CHỮ VIẾT KHOA ĐẨU DUY NHẤT TRÊN ĐÁ CỔ SAPA

Trần Vân Hạc

Sau nhiều năm khảo sát, nghiên cứu những hình vẽ, chữ viết trên đã cổ Sa Pa, giáo sư Lê Trọng Khánh, chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về chữ Việt cổ đã công bố những kết luận được dư luận trong và ngoài nước rất quan tâm. Người viết bài này đã có buổi làm việc với giáo sư tại Trung tâm Văn hóa người cao tuổi Việt Nam:

– Thưa giáo sư, xin giáo sư cho biết những căn cứ để hiểu ý nghĩa chữ viết trên tảng đá cổ ở Sa Pa.

Trên 200 bản khắc trên đá cổ Sa Pa (190 tảng còn lại, gần 20 tảng bị phá), tôi thấy chủ yếu là chữ viết đồ họa thuộc tiền văn tự, duy nhất chỉ một tảng ở Tả Van là có chữ. Đây là loại hình chữ “khoa đẩu”, các ký tự này đồng nhất với các ký tự trên đồ đồng Đông Sơn và đặc biệt giống chữ khắc trên rìu đồng Bắc Ninh, đồng nhất với chữ viết của người Thái đen Tây Bắc. Điều đó cho phép ta giải mã và hiểu được những ký tự trên đá cổ Sa Pa.

– Thưa giáo sư, như trong một bài viết giáo sư từng công bố, thì trên một số các hình đồ họa trên đá cố Sa Pa mô tả cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của tổ tiên ta

Đúng như thế, những chữ viết hình vẽ trên đã cổ Sa Pa đã phản ánh cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của cha ông ta. Tôi khẳng định như vậy vì những chữ viết hình vẽ này đã vượt qua giai đoạn vẽ hiện thực nguyên thủy và đã tiến tới chữ biểu ý đầu tiên. Vì vậy có thể coi đây là loại hình chữ viết biểu ý có thể đọc được. Nhất là khi ta đặt trong một hệ thống phát triển từ thấp đến cao qua những hiện vật khảo cổ thuộc văn hóa Đông Sơn như lưỡi cày hình cánh bướm, rìu cân xòe, rìu Bắc Ninh, trống dồng Lũng Cú, trên những viên gạch nung ở Cổ Loa… Theo quan điểm của văn tự học hiện đại qui định thì chữ viết hình vẽ – văn tự đồ họa Sa Pa truyền đạt cả ý cả câu – chữ viết ghi câu. Như vậy ta có thể giải mã được ý nghĩa chữ viết trên đá cổ Sa Pa một cách khoa học và có sức thuyết phục cao.

– Xin giáo sư cho biết ý nghĩa cụ thể của chữ viết trên tảng đá cổ có chữ viết duy nhất ở Tả Van.

Toàn bộ có trên 30 chữ, một số chữ bị mất hoàn toàn, đặc biệt là mất gần hết các dấu ở vị trí trên và dưới chữ, điều đó làm cho việc giải mã gặp rất nhiều khó khăn, trong khi ta chưa có điều kiện kỹ thuật để phục hồi những chữ đã mất. Song bằng những gì còn lại tôi thấy nội dung cơ bản của bản khắc đó nói về: “Công lao của tổ tiên đã xây dựng đất nước. Muôn đời sau con cháu phải bảo vệ lấy non sông của mình”.

Trầm ngâm giây lát, nhìn ra phía trời xa, trong ánh mắt của vị giáo sư đã bước vào tuổi 85 như ngời lên ánh lửa:

Dân tộc ta ngay từ buổi đầu dựng nước đã luôn phải đấu tranh với quân xâm lược phương bắc, bởi vậy khi ta hiểu di huấn của tổ tiên, ta càng thấm thía hơn những gì ông cha ta khắc trên đá gửi lại cho hậu thế. Những tảng đá, những hình vẽ, chữ viết ấy thấm cả máu của bao thế hệ, chuyên chở khát vọng sống của bao đời.

– Trân trọng cảm ơn giáo sư, kính chúc giáo sư mạnh khỏe !

Ngày 11.6.2009

Trần Vân Hạc

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm