Chuông Gọi Hồn Ai (10)
Chương 10
Ta nghỉ đi – Pilar bảo Robert Jordan – Ngồi xuống đây đi Maria, ta nghỉ một chút.
– Chúng ta nên tiếp tục – Robert Jordan nói – Tới trên kia rồi nghỉ. Tôi phải gặp người đó.
– Thế nào rồi đây đồng chí cũng gặp ông ta – Người đàn bà nói – Tôi không vội gì. Ngồi xuống đây đi Maria.
– Thôi đi mà – Robert Jordan nói – Tới đỉnh rồi nghỉ.
– Tôi nghỉ ở đây. – Người đàn bà nói và ngồi xuống bên bờ suối. Người con gái ngồi bên cạnh bà ta, trên đám hoa thạch thảo. Mặt trời chiếu lấp lánh trên tóc nàng. Chỉ có Robert Jordan là đứng đó nhìn qua bãi cỏ trên núi cao nơi có ngọn suối chảy qua. Có những cành hoa thạch thảo mọc ở chỗ chàng đứng. Có những tảng đá màu xám nhô lên khỏi đám dương xỉ màu vàng thay cho những khóm hoa thạch thảo ở những chỗ thấp hơn trên bãi cỏ và tận phía dưới là rặng thông màu tối sẫm.
– Còn bao xa nữa thì tới chỗ của El Sordo? – Chàng hỏi.
– Không xa – Người đàn bà nói – Ngang qua khoảng đồng trống này dưới thung lũng, phía trên đám cây ở đầu nguồn suối. Đồng chí cứ ngồi xuống đây và bỏ cái vẻ quan trọng của đồng chí đi coi.
– Tôi muốn gặp ông ấy và tính cho xong việc.
– Tôi thì muốn rửa chân – Người đàn bà nói và cởi đôi giày vầi, tuột đôi vớ len dày, bà ta cho chân mặt xuống giòng suối – Trời ơi! Lạnh!
– Lẽ ra mình nên đi bằng ngựa. – Robert Jordan bảo.
– Với tôi, thế này mà hay – Người đàn bà nói – Đây mới chính là điều mà tôi cần. Đồng chí sao đó?
– Không sao cả. Có điều tôi rất gấp.
– À, vậy thì bình tĩnh đi. Còn chán thì giờ. Thật là một ngày tốt dẹp và tôi quá vui thích khi không còn phải ở trong rừng thông. Đồng chí không thể tưởng tượng được người ta chán ngán những cây thông đến bực nào rồi. Em không chán những cây thông chứ, guapa?
– Thích lắm chớ. – Người con gái đáp.
– Em thích cái gì của chúng đây?
– Em thích mùi hương của chúng và cái cảm giác khi bắt gặp những lá thông dưới chân mình. Em thích gió trên cây cao và tiếng kêu răng rắc khi những cành cây cọ vào nhau.
– Cái gì em cũng thích – Pilar nói – Em sẽ là một món quà quý cho bất cứ một người đàn ông nào nếu em có thể nấu ăn khá hơn. Nhưng rừng thông thì thật buồn chán. Em chưa bao giờ biết một khu rừng cây dẻ gai, cây sồi, cây lật. Đó mới là rừng. Trong những cánh rừng như vậy, mỗi cây mỗi khác, nó có bản sắc và vẻ đẹp riêng của nó. Một cánh rừng thông là cả một sự buồn chán. Thế nào, Inglés?
– Tôi cũng thích những cây thông.
– Pero, venga [1], cả hai người đều thích cả. Tôi cũng từng thích những cây thông. Nhưng chúng tôi đã ở quá lâu giữa những cây thông này. Tôi cũng đã chán những ngọn núi. Trên núi chỉ có hai hướng đi. Đi xuống và đi lên, nhưng khi đi xuống người ta lại gặp đường cái và những thành phố của bọn phát xít.
– Có bao giờ đồng chí đến Ségovie không?
– Qué va, với bộ mặt này à? Bộ mặt này thì đã chán người biết. Nếu em là một cô gái xấu xí thì em sẽ nghĩ sao đây hở người đẹp? – Bà ta hỏi Maria.
– Chị đâu có xấu!
– Vamos, tôi không xấu à? Tôi sinh ra đã xấu xí rồi. Cả đời tôi, tôi đã xấu xí. Còn đồng chí, Inglés người chẳng biết gì về đàn bà, đồng chí có biết một người đàn bà xấu có cảm nghĩ như thế nào không? Đồng chí có biết xấu cả đời mà bên trong vẫn thấy mình đẹp là sao không? Rất là kỳ cục. – Bà ta đặt bàn chân kia xuống suối rồi rút lên – Trời, lạnh quá! Kìa, trông con chim chìa vôi kìa – Bà ta nói và chỉ con chim màu xám đang bay từ hòn đá này sang hòn đá nọ ngược theo giòng nước – Chẳng ích lợi gì. Không hót cũng không ăn. Chỉ lúc lắc cái đuôi lên xuống. Cho tôi điếu thuốc, Inglés. – Bà ta lấy điếu thuốc, châm lửa bằng chiếc hộp quẹt bò trong túi áo bờ-lu. Bà ta bập bập điếu thuốc, nhìn Maria và Robert Jordan.
– Chuyện đời nghĩ cũng lạ thật – Bà ta nói và thở khói ra đằng mũi – Lẽ ra tôi có thể là một người đàn ông tốt. Nhưng tôi lại là một người đàn bà và tôi xấu xí. Tuy nhiên nhiều người đàn ông đã yêu tôi và tôi đã yêu nhiều người. Lạ thật. Này Inglés, ông nghe đây, điều này thật lý thú. Hãy nhìn tôi, xấu như tôi đây. Hãy nhìn cho gần, Inglés ạ.
– Đồng chí không xấu đâu!
– Qué no? [2] Đừng dối tôi – Bà cười ngất – Hay là cái đó bắt đầu có tác dụng đối với ông rồi? Không. Nói đùa thôi. Không. Hãy nhìn vào cái vẻ xấu xí này. Tuy nhiên người ta vẫn có được thứ tình cảm nó làm người đàn ông mù quáng trong tình yêu. Với thứ tình cảm người ta làm hắn mù quáng và làm chính mình mù quáng. Rồi một ngày, chẳng bởi một lý do nào, hắn nhìn thấy quả thật ta xấu xí và hắn không còn mù quáng nữa và rồi ta nhận ra ta xấu xí như chính hắn thấy, rồi ta mất người đàn ông, mất cả thứ tình cảm đó. Cô hiểu không cô bé? – Bà vỗ vai người con gái.
– Không – Maria nói – Vì chị không xấu.
– Em đừng để tình cảm lấn át lý trí và hãy nghe đây – Pilar nói – Tôi đang kể những điều rất lý thú. Nó có làm ông thích thú không Inglés?
– Có, nhưng chúng ta nên đi.
– Qué va, đi à? Ở đây tôi thấy thoải mái lắm. – Và rồi, bà ta lại tiếp tục thuyết cho Robert Jordan nghe như thể đang nói trước một lớp học, gần giống như đang giảng bài – Sau một thời gian, cái thứ cảm tưởng xuẩn ngốc rằng mình đẹp lại bắt đầu lớn mạnh trở lại. Nó lớn lên như bắp cải. Và rồi khi cái cảm tưởng đó trở lại, một người đàn ông khác gặp ta và cho ta đẹp. Tất cả tái diễn lại. Bây giờ thì tôi cho là tôi đã qua cái thời ấy, nhưng nó cũng có thể còn trở lại. Em có được cái may mắn, là không xấu, guapa ạ!
– Em xấu chớ. – Maria cả quyết.
– Hỏi ổng đi – Pilar nói – Đừng thọc chân xuống nước, bị lạnh cóng bây giờ.
– Nếu Robert Jordan bảo chúng ta phải đi, em nghĩ là chúng ta nên đi đi. – Maria nói.
– Nghe đây – Pilar nói – Chuyện này can hệ tới chị cũng như tới Roberto. Nhưng chị bảo là hãy ở đây nghỉ cho khỏe. Và chúng ta còn chán thì giờ. Hơn nữa chị muốn được nói. Đó là điều văn minh duy nhứt chúng ta có được. Không thì biết làm sao cho khuây khỏa đây! Những chuyện tôi nói không có gì lý thú đối với ông sao, Inglés?
– Đồng chí nói hay lắm. Nhưng còn nhiều chuyện khác làm tôi bận tâm hơn là chuyện đẹp hay không đẹp.
– Vậy thì nói đến chuyện gì mà đồng chí thích thú đi.
– Lúc chiến tranh bộc phát thì đồng chí ở đâu?
– Tại thành phố của tôi.
– Avila?
– Qué va. Avila à?
– Pablo nói quê đồng chí ấy cũng tại Avila.
– Ông ta nói dối. Ông ta muốn nhận một thành phố lớn làm quê mình. Thành phố của ông ta là… – Và bà ta nói tên một thành phố.
– Và cái gì đã xảy ra?
– Nhiều lắm – Người đàn bà nói – Nhiều lắm. Và toàn những chuyện xấu xa. Ngay cả điều hiển hách cũng thế.
– Kể cho tôi nghe về chuyện đó đi. – Robert Jordan nói.
– Hung bạo lắm – Người đàn bà nói – Tôi không muốn kể trước mặt cô bé.
– Cứ kể đi – Robert Jordan nói – Và nếu không phải là chuyện của cô ấy thì cô ấy đừng nghe.
– Tôi nghe được chớ. – Maria nói. Nàng đặt bàn tay vào lòng bàn tay của Robert Jordan – Không có chuyện gì là em không thể nghe được.
– Không phải là em có thể hay không có thể nghe, vấn đề là chị có nên kể cho em nghe để tạo cho em những cơn ác mộng không?
– Em không khi nào có những cơn ác mộng vì một câu chuyện – Maria nói – Sau những gì đã xảy ra cho chúng ta, chị còn nghĩ là em sẽ có những cơn ác mộng vì một câu chuyện sao?
– Có thể nó sẽ gây cho Inglés những cơn ác mộng.
– Thử đi rồi sẽ thấy.
– Không, Inglés ạ. Tôi không đùa đâu. Đồng chí có trông thấy phong trào nổi dậy tại một thành phố nhỏ nào không?
– Không. – Robert Jordan đáp.
– Vậy là đồng chí chưa thấy gì hết. Đồng chí đã thấy Pablo bây giờ thảm hại ra sao. Nhưng đồng chí phải gặp được Pablo trong những ngày ấy.
– Kể nghe đi.
– Thôi. Tôi không muốn kể.
– Kể nghe.
– Thôi được. Tôi sẽ kể. Có sao tôi kể vậy. Nhưng cô bé, nếu tới chỗ làm cho cô không chịu đựng nổi thì cho tôi biết nghen!
– Em sẽ không nghe nữa nếu thấy hết chịu được – Maria bảo – Chắc nó không thể khủng khiếp hơn nhiều chuyện đã xảy ra đâu.
– Có thể lắm chớ – Người đàn bà nói – Cho xin một điếu thuốc nữa chiến hữu Inglés, và vamonos [3].
Người con gái tựa lưng lên bờ dốc và Robert Jordan nằm dài ra vai chạm mặt đất, đầu tựa lên một cây thạch thảo. Bàn tay chàng gặp bàn tay Maria, chàng nắm lấy cọ vào những cành thạch thảo đến khi Maria xòe tay ra đặt hẳn lên bàn tay chàng trong khi họ vẫn lắng nghe.
– Lúc bọn civiles trong trại đầu hàng thì trời vừa mới sáng. – Pilar bắt đầu.
– Đồng chí đã tấn công trại lính? – Robert Jordan hỏi.
– Pablo đã bao vây doanh trại trong đêm, hắn đã cắt đứt các đường dây điện thoại, đặt chất nổ dưới một bức tường và kêu bọn guardia civil đầu hàng. Chúng nó không đầu hàng. Và lúc tảng sáng hắn cho nổ tung bức tường. Súng nổ. Hai tên trong bọn chúng bị hạ. Bốn bị thương và bốn đầu hàng.
