Lê Việt Thường
CLAUDE LÉVI-STRAUSS VÀ KHOA HỌC NHÂN VĂN
DẪN NHẬP MỘT THỜI ‘CƠ CẤU LUẬN’
Về Cơ Cấu Luận, hình như có một mối liên hệ đặc biệt và thâm sâu nào đó nối kết hành trình học hỏi nghiên cứu của cá nhân chúng tôi với Cơ Cấu Luận hơn với bất cứ trào lưu Văn Hóa cận đại Tây Phương nào khác! Một trong những lý do chính yếu có lẽ là khi chúng tôi bước vào ngưỡng cửa Đại Học vào cuối thập niên 1960, Claude Lévi-Strauss và Cơ Cấu luận đang là hiện tượng làm chấn động cả thế giới khoa học Nhân Văn ! Chúng tôi còn nhớ bầu khí sôi nổi hứng thú của các nhóm bạn bè thân hữu đang theo học các Phân Khoa khác nhau trong khuôn viên Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, đang bàn tán xôn xao về đề tài ‘ăn khách’ nhất của thời kỳ này!
Bên phân khoa Văn Chương Pháp là Michel Foucault với tác phẩm ‘Les Mots et les Choses’, là Roland Barthes với ‘Le Degré Zéro de l’Écriture’…vvv…Đã thấy thấp thoáng có người đang cầm trên tay các tác phẩm nêu trên mượn từ Trung Tâm Văn Hóa Pháp (Centre Culturel Français) thời đó nằm kế bệnh viện Đồn Đất cách ĐHVK không xa lắm, hoặc nhờ thân nhân bạn hữu mua giùm từ bên Pháp để sử dụng trong các lớp Dự Bị, Chứng Chỉ hay ngay cả để sửa soạn cho Tiểu Luận Cao Học ban Văn Chương Pháp !
Bạn bè theo học phân khoa Nhân Văn cũng đang được dạy về Claude Lévi-Strauss. Bên ban Triết Đông, giống như đối với bất cứ nhà Tư Tưởng, Triết Gia ‘Thế Giá’ nào của Tây Phương, Cố Triết Gia Kim Định cũng đang nghiên cứu về Claude Lévi-Strauss và Cơ Cấu luận, mà Ngài có dịp đề cập trong tác phẩm ‘Cơ Cấu Việt Nho’ ra ‘trình làng’ không lâu sau đó!
Các tập san ‘Bách Khoa’, ‘Tư Tưởng’…vvv… của Miền Nam Việt Nam thời đó đều có bài giới thiệu trào lưu Cơ Cấu luận. Riêng tại Pháp, quê hương của Claude Lévi-Strauss, năm 1966 được giới cầm bút ‘phong thánh’ là ‘Năm của Cơ Cấu Luận’. Ở Paris, “cả năm tập san hàng đầu đều dành một số Đặc Biệt cho Cơ Cấu luận . Riêng tập san ‘Esprit’ tổ chức một cuộc Hội Thảo về đề tài hấp dẫn này. Các sách xuất bản về Cơ Cấu luận bán chạy như ‘tôm tươi’: 5000 bản in ấn tác phẩm ‘Écrits’ của Jacques Lacan bán hết trong vòng hai tuần lễ; độc giả ‘tiêu thụ’ 800 bản in tác phẩm ‘les Mots et les Choses’ của Michel Foucault trong vòng năm ngày, Roland Barthes cho ‘ra đời’ ‘Critique et Vérité’, Georges Dumézil trong ‘La Religion Romaine Archaique’, Tsvetan Todorov trong ‘Théorie de la Littérature’ đều đề cập ít nhiều đến Cơ Cấu luận…vvv…Riêng Algirdas Greimas với ‘Sémantique Structurale’ nhờ nghe lời vị giám đốc nhà phát hành khuyên nên thêm từ ngữ ‘Structurale’ vào Tựa của tác phẩm, nhờ đó đã bán thêm được 1000 bản!
