Lê Việt Thường

PHẦN HAI:   CLAUDE LÉVI-STRAUSS và QUAN NIỆM MỚI VỀ VĂN MINH

1) MỘT QUAN NIỆM MỚI VỀ VĂN MINH

Phần trình bày trên cho chúng ta thấy địa vị Đặc Biệt, Quan Trọng mà Lévi-Strauss đã dành cho Huyền Thoại. Thật vậy, ông xem những truyện Thần Thoại như những Cơ Cấu nỗi lờ phờ trên mặt Ý Thức nên dễ khai quật, để giúp tìm ra những Dạng Thức căn cơ cho một xã hội. Ông cho rằng muốn tìm hiểu một xã hội mà lại bỏ bê những Trang Đầu lịch sử và chỉ biết có Sử Ký, tức Sử Hàng Ngang (histoire diachronique), là một SA ĐỌA, mà hậu quả là sẽ không đạt được Cấu Thức của các định chế. Lý do theo ông là trong bất cứ phương diện nào, chỉ có những BƯỚC ĐẦU mới LỚN LAO, chỉ có những sáng tạo ban đầu mới VĨ ĐẠI.

Chính vì thế mà Lévi-Strauss đứng vào phe chống lại thuyết TIẾN HÓA về Văn Minh, vì theo ông, là thuyết mưu toan xóa bỏ các nền Văn Hóa khác để chỉ lấy Âu Châu làm điểm tối hậu, làm tiêu chuẩn duy nhất; và như vậy thì các dân tộc khác phải từ bỏ tiêu chuẩn của mình để theo tiêu chuẩn của Tây Âu. Có thế mới gọi là tiến bộ văn minh : vì theo chủ trương Tiến Hóa thì những sự khác biệt là giả tạo mà không còn là tố chất của các nền văn hóa.

Thế mà theo Lévi-Strauss, sự Tiến Hóa xưa nay không thể đi theo một chiều hướng nhất định, thẳng tắp mà lại không gặp nguy cơ bị “trệch hướng” theo dòng thời gian. Trái lại, chiều hướng có thể thay đổi bất ngờ, ngẫu biến giống như một con “cờ tướng” có sẵn nhiều lối đi, nhưng không bao giờ theo một chiều hướng duy nhất. Tây Phương có tiến xa trong Kỹ Thuật, nhưng lại kém trong các ngành khác như Tôn Giáo, Mỹ Thuật…vvv.. Chứng cớ là nhiều dân Cổ Sơ biết tổ chức đời sống đem lại Hạnh Phúc cho nhiều ngưới hơn bên Âu Châu. Có thể nói họ NGƯỜI hơn những dân Tây Âu văn minh!(7)

Ông còn đưa ra nhiều thí dụ để chứng minh tính chất TƯƠNG ĐỐI trong các quan niệm về Văn Minh Tiến Bộ. Theo ông, từ vài thế kỷ nay, văn minh Tây Phương chỉ chú trọng đến việc tìm kiếm những phương tiện KỸ THUẬT càng ngày càng “mạnh” hơn để phục vụ cho các nhu cầu Vật Chất của con người. Nếu tiêu chuẩn trên được chấp nhận, thì sự phát triển cao thấp của một xã hội được căn cứ trên số năng lượng được dành cho mỗi cư dân.

Nhưng Lévi-Strauss cho rằng có nhiều loại TIÊU CHUẨN khác nhau về Văn Minh. Theo ông, nếu tiêu chuẩn được áp dụng là khả năng Thích Ứng với những Môi Trường địa lý Khắc Nghiệt nhất, thì không có dân tộc nào bằng dân “Eskimos” ở Bắc Cực hay dân “Bedouins” ở sa mạc Sahara. Cách đây 13 thế kỷ, Đạo Hồi đã “tổng hợp” được nhiều hình thái khác nhau của đời sống như: Kỹ Thuật, Kinh Tế, Xã Hội, Tâm Linh..vvv. với Giáo Lý của họ, điều mà người Tây Phương chỉ mới làm được gần đây với khoa Nhân Chủng. Nhờ vào đó mà Văn Minh và giới Trí Thức Á Rập đã giữ được vị trí hàng đầu ở thời Trung Cổ. Người Tây Phương ở thời Cận Đại tuy là “vua kỹ thuật” nhưng lại có những kiến thức rất “nông cạn” về tiềm năng và cách điều khiển “bộ máy chúa tể” là thân xác con người. Đông Phương đã đi trước Tây Phương mấy ngàn năm về phương diện này, tức về mối liên hệ giữa Tâm Thần và Thân Xác, với các thuật Yoga của người Ấn, Thiền của người Tàu, thể dục tâm thần của người thiểu số Maoris…vvv…(8)

