhỏ phụ quyền . Con trai là người được hưởng quyền thừa kế tài sản.. 
. 
Dân tộc Mường theo hôn nhân một vợ một chồng bền vững , cư trú bên nhà chồng. Tục cưới xin giống người Kinh (chạm ngõ, ăn hỏi , xin cưới và đón dâu)..

Khi trong nhà có người sinh đẻ , đồng bào rào cầu thang chính bằng một phên nứa. Khi trẻ lớn một tuổi mới đặt tên.. 
Khi có người chết , tang lễ được theo nghi lễ nghiêm ngặt..

Tiếng Mường là một ngôn ngữ thống nhất , là hình ảnh của tiếng Việt ở giai đoạn tiếng Việt- Mường chung với đăc điểm chính là lưu giữ lại quá trình vô thanh hoá các phụ âm đầu. Ví dụ gà (Việt)/ ka (Mường), đi/ti, ba/pa….

Dân tộc Mường chưa có chữ viết riêng. Mo “đẻ đất đẻ nước” là tài liệu văn học dân gian có giá trị nhất trong kho tàng văn học dân gian dân tộc Mường..

Dàn cồng chiêng là nhạc cụ dân tộc đặc sắc nhất của dân tộc Mường. ở Phú Thọ còn dùng ống nứa gõ vào những tấm gỗ trên sàn nhà tạo thành những âm thanh để thưởng thức gọi là Đâm Đuổng.. 

Lễ sinh con; Ngày đứa trẻ ra đời cả gia đình mở tiệc ăn mừng , mời Mo đến cúng cho hai mẹ con khoẻ, bé ăn no chóng lớn . Cả gia đình vui như hội . Thời gian kiêng cữ từ 7-12 ngày . Con trai goi là Thóc giống (lọ me), con gái gọi là Rau cỏ (cách tắc) . Khi ở cữ , phụ sản phải qua tục Sưởi lửa . Bất kể mùa nào cũng phải ngồi bên bếp lửa , với ý là lưu thông khí huyết , ba ngày sau mới được lau tắm thân thể. Sau một tháng mới được ăn thịt gà (chỉ ăn đùi bóc sạch da) nướng với rau bệ. 

Ngay sau khi sinh đặt tên tạm , chờ đến đầy tuổi tôi (12 tháng) mới làm lễ đặt tên chính thức. Để cầu mong cho trẻ hay ăn chóng lớn người ta còn làm lễ cúng Mụ . Lễ vật gồm xôi, rượu , cá chép . Mâm cỗ đặt trên cửa sổ nhà sàn. Gia chủ cầu khấn mong cho đứa trẻ “thốt như cách, mách như đác” nghĩa là :” Tốt như ót , mát như nước”. 

Khi đứa trể lọt lòng mẹ , người Mường ở Vĩnh Phúc đặt đứa trẻ trên cái Cúm (mẹt to) có lót lá chuối rừng đã được nướng mềm . Người mẹ nằm ngay bên cạnh con.Nếu là con gái thì lấy cái hông nồi xôi bằng gỗ khoét rỗng (chõ) đập nhẹ xuống sàn , nếu là con trai thì lấy cái chài cũ , đập nhẹ xuống sàn , miệng nói: ” hỡi con trai dậy mà ti chài ti lứa. Hỡi con tứa dậy mà tháo thơ tháo thằm “, đại ý là : “Hỡi con trai dậy mà đi kéo chài, đánh lưới. Hỡi con gái dậy mà kéo tơ, kéo tằm”. Gọi và đập như vậy ba lần chờ đứa bé khóc to mới bế lên quấn tã lót. Ba tháng sau mới làm lễ Vía cho bé. 

Người Mường có họ tên như người Kinh . Do xưa kia, hình thái tổ chức xã hội đặc thù của người Mường là chế độ Lang đạo, các dòng họ Lang đạo (Đinh , Quách, Bạch, Hà) chia nhau cai quản các vùng. Đứng đầu mỗi Mường có Lang Cun , dưới Lang Cun có các Lang Xóm hoặc Đạo Xóm cai quản một xóm. Ngoài bốn họ trên còn có một số họ tiêu biểu như Bùi , Hoàng , Lê, Phạm, Trịnh, Xa, họ Phùng …

Ví dụ như 
Đinh Công Vợi, Quách Tất Công,  
Bùi Thị Phệu, Phùng Thị Lợi ,  
Hà Công Rộng , Bạch Thành Phong , Bùi Văn Kín./.  