Thật vậy, ‘làn sóng’ Cơ Cấu luận đang tràn ngập môi trường Trí Thức Pháp thời đó có thể được ‘ví von’ như là ‘nước vỡ bờ’, vượt qua ‘cương thổ’ xuất phát là địa hạt Ngôn Ngữ học, cũng như môi trường Hàn Lâm ban đầu để lần lượt ‘chinh phục’ không những các lãnh vực Nhân Chủng, Xã Hội, Kinh Tế, Lịch Sử, Triết Học, khảo cứu Văn Học, mà còn làm ‘điên đảo’ các nhà Phân Tâm học, Phê Bình Văn Học và Điện Ảnh với ‘Chân Lý Mặc Khải’ là CHÍNH CƠ CẤU XÁC ĐỊNH MỌI SÁNG TẠO CỦA CON NGƯỜI!”(1)
Trào lưu Cơ Cấu luận kéo dài khoảng từ một tới hai thập niên. Vào tháng năm 1966, số thứ ba tập san ‘Cahiers pour l’Analyse’ mời Jacques Lacan, một trong ‘Tứ Trụ’ (les quatre Grands) của Cơ Cấu Luận, cộng tác . Lacan viết như sau: ‘Phân Tâm học như là môn Khoa Học sẽ có tính chất Cơ Cấu đến chỗ sẽ đi đến việc từ chối sự hiện hữu của một Chủ Thể…. Còn theo Sử gia Francois Dosse, Apex tên của phong trào đem Cơ Cấu luận đi truyền bá ra khắp bốn phương trời trong lãnh vực Khoa Học, chân nhận sự hiện hữu của ‘chất men’ Cơ Cấu luận như là nguyên nhân của cơn say ‘bí tỉ’ đang ‘hoành hành’ trong giới Trí Thức Pháp vào thời kỳ này mà đỉnh cao là niên biểu 1966 tại Paris,’thủ đô ánh sáng’ của nước Pháp! Roland Barthes thì xác định là các chuyện kể của ông từ nay phải từ bỏ tính chất ‘biên niên’, còn Tzvetan Todorov phải cậy đến Cơ Cấu luận để đem lại cho môn Văn Chương tính chất ‘Khoa Học’, trong khi đó Jean Pouillon cho rằng trào lưu Cơ Cấu Luận là ‘hiện tượng’ tất yếu không thể nào tránh được…vvv… (2)
Thật vậy, trào lưu Cơ Cấu luận đã đem lại bầu khí Văn Hóa sôi động, hào hứng vào thập niên 1960 tại Pháp, nhất là Paris, bầu khí mà Đại Học Văn Khoa Sài Gòn phần nào chia xẻ có lẽ do mối liên hệ thân cận lâu đời của phần lớn giới Trí Thức Miền Nam thời đó với nền Văn Hóa Pháp. Và giới nghiên cứu thường đề cập tới ‘Tứ Trụ’ (les quatre Grands) của Cơ Cấu luận là Claude Lévi-Strauss, Michel Foucault, Louis Althusser và Jacques Lacan. Một ngưới thứ năm cũng thường được nhắc đến trong lãnh vực Triệu Chứng học (Sémiologie) và phê bình Văn Học là Roland Barthes.
PHẦN MỘT: CLAUDE LÉVI-STRAUSS và CƠ CẤU LUẬN
1) CUỘC ĐỜI
Claude Lévi-Strauss sanh ngày 28.11.1908
Hàn Lâm Viện Pháp năm 1973
Nhưng nhân vật quan trọng nhất, người được xem là Sáng Lập ra Cơ Cấu luận trong khoa học Nhân Văn là Claude Lévi-Strauss. Tuy nhiên, mới thoạt trông từ bên ngoài cả về nguồn gốc gia đình, lãnh vực học vấn, lẫn sinh hoạt ở thời trai trẻ, khó có ai đoán trước được những thành tựu của ông sau này về mặt Sự Nghiệp và Văn Hóa !
