CHÙM NHO PHẪN NỘ (Chương23)

John Steinbeck

Trong khi vội vàng tất tưởi đi săn lùng công ăn việc làm, quờ quạng tìm kiếm kế sinh nhai, đám dân di tản luôn luôn chực rình những cơ hội để có thể giải trí, xoay xở đào bới tìm sự giải trí, và do quá khát khao giải trí mà nhiều lúc họ bày đặt ra các cuộc vui đùa. Có khi sự tiêu khiển nằm ngay trong những buổi chuyện trò. Một câu chuyện buồn vui, một câu nói ngộ nghĩnh cũng nâng cao đời sống họ lên. Khiến họ tạm quên những nỗi nhọc nhằn cơ cực. Chính vì thế mà tại các trại rải rác dọc đường, trên các bờ mương, cạnh những con sông, dưới bóng những cây bạch phong, những người kể chuyện đã trở thành một nhân vật không thể thiếu được đến nỗi người ta tụ họp quanh những bếp lửa bập bùng để nghe những người có duyên ăn nói. Câu chuyện càng rôm rả, người ngồi càng lắng nghe, và nhờ sự tham gia của họ mà câu chuyện trở nên hào hứng vĩ đại.
Cái hồi tôi được tuyển mộ để đi đánh tên da đỏ Geronimo.
Thế ai nấy chăm chú lắng nghe trong khi đôi mắt vẫn êm ả phản chiếu ánh lửa đang sắp lụi tàn.
Cái bọn Da đen ấy mà, chúng tinh khôn đáo để, quỷ quyệt như rắn và nếu muốn thì chúng lặng im hơn rắn. Chúng có thể đi trên lá khô không gây tiếng xào xạc. Này, thỉnh thoảng các bạn thử xem làm như thế xem sao.
Thế là thính giả lắng nghe, nhớ lại tiếng lá khô sột soạt dưới bàn chân họ.
Đến kỳ mùa nọ tiếp mùa kia, và mây ùn lên phủ đầy trời. Thời tiết bất lợi quá. Các bạn có bao giờ nghe nói quân đội làm được việc gì ra hồn chưa? Mười lần ra quân thì lầm lỡ cả mười. Rồi lúc nào cũng cái lối điều ba binh đoàn đi giết một trăm kẻ thù dũng cảm, bao giờ cũng thế.
Và ai nấy đều lắng nghe, mải mê lắng nghe nên gương mặt càng bình thản im lìm. Những người kể chuyện nắm bắt sự chú ý theo dõi của đám đông, tìm những nhịp điệu hùng mạnh, nói những lời đầy hùng khí, bởi vì chuyện là những bài hùng ca và người nghe nhờ đó mà cũng thêm phần kỳ vĩ.
Lúc đó có một dũng sĩ đứng cao vòi vọi trên ngọn núi, đối mặt với mặt trời. Y biết y đứng lồ lộ biến thành mục tiêu. Y đứng hiên ngang, hai tay dang thẳng. Rõ ràng như ban mai, đối với mặt trời. Y điên rồ cũng nên. Tôi cũng không biết được.