…..

 5 – DÂN TỘC MÔNG 

,,,,,

Dân tộc Mông có trên 784 nghìn người. cư- trú tập trung ở các tỉnh Hà Giang , Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái,Lai Châu , Sơn La, Cao Bằng , Nghệ An… IMG.900

Còn có tên là Mông roi ( Mèo Trắng ) , Mông Lềnh ( Mèo hoa), Mông roi ( Mèo đỏ), Mông đú( Mèo đen) , Mông súa ( Mông mán). Mông có nghĩa Người.

Dân tộc Mông có bản sắc văn hoá rất độc đáo. Gốc gác ở vùng Quý Châu Trung Quốc , gọi là Miêu Tộc (miêu gồm bộ thảo và chữ điền nghĩa là mạ , là mầm , là dáng diệu xinh đẹp , một tộc ngư-ời biết trồng lúa từ xa x-a). Do bị phong kiến Hán tộc tàn sát nên di cư- xuống Việt nam… , tên đồng bào tự gọi nhau là H’Mông, có nghiã là Người. 

Từ trước đến nay , các nhà ngôn ngữ học Trung Quốc vẫn kiên trì coi ngôn ngữ nhóm H’Mông – Dao thuộc ngôn ngữ Hán Tạng. 

Người H’Mông , có người nghiên cứu tìm ra có nhiều cái nhất: 

Ngôn ngữ có nhiều thanh nhất 8 thanh chia thành nhiều âm vực ; Vốn từ láy dồi dào . 

Hệ thống âm đầu rất phong phú có từ 51-57 phụ âm đầu ; Âm nhạc H’Mông có tiếng Sáo , Khèn Mèo, đàn môi nổi bật gai điệu ở dạng gãy khúc “nhâp nhô” như đỉnh non cao mà họ cư trú . 

Ngoài ra còn có Gạo Mèo, Rượu Mèo, Táo Mèo là ngon nhất; Lợn Mèo , bò Mèo là to nhất ; Cày Mèo, cối xay Mèo bằng đá độc đáo bền nhất, ruộng bậc thang với hệ thống tới tiêu ở lưng chừng núi tuyệt vời nhất; Váy Mèo, áo Mèo sặc sỡ đẹp nhất ; Múa Mèo , hát Mèo vào loại hay nhất; Súng Mèo tự tạo , dao Mèo tốt sắc nhát; Đi bộ leo dốc giỏi nhất; Dũng cảm , vượt gian khó , hiên ngang nhất . 

Tại Việt nam cùng thời với Hoàng Hoa Thám đánh Pháp người H’Mông cũng có Giàng Chỉn Hùng ( Bắc Hà ) Thảo Nủ Đa ( Mù Cang Chải ) Giàng Tả Chay ( Tây Bắc) . Sau nay có Vừ A Dính( Tuần Giáo ) – Kim Đồng ( Cao Bằng ). Nhân vật lịch sử Vua Mèo Vàng Chí Sình ( Bắc Hà ) sau cũng theo Việt Minh đánh Pháp. Thời nay có nhiều ng-ời H’Mông học tới Cử nhân , Tiến sỹ , ví dụ Tiến sỹ Thào Xuân Sùng , bí thư tỉnh uỷ Sơn la. 

Về văn học có “Tiếng hát làm dâu” “Tiếng hát mồ côi” nói lên thân phận con người thật là thống thiết , dù ai “cứng lòng” mà đọc cũng phải rưng rưng nước mắt! . “Dân ca Mèo”, truyện cổ tích Mèo cũng rất phong phú. Quan hệ dòng tộc rất đặc sắc , mỗi dòng họ cư trú quây quần thành từng cụm , có một trưởng họ đảm nhiệm công việc chung “đi đâu ở đâu” có họ hàng , sống chết không rời nhau. Có tục “Háy Pú” , cướp vợ rất đặc sắc. Đồng bào có chữ viết riêng.  
Lễ cúng khi sinh đẻ: Đồng bào quan niệm rằng: Con người ta có hai phần (thể xác và linh hồn) , họ không quan tâm nhiều đến phần thể xác. Họ cho rằng con người sinh ra trên cõi đời chỉ cần nhìn thấy ba lần ánh mặt trời cũng là một kiếp người. 

