CHÙM NHO PHẪN NỘ (Chương 6)
John Steinbeck
Mục sư Casy và Tom đứng trên đồi nhìn trại của gia đình Joad. Căn nhà bé nhỏ bằng gỗ thôi bị đè bẹp một phía, bị giật rời khỏi móng đến nỗi một góc nhà bị sập và qua các lỗ ở cửa sổ phía trước, hiện rõ những mảnh trời xanh nằm rất cao phía trên chân trời. Các bờ rào đã biến đi, bông mọc trong sân tận sát nhà, bông bao quanh chuồng ngựa, bông xâm lấn tận các nhà phụ nhỏ nằm lật nghiêng sóng soài. Cái sân đã từng bị giẫm giẽ bởi những bàn chân trần trụi của trẻ con, bị nện chặt bởi móng ngựa và những bánh xe rộng, giờ đây đã biến thành ruộng đồng và ở đấy chỉ có bông mọc, bông lá xanh thẫm và đầy bụi. Tom mải miết nhìn cây liễu lá bù xù ở gần máng nước khô cạn, nhìn cái nền xi măng mà trước đây đặt cái vòi bơm. Mãi sau anh thốt ra:
– Lạy Chúa. Ma quỷ chắc đã đi qua đây. Chẳng có lấy một bóng người.
Rồi anh nhanh chân bước xuống đồi. Còn Casy đi theo anh. Anh nhìn vào chuồng ngựa bỏ hoang, nhìn cái căn chuồng la ở trong góc và chỉ thấy một ít rơm rác độn chuồng vương vãi dưới đất. Anh đang nhìn thì nghe một tiếng sột soạt vội vã, và cả một họ nhà chuột nhắt chạy biến vào dưới rơm rạ. Tom dừng lại ở nhà kho chứa dụng cụ. Dụng cụ biến sạch chỉ còn trơ lại một mũi lưỡi cày bị gãy, một mớ lùng nhùng những dây thép ở trong góc, bánh xe bằng sắt của một chiếc cào cỏ, một vòng cổ của la bị chuột gặm nhấm, một bi đông dầu mà cáu ghét và dầu bám nham nhở, một cặp quần áo xanh rách móc ở một chiếc đinh.
– Chẳng còn gì ráo, – Joad nói. – Trước đây bao nhiêu đồ nghề tốt, nay chả còn quái gì nữa.
Casy nói:
– Nếu tao còn giảng đạo thì tao sẽ nói là cánh tay của Chúa đã giáng xuống. Nhưng nay, có chuyện gì xảy ra tao cũng chẳng biết. Tao đã bỏ đi từ lâu nên không nghe nói gì hết.
Họ rẽ về phía nền xi măng của giếng và để tới đó, họ phải đi ngang qua các đám bông, đâu đâu bông cũng đã kết nang, đâu đâu đất cũng bị bông phủ kín.
– Chưa bao giờ có trồng trọt gì ở đây, – Joad nói. – Bao giờ người ta cũng chừa cái góc đó không động đến. Nhưng ông xem, giờ đây, ta không thể dắt ngựa đi qua mà không dẫm hỏng bông.
Họ dừng lại gần máng nước súc vật, máng đã khô cạn, thường khi cỏ mọc dưới đó nhưng nay đã biến mất, những tấm gỗ cũ và dày của máng nước đã khô cong và rạn nứt. Trên giếng những chiếc đinh bu lông ngày xưa đã từng vít chặt máy bơm, nay đã trồi ra khỏi khe lỗ. Đầu đinh vít đã han gỉ, đai ốc đã mất, Joad nhìn rồi khạc nhổ và lắng nghe. Anh thả một cục đất xuống giếng và vểnh tai nghe ngóng.
– Trước kia giếng này tốt lắm. Giờ không nghe có nước.
Có thể nói anh sợ, tránh không lại gần nhà. Anh ném hết cục đất này đến cục đất khác xuống giếng.
– Có lẽ họ đã chết hết, – anh nói, – Nhưng nếu thế thì người ta đã báo cho tôi hay. Ai đó phải nhắn với tôi một lời chứ?
– Chắc họ có để lại một lá thư hay cái gì đó trong nhà, để báo cho mày biết. Họ có biết mày sẽ về không?
– Tôi đâu biết, – Joad nói. – Có lẽ là không. Cách đây tám ngày tự tôi tôi cũng không biết nữa là…
– Chúng ta vào nhà xem. Nó xiêu vẹo, lộn tùng phèo. Chắc phải có cái gì đó đã giáng cho nó một cú nên thân nên mới đến cơ sự này.
Họ chậm rãi bước về phía ngôi nhà đổ. Hai trong số các cột chống đỡ mái hiên đã bị trật đòn kê và mái đã sập xuống ở một đầu. Góc nhà bị lún xuống. Qua một đống các tấm ván chồng chất lộn xộn, người ta có thể thấy căn buồng ở góc. Cửa ra vào sệ xuống ở phía bên trong, còn tấm cửa nhỏ vững chắc nằm dưới thì sệ xuống ở bên ngoài và được níu giữ bởi những bản lề bằng da. Tom dừng lại ở bậc lên.
– Đây là ngưỡng cửa, – anh nói. – Họ đã ra đi… Hoặc giả mẹ tôi đã chết, – anh chỉ tấm cửa nhỏ. – Nếu bà ở quanh quẩn gần đây, bà đã đóng cửa nhỏ, cài móc. Không bao giờ bà quên cái đó… đóng tấm cửa nhỏ – mắt anh chan chứa niềm xúc động. – Kể từ cái ngày có con lợn vào nhà Jacobs, ăn mất đứa bé mới đẻ. Đúng lúc Milly Jacobs vừa mới đi ra kho thóc. Lúc bà ấy trở vào thì con lợn đang ăn đứa bé. Bà ta phát điên lên. Không bao giờ hồi phục được. Từ đó đầu óc hóa loạn. Mẹ tôi lấy chuyện đó làm bài học. Không bao giờ bà để cánh cửa nhỏ bỏ ngỏ, trừ phi bà có ở trong nhà. Không bao giờ quên. Đúng họ đã ra đi… hoặc chết rồi.
Anh leo lên hàng hiên nứt nẻ và nhìn vào trong bếp. Các cửa sổ bị gãy, sỏi đá lăn lóc trên nền nhà. Nền nhà và tường lún sâu quá mức cánh cửa và bụi bặm tơi mịn phủ lên tất cả các tấm ván. Joad đưa tay chỉ các mảnh kính vỡ và các hòn đá. Anh nói:
– Cái bọn trẻ con, chúng có thể đi vài chục dặm để được đập vỡ một tấm kính. Tôi biết hồi nhỏ tôi cũng như chúng thôi. Hễ có một căn nhà bỏ trống là chúng biết, chúng đánh hơi thấy liền. Điều đầu tiên bọn nhóc ấy làm là thế, khi người nhà đã ra đi.
Trong nhà bếp không còn đồ đạc nữa, lò bếp đã biến mất và nay thì ánh sáng lọt qua chiếc lỗ của ống khói khoét trong tường. Trên tấm ván của bồn rửa bát, có một chiếc chìa khoá cũ để mở chai bia và một chiếc nĩa gãy mất cán gỗ. Joad thận trọng luồn lách trong căn buồng, sàn nhà rên rỉ dưới chân anh. Một tờ báo Philadenphia Ledger vất sát chân tường. Các trang báo đã ố vàng và nhàu nát. Joad nhìn vào buồng ngủ… không còn giường ghế, không còn gì hết. Trên tường một tấm ảnh tô mầu một cô gái da đen biệt danh Cánh Đỏ. Một cái thang giường tựa vào tường, và trong một góc thấy vất một cái giầy cao cổ, có khuy cài, da giầy nứt nẻ, mũi giày quắt lại. Joad lượm nó lên ngắm nghía.
– Tôi nhớ ra nó, – anh nói. – Của mẹ tôi. Giờ giòn hết rồi. Bà rất thích giày cao cổ. Đã mang nó bao nhiêu năm trời. Thôi rồi, họ đã đi rồi… và đã mang tất tật.
Mặt trời đã xuống thấp, ánh nắng xiên qua các cửa sổ xẹo xọ và lấp lánh trên những mảnh thuỷ tinh. Cuối cùng Joad quay lại, bước ra qua ngưỡng cửa. Anh ngồi trên mép hàng hiên, đặt chân trên bậc lên bằng gỗ. Ánh nắng buổi chiều tắm khắp cánh đồng, các cây bông in những vệt bóng dài trên mặt đất và cây liễu đang mùa thay lá chiếu ra phía xa một bóng râm chênh chếch. Casy ngồi cạnh Joad.
– Họ chưa bao giờ viết cho mày sao. – Ông hỏi.
– Chưa. Như tôi đã nói, họ đâu có viết lách gì. Bố tôi biết viết nhưng không viết. Ông không thích. Cứ viết là cóng tay. Ông cũng như ai có thể đặt mua theo cuốn mẫu hàng thì được, nhưng cái chuyện viết thư, có cho gì ông cũng không làm.
Họ ngồi sát cạnh nhau, mắt nhìn về phía xa xa. Joad đặt chiếc áo vét cuộn tròn bên cạnh mình, dưới mái hiên. Đôi bàn tay rảnh rang cuộn một điếu thuốc, anh thấm nước bọt miết nhẵn mép rồi châm lửa hút, rít một hơi thật lâu và thở khói ra đằng mũi.
– Chắc chắn có chuyện gì trục trặc, – anh nói. – Tôi không hình dung được là cái gì. Nhưng tôi đồ chừng có chuyện gì tai hại đấy! Nhà thì lộn tùng phèo, người thân thì đã ra đi…
Casy nói:
– Đúng, đằng kia là con Kênh mà xưa tao đã làm lễ rửa tội. Kể ra hồi đó mày không phải là đứa ngỗ nghịch nhưng mày rắn đầu. Chà! Mày cứ túm chặt lấy tóc cái con bé con! Chả khác con chó Bunđoc. Nhân danh Đức Thánh Thần, người ta rửa tội cho cả hai đứa xong đâu đấy rồi mà mày vẫn còn kéo tóc nó. Già Tom hét: “Quẳng nó xuống nước”. Thế rồi tao túm lấy đầu mày dìm xuống nước cho tới khi mày bắt đầu phì bong bóng. Chỉ đến lúc đó mày mới chịu buông cái bím tóc kia. Không phải mày ngỗ nghịch gì đâu chỉ tại mày ương bướng. Bọn nhóc khó bảo ấy mà, khi lớn lên nhiều lúc chúng lại mang chất thánh thiện trong người.
Từ trong chuồng ngựa, một con mèo xám, gầy giơ xương lách ra, đi qua các gốc cây bông tới tận đầu hiên. Lặng lẽ, và nhảy vọt một cái, nó đã ở dưới cửa nhỏ, rồi bụng áp sát đất, nó trườn về phía có người. Lúc đến phía sau họ, nó ngồi xuống ở giữa, duỗi cái đuôi dài thượt trên nền nhà, chỉ có mút đuôi thon là cựa quậy. Con mèo cũng bắt đầu nhìn ra xa, về phía hai con người đang nhìn. Joad quay lại và nom thấy nó.
– Lại thế này nữa, – anh nói. – Ông hãy nhìn xem ai này. Vẫn còn lại một ai đây.
Anh vươn tay nhưng con mèo nhảy vụt ra xa, nó lại ngồi xuống, giơ cẳng liếm gan bàn chân. Joad nhìn nó với vẻ thắc mắc.
– Bây giờ thì tôi hiểu, – anh kêu lên. – Con mèo khiến tôi hiểu, chuyện xảy ra không lành đâu.
– Tao thấy hình như có hàng đống chuyện không lành.
– Đúng, không phải chỉ có nhà này. Tại sao con mèo lại không đi tới các nhà láng giềng… nhà Rance chẳng hạn. Thế nào mà lại chẳng có người tới giật lấy các tấm ván trong nhà này? Đã ba bốn tháng nay, chẳng còn ai, chẳng ai tới đánh cắp gỗ. Những tấm ván tốt trong nhà, khung cửa sổ… nhưng chả có ai buồn lấy. Chuyện đó mới là lạ. Tôi thắc mắc bởi là thế, không thể đoán ra thế nào cả.
– Thế theo mày hiểu thì có chuyện gì nào?
Casy cúi xuống, tháo đôi giày rơm rồi ngoe nguẩy ngón chân trên bậc thềm.
– Tôi chẳng biết. Tựa hồ như không có láng giềng nữa. Nếu có, thì tại sao các tấm ván tốt này lại còn nằm ì ở đây? Tôi nhớ có một lần, vào dịp Nôel, Albert Rance đã dẫn cả nhà tới thành phố Oklahoma, cả trẻ con, cả chó. Đi thăm người bà con của Albert. Thế là dân ở đây nghĩ rằng Albert đã linh lỉnh ra đi… họ cho rằng dễ chừng y mang công mắc nợ hoặc có chuyện lôi thôi với một mụ đàn bà nào đó. Tám ngày sau, Robert trở về, nhà chả còn gì, sạch ngoét… lò bếp đã cuốn xéo, giường đã cuốn xéo, khung cửa sổ cuốn xéo, thêm tám tấm ván phía nam ngôi nhà, đến nỗi có thể nhìn thấy trời lồ lộ. Y về đến nơi, đúng lúc Muley Graves đi ra, mang theo các cánh cửa và vòi bơm giếng. Albert khốn khổ phải mất mười lăm ngày đi khắp lượt các nhà láng giềng để đòi trả đồ đạc cho mình.
Casy gãi gãi bàn chân một cách khoái trá:
– Mà không ai phản đối gì sao? Cứ thế là người ta trả lại đồ đạc cho y, sao?
– Cố nhiên. Không ai muốn ăn trộm của y. Người ta tưởng y bỏ lại tất tật nên dại gì mà không lấy, thế thôi. Người ta trả lại hết, trừ một cái đệm tràng kỷ, bọc nhung, trên mặt vẽ hình một gã da đen, Albert cho rằng chính ông nội đã lấy, rằng cụ có máu da đen, nên cụ muốn cái chân dung kia. Thật tình, chính cụ lấy, nhưng cái gã da đen thì cụ đếch cần. Cụ thích chiếc đệm, thế thôi. Đi đâu cụ cũng mang nó đi, muốn ngồi nệm, cứ trải nó ra. Cụ không bao giờ muốn trả lại cho Albert. Ông cụ nói: “Nếu thằng Albert thèm khát chiếc nệm đến thế, hắn hãy đến mà tìm. Nhưng tao khuyên hắn hãy xách theo một khẩu súng, vì, nếu hắn đem chuyện chiếc nệm quấy rầy tao, tao sẽ bắn vỡ cái mõm thối của nó ra!” Rốt cuộc Albert đành thôi và tặng cho cụ làm quà. Có điều, với chiếc đệm, cụ sinh ra bày vẽ lắm chuyện. Cụ bắt đem góp giữ lông gà. Ông cụ nói muốn lót giường bằng cả một chiếc đệm lông. Nhưng cụ chả bao giờ có được. Một ngày nọ bố tôi sôi me vì một con chuột chũi nấp dưới nhà, ông lấy một mảnh ván, giáng cho nó một nhát. Và mẹ tôi đã phải đốt sạch sành sanh các lông gà, để cả nhà khỏi bị chết ngạt – Joad cười – Cụ là một tay ngỗ ngược lắm. Lúc đó cụ đang ngồi lên gã da đen và nói: “Thì hắn cứ việc đến mà tìm chiếc đệm. Ppxì… tao sẽ túm lấy hắn, cái thằng còi ấy, tao xoắn cổ nó lại như xoắn dây thừng”.
Con mèo lại đến gần hai người. Đuôi nó nằm thượt sát đất, ria mép chốc chốc run rẩy. Mặt trời đụng đến bờ chân trời, không khí đầy bụi đỏ và vàng. Con mèo rụt dè duỗi một chân xám, đụng vào ống áo của Joad. Anh quay lại.
– Mẹ kiếp, quên mất con rùa. Tôi chả tội nợ gì mà kéo lê nó đi theo cả đời.
Anh gỡ con rùa ra, đẩy nó xuống dưới nhà. Nhưng một lát sau, nó lại đi ra và rẽ về hướng tây nam như lúc mới đầu. Con mèo nhảy bổ tới, đánh vào cái đầu và vào mấy cái cẳng đang cử động. Cái đầu cứng và châm biếm rụt vào, cái đuôi dày đột nhiên biến mất dưới mai. Con mèo đợi mãi cũng chán bèn bỏ đi, con rùa lại cứ nhắm hướng tây nam mà bò như cũ.
Tom và người mục sư nhìn con rùa bỏ đi, chân ngọ ngoạy đẩy thẳng ra phía trước cái vỏ cứng nặng nề. Con mèo đuổi một lát theo sau nhưng được khoảng mươi mét, nó uốn cong lưng, ngáp ngáp, rồi len lén trở lại chỗ hai người đàn ông đang ngồi. Joad nói:
– Chẳng biết nó đi đến chỗ chết tiệt nào? Đời tôi tôi đã thấy ối rùa. Bao giờ chúng cũng có vẻ muốn đi tới đâu đó.
Chú mèo xán lại ngồi giữa hai người, lùi ra phía sau một chút. Nó chậm rãi nháy nháy con mắt. Túm da vai của nó bị rận cắn, bất thình lình run rẩy, rồi từ từ trở lại bất động. Chú mèo giơ một cẳng lên quan sát, chìa bộ móng ra rồi lại thu vào như muốn thử chúng và cái lưỡi màu hồng liếm liếm lòng bàn chân. Mặt trời đỏ đụng đến chân trời, trải ra như một con sứa, và ở phía trên, bầu trời hình như lấp lánh hơn, rung rinh hơn bao giờ hết, Joad rút ở chiếc áo vét ra đôi giày da vàng mới, và trước khi xỏ giày, anh đưa bàn tay chải chải đôi bàn chân bụi lấm lem.
Người mục sư, mắt nhìn đắm trên vùng quê, cất tiếng:
– Có ai đang tới kìa. Nhìn xem? Kia, phía dưới, trong ruộng bông thẳng trước mặt, kia!
Joad đưa mắt nhìn theo hướng mà ngón tay Casy đang chỉ.
Hắn đi bộ, – anh nói. – Hắn đi làm bụi tung lên thế này thì tôi không thể thấy được hắn. Thằng ma nào nhỉ?
Cả hai nhìn cái bóng người tiến lại trong ánh sáng ban chiều, và bụi bị tung lên nhuốm đỏ trong ánh mặt trời lặn.
– Một gã đàn ông, – anh nói.
Người đàn ông đến gần, và khi y đi qua nhà kho, Joad nói.
– Ơ này, tôi biết hắn. Ông cũng biết… Chính Muley Graves. – Rồi anh gọi: “Hê! Muley! Khoẻ không?”
Gã đang bước tới gần bèn đứng sững lại, rồi bước vội. Y người mảnh dẻ, nhỏ bé, cử động đứt quãng, lẹ làng. Y xách một cái túi bằng bao tải. Đầu gối và đũng quần bằng vải gai thô đã bạc màu, ống tay áo vét đen loang lổ những vệt bẩn và đã bạc màu, ống tay áo rách ở phía sau vai và ở khuỷu tay. Chiếc mũ cũng lem luốc y như chiếc áo và băng vải đai mũ đã bị bong một nửa phất phơ trong gió theo mỗi bước chân đi. Khuôn mặt Muley nhẵn nhụi, không nếp nhăn, nhưng y có cái vẻ hung hăng như một thằng bé độc ác với cái miệng nhỏ và mắm chặt, đôi mắt bé tí, linh hoạt và cáu kỉnh.
– Ông có nhớ Muley không? – Joad khẽ hỏi mục sư.
– Ai kia? – Gã đàn ông vừa tiến lên, vừa kêu.
Joad không đáp. Chờ khi tới thật gần, Muley mới nhận ra.
– Ủa, lại thế, quái quỉ chưa! – Y nói. – Chính là Tom Joad. Mày được ra bao giờ đấy, Tom?
– Đã hai ngày rồi. Về nhà, phải cuốc bộ một chặng đường dài. Để được thấy gì đây nào? Cậu xem, gia đình tớ đâu, Muley? Tại sao nhà cửa lại bị tan tành, bông mọc cả trong sân, thế này?
– Thề có Chúa, cũng thật may là tao đã đi qua đây, – y nói. – Ông già Tom lo lắng bồn chồn mới khiếp chứ. Khi cả nhà đã quyết định ra đi, tao đang ngồi trong bếp kia. Tao đến nói với ông già Tom là tao, thì tao chả bao giờ chịu đi, mẹ kiếp! Nghe nói thế, ông ấy bảo: “Cái phiền cho tao, là chuyện thằng Tom. Có ngày nó sẽ về, nó chả tìm thấy ai, liệu nó sẽ nghĩ thế nào?” Tao bèn nói với ông ấy: “Sao bác không viết cho hắn?” Ông đáp: “Dễ chừng phải thế, dẫu sao tao cũng phải viết. Để tao nghĩ xem. Nhưng nếu tao không viết mà mày còn ở lại trong xứ: hãy cố rình xem lúc nó về”. “Ờ! Cháu vẫn còn ở lại đây, ở lại đây cho tới lúc tuyết rơi ở địa ngục, mẹ kiếp! Không đứa nào có thể buộc được một thằng họ Grave bỏ xứ sở. Chưa đứa nào đã làm được thế”. Joad nôn nóng nói:
– Họ đã đi đâu cả rồi? Cậu nói với họ những gì sau hẵng kể. Nói xem người nhà tớ đâu?
– Thế này, họ định chống lại khi ngân hàng gửi máy cày tới cày ấp trại. Ông nội mày đứng trân trân ở đấy, súng cầm tay. Ông cụ bắn hỏng những đèn pha của cái máy chết tiệt kia, nhưng chả ăn thua, nó vẫn bò tới. Ông cụ không muốn giết thằng lái, thằng Willy Feely. Willy biết thế, nên hắn cứ ung dung lái máy tới, đâm sầm vào ngôi nhà và lay lắc nó như con chó lay con chuột. Do vậy mà ông cụ bị như thế nào đó. Có cái gì gặm nhấm ông lão từ bên trong. Từ hôm ấy trở đi, ông lão không còn như xưa nữa.
– Họ ở đâu? – Tom nóng tiết hỏi.
– Tao nói đây. Đi trên xe của chú John nhà mày, mất ba chuyến. Họ mang theo bếp lò, máy bơm, giường. Giá mà mày thấy cái cảnh ấy nhỉ! Giường thì đi với bọn nhóc, bà mày và ông mày ngồi tựa vào thành đầu giường, thằng Noah, anh mày, ngồi hút thuốc và nhổ nước bọt qua thành xe. – Joad mở miệng toan nói, nhưng Muley đã nhanh chóng nói tiếp. – Tất cả ở nhà chú mày.
– Thế hả? Tất cả ở nhà chú John? Nhưng họ làm quái gì ở đây? Hượm đã, hượm đã, Muley, cậu khoan hãy con cà con kê, một phút nữa rồi cậu có thể cho chạy máy quay đĩa của cậu. Họ làm quái gì ở đấy hả?
– Thế này, họ bóc vỏ bông, cả tụi nhóc, cả ông lão. Nhặt nhạnh chút đỉnh để đi về miền Tây. Họ sẽ mua một chiếc xe cà tàng, đi về miền Tây ở đó sống sung sướng, yên vui lắm mà! Bóc vỏ bông, một tuần năm mươi xu, thế mà ai cũng phải lạy lục để có chút công ăn việc làm.
– Thế họ chưa đi hay sao?
– Chưa, theo chỗ tao biết thì chưa. Lần cuối cùng tao biết được tin họ, là cách đây bốn hôm, hôm đó tao gặp thằng Noah anh mày đang săn thỏ, hắn nói là họ định trong mươi lăm hôm nữa sẽ đi. John đã nhận được giấy báo phải cuốn xéo. Cậu cứ tiếp tục đi thẳng, cách đây tám dặm, là đến nhà John. Cậu sẽ thấy gia đình nhà cậu chồng chất vào nhau trong nhà John như lũ chuột nhắt rừng đang nấp trong hang để qua đông.
– Thôi được rồi. – Joad nói. – Bây giờ cậu định đi đâu thì đi đi. Cậu chẳng thay đổi ly lai, Muley ạ. Khi cậu muốn nói chuyện gì đó ở phương Bắc thì cậu bắt đầu từ phương Nam.
Muley sửng cồ:
– Mày cũng chả thay đổi. Lúc còn nhóc con mày sỗ sàng ra sao thì bây giờ cũng sỗ sàng như thế. Mày không định dạy cho tao cách sống đấy chứ Tom?
– Không, – Joad nói với một cái cười mỉa. – Nếu cậu thèm khát nhào đầu vào một đống thuỷ tinh vỡ thì cũng chả ai can. Mà này, cậu biết mục sư chứ Muley? Mục sư Casy.
– Dĩ nhiên, dĩ nhiên! Tao không nhìn ông ta. Tao nhớ rõ lắm chứ.
Casy đứng lên và họ xiết chặt tay nhau.
– Thấy lại ông tôi mừng lắm, – Muley nói. – Lâu lắm, lâu cực, người ta không thấy ông ở miền này.
– Tao đã lui về để tìm hiểu nguyên do của một số sự việc. – Casy nói. – Ở đây đang xảy ra chuyện gì vậy? Thế binh tình thế nào mà họ lại đuổi cổ người ta ra khỏi nhà?
– Đồ con nhà khốn nạn, tụi chó đẻ con nhà khốn nạn! Tôi, tôi nói ông biết, tôi ở lại. Chúng sẽ không tống khứ được tôi đâu. Nếu chúng đuổi tôi ra ngoài, tôi sẽ trở lại, mà nếu chúng nghĩ rằng khi nằm dưới lỗ tôi sẽ bớt lôi thôi hơn, thì thế này, tôi sẽ dẫn đến với tôi vài ba thằng đầu bò đầu bướu để cho có bạn. – Y vuốt ve một vật năng nặng trong túi áo bên. – Tôi không đi. Cha tôi đã tới đây năm mươi năm về trước, và bây giờ tôi dứt khoát không đi.
Joad hỏi:
– Mắc mớ gì mà chúng tống cổ người ta ra ngoài?
– Ờ, chúng tô điểm cho thêm màu mè. Mày biết những năm vừa qua như thế nào rồi. Các trận mưa cát đến làm hỏng tất tật, đến nỗi một con người không thể gặt hái được gì, dù chỉ đủ bít lỗ đít con kiến. Ai ai cũng mang nợ với gã lái buôn. Mày biết thế là thế nào rồi. Lúc đó, những ai có ruộng đất đều nói: “Chúng ta không thể giữ lại các tá điền chúng ta nữa. Phần của anh tá điền lại đúng là phần thu lợi mà chúng ta không cho phép mình để mất được”. Họ nói: “Nếu ta dồn tất cả ruộng đất chúng ta làm một, thì may ra thu hoạch cũng chỉ vừa đủ”. Thế là chúng đem máy cày tới, chúng xua đuổi tất cả, tất thảy mọi người, trừ tao, mẹ kiếp! Tao không đi! Tom ạ, mày biết tao rồi. Mày biết tao từ lúc lọt lòng.
– Ái chà! Đúng thế, từ lúc lọt lòng.
– Mà này, mày biết đấy, tao đâu phải thằng ngu. Tao biết mảnh đất này chả đáng giá bao nhiêu. Chả bao giờ tốt, trừ phi dùng làm bãi cỏ chăn. Lẽ ra không bao giờ nên trồng trọt. Thế mà, giờ đây, chúng lại đã nhồi nhét cây bông cho đất đai, nhồi chất đến mức nó phải nứt ra. Giá như chúng không có ý định ép tao phải dời đi, dễ chừng lúc này tao đã ở California. Để tha hồ ăn nho, hái cam khi nào hứng. Nhưng cái bọn khốn kiếp ấy lại dẫn xác đến bảo tao phải cút xéo? Cút xéo, mẹ kiếp, đường đường là một thằng người thì chịu thế làm sao được!
– Tớ hiểu, – Joad nói. – Cho nên tớ lạ là bố tớ lại ra đi dễ dàng đến thế. Tớ lạ là ông tớ đã không giết một ai. Không ai đã từng tự tiện dám đến bảo cụ phải làm thế này thế nọ. Mẹ tớ cũng là người không chịu để cho ai quấy đảo như vậy. Có lần, tớ đã thấy bà ấy nện cho một gã bán rong một trận đòn nên thân, nện bằng một con gà sống, vì gã định cãi bướng. Một tay cầm con gà, một tay xách rìu, bà sẵn sàng cắt cổ thằng cha. Bà ta có ý định cầm rìu nhảy bổ vào gã, nhưng nhầm tay, cho nên bà xông vào rồi giơ con gà nện tới tấp. Xong việc rồi, không thể ăn con gà đó được nữa. Gà nát bét, chỉ còn hai cái cẳng trong tay bà. Ông tớ cười rũ ra và bị sái hông. Làm sao họ có thể ra đi dễ dàng như vậy?
– Thế này, cái thằng cha dẫn xác tới ấy mà, hắn ngọt như mía lùi, hắn nói với họ những câu thật bùi tai: “Các bác phải đi thôi, các bác ạ. Lỗi đâu tại tôi”. “Được, – tao nói – vậy lỗi tại ai? Để tao đến nói chuyện với hắn một chút”. “Đó là Công ty khai thác nông nghiệp và chăn nuôi Shawnee. Tôi chỉ truyền đạt lệnh của công ty”. “Mà công ty khai thác nông nghiệp và chăn nuôi Shawnee ấy là ai?”. “Chẳng là ai cả. Đó là một công ty”. Nghe hắn nói thì muốn cầm búa tạ mà nện… Nhưng chả có ai để mình nện. Có ối kẻ đã chán ngấy không muốn tìm cách trút giận vào ai… nhưng tao thì không thế. Tao giận phát điên lên. Tao ở lại.
Một giọt to của mặt trời đỏ nấn ná ở chân trời, rồi nó rơi xuống và biến mất, bầu trời vẫn lấp lánh phía trên vùng nó đã bốc thành hơi, và trên đó một đám mây bị cắt xé nham nhở lơ lửng như một tấm áo rách đẫm máu. Từ chỗ tận cùng phía tây, hoàng hôn dần dà xâm chiếm bầu trời, trong khi bóng tối từ phía đông lan tới bao trùm mặt đất. Ngôi sao Hôm hiện ra lấp lánh trong hoàng hôn. Con mèo xám luồn về phía nhà kho để ngỏ và như một cái bóng, biến hút vào đấy.
Joad nói:
– Dẫu thế nào, tối nay, không có cái chuyện cuốc bộ tám dặm để đến nhà chú Tom. Bàn chân của tôi đang nóng như lửa. Hay là bọn mình tới đằng cậu, Muley? Cách đây không quá một dặm mà.
– Cũng chẳng ăn nhằm gì, – Muley nói, hơi bối rối. – Vợ tao và bọn trẻ với em rể tao đã khuân sạch và đi California. Chả còn gì để ăn. Họ không căm giận như tao nên họ đã đi. Ở đây chả có gì ăn.
Mục sư cọ quậy:
– Đáng lẽ mày cũng phải đi. Không nên để gia đình phân tán như thế.
– Nhưng không đi nổi ông ơi, – Muley Graves nói. – Có cái gì đó cản tôi.
– Còn tớ, tớ đói, mẹ kiếp nó! – Joad nói. – Bốn năm nay tớ ăn đúng giờ đúng giấc. Cái dạ dày tớ nó đang gào lên kêu cứu đây. Cậu sẽ ăn gì, Muley? Cậu moi đâu ra bánh ăn?
– Một thời gian, – Muley thú nhận, hơi ngượng ngùng – tao ăn nhái, sóc, đôi khi ăn cả chó đồng cỏ nữa. Phải thế thôi. Nhưng giờ đây, tao đặt thòng lọng trong các bờ bụi ở con suối con. Tao bắt thỏ và đôi khi bắt được gà rừng. Cả những con chồn hôi cũng bị. – Y cúi xuống để lấy túi và dốc ra trên nền hiên. Hai chú thỏ rừng nhỏ và một con to lông dài rơi ra, lăn xuống, mềm nhẽo.
– Lạy Chúa, – Joad nói. – Trên bốn năm nay tớ không được thấy thịt tươi.
Casy xách lên một con, xem nặng nhẹ.
– Cậu chia cho bọn mình với chứ, Muley? – ông hỏi.
Muley ngọ ngoạy, vẻ bối rối
– Tôi không thấy có cách nào khác được. – Y ngừng lại, bản thân lấy làm lạ thấy mình kém nhã nhặn. – Tôi không định nói thế. Có nghĩa là… Không phải – Y lúng túng. – Tôi muốn nói là, khi một gã có cái để ăn còn một gã khác đang chết đói, thì đấy, gã kia không có đường lựa chọn. Tôi muốn nói, giả dụ tôi nhặt thỏ lên và đi đến chỗ khác để ăn thì… ông hiểu tôi nói gì chứ?
Hiểu. – Casy nói. – Tao hiểu cái đó. Tom ạ, Muley nói thế cũng có cái lý của nó, Muley đã đoán ra cái gì đó, có điều, với hắn, nó quá rối rắm, nhưng với tao thì cũng rối rắm thế thôi.
Tom xoa xoa bàn tay:
– Ai có con dao? Hãy để tâm một tí đến mấy con gặm nhấm tội nghiệp kia các ông ơi! Hãy để tâm đến chúng với!
Muley tìm trong túi quần và rút ra một con dao to cán bằng sừng. Tom Joad giằng lấy, mở dao và ngủi ngửi. Nhiều lần, anh thọc lưỡi dao vào đất, rồi lại ngửi ngửi, rồi chùi ở ống quần, đưa ngón tay cái thử thử.
Muley rút ở túi áo – súng lục ra một lít nước và đặt dưới hiên.
– Dùng nước tiềm tiệm thôi. Tất cả chỉ có ngần này. Giếng ở kia bị lấp rồi.
Tom túm lấy một con thỏ.
Một trong hai ông hãy đi tìm dây thép trong chuồng ngựa. Lấy những mẩu ván trong nhà mà nhóm lửa. – Anh nhìn con thỏ chết. – Làm thịt thỏ thì không gì dễ bằng.
Anh kéo da lưng con vật lên, rạch một nhát, nhét ngón tay vào khe hở và lột da. Tấm da tuột ra như một chiếc tất, tuột từ thân lên đến cổ, rồi để lộ bộ cẳng cho tới móng. Joad lại vớ con dao, chặt đầu chặt chân. Anh đặt bộ da xuống đất, rạch bụng giữ cho lòng ruột rơi vào tấm da và ném cả cái gói bầy nhầy đó vào cánh đồng bông. Thế là cái thân hình nhỏ bé sạch sẽ đã sẵn sàng, Joad cắt chân, bổ con vật ra làm đôi từ cái lưng dày thịt. Anh đang xách con thỏ thứ hai lên thì Casy trở lại với một cuộn dây thép rối tinh.
– Giờ thì nhóm lửa, rồi cắm chạc lên. – Joad nói. – Mẹ kiếp cái con vật bé nhỏ này, chúng làm mình đói phát cuồng.
Anh rửa sạch và mổ các con thỏ khác rồi treo chúng dọc sợi dây thép. Muley và Casy giật cái tấm ván nứt nẻ ở chỗ góc nhà đã đổ sập và nhóm lửa. Muley quay lại chỗ Joad.
– Cậu nhìn xem nó có mụn nhọt gì không, nhìn cái con đực ấy, – y nói. – Tao không muốn ăn thịt thỏ có mụn nhọt.
Y rút trong túi ra một túi nhỏ bằng vải và đặt dưới hiên. Joad nói:
– Nó sạch như chùi. Trời, cậu cũng có muối nữa ư? Dễ chừng trong túi cậu, còn có bát đĩa và một chiếc lều nữa cũng nên?
Anh đổ muối vào lòng bàn tay rồi rắc lên những miếng thịt thỏ treo ở sợi dây thép.
Lửa chát bùng, in những bóng tối lên căn nhà, gỗ khô nổ lép bép, tanh tách. Bây giờ, bầu trời hầu như tối đen, những ngôi sao lấp lánh nom rõ mồn một. Con mèo xám từ nhà kho đi ra, vừa miu miu vừa lại gần lửa, nhưng khi tới gần, nó quay đi xông thẳng tới mớ lòng ruột vương vãi dưới đất. Nó nhai, nó nuốt những khúc ruột dính lòng thòng ở hai bên mép.
Casy ngồi dưới đất, giữ lửa, mảnh ván này cháy sắp hết thì ông lại đẩy những mảnh ván khác vào. Đàn dơi bay ngoằn ngoèo trong ánh sáng. Con mèo nằm xuống, liếm mép, lau chùi mặt và ria mép.
Joad nắm lấy sợi dây thép có treo lủng lẳng mấy con thỏ, rồi mang nó lại đám lửa.
– Này Muley, cậu cầm lấy đầu kia. Xoắn sợi dây quanh cọc này. Được, thế, thế. Bây giờ phải kéo căng nó ra. Nhẽ ra, phải đợi cho lửa thấp xuống, nhưng thây kệ, tớ không kiên nhẫn được.
Anh căng sợi dây thép, rồi với một cái que, anh đẩy các miếng thịt dọc sợi dây đến phía trên lửa. Thịt bị lửa táp cứng lại, bóng láng ở bề mặt. Joad ngồi cạnh lửa, nhưng với chiếc que anh di chuyển và lật đi lật lại các miếng thịt để chúng khỏi dính vào sợi dây thép.
Thế này mới là một bữa nhậu nhẹt, – anh nói. – Muley có muối, có nước, có thỏ. Giá như trong túi hắn ta có một bữa xúp ngô thì thôi đấy, tôi chả đòi hỏi gì thêm nữa.
Qua trên đầu ngọn lửa, Muley nói chõ sang:
– Các ông chắc cho tôi là điên vì sống như thế này, phải không?
– Điên? Không hề – Joad nói. – Ông mà điên thì tớ chúc cho ai nấy cũng điên tuốt! Muley tiếp tục:
– Mà này, các ông biết không, tôi mắc phải chuyện gì đó rất kỳ. Lúc họ nói tôi phải đi, tôi cảm thấy trong người như thế nào đó. Thoạt tiên, tôi thèm khát muốn nện cả lũ chúng nó. Sau đó tất cả gia đình anh em mình đi lên miền Tây. Thế là tôi bắt đầu đi nhởn nhơ bát nháo. Cứ thế mà bước. Không bao giờ quá xa. Bạ đâu ngủ đấy. Đêm nay tôi ngủ đây. Tôi đến đây chỉ để ngủ thôi. Tôi tự nhủ: “Mình trông coi cái này cái nọ, như thế, lúc người ta trở về, người ta sẽ tìm thấy mọi cái đâu vào đấy”. Nhưng tôi biết, nói thế chỉ để nói thôi. Chả có gì để coi sóc cả. Người ta chả bao giờ trở lại. Tôi đi dạo lang thang như một bóng ma vật vờ ở nghĩa địa.
– Ở mãi rồi cũng đâm quen, khó mà bỏ đi. – Casy nói. – Người ta quen với một vài lối suy nghĩ nào đó, và khó mà thay đổi. Tao không còn là mục sư nữa, ấy thế mà đột nhiên tao thấy mình đang cầu khẩn suốt buổi, thậm chí mình đang làm gì cũng không nghĩ tới.
Joad trở các miếng thịt. Bây giờ nước thịt nhỏ giọt và cứ một giọt rơi xuống thì một tia lửa bắn lên. Lớp ngoài trơn nhẵn của miếng thịt nứt nẻ ra và chuyển sang sắc nâu nâu.
– Ngửi xem nào, – Joad nói. – Lạy Chúa, các ông nhìn rồi ngửi xem.
Muley tiếp tục:
– Như con ma cũ vật vờ, trong nghĩa địa, tôi đã đi dạo khắp nơi, bất cứ chỗ nào mà trước đây hay xảy ra chuyện này chuyện nọ. Chẳng hạn ở một cái góc đằng kia, rất gần đất của chúng ta… có một cái bụi trong khe. Chính ở đấy, lần đầu tiên tôi ngủ với một con bé. Lúc ấy tôi mười bốn tuổi. Trời, tôi giẫm chân, tôi nhảy, tôi hít hít như một con cừu động đực, động cỡn như phát điên mà lại! Thế là tôi quay lại chỗ đó. Tôi nằm xuống đất và mọi chuyện xưa đã xảy ra thế nào thì nay đã trở về nguyên xi trong trí tôi. Cũng còn một chỗ cạnh chuồng bò, ở đó bố tôi bị một con bò đực húc thủng bụng. Máu của ông còn giây trên đất đây. Nhất định thế. Chẳng có ai rửa chùi máu đi. Tôi đặt tay lên đất, ở chỗ mà máu bố tôi hoà thẫm vào đó – Y ngừng lại bối rối. – Các ông thấy tôi cũng hâm hâm hả?
Joad trở miếng thịt, cái nhìn của anh hình như lùi về phía trong. Casy rụt chân lại, ngắm nhìn ngọn lửa. Phía sau mấy người, con mèo xám đã no nê, bây giờ đang ngồi êm ả, chiếc đuôi dài xám cuốn quanh hai cẳng trước. Một con cú to hú một tiếng khi bay qua phía trên đầu họ, ánh lửa soi sáng cái bụng màu trắng và đôi cánh giang rộng của nó.
– Không, Casy nói – cậu cảm thấy cô đơn… Đâu có phải cậu hâm.
Khuôn mặt nhỏ trân trân của Muley cứng ngắc.
– Tôi đặt tay đúng vào chỗ còn có vết máu. Và tôi thấy cha tôi hiện về, với một cái lỗ sâu hoắm trên ngực, ông dựa sát vào tôi và run rẩy, in hệt như ông làm xưa kia, rồi tôi thấy ông bổ ngửa, chân tay giãn ra. Tôi thấy lại đôi mắt của ông mờ đục nỗi đau đớn, rồi bất thình lình, ông nằm im, mắt trong sáng… ngước nhìn trời. Còn tôi, nhóc con, tôi cứ ngồi đấy, không khóc, không làm gì hết, chỉ ngồi. – Y lắc đầu nặng nề, Joad trở đi trở lại miếng thịt. – Tôi cũng đã ở trong buồng mà Joe ra đời. Giường không còn đấy nữa, nhưng đúng là buồng đó. Tất thảy đều y nguyên tại chỗ cũ. Joe đã ra đời đúng ở chỗ kia. Nó há to miệng, như muốn hét lên rồi bắt đầu gào, gào đến một dặm quanh đây vẫn còn nghe, bà nó đứng đấy, cứ nói luôn miệng: “Con chó con của bà! Thằng con chó của bà!” 1 Bà kiêu hãnh đến nỗi đã đánh vỡ ba cái tách.
– Tôi đặt tay đúng vào chỗ còn có vết máu. Và tôi thấy cha tôi hiện về, với một cái lỗ sâu hoắm trên ngực, ông dựa sát vào tôi và run rẩy, in hệt như ông làm xưa kia, rồi tôi thấy ông bổ ngửa, chân tay giãn ra. Tôi thấy lại đôi mắt của ông mờ đục nỗi đau đớn, rồi bất thình lình, ông nằm im, mắt trong sáng… ngước nhìn trời. Còn tôi, nhóc con, tôi cứ ngồi đấy, không khóc, không làm gì hết, chỉ ngồi. – Y lắc đầu nặng nề, Joad trở đi trở lại miếng thịt. – Tôi cũng đã ở trong buồng mà Joe ra đời. Giường không còn đấy nữa, nhưng đúng là buồng đó. Tất thảy đều y nguyên tại chỗ cũ. Joe đã ra đời đúng ở chỗ kia. Nó há to miệng, như muốn hét lên rồi bắt đầu gào, gào đến một dặm quanh đây vẫn còn nghe, bà nó đứng đấy, cứ nói luôn miệng: “Con chó con của bà! Thằng con chó của bà!” 1 Bà kiêu hãnh đến nỗi đã đánh vỡ ba cái tách.
Joad tằng hắng:
– Mình nghĩ là có thể bắt đầu được rồi đấy.
– Đợi cho chín kỹ đã, cho thịt mềm, thịt gần đen lại kia. – Muley tỏ ý không ưng, nói. – Tôi muốn nói. Tôi chưa nói với ai. Nếu tôi hâm, tức là hâm, thế thôi. Như con ma nghĩa địa đi thăm láng giềng ban đêm. Nhà Peter, nhà Rance, nhà Jacop và các nhà khác đen ngòm, đứng đấy như những túp lều cho chuột rúc. Ở đó, xưa kia từng có hội hè, có múa nhảy. Có những dịch vụ linh thiêng, những tiếng kêu mừng quang vinh của Chúa. Trong mọi nhà đều có đám cưới. Lúc đó sao mà tôi khao khát muốn đi vào thành phố để giết người. Bởi vì, đưa cái máy cày đến để đuổi chúng ta đi thì chúng thu được gì? Rốt cuộc để bảo đảm cái “lề lợi nhuận” như chúng nói. Rốt cuộc chúng đã cướp được gì? Cướp bắt được bố tôi hấp hối nằm trên cát, Joe đang oe oe và tôi đây ban đêm nhảy nhót như con dê đực trong bụi bờ. Chúng được lợi lộc gì? Có Chúa biết, đất đai không tốt. Có nhiều năm chẳng trồng trọt được gì. Ấy thế mà ngồi ở bàn giấy, chúng xẻ đôi người ta ra để có cái bờ lề lợi nhuận. Đơn giản là chúng xẻ đôi họ ra, thế thôi. Nơi nào người ta sống, chính đó là gia đình. Mình không phải là mình nữa khi bị nhét một mình đơn độc vào một chiếc ô tô trên đường cái. Sống đấy nhưng cũng như chết rồi. Người ta đã bị giết bởi cái bọn con nhà khốn nạn đó!
Và y nín bặt. Đôi môi mảnh dẻ còn mấp máy, ngực y hổn hà hổn hển. Y ngồi xuống nhìn đôi bàn tay qua ánh lửa.
– Đã… đã lâu lắm, tôi không nói với ai, – y nói nhỏ nhẹ để xin lỗi. – Tôi đi vật vờ như con ma ở nghĩa địa.
Casy đẩy các tấm ván dài vào lửa, ngọn lửa lại liếm củi và lại chồm về phía các súc thịt. Ngôi nhà cót két càng mạnh khi mà về đêm, không khí mát mẻ càng khiến cho gỗ co lại. Casy bình tĩnh nói:
– Tao phải đi thăm những kẻ đã ra đi tha phương. Tao cho là phải đi thăm họ. Họ cần sự cứu trợ mà các bài thuyết giáo không đem tới cho họ được. Hy vọng mong mỏi lên trời khi chưa sống trọn kiếp người sao? Hy vọng đấng Thánh Thần, khi mà tinh thần của riêng họ thì bại hoại buồn bã sao? Họ sẽ cần đến sự giúp đỡ. Trước khi chết, họ phải sống đã.
Joad cáu kỉnh kêu lên:
– Trời ơi là trời, thịt được rồi đấy, có ăn hay không nào? Cứ thế này mãi, thì rồi chỉ còn lại vỏn vẹn bằng con chuột nhắt đem quay. Nhìn xem. Ngửi xem nào.
Anh nhảy bật dậy, đẩy các miếng thịt móc ở dây thép xa khỏi lửa. Anh cầm con dao của Muley khía vào một miếng thịt cho tới lúc nó rời khỏi dây.
Đây phần ông mục sư, – anh nói.
– Đã bảo tao không còn là mục sư mà.
– Thì thôi vậy, đây phần cho “con người”. – Anh cắt một miếng khác. – Đây Muley cậu ăn đi, nếu cậu không quá trăn trở. Thịt con đực đấy. Dai hơn thịt chó già.
Anh lại ngồi xuống, những chiếc răng dài cắn ngập vào miếng thịt. Rứt ra một miếng to mà anh bắt đầu nhai.
– Mẹ kiếp, nghe xem, cứ là ròn rau ráu! – Và anh ngấu nghiến dứt một miếng khác.
Muley vẫn ngồi yên nhìn miếng thịt của y. Y nói:
– Đáng lẽ tôi không nên nói như vậy. Những chuyện như vậy, có lẽ tốt nhất là cứ giữ trong đầu.
Casy miệng ngồm ngoàm, nhìn gã, và cái cổ họng to khoe cố co lại để nuốt.
– Không, phải nói chứ, – ông nói. – Nhiều lúc, mình đang buồn nhưng chỉ nói mà có thể rũ sạch nỗi buồn. Nhiều lúc một gã đang lăm le muốn giết người, ấy thế mà chỉ bằng cửa miệng là gạt bỏ được ý muốn đó và thôi không hề muốn giết ai nữa. Cậu có lý. Không nên giết ai khi có thể nhịn được.
Nói xong, ông cắn một miếng khác, Joad ném xương vào lửa rồi đứng lên và cắt thêm một miếng ở ngang sợi dây thép. Bây giờ Muley đang ăn chậm rãi, đôi mắt bé tí lo lắng của y nhìn từ người bạn này sang người bạn kia. Joad vừa ăn vừa gầm gừ như con vật và một vòng mỡ đọng quanh miệng anh.
Muley nhìn anh rất lâu, hầu như rụt rè. Y hạ bàn tay đang cầm miếng thịt xuống.
– Tommy, – y nói.
Miệng vẫn gặm nhấm miếng thịt, Joad ngước mắt lên:
– Sao kia?
Tommy ạ, tao nói chuyện giết người thì mày không giận chứ? Mày không giận tao chứ Tom?
– Dào! Tớ không giận đâu. Những chuyện đó là thường.
– Ai cũng biết không phải lỗi tại mày, – Muley nói. – Lão Turnbull nói, lão sẽ lột da mày khi nào mày được tha. Lão nói không ai có thể giết một thằng con của lão mà thoát nợ được như vậy. Nhưng ở đây, ai cũng can khiến lão phải cất bỏ ý định đó.
– Lúc đó, đang say mà, – Joad nói khe khẽ. – Say, trong một buổi khiêu vũ. Tớ không biết chuyện bắt đầu như thế nào. Thế rồi tớ cảm thấy con dao chọc vào người tớ, và đùng cái, tớ tỉnh rượu. Tớ thấy Herb một lần nữa cầm con dao xông tới. Có một cái xẻng dựng ở bờ tường nhà trường, thế là tớ chụp lấy xẻng, rồi nhằm đầu hắn, phang một nhát. Tớ chả có gì trách móc Herb. Hắn là đứa tốt bụng. Hồi còn nhỏ, lúc nào hắn cũng bám lấy em gái tớ, Rosaharn. Đúng tớ mến thằng Herb.
– Thì chính ai cũng nói với ông bố hắn như vậy và cuối cùng khiến được lão ta dịu lại. Ai đó có nói lão già Turnbull mang dòng máu Hatfieli, về phía họ ngoại và chắc lão lấy làm vinh dự về điều đó. Cái đó tớ không biết rõ. Lão và người nhà đã đi California, cách đây sáu tháng rồi.
Joad gỡ miếng thịt thỏ cuối cùng ở dây thép và lần lượt trao cho các bạn. Anh lại ngồi xuống, lại bắt đầu ăn, nhưng giờ thì chậm rãi hơn. Anh nhai đều đặn, và đưa ống tay áo lau mỡ quanh miệng. Đôi mắt anh sầm tối và hé mở, đăm chiêu nhìn lửa đang tàn lụi.
– Ai cũng đi về miền Tây, – anh nói. – ấy thế mà tớ phải giữ lời hứa. Tớ không thể vượt quá biên giới miền Đông.
– Lời hứa ư? – Muley hỏi. – Tớ có nghe nói chuyện đó. Là thế nào vậy?
– Thế này, họ đã tha tớ sớm hơn, sớm hơn ba năm. Phải làm điều này điều nọ. Không thế thì người ta giải tớ trở lại nơi đó. Thỉnh thoảng tớ phải trình diện.
– Ở Mac Alester, người ta đối xử với cậu thế nào? Thằng anh em họ với vợ tớ cũng đã ở Mac Alester, người ta làm tình làm tội hắn đủ vành.
– Không tồi đâu. – Joad nói. – Không, khắp đâu đâu cũng thế cả. Người ta làm phiền mình nếu mình gây chuyện rầy rà. Không tệ, trừ phi bị một thằng gác ngục ghét mình. Trong trường hợp đó thì khó xoay xở. Tớ thì chả có gì để kêu ca. Cũng như bất cứ ai, tớ chỉ lo phận tớ. Tớ đã học viết, mà cừ lắm. Không chỉ có học viết chữ, mà còn vẽ chim vẽ cò nữa. Bố tớ sẽ không bằng lòng nếu thấy tớ loáng một nét bút chì đã tòi ra một con chim. Bố sẽ chửi um lên khi thấy tớ làm những chuyện như vậy. Những trò ngông kiểu đó, ông ấy không thích. Ngay chữ viết, ông cũng đã không ưa rồi. Tớ nghĩ rằng nó khiến ông hơi sợ. Cứ mỗi lần ông thấy chữ viết thì hình như có ai đó đã lấy mất của ông một cái gì.
– Người ta không đánh đập mày hay cái gì đại loại thế chứ?
– Không, tớ lo việc tớ mà. Dĩ nhiên mãi rồi cũng chán ngấy vì phải làm cùng một việc, ngày này sang ngày khác, trong bốn năm liền. Nếu mình làm chuyện gì đó đáng phải xấu hổ, thì thế này, còn có chán thì giờ để suy nghĩ, nhưng, lạy Chúa, giả dụ tớ thấy thằng Herb cầm dao đi lại phía tớ, chắc chắn tớ sẽ lại phang cho hắn một nhát xẻng vào đầu.
Ai mà chả làm thế. – Muley nói.
Ông mục sư nhìn lửa, cái trán rộng của ông trắng bệch trong bóng đêm đang đổ xuống. Ánh ngọn lửa leo heo làm nổi bật cơ bắp ở cổ ông. Đôi bàn tay chắp lại ở đầu gối táy máy bẻ các đốt ngón tay kêu rắc rắc.
Joad ném những khúc xương còn lại trong lửa, liếm liếm ngón tay trước khi chùi lên quần. Anh đứng lên, đi tìm cái chai nước lã dưới hiên. Anh uống một ngụm nhỏ rồi trao chai cho bạn trước khi ngồi xuống. Anh nói tiếp:
– Điều khiến mình thắc mắc nhất, là tất cả cái đó chả ăn nhằm vào đâu. Chẳng ai tìm hiểu thế là thế nào, như khi sét đánh chết một con bò hay khi có lụt lội. Tất cả cái đó, phải là thế thôi. Nhưng khi một lũ thằng cha túm lấy anh, giam nhốt anh trong bốn năm, cái đó chắc chắn phải có ý nghĩa. Là người, mặc nhiên phải suy nghĩ. Chúng bắt bớ, nhốt tớ, nuôi tớ trong bốn năm. Cứ cho là được đi… nhưng lúc đó thì hoặc nó khiến tớ thay đổi sao để tớ không tái phạm, hoặc nó trừng phạt tớ sao cho tớ thấy sợ không dám tái phạm. – Anh ngừng lại. – Nhưng giờ nếu thằng Herb hay thằng khác lại dẫn xác đến, tớ sẽ làm như cũ. Như cũ, trước khi có thể kịp suy nghĩ. Nhất là khi tớ say. Cứ như nửa tỉnh nửa mê ấy, cái đó mới là phiền!
Muley nhận xét:
– Quan toà có nói ông ta chỉ xử mày nhẹ thôi vì lỗi không phải hoàn toàn do mày. Joad nói
– Ở Mac – Alester có một thằng cha… tù mãn kiếp… Suốt ngày chỉ nghiên cứu. Hắn là thư ký của ông giám đốc. Ông ta giao cho hắn viết thư từ và các thứ đại loại thế. Tóm lại, hắn giỏi giang bậc nhất, đã học luật và một đống những thứ rối rắm kiểu đó. Thế này, có hôm tớ nói chuyện với hắn, và thấy hắn đọc bao nhiêu là sách. Hắn nói đọc nhiều sách cũng chả ăn nhằm chi. Hắn nói đã đọc tất thảy những điều người ta viết về nhà tù, ngày nay và thời trước, và hắn nói chưa đọc thì còn hiểu được nhiều điều chứ đọc xong, thì lại hiểu còn lơ mơ hơn. Hắn nói đó là chuyện sinh ra từ địa ngục rồi quay về địa ngục mà hình như chả ai có thể ngăn chặn nổi, mà cũng chẳng ai có vẻ có đủ lương tri để thay đổi nó. Nhất là chớ lao đầu vào đọc những thứ đó, – hắn khuyên – bởi vì càng đọc càng thấy rối thêm, hơn nữa chả còn kính trọng đếch gì những gã đang cầm quyền.