Tất cả chúng tôi nằm trên mái nhà, dưới đất và dưới chân tường của các tòa nhà trong ánh nắng của buổi sáng, đám bụi do vụ nổ chưa tan vì chúng bốc lên cao trên không và không có một cơn gió nào đến mang đi. Tất cả chúng tôi nhả đạn về phía tòa nhà bị phá vỡ, chúng tôi nạp đạn và bắn tưới xượi vào đám khói và trong ấy còn lóe lên mấy phát súng trường. Rồi từ trong đám khói có tiếng kêu thôi bắn, và bốn tên civiles đi ra, tay giơ lên cao. Một khoảng lớn của mái nhà bị đổ xuống và tường cũng đã bay mất.
Bọn chúng bước ra đầu hàng.
– Còn ai bên trong nữa không? – Pablo thét lên.
– Còn những người bị thương.
– Giữ mấy tên này lại – Pablo nói với bốn người trong bọn tôi vừa ra khỏi chỗ đứng núp để bắn – Đứng đó, sát vào tường – Hắn ra lịnh cho bọn civiles. Bốn tên civiles đứng sát vào tường, mình mẩy bẩn thỉu dính đầy bụi và khói với bốn người chĩa súng đứng canh, Pablo và mấy người khác vào trong thanh toán mấy tên bị thương. Sau khi họ thanh toán xong, không còn nghe tiếng của mấy tên bị thương nữa, tiếng rên tiếng la cũng không còn, tiếng súng bên trong trại cũng không. Pablo và mấy người kia đi ra, Pablo đeo súng trên vai, tay cầm một khẩu Mauser.
– Xem đây Pilar – Hắn nói – Cái này nằm trong tay của một tên sĩ quan đã tự sát. Tôi chưa bao giờ bắn súng lục. Ê mày, – Hắn nói với một trong bốn civiles – chỉ tao cách bắn coi. Không, đừng chỉ, cắt nghĩa tao nghe đi.
Bốn tên civiles nãy giờ đứng sát vào tường, mồ hôi như tắm và không nói một lời khi nghe những phát súng nổ trong doanh trại. Tất cả đều cao lớn, gương mặt chúng rõ là mặt bọn civiles, giống như bộ mặt của tôi hôm nay đây, chỉ khác ở chỗ mặt họ đầy những gốc râu của buổi sáng cuối cùng chưa kịp cạo, và chúng đứng đó, lặng thinh.
– Mày – Pablo nói với tên đứng gần hắn nhứt – Làm sao bắn hở mày?
– Kéo cái cần nhỏ xuống – Tên đàn ông nói bằng một giọng nhợt nhạt – Kéo cơ bẩm ra sau và buông cho nó chạy về phía trước.
– Cơ bẩm là cái gì?
– Bộ phận phía trên.
Pablo kéo nó ra, nhưng kẹt.
– Làm sao bây giờ? – Hắn hỏi – Kẹt rồi. Mày gạt tao.
– Kéo ra sau thêm hơn nữa rồi để nó từ từ đóng lại phía trước. – Tên kia nói. Tôi chưa bao giờ nghe được một giọng như vậy. Nó buồn bã còn hơn một buổi sáng không ánh mặt trời.
Pablo kéo và buông ra theo như lời người đàn ông kia chỉ và khối cơ bẩm chạy về phía trước đúng vào vị trí và khẩu súng lục đã lên đạn, chó lửa nằm ra phía sau. Một khẩu súng lục xấu xí, bá súng nhỏ tròn, nhưng nòng dẹp và to, khó sử dụng. Suốt khoảng thời gian đó bọn civiles đứng im nhìn Pablo không nói một lời.
– Ông sắp sửa làm gì chúng tôi đây? – Một người hỏi hắn.
– Bắn tụi bây. – Pablo nói.
– Chừng nào? – Người đàn ông hỏi bằng một giọng buồn bã âm u.
– Bây giờ. – Pablo đáp.
– Ở đâu? – Người đàn ông hỏi.
– Tại đây – Pablo nói – Tại đây. Bây giờ. Tại đây và bây giờ. Mày còn gì để nói không?
– Nada – Tên kia nói – Không có gì nói hết. Nhưng thật là một điều kinh tởm.
– Nhưng chính mày cũng đáng kinh tởm vậy. – Pablo nói – Mày, kẻ tàn sát đồng bào nông dân. Không chừng mày cũng đã giết mẹ mày nữa.
– Tôi chưa hề giết một ai – Tên kia nói – Và xin đừng nói động tới mẹ tôi.
– Nói tao biết người ta chết ra sao đi! Thằng kia, kẻ chẳng biết gì ngoài việc giết người.
– Đừng nhục mạ chúng tôi vô ích – Một tên khác nói – Chúng tôi biết cách chết mà.
– Quỳ gối xuống coi! Đầu kê sát vào tường! – Pablo ra lệnh. Bọn chúng nhìn nhau.
– Tao bảo quỳ xuống – Pablo nói – Quỳ xuống đất.
– Thấy thế nào Paco? – Một tên civil nói với tên cao nhất, người đã chỉ cho Pablo về cách dùng súng lục. Gã đeo cấp bậc trung sĩ trên hai tay áo, mồ hôi ướt đẫm mặc dù buổi sáng hãy còn lạnh.
– Quỳ xuống đi cho xong – Gã đáp – Không có gì quan trọng.
– Thế này gần với đất hơn – Tên lên tiếng đầu tiên nói, cố pha trò. Nhưng tất cả đều quá nghiêm trọng cho một câu pha trò. Và không ai hé được một nụ cười.
– Mình quỳ gối xuống đi – Tên thứ nhất nói và cả bốn người quỳ xuống vụng về, lúng túng vô cùng, chúng kê đầu sát vào tường, hai tay buông xuôi. Pablo đi qua phía sau chúng và dùng khẩu súng lục bắn từng tên một, đi từ tên này đến tên khác dí nòng súng vào đầu, từng tên ngã xuống khi hắn bắn. Tôi còn có thể nghe tiếng súng lục chát chúa nhưng có vẻ như tắt nghẹn, tôi trông thấy nòng súng nẩy ngược và chiếc đầu gục về phía trước. Người thì giữ đầu ngẩng thẳng khi mũi súng chạm vào. Người thì đưa đầu về trước, trán gục vào tường đá. Người thì toàn thân run lên và đầu lắc lư. Chỉ có một người đưa hai tay lên che mắt và hắn là tên chót. Bốn xác chết đã rũ vào chân tường khi Pablo quay lại phía chúng tôi với khẩu súng lục còn cầm trong tay.
– Giữ cái này cho anh, Pilar. – Hắn nói – Anh không biết làm sao kéo cò xuống. – Hắn đưa tôi khẩu súng lục và đứng đó nhìn bốn tên civiles nằm sát bờ tường của doanh trại. Tất cả những người đi theo chúng tôi cũng đứng đó, đưa mắt nhìn, và không ai nói một lời nào.
Chúng tôi đã chiếm được thành phố, lúc bấy giờ hãy còn sớm, chưa ai ăn sáng hoặc uống cà phê và chúng tôi nhìn nhau, người đầy bụi bặm do vụ nổ doanh trại, trông như mấy người đập lúa. Tôi đứng cầm khẩu súng lục nặng nề trong tay, tôi nghe nôn nao trong bụng khi nhìn mấy tên civiles chết bên bờ tường, tất cả bọn chúng cũng đầy bụi bặm như chúng tôi, những xác chết vấy máu trên đất khô nơi chân tường. Và lúc chúng tôi còn đứng đó, mặt trời đã lên cao trên những ngọn đồi ngoài xa, chiếu xuống con đường nơi chúng tôi đang đứng, chiếu xuống những bức tường màu trắng của doanh trại, và đám bụi trong không khí chuyển sang màu vàng óng ả dưới những tia nắng đầu tiên. Người nông phu đứng gần bên tôi nhìn bức tường, nhìn doanh trại và nhìn những xác người nằm đàng kia rồi lại nhìn chúng tôi, nhìn mặt trời, đoạn cất tiếng:
– Vaya, một ngày bắt đầu.
– Bây giờ đi uống cà phê đi. – Tôi nói.
– Được rồi, Pilar, được rồi. – Hắn nói. Và chúng tôi kéo lên chợ, đến tận plaza [4]. Đó là những người sau cùng bị bắn trong làng.
– Còn những tên khác thì sao? – Robert Jordan hỏi – Trong làng không còn tên Phát xít nào nữa sao?
– Qué va, không còn ai là phát xít nữa à? Còn hơn hai chục. Nhưng không ai bị bắn.
– Người ta làm thế nào?
– Pablo cho đập chết chúng bằng những cây đòn gánh rồi vứt xác từ trên đồi cao xuống sông.
– Cả hai chục mạng như vậy hả?
– Tôi sẽ kể cho đồng chí nghe. Không phải đơn giản vậy đâu. Và trong đời tôi không bao giờ tôi dám ước là có thể trông thấy cảnh dùng đòn gánh đập chết người tại plaza nơi ngọn đồi trên dòng sông.
Thành phố xây trên một bờ sông cao, nơi đó có một công viên với một hồ nước và những chiếc ghế dài, có những cây to rũ bóng. Các bao lơn đều nhìn ra plaza. Sáu con đường tỏa ra từ plaza và trừ một phía, chung quanh đều là nhà có cửa tò vò. Người ta có thể đi bộ dưới bóng mát những cánh cửa tò vò khi trời nắng. Phía còn lại lối đi được che mát bởi những tàng cây bên bờ đá mà tận phía dưới là dòng sông. Dòng sông nằm dưới sâu ba trăm bộ.
Pablo tổ chức tất cả, như đã tổ chức cuộc tấn công trại lính. Trước tiên các đầu đường đều bị phong tỏa bằng xe bò như để chuẩn bị cho một capea. Một cuộc đấu bò tài tử. Tất cả những tên Phát xít đều bị giữ trong tòa Ayuntamiento, tòa thị sảnh, tòa nhà lớn nhất nằm một bên plaza. Tại đây có chiếc đồng hồ gắn trên tường, và chính tòa nhà dưới những ô cửa tò vò đó đã làm câu lạc bộ của bọn phát xít. Dưới những cửa tò vò, ngay trên lối đi trước câu lạc bộ, chúng bày ra những chiếc bàn, những chiếc ghế dựa. Chính nơi đây, trước khi phong trào bùng lên, bọn chúng có thói quen đến dùng rượu khai vị. Bàn ghế làm bằng mây. Trông giống như một quán cà phê nhưng lịch sự hơn.
– Nhưng các chiến hữu đã bắt giữ được bọn chúng mà không cần đến một trận đánh phải không?
– Pablo đã bắt chúng trong đêm trước cuộc tấn công doanh trại. Nhưng hắn đã bao vây doanh trại trước rồi. Bọn chúng tất cả đều bị bắt tại nhà vào lúc doanh trại bắt đầu bị tấn công. Thật là tinh ma. Pablo đúng là một tay tổ chức. Nếu không thì hắn đã bị đánh mạnh vào cạnh sườn và phía sau trong lúc hắn tấn công doanh trại của bọn guardia civil.
Pablo rất thông minh nhưng rất tàn bạo. Hắn đã tổ chức và ra lệnh rất kỹ về cuộc tấn công trong thành phố. Sau khi cuộc tấn công thành công, bốn tên dân vệ đã đầu hàng và bị hắn bắn chết dưới chân tường, và sau khi uống cà phê tại một chiếc quán luôn luôn mở cửa sớm nhất vào buổi sáng tại góc đường, nơi chiếc xe buýt sớm rời bến, Pablo bắt đầu tiến hành theo kế hoạch. Các xe bò được chất đống y như để chuẩn bị cho một cuộc capea, ngoại trừ phía bờ sông thì không được vây kín. Nó được để trống. Kế đó, Pablo ra lịnh cho vị linh mục làm lễ xưng tội và các phép thánh cần thiết cho mấy tên phát xít.
– Làm ở đâu?
– Trong tòa Ayuntamiento, như tôi đã nói. Bên ngoài người ta đông nghẹt và trong khi công việc này được tiến hành bên trong với vị linh mục thì bên ngoài có tiếng la ó, chửi tục, nhưng phần đông rất nghiêm chỉnh và đầy vẻ kính cẩn. Những người pha trò là những người đã say vì uống mừng việc chiếm được doanh trại, và những phần tử vô dụng mà bất cứ lúc nào cũng có thể say được.
Trong lúc vị linh mục đang làm phận sự bên trong thì Pablo tập hợp những người ngoài plaza lại thành hai hàng.
Hắn xếp người ta thành hai hàng như thể người ta xếp hàng để thi kéo dây, hay đứng trong một thành phố để xem đua xe đạp lúc gần tới mức ăn thua, chỉ chừa đủ chỗ cho các tay đua chạy qua, hoặc đứng xem một đám rước. Hai hàng cách nhau hai mét và kéo dài từ của tòa Ayuntamiento chạy qua suốt quảng trường tới tận bờ đá dốc, như vậy từ cửa tòa nhà nhìn ra quảng trường, một người đang bước ra sẽ thấy hai hàng người đang chờ đợi.
Họ võ trang bằng những cây đòn gánh như những lúc họ đập lúa và đứng xa nhau đúng một tầm đòn. Không phải ai cũng có đòn gánh, vì lẽ tìm không đủ. Nhưng hầu hết đều cầm đòn gánh lấy từ trong kho của Don Guillermo Martin, lão là tên Phát xít bán đủ loại nông cụ. Những ai không có đòn gánh thì cầm gậy lùa bò. Có người đùng chĩa, những cái chĩa răng bằng gỗ dùng để tung lúa lép và rơm lên sau khi dập lúa xong. Có người cầm lưỡi liềm phát cỏ và lưỡi hái cắt lúa, nhưng những người này thì Pablo đặt đứng tuốt đằng cuối nơi hai hàng người bên vách đá.
Những hàng người im lặng, hôm đó trời trong, trong như hôm nay, và có những đám mây tận trên cao, như bây giờ đây, plaza chưa phủ bụi vì đêm qua có sương nhiều, những cây cao đổ bóng lên những người đang đứng trong hàng và người ta có thể nghe được tiếng nước chảy qua ống đồng trong miệng con sư tử đổ vào hồ nước, nơi mà những người đàn bà vẫn hay mang thùng đến lấy nước.
Chỉ ở gần tòa Ayuntamiento, nơi vị linh mục đang làm lễ với mấy tên Phát xít mới có tiếng ồn ào thô lỗ của mấy tên vô tích sự đã say mèm, bọn chúng bu quanh cửa sổ, chõ mỏ qua song cửa, la ó tục tằn và pha trò bằng những câu vô duyên. Hầu hết những người đứng trong hàng đang im lặng, chờ đợi và tôi nghe có một người hỏi một người khác. Có đàn bà không? Và một người khác trả lời, lạy Chúa đừng có. Rồi một người khác nói, vợ Pablo đây rồi. Chị Pilar này! Có đàn bà không?
Tôi nhìn hắn, đó là một gã nông dân mặc áo vét ngày Chúa nhựt, mồ hôi nhễ nhại, và tôi nói, không, Joaquin. Không có đàn bà. Chúng ta không giết những người đàn bà. Tại sao lại phải giết vợ, mẹ và con gái của họ. Đoạn hắn nói: Cám ơn Chúa, không có đàn bà! Và chừng nào khởi sự đây?
Tôi nói, ngay khi vị linh mục chấm dứt buổi lễ.
– Còn vị linh mục thì sao?
– Tôi không biết. – Tôi thấy mặt hắn run run và mồ hôi hắn chảy trên trán – Tôi chưa bao giờ giết người. – Hắn nói.
– Rồi anh sẽ học – Người nông dân đứng kế hắn nói – Nhưng tôi không tin là đập bằng cái này là giết được một người. – Rồi anh ta cầm cây đòn gánh bằng hai tay và nhìn nó với vẻ nghi ngờ.
– Hay là ở chỗ đó – Một người nông dân khác nói – Phải đập nhiều cái.
– Chúng đã chiếm Valladolid. Chúng đã kiểm soát Avila – Có người nói – Tôi đã nghe chuyện đó trước khi chúng ta vào thành phố.
– Chúng sẽ không bao giờ chiếm được thành phố này. Thành phố này là của chúng ta. Chúng ta đã đánh trước chúng – Tôi nói – Pablo không đợi chúng đánh trước.
– Pablo có đủ sức – Một người khác nói – Nhưng trong cái vụ thanh toán mấy tên civiles kia, ông ấy thật ích kỷ. Chiến hữu có nghĩ thế không Pilar?
– Có – Tôi nói – Nhưng bây giờ thì tất cả đã tham dự vào công cuộc này.
– Ừ – Hắn nói – Tổ chức chu đáo thật. Nhưng sao chúng ta không nghe tin tức gì thêm về phong trào?
– Pablo đã cắt đứt mấy đường dây điện thoại trước khi tấn công vào doanh trại. Bây giờ vẫn chưa sửa chữa lại.
– À – Hắn nói – Thì ra vì vậy mà chúng ta chẳng hay biết được gì. Tôi nghe nhiều tin tức trong radio hồi sáng sớm này.
– Sao cái vụ này phải làm như vầy? – Hắn hỏi tôi.
– Để tiết kiệm đạn – Tôi nói – Và để cho mỗi người đều được chia xẻ trách nhiệm.
– Vậy thì bắt đầu đi! Vậy thì bắt đầu đi! – Tôi nhìn hắn và thấy hắn khóc.
– Sao đồng chí lại khóc, Joaquin? – Tôi hỏi hắn – Không phải chuyện để khóc.
– Tôi không cầm được, Pilar à – Hắn nói – Tôi chưa từng giết ai.
– Nếu đồng chí chưa thấy được một ngày cách mạng tại một thành phố nhỏ nơi mọi người đều biết nhau cả và lúc nào cũng quá hiểu nhau là chiến hữu chưa biết gì ráo. Và ngày hôm ấy hầu hết những người đứng trong hai hàng người chạy qua plaza kia đều mặc quần áo làm việc ngoài đồng, họ đã đến thành phố một cách vội vàng, nhưng có một vài người không biết phải ăn mặc thế nào cho ngày đầu của phong trào đã mặc những y phục dành cho ngày Chúa nhựt và ngày lễ, và những người này thấy những kẻ khác, kể cả những người đã tấn công trại lính, mặc những bộ đồ cũ nhứt của mình thì đâm ra xấu hổ vì ăn mặc không đúng cách. Nhưng họ không thích cởi áo vét ra vì sợ mất hoặc bị mấy tên vô tích sự ăn cắp, cho nên họ cứ đứng đó, mồ hôi nhễ nhại dưới ánh mặt trời và đợi cho việc ấy bắt đầu.
Rồi gió nổi lên và bây giờ thì bụi bặm đã khô ráo trên plaza, người ta đi, đứng, chà, lết làm tung bụi lên. Một người đàn ông trong chiếc áo ngày Chúa nhựt màu xanh sậm hét lên. Angua! Angua! Nước! Nước! Người phu quét plaza với công việc là dùng một vòi nước để tưới lên plaza mỗi buổi sáng, đến quay vòi nước và bắt đầu dồn bụi từ bìa plaza vào giữa. Rồi hai hàng người lùi ra sau để lão tưới bụi ở chính giữa plaza, vòi nước quét thành những vòng cung rộng và nước lóng lánh dưới ánh mặt trời, những người đàn ông chống đòn gánh, hoặc gậy gộc hoặc chĩa gỗ màu trắng đứng ngắm tia nước quét qua. Và rồi khi plaza đã được thấm đều nước và bụi bặm đã lắng xuống, những hàng người được tái lập, và có một người nông dân la lớn: Chừng nào chúng tôi mới có được tên phát xít đầu tiên? Chừng nào tên thứ nhất chui ra đây?
– Có ngay – Pablo đáp từ cửa tòa Ayuntamiento – Tên thứ nhất sẽ ra ngay. – Tiếng hắn khàn đi vì mải hò hét trong cuộc tấn công và vì khói trong trại lính.
– Mắc cái gì mà chần chờ hoài vậy? – Có người hỏi.
– Còn bận với mấy cái tội của chúng. – Pablo nói to.
– Có tới hai mươi tên lận mà. – Một người nói.
– Hai mươi đứa thì có lắm tội để kể.
– Đúng, nhưng tôi nghĩ đây là một kế để câu giờ. Chắc chắn là trước một tình thế nghiêm trọng như vầy, người ta không thể nhớ hết được tội lỗi của mình, ngoại trừ cái tội lớn nhất.
– Vậy thì hãy kiên nhẫn đi, vì với hai mươi tên, có thừa những tội lớn để làm mất một số giờ nào đó.
– Tôi có thừa kiên nhẫn, – Người kia nói – nhưng cũng nên chấm dứt đi cho bọn chúng và bọn ta được nhờ. Bây giờ là tháng Bảy, và có thiếu gì công việc. Chúng ta đã gặt lúa xong nhưng chưa đập. Chưa lúc để hội hè.
– Nhưng chính hôm nay ngày hội – Một người khác nói – Ngày Hội Tự Do và kể từ ngày hôm nay, khi bọn này không còn nữa, thành phố này và đất đai này là của chúng ta.
– Hôm nay chúng ta đập những tên phát xít – Một người nói – Và tự do của làng này sẽ bay ra từ thứ rơm trấu kia.
– Ta phải quản lý nó cho tốt để được xứng đáng – Một người khác nói – Pilar, – Hắn nói với tôi – chừng nào chúng ta mới có một cuộc hội họp để tổ chức đây?
– Ngay khi xong vụ này – Tôi nói với hắn – Cũng trong tòa Ayuntamiento này – Lúc đó tôi đang đội một chiếc mũ vành ba múi đánh vẹt ni của bọn guardia civil để làm trò, tôi kéo chó lửa của khẩu súng lục xuống giữ nó lại đồng thời kéo cò, có vẻ tự nhiên lắm; khẩu súng lục cột vào sợi dây quấn ngang thắt lưng, nòng súng dài nhét vào dây. Giắt súng như vậy xong tôi thấy thích thích và tiếc là đã không lấy bao súng theo thay vì lấy chiếc nón. Có người bảo tôi. “Pilar à, tôi thấy cô em đội cái nón đó coi không được. Bây giờ thì chúng ta đã dứt khoát với bọn guardia civil rồi”.
– Vậy thì – Tôi nói – tôi sẽ lột nó xuống. – Và tôi lột mũ xuống.
– Đưa cho qua – Lão ta bảo – Nên thủ tiêu nó đi.
Và vì chúng tôi đứng ở cuối hàng, nơi có lối đi chạy dọc theo vách đá cạnh bờ sông, lão cầm chiếc nón và ném nó xuống phía dưới bằng động tác của người mục đồng ném đá để gom bò. Chiếc nón tung lên xa trong không gian và tôi thấy nó càng lúc càng nhỏ đi, màu da vẹt ni ánh lên trong bầu không khí trong sáng, chiếc nón bay lên xoay tròn đáp xuống dòng sông. Nhìn qua quảng trường, trên các cửa sổ và bao lơn, tôi thấy người ta đông nghẹt và hai hàng người chạy ngang qua quảng trường đến tận cửa tòa Ayuntamiento, đám đông lúc nhúc bên ngoài, bu sát vào các cửa sổ của tòa nhà đó, có tiếng ồn ào của nhiều người nói chuyện và rồi tôi nghe có tiếng reo lên và có người nói: “Tên thứ nhất kia rồi”. Và đó là Don Benito Garcia, tên thị trưởng. Lão đi ra, đầu trần, bước từ từ xuống những bực thềm, không việc gì xảy ra. Lão qua khỏi hai người, bốn người, tám người, mười người, vẫn không việc gì xảy ra và lão bước đi giữa hai hàng người, đầu ngẩng lên, khuôn mặt xám ngắt, mắt ngó thẳng phía trước, liếc qua liếc lại hai bên rồi tiếp tục bước đi. Vẫn không việc gì xảy ra.
Trên bao lơn có người hô to: Qué passa, Cobardes? Cái gì vậy, quân hèn nhát? Và Don Benito vẫn bước đi giữa hai hàng người, vẫn không chuyện gì xảy ra. Đoạn tôi thấy một người ở cách chỗ tôi đứng ba thước, mặt hắn đanh lại, hắn cắn môi, hai bàn tay trắng toát nắm chặt lấy cây đòn gánh của hắn. Tôi thấy hắn nhìn về phía Don Benito, ngó lão đang tiến tới. Vẫn không có chuyện gì xảy ra. Rồi khi Don Benito đến trước người đàn ông kia, hắn đưa cao cây đòn gánh lên đến đụng người bên cạnh và giáng xuống một bên đầu của Don Benito một cây, Don Benito ngó hắn, người đàn ông đập thêm và hét lên: Cho mi đây, đồ carbon. Cú đánh trúng một bên mặt, Don Benito đưa tay lên ôm mặt. Và họ đập lão đến khi lão té xuống. Người đàn ông đập lão đầu tiên kêu những người khác giúp sức hắn, còn hắn thì kéo cổ áo lão, mấy người khác nắm hai tay, mặt lão úp xuống những lớp bụi trong plaza. Và họ lôi lão xềnh xệch trên lối đi, đến bờ đá và vất lão xuống sông. Người đàn ông đập lão đầu tiên quỳ xuống bên bờ đá nhìn lão và nói: Đồ carbon! Đồ carbon! Ồ quân carbon! Hắn là một tá điền của Don Benito và họ chẳng bao giờ thuận thảo nhau. Trước có chuyện cãi vã về miếng đất bên bờ sông mà Don Benito đã lấy của hắn để cho một người khác mướn và hắn đã ghét lão từ lâu. Hắn không trở lại hàng mà ngồi tại mé vách đá nhìn xuống chỗ Don Benito đã rơi xuống.
Sau Don Benito chẳng có ai bước ra. Plaza bây giờ không một tiếng động vì tất cả đang chờ đợi xem ai sẽ bước ra. Rồi bỗng một tên say rượu hét to lên: “Lôi cổ chúng ra! Mau lên! Lôi cổ chúng ra”. Rồi một tên say rượu khác hét lớn: “Qué salga el toro! Thả bò ra!”.
Đoạn, có người đứng gần mấy cánh cửa sổ của tòa Ayuntamiento thét lên: “Tụi nó không nhúc nhích. Tụi nó đang cầu nguyện”.
Một tên say rượu khác la to: “Lôi cổ chúng ra. Mau lên, lôi cổ chúng ra. Giờ cầu nguyện đã hết”. Không ai ra. Nhưng sau đó tôi thấy một người đàn ông bước ra.
Đó là Don Federico Gonzalez, chủ nhà máy xay và chủ tiệm thực phẩm súc vật; hắn là một tên phát xít hạng nặng. Lão cao và ốm, tóc chải tém qua một bên để che cái đầu hói, và lão mặc một chiếc áo ngủ bỏ trong quần. Lão đi chân đất như lúc bị bắt tại nhà và lão bước đi có Pablo theo sau, nòng súng dí sát vào lưng lão cho đến khi Federico bước vào giữa hai hàng người. Nhưng khi Pablo rời lão và trở vào cửa tòa thị chính, Don Federico không thể bước tới được và đứng đó, mắt lão trợn ngược, hai tay giơ lên như muốn níu lấy bầu trời.
– Lão không có chân để đi. – Có người nói.
– Cái gì đó Don Federico? Không đi nổi à?
Có người lớn tiếng với lão. Nhưng Don Federico vẫn đứng đó, hai tay giơ lên cao và chỉ có đôi môi mấp máy.
– Đi tới – Pablo từ bực thềm hét lên – Đi!
Don Federico vẫn đứng đó, không nhúc nhích. Một trong mấy tên say rượu dùng cán đòn gánh thọt vào lưng lão. Don Federico nhảy dựng lên như ngựa chứng, nhưng rồi vẫn đứng tại chỗ cũ, hai tay đưa lên cao và mắt ngước lên trời.
Đoạn người nông dân đứng gần tôi nói: “Xấu hổ thật. Tôi chẳng có gì chống đối lão nhưng cảnh như vầy phải chấm dứt”. Xong gã bước xuống khỏi hàng và chen tới chỗ Don Federico đứng và nói: “Xin phép cụ” và bổ mạnh một cây vào người lão.
Lúc bấy giờ Don Federico bỏ tay xuống, ôm lấy đỉnh đầu chỗ hói tóc, đầu cúp xuống, mấy sợi tóc mịn, dài len qua các kẽ tay, lão chạy nhanh giữa hai hàng người trong khi những cây đòn đập lúa bổ lên lưng, lên vai cho đến khi lão ngã xuống và những người đứng ở cuối hàng hốt lão lên và tung lão qua bên kia mé đá. Từ lúc bước ra với khẩu súng của Pablo dí sau lưng, lão chẳng hề hé môi. Nỗi khó khăn duy nhất của lão là bước tới. Dường như lão đã không thể điều khiển được cặp chân của lão.
Sau Don Federico tôi thấy những người hung hăng nhất bu lại ở cuối hàng, nơi mé đá và tôi rời nơi đó để đến dưới những khung cửa tò vò của tòa Ayuntamiento, tôi đẩy hai người say rượu qua một bên và nhìn vào cửa sổ. Trong phòng lớn của tòa Ayuntamiento, tất cả bọn chúng đang quỳ thành nửa vòng tròn và cầu nguyện, vị linh mục cũng đang quỳ và cầu nguyện với chúng. Pablo và một người tên Cuato Dedos, Bốn Ngón, một người thợ khâu giày đã gần gũi rất nhiều với Pablo trong thời gian ấy, cùng với hai người khác đang cầm súng đứng đó. Pablo nói với vị linh muc: “Bây giờ tới phiên ai?” Vị linh mục vẫn tiếp tục đọc kinh cầu nguyện và không trả lời hắn.
– Nghe đây – Pablo nói với vị linh mục bằng giọng khàn khàn của hắn – Bây giờ tới phiên ai? Ai sẵn sàng đây?
Vị linh mục không trả lời Pablo và làm như hắn không có mặt ở đó. Tôi thấy hắn nổi giận.
– Tất cả chúng tao cùng đi ra. – Don Ricardo Montalgo, một tên điền chủ nói với Pablo, lão ngẩng đầu lên, ngưng cầu nguyện để cất lời.
– Qué va – Pablo nói – Từng người một, nếu tụi bây sẵn sàng.
– Vậy tao đi đây – Don Ricardo nói – Tao sẽ chẳng bao giờ sẵn sàng hơn. – Vị linh mục làm phép lành cho lão trong lúc lão nói và làm phép lành cho lão một lần nữa lúc lão đứng dậy, không ngừng cầu nguyện, và đưa thánh giá lên cho Don Ricardo hôn. Don Ricardo hôn thánh giá đoạn quay qua nói với Pablo. “Chẳng bao giờ sẵn sàng hơn nữa. Quân khốn kiếp. Đi mày!”.
Don Ricardo là một người lùn, tóc hoa râm, cổ to, lão mặc chiếc áo sơ-mi không cổ. Chân lão khuỳnh ra vì cưỡi ngựa nhiều quá. Xin từ giã, lão nói với tất cả những người đang quỳ. Đừng buồn. Chết chẳng là gì hết. Cái tệ duy nhứt là chết trong tay bọn canalla [5] này. Đừng chạm đến ta, lão nói với Pablo. Đừng chạm đến ta bằng cây súng của mi.
Lão bước ra trước tòa Ayuntamiento với mái tóc hoa râm, đôi mắt nhỏ màu xám và chiếc cổ to, trông lão nhỏ thó và giận dữ. Lão nhìn hai hàng nông dân và nhổ nước bọt xuống đất. Lão nhổ ra nước bọt thật sự, nước bọt, như chiến hữu thừa biết, vốn rất hiếm hoi trong mấy lúc như vậy, và lão nói: “Arriba Espana [6]. Đả đảo nền Cộng Hba giả hiệu, sư cha chúng bây!”.
Rồi vì lời nguyền rủa đó, họ đập lão chết rất mau, đập lão ngay khi lão bước đến bên người thứ nhất, họ đập lão trong khi lão cố bước tới, đầu thẳng lên, họ đập lão cho đến khi lão ngã xuống và bầm lão bằng vòng hái, bằng lưỡi liềm, nhiều người áp lại rinh lão đến mé đá vất đi, giờ thì vẫn còn máu dính trên tay, trên quần áo họ, và họ bắt đầu có cảm giác là những người bước ra đây đích thật là những kẻ thù cần phải giết chết.
Cho tới khi Don Ricardo bước ra với vẻ dữ tợn và những lời chửi rủa, tôi tin chắc là trước lúc ấy có rất nhiều người trong hàng đã sốt ruột. Và nếu có người hô to từ trong hàng: “Thôi, tha cho tụi còn lại đi. Bây giờ chúng đã có được bài học rồi”. Thì tôi tin chắc hầu hết đã đồng ý.
Nhưng Don Ricardo, bằng tất cả sự bạo gan của lão, đã làm hại những người khác. Vì lão khích động những người trong hàng nên dù trước đó người ta chỉ hành động không mấy thích thú, bây giờ họ đã giận dữ, và người ta thấy rõ sự việc đã đổi khác.
– Cho ông thầy tu ra là công việc được mau chóng hơn. – Có người nói lớn.
– Cho ông thầy tu ra đi.
– Sau ba thằng ăn cắp, bây giờ đến lượt ông thầy tu đi.
– Hai thằng ăn cắp – Một anh nông dân lùn tịt nói với người đàn ông vừa la lớn – Đó là hai thằng ăn cắp và Chúa của chúng ta!
– Chúa của ai? – Người đàn ông nói, mặt hắn giận dữ đến đỏ rần.
– Chúa của chúng ta là một cách nói.
– Không phải là Chúa của tôi, không, không đùa đâu. Và tốt nhứt là anh nên giữ mồm giữ miệng nếu không muốn bước vào giữa hai hàng người.
– Tôi cũng là một con người Cộng Hòa tự do tốt như anh – Gã nông dân lùn tịt nói – Tôi đã đập Don Ricardo ngay miệng, tôi đã đập Don Federico ngay lưng, tôi đã đập hụt Don Benito. Nhưng tôi nói Chúa của chúng ta chỉ là một cách nói để chỉ người được đề cập đến, và ta có hai tên ăn cắp.
– Tôi chửi cha cái thứ Cộng Hòa của anh. Anh còn kêu là Don này, Don nọ nữa à.
– Ở đây người ta gọi tụi nó như thế.
– Tôi thì không gọi những thằng cabrones như thế. Và Chúa của anh nữa… A kia! Có một tên mới đây rồi.
Và chính bây giờ tôi mới chứng kiến một cảnh chướng mắt, vì người bước ra cửa tòa thị chính là Don Faustino Rivero, con trai lớn nhất của Don Faustino Rivero, một chủ điền. Hắn cao và tóc vàng, tóc hắn vừa mới chải ngược ra sau vì hắn luôn luôn mang theo trong túi một chiếc lược, và hắn vừa mới chải đầu trước khi bước ra. Hắn là một tên tán gái có tiếng và là một tên hèn nhát, hắn lúc nào cũng muốn trở nên một tay đấu bò tài tử. Hắn la cà với bọn du mục, bọn đấu bò và những tay nuôi bò, hắn rất thích mặc y phục kiểu Andalou nhưng lại nhát gan và được coi như một thứ trò hề. Có lần hắn được giới thiệu xuất hiện trong một cuộc đầu bò tài tử để giúp viện dưỡng lão tại thành phố Avila, và hắn phải giết một con bò mộng theo lối Andalou. Hắn đã bỏ rất nhiều thì giờ để nghiên cứu luyện tập nhưng lúc hắn trông thấy dáng vóc con bò giao cho hắn thay cho con bò nhỏ xíu, chân cẳng yếu ớt mà hắn đã lựa thì hắn cáo bịnh và có người nói rằng hắn đã thọt sâu ba ngón tay vào cổ họng để ói.
Khi những hàng người trông thấy hắn thì họ bắt đầu la lớn: “Ê kìa Don Faustino! Coi chừng ói nghe!”
– Nè Don Faustino! Có gái đẹp bên kia mé đá kìa.
– Don Faustino. Đợi một chút, chúng tôi sẽ đem ra cho ngài con bò lớn hơn con kia.
Và có người khác nói, “Này Don Faustino, có bao giờ mày nghe nói đến cái chết chưa?”
Don Faustino đứng đó, cố làm gan. Hắn hãy còn sống trong nỗi thôi thúc đã khiến hắn tuyên bố với những tên khác là hắn sắp bước ra. Cũng chính sự thôi thúc đó trước đây đã khiến hắn tuyên bố dự cuộc đấu bồ. Điều đó đã làm hắn tin tưởng và hy vọng là hắn có thể là một tay đấu bò tài tử. Bây giờ thì hắn lấy làm hứng khởi vì cái gương của Don Ricardo, và hắn đứng đó trông vừa đẹp trai vừa can trường khiến cho bộ mặt hắn trông rất dễ ghét. Nhưng hắn không nói được lời nào.
– Ra đây Don Faustino. – Có người trong hàng gọi hắn – Ra đây, Don Faustino. Đây là con bò mộng lớn nhất.
Don Faustino nhìn vào bọn và tôi nghĩ trong lúc Don Faustino nhìn, là chẳng ai trong hàng mảy may thương hại hắn. Tuy nhiên hắn vẫn đứng đó, trông đẹp trai và đầy vẻ kiêu hãnh, nhưng thời gian ngắn dần và chỉ có một con đường duy nhất cho hắn.
– Don Faustino! – Có người gọi – Mi còn đợi gì nữa, Don Faustino?
– Nó sắp ói. – Có người nói và những người trong hàng cười.
– Don Faustino! – Một người nông dân gọi – Ói đi nếu mày cần ói. Với tao thì cũng vậy thôi.
Rồi trong sự chờ đợi của mọi người, Don Faustino nhìn dọc theo hai hàng người, ngang qua quảng trường đến tận bờ đá, và khi thấy bờ đá và khoảng trống ngoài xa, hắn quay nhanh lại và lủi trở vô của tòa Ayuntamiento.
Cả hai hàng người nhao nhao lên, có kẻ hét to, “Đi đâu đó, Don Faustino? Mày đi đâu đó?”
– Hắn đi ói. – Một người khác la lớn và cả bọn lại cười rộ lên.
Rồi tôi thấy Don Faustino lại trở ra, phía sau có Pablo cầm khẩu súng đi theo, tất cả cái dáng vẻ oai phong của hắn biến đi đâu mất và bây giờ hắn đi ra với Pablo theo sau như thể Pablo đang quét đường và Don Faustino là rác rến mà Pablo đùa ra phía trước. Bây giờ Don Faustino bước ra làm dấu thánh giá, đọc kinh cầu nguyện, đưa hai tay lên che mắt và bước xuống các bậc thềm tiến về phía hai hàng người, đôi môi mấp máy.
Không ai nói gì, không ai chạm đến hắn, đi được nửa đường thì hắn không thể đi xa được nữa và sụp xuống trên hai đầu gối.
Không ai đánh hắn. Tôi đến đứng phía sau một trong hai hàng người để xem việc gì xảy ra cho hắn, một người nông dân cúi xuống đỡ hắn lên và nói, “Đứng dậy Don Faustino, đi tiếp đi chớ, con bò chưa ra mà”.
Don Faustino không thể đi một mình và người nông dân mặc áo bờ-lu đen phải đỡ hắn một bên và một người nông dân khác trong chiếc áo bờ-lu đen và đôi ủng mục đồng phải đỡ hắn bên kia, họ đỡ hai cánh tay hắn và Don Faustino bước đi giữa hai hàng người, hai tay che mắt, môi mấp máy luôn, mái tóc của hắn dán sát vào đầu, ánh lên dưới ánh mặt trời, và trong khi hắn đi qua những người nông dân luôn mồm nói, “Don Faustino, buen provecho [7]. Don Faustino, chúc mi ăn ngon miệng”, và những người khác nói, “Don Faustino, a sus ordenes [8]. Don Faustino, xin tuân lệnh ngài”. Có người giả đò đánh hụt hắn theo kiểu đấu bò và nói, “Don Faustino matador, a sus ordenes”. Một người khác lại nói. “Don Faustino ơi, trên trời nhiều gái đẹp lắm”. Và họ dìu Don Faustino đi qua hai hàng người, giữ chặt lấy hắn, đỡ hắn đứng thẳng lên trong khi hắn bước đi và hai tay cứ che mắt. Nhưng có lẽ hắn đã nhìn thấy qua mấy kẽ ngón tay của hắn vì khi họ dìu hắn vừa tới bờ đá, hắn lại quỳ sụp xuống, nằm vật xuống đất, vừa bám vào mặt đất, níu lấy cỏ vừa nói, “Không, không. Tôi van các ông. Đừng! Đừng!”.
Đoạn mấy người nông dân đi với hắn và những tay hung hăng nhứt đứng ở cuối hàng đã nhanh như chớp tóm phía sau hắn, lúc hắn đang quỳ, xô mạnh hắn tới trước và hắn bay xuống sông mà chẳng hề bị đánh đập, và người ta còn nghe tiếng kêu thất thanh của hắn trong lúc hắn rơi xuống.
Chính vào lúc bấy giờ, tôi thấy những người trong hàng đã trở thành hung dữ. Trước tiên là những lời nguyền rủa của Don Ricardo và kế đến là sự hèn nhát của Don Faustino đã làm cho họ thành ra như vậy.
– Mình làm một tên nữa đi! – Một người nông dân kêu to, một người khác vỗ mạnh vào vai hắn và nói, “Don Faustino! Thứ đồ gì đâu mà bết quá. Don Faustino!”
– Bây giờ thì hắn đã thấy được con bò mộng to lớn rồi – Một người khác nói – Bây giờ thì hắn có ói mửa cũng vô ích.
– Trong đời tôi, Một người nông dân khác nói – trong đời tôi chưa thấy cái thứ gì như tên Don Faustino.
– Còn nhiều nữa – Một người nông dân khác nói – Kiên nhẫn đi. Ai biết được mình sẽ còn trông thấy thứ gì nữa đây.
– Có thể là những tên khổng lồ và những tên lùn – Người nông dân thứ nhất nói – Có thể là những người da đen và những con thú hiếm có từ Phi châu. Nhưng theo tôi sẽ không có thứ gì giống như Don Faustino. Nhưng chúng ta làm một tên nữa đi chớ. Mau lên! Làm một tên nữa đi!
Những tên say rượu đang chuyền nhau mấy chai rượu hồi và cô nhác cuỗm được trong câu lạc bộ của bọn phát xít, và chúng uống như uống rượu vang. Nhiều tên trong hàng cũng đã bắt đầu chếnh choáng vì đã uống sau những cảm xúc mạnh do Don Benito, Don Ricardo và nhất là Don Faustino mang tới. Những kẻ không uống trong những chai rượu mạnh thì uống bằng những bình đựng rượu vang được chuyền tay, có người đưa tôi bình rượu và tôi uống một hơi dài, để cho rượu vang làm mát lạnh cổ họng vì tôi rất khát.
– Giết người dễ khát nước lắm. – Tên cầm bình rượu nói với tôi.
– Qué va, – Tôi nói – chiến hữu đã giết người chưa?
– Tôi đã giết bốn tên – Hắn nói, một cách hãnh diện – Không kể mấy tên civiles. Có đúng là chiến hữu đã giết một tên civile không, Pilar?
– Không phải một – Tôi nói – Tôi đã bắn vào trong đám khói như mấy người khác lúc tường sập. Chỉ có vậy thôi.
– Đồng chí lấy đâu ra được cây súng lục vậy, Pilar?
– Của Pablo, Pablo đưa cho tôi sau khi dùng nó bắn vào mấy tên civiles.
– Tôi xem chút có được không, Pilar? Tôi cầm nó một chút có được không?
– Sao lại không, hombre. – Tôi nói và rút khẩu súng ra khỏi sợi dây đưa cho hắn. Tôi tự hỏi sao không có tên nào khác bước ra, và đúng lúc đó, có ai ra kìa? Chính Don Guillermo Martin, chủ nhân của những cây đòn gánh, những cây gậy mục đồng và những cây chĩa mà người ta lấy từ kho của lão. Don Guillermo chỉ có mỗi cái tội là làm phát xít, ngoài ra không có gì để oán trách lão.
Đúng là lão đã trả rất rẻ cho những người làm ra mấy cây đòn gánh, nhưng lão cũng đã bán chúng ra với giá rất thấp, và nếu có người không muốn mua những cây đòn của lão Don Guillermo thì cũng có thể tự làm lấy và chỉ chịu tốn tiền gỗ và tiền da thôi. Lão có lối ăn nói không được nhã nhặn mấy và lão là một tên phát xít, đó là điều không chối cãi được, lão là một hội viên trong câu lạc bộ của bọn chúng. Vào buổi chiều tối lão vẫn hay ngồi trên chiếc ghế mây trong câu lạc bộ để đọc tờ El Debate, gọi người đến đánh giày, uống rượu Vermouth với nước suối Seitz, ăn hạnh nhân rang, tôm khô và cá đối. Nhưng người ta không giết lão vì chuyện đó và tôi chắc chắn rằng nếu không có những lời nhục mạ của Don Ricardo Montalvo và cái cảnh thảm hại của Don Faustino, chuyện say sưa tác động lên cảm xúc của nhiều người, hẳn có người sẽ kêu lên: “Thôi cho lão Don Guillermo đó được yên đi. Chúng ta có mấy cây đòn của lão. Tha cho lão đi”.
Vì dân chúng trong thành phố này ác thì có ác, nhưng hiền thì cũng có hiền và họ có một tinh thần yêu chuộng lẽ phải và mong ước được làm điều phải. Nhưng sự hung ác cũng như sự say xỉn đã thâm nhập vào hai hàng người, và họ không còn được như lúc Don Benito bước ra nữa. Tôi không biết ở những xứ khác thì thế nào và không ai khoái thú uống rượu hơn tôi; nhưng ở Tây Ban Nha sự say rượu, khi nó do những yếu tố khác hơn là chính chất rượu, thì quả là một điều thật thô bỉ và người ta có thể làm được những điều mà trước đó họ không hề làm. Bên xứ đồng chí không có thế chớ, Inglés?
– Cũng vậy – Robert Jordan nói – Hồi tôi bảy tuổi và theo mẹ dự một tiệc cưới ở tiểu bang Ohio, mà hôm đó tôi là đứa con trai trong cặp bé trai và gái ôm hoa…
– Anh làm việc đó à? – Maria hỏi – Thích quá!
– Trong thành phố đó có một người da đen bị treo lên cột đèn và sau đó bị đốt. Đó là một cây đèn hình cung. Cái đèn có thể hạ thấp xuống vỉa hè. Và gã bị kéo lên cao bằng một bộ phận dùng đưa cây đèn lên nhưng nửa chừng bộ phận đó gãy.
– Một người da đen? – Maria nói – Dã man quá!
– Những người đó có say không? – Pilar hỏi – Họ có say quá đến độ có thể đốt được một người da đen không?
– Tôi không biết – Robert Jordan nói – Vì tôi chỉ nhìn thấy qua phía dưới màn cửa sổ của ngôi nhà bên góc đường đối diện với cây đèn cánh cung. Đường phố đầy người và khi họ kéo người da đen lên lần thứ hai…
– Nếu đồng chí mới có bảy tuổi và ở trong nhà thì chiến hữu không biết được họ có say hay không đâu. – Pilar nói.
– Như tôi đã nói, khi họ kéo người da đen lên lần thứ hai, mẹ tôi kéo tôi đi khỏi cửa sổ nên tôi không thấy được gì nữa – Robert Jordan nói – Nhưng từ đó tôi đã chứng kiến nhiều chuyện cho thấy rằng sự say sưa nơi xứ tôi thì cũng giống y vậy. Nó xấu xa, hung bạo.
– Bảy tuổi, nghĩa là lúc ấy anh còn quá nhỏ tuổi – Maria nói – Anh còn bé bỏng quá đối với những chuyện như vậy. Em chưa bao giờ trông thấy được một người da đen ngoại trừ trong một gánh xiệc. Ngoại trừ trường hợp người Maure cũng đen.
– Có người đen, có người không – Pilar nói – Chị có thể nói cho em nghe về giống người Maure.
– Không hơn em đâu – Maria nói – À, chị không thể biết hơn em đâu nhé.
– Thôi bỏ chuyện đó đi – Pilar nói – Chẳng ích gì. Chúng ta kể đến đâu rồi?
– Đến chỗ sự say xỉn của mấy người trong hàng – Robert Jordan nói – Tiếp tục đi.
– Bảo là say xỉn thì cũng không đúng lắm – Pilar nói – Vì họ chưa đến nỗi say. Nhưng đã có một sự thay đổi trong họ. Và khi Don Guillermo bước ra đứng thẳng người, với hai mắt cận thị, đầu bạc hoa râm, tầm cao vừa phải, lão đứng đó, làm dấu thánh giá và nhìn thẳng về phía trước, không có kiếng nên lão chẳng thấy được gì nhiều, thế nhưng lão vẫn bước đi chững chạc và lặng lẽ. Lão có cái dáng vẻ làm động lòng trắc ẩn người khác. Nhưng có người trong hàng hô lên. “Lại đây Guillermo. Lại đây, Don Guillermo. Đi về phía này. Tụi tôi có đủ loại sản phẩm của cụ đây!”
Họ đã bỡn cợt với Don Faustinon quá nhiều nên họ không còn thấy được Don Guillermo là một cái gì khác, và nếu mà Don Guillermo có phải bị giết đi thì cũng nên giết một cách mau chóng và với sự kính cẩn.
– Don Guillermo! – Một người khác gọi to – Tụi tôi có cần sai người về nhà lấy mắt kiếng cho cụ không?
Nhà của Don Guillermo thật ra không phải là một cái nhà vì lão không có nhiều tiền, lão chỉ làm Phát xít cho nó oai và để tự an ủi rằng lão buộc phải kiếm sống một cách hèn mọn với cửa hàng bán nông cụ bằng gỗ. Lão còn làm phát xít vì đạo của vợ lão mà lão vì thương vợ nên coi như đạo của chính mình. Lão ở một căn trong tòa nhà nằm cách quảng trường ba căn về phía dưới. Và lúc Don Guillermo đứng đó, nhìn hai hàng người bằng đôi mắt cận thị, lão biết là khi lão bước, vào giữa hai hàng người đó thì một người đàn bà sẽ khóc ngất lên từ bao lơn của căn nhà lão ở. Từ bao lơn, bà ta có thể nhìn thấy lão và bà ta là vợ của lão.
– Guillermo! – Bà ta kêu lên – Guillermo. Chờ tôi, tôi sẽ theo ông.
Don Guillermo quay mặt về phía phát ra những tiếng gọi. Lão không nhìn thấy được bà ta. Lão cố nói lên một điều gì nhưng rồi không nói được. Rồi lão vẫy tay về phía người đàn bà đang lên tiếng gọi và bắt đầu đi vào giữa hai hàng người.
– Guillermo! – Bà kêu lên – Guillermo. Ôi! Guillermo. – Hai tay bà nắm chặt vào lan can bao lơn và lắc mạnh – Guillermo!
Don Guillermo vẫy tay một lần nữa về phía tiếng gọi và bước vào giữa hai hàng người, đầu giữ thẳng và người ta không biết lão cảm thấy như thế nào nếu không thấy sắc mặt của lão.
Đoạn có tên say rượu nào đó hét lên từ trong hàng, “Guillermo!” hắn nhái giọng thật nhanh của người đàn bà và Don Guillermo chạy nhanh về phía người đó, như mù quáng, nước mắt chảy dài trên má, và người đàn ông dùng đòn gánh đập mạnh vào mặt lão. Don Guillermo ngồi phệt xuống đất vì sức mạnh của cú đánh, và lão ngồi đó khóc, nhưng không phải vì sợ hãi, khi đó mấy tên say rượu đập lão, một tên nhảy đè lên người lão, cưỡi lên vai lão và đập lên đầu lão bằng cái vỏ chai.
Sau vụ đó nhiều người rời khỏi hàng, thay vào đó là mấy tên say rượu vẫn bu quanh cửa sổ tòa Ayuntamiento để chế nhạo và pha trò với những câu vô duyên.
– Chính tôi đã xúc động rất nhiều khi Pablo bắn bọn guardia civil – Pilar nói – Thật là một việc ghê tởm, nhưng tôi nghĩ nếu phải như vậy thì cũng đành phải vậy và ít ra ta không tàn nhẫn, đó chỉ là việc tước đoạt sự sống. Điều ghê tởm chúng tôi biết được trong mấy năm gần đây lại là cần thiết nếu chúng ta phải chiến thắng và bảo vệ chế độ Cộng Hòa.
Lúc quảng trường bị phong tỏa và những hàng người được tập họp, tôi rất cảm kích và biết đó là ý kiến của Pablo, tuy nhiên tôi vẫn thấy có hơi quá đáng, và tôi nghĩ tất cả những gì phải làm thì nên làm cho phải phép để người ta đừng ghê tởm.
Thật ra nếu bọn phát xít cần phải để cho nhân dân xử tội thì tốt hơn nên để cho tất cả dân chúng tham dự, và tôi cũng mong được chia sẻ trách nhiệm với mọi người khi thành phố này thuộc về ta. Nhưng sau vụ Don Guillermo tôi cảm thấy xấu hổ và ghê tởm, rồi khi mấy tên say rượu cùng bọn vô lại bước vào trong hàng và nhiều người bỏ hàng ra đi như một cách phản đối sau vụ Don Guillermo, tôi hoàn toàn không muốn dính líu gì đến những người trong hàng, và tôi bỏ đi, băng qua quảng trường ngồi trên chiếc ghế dài dưới gốc mấy cây to đang rũ bóng.
Hai người nông dân đang nói chuyện với nhau bước đến một người cất tiếng hỏi tôi. “Chị sao đó, Pilar?”
– Có gì đâu, hombre. – Tôi bảo hắn.
– Có chớ – Hắn nói – Nói đi. Cái gì đã xảy ra?
– Chắc tôi đã ớn tới cổ rồi. – Tôi bảo hắn.
– Chúng tôi cũng thế. – Hắn nói và cả hai ngồi xuống ghế dài. Một trong hai người cầm vò rượu đưa cho tôi.
– Uống đi! – Hắn nói. Người kia tiếp tục câu chuyện của họ – Tệ nhất là việc đó sẽ đem lại điều xui xẻo. Không ai dám bảo rằng những việc như cái kiểu giết Don Guillermo lại không mang đến chuyện xui xẻo.
Đoạn người kia nói: “Nếu cần phải giết cả bọn, và tôi vẫn không tin là có sự cần thiết đó, thì cũng phải giết họ một cách đàng hoàng tử tế, không nên chế nhạo họ làm gì”.
– Sự chế nhạo có thể hiểu được trong trường hợp Don Faustino – Người nọ nói – Vì lẽ hắn lúc nào cũng là một tên hề, không bao giờ là một con người đàng hoàng đứng đắn. Nhưng chế nhạo một con người có tư cách như Don Guillermo thì không được.
– Tôi đã ớn đến cổ rồi. – Tôi bảo hắn, và quả tình là có thật như vậy, vì tôi nghe bên trong tôi một sự khó ở, mồ hôi tôi tuôn ra và tôi muốn nôn mửa như thể vừa nuốt phải món đồ biển đã thối.
– Vậy thì dứt khoát nhé – Một người trong bọn nói với tôi – Chúng ta sẽ thôi không dự vào đó nữa. Nhưng tôi không biết việc gì lại xảy ra tại những thành phố khác.
– Họ chưa sửa lại những đường dây điện thoại – Tôi nói – Nên lo việc đó.
– Rõ ràng là vậy – Hắn nói – Ai biết được đâu rằng tốt hơn chúng ta nên lo phòng thủ thành phố hơn là đi tàn sát với cả sự rề rà và tàn bạo này.
– Tôi sẽ đi nói với Pablo. – Tôi bảo họ và đứng dậy rời khỏi chiếc băng, bước trên lối đi dưới những ô cửa tò vò dẫn đến cửa tòa Ayuntamiento. Những hàng người bây giờ không còn trật tự gì nữa, những người say sưa bây giờ rất đông và nhiều người thì say quắc cần câu. Hai người đàn ông té nằm dài giữa quảng trường, đang chuyền chai rượu qua lại với nhau. Một người cứ mỗi lần tu một ngụm rượu là hét lên, “Viva la anarquia!” [9], hắn cứ nằm ngửa ra đó mà hét như một tên điên, cổ hắn quấn một chiếc khăn màu đỏ đen. Người kia thì la, “Viva la libertad” [10]. Hắn cũng quấn khăn đỏ đen, một tay hắn vẫy chiếc khăn và một tay hắn đá chai rượu.
Một người nông dân đã rời những hàng người, đang đứng dưới những ô cửa tò vò nhìn họ với vẻ kinh tởm và nói, “Đáng lẽ chúng phải hô lên là say rượu muôn năm mới phải. Những gì chúng tin tưởng chỉ có thế”.
– Chúng lại cũng chẳng tin tưởng ngay cả ở chuyện đó – Một người nông dân khác nói – Bọn đó thì chẳng hiểu biết gì cả và chẳng tin tưởng ở một điều gì cả.
Ngay lúc đó, một trong hai tên say rượu đứng dậy, hai tay giơ cao, bàn tay nắm chặt đưa lên khỏi đầu và hô to “Vô chánh phủ muôn năm! Tự do muôn năm! Cộng Hòa chó chết!”
Tên say rượu kia, còn nằm ngửa, chộp lấy cổ chân tên đang đứng la, hắn lăn tròn làm tên say rượu đang la hét té nhào lên hắn, hai người ôm nhau lăn tròn, rồi ngồi dậy, đoạn tên kéo cẳng ôm cổ tên la hét và đưa cho hắn một chai rượu, rồi hôn lên chiếc khăn đen đỏ của tên này và cả hai cùng uống.
Ngay lúc đó có tiếng hét lên trong hàng và khi nhìn lên lối đi tôi chẳng thấy được ai đang bước ra vì đầu của người đó khuất dưới những cái đầu của những kẻ đang chen chúc trước của tòa Ayuntamiento. Tôi chỉ thấy là có người bị Pablo và Cuatro Dedos dùng mũi súng đẩy ra, nhưng tôi không thấy được là ai, và tôi đến sát những hàng người đang chen chúc trước cửa để xem thử ai.
Bây giờ thì họ chen lấn quá dữ và bàn ghế trong các quán cà phê của bọn phát xít bị lật nhào, trừ một chiếc bàn trên đó có một tên say rượu đang nằm đầu trút xuống, mồm há ra. Tôi nhặt một chiếc ghế kê sát vào một cây cột và leo lên để có thể nhìn qua đầu đám đông.
Người đang bị Pablo và Cuatro Dedos đẩy ra là Don Anastadio Rivas, lão là một tên phát xít chánh hẩu và là người mập nhứt trong thành phố. Lão là một tay buôn lúa và là nhân viên của nhiều công ty bảo hiểm, lão còn là một người cho vay cắt cổ.
Đúng trên ghế tôi có thể trông thấy lão bước xuống các bực thềm, đi về phía hai hàng người, chiếc cổ mập bự của lão to phình trên cổ sơ-mi, và chiếc đầu hói của lão bóng lưỡng dưới ánh mặt trời, nhưng lão chẳng chịu bước vào giữa hai hàng người vì có tiếng la hét, và lần này không phải là tiếng la ó của nhiều người mà là tiếng thét đồng loạt của toàn thể. Một tiếng thét ghê rợn. Những tên người say rượu hè nhau thét lên cùng một lúc, và hàng ngũ bị tan rã vì người ta chay ùa về phía lão, tôi thấy Don Anastasio nằm vật xuống đất hai tay ôm đầu, rồi người ta không còn nhìn thấy lão đâu nữa vì họ đè chồng lên người lão. Và lúc người ta đứng dậy bỏ đi thì Don Anastasio đã chết, đầu bị dập vào đá vệ đường, dưới những ô cửa tò vò, bây giờ thì không còn hàng lối gì nữa mà chỉ còn một đám đông hỗn loạn.
– Mình nhào vô đi – Họ bắt đầu la – Vô tìm tụi nó đi!
– Thằng này nặng quá rinh không nổi – Một người đá vào xác của Don Anastasio đang nằm úp mặt xuống đất – Để nó đó.
– Sao lại phải lôi cái cây thịt đó ra bờ đá? Bỏ mẹ nó đó đi.
– Ta sẽ thanh toán tụi bên trong – Một người la lên – Chúng ta vào đi.
– Sao lại phải đợi cả ngày ngoài nắng! – Một người khác hét to – Nè, tụi mình vào đi!
Đám đông hỗn loạn bây giờ dồn về lối đi dưới những ô cửa tò vò. Họ hò hét, xô đẩy nhau như một bầy thú và tất cả đồng la lên, “Mở ra! Mở ra! Mở ra!” vì mấy tên gác cửa đã đóng chặt cửa tòa Ayuntamiento lúc họ rã hàng.
Đứng trên ghế, tôi có thể nhìn qua khung cửa sổ song sắt, thấy tận trong gian phòng lớn của tòa Ayuntamiento và trong đó, quang cảnh vẫn y như trước. Vị linh mục đang đứng, và tất cả những người còn lại đang quỳ thành nửa vòng tròn quanh ông, tất cả đang cầu ngyện. Pablo đang ngồi trên một chiếc bàn to trước ghế bành của thị trưởng với khẩu súng đeo trên lưng. Hai chân hắn bỏ thõng xuống từ trên bàn và hắn đang vấn một điếu thuốc. Cuatro Dedos thì đang ngồi trong chiếc ghế của tên thị trưởng, chân gác lên mặt bàn và đang phì phà một điếu thuốc.
Tất cả những người có bổn phận canh gác đều ngồi trong các chiếc ghế của bọn viên chức, súng trong tay. Chiếc chìa khóa của cánh cửa cái nằm trên mặt bàn bên cạnh Pablo.
Đám đông cứ la, “Mở ra! Mở ra! Mở ra” như đang hợp ca và Pablo vẫn ngồi đó như không nghe gì. Hắn nói điều gì với vị linh mục nhưng tôi không nghe được vì tiếng ồn ào của đám đông.
Vị linh mục vẫn không trả lời và tiếp tục cầu nguyện. Vì có nhiều người xô lấn, tôi phải dời chiếc ghế sát vào tường, tôi đẩy chiếc ghế ra phía trước trong lúc người ta xô lấn tôi từ phía sau. Tôi đứng lên ghế, mặt dán sát vào song cửa sổ và tay bám chặt lấy mấy chấn song. Một người đàn ông cũng leo lên ghế, đứng lên tay ôm choàng qua cánh tay tôi và nắm lấy mấy chấn song phía ngoài.
– Gãy ghế bây giờ. – Tôi bảo hắn.
– Gãy thì gãy chứ ăn thua gì? – Hắn nói – Coi họ kìa. Coi tụi nó cầu nguyện kìa. – Hơi thở của hắn phà vào cổ tôi sặc mùi của đám đông, của mấy đống ói trên vỉa hè, và mùi say xỉn, đoạn hắn đút mỏ vào giữa mấy song của phía trên vai tôi và la to. “Mở ra! Mở ra! Mở ra!”, và tôi nghe như cả một đám đông đè lên lưng tôi, giống như lúc ta nằm mơ thấy ma đè.
Bây giờ thì đám đông lấn nghẹt về phía cửa đến nỗi những người phía trước muốn dẹp ra, và từ quảng trường một tên say rượu to lớn mặc áo bờ-lu đen quấn khăn đen đỏ chạy ùa tới càn đại vào đám đông, té ra phía trước đè lên mấy người đang xô lấn, rồi đứng dậy, lùi ra xa rồi lại chạy ùa tới nhào lên mấy người đang xô lấn và la to, “Tao muôn năm! Vô chánh phủ muôn năm!”.
Trong lúc tôi đang theo dõi thì người đàn ông này quay đi khỏi đám đông, tìm chỗ ngồi và tu rượu từ trong chai, lúc ngồi xuống, trông thấy Don Anastasio, vẫn còn nằm úp mặt trên lối đi, nhưng đã bị đạp nhừ. Tên say rượu đứng dậy, bước tới chỗ Don Anastasio và cúi xuống đổ rượu lên đầu, lên quần áo của lão rồi cho tay vào túi lấy hộp diêm, hắn đánh lên nhiều que diêm và cố nhóm một đống lửa với Don Anastasio. Nhưng bây giờ gió thổi mạnh, mấy que diêm bị tắt, một lát sau hắn ngồi xuống bên cạnh Don Anastasio, vừa lắc đầu vừa tu rượu từ trong chai, thỉnh thoảng hắn lại nghiêng qua vỗ vai xác chết.
Trong khi đó đám đông hỗn loạn vẫn la hét đòi mở cửa, và người đàn ông cùng đứng trên ghế với tôi cứ nắm chặt lấy song cửa mà réo mở cửa làm tôi lùng bùng cả lỗ tai và cái hơi thở hôi hám của hắn cứ phà vào tôi, tôi thôi không nhìn tên say rượu đang cố châm lửa vào Don Anastasio và quay lại nhìn vào gian phòng rộng của tòa thị sảnh, vẫn y như cũ. Họ vẫn đọc kinh như trước, tất cả những người đó đang quỳ, áo sơ-mi hở cổ, có người gục đầu xuống, có người ngẩng đầu lên và sau lưng họ, Pablo với điếu thuốc bây giờ đã châm lửa, vẫn ngồi đó, trên bàn, hai chân đong đưa, khẩu súng đeo trên vai và tay mân mê chiếc chìa khóa.
Tôi thấy Pablo lại cúi xuống về phía trước để nói với vị linh mục, và vì họ la ó quá nên tôi chẳng nghe được hắn nói gì! Nhưng vị linh mục không trả lời mà tiếp tục đọc kinh. Rồi một người đứng dậy bước ra khỏi đám người quỳ thành hình vòng cung, đang cầu nguyện. Tôi thấy lão muốn bước ra. Đó là Don José Castro, người mà mọi người vẫn gọi là Don Pepe, một tên phát xít chánh hiệu con nai vàng và là một tên lái ngựa; lão đứng dậy, trông dáng người gọn gàng vén khéo, dù rằng râu lão chưa cạo, lão mặc chiếc áo pyjama cho vào trong chiếc quần sọc xám. Lão hôn thánh giá, vị linh mục làm phép lành cho lão, lão đứng dậy, nhìn Pablo và hất đầu về phía cửa.
Pablo lắc đầu, tiếp tục hút thuốc. Tôi có thể trông thấy Don Pepe đang nói cái gì đó với Pablo nhưng không thể nghe được. Pablo không trả lời, chỉ lắc đầu, và nhìn ra cửa.
Đoạn tôi thấy Don Pepe quay lại nhìn ra cửa, thì ra lão chưa hay là cửa đã khóa. Pablo chỉ lão chiếc chìa khóa, lão đứng nhìn nó trong giây lát và lão quay đi, đến quỳ trở lại. Tôi thấy vị linh mục nhìn Pablo chăm chú, Pablo mỉm cười với ông ta và chỉ cho ông ta chiếc chìa khóa, vị linh mục dường như chợt nhận ra là của đã khóa, và dường như ông định lắc đầu nhưng ông chỉ mới nghiêng đầu qua một bên rồi lại tiếp tục cầu nguyện.
Tôi không biết tại sao họ lại không hiểu cửa đã khóa trừ phi họ quá chú tâm đến việc cầu nguyện của họ và những ý nghĩ riêng tư của họ, bây giờ thì chắc chắn họ đã hiểu, hiểu những tiếng la ó và hẳn họ đã hiểu rằng tất cả đã thay đổi. Nhưng họ thì vẫn như trước.
Bây giờ thì tiếng la ó quá to đến nỗi người ta không còn nghe gì được nữa, và tên say rượu cùng đứng trên ghế với tôi cố lắc mạnh mấy song cửa và quát to “Mở ra! Mở ra! Mở ra!” đến lạc cả giọng.
Tôi nhìn Pablo nói chuyện với vị linh mục và vị linh mục không hé miệng trả lời, tôi thấy Pablo lắc đầu. Đoạn hắn ngoái cổ lại nói với Cuatro Dedos, và Cuatro Dedos ra lịnh cho mấy người canh gác, rồi tất cả đứng dậy và lui xa cuối phòng, đứng nhìn xuống.
Tôi thấy Pablo nói cái gì đó với Cuatro Dedos và hắn lật hai cái bàn và mấy chiếc ghế dài tạo nên một chướng ngại vật trong một góc phòng, mấy người canh gác đứng phía sau, tay ghìm súng. Pablo cúi xuống dùng mũi súng gõ nhẹ vào vai vị linh mục, vị linh mục lại cũng không để ý gì đến hắn, nhưng tôi thấy Don Pepe nhìn hắn thì hắn lại lắc đầu, cầm chìa khóa đưa cao lên cho Don Pepe thấy. Don Pepe hiểu ý, lão gục đầu xuống và bắt đầu cầu nguyện rất nhanh.
Pablo nhảy khỏi bàn, đi vòng lại chiếc ghế của viên thị trưởng đặt trên bục cao sau chiếc bàn họp dài. Hắn ngồi vào ghế và vấn một điếu thuốc, luôn đưa mắt theo dõi mấy tên phát xít đang cầu nguyện với vị linh mục. Trên mặt hắn không biểu lộ một nét gì, chiếc chìa khóa vẫn nằm trên bàn, trước mặt hắn. Đó là một chiếc chìa khóa to bằng sắt dài hơn ba tấc. Rồi Pablo kêu mấy người canh gác lại dặn dò điều gì đó mà tôi không nghe được và một người canh gác đi ra cửa. Tôi thấy họ đọc kinh nhanh hơn lúc nào hết và tôi biết là bây giờ thì tất cả đều đã hiểu rõ.
Pablo nói điều gì đó với vị linh mục, nhưng vị linh mục vẫn không trả lời. Rồi Pablo chồm tới lấy chiếc chìa khóa tung lên cho người canh gác ở cửa. Người này bắt lấy và Pablo mỉm cười với hắn. Hắn tra chìa khóa vào cửa, mở và kéo cửa về phía hắn đoạn nhảy thụt ra sau cánh cửa trong lúc đám đông hỗn loạn tràn vào.
Tôi thấy họ tuôn vào và ngay lúc ấy tên say rượu cùng đứng chung trên ghế với tôi bắt đầu hét to, “Hê! Hê!” và lủi đầu tới trước làm tôi không thấy được gì, hắn lại la to, “Giết tụi nó! Đập tụi nó! Đập tụi nó. Ừ, vậy đó! Đập tụi nó! Giết tụi nó! Đồ súc sinh! Đồ cabrones! Đồ cabrones!”
Tôi dùng khuỷu tay thúc mạnh vào hắn và nói: “Đồ cabron! Đồ say rượu! Để tao coi nào!”
Rồi hắn lấy hai tay nhận đầu tôi xuống để trông thấy rõ hơn và chồm lên đè cả lên đầu tôi và tiếp tục la, “Đập tụi nó! Ừ, vậy đó! Đập tụi nó!”
– Đập mày đây nè – Tôi nói và thúc mạnh vào chỗ nhược làm hắn đau điếng, hắn buông tay khỏi đầu tôi và ôm vào chỗ đau, hắn nói: “No hay derecho, mujer [11]. Mụ này không được quyền làm vậy!”. Và lúc đó, nhìn qua các song cửa sổ, tôi thấy gian phòng đầy người, họ đang dùng gậy mà nhịp, dùng đòn mà đập và dùng chĩa mà chọt, mà đánh, mà đẩy, mà xeo lên và những chiếc chĩa bằng gỗ màu trắng bây giờ đã thành màu đỏ, răng cỏ gãy hết. Cảnh đó diễn ra khắp phòng, chỗ nào cũng có trong khi Pablo vẫn ngồi trong ghế bành với khẩu súng đặt trên hai đầu gối, theo dõi; họ vừa la, vừa đập, vừa đâm, còn những người kia thì rú lên như bầy ngựa trong cơn hỏa hoạn. Tôi trông thấy vị linh mục, áo xống tốc lên, đang leo lên một chiếc ghế dài và mấy người rượt theo dùng lưỡi liềm, vòng hái mà chém, có người chộp được áo ông, có tiếng thét lên, rồi lại có tiếng thét lên và tôi thấy có hai người dùng lưỡi liềm và vòng hái chém vào lưng ông trong lúc ba người khác giữ lấy vạt áo dài của ông, hai tay vị linh mục đưa lên cao, bám vào thành một chiếc ghế; và chiếc ghế mà tôi đang đứng bỗng gãy, tôi và tên say rượu té xuống vỉa hè nặc nồng mùi rượu, mùi ói mửa, tên say rượu chỉ ngón tay vào mặt tôi và nói: “No hay derecho mujer, no hay derecho. Mụ này làm tôi bị thương rồi”. Và người ta dẫm lên chúng tôi để vào tòa Ayuntamiento. Tôi chỉ thấy toàn là chân của những người đang chạy ùa vào cửa, tên say rượu ngồi dậy trên vỉa hè nhìn tôi vừa ôm chỗ đau.
Đó là đoạn kết của cuộc tàn sát bọn phát xít tại thành phố của tôi và tôi lấy làm mừng là đã không, thấy được gì thêm, nhưng nếu không có tên say rượu, chắc là tôi đã chứng kiến tất cả. Như vậy hắn cũng có ích ở chỗ nào đó. Vì nếu chứng kiến những điều xảy ra trong tòa Ayuntamiento, chắc ta sẽ hối hận.