Đó là lý do Lévi-Strauss phản đối thuyết Tiến Hóa được hầu hết người Pháp thời đó theo, trừ hai ông Balandier và Roger Bastide. Tất cả những người ấy đều có đầu óc Đế Quốc giống như người Cộng Sản, (dẫu họ có mầu da trắng, vàng hay đen nhưng nên nhớ rằng thuyết Mác Xít bắt nguồn từ Tây Phương): thật vậy, người Cộng Sảnï cố công đem ý thức hệ phương Tây trùm lên con người khắp nơi, mà không kể chi tới những sắc thái dị biệt, với chủ trương rất “quái đản” là vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo.! Vì thế nhà nhân chủng học nổi tiếng gốc Anh gọi quan niệm Tiến Hóa trên kia là NGỤY SỬ.

Do đó, ông Malinowski đưa ra thuyết CHỨC NĂNG (fonctionnalisme) để chống lại. Ông này cho rằng thuyết Tiến Hóa quá trừu tượng vì xem xã hội sơ khai như lệ thuộc vào lịch sử Tây Phương. Đó là lối nhìn cũ kỹ cắm mắt vào những yếu tố lẻ tẻ vụn vặt mà không chú ý đến toàn bộ làm thành bởi những yếu tố ấy. Vậy cần lập ra Chức Năng thuyết để nghiên cứu về tác hành của xã hội. Cái đó nằm ngay trong hiện tại của nó, vì xã hội ấy chỉ có thể tồn tại và điều hành được là nhờ những yếu tố hiện tại có trong xã hội chứ không phải những yếu tố đã khuất dạng trong quá khứ. Và vì thế mà quan niệm Chức Năng đi đến chỗ PHỦ NHẬN LỊCH SỬ, phủ nhận BIẾN ĐỘNG. Đó là một quá đáng khác mà Lévi-Strauss đã muốn tránh.

Vì thế tuy ông rất chú ý đến CƠ CẤU nhưng đồng thời cũng công nhận rằng nhờ có sự biến chuyển hiện đang xảy ra trong các xã hội cổ sơ mà ta mới có thể khám phá ra những Cơ Cấu nằm ngầm trong các xã hội ấy. Những cơ cấu ấy thường hình thành từ những bước sơ khai của mỗi dân tộc, vì thế Lévi-Strauss đề cao giá trị của những cái KHỞI ĐẦU coi đó như những GẠCH NỐI giữa hai nền SỬ HÀNG NGANG (histoire diachronique) và HÀNG DỌC (histoire synchronique) , vì lúc đó Tiềm Thức tác động mạnh trên Ý Thức hơn các đời về sau.

Quyển “La Pensée Sauvage” của Lévi-Strauss có thể xem như “tiếng chuông sầu chôn táng sự sai lầm của Lévy-Bruhl cho rằng các dân cổ sơ là lạc hậu, là “chưa tới đợt khoa học lý luận nên gọi là tiền lý luận”. Đó cũng là thành kiến của hầu hết mọi người trong thế hệ vừa qua. Tự nay với Cơ Cấu ta phải nghĩ khác. Cơ Cấu sẽ nói với mọi người : “Bạn đừng lấy mình làm thầy, hãy để người khác tiếp tục là họ. Họ còn gần Thiên Nhiên nên cũng gần Căn Cơ hơn bạn!”.(9)

2) MỘT QUAN NIỆM MỚI VỀ LỊCH SỬ

Cơ Cấu Luận không những cống hiến một quan niệm Mới về Văn Minh như phần trên cho thấy, mà còn đem lại một Chiều Kích MỚI cho lãnh vực LỊCH SỬ.

Thường khi nói đến SỬ người ta liên tưởng đến Sử các Biến Cố (histoire évènementielle) mà Cơ Cấu gọi là Sử Hàng Ngang (histoire diachronique), Sử Khoa Học hay DUY SỬ (historicisme). Duy Sử xuất hiện dưới quyền lực của DUY LÝ chú ý đến BIẾN CỐ (évènement) nghĩa là những sự kiện có thực, đã xảy ra nên có thể ghi ngày tháng và địa điểm với những nhân vật có thực.

