CLAUDE LÉVI-STRAUSS & CƠ CẤU LUẬN

  • …..
  •  MỘT THỜI “CƠ CẤU LUẬN”


ING.256Về Cơ Cấu Luận. hình như có một mối liên hệ đặc biệt và thâm sâu nào đó nối kết hành trình học hỏi nghiên cứu của cá nhân chúng tôi với Cơ Cấu luận hơn với bất cứ trào lưu Văn Hóa cận đại Tây Phương nào khác! Một trong những lý do chính yếu có lẽ là khi chúng tôi bước vào ngưỡng cửa Đại Học vào cuối thập niên 1960, Claude Lévi-Strauss và Cơ Cấu luận đang là “hiện tượng” làm “chấn động” cả thế giới khoa học Nhân Văn ! Chúng tôi còn nhớ bầu khí “sôi nổi” hứng thú của các nhóm bạn bè thân hữu  đang theo học các Phân Khoa khác nhau trong khuôn viên Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, đang bàn tán xôn xao về đề tài “ăn khách” nhất của thời kỳ này!

Bên phân khoa Văn Chương Pháp là Michel Foucault với tác phẩm “Les Mots et les Choses”, là Roland Barthes với “Le Degré Zéro de l’Écriture” v.vv..Đã thấy thấp thoáng có người đang cầm trên tay các tác phẩm nêu trên mượn từ Trung Tâm Văn Hóa Pháp (Centre Culturel FranÇais) thời đó nằm kế bệnh viện Đồn Đất cách ĐHVK không xa lắm, hoặc nhờ thân nhân bạn hữu mua giùm từ bên Pháp để xử dụng trong các lớp Dự Bị, Chứng Chỉ hay ngay cả để sửa soạn cho Tiểu Luận Cao Học ban Văn Chương Pháp!

Bạn bè theo học  phân khoa Nhân Văn cũng đang được dạy về Claude Lévi-Strauss. Bên ban Triết Đông, giống như đối với bất cứ nhà Tư Tưởng, Triết Gia “Thế Giá” nào của Tây Phương, Cố Triết Gia Kim Định cũng đang nghiên cứu về Claude Lévi-Strauss và Cơ Cấu luận, mà Ông có dịp đề cập trong tác phẩm “Cơ Cấu Việt Nho” ra “trình làng” không lâu sau đó!

Các tập san “Bách Khoa”, “Tư Tưởng”v.vv..của Miền Nam Việt Nam thời đó đều có bài giới thiệu trào lưu Cơ Cấu luận. Riêng tại Pháp, quê hương của Claude Lévi-Strauss, năm 1966 được giới cầm bút “phong thánh” là “Năm của Cơ Cấu Luận”. Ở  Paris, cả năm tập san hàng đầu đều dành một số Đặc Biệt cho Cơ Cấu luận . Riêng tập san “Esprit” tổ chức một cuộc Hội Thảo về đề tài hấp dẫn này. Các sách xuất bản về Cơ Cấu luận bán chạy như “tôm tươi”: 5000 bản in ấn tác phẩm “Écrits” của Jacques Lacan bán hết trong vòng hai tuần lễ; độc giả “tiêu thụ” 800 bản in tác phẩm “les Mots et les Choses” của Michel Foucault trong vòng năm ngày, Roland Barthes cho “ra đời” “Critique et Vérité”, Georges Dumézil trong “La Religion Romaine Archaique”, Tsvetan Todorov trong “Théorie de la Littérature” đều đề cập ít nhiều đến Cơ Cấu luận v.vv..Riêng Algirdas Greimas với “Sémantique Structurale” nhờ nghe lời vị giám đốc nhà phát hành khuyên nên thêm từ ngữ “Structurale” vào Tựa của tác phẩm,  nhờ đó đã bán thêm được 1000 bản!

Thật vậy, “làn sóng” Cơ Cấu luận đang tràn ngập môi trường Trí Thức Pháp thời đó có thể được “ví von” như là “nước vỡ bờ”, vượt qua “cương thổ” xuất phát là địa hạt Ngôn Ngữ học, cũng như môi trường Hàn Lâm ban đầu để lần lượt “chinh phục” không những các lãnh vực Nhân Chủng, Xã Hội, Kinh Tế, Lịch Sử, Triết Học, khảo cứu  Văn Học, mà còn làm “điên đảo” các nhà Phân Tâm học, Phê Bình Văn Học và Điện Ảnh với “Chân Lý Mặc Khải” là CHÍNH CƠ CẤU XÁC ĐỊNH MỌI  SÁNG TẠO CỦA CON NGƯỜI!