Nhưng tên say rượu ngoài quảng trường còn lạ hơn nữa. Lúc chúng tôi đứng dậy sau khi chiếc ghế bị gãy, người ta còn bu đen trong tòa Ayuntamiento. Tôi trông thấy tên say lúc nãy với chiếc khăn quàng đen đỏ đang đổ thứ gì đó lên người của Don Anastisio. Hắn ngả đầu qua lại, hắn ngồi không muốn vững, nhưng hắn vẫn tưới, rồi châm lửa, rồi tưới, rồi lại châm lửa. Tôi bước lại gần hắn và nói, “Làm gì đó thằng nham nhở?”.
– Nada, mujer, nada. Làm gì đâu mụ! – Hắn nói – Để cho tôi yên coi nào!
Và có lẽ vì tôi đứng đó, chân tôi che gió nên que diêm bắt lửa, một ngọn lửa xanh bắt đầu chạy trên vai áo của Don Anastasio và lan ra phía sau cổ; tên say rượu ngẩng đầu lên kêu to: “Tụi nó đốt thây ma! Tụi nó đốt thây ma!”.
– Ai? – Có người hỏi.
– Ở đâu? – Có kẻ khác hỏi to.
– Đây nè – Tên say rượu rống lên – Ngay đây nè.
Rồi có người dùng đòn đập mạnh vào đầu tên say rượu, hắn bật ngủa ra, nằm dài dưới đất, hắn nhìn lên người vừa đánh hắn rồi nhắm mắt lại, tay khoanh trước ngực, hắn nằm đó, bên cạnh Don Anastasio như nằm ngủ. Người đàn ông thôi không đập hắn nữa và hắn vẫn còn nằm đó cho tới khi người ta nhặt xác Don Anastasio và quăng hắn chung với những người khác trên một chiếc xe bò rồi đem ném tất cả xuống sông vào chiều hôm đó, cùng với những tên khác bị thanh toán xong phía bên trong tòa Ayuntamiento. Nếu mà họ đem vất đi chừng hai chục hoặc ba chục tay say rượu thì thành phố hẳn phải khá hơn, nhứt là mấy tên quàng khăn đen đỏ, và nếu có bao giờ chúng ta làm một cuộc cách mạng khác thì tôi tin là chúng ta nên thủ tiêu bọn chúng ngay từ đầu. Nhưng hồi đó chúng tôi chưa nhận ra điều này, ngày hôm sau chúng tôi mới vỡ lẽ ra.
Đêm hôm đó chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy đến. Sau vụ tàn sát tại tòa Ayuntamiento không còn một vụ giết chóc nào, nhưng đêm đó chúng tôi không thể hội họp gì được bởi có quá nhiều người say rượu. Không thể nào có được trật tự và cuộc hội họp đành phải dời lại ngày sau.
Đêm đó tôi ngủ với Pablo. Lẽ ra chị không nên kể điều này cho em nghe, guapa ạ, nhưng về phương diện khác, dầu sao em cũng nên biết mọi chuyện và ít ra thì những điều chị kể cho em nghe đều có thật. Nghe đây Inglés à, chuyện này hay lắm.
Như tôi đã nói, đêm đó chúng tôi đi ăn, và thật lạ. Giống như sau một cơn bão lụt hay một trận đánh, mọi người thấy mệt mỏi và không ai nói nhiều. Riêng tôi, tôi nghe trống rỗng và khó chịu, lòng tràn đầy hối hận và xấu hổ về việc làm sai lầm, tôi buồn bã hết sức và có cảm tưởng sẽ có điều không lành xảy ra, như mấy chiếc máy bay hồi sáng này. Và quả nhiên điều không lành đã xảy ra ba ngày sau đó.
Trong lúc ăn Pablo nói rất ít.
– Em thích như vậy không Pilar. – Sau cùng hắn hỏi tôi, miệng vẫn còn ngậm miếng thịt dê quay. Chúng tôi đang ăn tại chiếc quán nơi trạm khởi hành của xe buýt, phòng ăn đông nghẹt, người ta đang ca hát và việc chạy bàn thành khó khăn.
– Không – Tôi nói – Trừ trường hợp của Don Faustino, em không thấy thích chút nào.
– Anh thích. – Hắn nói.
– Tất cả à? – Tôi hỏi hắn.
– Tất cả – Hắn đáp và dùng dao cắt một miếng bánh mì thật to, chấm nước sốt và nhai ngấu nghiến – Tất cả, ngoại trừ ông linh mục.
– Anh không vừa lòng về ông linh mục à? – Tôi biết hắn ghét linh mục còn hơn cả ghét phát xít nữa.
– Lão làm anh vỡ mộng – Pablo nói. Có quá nhiều người ca hát đến nỗi chúng tôi gần như phải la lớn mới có thể nghe nhau được.
– Tại sao vậy?
– Lão chết coi tệ quá – Pablo nói – Tư cách yếu quá.
– Sao? Anh muốn lão có tư cách đến cỡ nào nữa trong lúc lão bị săn đuổi bởi đám đông thế kia? – Tôi nói – Em nghĩ lão có thừa tư cách trong suốt khoảng thời gian trước đó. Tất cả tư cách mà một con người có thể có được.
– Đúng – Pablo nói – Nhưng ở phút chót lão đã lạnh cẳng dữ quá.
– Ai lại không lạnh cẳng? – Tôi hỏi – Anh có thấy người ta rượt lão với những thứ gì không?
– Sao lại không – Pablo nói – Nhưng anh thấy lão đã chết một cách tệ hại.
– Trong những trường hợp như vậy bất cứ ai cũng chết nhát hết – Tôi bảo hắn – Phải thế nào mới đích đáng? Mọi việc xảy ra tại tòa Ayuntamiento thật là tồi.
– Đúng – Pablo nói – Tổ chức kém. Nhưng một linh mục phải làm gương.
– Em nghĩ anh không ưa mấy ông nhà tu.
– Đúng – Pablo nói và cắt thêm bánh mì – Nhưng một linh mục Tây Ban Nha nên chết sao cho dẹp mắt.
– Em nghĩ lão đã chết đẹp mắt lắm – Tôi nói – Dù đã bị tước đoạt hết mọi nghi thức.
– Không – Pablo nói – Lão đã làm anh quá thất vọng. Suốt ngày anh trông đợi cái chết của lão linh mục. Anh những tưởng lão sẽ là kẻ sau cùng bước vào giữa hai hàng người. Anh đã chờ đợi việc đó với tất cả sự sốt ruột, chờ đợi như chờ đợi một đỉnh cao, anh chưa bao giờ trông thấy một linh mục chết.
– Còn thì giờ mà – Tôi nói với hắn một cách mỉa mai chua chát – Hôm nay phong trào mới bắt đầu mà.
– Không – Hắn nói – Anh thất vọng rồi.
– Em cho là anh sắp mất niềm tin. – Tôi nói.
– Em không hiểu, Pilar à – Hắn nói – Lão là một linh mục Tây Ban Nha.
– Ôi người Tây Ban Nha! Một dân tộc lạ lùng. – Tôi nói với hắn.
Họ là một dân tộc quá kiêu căng hở Inglés? Một dân tộc lạ lùng!
– Ta phải tiếp tục lên đường đi – Robert Jordan nói và nhìn lên mặt trời – Gần trưa rồi.
– Vâng – Pilar nói – Chúng ta sẽ đi ngay bây giờ nhưng để tôi kể cho đồng chí nghe về Pablo. Đêm đó hắn bảo tôi, “Pilar, đêm nay chúng ta sẽ không làm gì cả”.
– Tốt – Tôi bảo hắn – Em thích thế.
– Anh sợ làm như vậy coi kỳ lắm, sau khi đã giết quá nhiều người.
– Qué va – Tôi bảo hắn – Anh làm như là thánh không bằng. Anh tưởng sống mấy năm trời với mấy tên đấu bò em lại chẳng biết họ thế nào sau những lần đấu bò à?
– Có thật thế không, Pilar? – Hắn hỏi tôi.
– Em có nói dối với anh bao giờ không? – Tôi bảo.
– Anh nói thật, Pilar à. Tối nay anh tiêu rồi, không còn gì nữa. Em không trách anh chớ?
– Không, hombre – Tôi bảo hắn – Nhưng đừng giết người mỗi ngày Pablo ạ!
Và đêm đó hắn ngủ như một đứa trẻ thơ và tôi đánh thức hắn vào lúc hừng sáng. Nhưng đêm đó tôi lại không ngủ được, tôi thức dậy, ngồi trên chiếc ghế dựa nhìn ra cửa sổ, và tôi trông thấy quảng trường dưới ánh trăng, nơi có những hàng người đứng, và ở đầu quảng trường bên kia, tôi trông thấy hàng cây lấp lánh dưới trăng và những cái bóng đen của chúng, những chiếc ghế dài cũng rực lên dưới ánh trăng, những vỏ chai nằm rải rác lóng lánh và rìa bờ đá là nơi chúng bị vứt đi. Không một âm thanh, chỉ có tiếng róc rách ngoài hồ nước, tôi ngồi đó và nghĩ thầm là chúng tôi đã bắt đầu một cách sai lầm.
Cửa sổ mở và phía trên quảng trường, ở quán Fonda, tôi nghe tiếng một người đàn bà đang khóc. Tôi bước ra bao lơn, đứng chân không trên sắt, vầng trăng soi sáng mặt trước các tòa nhà nơi quảng trường và tiếng khóc phát ra từ bao lơn của căn nhà Don Guillermo. Người đàn bà ấy là vợ của lão và bà ta đang quỳ trên bao lơn mà khóc.
Đoạn tôi trở vào phòng và ngồi xuống. Tôi không muốn nghĩ ngợi vì hôm đó là ngày xấu nhất trong đời tôi, cho tới khi ngày kia đến.
– Cái ngày kia thì sao? – Maria hỏi.
– Ba ngày sau, lúc bọn phát xít chiếm thành phố.
– Đừng cho tôi nghe chuyện đó – Maria nói – Em không muốn nghe. Thế đủ rồi. Thế cũng đã quá nhiều rồi.
– Chị đã bảo là em không nên nghe mà. Đây rồi nằm mơ thấy chuyện dữ cho mà coi.
– Không – Maria nói – Nhưng em không muốn nghe nữa.
– Tôi muốn lúc nào đó chiến hữu sẽ kể cho tôi nghe. – Robert Jordan nói.
– Để rồi tôi sẽ kể – Pilar nói – Nhưng Maria nghe có hại.
– Em không muống nghe đâu. – Maria khẩn khoản – Chị Pilar à, nếu có em đó thì chị đừng kể, vì lúc đó dù cho không muốn nghe, em vẫn phải nghe.
Môi nàng run run, và Robert Jordan nghĩ là nàng có thể bật khóc.
– Thôi, Pilar. Đừng kể.
– Đừng lo! Em bé à – Pilar nói – Đừng lo. Nhưng hôm nào chị sẽ kể cho Inglés nghe.
– Nhưng em muốn có mặt với Inglés lúc đó – Maria nói – Ồ chị Pilar, đừng có kể gì hết.
– Chị sẽ kể cho ông ấy nghe lúc em đang bận công việc.
– Đừng, đừng. Em xin. Thôi đừng nói gì hết về chuyện đó.
– Đúng ra là phải kể chuyện đó một khi chị đã kể những chuyện bọn này đã làm, như vậy mới công bằng – Pilar nói – Nhưng em sẽ không bao giờ được nghe.
– Không có chuyện gì vui để nói sao? – Maria hỏi – Mình có bắt buộc phải kể đến những chuyện khủng khiếp mãi hay không?
– Chiều nay, – Pilar nói – em và Inglés, hai người muốn nói gì thì nói.
– Vậy xin buổi chiều hãy đến – Maria nói – Xin buổi chiều hãy đến mau.
– Buổi chiều sẽ tới – Pilar nói với nàng – Buổi chiều sẽ tới như bay và cũng sẽ ra đi nhanh rồi ngày mai cũng sẽ đến như bay.
– Chiều nay, – Maria nói – chiều nay. Xin buổi chiều hãy đến mau.
————————————-
[1] Nhưng lại đây.
[2] Không à?
[3] Nào!
[4] Quảng trường.
[5] Bọn vô lại.
[6] Tây Ban Nha muôn năm.
[7] Tốt, có ích lắm.
[8] Xin chờ lịnh.
[9] Vô chính phủ muôn năm!
[10] Tự do muôn năm!
[11] Không đúng, mụ này.