CHÍNH-ĐỀ VIỆT-NAM
TIẾP THEO CHƯƠNG I
II. ÔNG TÔN THẤT THIỆN LỪA NGƯỜI
CHO NÊN
III. ÔNG TÔN THẤT THIỆN BỊ NGƯỜI LỪA
============================================================================
II
ÔNG TÔN THẤT THIỆN LỪA NGƯỜI
…..
Năm 2009, để tưởng-nhớ cố Tổng-Thống Ngô Đình Diệm và cố Cố-Vấn Ngô Đình Nhu, Ông Tôn Thất Thiện đã phổ-biến một tài-liệu nhan đề là “Chính Đề Việt Nam” (mời xem).
Về “Giá-Trị” của tài-liệu ấy, Ông Tôn Thất Thiện ca-tụng như sau:
“Chính Đề Việt Nam là một tài liệu được soạn đặc biệt như là một tài liệu học tập để huấn luyện cán bộ cao cấp của chế độ về nghệ thuật trở thành những người ‘lãnh đạo xứng danh’. Tài liệu này có một tầm quan trọng vượt xa không những chế độ Cọng Hoà I, mà ngay cả Việt Nam: nó có giá trị một tài liệu học tập quý báu cho cán bộ các nước chậm tiến muốn hiện đại hoá”, “một tác phẩm hết sức độc đáo, một đóng góp lớn, một viên ngọc quý trong kho tàng tư tưởng của nhân loại.”[sic]
Về “Ý” và “Từ” của tài-liệu ấy, Ông Thiện cho biết:
“Ý” thì là “kinh-nghiệm lịch-sử của cố vấn Ngô Đình Nhu cùng một số phụ tá thân cận”;
Còn “Từ” thì là của “các tác giả bàn đến kinh-nghiệm nói trên” tức là “những người đóng góp lớn nhứt vào công trình này” mà Ông Thiện có kể tên, như các ông “Cao Xuân Vỹ, Lê Văn Đồng, Phan Xứng, Đỗ La Lam, và một số thân hữu khác”.
Về “Tác-Giả” của tài-liệu ấy, Ông Thiện nói rõ là các tác-giả đã “dựa trên kinh nghiệm lịch sử của cố vấn Ngô Đình Nhu cùng một số phụ tá thân cận”, để “bàn đến”. Cái việc “bàn đến” tức là “suy-diễn” hay là “tán rộng” (nôm-na là “Mao Tôn Cương”) của các tác-giả này được Ông Thiện long-trọng gọi là “những nghiên cứu và phân tích” để “kết tụ” nên tài-liệu này. Vậy là nhờ có “những nghiên cứu và phân tích” của “các tác giả bàn đến kinh-nghiệm lịch-sử của cố vấn Ngô Đình Nhu cùng một số phụ tá thân cận” nên mới có tài-liệu này, chứ bản-thân “kinh-nghiệm lịch-sử của cố vấn Ngô Đình Nhu” thì chẳng có gì nhiều, mà phần lớn lại đã là của “một số phụ tá thân cận” của ông ấy rồi.
Nhưng “kinh-nghiệm lịch-sử ” ấy là gì? Ở đây là kết-quả áp-dụng của tư-tưởng và hành-động của hai nhà lãnh-đạo tối-cao của nền Đệ-Nhất Cộng-Hòa (Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu), mà phần chủ-quan là của chính các vị ấy, và phần khách-quan là của các cấp chấp-hành. Nhưng về phần chủ-quan (ở đây là của ÔngNgô Đình Nhu) thì không thấy Ông Tôn Thất Thiện dẫn-chứng một tài-liệu nào xác-nhận là bút-tích hay nguyên-văn lời phát-biểu của chính Ông Nhu. Vậy thì “kinh-nghiệm lịch-sử ” ấy thuộc về phần khách-quan, tức là của các cấp chấp-hành, “một số phụ tá thân cận”, “các tác giả bàn đến ”, “những người đóng góp lớn nhứt vào công trình này” ― tức là không phải của Ông Nhu.
Thế mà Ông Thiện lại mập-mờ đem gán tất cả “những nghiên cứu và phân tích”, tức là “kinh-nghiệm lịch-sử ” ấy, cho một người có bút-danh Tùng Phong, rồi đến đoạn cuối mới chêm trong dấu ngoặc, rằng Tùng Phong là Ngô Đình Nhu.
Việc-làm lừa người của Ông Tôn Thất Thiện đã được chúng tôi cụ-thể- và chi-tiết-hóa trong một bài-viết trước đây (mời xem).
Hậu-quả của việc lừa người là Ông Tôn Thất Thiện đã bị người lừa.