Xuất thân từ một gia đình Nghệ Sĩ mà thân phụ là một Họa Sĩ, tốt nghiệp ‘École Normale Supérieure’ bộ môn Triết Học, có thời thử mon men vào địa hạt Chính Trị, nếu bình thường thì ông có thể đã trở thành một công chức kín đáo, gương mẫu trong một Bộ, Sở hay một trong trăm, ngàn nhà giáo Pháp kiều đang sinh sống ở một xứ sở xa xôi nào đó, nhưng có lẽ ít ngưới trông chờ là ông sẽ trở thành nhà Nhân Chủng học Nổi Tiếng nhất đương thời, Chuyên Viên Thượng Thặng về các xã hội cổ truyền của Mỹ Châu, Sáng Lập ra một Trào Lưu Tư Tưởng đã từ ít lâu và với một tỷ xích rộng lớn, vượt qua giới hạn của ngành chuyên môn của mình là Nhân Chủng Học!
Nhưng “Cơ Duyên đã đến vào năm 1934 lúc vừa tốt nghiệp “Normale Sup.” môn Triết, đang chán nản thất vọng về cả hai mặt Nghề Nghiệp và hoạt động Chính Trị, Claude Lévi-Strauss đã nhận một chức Giảng Sư về môn Xã Hội học tại Đại Học São Paulo ở Ba Tây. Trong thời gian ở xứ sở xa xôi này, ông đã có dịp tiếp xúc với thổ dân Da Đỏ qua những cuộc thám hiểm khảo cứu Dân Tộc học trong miền Gatto Grosso và vùng trung bộ Amazonie.
Năm 1939 ông trở về Pháp và bị động viên. Khi Thế Chiến thứ Hai bùng nổ, để tránh chính sách Kỳ Thị người Do Thái của Đức Quốc Xã, ông di cư sang Hoa Kỳ và cùng với các Trí Thức Pháp Kiều khác thời đó tại Hoa Kỳ như Jacques Maritain, Henri Focillon, Roman Jacobson…vvv…thành lập ‘École Libre des Hautes Études’, một loại Đại Học ‘lưu vong’ của giới Trí Thức tỵ nạn Pháp thời đó. Claude Lévi-Strauss theo dạy tại ‘New School for Social Research’ ở New York, viết sách về bộ lạc Nambikwaras ở Ba Tây, và bắt đầu chuyên về môn Nhân Chủng học Mỹ Châu. Tới khi nước Pháp được giải phóng, ông giữ chức Cố Vấn Văn Hóa cạnh Tòa Đại Sứ Pháp. Ông từ bỏ chức vụ này vào năm 1947 để trở về Pháp đệ trình luận án Tiến Sĩ với đề tài ‘Les Structures Élementaires de la Parenté’ và ‘La Vie Familiale et Sociale chez les Indiens Namikwaras’ vào năm 1948, cũng như để có thì giờ tham gia nhiều hơn vào công tác nghiên cứu Dân Tộc học tại ‘Musée de l’Homme’ rồi thế chỗ nhà Dân Tộc học Marcel Mauss tại ‘École Pratique des Hautes Études’. Tuy nhiên, ‘hoạn lộ’ của ông không phải lúc nào cũng được suôn sẻ : lý do phải chăng là vì trào lưu Cơ Cấu luận vào thời kỳ đó bị xem là quá ‘Avant-Garde’ ( = Tiền Phong) nên các vị chức sắc thủ cựu tại ‘Collège de France’ hai lần từ chối đơn của ông cũng như ông phải đợi 9 năm trời ròng rã mới thực hiện được ý nguyện của mình!