Trào lưu Cơ Cấu luận kéo dài khoảng từ một tới hai thập niên. Vào tháng năm 1966, số thứ ba tập san “Cahiers pour l’Analyse” mời Jacques Lacan, một trong “Tứ Trụ” (les quatre Grands) của Cơ Cấu Luận, cộng tác . Lacan viết như sau: “Phân Tâm học như là môn Khoa Học sẽ có tính chất “Cơ Cấu” đến chỗ sẽ đi đến việc từ chối sự hiện hữu của một “Chủ Thể”…. Còn theo Sử gia François Dosse, Apex tên của phong trào đem Cơ Cấu luận đi truyền bá ra khắp bốn phương trời trong lãnh vực Khoa Học, chân nhận sự hiện hữu của “chất men” Cơ Cấu luận như là nguyên nhân của cơn say “bí tỉ” đang “hoành hành” trong giới Trí Thức Pháp vào thời kỳ này mà đỉnh cao là niên biểu 1966 tại Paris,”thủ đô ánh sáng” của nước Pháp! Roland Barthes thì xác định là các chuyện kể của ông từ nay phải từ bỏ tính chất “biên niên”, còn Tzvetan Todorov phải cậy đến Cơ Cấu luận để đem lại cho môn Văn Chương tính chất “Khoa Học”, trong khi đó Jean Pouillon cho rằng trào lưu Cơ Cấu Luận là “hiện tượng” tất yếu không thể nào tránh được v.vv..

  • TRÀO LƯU CƠ CẤU LUẬN

Trào lưu Cơ Cấu luận đã đem lại bầu khí Văn Hóa “sôi động”, “hào hứng” vào thập niên 1960 tại Pháp, nhất là Paris, bầu khí mà Đại Học Văn Khoa Sài Gòn phần nào chia xẻ có lẽ do mối liên hệ thân cận lâu đời của phần lớn giới Trí Thức Miền Nam thời đó với nền Văn Hóa Pháp. Và giới nghiên cứu thường đề cập tới “Tứ Trụ” (les quatre Grands) của Cơ Cấu luận là Claude Lévi-Strauss, Michel Foucault, Louis Althusser và Jacques Lacan. Một ngưới thứ năm cũng thường được nhắc đến trong lãnh vực Triệu Chứng học (Sémiologie) và phê bình Văn Học là Roland Barthes.

  • CLAUDE LÉVI-STRAUSS và CƠ CẤU LUẬN

A) CUỘC ĐỜI
Lévy Straưs sanh ngày 28.11.1908 Hàn Lâm Viện Pháp năm 1973
Nhưng nhân vật quan trọng nhất, người được xem là Sáng Lập ra Cơ Cấu luận trong khoa học Nhân Văn là Claude Lévi-Strauss. Nhưng mới thoạt trông từ bên ngoài cả về nguồn gốc gia đình, lãnh vực học vấn, lẫn sinh hoạt ở thời trai trẻ, khó có ai đoán trước được những thành tựu của ông sau này về mặt Sự Nghiệp và Văn Hóa!

Xuất thân từ một gia đình Nghệ Sĩ  mà thân phụ là một Họa Sĩ, tốt nghiệp “École Normale Supérieure” bộ môn Triết Học, có thời thử mon men vào địa hạt Chính Trị, nếu bình thường thì ông có thể sẽ trở thành một công chức kín đáo, gương mẫu trong một Bộ, Sở hay một trong trăm, ngàn nhà giáo Pháp kiều đang sinh sống ở một xứ sở xa xôi nào đó, nhưng có lẽ  ít ngưới trông chờ là ông sẽ trở thành nhà Nhân Chủng học Nổi Tiếng nhất đương thời, Chuyên Viên Thượng Thặng về các xã hội cổ truyền của Mỹ Châu, Sáng Lập ra một Trào Lưu Tư Tưởng đã từ ít lâu và với một tỷ xích rộng lớn, vượt qua giới hạn của ngành chuyên môn của mình là Nhân Chủng Học!

Nhưng Cơ Duyên đã đến vào năm 1934 lúc vừa tốt nghiệp “École SUP.” môn Triết, đang  chán nản thất vọng về cả hai mặt Nghề Nghiệp và hoạt động Chính Trị, Claude Lévi-Strauss đã nhận một chức Giảng Sư về môn Xã Hội học tại Đại Học São Paulo ở Ba Tây. Trong thời gian ở xứ sở xa xôi này, ông đã có dịp tiếp xúc với thổ dân Da Đỏ qua những cuộc  thám hiểm khảo cứu Dân Tộc học trong miền Gatto Grosso và vùng trung bộ Amazonie.