III
ÔNG TÔN THẤT THIỆN BỊ NGƯỜI LỪA
Câu chuyện về “Chính Đề Việt Nam” tưởng như đã ngưng ở chỗ:
1. Ông Tôn Thất Thiện vừa tán-dương tài-liệu này như đệ-nhất danh-thư (là “tài liệu xuất sắc nhứt… trong suốt thời gian gần 70 năm qua”, là “một tác phẩm hết sức độc đáo, một đóng góp lớn, một viên ngọc quý trong kho tàng tư tưởng của nhân loại”);
2. Ông Tôn Thất Thiện vừa tự đề-cao mình như đệ-nhất học-giả (“Tôi đã được học hỏi ở những Đại học có tiếng là đứng hàng đầu thế giới về các môn Chính trị, Kinh tế, Xã hội học, tôi đãđọc rất nhiều sách, báo, về vấn đề phát triển; tôi đã dành rất nhiều thì giờ quan sát, suy tư về vấn đề, và cũng đạt được một số nhận xét có thể coi là chính xác…” và “(tôi) là một học giả đã đểnhiều thì giờ, nhiều công và tâm trí vào việc tìm hiểu vấn đề.”);
3. Ông Tôn Thất Thiện vừa tôn-vinh Ông Ngô Đình Nhu như đệ-nhất tổ-sư (“Chính Đề Việt Nam là một tài liệu được soạn đặc biệt như là một tài liệu học tập để huấn luyện cán bộ cao cấpcủa chế độ về nghệ thuật trở thành những người ‘lãnh đạo xứng danh’; Tất cả những gì mình tìm kiếm đều có trong đó. Mình đã mất gần 50 năm… tìm kiếm những gì mà đã có người Việt Nam[Ông Ngô Đình Nhu] đã viết lên rồi”; “Những kết luận của Tùng Phong [Ông Ngô Đình Nhu] đưa ra lúc soạn tài liệu này, có thể nói là tiên tri”; “Tuy nhiên, như ta đã thấy, tài liệu này có một tầm quan trọng vượt xa không những chế độ Cọng Hoà I, mà ngay cả [toàn-quốc] Việt Nam: nó có giá trị một tài liệu học tập quý báu cho cán bộ các nước chậm tiến [trên khắp thế-giới, nhất là Á Đông] muốn hiện đại hoá”);
4. Ông Tôn Thất Thiện lại vừa đồng-thời hạ-bệ Ông Ngô Đình Nhu một cách thẳng thừng (“Những điều trên đây―trong Chính Đề Việt Nam―từ điểm quan sát 2009 nhìn lui, tôi thấy rõ, đó là những điều tôi đã được nghe, đọc, thấy, suy ngẫm, từ những năm 1949-1952, lúc tôi học ở Trường L.S.E. (London School of Economics)”―rất lâu trước 1952, ít nhất là 2 năm trước khi Nhà Ngô lên ngôi. Tức là nếu quả tài-liệu ấy do chính Ông Ngô Đình Nhu viết, thì chỉ là “những điều [Ông Thiện] đã nghe, đọc, thấy, suy ngẫm, rất lâu trước 1952” rồi.
5. Ông Tôn Thất Thiện cũng vừa đồng-thời tự bôi lem tên-tuổi của chính mình (“Những điều trên đây―trong Chính Đề Việt Nam” chỉ là “những điều tôi đã được nghe, đọc, thấy, suy ngẫm, từ những năm 1949-1952, lúc tôi học ở Trường L.S.E. (London School of Economics)” rồi, thế nhưng “Mãi đến năm 2004 (tức là hơn 40 năm sau khi chấm dứt Đệ Nhất Cộng Hoà) tôimới được cái may mắn này. Năm 2004 là năm tôi được nghe nói đến, rồi được đọc, tác phẩm Chính Đề Việt Nam”; “Trời! Sao mình không được biết đến tài liệu này sớm hơn!”
*
Đùng một cái, ba năm sau, năm 2007, có Ông Trương Phú Thứ, đăng lên trên diễn-đàn liên-mạng “Văn Tuyển” một bài-viết nhan đề “Đây là Sự Thật” nói về “Tuyệt phẩm chánh trị của ôngNgô Đình Nhu: Đó là cuốn CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM.”
Nguồn: http://www.vantuyen.net/index.php?view=story&subjectid=19111
Theo Ông Trương Phú Thứ, thì:
“Cuốn Chính Đề Việt Nam” do “Ông [Ngô Đình] Nhu viết bằng tiếng Pháp và được ông Lê Văn Đồng, một vị cựu bộ trưởng thời Đệ Nhất Cộng Hòa dịch sang tiếng Việt (?). Cách đây có đến ba chục năm, cuốn sách này đã được in lại khỏang một trăm bản ở miền nam Cali nhưng đến nay kể như đã tuyệt bản. Tôi có hỏi cụ Cao Xuân Vỹ thì được trả lời rằng: ‘có một bản mà không biết chừ ở mô’. Tất nhiên không ai biết bản chính bằng tiếng Pháp với chữ viết tay của ông Nhu bây giờ thất lạc nơi đâu.”
