CHÙM NHO PHẪN NỘ (Chương15)
John Steinbeck
Dọc đường cao tốc 66, những quán rượu nhỏ tạm bợ, – Al và Suzy – Carl, ăn trưa – Joe và Minnie, nhà hàng. Ăn nhẹ. Lều quán bằng ván ghép. Quán hành lạc. Hai vòi bơm xăng ở quầy trước một cánh cửa lớn có lưới sắt, một quầy rượu dài có ghế đẩu và thanh ngang để chân. Gần cửa, ba máy quay xu phô ra phía dưới tấm kính cái gia tài vẻn vẹn những đồng năm xu mà một bàn tay khéo léo có thể khoắng sạch. Và bên cạnh, chiếc máy quay đĩa tự động với những đĩa hát chồng lên nhau như bánh đa, sẵn sàng rớt xuống giá đĩa và chơi một điệu nhạc khiêu vũ : “Ti -pi – ti-pi-til” “Xin cám ơn đã nhớ đến”, của Bing Crosby, của Benny Goodman. Ở một đầu quầy một ngăn bàn đủ thứ: thuốc ho viên, suynfa, cà phê Darpas, thuốc ngủ, kẹo, bánh, thuốc lá, lưỡi dao cạo, aspirin, Frono, Seltzo, Alke, Setzer. Tường dán đầy quảng cáo với những hình phụ nữ mặc đồ tắm tóc vàng hoe, may-ô trắng, ngực nở, eo thon, mặt trắng bệch, tay cầm một chai Coca – Cola, miệng nở nụ cười duyên…- uống Coca – Cola thì được lợi thế đấy. Quán rượu dài với các lọ muối, lọ hạt tiêu, bình mù tạt và khăn lau bằng giấy. Những thùng bia phía sau quầy và phía trong cùng là các bình lọc cà phê bóng loáng bốc hơi với những ống thủy tinh có ngấn chỉ mức cà phê. Còn có bánh kem trong lồng lưới sắt, những quả cam xếp thành hình kim tự tháp bốn tầng. Và những đống nhỏ các bánh ga tô, bánh bột ngô chồng lên nhau với nhiều cách sắp xếp thay đổi.
Những quảng cáo giấy bồi nổi lên dưới tấm mica lấp lánh: Bánh kem đặc sản địa phương. Không bán chịu. Mất lòng trước được lòng sau 1. Các bà các cô có quyền hút thuốc. Nhưng xin để ý đến mẩu tàn thuốc. Xin mời lại đây dùng bữa. Có bà nhà ngồi bên cạnh là hay nhất.
Ở một đầu quầy, những đĩa bày đủ các món ăn, khoai tây, bò hầm, bò chiên, lợn quay đang chờ được cắt thành miếng.
Phía sau quầy, Minie, Suzy hoặc Mae, lứa tuổi trẻ đã qua, già chưa tới, tóc cuốn búp, môi son má phấn, khuôn mặt nhẫy nhụa mồ hôi đáp lại nhỏ nhẹ khi khách gọi món ăn thức uống, báo lại với đầu bếp với tiếng kèn đồng, mạnh tay đưa giẻ lau mặt quầy, theo vòng tròn, đánh bóng các bình cà phê to bóng loáng. Gã đầu bếp tên là Joe, hoặc Carl, hoặc Al. Y nóng bức dưới chiếc áo vét-tông trắng và chiếc tạp dề, những giọt mồ hôi nhỏ giọt trên cái trán trắng dưới chiếc mũ bonê trắng của đầu bếp. Tính đồng bóng, ít nói, y chỉ ngước mắt lên một thoáng lúc có một người khách bước vào. Y lau chùi cái vỉ nướng thịt, ném miếng thịt thái lên chảo. Y lặp lại khe khẽ tên các món ăn đã đặt do Mae truyền lại, nạo vỉ nướng thịt và lau nó bằng một miếng vải thô, ủ rũ và lặng lẽ.
Mae là đầu mối tiếp xúc, tươi cười, cáu kỉnh, sẵn sàng bùng nổ, tươi cười trong khi mắt mơ màng nhìn về một quá khứ xa xăm…trừ phi có mặt những tay lái cam-nhông. Chính họ là xương sống của tiệm ăn. Chỗ nào mà có xe cam-nhông đỗ lại, thì chỗ ấy khách đổ tới. Không có cách nào đánh lừa được bọn lái cam nhông, họ lõi đời. Họ dẫn khách đến. Họ lõi đời. Cứ thử đưa cà phê cũ ra xem, họ sẽ không thèm đặt chân vào tiệm nữa. Nếu đối xử tốt, họ trở lại. Mae mỉm cười hở cả răng cả lợi khi thấy các chú tài bước vào quán. Cô ưỡn thẳng lên thột chút, sửa lại mái tóc phía sau để cho đôi vú căng ra theo cử động của đôi bàn tay đang giơ lên, cô bắt chuyện phiếm, nói bâng quơ mấy chuyện to tát, chuyện nắng, trời mưa, chuyện tầm phào hay hay.
Al không nói chuyện bao giờ. Y không bắt liên lạc với khách hàng. Thỉnh thoảng nghe câu đùa vui, y nhếch mép mỉm cười, nhưng không bao giờ cười thành tiếng. Đôi khi y ngước mắt lên khi tiếng của Mae trở nên sôi nổi, rồi y lấy bay nạo vỉ nướng thịt, quệt hết mỡ dính ở mép chảo và rót nó vào một cái chậu sắt nhỏ. Y lấy chiếc bay đập bẹp một miếng thịt kêu xèo xèo. Y đặt các chiếc bánh bổ đôi để rán trên chảo. Y thu nhặt những nhát hành vương vãi trên đĩa, rải chúng lên thớt, lấy bay miết chặt. Y đặt một nửa chiếc bánh nhỏ trên thịt, lấy bơ phết vào nửa kia rồi rắc gia vị thảo mộc thái nhỏ lên cả chiếc bánh. Đặt bánh lên thịt, y luồn chiếc bay xuống tảng thịt mỏng và giật một cái, lật nó lên, đặt cái nửa có phết bơ lên trên và bỏ tất cả vào một chiếc đĩa con, một ít lá hẹ giấm, hai quả ôliu bên cạnh miếng xăng uých. Al cho cái đĩa trượt dọc quầy hàng như trượt hòn đảo. Rồi y lại lấy cái bay cạo cạo vỉ rán và buồn rầu nhìn chiếc nồi.
Những chiếc xe phóng nhanh trên đường 66. Biển số đăng ký Mass, Tenni, R.N.Y, Vi, Ohio. Lên đường về phía Tây. Những chiếc xe hơi đẹp chạy sáu lăm cây số…
Đấy kìa, một chiếc Card chạy qua. Nom giống một cỗ quan tài có bánh xe.
Đúng thế, nhưng trời, nó chạy mới khỏe chứ!
Cậu có thấy chiếc LaSalle kia không? Cái đó tớ mới cần.
Tớ đâu phải con lợn, tớ thích loại xe LaSalle.
Đã thế, sao không dùng Cadillac? To hơn một chút, nhanh hơn một chút.
Tớ giá có một Zerphya thì hơn. Không có vẻ gì là giàu sang nhưng trông cũng oách, mà chạy tốt. Một Zerphya..tớ chỉ cần có thế.
Thôi, có lẽ cậu sẽ cười vào mũi tớ…nhưng tớ sẽ chọn một Buik Puich. Tốt chán.
Mà, mẹ kiếp, giá cũng bằng chiếc Zerphya, lại không vất vả.
Tớ đếch cần, tớ chẳng muốn đụng đến bất cứ gì của hãng Henry Ford. Không ngửi được, không bao giờ. Tớ có một thằng em làm việc ở đó. Giá cậu nghe hắn nói?
Dẫu sao, lái Zerphya thì vất.
Những xe hơi to lao trên đường cái. Những bà, những cô xinh đẹp, uể oải vì nóng bức – những hạt nhân mà xung quanh có hàng ngàn đồ phụ tùng; kem, pho mát, thuốc dán, thuốc nhuộm đủ các màu đựng trong những lọ con – đen, hồng, đỏ, trắng, xanh, bạc – để thay đổi màu tóc, mắt môi, móng tay, lông mi, lông mày, mi mắt. Dầu, hạt và thuốc viên để cho dạ dày hoạt động. Một cái túi đựng chai lọ, ống tiêm, thuốc viên, thuốc bột lỏng, sáp nhờn để cho quan hệ tình dục thành vô hại, không mùi, không thụ thai. Đó là chưa kể số quần áo, phiền toái bỏ đời!
Những nếp nhăn của mệt nhọc xung quanh mắt, những nếp nhăn của bất bình xung quanh miệng, những nịt vú nhỏ hẹp, bụng và đùi bị ép trong những màng cao su. Và những cái miệng hé mở, thở hổn hển, đôi mắt bướng bỉnh căm ghét mặt trời, căm ghét gió, căm ghét đất, oán giận thức ăn, căm ghét sự mệt mỏi, căm giận thời gian hiếm khi khiến họ xinh đẹp thêm và luôn làm cho họ già đi. Bên cạnh họ là những người đàn ông nhỏ bé, bụng như cái thùng, mặc quần áo màu sáng và đội mũ panama; những người đàn ông sạch sẽ, hồng hào với những cặp mắt bối rối phiền muộn, cặp mắt lo lắng băn khoăn. Phiền muộn vì các thể thức chẳng ra đâu vào đâu, đói khát sự an toàn tuy vẫn cảm thấy nó sẽ biến mất trên trái đất. Trên ve áo của họ có cái biểu hiệu của nơi hội họp và những câu lạc bộ dịch vụ – những nơi họ có thể lui tới và nhờ ảnh hưởng của một số ít những người tầm thường khác cũng buồn nản như họ, họ có thể tự trấn an, tự tin rằng, kinh doanh là việc cao quý chứ không phải chuyện trộm cắp được nghi thức hóa, ngộ nghĩnh mà họ biết; rằng những con người kinh doanh đều thông minh mặc dầu có những ghi chép nói lên sự ngu đần của họ; rằng họ tử tế và có lòng từ thiện bất chấp những nguyên tắc của sự kinh doanh hợp lý; rằng đời sống của họ phong phú chứ không phải những chuỗi ngày đầy dẫy những lề thói chán ngắt mà họ đã quen thuộc, và sẽ đến một lúc mà họ không còn sợ hãi nữa.
Và hai người kia, họ sẽ đi California, họ đi để được ngồi trong phòng lớn khách sạn Beverly – Wilshire, ngắm nhìn những núi non, nhìn cây cao sừng sững – chàng thì với đôi mắt lo âu, nàng thì mải băn khoăn chẳng biết mặt trời sẽ khiến da nàng se lại như thế nào. Họ đi để ngắm nhìn Thái Bình Dương, và tôi dám cuộc mất không với bạn một trăm ngàn đô la là chàng sẽ nói: “Nó chả lớn như anh từng tưởng”. Còn nàng sẽ thèm khát những thân hình trẻ trung tròn trĩnh trên bãi biển. Đi California, thật ra với mục đích là lại trở về nhà. Để nàng có thể nói: “Có một mụ nào đó ngồi ở bàn gần chỗ chúng tôi, tại Trocadere, mụ ta quả là món hổ lốn, nhưng phải công nhận là mụ biết ăn mặc chải chuốt”. Còn chàng: “Tôi đã có dịp nói chuyện với những nhà doanh nghiệp đứng đắn ở đấy. Họ không thấy có chút cơ may nào trừ phi chúng ta gạt bỏ được cái thằng cha đó ra khỏi Nhà Trắng”. Lại nói: “Tôi biết được cái đó do một người rất thạo tin tức, ông biết không, mụ ta bị giang mai. Mụ ta đóng trong phim Warner. Người đàn ông nói, mụ ta thành đạt là nhờ ngủ với mọi người đóng phim. Thế đấy, mụ ước gì được nấy!”. Nhưng đôi mắt lo lắng không bao giờ thấy bình tĩnh và cái bĩu môi không bao giờ tỏ ý bằng lòng. Chiếc xe ca lớn vẫn đi sáu mươi dặm một giờ, chầm chậm như đi kiếm khách 2.
Em muốn uống cái gì mát.
Kìa đằng kia có chỗ. Muốn dừng không?
Liệu ở đấy có sạch không?
Cũng sạch như mọi thứ em đang đi tìm trong cái xứ bị Chúa bỏ rơi này.
Thôi, có thể mấy chai sôđa là đủ rồi.
Chiếc xe hơi kêu ken két rồi dừng lại. Người đàn ông béo mập lo lắng giúp vợ xuống xe.
Mae nhìn họ rồi nhìn đi chỗ khác lúc họ bước vào. Al đang nhìn vỉ nướng thịt bèn ngước mắt lên, rồi lại cúi mắt xuống. Mae biết tỏng. Người này sẽ uống một chai sôđa 5 xu rồi chê là không được lạnh. Mụ vợ sẽ dùng sáu cái khăn lau bằng giấy rồi vứt bừa bãi xuống nền. Gã chồng sẽ nghẹn và tìm cách đổ lỗi cho Mae. Mụ vợ sẽ hin hít như ngửi phải mùi thịt hôi thối, rồi chúng sẽ đi ra và sau đó suốt đời rêu rao rằng cái dân miền Tây bẳn tính. Và sau đó một khi đứng một mình với Al, Mae sẽ gán cho họ một cái tên. Cô gọi họ là đồ đê tiện. Cánh lái xe cam-nhông! Món khách này mới ăn tiền đây!
Một chiếc cam-nhông to lớn đang tới. Mong nó dừng lại, xua tan cái mùi của quân đê tiện kia. Khi mình còn làm việc ở khách sạn Albuquerque, Al ạ, thấy mánh lới chúng ăn cắp…thượng vàng, hạ cám, đủ thứ. Xe của chúng càng to, chúng ăn cắp càng nhiều…khăn mặt, đồ bằng bạc và hộp xà phòng…không thể hiểu nổi.
Al, giọng rền rĩ: “Cô nghĩ họ lấy xe hơi cỡ lớn và các thứ đồ khác ở đâu? Sinh ra họ đã có sẵn rồi ư ? Cô thì chả bao giờ giàu được”.
Chiếc xe tải, người lái và người phụ lái.
– Hay ta dừng lại làm một tách cà phê Java? Tớ biết cái ổ rác này.
– Thế còn giờ giấc?
– Ô, chúng ta chạy vượt rồi.
– Vậy thì đỗ lại. Ở đó có một ả nhớ nhiều chuyện tình xưa, mà nhộn lắm. Lại có Java ngon nữa.
Chiếc xe dừng lại. Hai người đàn ông mặc quần soóc khía kiểu kỵ mã, đi ủng, giắc-két ngắn, mũ nhà binh, có lưỡi trai bóng loáng. Cửa lớn có lưới sắt mở ra.
– Thế nào cô Mae?
– Ấy tưởng ai? Hóa ra anh Bill-Chuột Cống! Anh trở lại chạy con đường này từ bao giờ?
– Được một tuần.
Anh chàng kia bỏ một đồng năm xu vào máy hát tự động, nhìn đĩa hát đang trượt xuống giá đĩa đang quay. Giọng ca của Bing Crosby – giọng ca vàng.
Cám ơn đã nhớ đến – Phơi nắng ở bãi biển – Có thể bị rức đầu 3. Nhưng không hề buồn chán”.
Chú tài hát theo cố cho Mae nghe: “Em có thể là một con cá tuyết6- nhưng không bao giờ là đứa gái điếm”6
Mae cười phá lên: “Ai là em của anh, hở Bill? Một người mới trên đường trường chăng?”
Người kia bỏ một đồng năm xu vào máy bán hàng tự động, được bốn thẻ tiền; anh lại bỏ chúng vào máy. Anh đi tới quầy.
– Nào, anh dùng gì?
– À, một tách cà phê. Có những bánh kem gì?
– Bánh kem chuối, dưa, sôcôla, bánh khoai.
– Cho bánh khoai – mà khoan, cái bánh to kia là bánh gì?
Mae cầm bánh lên ngửi, – bánh kem chuối.
– Cắt cho một khoanh, khoanh rõ to.
Người đứng trước máy quay xu nói: cắt hai miếng.
– Hai miếng đây, lấy đi. Gần đây có chuyện gì hay không, anh Bill?
– Ồ, có đấy.
– Hãy coi chừng, có đàn bà đấy.
– Ồ, chả có gì là tục đâu. Có một thằng bé đến trường muộn. Cô giáo hỏi: “Tại sao em đến trễ?”. Thằng bé đáp: “Em phải dẫn con bò cái đi tơ lấy đực ạ”. Cô giáo nói : “Thế ông già em không thể làm được việc đó sao?” Thằng bé nói: “Có chứ ạ, nhưng ông ấy không khỏe bằng con bò mộng”.
Mae cười the thé, cười rít lên. Al đang chăm chú thái hành ở bàn, ngước mắt lên, mỉm cười rồi lại cúi xuống. Cánh lái xe tải, chỉ có thế mà thôi! Thế mà cũng phải trả hăm lăm xu cho Mae. Cà phê và bánh kem mười lăm xu, đãi Mae mười xu. Nhưng họ cũng không tìm cách tán tỉnh cô nàng.
