Người Tìm Hiểu

 CARL JUNG VÀ CON NGƯỜI TOÀN DIỆN

 DẪN NHẬP

Carl Jung là một nhà Tâm Lý học và tâm lý Trị Liệu Tâm Thần sinh sống trong khoảng thời gian 1875-1961. Nổi tiếng nhờ ông thành lập một trường phái Tâm Lý học mới có tên là “Tâm Lý Học Phân Tích”(‘analytical psychology’) nhằm phân biệt với trường phái “Phân Tâm Học” (‘psychanalysis’) của Sigmund Freud. Và ngày nay có rất nhiều nhà tâm lý trị liệu chữa trị bệnh nhân theo phương pháp của ông. Phần lớn những điều được biết về cuộc đời của Jung được tìm thấy trong cuốn Tự Truyên của ông có tựa là  ‘Memories, Dreams, Reflections’

 A)TẦM QUAN TRỌNG CÔNG TRÌNH CỦA CARL JUNG      

Rất nhiều người đã nghe đến tiếng tăm của Carl Jung và nhiều cuốn sách đã được viết về ông. Jung tự thân cũng là một cây viết phong phú với hơn 20 tác phẩm. Một số ý tưởng và thuật ngữ được ông đặt ra, đã trở thành thông dụng trong đời sống hằng ngày hiện nay như ‘archetype’ (= linh tượng, sơ nguyên tương), ‘introvert-extrovert’ (= hướng nội – hướng ngoại), ‘midlife crisis’ (= khủng hoảng tuổi trung niên)…..vvv…..

Carl Jung còn là một Học Giả lớn, và những lãnh vực mà ông quan tâm đến bao gồm Chiêm Tinh, Thuật Giả Kim, các Tôn Giáo trên thế giới…..vvv…..Nội dung suy tư và sáng tác của Carl Jung không chỉ liên quan đến  các lãnh vực nói trên, mà còn dựa trên Kinh Nghiêm thực tiễn mà ông có khi tiếp xúc với các bệnh nhân trong lãnh vực nghề nghiêp.

Hệ Tâm Lý mà Jung phát triển là một ngành Tâm Lý học  TÂM LINH, được phân biệt với ngành Tâm Lý học chính thống đương thời với đặc tính CƠ KHÍ cứng ngắc, và  lối nhìn con người dưới dạng thức của một cái MÁY mà các hành động được định đoạt bởi các nguyên nhân có tính cách Vật Lý và Hóa Học.

Suốt cuộc đời, Carl Jung bi quyến rũ  bởi địa hạt Tâm Linh và Thần Bí  và cho rằng đó là khía cạnh quan trọng  nhất trong công trình sáng tác của ông.

Sở dĩ Jung chú tâm (một cách cố tình)  đến một địa bàn rộng lớn bao gồm nhiều lãnh vực và  nhiều truyền thống Tâm Linh khác nhau, bởi vì mục tiêu của Jung là thử đi tìm những Chân Lý CHUNG của cả Nhân Loại.

Jung tin rẳng đời sống Tâm Linh của một cá nhân có tính quan trọng bậc nhất trong tiến trình chữa trị. Ông cho rằng câu chuyện về đời sống cá nhân của một con người là điều quan trọng. Jung quan tâm và lắng nghe một cách cẩn thận những gì  bệnh nhân cảm thấy cần phải kể lại. Ông xem những chẩn đoán bệnh lý chỉ hữu ích đối với Bác Sĩ  chữa trị mà thôi, nhằm cung cấp cho Vị này một loại ‘Định Hướng nào đó’, chứ theo Jung, nó không giúp gì cho bệnh nhân.

Carl Jung sinh sống vào cuối thế kỷ 19, trong khoảng thời gian bắt đầu có nhiều thay đổi quan trọng  trong xã hội, nhất là ở lãnh vực Khoa Học. Thuyết Tiến Hóa của Charles Darwin (1809-1882) đang thách thức lối Suy Nghĩ của Tôn Giáo, khiến nhiều người đặt lại vấn đề đối với những gì được viết trong Kinh Thánh .

Sigmund Freud giúp mở rộng tầm nhận thức của người đồng thời về sư quan trọng của Vô Thức trong đời sống Tâm Lý của con người. Ngay cả cơ cấu xã hội cũng đang thay đổi, vì người ta bắt đầu sống trong những tập hợp nhỏ hơn, và đi tìm kiếm những Chân Lý MỚI cũng như  bắt đầu quan tâm đến việc ‘Tìm Hiểu Về Chính Bản Thân Mình’.