Chỉ biết y đứng sừng sững trên kia, hai tay dang thẳng, nom chẳng khác một cây Thánh giá. Cách xa độ bốn trăm thước. Còn quân ta, thì thế này, quân ta đặt súng ngắm, nhấm ướt ngón tay để lượng chiều gió, rồi họ cứ nằm duỗi dài không động tĩnh, không tài nào nổ súng được. Có thể y biết thế nào đó. Biết bọn mình không thể bắn. Bọn mình cứ nằm ì, súng lên đạn rồi, nhưng không thể bắn. Họ nhìn y đầu quấn một cái băng cài một chiếc lông. Nom y rõ mồn một, như mặt trời. Bọn mình cứ nằm đấy mà nhìn y. Y không hề nhúc nhích. Thế rồi tay chỉ huy nổi điên, hét tướng: “Bắn đi, đồ khốn kiếp điên rồ, bắn đi.”. Bọn mình vẫn cứ nằm im. Viên chỉ huy gào: “Tôi đếm đến năm, ai không bắn, tôi ghi tên!”. Các bạn biết thế nào không? Bọn mình từ từ giơ súng lên nhưng ai cũng mong người nào đó bắn trước. Thấy thế tôi buồn não cả ruột, cả đời chưa thấy buồn đến thế bao giờ. Và tôi ngắm súng vào bụng y, chả là với người Da đen, chỉ có bắn vào bụng mới hạ nổi… Tôi “đoàng” một phát. Y ngã cúi nhào, lăn xuống. Chúng tôi ùa cả lên núi. Y không to lớn lắm, tuy lúc còn đứng trên núi nom y cao lồng lộng. Y bị xé rách nát và bé nhỏ. Các bạn đã từng thấy con chim trĩ chưa? Khi nó đứng cứng đơ, xù bộ lông đủ màu sắc, đôi mắt hé mở xinh xắn, nom nó đẹp biết bao! Nhưng “đoàng”. Một phát bắn, nhặt nó lên thấy nó vật vã, bê bết máu. Bạn đã cướp đi một cái gì tốt đẹp hơn bạn, và khi ăn thịt nó, bạn cũng không hề thấy được đền bù chút nào, bởi chính bạn đã cướp mất một cái gì trong bản thân bạn! Không bao giờ lấy lại được.
Những người ngồi nghe gật đầu tán thành và có lẽ vào lúc đó bếp lửa bắn ra một tia lửa nhỏ, chỉ thấy đôi mắt của họ đang nhìn sâu thấu vào bản thân họ.
Đối mặt với mặt trời, hai tay dang rộng, nom vĩ đại – vĩ đại như Chúa trời vậy!
Và có lẽ cũng có người tay cầm hai mươi xu mà lòng phân vân chút đỉnh: dành tiền mua cái ăn hay để giải trí? Nhưng rồi tặc lưỡi một cái, y đi tới một rạp chiếu bóng ở Marysville hay Tulare, ở Ceres hay Mountain View. Rồi y trở về cái trại bên bờ Kênh, ký ức chồng chất biết bao nhiêu chuyện… Y bèn kể lại chuyện phim như sau:
Có một gã nhà giàu, giả làm một người nghèo khổ, lại có một cô gái nhà giàu cũng làm ra vẻ như con nhà bần cùng, hai anh chị gặp nhau trong một tiệm bán khoai rán.
Sao lại thế nhỉ?
Tôi chả biết tại sao – chỉ biết thế là thế.
Tại sao họ lại làm ra vẻ nhà nghèo nhỉ?
Ồ có gì đâu, vì quá giàu nên cũng đâm mệt.
Cứt 1thật!
Bạn có muốn nghe nữa hay thôi?
Này tiếp tục đi. Muốn nghe là cái chắc. Nhưng, giá tớ giàu, giá tớ giàu tớ sẽ mua cả đống sườn heo rõ nhiều vào, tớ lấy dây thừng buộc quanh người như người ta bó củi, thế là vừa đi vừa gặm. Kể tiếp đi.
Được rồi. Thế là bên này tưởng bên kia nghèo. Và họ bị bắt, bị tống vào nhà pha, nhưng họ không tìm cách để được tha ra vì chẳng ai muốn để người kia biết mình giàu. Và tên cai ngục, hắn cũng xử tệ với họ, vì hắn tưởng họ nghèo. Các bạn xem, khi hắn phát hiện ra thì thế nào? Hầu như hắn ngất xỉu.
Nhưng vì sao hai đứa bị bắt vào nhà pha?
Thế này, chúng bị bắt trong cuộc họp của bọn cấp tiền nhưng cấp tiền tiếc gì chúng! Tình cờ chúng có mặt tại đấy thôi. Và hai đứa chả đứa nào muốn lấy nhau vì tiền, hiểu chứ?
Thế là bọn khốn kiếp đó bắt đầu lừa dối nhau ngay tức thì phải không, hở?
Thế đấy, trong phim chúng làm như thế gọi là cho đúng kiểu. Có như thế mới hấp dẫn, cậu thấy không?
Có lần tôi xem một cuốn phim, chẳng khác phim về tôi, nhưng vượt quá tôi, về cuộc đời của tôi, vượt quá cuộc đời của tôi, nên chỉ thấy cái gì cũng vĩ đại hơn.
Ôi! Lúc đó, tôi cảm thấy khá đau buồn. Tôi muốn đi khỏi nơi đó. Thật đấy. Các cậu có tin được thì tin.
Thế họ lấy nhau và rồi mới vỡ nhẽ! Và tất cả nhưng người đối xử với họ một cách bỉ ổi cũng mới ngã ngửa ra. Có một thằng cha tự cao tự đại, gần như ngã ngất khi thấy gã nhà giàu bước vào với một cái mũ ba chạc trên đầu. Đúng là suýt ngất. Lại có những phim thời sự chiếu cảnh quân Đức đi bước chân ngỗng, thằng sau đá vào đít thằng trước – Buồn cười đến chết được.
Và bao giờ cũng vậy, nếu có một ít tiền thì có người đem uống rượu say. Lúc đó không còn cảm thấy cô đơn, bởi lẽ trong đầu óc y chỉ có những bạn bè thân thiết, và y cũng tìm được kẻ thù để tiêu diệt chúng. Ngồi trên bờ con mương, y thấy đất mịn màng. Những thất bại đỡ nhức nhối đi và tương lai không phải là mối hăm dọa. Cái đói khát không lảng vảng xung quanh mà trần gian lại êm ả dễ chịu và một con người có thể đạt tới địa vị mà y định nhằm tới. Các vì sao xuống thấp sát gần một cách kỳ lạ và bầu trời êm dịu. Cái chết là một người bạn và giấc ngủ là anh em của cái chết. Những thời xa xưa trở lại… một cô gái có bàn chân xinh đẹp đến nhà, khiêu vũ… một lúc… cô đi ngựa… cách đây đã lâu lắm rồi, một con ngựa với một cái yên. Yên bằng da trang trí rất đẹp. Bây giờ là bao giờ? Phải tìm cô gái để chuyện trò tâm sự. Dễ chịu biết bao! Cũng có thể ăn nằm với cô ta. Ở đây ấm.
Và các vì sao xuống sát quá, nỗi buồn niềm vui kề sát với nhau, thực sự buồn vui chỉ là một. Muốn ở lại say sưa tối ngày. Ai bảo như thế là xấu? Ai dám nói như thế là xấu? Các ông mục sư chứ gì?
Những người đàn bà gầy lép, hiếm hoi, nhưng họ khổ cực quá thì biết thế nào là xấu tốt. Các nhà cải cách… nhưng họ có cần ngập vào cuộc sống đâu mà họ biết được. Không… các ngôi sao gần kề và thân thiết và tôi hoà mình vào tình bác ái bao la của trần gian. Và ở đó tất cả mọi thứ đều thiêng liêng, tất cả, tất cả, ngay cả chính tôi đây.
Khẩu cầm là một dụng cụ dễ mang theo. Hãy rút nó ở túi sau ra, hãy vỗ vỗ nó vào lòng bàn tay của bạn cho hết bụi, hết lông tơ, hết sợi thuốc lá. Giờ thì đã chơi được rồi đấy. Với chiếc khẩu cầm người ta có thể chơi bất cứ điều gì: giọng đơn the thé mảnh khảnh hoặc hợp âm, hoặc giọng hoà âm nhẹ nhàng du dương. Bạn có thể thổi tha hồ, chơi xong lại bỏ vào túi. Nó luôn luôn ở với bạn, luôn luôn nằm trong túi bạn. Và khi bạn chơi khẩu cầm, bạn học được nhiều ngón mới, nhiều cung cách nắn giọng với đôi bàn tay, để tỉa giọng với đôi môi. Và cứ thế chả cần ai bày dạy cho bạn. Bạn tập thổi lần mò dần dần – đôi khi ngồi một mình giữa trưa dưới bóng râm mát, đôi khi ngay trước cửa lều sau bữa ăn tối, lúc mà đàn bà đang rửa chén đĩa. Miệng thổi, chân đánh nhịp nhẹ nhàng trên đất, lông mày của bạn dướn lên hạ xuống theo nhịp điệu. Còn nếu bạn đánh mất hay làm hỏng nó thì thôi vậy, chả mất mát nhiều cho lắm. Bạn có thể mua cái khác với một phần tư đô la.
Đàn ghita quí hơn. Phải học hỏi nhiều mới gảy được. Ngón tay của bàn tay trái phải thành chai và đầu ngón tay cái bên phải rắn như sừng, những ngón tay trái xoè ra, xoè ra như chân nhện để nhấn xuống phím đàn.
Cái hộp đàn này là của cha tôi. Hồi tôi còn bé tí 2 tẹo lần đầu tiên ông cụ dạy tôi bấm dây C và khi tôi đã chơi gần bằng ông, hầu như ông không bao giờ gảy nữa. Ông hay ngồi ở cửa, lắng nghe tôi gảy và chân ông đánh nhịp. Khi tôi gảy sai một nốt nhạc, ông cau mày cho tới khi tôi đánh được lúc đó ông ngồi ngả ra sau rất thoải mái, rồi ông gật gù: “Chơi đi – ông nói – Chơi khá thật đấy”. Đấy là một chiếc đàn tốt. Anh có thấy cái mặt sau nó mòn đi thế nào không? Chúng tôi đã chơi hàng triệu bản nhạc nên gỗ đã mòn. Ngày nào đó nó sẽ bẹp dúm dó lại như cái vỏ trứng. Nhưng không nên ráp nối vá níu nó hoặc vần vỗ nó quá, nó sẽ mất giọng. Tối nay tôi sẽ chơi ghi ta, có người ở lều bên cạnh sẽ chơi khẩu cầm. Hai cái này hoà nhau thì mê lắm.
Vĩ cầm thì hiếm, khó học. Không có thầy dạy, không biết bấm ngón tay chỗ nào cho đúng.
Anh hãy lắng nghe một người nói chuyện chơi vĩ cầm thế nào và thử tìm hiểu xem. Y không nói cách chuyển tay thế nào. Y nói đấy là bí quyết, nhưng tôi đã chăm chú theo dõi. Hắn làm như thế này này.
Tiếng vĩ cầm nó gào hú như gió, nó lướt nhanh, sôi nổi, the thé. Chiếc vĩ cầm này không đáng mặt vĩ cầm. Tôi mua hai đôla. Có người nói có những vĩ cầm cũ đến bốn trăm năm và nó ngọt giọng như rượu Whisky, giá tới năm, sáu mươi ngàn đôla. Là họ nói thế, tôi biết đâu đấy. Xem ra như là nói điêu thôi. Chiếc đàn tiếng rè phải không? À mà bạn có muốn khiêu vũ không? Tôi sẽ lấy sáp xoa mã vĩ, rõ nhiều sáp. Cậu cả ơi! Rồi nó sẽ quang quác, cách đây một dặm cũng nghe tiếng.
Thế là vào buổi tối, cả ba thứ, khẩu cầm, vĩ cầm, ghita cùng chơi điệu vũ quay, tiếng giây trầm của ghita rung lên như trái tim thổn thức, xen với tiếng lảnh lót của khẩu cầm và tiếng thánh thót của vĩ cầm. Mọi người không sao đừng được, phải tiến lại gần. Bây giờ là “Điệu vũ Gà con”. Chân bắt đầu gõ nhịp, rồi một thanh niên mảnh khảnh, diện sang, tiến nhanh lên ba bước, hai tay đung đưa lả lướt. Thế là đám người xếp hình vuông đứng sát lại. Cuộc khiêu vũ khai mào, những bàn chân để trần uể oải, gót chân đánh thịch, tay quần lấy nhau, tóc sổ tung, hơi thở hổn hển, người lúc lắc nghiêng ngả về một bên.
Hãy nhìn cái chàng trai miền Texas với đôi ống chân dài và dẻo, mỗi bước nhảy dận gót bốn lần. Chưa từng trông thấy một chàng trai quay tít như vậy. Hãy nhìn anh chàng quay tít cô gái Cherokec kia, má đỏ hồng hồng và ngón chân cái tòi ra ngoài. Hãy nhìn cô ta thở hổn hển, hãy nhìn ngực cô phập phồng. Bạn tưởng cô ta mệt ư? Bạn tưởng cô hết hơi chăng? Đâu có. Anh chàng Texas tóc phủ xuống mắt, miệng há thở không ra hơi nhưng mỗi bước nhảy anh lại dận gót bốn lần, anh vẫn nhảy đều với cô gái Cherokec.