Cùng ngồi với nhau trên ghế đẩu, cùi dìa cắm thẳng trong tách cà phê. Nói chuyện tào lao. Al vừa kỳ cọ chiếc vỉ nướng thịt, vừa lắng nghe nhưng không bình luận gì. Tiếng hát của ca sĩ Bing Crosby ngừng bặt. Các giá đĩa hạ xuống và đĩa rơi vào chồng đĩa. Ánh sáng màu tía tắt đi. Sau khi đã làm cho máy hoạt động, làm cho Crosby ca hát và dàn nhạc hòa tấu, đồng kền rơi vào trong hộp từ giữa các điểm tiếp xúc. Không như các đồng tiền lẻ khác, đồng kền đã thực sự làm được một việc khó khăn vất vả, đó là chịu trách nhiệm cụ thể về một sự phản ứng.
Hơi nước phun ra ở nắp bình cà phê. Máy nén của tủ lạnh nhè nhẹ phát ra tiếng bình bịch trong một lúc rồi ngừng hẳn. Quạt điện ở trong góc chậm rãi quay đầu từ trái sang phải, quét gian phòng bằng một làn gió ấm. Trên đường quốc lộ, đường 66, xe vẫn chạy vèo vèo. Mae nói:
– Vừa nãy có một chiếc xe ca Massachussetts đã dừng lại ở đây.
Anh chàng Bill cao to nắm chặt lấy miệng tách cà phê, cặp cùi dìa vào giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ rồi thời phù phù cho nguội cà phê.
– Cậu cứ đi trên đường 66 mà xem. Xe khắp cả nước đổ về đây. Tất cả đều đi về hướng Tây. Tớ chưa từng thấy nhiều xe đến thế. Chắc chắn trên đường cái có nhiều em kháu 4 lắm.
– Sáng nay, bọn tớ thấy một tai nạn xe hơi – bạn y nói – Xe to – Cad cỡ lớn, kiểu đặc biệt, xinh xắn, thấp, màu kem – đâm vào chiếc xe tải. Máy phát điện bẹp dúm lại thúc vào người tài xế. Chắc phải chạy chín mươi cây số giờ. Tay lái đâm thẳng vào anh chàng, gã giãy giụa như con ếch mắc lưỡi câu. Chiếc xe tuyệt vời. Tông đến ngon mắt. Nhưng giờ thì có thể đổi lấy một nắm đậu phụng. Cũng may trong xe chỉ có một mình gã.
Al đang hí húi với món ăn, ngước mắt lên:
– Chiếc xe tải có bị gì không?
– Ôi lạy Chúa! Đâu phải tải tiếc gì! Một thứ hổ lốn, do nhiều xe chắp vá lại mà thành, đầy những nồi niêu xoong chảo, nệm trẻ con. Tóm lại cậu biết đấy, những thứ chở theo xe đi về miền Tây, ấy mà. Gã lái Cad đang phóng gần bọn tớ, chín mươi cây số giờ, đang chạy nghiêng trên hai bánh để vượt chúng tớ, thình lình một chiếc xe tải lao tới, đâm sầm vào chiếc Cad, lúc thằng lái đang băng lên như thằng say mờ mắt. Lạy Chúa! Giường nệm, gà qué, con nít bị hất tung lên, lả tả. Một đứa trẻ bị chết. Tai nạn chưa từng thấy. Bọn tớ dừng lại. Ông già lái xe đứng chết lặng nhìn xác đứa trẻ. Không nói được tiếng nào. Như câm. Trời! Trên đường đầy những gia đình đi về miền Tây. Tớ chưa từng thấy nhiều đến thế. Ngày càng thêm tồi tệ. Lạ một điều là không biết họ từ nơi ma quỷ nào.
– Tôi cũng lạ, tự nhủ không biết bọn họ đi về đâu, – Mae nói – thỉnh thoảng có người ghé lại đây mua xăng, nhưng hầu như chẳng mua cái gì khác. Thiên hạ đồn là họ hay ăn cắp. Chúng tớ chả có gì. Chúng tớ chưa hề bị mất cắp thứ gì.
Bill hộ pháp vừa nhai tóp tép miếng bánh kem vừa nhìn ra đường cái qua tấm cửa lưới sắt.
– Tốt nhất cậu nên buộc hành lý vào đi. Tớ nghĩ là sắp có người đến bây giờ.
Một chiếc Nash 1926 mui kín nặng nề đỗ bên đường. Chỗ ngồi phía sau chồng chất tận tới mui, nào bao tải, nào nồi niêu, xoong chảo và gần sát nóc xe có hai thằng bé ngồi vắt vẻo. Trên mui xe một chiếc nệm và một lều vải ghép lại, các cọc lều buộc dọc theo bậc lên xuống. Chiếc xe dừng lại ngay chỗ bơm xăng. Một người đàn ông tóc đen, mặt lưỡi cày, chậm rãi bước xuống. Tiếp đó, hai thằng bé từ đống đồ đạc trượt xuống theo.
Mae đi vòng quanh quầy hàng và đứng ở giữa. Người đàn ông bận quần len xám, áo sơ mi xanh, lưng và nách đã xanh thẫm lại vì mồ hôi. Hai thằng bé mặc quần yếm, rách mướp, vá chằng chịt và chỉ có thế. Tóc chúng màu sáng, cắt ngắn đều một loạt, dựng đứng trên đầu. Mặt mũi chúng lem luốc bụi bặm. Chúng đi thẳng tới vũng bùn dưới vòi máy nước và sục ngón chân vào bùn.
Người đàn ông hỏi:
– Chúng tôi có thể xin một ít nước không, thưa bà?
Một vẻ buồn phiền thoáng qua trên khuôn mặt Mae.
– Hẳn rồi, ông cứ lấy đi.
Cô hơi quay đầu, nói khe khẽ qua vai: “Mình sẽ để mắt tới vòi máy”. Và cô đứng trông chừng trong khi người đàn ông từ từ vặn nút máy phát điện và cắm vòi nước vào.
Một người đàn bà ngồi trong xe, tóc màu gai nói: “Xem ở đây có bánh không?”.
Người đàn ông khóa vòi nước và đóng máy phát điện. Bọn trẻ con cầm lấy vòi nước, nâng cao lên và uống ừng ực. Người đàn ông cất chiếc mũ đen lem luốc và đứng trước cửa lưới sắt với vẻ quá khiêm nhường.
– Thưa bà, bà có thể có cách nào bán cho chúng tôi một ổ bánh mì không?
– Đây không phải tiệm bánh mì, – Mae đáp – chúng tôi chỉ có bánh để làm xăng-uých.
– Tôi biết, thưa bà – sự khiêm nhường đâm ra nài nỉ – Tôi biết. Chúng tôi cần bánh mì, mà nghe nói còn phải đi xa mới có hàng quán.
– Nếu bán thì chúng tôi hết bánh làm xăng uých, – Mae nói với giọng đã nao núng.
– Chúng tôi đói lắm, – người đàn ông nói.
– Sao ông không mua bánh xăng uých? Chúng tôi có xăng-uých nhồi xúc xích, ngon lắm.
– Chắc chắn chúng tôi ao ước được thế, thưa bà. Nhưng không thể được. Cả nhà chỉ có vẻn vẹn một hào, – Và ông nói lúng túng – Chúng tôi chỉ mua được ít thôi.
– Một hào thì ông không mua được ổ bánh đâu, – Mae nói
– Chúng tôi chỉ có ổ bánh mười lăm xu.
Phía sau cô, Al càu nhàu: “Trời ơi, cô Mae, bán cho họ đi.”
– Chúng mình sẽ hết bánh trước khi xe bánh tới.
– Hết bánh, thì đã làm sao? Al nói. Và anh buồn rầu nhìn xuống món salad khoai tây anh đang ngào dở.
Mae nhún đôi vai nõn nà và nhìn hai người lái cam-nhông như phân bua là cô khó xử biết chừng nào. Cô mở cửa lưới sắt, người đàn ông bước vào mang theo cùng ông ta mùi mồ hôi chua gắt. Bọn trẻ len vào sau ông, chúng đi thẳng đến tủ kính đựng kẹo và chúng đứng nhìn chòng chọc – đôi mắt không tỏ vẻ đói khát hoặc hy vọng hoặc thậm chí thèm muốn, mà chỉ như quá đỗi kinh ngạc là tại sao có thể có những thứ đó. Chúng cao bằng nhau và khuôn mặt cũng giống nhau. Một đứa lấy ngón chân này gãi gãi cá chân lấm lem của chân kia. Đứa kia rỉ tai thì thầm cái gì đó và cả hai duỗi thẳng cánh tay đến nỗi bàn tay nắm chặt trong túi quần yếm cuộn lên qua làn vải xanh mỏng.
Mae mở ngăn kéo, lấy ra một ổ bánh mì gói trong giấy nền dài.
– Đây, một ổ bánh mười lăm xu.
Người đàn ông đội mũ lên đầu. Ông trả lời với vẻ khiêm nhường không lay chuyển:
– Xin bà vui lòng, bà xem có cách nào cắt cho một miếng mười xu không?
– Trời ơi, cô Mae, – Al cau có nói – bán cho họ ổ bánh đi.
Người đàn ông quay về phía Al: – Không chúng tôi chỉ muốn mua đúng với giá mười xu thôi. Chúng tôi đã tính sát nút rồi, thưa bà, để có thể đi tới California.
Mae nói với vẻ nhẫn nhục:
– Ông có thể lấy bánh với giá mười xu.
– Như thế là tôi ăn cắp của bà, – ông ta nói.
– Thôi, ông lấy đi, chính Al bảo ông thế, – Mae nói.
Và cô đẩy ổ bánh bọc giấy nến qua mặt quầy. Người đàn ông lấy ở túi sau ra một cái hầu bao bằng da, cởi dây thắt lưng và mở hầu bao ra, bên trong đựng đầy tiền bạc và những tờ giấy bạc lấm lem.
– Thật là kỳ quặc khi phải chi li chặt chẽ từng xu, – ông ta biện bạch – chúng tôi phải đi ngàn dặm đường nữa, mà không biết có thể tới nơi được không…
Ông thọc ngón tay trỏ vào hầu bao, lần đúng đồng mười xu, rồi đưa ngón tay cái vào cùng ngón tay trỏ cặp chặt lấy đồng xu. Khi ông đặt nó lên quầy thì một đồng xu lăn ra theo. Ông toan bỏ đồng một xu vào hầu bao thì bỗng trông thấy mắt hai đứa con dại đi trước quầy bánh kẹo. Ông từ từ đi lại chỗ chúng. Ông trỏ vào những thanh kẹo bạc hà và hỏi:
– Thưa bà, có thứ kẹo một xu không?
Mae lại gần, nhìn vào tủ kẹo:
– Kẹo nào? – cô hỏi.
– Kìa, thứ có vạch kia.
Hai đứa bé ngước mắt nhìn khuôn mặt của cô và chúng nín thở, miệng há ra, thân mình ở trần trở nên cứng ngắc.
– Ờ… Những cái đó. À, không, những cái đó một xu hai chiếc.
– Vậy bà cho tôi cả hai chiếc.
Ông cẩn thận đặt đồng xu lên quầy. Bọn trẻ thở ra nhẹ nhõm. Mae trao các thanh kẹo cho chúng.
– Xin bà đi. Cầm lấy, – Người đàn ông nói.
Chúng rụt rè đưa tay ra nắm lấy mỗi đứa một chiếc, hai tay buông thõng giữ chặt thanh kẹo và không nhìn vào nó nữa. Nhưng chúng nhìn nhau, miệng nhoẻn nụ cười cứng nhắc, ngượng ngùng.
-Xin cám ơn bà.
Nói xong, người đàn ông cầm bánh đi ra xe, hai thằng bé đi theo sau, kẹo đại mạch kẹp chặt vào đùi. Như những con chuột nhắt, chúng nhảy lên ghế trước, len lỏi lên nóc hàng rồi cũng như những con chuột nhắt chúng lại lẩn vào hang. Người đàn ông lên xe và mở máy, tiếng động cơ gầm rú, một làn khói dài xanh tỏa ra, chiếc Nash cũ lên đường phóng về miền Tây. Ngồi trong tiệm ăn, các lái xe, Mae và Al đưa mắt nhìn theo họ. Bill hộ pháp xoay ghế lại.
– Kẹo đại mạch không bán một xu hai chiếc đâu nhé! – Anh nói.
– Thì việc gì đến anh? – Mae nói gay gắt.
– Kẹo ấy năm xu một chiếc, – Bill nói.
– Thôi, đi thôi, – người lái phụ nói – Chúng ta bỏ mất nhiều thời gian rồi.
Hai người móc túi ra, Bill đặt một đồng tiền lên quầy, người kia thấy thế, lại thọc tay vào túi và cũng đặt lên một đồng tiền. Họ quay lại và ra cửa.
– Xin chào, – Bill nói.
– Khoan, – Mae gọi – chờ tí đã. Còn tiền thừa.
– Để làm quái gì! – Bill nói và tấm cửa lưới sắt đóng sầm lại.