Trong suốt công trình của ông, Jung nhấn mạnh đến sư quan trọng của Vô Thức. Ông thường dùng từ ngữ ‘PSYCHE’  mà đối với Jung, bao gồm cả tiến trình Ý Thức lẫn Vô Thức. Mặt khác, từ ngữ ‘Mind’ được Jung sử dụng để chỉ các tiến trình của Ý Thức mà thôi. Jung vạch ra sư kiện sau đây  là tất cả những gì chúng ta lĩnh hội được đều được nhận biết và ‘phiên dịch’ bởi Trí Óc của chúng ta. Do đó, chúng ta không bao giờ biết một cách chắc chắn về những chân lý liên quan đến thế giới bên ngoài chúng ta.

 B) ‘TÂM LÝ HỌC PHÂN TÍCH’ LÀ GÌ ?

 ‘Tâm Lý Học Phân Tích’ là toàn thể ‘Hệ Tâm Lý’ mà Carl Jung đã phát triển trong suốt cuộc đời của ông. Những ý tưởng của Jung trong lãnh vực này đến từ nhiều nguồn khác nhau:

  •  – Từ gần 60 năm Kinh Nghiệm nghề nghiệp với các bệnh nhân
  • =  Từ việc cần cù nghiên cứu thế giới Nội Tâm, những Giấc Mơ, Cảnh Mộng, và Biểu Tượng của chính mình
  • – Từ việc đọc rất nhiều và rộng, đi du lịch nhằm khảo sát tỉ mỉ nhiều Huyền Thoại và Niềm Tin Tôn Giáo của nhiều nền Văn Hóa.

Jung trở nên quan tâm đến ý tưởng cho rằng có  một vài Chủ Đề CHUNG hiện hữu xuyên qua các Huyền Thoại và nội dung Văn Hóa của tất cả các Dân Tộc. Ý tường này dẫn đến sự khám phá ra ‘Vô Thức Cộng Thông’ (Collective Unconscious), một trong những chủ đề chính yếu trong học thuyết của Carl Jung.

‘Tâm Lý Học Phân Tích’ xuất hiện với nhiều khía cạnh chính yếu:

  • – Một phương pháp chữa trị nhằm Chữa không những Rối Loạn về Thần Kinh và Trí Óc, mà còn nhằm giúp những con người bình thường đạt được Quân Bình và ‘Tự Nhận Thức về chính bản thân mình’
  • – Một nỗ lực nhằm cung cấp một Bản Đồ về toàn thể Cơ cấu TÂM LINH của con người hầu hiểu rõ hơn cách thức hoạt động của cơ cấu này
  • – Sự khảo sát tỉ mỉ các khía cạnh sâu kín  của Tâm Lý con người qua việc nghiên cứu  các niềm tin Tôn Giáo, các giấc mơ, huyền thoại, biểu tượng và lãnh vực “Vượt Kinh Nghiệm Bình Thường” (‘PARANORMAL’) liên quan đến những sự việc không thể giải thích được bằng những phương pháp bình thường và khách quan.

    Jung đăt ra thuật ngữ “Tâm Lý Học Phân Tích” (=’Analytical Psychology’) vào khoảng năm 1913 nhằm phân biệt với hệ “Phân Tâm Học” (= ‘Psycho-Analysis’) của Sigmund Freud.

    Từ khi Jung qua đời vào năm 1961, công trình phân tích Cơ Cấu TÂM LINH của Jung được công nhận một cách rộng rãi như là một cái KHUNG Lý Thuyết có thể giúp ích trong việc nghiên cứu các vấn đề Tâm Lý. Tuy nhiên, chính Jung  cũng phải thú nhân rằng các ý tưởng của ông không phải dễ ‘nắm bắt’. Ông cũng đưa ra nhận xét là ông không thể cho rằng mình đã thành hình được một Lý Thuyết rõ ràng, sáng sủa. Và công trình của ông bao gồm một loạt ‘thăm dò’ hướng về cái KHUNG Lý Thuyết lý tưởng.

    Dẫu có những khó khăn như vừa đề cập ở trên, Jung vẫn khuyến khích chúng ta thể nghiệm việc đời với chính nó và nếu được, phát triển lối nhìn thấu thị bên trong lòng sự vật.

    Tuy nhiên, tới gần cuối đời, Jung cuối cùng đã chấp nhận thử đặt một số ý tưởng lại với nhau nhằm giúp những người bình thường hiểu được các Ý Tưởng của ông. Kết quả của nỗ lực trên là sư ra đời của tác phẩm ‘Man and His Symbols’ có thề dùng như bước khởi đầu tìm hiểu Học Thuyết của Carl Jung.

    Nội dung tác phẩm nhấn mạnh đến niềm thâm tín lâu đời của Jung rằng Thế Giới TÂM LINH của con người có một địa vị  quan trọng bậc nhất và phải đựợc nghiên cứu một cách nghiêm chỉnh.(1)

      Carl Jung

      (Còn tiếp)

     (1) Ruth Berry, “Jung“, Hodder & Stoughton, London, England,     2000, tr.1-4

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

 

Tìm Kiếm