Nhưng với Cơ Cấu thì nảy ra một loại Sử gọi là Hàng Dọc (histoire synchronique) vận hành với Tiềm Thức, không cần thể hiện vào một cá thể, vì vậy không thể ghi thời điểm và không điểm, nhưng vẫn gọi được là Sử vì có THẬT tuy Không Thực (vraie mais irréelle), mà Nho gọi là “Hữu thực (vraie) nhi vô hồ xứ giả (irréelle)”.

Áp dụng vào Sử thì “hữu thực” là có những tác động, hay nguyên lý chỉ dẫn hoặc lý tưởng được cưu mang…nhưng “vô hồ xứ giả” nghĩa là không cần kết tinh vào cá nhân này hay cá nhân kia. Nhờ đó nó có thể là Sơ Nguyên Tượng (Archétype) hay Điển Loại tức là một dạng thức phổ biến, còn nằm trong cõi Thiên Thai (mong muốn) nhưng chưa gặp “bước trần ai”, nghĩa là chưa hẳn có ai hiện thực được như vậy. Nói thế có nghĩa là trong thực tế như trong chuyện “Đế Minh tuần thú phương Nam” chẳng hạn, không cần có những người mang tên là Đế Minh, nhưng trái lại, có nguyên lý hướng về ánh sáng (tuần thú phương Nam), có những tác động tháo lui trước quân xâm lăng, rồi lấy vợ ở miền Nam, và gọi đó là gặp Vụ Tiên trên núi Ngũ Lĩnh, tức là trong miền đất có nền văn hóa đi theo thuyết Ngũ Hành. Tóm lại, có Tác Động ĐIỂN HÌNH, mà không cần phải có người nào cả! Nếu theo Cơ Cấu, Sử Hàng Ngang (hay Sử Ký) đem tin hay cho biết biến cố (apprendre) nhiều hơn là giải nghĩa, thì Sử Hàng Dọc (hay Huyền Sử) giải nghĩa (expliquer) nhiều hơn là đem tin.(10)

Và Lý Tưởng là làm sao Quân Bình hai loại Sử: Sử Ký với Huyền Sử, Hàng Ngang với Hàng Dọc. Phải chăng chỉ có Việt Nho mới đạt được thế Quân Bình nêu trên ? được thấy chẳng hạn qua việc chiết tự chữ DỊCH kép bởi “Nhật Nguyệt” qua đó NHẬT luôn luôn tròn, tượng trưng cho Thường Hằng hay Sử Hàng Dọc ( histoire synchronique), còn NGUYỆT khi tròn khi khuyết , khi úp khi ngửa, biểu thị mọi biến hiện đổi thay hay Sử Hàng Ngang ( histoire diachronique).

Trong khi đó bên trời Tây, Plato chỉ biết ngắm nhìn Lý Giới hay thế giới Ý Niệm (le monde des Idées) và khinh thường Cuộc Đời hay thế giới Cảm Xúc (le monde Sensible) bị xem là PHÙ ẢNH. Do đó, Plato đã trở thành một Triết Gia PHI NHÂN nên cũng PHI LỊCH SỬ.

Thật vậy, SỬ là sự hiển hiện của NHÂN CHỦ. Nói khác chỉ có SỬ khi con người là CHỦ. Con vật không có Sử vì không là Chủ. Con người thái cổ chưa có Sử vì chưa thực sự đạt được Nhân Chủ. Người La Hy chưa đưa Sử vào chương trình Giáo Dục, vì chưa thiệt định xong nền Nhân Bản. Và tình trạng trên kéo dài ở Tây Phương cho đến cuối thế kỷ XVII. Chính vì thế kỷ XVIII nói đến Nhân Bản nhiều nên cũng vôi vàng đưa Sử vào chương trình học. Và cũng từ đấy mới nhận ra thiếu Sử không chỉ là thiếu Sử, mà còn hàm chứa nhiều cái hại cho con người. Bởi vậy từ đó mới TÔN THỜ SỬ và đẩy đến độ DUY SỬ để lại gây ra một sự QUÁ ĐÁNG khác là chạy theo biến cố hàng ngang với nhịp độ càng ngày càng điên loạn, để đuổi theo sự hội nhập càng ngày càng trở nên diệu vợi, khó lòng lập lại được thế quân bình cần thiết giữa Cơ Cấu và Biến Cố (giữa CƠ và DỤNG).(11)

Vì thế mà Lévi-Strauss đã cảnh cáo là đừng để thời gian (duy sử) tiêu diệt mình (= ne laissons pas le temps nous détruire).(12)Và đó là một trong những lý do của sự xuất hiện của Cơ Cấu. Nhưng rồi nhiều tay Cơ Cấu lại đi đến chỗ Chối Sử, rồi Chối luôn cả Con Người, biến TRIẾT thành PHI NHÂN, PHI SỬ, PHI CHÍNH TRỊ.