Mae nhìn họ leo lên chiếc xe tải to, nhìn họ mở máy, sang số một, và nghe tiếng rên rỉ sang số hai khi chiếc xe tăng tốc độ.
– Al…- cô nói dịu dàng.
Al đang miết dẹp miếng thịt và lồng vào giấy nến, anh ngước mắt lên.
– Có gì thế? – Anh hỏi.
– Anh nhìn xem, – Cô chỉ hai đồng tiền cạnh mấy cái cốc – Hai đồng nửa đô la.
Al đi lại gần nhìn rồi trở lại tiếp tục công việc.
– Cánh lái cam-nhông thế đấy, – Mae nói với vẻ kính trọng. – Còn những bọn bần tiện…
Đàn ruồi đụng vào tấm lưới, kêu vo vo rồi bay đi. Máy ép kêu bình bịch chốc lát rồi ngừng. Trên đường cao tốc 66, sự giao thông đi lại vẫn o o, ve ve, ken ken náo nhiệt, xe tải, xe cọc cạnh, xe đạp dáng thuôn, và tất cả chạy trong tiếng ầm ầm nhức nhối.
Mae thu dọn đĩa, hất các mảnh bánh vụn xuống thùng gỗ, lấy giẻ ướt đẫm lau quầy hàng theo vòng tròn. Rồi mắt cô lại nhìn ra đường cái nơi mà cuộc sống đang ầm ào sôi động. Al chùi tay vào tạp dề. Anh nhìn vào tờ giấy dính ở tường phía trên vỉ nướng thịt. Ba cột ghi các cột dấu hiệu kẻ trên tờ giấy. Al đếm ở hàng dài nhất. Anh đi dọc quầy hàng tới số máy tính ghi tiền mặt thu được, bấm vào nút “Không bán” và lấy ra một nắm tiền năm xu.
– Anh làm gì đó? – Mae hỏi.
– Số ba sẵn sàng trúng – Anh đi lại máy quay xu thứ ba, bỏ những đồng năm xu vào, và khi bánh xe quay đến vòng thứ năm, ba cái chắn ngang hiện ra và số tiền góp lại rơi xuống đĩa. Al nhặt hết tất cả và trở lại quầy. Anh bỏ tiền vào ngăn kéo và đóng máy ghi tiền mặt. Sau đó, anh trở lại chỗ cũ và xoa dòng ghi điểm. Anh nói:
– Con số ba nhiều người đánh hơn. Có lẽ mình phải đảo hết vị trí mọi con số.
Anh nhấc một chiếc nắp lên và đảo món thịt hầm đang từ từ sôi.
– Em lấy làm lạ, họ đi tới Califonia để làm gì? – Mae hỏi.
-Ai?
– Những người vừa ở đây ban nãy.
– Có trời biết!
– Anh có cho là họ sẽ kiếm được việc làm không?
– Tôi biết thế quái nào được! – Al nói.
Cô nhìn về hướng đông dọc con đường cái.
– Lại có một xe vận tải đang tới. Liệu họ có dừng lại không? Hy vọng là thế.
Và khi chiếc xe to lớn nặng nề đỗ bên lề đường, Mae túm lấy giẻ lau khắp mặt quầy, chùi sơ qua các bình cà phê bóng loáng rồi nâng tay gạt cửa bình ga ở dưới lên. Khuôn mặt của Mae tươi hẳn lên khi cửa mở và hai tài xế mặc đồng phục bước vào.
– Chào em gái!
– Tôi không muốn là em gái của bọn đàn ông các anh – Mae nói.
Họ cười và Mae cũng cười,
– Dùng gì các chàng trai?
– Ồ, một tách cà phê. Cô có những bánh kem gì?
– Bánh kem dứa, kem chuối, kem sôcôla, kem khoai.
– Cho tôi bánh khoai, mà khoan, cái bánh to to kia, bánh gì vậy?
Mae gắp bánh lên ngửi:
– Kem dứa.
– Được, cắt cho tôi một khoanh.
Các xe tải vẫn vù vù một cách quái ác trên quốc lộ 66.
Chú thích
1.Chúng ta hãy là bạn với nhau.
2.Nguyên văn: đi tuần tra biển.
3.Lối chơi chữ không dịch được: headache (rức đầu)- hadock (cá tuyết), Bore (buồn chán) – Whore (gái điếm).
4.Honeys: em yêu quý.
hết: Chương 15, xem tiếp: Chương 16