Một con người có ba linh hồn : 

Hồn thứ nhất ở đỉnh đầu, do đó kiêng xoa đầu trẻ em vì hồn nó yếu , xoa đầu hồn sẽ bỏ đi , vì thế ai xoa thì phải làm lễ gọi hồn về. 

Hồn thứ hai ở vùng ngực , hồn này ít bỏ đi lang thang , nhưng khi đã bỏ đi thì bệnh sẽ nặng 

Hồn thứ ba ở rốn, hồn này cai quản thân xác và nội tạng , hồn này bỏ đi là đau nội tạng , đau bụng (hồn này ở phụ nữ yếu hơn nam giới , nên phụ nữ hay đau bụng hơn , hồn bỏ đi không về sẽ chết). 

Khi chết hồn thứ nhất bay lên tầng cao nhất cùng tổ tiên trên trời (cõi tiên) . 

Hồn thứ hai bay lên chỗ Ngọc Hoàng chờ đầu thai vào kiếp khác (ai xấu sẽ đầu thai làm con vật); Hồn thứ ba gác phần mộ , lởn vởn nơi tầng thấp của Ngưu ma vương , thường bay về quấy nhiễu. Vì thế người H’Mông rất quan tâm đến việc thờ cúng gắn với chu kỳ đời người. 

Khi bà mẹ sắp sinh em bé thì nhà có lễ cúng “đề ca súa” , cầu cho mẹ tròn con vuông. 

Đồng bào cho rằng : Khi trẻ sinh ra chưa có linh hồn ngay, phải sau 3 ngày mới tổ chức lễ gọi hồn (húp hi) – đây là lễ lớn , thông báo cho sự ra đời của một thành viên trong gia đình . Đây cũng là lúc đặt tên cho trẻ. Tên trẻ không được trùng với tên ông bà , tổ tiên , họ hàng . Cuối lễ , thầy cúng xem chân gà “bói” tương lai cho trẻ. 

IMG.901Về họ và tên , những người có chung một họ như Giàng , Vừ , Thào , Lầu , Lý… đều coi nhau như anh em , dẫu không chung một tổ. 

Người H’Mông ở Lào Cai , Thanh Hoá và Nghệ An có nhiều nét văn hoá đặc sắc. Ng-ười H’Mông ở Lào Cai có hơn 30 họ, các họ lấy tên con vật như Sùng (gấu), Hầu (khỉ) ,Lồ (lừa), Mã (ngựa) Giàng (dê) và Lùng (rồng). Có họ lấy màu sắc đặt họ ví dụ Hoàng (màu vàng), Lù (màu xanh) Hùng (màu đỏ). Có họ lấy tên cây , ví dụ như Lý (mận) Thào (đào). Họ còn lấy tên đồ vật , ví dụ như Cư (trống), Thèn (thùng) . 

Đồng bào đặt tên nhiều lần : 

Khi bé đầy tuổi , có lễ mừng tuổi , Lễ đội tên đệm của bố cùng lúc với lễ mừng con đầu lòng 1 tuổi. Khi ấy con trai tặng nỏ , súng , dao , cháu gái tặng cuốn chỉ thêu, tấm vải . ước nguyện trai tài gái đảm. 

Lễ đặt tên lần thứ hai “Tì bê lầu” , thịt một con lợn tặng bố mẹ vợ nửa , cầu khấn những điều tốt lành , buộc chỉ cổ tay , đặt tên đệm mới cho con rể. Bố mẹ vợ tặng vật kỷ niệm cho con rể thường là đồng bạc trắng , cái địu con . 

Có trường hợp người đàn ông có đến 3-4 tên , khi đau ốm hoặc rủi ro , tai nạn thì lại làm lễ đặt tên lại . 

Đồng bào quan niệm “thùng sếnh, thùng đang” tức là cùng họ cùng ma vì làm ăn làm uống ta có thể học người khác , nhưng làm ma thì không thể theo người ta đựơc.

Lễ ma có 4 lễ :  
. Lễ ma tươi  
. Cúng ma bò  
. Cúng ma lợn  
. Cúng ma cửa  
Đúng là , cách đặt 3-4 tên của người H’Mông mang bản sắc văn hoá thật độc đáo ./.

…..  

6 – DÂN TỘC KHƠ ME

…..