Năm 1953, Đại Học Harvard gởi ‘đặc sứ’ qua Pháp để tuyển dụng ông, nhưng ông từ chối. Cuối cùng, năm 1959, Claude Lévi-Strauss đã chính thức được mời dạy môn Nhân Học Xã Hội (Anthropologie Sociale) tại ‘Collège de France’ và năm 1961 thành lập một Phòng Thí Nghiệm lớn của bộ môn này, đồng thời cho ra mắt tập san ‘L’Homme’ không bao lâu trở thành tập san hàng đầu trong ngành chuyên môn của ông.(3)
Sau khi hoàn tất ‘trường thiên’ Huyền Thoại bốn tập ‘Mythologiques’ vào năm 1971, hai năm sau (1973) ông đắc cử vào Hàn Lâm Viện Pháp (Académie Française): Danh Dự Cao Quý nhất đối với một Trí Thức Pháp . Ông cũng là thành viên của ‘American Academy of Arts & Letters’, đoạt các Giải Thưởng Éramus (1973), Meister-Eckhart (2003) về Triết Học, được trao các bằng Tiến Sĩ Danh Dự tại các Đại Học hàng đầu trên thế giới như Oxford, Harvard, Columbia, và các Huy Chương như ‘Grand Croix de la Légion d’Honneur’, ‘Commandeur de l’Ordre National du Mérite’, ‘Commandeur des Arts et des Lettres’.
Và là một Danh Dự hiếm có đối với một Tác Giả còn sống, năm 2008 ‘Bibliothèque de la Pléiade’ bắt đầu cho xuất bản các tác phẩm chính yếu của Claude Lévi-Strauss, mà quan trọng nhất về mặt Phương Pháp luận là:
2) ANTHROPOLOGIE STRUCTURALE (1958)
Thật vậy, qua tác phẩm trên, Claude Lévi-Strauss trình bày và áp dụng PHƯƠNG PHÁP Cơ Cấu (Méthode Structurale) từ đây gắn liền với tên tuổi của ông. Trong đó, tất cả các vấn đề lớn của Nhân Chủng học đều được đề cập đến, từ những lệ luật trong lãnh vực Thân Tộc và Cưới Hỏi, qua tập tục Cấm Loạn Luân và chế độ Ngoại Hôn, khái niệm về người Sơ Khai, Tương Quan giữa môn Nhân Chủng với các lãnh vực Sử Ký, Ngôn Ngữ, Xã Hội, Tâm Lý, Phân Tâm, tới lối giải thích Huyền Thoại, Nghi Lễ, Ma Thuật, Tương Quan giữa Nghệ Thuật và các khía cạnh khác của đời sống Xã Hội…..vvv…..
‘Anthropologie Sociale’ cũng bàn đến các vấn nạn được đặt ra về khía cạnh PHƯƠNG PHÁP Nghiên Cứu với sự xuất hiện của trào lưu Cơ Cấu luận. Và cũng qua tác phẩm này được xác định và minh chứng về dự án mà tác giả rất thâm tín từ lâu về khả năng phân tích một cách KHOA HỌC các hiện tượng xảy ra, mà không làm hao tổn đến tính chất ĐA DẠNG, PHONG PHÚ cũng như khiá cạnh TỈ MỈ, CỤ THỂ gắn liền với các sinh hoạt của con người.
Thật vậy, bên cạnh tính chất Phức Tạp của đời sống Xã Hội xuất hiện ở những giai tầng khác nhau, thì theo ông, đồng thới cũng có sự hiện hữu của nhiều giai tầng khác của Cuộc Sống mà Cơ Cấu luận có thể ‘nắm bắt’ được bằng những LUẬT TẮC. Với cùng một loại hiện tượng mà tác giả vay mượn từ những xã hội khác nhau, hoặc với những loại hiện tượng khác nhau phát xuất từ cùng một xã hội hay từ các xã hội khác nhau, sự áp dụng Phương Pháp CƠ CẤU sẽ làm xuất hiện những mối Tương Quan mà Lý Trí con người có thể ‘nắm bắt’ một cách dễ dàng hơn là đối với chính những sự vật, biến cố riêng biệt là đối tượng của các mối liên hệ nêu trên. Tóm lại, Nhân Chủng học có thể đóng góp những ‘dụng cụ’ chính xác, vững chắc về khía cạnh PHƯƠNG PHÁP để mà một ngày nào đó, các Khoa Học Nhân Văn sẽ có thể tự chính mình đạt được các Tiêu Chuẩn KHOA HỌC đúng nghĩa. (4)
a)VAI TRÒ NGỮ HỌC
Thật ra Cơ Cấu Luận đến với Lévi-Strauss qua trung gian của nhà Ngữ Học gốc Tiệp Roman Jakobson mà ông đã may mắn gặp ở New York năm 1942 khi ông tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Nhưng Jakobson lại chịu ảnh hưởng của Ferdinand de Saussure.
