CHÙM NHO PHẪN NỘ (Chương25)

John Steinbeck

Mùa xuân ở California đẹp tuyệt với. Các thung lũng là những biển cạn ngạt ngào thơm đầy cây nở hoa, nước màu hồng và trắng xoá. Chẳng mấy chốc những tua cuốn đầu tiên hiện ra trên cây nho, ồ ạt tuôn xuống như thác nước che phủ thân cây vặn vẹo. Những quả đồi phì nhiêu xanh rờn, tròn trĩnh mượt mà như những cặp vú và trên những đám đất bằng phẳng dành cho việc trồng rau, những cây diếp xanh nhạt, những xúp lơ bé tí và những atisô xám xanh huyền ảo giăng dài đến vô tận.
Rồi bất thình lình là bung ra trên cành, cánh hoa trên cây rơi xuống bao phủ mặt đất như một thảm hồng và trắng. Các mầm hoa phình lên thành hình dáng, màu sắc : anh đào, táo, lê và những quả vả mà hoa ẩn náu kín trong lớp quả. Cả tiểu bang California tươi lên dạt dào vẻ huy hoàng trù phú, trái cây nặng trĩu thêm, cành lá ngày một nặng hơn và sà xuống dần buộc phải có nạng chống đỡ.
Phía sau sự phong phú phì nhiêu này là công lao của những con người uyên thâm, những con người tài năng, đã đắm mình vào những cuộc thí nghiệm về hạt giống, cây con, không ngừng cải tiến những kỹ thuật tăng gia thu hoạch của cây trồng, tạo cho rễ cây những vũ khí để chống lại hàng triệu kẻ thù lúc nhúc dưới đất, chuột chũi, côn trùng han rỉ, bệnh tàn rụi. Những con người đó ngày đêm miệt mài cải tiến hạt giống, rễ cây. Về phía mình các nhà hoá học tưới thuốc cho cây để bảo vệ chúng chống lại côn trùng, tưới nước lưu toan cho gốc nho, cắt tỉa những đoạn cây ốm, diệt trừ sự thối ruỗng và bệnh lá nho mốc.
Các sĩ phòng bệnh nữa, họ đóng ở các biên giới để tìm kiếm bệnh, hoa quả do ruồi muỗi, bọ rầy Nhật bản, bắt buộc các cây bệnh phải kiểm dịch trong bốn mươi ngày, bới tìm phát hiện và đốt các cây bị bệnh để dập tắt sự truyền nhiễm…Họ là những nhà bác học. Và còn những người khác nữa tiếp ghép các cây nhỏ, các gốc nho, đó là những người khéo léo hơn cả vì họ làm một công việc cũng tinh vi, cũng tế nhị như những người giải phẫu; và cũng phải có những bàn tay, một trái tim người giải phẫu, để khía vỏ, ghép nhánh, băng bó vết thương và tránh cho nó không tiếp xúc với không khí. Đó là những người lỗi lạc.
Dọc theo các hàng cây, mới xới hoạt động, nhổ mầm cỏ, xới đất để cho đất thêm màu mỡ và vỡ đất giữ cho nước không ngập gốc cây, đắp những bờ trữ nước để tưới tiêu và diệt trừ cỏ xấu uống mất nước dành cho cây. Giữa lúc đó, trái cây phình to dần và hoa nở thành những chùm dài trên cây nho. Tháng nối tiếp tháng, ánh nắng mỗi ngày thêm gắt gao, lá ngả màu xanh thẫm. Quả mận to và dài ra, giống như trứng chim sáo, các cành nặng trĩu gục xuống các nạng chống. Những quả lê nhỏ và rắn thành hình, các quả đào bắt đầu có lông tơ mịn màng.
Hoa nho rụng cánh, những hạt ngọc nhỏ bé và cứng trở thành những viên bi xanh, và các hòn bi nặng ra. Những người làm ruộng, những chủ các vườn cây ăn quả trông chừng và tính toán. Năm được mùa bội thu. Và con người hãnh diện bởi vì nếu hoa màu bội thu được thế này chính là nhờ tri thức của họ.
Tri thức của họ đã biến cải thế giới. Lúa mì ngắn và mảnh khảnh đã trở nên to cây và lắm hạt. Những quả táo nhỏ và chát đã to ra và ngọt, và những gốc nho cằn cỗi mọc giữa các đám cây khác, quả bé tẹo chỉ nuôi sống loài chim, bây giờ đã sản sinh ra hàng trăm giống nho: đỏ đen, xanh, hồng nhạt, đỏ thắm, vàng, mỗi thứ chứa chất hương vị đặc biệt. Những người lao động trong các trại thí nghiệm đã tạo ra những loại quả mới, xuân đào, bốn mươi loại mận, hạnh đào vỏ mỏng. Và không ngừng không nghỉ, miệt mài ngày tháng, họ đeo đuổi công việc, chọn lọc, chiết ghép, đổi vụ, tự mình bắt buộc mình, bắt đất phải sản sinh.
Anh đào chín đầu tiên. Công hái là một xu rưỡi một cân Đ.m. Giá ấy thì hái làm sao được. Anh đào đen, anh đào đỏ, cứ mọng nước, ngọt lịm, quả nào cũng bị chim ăn mất một nửa và ong bò vẽ đến vo ve quanh những lỗ do chim khoét. Và các hạt còn dính nham nhở ít thịt, rơi xuống đất và khô lại. Rồi đến lượt các quả mận đỏ mềm dần thấm đượm hương vị.
Lạy chúa, không thể nào cho hái, phơi khô rồi phun bột lưu huỳnh cho những quả đó. Không có cách nào trả đủ công xá, cho dù hạ đến đâu chăng nữa. Thế là mận đỏ trải thảm trên đất. Trước tiên, da héo hắt đi một ít, hàng hà sa số ruồi muỗi hối hả đến tranh ăn và một mùi thối rữa, dìu dịu toả ngập thung lũng. Ruột trái đen lại và cả một thời vụ khô đét đi. Quả lê chín vàng, ruột mềm mại.
Năm đôla một tấn. Năm đôla cho bốn mươi thùng hai lăm cân, cây cối được tỉa cành, chăm nom cẩn thận, vườn cây được bảo quản – hái quả, đóng thùng, chất lên xe, giao cho xưởng máy đồ hộp bốn mươi thùng, năm đôla. Chúng ta không thể làm như thế được. Thế là những quả lê vàng rơi xuống đất, vỡ nát ra. Bầy ong bò vẽ đào khoét sâu vào ruột mềm, bầu không khí phảng phất mùi lên men lẫn mùi thối rữa.
Và cuối cùng là nho.
Chúng tôi không thể cất được rượu vang ngon.
Thiên hạ không thể nào mua rượu vang ngon.
Thế là người ta bứt các chùm nho, xấu tốt, lành mốc, bứt nháo nhào. Vất vào máy ép, tất cả, ép luôn cả cuống cả thối ruỗng cả dơ bẩn. Nhưng trong các thùng còn có axit phoocmic và thuốc chống mốc. Thây kệ nó. Thêm vào một ít lưu huỳnh và thuốc thuộc da là xong tất. Nhưng mùi men mốc không phải là mùi thơm ngào ngạt của thứ vang ngon. Đấy là mùi rữa nát và mùi dược liệu.
– Ôi! Cần quái gì. Dẫu sao trong đó vẫn có chất rượu, uống vào vẫn say như thường. Những trại chủ nhỏ trông chừng những món nợ đang len lén trườn tới để rồi cuối cùng như làn nước triều dâng, đổ ập lên đầu họ. Họ chăm chút cây, nhưng không bán được hoa màu, họ tỉa cành xén lá, cây ghép nhưng không thể thuê hái quả… Các nhà bác học hăm hở vùi đầu vào công việc, đã lao tâm khổ trí để những trái cây đang thối nát trên đất, rượu chua lên men trong các thùng rượu xông mùi đầu độc bầu không khí.
Hãy thử nếm rượu vang xem, chẳng thấy mùi vị nho: mà chỉ toàn mùi ta nanh, diêm sinh và cồn. Năm tới cái vườn cây ăn quả bé nhỏ này sẽ bị một Công ty lớn nuốt mất, bởi vì các chủ trại nhỏ bị nghẹt thở vì các món nợ. Vườn nho này sẽ rơi vào tay Ngân hàng. Chỉ có những chủ điền lớn là có thể sống sót, bởi vì đồng thời họ có cả những xưởng đồ hộp. Bốn quả lê gọt vỏ, bổ đôi, hấp chín và đóng hộp, vẫn giá mười lăm xu. Và các quả lê đóng hộp không hư hỏng được, có thể để hàng năm.
Sự thối rữa xâm chiếm toàn xứ California, và cái mùi ngon ngọt là một đau buồn lớn cho xứ sở.
Những con người có khả năng cấy ghép thành công, cải tiến hạt giống để nó to ra và sinh sản nhiều lại bất lực không tìm kiếm được cách thức khiến người đói khát có thể ăn những trái cây đó. Những người đã tạo nên những quả mới cho thế giới lại bất lực không tạo ra được một hệ thống khiến cho mọi người ai cũng có thể ăn được quả cây đó. Và sự thất bại này treo lơ lửng trên toàn bang như một nỗi đau buồn lớn lao. Sản phẩm của gốc nho, của cây cối phải bị huỷ diệt để cho giá cả thị trường đứng vững, và đó là cái đáng buồn nhất, chua xót nhất. Hàng ngàn xe tải đem cam đi đổ thành hàng đống rác ngồn ngộn.
Những người ở xa tới lấy, nhưng không làm được điều đó. Tại sao họ lại phải mua cam với hai mươi xu hai quả, nếu họ chỉ cần đánh xe đi nhặt cam không mất tiền? Thế là những người tay cầm giáo tưới dầu hỏa lên các đống cam, bèn nổi giận vì đã đang tay phạm phải tội ác này, rồi trút giận lên đầu những người tới để lượm lặt cam. Một triệu người đói khát cần đến những quả cây, thế mà người ta lại tưới dầu hoả lên các núi cam vàng rực. Mùi thối rữa tràn ngập cả vùng.
Người ta đốt cà phê trong các nồi súp de. Người ta đốt ngô để sưởi ấm, chả là lửa ngô rất đượm. Người ta đổ khoai tây xuống sông và cất người gác trên đôi bờ để cấm những người khốn khổ không được vớt lên. Người ta chọc tiết lợn rồi đem chôn và sự thối rữa ngấm vào lòng đất.
Đây là một tội ác ghê tởm vượt quá mọi sức tưởng tượng. Đây là một nỗi đau khổ không thể được biểu tượng bằng nước mắt. Đây là một sự phá sản lớn lao đến nỗi nó huỷ bỏ tất thảy những thành công trước đây. Một vùng đất phì nhiêu, những hàng cây thẳng tắp, thân cây vạm vỡ và quả chín. Và bọn trẻ con mắc bệnh Penlagrơ phải chết vì mỗi quả cam phải đem lại lợi nhuận. Và các viên cảnh sát tư pháp phải ghi trên những biên bản khai tử: chết do thiếu ăn. Mà sở dĩ như vậy là do lương thực phải bị thối rữa, do người ta buộc nó phải thối rữa.
Nhưng thiên hạ cầm vợt đến vớt khoai tây trong sông lại bị những người gác xua đuổi, họ lái các xe cà tàng đến cố nhặt vài ba quả cam, nhưng cam đã bị tưới dầu hỏa. Thế là họ đứng lặng lẽ nhìn cam nổi lềnh bềnh trôi theo dòng nước, họ nghe được tiếng rống của những con lợn bị chọc tiết trong hố và sau đó bị lấp vội bột, họ nhìn các núi cam dần dần biến thành thứ cháo hôi thối; và sự phá sản in rõ trong đôi mắt của sự đói khát.
Trong tâm hồn những người đó, những chùm nho của sự căm giận căng lên, nặng dần, trĩu xuống, báo hiệu những mùa hái nho sắp tới.

hết: Chương 25, xem tiếp: Chương 26

Tìm Kiếm