– Tao cũng chả kính trọng bọn chúng cho lắm, – Muley nói. – Cái loại chính quyền duy nhất chúng mình có và nó dựa vào chúng mình đó là “các lề lợi nhuận”. Có một điều khiến tao tức lộn ruột, thì chính là cái thằng Willy Feeley với chiếc máy cày của hắn. Hắn đang trở nên một thứ ông chủ quèn trên mảnh đất mà cha mẹ hắn cày cấy. Chính điều đó giày vò tao. Giá như là một thằng cha từ đẩu từ đâu đến, mình không biết thì còn hiểu được, đằng này thằng Willy là người ở đây. Điều đó nó giày vò tao, đến nỗi tao phải tới hỏi hắn cho ra nhẽ. Tức thì hắn nổi đoá. “Tao có hai đứa con nhỏ. Thêm vợ tao, mẹ vợ tao. Phải ăn chứ, không hả?”. Hắn giận tái xanh tái tím. Hắn nói: “Điều đầu tiên và điều duy nhất tao phải nghĩ đến, chính là gia đình tao. Những ai khác gặp phải chuyện gì, đó là việc của họ”. Đâu như hắn lấy làm xấu hổ nên phát khùng.
Đã được một lúc, Jim Casy ngắm nhìn ngọn lửa tàn, đôi mắt của ông mở rộng và các cơ bắp ở cổ căng ra. Đột nhiên ông kêu lên:
– Tao hiểu ra rồi. Nếu bao giờ có một con người cảm thấy có chút thánh linh trong y, người đó chính là tao. Tao hiểu ra rồi! Cái đó nó đến như một tia chớp. – Ông nhảy bật lên và bắt đầu đi ngang đi dọc, vừa lắc lư cái đầu. – Có một thời, tao có một cái lều, mỗi tối tao lôi cuốn tới đó năm trăm con người. Hồi đó bọn bay chưa biết tới, cả hai đứa. – Ông dừng lại nhìn họ soi mói. – Bọn bay có nhận thấy không? Tao chưa hề quyên tiền khi tới giảng đạo cho nông dân tại vùng này, trong các nhà kho hay ngoài trời, thấy không?
– Lạy Chúa, không bao giờ, – Muley nói. – Dân giã ở đây đã có thói quen không biếu xén ông tiền nong, đến nỗi nếu có ông mục sư khác đến và chìa mũ ra, thì họ nổi khùng. Thực tình là thế, ông ạ.
Casy nói:
– Tao có nhận một thức ăn gì đó. Tao nhận một chiếc quần khi quần tao đã sờn hoặc một đôi giày cũ khi giày của tao đã rách để lòi cả bàn chân ra. Nhưng khi tao có cái lều thì không như thế. Có lúc tao nhận được mươi đến hai mươi đôla. Có điều, làm theo cung cách đó, tao không thấy sung sướng, tao bèn thôi và cảm thấy sung sướng được một thời gian. Tao tin bây giờ tao đã hiểu. Không biết tao sẽ có thể giải thích cho tụi bay hiểu được hay không. Tao cũng không muốn cố thử… nhưng rất có thể ở đấy, có chỗ cho một mục sư. Có thể tao sẽ bắt đầu giảng đạo trở lại. Những con người một thân một mình trên đường sá, những con người không nhà không cửa, chẳng biết đến nẻo đất phương trời nào mà đi. Đáng lý họ phải có nơi ăn chốn ở, một cái gì… có thể.
Ông dướn thẳng người cao quá ngọn lửa. Tất cả cơ bắp trên cổ của ông nổi lên đậm, ánh lửa rọi sâu thẳm vào mắt ông và nhóm lên những chấm đỏ. Ông đứng nhìn lửa, mặt căng ra như thể đang lắng nghe, đôi bàn tay của ông xưa đã từng hăng hái lượm lặt, điều khiển và ném ra những ý kiến, bây giờ bình tĩnh và, chẳng mấy chốc biến mất trong túi áo. Những con dơi bay qua bay lại trong ánh lửa mờ mờ, tiếng thì thầm se sẽ và sướt mướt của chú muỗi từ phía bên kia cánh đồng vọng tới.
Tom lặng lẽ mò tìm trong túi áo, rút gói thuốc ra và vừa chậm rãi cuốn một điếu, vừa ngắm nhìn than hồng. Anh chẳng để ý gì đến bài nói của ông mục sư tưởng chừng đó là chuyện riêng tư mà người khác chẳng phải suy xét. Anh nói:
– Không biết bao nhiêu lần, về ban đêm, khi nằm trên chiếc giường nhỏ, tôi hình dung sự thể sẽ thế nào một khi tôi trở về nhà. Tôi nghĩ dễ chừng ông nội đã mất, và có lẽ đã có thêm vài đứa nhóc. Bố tôi có lẽ bớt thô bạo hơn. Mẹ tôi có lẽ có thì giờ nghỉ ngơi chút ít và để lại công việc cho Rosasharn. Tôi biết là sẽ không còn giống như xưa nữa… Đành vậy, tôi nghĩ phải ngủ lại đây và tảng sáng sẽ đi tìm chú John. Ít ra thì tôi cũng sẽ làm thế. Ông Casy ạ, ông đến với tôi nhé, ông nghĩ thế nào?
Người mục sư vẫn mải đứng nhìn lửa than hồng. Ông nói thong thả:
– Ừ, tao sẽ đi với mày. Khi nhà mày bắt đầu lên đường, tao sẽ đi cùng. Và chỗ nào có người trên đường cái, tao sẽ đến với họ.
– Ông đến thì ai cũng mừng, – Joad nói. – Mẹ tôi bao giờ cũng mến ông. Mẹ nói, là mục sư như ông thì người ta có thể tin cậy được. Rosasharn còn nhóc con. – Anh quay đầu – Muley, cậu đến với bọn tớ chứ? – Muley nhìn về phía con đường mà họ đã tới. – Thế nào, đi với bọn tớ chứ, Muley? – Joad nhắc lại.
– Hả? À không. Tớ không đi đâu hết, đang ở đâu, tớ ở đấy. Các ông có thấy cái ánh lửa ở kia, đang lên lên xuống xuống đấy không? Chắc hẳn là tên giám thị ruộng bông này. Dễ chừng hắn trông thấy lửa chúng ta đốt.
Tom nhìn. Ánh lửa từ đỉnh đồi lại gần.
– Ta có làm gì hại đâu. Vậy cứ ngồi yên đây. Việc gì mà ngại. Muley cười chế giễu:
– Nói thế mà nghe được! Chỉ việc đứng ở đây cũng là làm cái gì rồi. Tức là dẫm lên sở hữu người khác. Chúng mình không thể ở đây được. Đã hai tháng nay, chúng muốn tóm cổ tớ. Nghe kỹ này. Nếu là một chiếc ô tô tới, chúng ta sẽ đến nấp giữa ruộng bông. Không cần phải đi quá xa. Rồi sau đó, lạy Chúa, để mặc chúng tìm kiếm chúng ta. Chúng phải nhìn vào mỗi đường cày. Ta chỉ cần cúi thấp đầu xuống thôi.
Joad hỏi:
– Cậu mắc phải chứng gì vậy, Muley? Hồi xưa cậu đâu có phải là một thằng cha quen trốn tránh. Cậu đã đâm ra tồi tệ rồi sao?
Muley nhìn các ánh sáng đến gần:
– Phải, – y nói. – Xưa kia tao tồi tệ như con chó sói. Bây giờ tao tồi tệ như con chồn. Khi người ta săn đuổi cái gì, người ta là thợ săn, người ta mạnh. Chẳng có ai trị được gã thợ săn. Nhưng bây giờ chúng mình bị săn đuổi… Hai đường khác nhau. Anh không mạnh, tha hồ anh nhe răng nhe lợi, anh vẫn không mạnh. Đã từ lâu chúng săn đuổi tao. Tao không còn là thợ săn nữa. Trong đêm tới, có thể tao bắn vào ai đó, nhưng tao không đập chết người ta bằng cọc rào được. Cố gắng kể cho mày nghe chuyện này chuyện nọ, chả đi đến đâu. Sự đời nó là thế.
– Được rồi, vậy cậu nấp đi, – Joad nói. – Casy và tớ, chúng tớ sẽ nói thẳng vào mặt chúng, cái bọn chó chết.
Chùm ánh sáng đã lại gần. Nó nhảy vọt lên trời, biến đi rồi lại nhảy vọt lên trời. Cả ba người quan sát nó.
Muley lại nói:
– Còn chuyện khác nữa. Khi bị săn đuổi người ta bắt đầu nghĩ đến tất cả những gì có thể nguy hiểm. Khi săn đuổi, người ta không suy nghĩ, không sợ. Như mày nói với tao lúc nãy, nếu có chuyện không hay xảy ra cho mày chúng sẽ tống mày tới sống trọn đời ở Mac Alester.
– Ừ đúng nhỉ, – Joad nói. – Họ đã nói với tớ như vậy đó. Có điều ngồi ở đây, nghỉ ngơi hay ngủ dưới đất thì làm gì mà sợ chuyện rắc rối. Chả có gì xấu cả. Đâu phải như cái việc nốc cho say vào rồi làm chuyện dại dột.
Muley bật cười:
– Mày sẽ thấy thôi. Cứ ở đây đợi chiếc ô tô kia đến. Có thể đúng thằng Willy Feedly cũng nên, giờ hắn làm phó cho tên cảnh sát trưởng. “Tụi bay làm gì ở đây, trên đất của người khác, hả?”, hắn quát. Dĩ nhiên, ai ai cũng biết thằng Willy là đứa hay chộ, thế là người ta đáp: “Cái đó việc đếch gì đến mày mà mày hỏi”. Thế là Willy bắt đầu nổi đoá: “Cút đi không ông lại bỏ tù bây giờ”. Dẫu sao lúc đó các cậu sẽ không chịu thua thằng Willy, lấy cớ là hắn nổi nóng và hắn sợ? Hắn đã bắt đầu chộ thì hắn phải chộ cho đến cùng, mặt khác các ông đã bắt đầu nổi nóng thì không thể rụt vòi lại được… ồ, thôi đi… Vả lại, nấp vào đám bông thì dễ hơn, có khó gì, rồi cứ để mặc chúng tìm kiếm. Cũng ngộ nữa, chả là chúng nổi điên mà không làm được quái gì, còn trong khi đó, các ông cứ mặc xác, cứ cho chúng sủa. Còn nếu các ông dám tranh cãi với thằng Willy hoặc với một thằng chủ, thì rốt cuộc các ông sẽ túm lấy hắn mà đánh vong mạng, còn chúng, chúng sẽ điệu cổ ông đi, tống ông đến ở Mac Alester. Mọt gông.
– Thực tình là thế, – Joad nói. – Cậu nói câu nào đúng câu ấy. Nhưng, mẹ kiếp, tớ không thích người ta hất nhào tớ. Nện cho hắn một trận như thế thích hơn nhiều.
– Hắn có súng ngắn, ông ạ! – Muley nói – mà hắn sẽ sử dụng vì hắn là cảnh sát. Lúc đó, hoặc hắn giết ông, hoặc chính ông giết hắn. Thôi, Tommy chả khó gì mà mày không tự nhận ra, mày nằm nấp trong ruộng bông, tức là mày đã chơi xỏ chúng nó kia mà. Chung qui lại, mọi sự vẫn là mình biết mình hay chứ ai biết đấy là đâu? – Chùm sáng lại vọt lên trời, và nghe tiếng máy ầm ầm gần hơn. – Nào Tommy. Chả phải đi xa đâu, chỉ mười bốn mười lăm luống cày, rồi cứ nằm im mà nhìn chúng.
Tom đứng lên:
– Cậu nói có lý, lạy Chúa. Dẫu sao thì tớ cũng chả có lợi gì. – Thế thì, lại chỗ này, – Muley rẽ ở góc nhà, đi thẳng ra khoảng năm mươi mét trong ruộng bông.
– Ở đấy ổn lắm. Nằm xuống. Cậu chỉ phải cúi đầu xuống nếu chúng lia đèn chiếu ở kia. Một mặt nào đó, kể cũng thú.
Cả ba người nằm dài ra và nhỏm khuỷu tay lên. Muley bỗng bật dậy, chạy về phía căn nhà, một lát sau, y trở lại với một bọc quần áo, giầy dép.
– Không thì chúng sẽ xách đi, để trừng phạt mà!
Ánh sáng hiện ra trên đỉnh đồi và thọc sâu về căn nhà.
Joad hỏi:
– Thế chúng không cầm đèn pin tới đây tìm chúng ta ư? Giá như mình có một cái gậy nhỉ!
Muley cười rúc rích:
– Chẳng cần sinh chuyện. Tao đã nói với mày, tao ác như con chồn. Có một đêm, Willy cũng làm như vậy, từ phía sau tao cầm cái cọc, phang cho hắn một cú, Willy ngã nằm thẳng cẳng. Về sau, hắn ta kể rằng hắn bị năm thằng tấn công.
Chiếc xe đến trước nhà và một tia sáng toé ra:
– Cúi thấp xuống, – Muley nói.
Chùm ánh sáng trắng lạnh bay phía trên đầu họ và lia quét cánh đồng. Mấy người ẩn nấp không thể thấy một cử động nào nhưng họ nghe tiếng cửa xe lách cách và tiếng nói.
Muley nói thì thầm:
– Chúng sợ phải đứng phía trước ánh sáng, một đôi lần tao đã nhằm vào đèn pha. Điều đó khiến thằng Willy đâm thận trọng. Tối nay hắn dẫn đứa nào đó đi với hắn.
Họ nghe tiếng chân bước dội vang vào khu ruộng, rồi nhìn vào phía trong nhà, họ nom thấy ánh sáng một chiếc đèn pin.
– Tao có nên bắn vào trong nhà không? – Muley nói trong hơi thở. – Chúng sẽ chằng biết từ đâu bắn tới. Chúng buộc phải suy nghĩ.
– Làm đi – Joad nói.
– Đừng, – Casy thì thầm. – Chả ăn nhằm gì. Làm thế, cầm bằng phí công. Lúc định làm gì, suy nghĩ cẩn thận thấy có chút lợi ích gì đó thì hãy làm.
Có tiếng cào sàn sạt ở cạnh nhà.
– Chúng tắt lửa. – Muley thì thầm. – Lấy chân hất đất cát lên lửa.
Cửa ô tô kêu đánh cách, các đèn pha vẽ một đường cong rồi chĩa ra đường cái
.– Chú ý, núp xuống. – Muley nói.
Họ gục đầu xuống, chùm ánh sáng lướt qua phía trên đầu họ, và quét đi quét lại trên cánh đồng bông. Tiếp đó, chiếc ô tô chuyến bánh, xa dần, leo lên sườn đồi và mất hút.
Muley ngồi lên.
– Mỗi lần, để kết thúc, thằng Willy đều phóng một luồng sáng. Hắn làm thường xuyên nên tớ biết đích xác lúc nào hắn làm. Và bao giờ hắn cũng tin rằng thế là khôn.
Casy nói:
– Có lẽ chúng để lại mấy thằng ở trong nhà, chúng mình quay lại là chúng tóm luôn.
– Có thể. Đợi tôi ở đây. Tôi biết bài bản.
Y lặng lẽ bỏ đi, các mô đất khe khẽ vỡ tan dưới bước chân y đi qua. Cả hai người đang chờ nghe tiếng y, nhưng y đã biến vào trong đêm đen. Sau một lúc, từ ngôi nhà y gọi họ:
– Chúng chẳng để lại ma nào cả. Trở lại đi
.Casy và Joad lại đứng lên và đi về các khối đen lù lù của ngôi nhà, Muley chờ đợi họ ở gần đám lửa mà họ đã đốt lên và bây giờ chỉ còn là đống tro than đang xông khói.
– Tôi đoán không sai, chúng đâu có để người lại, – y nói một cách tự hào – Cái đòn tôi nện cho thằng Willy và những chiếc đèn pha tôi đập bể đã khiến chúng mở mắt ra. Chúng chả hay biết là ai, mà tôi cũng chả cho chúng biết. Tôi không ngủ gần các nhà. Nếu các ông muốn theo tôi, tôi sẽ chỉ chỗ tôi ngủ ở một cái xó mà chẳng sợ có ai đụng phải mình.
– Cậu đi trước đi, – Joad nói. – Bọn tớ đi theo. Không bao giờ tớ lại nghĩ ngay trên đất cha ông mình mà mình lại trốn nấp. Mulley đi ngang cánh đồng. Joad và Casy đi theo y. Vừa đi họ vừa vấp phải một gốc cây bông. Họ đi nối đuôi nhau, tới một cái khe và để mình dễ dàng trượt xuống lòng khe
.– Lạy Chúa, cuộc là mình biết chỗ này, – Joad nói. – Một cái hang trên bờ.
– Đúng quá. Tại sao mày biết?
– Chính tớ đã đào nó, – Joad nói.- Tớ và anh Noah tớ. Nói là để tìm vàng, nhưng thực ra, bọn tớ đào một cái hang, như trẻ con thường làm. Bờ vách của khe bây giờ đã ở phía trên đầu họ.
– Chắc không xa nữa. – Joad nói. – Tớ nhớ ra hình như là ở đấy.
Mulley nói :
– Tớ lấy cành lá phủ nó lại. Chẳng ai có thể tìm ra.
Lòng khe bằng phẳng dần, chân họ dẫm trên cát. Joad ngồi trên cát sạch.
– Tớ sẽ không ngủ trong hang, – anh nói. – Đã ngồi ở đây thì tớ ngủ đây, – Anh lấy áo cuộn tròn lại và luồn nó xuống gối đầu.
Mulley rút cái cành lá che lấp lỗ vào hang, rồi y luồn vào trong, y nói:
– Tớ, tớ nằm trong đó, tớ thấy thú. Tớ có cảm tưởng không ai tới đây bắt tớ.
Jim Casy ngồi trên cát gần Joad.
– Ngủ đi một tí, – Joad nói, – Rạng sáng chúng ta đến nhà chú John.
– Tao không ngủ đâu. Đầu óc tao ngổn ngang trăm thứ chuyện.
Nguyên văn: bông hoa cúc của bà. Bản tiếng Pháp: guili, guili, guili… Chúng tôi dịch như vậy, theo tục lệ ở ta kiêng không dám khen trẻ sơ sinh. |
hết: Chương 6, xem tiếp: Chương 7
|