CHỮ VIỆT
Huy Việt
…..
Chữ Việt bộ Mễ là chữ được đặt ra từ khi lập quốc của dân tộc ta. Trước khi vào đề , tôi xin kể hầu quý vị một câu chuyện để thêm rộng ý về chữ Việt này.
Trong một buổi họp bạn có nhiều nhà trí thức người Hoa, tôi đã đặt ra những câu hỏi sau đây:
– Phần đông quí vị có mặt ở đây là người Việt gốc Hoa phải không ?
– Vâng.
– Có bao giờ quý vị có ý nghĩ ngược lại rằng quý vị là người Hoa gốc Việt chăng ?
Nghe câu hỏi này có nhiều vị nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên và không có ai đáp lại.
Tôi bèn nói với họ:
– Xin một vị nào viết cho tôi một chữ Việt.
Một vị viết và đưa cho tôi chữ Việt bộ Tẩu.Tôi không nhận chữ Việt này và xin vị ấy viết cho tôi chữ Việt bộ Mễ, mà trong tự điển Khang Hi có ghi để chỉ Việt Đông Việt Tây.
Cầm chữ Việt bộ Mễ , tôi hỏi tiếp:
– Mỗi khi muốn đặt ra một chữ thì người ta phải theo những nguyên tắc nào? Phải chăng cái gì có hình thì tượng hỉnh, cái gì không có hình thì tượng ý hay tượng thanh ?
– Đúng như vậy.
– Vậy xin quý vị hãy ngắm chữ Việt bộ Mễ này xem nó tượng hình gì ?
Lại không có vị nào trả lời. Tôi bèn giải thích:
– Đây là hình đại cương bản đồ đất đai của nước Việt ờ từ thời mới lập quốc.
Xin các vị chú ý :
– Nét trên tượng hình sông Dương Tử, nét bên tượng hình giải núi Thục, nét cong cuốn tượng cho bờ bể.. Ở giữa và là chủ đất này là chữ Mễ và họ Mễ là của vua Thần Nông và của các vị vua Hùng, tổ tiên của giống Việt. Nét ngang dài tượng cho đất Vân Nam chạy dài tới Hải Nam, dưới cùng là nét móc câu tượng cho đất Việt Nam hiện nay.
– Quý vị có đồng ý với tôi rằng chữ Việt bộ Mễ này rõ ràng là một bản đồ không ?
– Đồng ý.
– Vậy quý vị và tổ tiên quý vị đã được sinh ra trên bản đồ nước Việt mà quý vị lại nhận mình là người Hoa có đúng không ? Rất có thể quý vị nghĩ rằng tổ tiên quý vị là người Hoa từ phương Bắc di cư xuống nước Việt ở phương Nam chăng ?
Đến đây tôi xin cắt đứt sự vấn đáp và giải thích thêm.
Tôi xin thưa rõ: Theo nhân chủng học thì người Hoa to lớn, thô kệt như người Sơn Đông, Bắc Kinh, Triều Tiên…..Còn người Việt thì bé nhỏ thanh thoát hơn. Ai đã có dịp lên miền Bắc nước Tầu sẽ nhận thấy giống Hoa và giống Việt khác nhau rõ rệt như vậy.
Đến đây tôi xin vào đề:
Theo cổ truyện lưu truyền trong dân gian thì vua Đế Minh đã có con là Đế Nghi lại lấy thêm một người vợ Tiên đẻ ra Lộc Tục. Về già vua Đế Minh truyền ngôi nước Sở cho Đế Nghi và cắt đất Kinh Châu và Dương Việt phong cho Lộc Tục. Lộc Tục lên làm vua lấy hiệu là Kinh Dương Vương tức là vua Hùng thứ nhất. Và chữ Việt bộ Mễ ra đời từ đấy, nghĩa là chữ Việt này xuất xứ từ đời vua Kinh Dương và là nguyên thủy.
Vua Kinh Dương theo tượng hình của đất nước mà đặt ra chữ Việt bộ Mễ để ghi lại truyền cho con cháu đừng quên đất đai của Tổ Quốc mình dù rằng sau này đất đai ấy có bị xâm chiếm mất.
Còn chữ Việt bộ Tẩu thì sao ?
Xin thưa: Khi nhà Tần sai Đồ Thư sang xâm chiếm nước ta , thì họ đã dùng đủ mọi cách để cướp đoạt , thu mua tất cả những sách vở của ta để mang về Tầu. Người nào dâng sách quí thì được làm quan, sách thường thì được hưởng tiền bạc.
Nhưng nhà Tần cai trị không lâu. Đến khi nhà Hán đô hộ nước ta , thì vua Hán mang tất cả những sách vở thu vét được, giao cho Viện Hàn Lâm nghiên cứu, sửa đổi lại để xuyên tạc, đổi tên người, tên đất đánh lạc hướng để dễ bề đồng hóa và nhận vơ, cốt ý không cho dân ta tìm lại được gốc rễ và tổ tiên mình.
Đó là chiến dịch man kinh rất thâm độc của nhà Hán và chữ Việt bộ Tẩu xuất hiện từ đó.
Với chữ Việt bộ Tẩu họ còn gói ghém ý mỉa mai ta nữa:
Nếu ta tách chữ Việt bộ Tầu ra thì ta có một bên là chữ Tẩu là chạy, và bên kia chữ Tuất là chó.Đó là họ muốn ghi chiến thắng của họ là đánh đuổi dân ta chạy về phương Nam như đuổi chó vậy. Tẩu cẩu nam phương. Để chứng minh sự kiện này, chính tác giả đã nghe người Hoa mỗi khi có sự xích mích với ta, họ thường dùng câu: đồ tẩu cẩu, vừa kín đáo và ít người biết là họ chửi.
Như vậy ta có nên dùng chữ Việt bộ Tẩu để chỉ nước ta nữa chăng ?
HUY VIỆT Trần Văn Hợi
(Nguồn: Tập San Tư Tưởng số 13)