Với Jakobson, Lévi-Strauss bắt đầu ý thức được vai trò đặc biệt của Ngữ Học : đây là thực thể riêng biệt nhất của con người cũng như là ngã ba mà mọi ngành học phải đi qua. Có một điểm may mắn khác là Ngữ Học đã trở thành Khoa Học xác thiết đến độ có thể dùng làm mẫu cho các khoa khác. Ngoài ra, có những lý do khác khiến Lévi-Strauss gọi đây là một cuộc Cách Mạng Âm Vị học (révolution phonologique).
Người đi tiên phong trong lãnh vực này là nhà Ngữ Học N.S. Trubetzkoy chủ trương vượt Ý Thức để khảo sát hạ tầng Vô Thức của những hiện tượng ngôn ngữ, lấy đối tượng học hỏi là các mối Liên Hệ giữa các đơn vị Âm Vị học hơn là chính các đơn vị đó, phát hiện những Hệ Thống âm vị cụ thể và Cơ Cấu của chúng, sau cùng cố tìm ra những Định Luật Tổng Quát bằng quy nạp hay diễn dịch.
Sau này nhà Ngữ Học danh tiếng Ferdinand de Saussure nhận ra một chiều kích khác gọi là Hàng Dọc thì tự đấy nảy sinh ra CƠ CẤU trong NGỮ LÝ Học (Linguistique) (5).
b)PHƯƠNG PHÁP CƠ CẤU
Vậy CƠ CẤU là gì ? Có thể nói Cơ Cấu là một cố gắng vượt qua những cái dị biệt, tạp đa để đạt tới những nét căn bản nhất của bất cứ một môn học nào. Nói đến nét căn bản có nghĩa là nói tới Tổng Quát. Nhưng không là một cách tổng quát dựa trên lý trí, sự tổng quát ở đây không nhằm mô tả sự kiện như khoa Nhân Chủng học trước kia đã làm, mà cách Tổng Quát của Cơ Cấu, có nghĩa là cái gì uyên nguyên hơn, tế vi hơn, vô hình hơn, do đó có sức bao quát hơn nhiều.
Claude Lévi-Strauss đã nghiên cứu rất tỉ mỉ về nhiều mối Liên Hệ Thân Tộc trong Thân Tộc học hoặc nhiều loại Huyền Thoại trong Huyền Thoại học của nhiều nhóm dân khác nhau, sau phân tách bên ngoài những dị biệt, ông tìm ra được rất nhiều nét giống nhau giữa các huyền thoại hay liên hệ thân tộc. Căn cứ vào đó, ông kết luận rằng có một Bản Tính Đồng Nhiên cho mọi con người không phân biệt màu da, dòng máu…vvv… và do đó đi đến kết luận là có những Luật Bất Biến chi phối mọi hoạt động của con người cổ cũng như kim. Luật này Không Ý Thức được dễ dàng. Nó nằm ngầm dưới Vô Thức, đưa ra những dạng thức bắt buộc Ý Thức phải tuân theo. Vì thế chỉ cần tìm ra được cái Cơ Cấu Vô Thức nằm ngầm trong mọi định chế, thói tục là tìm ra Nguyên Lý giải thích các thể chế, thói tục, thần thoại khác.
Đó là lý do khiến các các nhà Cơ Cấu học nuôi hy vọng có thể sắp xếp hàng trăm các nền văn hóa khác nhau bằng phương pháp đối chiếu, vào một mẫu số chung nào đó, vì văn hóa là những hình thái khác nhau của Cơ Cấu Tâm Thức của mỗi dân tộc. Theo Lévi-Strauss, Cơ Cấu Tâm Thức ấy được hình thành ngay từ bước sơ khai của mỗi dân tộc, và do đó ông đề cao những huyền thoại của những trang đầu lịch sử.
Sau khi nghiên cứu vô số những huyền thoại kèm với thể chế, thói tục…của nhiều sắc dân, chủng tộc thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau bằng phương pháp mới của Cơ Cấu luận, Lévi-Strauss tóm tắt công trình nghiên cứu của mình bằng cách đưa ra bốn nét đặc trưng của Cơ Cấu như sau:
– Cơ Cấu vượt lý trí để sang bình diện tiềm thức
– Cơ Cấu chú ý đến những mối liên hệ giữa các hạn từ hơn là những hạn từ riêng rẽ.
– Cơ Cấu là đứng ở toàn cảnh nhìn vào từng phần và tìm cách giải nghĩa từng phần bằng cách đặt chúng trong tương quan với toàn bộ. Chính mối tương quan vô hình định tính các loại văn hóa. Thí dụ Lévi-Strauss phân tích bốn loại Giao Liên với những ký hiệu sau:
= Giao liên có tính cách Tương Liên
+_ Giao liên Đảo Lại
+ Giao liên xây trên Quyền Lợi
_ Giao liên chú ý đến Nhiệm Vụ
– Điểm cuối cùng và nổi bật của Cơ Cấu là tìm ra những Luật Chung từ những Mô Hình, Dạng Thức đã được phác họa để suy diễn và quy nạp.
Theo Lévi-Strauss, muốn tìm ra Cơ Cấu chung nêu trên, thì phải đẩy sự phân tích sâu xa đến Trung Độ, vì cái lương tri bất biến của Bản Tính con người là hệ thống những NIỆM THỨC nằm xen kẻ giữa Hạ Tầng và Thượng Tầng Kiến Trúc. Nhờ vị trí Trung Gian đó, mà chúng trở nên LƯỠNG DIỆN, tức vừa có tính THƯỜNG NGHIỆM mà lại KHẢ TRI (empirique et intelligible). Là Thường Nghiệm nên Biến Đổi, còn là Khả Tri nên Bất Biến, nghĩa là chúng vâng theo một số Mẫu Mực trở đi trở lại, vì chúng xuất phát từ một Lương Tri luôn luôn Đồng Nhất với mình. Do đó, chúng vượt lên trên quan điểm xã hội hay biến đổi. Điều quan trọng là tìm ra những Cơ Cấu đó.
Chúng tuy không có nhiều nhưng rất khó tìm, vì chúng bị chôn vùi dưới những phạm trù lý trí, những dạng thức do trí con ngưới tạo ra hoặc những tổ chức đa dạng trong xã hội. Trong mục đích tìm hiểu Cơ Cấu Vô Thức cơ bản đó, Lévi-Strauss đề nghị KIẾN TẠO ra những DẠNG THỨC để làm dụng cụ quan sát và xếp loại từ những dữ kiện thâu lượm được trong vùng tiềm thức, vì Tiềm Thức là miền âm u mờ mịt như biển đại dương, nên không thể y cứ vào cái gì để làm tiêu điểm. Những dạng thức được kiến tạo ra KHÔNG có phần Cảm Giác CỤ THỂ (sensible), nhưng lại có phần KHẢ NIỆM (intelligible). Nói cách khác, dạng thức làm cho ta lùi xa thực tại, vì đánh mất phần cảm giác cụ thể, là cốt để Nắm Vững hơn được Thực Tại bằng Khả Niệm Tính, kiểu như khoa học Vật Lý cũng cắt xén sự vật bằng những phương pháp trừu tượng hầu chế ngự thực tại.