Dân tộc Khơ Me có trên 1 triệu người , sống tập trung ở các tỉnh Sóc Trang , Vĩnh Long, Trà Vinh , Cần Thơ, Kiên Giang , An Giang .IMG.902 

Còn có các tên khác Khơ Me Krom, Cur, Cul , Thổ, Việt gốc Miên .

Tên Khơ Me bắt nguồn từ tiếng Phạn ( Ấn Độ ) Khêmara có nghĩa là “An Vui Hanh Phúc.”

Đây là một cư dân sống lâu đời ở Đồng bằng Sông Cửu Long, sống xen kẽ với người Kinh và người Hoa.

Đồng bào biết thâm canh lúa nước từ lâu đời, biết làm thuỷ lợi và lợi dụng thuỷ triều để thay chua rửa mặn, xổ phèn cải tạo đất.Có địa phương trồng nhiều dưa hấu . Chăn nuôi gia súc , gia cầm , làm các nghề thủ công (dệt , gốm…) và làm đường Thốt nốt.

IMG.903Dân tộc Khơ Me sống quần tụ thành các phum , sóc( như thôn ấp của người Kinh , gồm từ 17-70 nóc nhà. Trên các phum sóc không có đình mà có chùa , gọi là chùa Khơ Me . Các chùa này có cấu trúc khá giống nhau tuy quy mô khác nhau . Chùa là nơi thờ Phật và là nơi hành lễ của dân làng.

Về trang phục : đàn ông đóng khố sampôt. đàn bà mặc váy xà rồng , dài chấm mắt cá chân , màu gụ, có nhiều hoa văn đẹp . Ngày xưa phụ nữ không mặc áo mà dùng một tấm vải vắt chéo qua vai để che ngực , có thói quen quấn khăn Khrâm lên đầu . Nhà sư cọc trọc đầu , râu và lông mày. Khoác áo cà sa , mang khố vàng màu nghệ và ô trắng hay vàng.

Đồng bào Khơ Me có ba hình thức tôn giáo , theo tín ngưỡng dân gian , đạo Balamon, Phật giáo tiểu thừa . Trong mỗi chùa có nhiều sãi ( gọi là các ông Lục ) và do sãi cả đứng đầu . Con trai Khơ Me trước khi trưởng thành thuờng đến ở chùa để tu học, trau dồi đức hạnh và kiến thức. Nhà chùa thường dạy kinh nghiệm sản xuất , dạy chữ. Hiện nay có trên 400 chùa Khơ Me.

IMG.904Người Khơ Me ghi chép lại một nền văn học rất phong phú của mình trên lá buông gọi là Xatra . Văn học dân gian truyền miệng cũng vô cùng phong phú . Nghệ thuật sân khấu gồm nhiều loại Dù kê, Rô băm . Các điệu múa nổi tiếng : Lăm vông, Múa kiếm ( Răm khách ), Lăm Lêu…

Các ngày lễ lớn là Choi Chnăm Thơ Mây( Mừng năm Mới ) , Lễ Phật đản , lễ Đôn ta ( xá tội vong nhân ) , Oóc Bom boóc ( cúng trăng ).

Các họ của người Khơ Me : 
Bàn , Binh , Chau , Chiêm , Danh , Dơng, Đào, Điêu, Đoàn , Đỗ, Hiùnh, Hứa , Kỷ, Liêu, Lộc , Lục, Lu , Mai , Neang, Nuth, Ngô, Nguyễn, Panth, Pem, Pham , Sơn, Tăng, Tô, Từ , Tng, Thạch, Thị , Thuấn, Trà , Trần, U, Uônth, Xanh, Xath,Xum…

Các họ tên tiêu biểu của người Khơ Me Danh , Sơn, Kim, Thạch , Châu , Lâm , ví dụ : 
Danh út, Ngọc Anh ( Nam ) 
Lâm Phú Thạch Thị ( nữ). 

Phụ nữ thường phân biệt bằng chữ Thị hoặc Nêang . Người Khơ Me có họ từ thời Nguyễn , vua Minh Mạng , để kiểm kê hộ khẩu dân số. Trước đó người Khơ Me không có họ.

Nét văn hoá đặc sắc trong văn hoá dùng họ và đặt tên của ngời Khơ Me chính là : Để phân biệt những người cùng tên và có quan hệ huyết thống thì người Khơ Me thường gọi kèm tên người cha ( phụ tử liên danh) , tên người cha thành họ của người con./. 

Nguyễn Khôi

(Nguồn: Chim Việt Cành Nam)

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm