CHÙM NHO PHẪN NỘ (Chương14)

John Steinbeck

Ruộng đất miền tây lo lắng bồn chồn trước những dấu hiệu đầu tiên của sự thay đổi. Những bang miền Tây lo lắng bồn chồn như loài ngựa khi sắp tới cơn giông. Các điền chủ lớn lo lắng bồn chồn vì linh cảm được sự thay đổi nhưng bất lực không đoán được tính chất của thay đổi. Các điền chủ lớn đổ lỗi cho các sự việc trước mắt, cho chính phủ đang mở rộng ảnh hưởng, cho sự thống nhất đang phát triển của các nhóm thợ thuyền, cho thuế khóa mới, cho các kế hoạch; họ không biết rằng những sự việc đó là kết quả, chứ không phải là nguyên nhân. Nguyên nhân thì sâu xa mà đơn giản… nguyên nhân là cái đói, đói ở bụng nhân lên gấp triệu lần đói trong một tâm hồn duy nhất, đói niềm vui và một sự an ninh nào đó, nhân lên gấp triệu; đói của các cơ bắp và khối óc nhức nhối nỗi ham muốn được lớn lên, được lao động, được sáng tạo nhân lên gấp triệu. Chức năng cuối cùng của con người, rõ ràng và rất xác định… các cơ bắp đau đớn nỗi ham muốn lao động, khối óc đau đớn nỗi ham muốn sáng tạo vượt qua nhưng nhu cầu cá nhân… đấy, con người là thế. Xây một bức tường, xây một ngôi nhà, đắp một cái đập… và trên tường, trong nhà, trên đập, đặt một cái gì của chính con người và mang lại cho người ấy cái gì đó từ bức tường, từ ngôi nhà, từ cái đập. Hãy mang đến những cơ bắp rắn chắc nhờ khuân vác các vật nặng, mang đến những đường nét và hình thể trong sáng từ nhận thức, quan niệm. Bởi lẽ khác với các vật hữu cơ hay vô cơ trên trái đất, con người phát triển vượt quá sức lao động của y, leo lên các bậc thang tư tưởng của y, làm chủ các thành quả của chính y. Đấy là những điều người ta có thể nói về con người. Khi các lý thuyết thay đổi và sụp đổ, khi mà các trường phái, các nền triết học, các ngõ cụt tăm tối của tư tưởng quốc gia, tôn giáo, kinh tế lớn lên và tan ra, thì con người vẫn vươn tới phía trước, lần mò, vấp ngã, đau đớn, đôi khi lầm lạc. Đã bước lên phía trước, có thể trượt lại sau, nhưng chỉ lùi nửa bước không bao giờ trọn vẹn cả bước. Điều đó, người ta có thể biết được. Điều đó, người ta có thể biết được. Biết được khi những trái bom từ cái máy bay đen ngòm rơi xuống bãi chợ, khi các tù nhân bị chọc tiết như những con lợn, khi những thân xác bị chà nát, thối rữa dơ dáy và hòa tan đi trong cát bụi. Anh có thể biết được là như thế. Nếu không tiến hành các bước đi, nếu mong muốn nhức nhối chập chững đi lên phía trước không tồn tại, sẽ không có những trái bom rơi, không có chuyện chặt cổ, phanh thây. Đáng sợ thay lúc bom không còn rơi xuống nữa nhưng máy bay vẫn còn tồn tại bởi vì mỗi trái bom là bằng cớ rằng trí tuệ còn sống, bởi lẽ mỗi một cuộc bãi công nhỏ bé bị trấn áp là bằng chứng đang có một bước tiến lên… Và điều này nữa, bạn cũng có thể biết được… hãy biết sợ cái lúc mà nhân loại sẽ không chịu đau khổ và xả thân vì một lý tưởng, bởi chăng chỉ có đặc tính duy nhất này mới là nền tảng của chính con người và đặc tính duy nhất này làm con người khác biệt hẳn trong toàn vũ trụ.