DẠNG THỨC của Cơ Cấu luận tương tự Phạm Trù của triết gia Kant, còn CƠ CẤU giống như Niệm Thức của Kant, nghĩa là một thứ TRUNG GIAN vừa có tính chất Cảm Giác CỤ THỂ hầu đi sát sự vật, lại thêm tính chất Lý Luận TRỪU TƯỢNG để sắp xếp sự vật. Do đó, Dạng Thức được kiến tạo có lý do tồn tại của nó nên đã xuất hiện nhiều lần, nhưng với Lévi-Strauss thì được khai triển một cách triệt để và hệ thống.
Trong khi đi tìm những chất liệu để kiến tạo dạng thức, Lévi-Strauss chú ý đến ĐIỂM NỐI đã hiện hình trong lãnh vực liên hệ. Đây là một điều Tối Quan Trọng, nhưng không được chú ý cách đầy đủ trong các khoa liên hệ. Xu hướng chung là chỉ chú ý có một phía : Triết thì chú ý Lý Trí, Sử thì Duy Kiện, Ngôn Ngữ thì Ngữ Luật. Không có khoa nào chú trọng đến ĐIỂM NỐI giữa Ý Thức với Tiềm Thức, Cảm Xúc vơi Khả Tri, Văn Hóa với Thiên Nhiên. Và vì vậy tất cả đều bị lên án là MỘT CHIỀU hay ĐỘC KHỐI. Lévi-Strauss đã muốn bù đắp chỗ đó bằng nghiên cứu những Điểm Nối Hiện Hình như tục CẤM LOẠN LUÂN là Điểm Nối trong Thân Tộc học giữa Nhiên Giới (l’ordre naturel) và Nhân Giới (l’ordre culturel), HUYỀN THOẠI là Điểm Nối trong Huyền Thoại học giữa Ý Thức và Tiềm Thức, giữa Sử Hàng Ngang (histoire diachronique) và Sử Hàng Dọc (histoire synchronique)…vvv…(6).
Trên con đường kiến tạo một Lý Thuyết mới mẻ trong khoa học Nhân Văn là Cơ Cấu luận (Structuralisme) mà nội dung được đúc kết bằng Phương Pháp Cơ Cấu (Méthode Structurale), Lévi-Strauss đã sử dụng rất nhiều chất liệu trong Huyền Thoại học (Mythologie). Vì vậy, HUYỀN THOẠI (Mythe) đóng một vai trò rất quan trọng trong Sự Nghiệp của ông. Mà Huyền Thoại thường xuất hiện vào thời đầu của Lịch Sử con người, do đó muốn hiểu một chút bầu khí, khung cảnh của Huyền Thoại, ông phải đi nghiên cứu sinh hoạt, nếp sống, nếp nghĩ của các Sắc Dân Thiểu Số còn sót lại ngày nay. Công việc này được Lévi-Strauss đúc kết trong tác phẩm “La Pensée Sauvage”.
Nguyễn Tiến Nam
(Hết Phần Một)
CHÚ THÍCH
(1)Nicolas Journet, “La Vague Structuraliste”, <http://www.scienceshumaines.com>
(2)Idem, “La Vague Structuraliste, le Flux et le Reflux”
(3)Idem, “Claude Lévi-Strauss: le plus philosophe des ethnologues”
(4) Claude Lévi-Strauss, “Anthropologie Structurale”, Plon 1958,1974, France
(5) Kim Định, “Cơ Cấu Việt Nho”, Nguồn Sáng, Sài Gòn, 1973, VN tr.27-28
(6)Đông Lan, “Yêu Mến An Vi”, Văn Hiến, 2004, USA tr.76-91
Kim Định, “Cơ Cấu Việt Nho”, Idem