Vậy thì “Chính Đề Việt Nam” là một cuốn sách chứa-đựng tư-tưởng cao-siêu vượt không-gian và thời-gian, của cố Cố-Vấn Ngô Đình Nhu, “một học giả uyên bác và cũng là một chính trị gia thượng thặng”, người khai-sáng ra nền Đệ-Nhất Cộng-Hòa, lại chỉ có một bản chính, viết tay, bằng tiếng Pháp―quý-giá đến ngần nào! Thế nhưng, cả một triều-đại, tách ra một cõi, rộ lên một thời―cả một chính-thể, với biết bao nhiêu cao-nhân thức-giả tận-tụy trung-thành với anh+em Nhà Ngô, trong đó hiện nay chỉ còn mấy vị đếm được trên đầu ngón tay, song không có ai có tâm, có trí, có chí, cất giữ bảo-toàn cái gia-tài vô-giá ấy của lãnh-tụ yêu-quý của mình!
Ông Trương Phú Thứ tường-thuật:
“Ba năm trước đây một người cư ngụ ở Seattle, tạm gọi là ông X, còn may mắn có được cuốn sách này [bản dịch tiếng Việt]. Tôi đã mượn và nghiền ngẫm mấy ngày đêm… Ông X cho tôi coi một bản thỏa thuận của bà quả phụ Lê Văn Đồng, mà ông Đồng là người đã dịch cuốn sách này sang tiếng Việt với bút hiệu Tùng Phong, cho phép được hòan tòan xử dụng cuốn sách, nghĩa là có thể sửa chữa và sau đó phát hành rộng rãi… Một buổi sáng, ông X đến nhà tôi đòi lại cuốn sách và nói rằng bà quả phụ Lê Văn Đồng ‘ra lệnh’ không được sửa chữa gì dù một dấu phẩy và rằngđó là công trình tim óc của ông Lê Văn Đồng chứ ông Ngô Đình Nhu không có dính dáng gì đến cuốn sách này cả.”
Té ra Tùng Phong là bút hiệu của Ông Lê Văn Đồng, chứ không phải là của Ông Ngô Đình Nhu như Ông Tôn Thất Thiện đã viết.
*
Chưa hết.
Ngày 14 tháng 5 năm 2011 vừa rồi, trang mạng “YourVietBooks” có đăng một bài nhan đề “Chính Đề Việt Nam – Political Solution for Vietnam”.
Nguồn: http://www.yourvietbooks.com/2011/05/chinh-de-viet-nam.html
Phần mở đầu, bằng tiếng Anh, được viết như sau:
Original Title [nhan đề nguyên bản]: Chính Đề Việt Nam
Proposed English Title (nhan đề tiếng Anh được đề-nghị là): Political Solution for Vietnam
Author [tác giả]: Le Van Dong alias [biệt hiệu] Tung Phong
Publishers [nhà xuất-bản]: Hung Vuong, 2009 (First edition in 1964 [ấn-hành lần đầu năm 1964])
About the book [về sách này]:
The original version was published in 1964 [ấn-bản gốc được phát-hành năm 1964]
About the Author [về tác giả]:
Certain sources mentioned that the book was written by Ngô Dinh Nhu, but recently this information has been rectified by the Author’s daughter as per email below [Một số nguồn tin ghi rằng sách này là do Ông Ngô Đình Nhu viết ra, nhưng tin-tức này gần đây đã được ái-nữ của tác-giả phủ-chính, theo vi-thư dưới đây]:
My name is Le Tuyet Anh. I am the daughter and heir of the author of the book CHinh De Viet Nam. His name is Le Van Dong, alias Tung Phong. Recently some web pages (vantuyen.net) and publisher (Hung Vuong) posted the book author as Ngo Dinh Nhu, and I would like to set the record straight [Tôi tên là Lê Tuyết Anh. Tôi là con gái và là người thừa-kế của tác-giảcủa cuốn sách Chính Đề Việt Nam. Tác-giả tên là Lê Văn Đồng, biệt-hiệu Tùng Phong. Gần đây có mấy trang mạng (VănTuyển.net) và nhà xuất-bản (Hùng Vương) đã đăng tên tác-giả của cuốn sách này là Ngô Đình Nhu, nay tôi xin đính-chính (chỉnh lại hồ-sơ cho đúng)].
My father’s intention was to propagate the book for everybody to read [Mục-đích của cha tôi là quảng-bá cuốn sách này cho mọi người đọc]. However, it was not his intention for someone else to steal his lifetime work [Tuy nhiên, ý-định của cha tôi không phải là để cho kẻ khác ăn cắp công trình tim óc/tác-phẩm của cả cuộc đời của mình]. The US Central Intelligence Agency (CIA) posted evidence on line that showed that my father, former Senator of the Republic of VietNam, is Tung Phong [Cơ-quan Tình-Báo Trung-Ương Hoa-Kỳ đã đưa lên mạng bằng-chứng cho thấy cha tôi, cựu Thượng-Nghị-Sĩ VNCH, là Tùng Phong]. He also had several other publications [Cha tôi cũng đã có nhiều ấn-phẩm khác nữa]…
*
Tóm lại, câu chuyện kể trên chứng-tỏ rằng Ông Tôn Thất Thiện, tưởng rằng đã trót lọt lừa người, hóa ra lại cũng đã bị người lừa.
Còn về Ông Trương Phú Thứ, với những bài-viết của ông ấy mà chúng tôi cũng như một số người khác đã thắc-mắc nhiều, thì là đề-tài của một bài-viết khác.
LÊ XUÂN NHUẬN