Năm 1939 ông trở về Pháp và bị động viên. Khi Thế Chiến thứ Hai bùng nổ, để tránh chính sách Kỳ Thị người Do Thái của Đức Quốc Xã, ông di cư sang Hoa Kỳ và cùng với các Trí Thức Pháp Kiều khác  thời đó tại Hoa Kỳ như Jacques Maritain, Henri Focillon, Roman Jacobson..vvv..thành lập “École Libre des Hautes Études”, một loại Đại Học “lưu vong” của giới Trí Thức tỵ nạn Pháp thời đó. Claude Lévi-Strauss theo dạy tại “New School for Social Research” ở New York, viết sách về bộ lạc Nambikwaras ở Ba Tây, và bắt đầu chuyên về môn Nhân Chủng học Mỹ Châu. Tới khi nước Pháp được giải phóng, ông giữ chức  Cố Vấn Văn Hóa cạnh Tòa Đại Sứ Pháp. Ông từ bỏ chức vụ này  vào năm 1947 để trở về Pháp đệ trình luận án Tiến Sĩ  với đề tài “Les Structures Élementaires de la Parenté” và “La Vie Familiale et Sociale chez les Indiens Namikwaras” vào năm 1948, cũng như để có thì giờ tham gia nhiều hơn vào công tác nghiên cứu Dân Tộc học tại “Musée de l’Homme” rồi thế chỗ nhà Dân Tộc học Marcel Mauss tại “École Pratique des Hautes Études”. Tuy nhiên, “hoạn lộ” của ông không phải lúc nào cũng được suôn sẻ : lý do phải chăng là vì trào lưu Cơ Cấu luận vào thời kỳ đó bị xem là quá “Avant-Garde” ( = Tiền Phong) nên các vị “chức sắc thủ cựu” tại “Collège de France” hai lần từ chối đơn của ông cũng như  ông phải đợi 9 năm trời ròng rã mới thực hiện được ý nguyện của mình!

Năm 1953, Đại Học Harvard gởi “đặc sứ” qua Pháp để tuyển dụng ông, nhưng ông từ chối. Cuối cùng, năm 1959, Claude Lévi-Strauss đã chính thức được mời dạy môn Nhân Học Xã Hội (Anthropologie Sociale) tại “Collège de France” và năm 1961 thành lập một Phòng Thí Nghiệm lớn của bộ môn này, đồng thời cho ra mắt tập san “L’Homme” không bao lâu trở thành tập san hàng đầu trong ngành chuyên môn của ông.

Sau khi hoàn tất “trường thiên” Huyền Thoại bốn tập “Mythologiques” vào năm 1971, hai năm sau (1973)  ông đắc cử vào Hàn Lâm Viện Pháp (Académie FranÇaise): Danh Dự Cao Quý nhất đối với một Trí Thức Pháp . Ông cũng là thành viên của “American Academy of Arts & Letters”, đoạt các Giải Thưởng Éramus (1973), Meister-Eckhart (2003) về Triết Học, được trao các bằng Tiến Sĩ Danh Dự tại các Đại Học hàng đầu trên thế giới như Oxford, Harvard, Columbia, và các Huy Chương như “Grand Croix de la Légion d’Honneur”, “Commandeur de l’Ordre National du Mérite”, “Commandeur des Arts et des Lettres”.

Và là một Danh Dự hiếm có đối với một Tác Giả còn sống, năm 2008 “Bibliothèque de la Pléiade” bắt đầu cho xuất bản các tác phẩm chính yếu của Claude Lévi-Strauss.

B) TÁC PHẨM

1) TRISTES TROPIQUES (1955)

Cá nhân chúng tôi bắt đầu làm quen Con Người và Tư Tưởng của Claude Lévi-Strauss qua tác phẩm “Tristes Tropiques” và có “cảm tình” ngay với tác giả! Lý do có lẽ là tác phẩm đã đáp ứng được Sở Thích đã có sẵn trong chúng tôi từ thời niên thiếu đối với cả hai lãnh vực Văn Chương lẫn Triết Học.

Sở dĩ  tác phẩm trên có vị trị khá đặc biệt trong Sự Nghiệp của Claude Lévi-Strauss, có lẽ là vì trái ngược với các tác phẩm khác của ông, “Tristes Tropiques” nói lên được một khía cạnh độc đáo, bất ngờ của con người Lévi-Strauss: đó là khía cạnh của một NHÀ VĂN với óc quan sát rất tinh tế, bén nhạy đối với màu sắc, tiếng động, khung cảnh sinh hoạt chung quanh, có khả năng gây hứng thú cho độc giả đồng điệu, một DU KHÁCH với rất nhiều chuyện kể, nhưng khác với đa số các người đi du lịch khác, Không đi tìm những gì Hời Hợt, Hào Nháng, Giật Gân bên ngoài, mà đưa tầm nhìn sâu hơn, xa hơn  vào lòng biến cố, sự vật để mong tìm ra trong đó những mối liên hệ ngầm mà con mắt bình thường không thể nào thấy được, một nhà NHÂN CHỦNG vào thời kỳ đó còn trong giai đoạn “tập sự”, nhưng với cái nhìn “lạ lẩm” tra hỏi, đang làm quen với hiện trường nghiên cứu sống động là các bộ lạc Da Đỏ ở Mỹ Châu, với kèm theo nỗi lo âu khôn nguôi đến độ trở thành ám ảnh. Lý do là tác giả sợ rằng mình không còn đủ thì giờ để “nắm bắt” được một chút Hồn Thiêng của Tổ Tiên Nhân Loại đang  ẩn tàng trong sinh hoạt, nếp sống, nếp nghĩ của các bộ tộc các sắc dân thiểu số còn sót lại ở Mỹ Châu và các nơi khác trên Thế Giới. Thật vậy, Claude Lévi- Strauss luôn có cảm giác là như đang tham dự  vào một cuộc “chạy đua nước rút với thời gian” trước  sự tan rã nhanh chóng và trên đà ra đi vĩnh viễn của các sắc dân thiểu số giữa  cơn “tiến bước” như thác lũ như vũ bão của Văn Minh Tây Phương và hiện tượng Toàn Cầu Hoá!

Với “Tristes Tropiques”, ngoài những hồi niệm về cuộc đời tỵ nạn lưu lạc ở xứ Mỹ thời đệ nhị Thế Chiến, còn có những nhận xét tinh tế, độc đáo về sinh hoạt  của các sắc tộc thiểu số Da Đỏ, đôi khi điểm thêm những chi tiết không thiếu phần hoạt kê, dí dỏm, hài hước như trường hợp một người thổ dân vùng Matto Grosso chuyên nghề “hàng thịt”: y bị “ám ảnh” bởi sự hiện diện của những con voi to lớn đến nỗi phải thốt lên rằng “tôi không thể nào tưởng tượng là có thể có một số lượng thịt nhiều như vậy tại một nơi”! Bên cạnh là những suy tư TRIẾT HỌC về những tác giả nổi tiếng như Freud, Marx, Darwin…vvv.., những đoạn văn viết về các TÔN GIÁO Lớn như Đạo Hồi, Đạo Thiên Chúa, Đạo Phật và nhất là VĂN MINH Tây Phương nhìn dưới góc cạnh Tiêu Cực. 

Theo tác giả, vì xử dụng quá nhiều Lý Trí và Kỹ Thuật, nên người Tây Phương đã và đang làm tiêu hủy “màn sương khói Mộng Mơ” đã từng giúp các bộ lạc Nguyên Thủy tìm thấy được Ý Nghĩa ẩn tàng trong Vũ Trụ, Vạn Vật. Với giọng văn u buồn, man mác của một người với bản tính trầm lặng, biết tự chế, phải chăng “Tristes Tropiques” là “Tiếng Gọi Hồn Ai” của những Cư Dân Cuối Cùng của một “Thiên Đường Đã Mất”?!

Đúng là một KIỆT TÁC! Không lạ gì “Tristes Tropiques” đã là sách “Gối Đầu Giường” của ít nhất ba thế hệ Sinh Viên ban Nhân Chủng, và của nhiều người khác nữa. Cũng như Ban Tổ Chức Giải Goncourt, Giải Thường Văn Chương Uy Tín của Pháp, đã than phiền và lấy làm tiếc rẻ là đã không được phép trao Giải này cho tác phẩm “Tristes Tropiques” của Claude Lévi-Strauss: lý do đơn giản là về phương diện kỹ thuật, “Tristes Tropiques” không thể  được xếp vào loại “Tiểu Thuyết” !

Ngoài Tristes Tropiques” (1955), những tác phẩm chính khác của Claude Lévi-Strauss là: Race & Histoire (1961), Les Structures Élémentaires De La Parenté (1949), Le Totémisme Aujourd’hui (1962), Anthropologie Structurale (1958), La Pensée Sauvage (1962), Mythologiques (1961-1974).

Nhân dịp Sinh Nhật 100 năm của Claude Lévi-Strauss (2008), chúng tôi có viết một loạt bài với tựa đề Cơ Cấu Luận, Việt Nho & Tư Tưởng Hậu Hiện Đại gồm các tiểu mục sau đây:

1) Claude Lévi-Strauss & Khoa Học Nhân Văn

2) Claude Lévi-Strauss & Quan Niệm Mới Về Văn Minh

3) Ảnh Hưởng Của Claude Lévi-Strauss Trong Lãnh Vực Nhân Văn

4) Cơ Cấu Luận, Dịch Học & Vấn Đề Cũ Mới

5) Cơ Cấu Luận & Các Trào Lưu Văn Hóa Khác

nhằm  cố gắng trình bày Cuộc Đời và Tư Tưởng của một trong những nhà Tư Tưởng Lớn Nhất của thế kỷ 20.

Nguyễn Tiến Nam

Tìm Kiếm