Các bang miền Tây lo lắng bồn chồn lúc sự thay đổi bắt đầu. Texas và Oklahoma, Kansas, New Mexico, Arizona, California. Một gia đình đơn độc đã rời bỏ quê hương xứ sở. Bố đã vay tiền ngân hàng và bây giờ ngân hàng muốn ruộng đất. Công ty ruộng đất – là ngân hàng khi nó sở hữu ruộng đất – muốn có máy cày, chứ không muốn có các gia đình. Máy cày nó có độc ác không? Cái sức mạnh đang đào xới những luống cày dài, có nhầm lẫn không? Nếu chiếc máy cày thuộc của chúng ta, thì rất tốt – không phải thuộc của tôi, của chúng ta kia! Nếu máy cày của chúng ta cày những luống đất trên đất đai của chúng ta, thì rất tốt. Không phải đất của tôi, mà của chúng ta. Lúc đó chúng ta có thể yêu mến chiếc máy cày đó như chúng ta từng yêu mến đất đai của chúng ta. Nhưng chiếc máy cày đó làm hai điều: nó lật xới ruộng đất của chúng ta và đưa chúng ta ra khỏi ruộng đất. Không có khác biệt máy giữa chiếc máy cày đó với một chiếc xe tăng. Người ta bị xua đuổi, bị uy hiếp, bị thương bởi cả hai. Đó là điều mà chúng ta phải suy nghĩ.
Một người, một gia đình bị xua đuổi khỏi ruộng đất của họ, chiếc xe hơi cổ lỗ lúc la lúc lắc trên con đường đi về miền Tây. Tôi đã mất ruộng đất. Chỉ cần một chiếc máy cày là đủ cướp đất của tôi. Tôi đơn độc và tôi mất phương hướng. Một đêm kia, có một gia đình khác tới và lều được dựng lên. Cả hai người đàn ông ngồi xổm, phụ nữ và trẻ con lắng nghe. Cái nút là ở đây. Ông mà là người không thích những thay đổi và sợ các cuộc cách mạng, ông hãy tách xa hai người đàn ông đang ngồi xổm kia, hãy làm cho họ căm ghét nhau, sợ hãi nhau, ngờ vực nhau. Đó là mầm mống cái mà ông sợ. Đó là tiếp hợp tử. Bởi lẽ câu nói: “Tôi đã mất ruộng đất” đã thay đổi, một tế bào đã tự chia đôi và từ sự chia xẻ đó mà nẩy sinh ra cái ông căm ghét: “Chúng ta đã mất ruộng đất của chúng ta”. Mối nguy hiểm là ở đó, bởi vì hai con người đó không quá đỗi đơn độc, không quá đỗi hoang mang như một người. Và từ cái “chúng ta” đầu tiên đó, nẩy sinh một điều còn đáng sợ hơn: “tôi còn lại chút ít để ăn” thêm “tôi chẳng có gì”. Nếu bài toán được giải quyết bằng “chúng ta còn đủ để ăn”, thì sự việc đã lên đường, phong trào đang có một hướng đi. Giờ đây chỉ một phép phân nhỏ, và ruộng đất đây, máy cày kia là của chúng ta. Hai con người ngồi xổm trong đường mương, bếp lửa leo lét, thịt ninh dừ trong một cái nồi độc nhất, các phụ nữ câm lặng, mắt chăm chú, phía sau là lũ trẻ con với tất cả tâm hồn của chúng, lắng nghe cái tiếng mà bộ óc của chúng không thể hiểu được. Đêm xuống. Bé sơ sinh bị lạnh. Đây, hãy lấy tấm chăn này. Chăn bằng len. Đó là chăn của mẹ tôi xưa… hãy lấy nó đắp cho cháu bé…Đấy là điều ông phải nã đạn vào mà hủy diệt, vì đấy là sự mở đầu từ “Tôi” đến “Chúng ta”.
Các ông là những người sở hữu những thứ này, thứ nọ, nhưng nếu các ông có thể hiểu được rằng đáng lý những người khác cũng phải có những thứ đó thì dễ chừng các ông thoát được số mệnh đang chờ các ông. Nếu ông có thể tách rời nguyên nhân với kết quả, nếu các ông biết được rằng Paine, Marx Jafferson, Lenine là những kết quả chứ không phải nguyên nhân, các ông có thể sống sót được. Nhưng điều đó, các ông đâu có thể biết. Bởi vì một khi ông đã có của, ông bị đông cứng mãi trong cái “Tôi” và bị cắt lìa mãi mãi với cái “Chúng ta”.
Các tiểu bang miền Tây lo lắng bồn chồn, lúc sự thay đổi đang bắt đầu. Nhu cầu kích thích tư tưởng, tư tưởng kích thích hành động. Một nửa triệu người di chuyển trong xứ, một triệu khác thì nôn nóng, sẵn sàng chuyển động, mười triệu người cảm thấy những triệu chứng đầu tiên của sự nóng nảy bực bội.
Còn cái máy cày thì đào xới vô vàn những luống cày trên các ruộng đất bị bỏ hoang.

hết: Chương 14, xem tiếp: Chương 15

Tìm Kiếm