Vĩ cầm kêu ken két, đàn ghita làu bàu. Người chơi ghita mặt đỏ dừ. Chàng trai Texas và cô bé Cherokec hổn hà hổn hển chân vẫn dậm kịch kịch trên đất. Những người lớn tuổi khẽ mỉm cười, vỗ tay dậm chân đánh nhịp.
Em nhớ lại, thuở còn ở quê nhà, ở trường học cũng xảy ra một chuyện. Hôm đó, mặt trăng tròn vành vạnh lơ lửng trên bầu trời, trôi về phía Tây. Em nhớ lại, em và anh ấy, hai đứa chúng em sánh vai đi một quãng đường. Chúng em không nói với nhau, vì cổ họng đã tắc nghẽn, không nói với nhau nửa lời. Bất chợt chúng em thấy một đống rơm, chúng em đi thẳng tới đó và nằm xuống. Thấy cái chàng trai Texas lẻn ra ngoài với con bé nên em nhớ lại chuyện xưa, thế thôi. Họ ngỡ rằng chẳng ai trông thấy họ chuồn ra. Ôi! Lạy chúa! Sao mà em muốn đi chơi một vòng với cái chàng trai Texas. Trăng sắp lên rồi. Kìa, kìa, ông bố cô bé đã đứng lên định ra ngoài. Để ngăn chặn họ. Nhưng rồi ông cụ đã nghĩ lại. Ông biết. Chẳng thà muốn ngăn mùa thu đến sau mùa hạ, chẳng thà ngăn nhựa sống leo lên thân cây… Mà chẳng mấy chốc mặt trăng đã lên rồi. Chơi nữa đi… Chơi các bản có chuyện kể… Chơi cho chúng tôi nghe. “Khi tôi đi dạo trên đường phố Laredo”.
Lửa đã tàn. Khơi lại ngọn lửa thì thật đáng xấu hổ. Chỉ chút nữa là mặt trăng đã lên rồi. Đừng khơi lại ngọn lửa làm gì.
Trên bờ con mương, một nhà đi truyền giáo đang gào thét, thét đến vỡ phổi, còn đám đông đang khóc. Nhà truyền giáo đi dọc đi ngang như con hổ trong lồng, ném ra những tiếng cay độc để quất xé họ, để bắt họ phải quì mẹp xuống đất, phải rên rỉ khóc than.
Ông tính toán uy lực của ông đối với họ, ông ước lượng họ, đùa giỡn với họ và lúc thấy họ đã phủ phục trong cát bụi, ông cúi người xuống, và dùng đôi cánh tay lực lưỡng, ông nâng lên từng người, từng người một, ném tõm họ xuống nước, rồi hét to:
– Hỡi Chúa Jesus, xin hãy nhận lấy họ.
Và một khi mọi người đã ở trong mương nước ngập đến thắt lưng, nhìn ông ta với đôi mắt kinh sợ lúc đó ông bèn quì xuống bờ mương cầu nguyện cho họ, ông cầu nguyện sao cho tất cả lũ đàn ông và đám đàn bà phải lăn lóc trên đất, mà kêu gào mà rên la. Còn đàn ông và đàn bà thì quần áo ướt dính vào da thịt, nhìn ông truyền giáo cầu nguyện. Sau đó họ trở về trại, nước trong giày kêu ùng ục và bắn phọt ra, và lòng tràn ngập nỗi sợ hãi dị đoan, họ thầm thì với nhau:
Chúng ta đã được cứu rồi. Chúng ta đã được rửa sạch tội lỗi. Chúng ta trong trắng như tuyết. Không bao giờ chúng ta còn phạm tội nữa.
Còn bọn trẻ, khiếp sợ và ướt trụi, thì thào với nhau. Chúng mình đã được cứu vớt, không đời nào chúng mình phạm tội nữa.
Tôi những muốn biết tất cả những tội lỗi đó thế nào, để ít ra thử phạm tội một lần xem sao.
Trên các ngả đường, những người di tản khiêm nhường tìm cách để vui đùa giải trí.

Chú thích


1.Nguyên văn: Cứt ngựa.
2.Nguyên văn: chưa lớn hơn con rệp.

hết: Chương 23, xem tiếp: Chương 24

Tìm Kiếm