Đó là cái vòng luẩn quẩn, khiến phần lớn các Cơ Cấu gia QUAY LẠI LỐI CŨ của người xưa, của Hegel chẳng hạn, cho rằng chỉ Toàn Thể mới có, còn thành phần là những con người Cá Thể thì gần như không có! Chỉ Hệ Thống mới có, chứ tôi, một cá thể trong xương trong thịt hầu không có!

Tóm lại, có lẽ từ trước cho đến nay, chưa có một Triết Gia Tây Phương nào đặt nổi một nền tảng vững chắc cân đối cho một quan niệm Lịch Sử. Điều trên có nghĩa là Triết Tây vẫn còn đong đưa giữa hai thái cực:

-hoặc CHỐI SỬ với câu “dưới ánh mặt trời không xảy ra cái chi mới hết”

-hoặc DUY SỬ với câu” không thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông”

Sự Thật không có với những người ôm câu này hay câu kia, mà nó nằm trong quan niệm SỬ HAI CHIỀU:

– chiều Hàng Dọc hay Huyền Sử gần như BẤT BIẾN

– chiều Hàng Ngang hay Sử Ký vẫn BIẾN

Có như vậy mới “DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN” !

Liệu Cơ Cấu có đạt được cùng chăng ? Tuy trong “Race et Histoire”, ở phần cuối sách, Lévi-Strauss có vẻ nghiêng sang BẤT BIẾN, nhưng một mặt trước đó, ông cũng đã cố gắng cho Sử Ký hay Sử Hàng Ngang một Giá Trị nào đó, cũng như ông đã ý thức được sự quan trọng của chữ HÒA qua việc đề cao NHẠC. Cho nên ít nhất, Lévi-Strauss cũng đã đi xa hơn bất cứ nhà Cơ Cấu học Tây Phương nào khác trên con đường nói trên.(13)

Ngoài ra, ai cũng biết NHẠC được Việt Nho tôn trọng như “Bà Chúa” cho mọi sự HÒA HỢP: hòa Trời với Đất, hòa Nam với Nữ, hòa Sử Ký với Huyền Sử…vvv…

Mà nét đặc sắc của Claude Lévi-Strauss là ông cũng quan tâm tới NHẠC, coi “Nhạc như mầu nhiệm tối hậu cho các khoa học về con người, một mầu nhiệm mà các khoa nhân văn đều vấp phải, nhưng chính Nhạc là kẻ giữ chìa khóa mở vào mọi tiến bộ.” Ông viết tiếp: “Trên những thanh âm và tiết diệu Nhạc tác động trong một khoảng đất trống là thời gian sinh lý của thính giả dùng để nghe Nhạc, đó là thứ thời gian chạy dài cách tuyệt vọng vì bất khả phục hồi, nhưng Nhạc lại biến đổi nó thành một toàn thể hàng dọc có đủ lý do tồn tại khép kín trên mình. Đến nỗi trong lúc nghe Nhạc, chúng ta như bước vào cõi bất tử, khiến cho tâm thức thấy mình thông hội với cơ cấu thiên nhiên vô thức. Một khi đã đạt đến cõi cơ cấu vô thức của tinh thần đó rồi, nhà cơ cấu van xin người ta bãi bỏ mọi công trình đi trước để hiến trọn thân tâm cho nền thẩm mỹ trầm lặng đặng thiết lập tương quan thầm lặng với vũ trụ”.(14)

Có lẽ cuối cùng Cơ Cấu luận gặp Việt Nho ở đợt “THÀNH Ư NHẠC” chăng ?!

3) THỜI ĐỒ ĐÁ MỚI VỚI VĂN MINH NHÂN LOẠI

Tuy nhiên, Việt Nho và Cơ Cấu luận “gặp nhau” không chỉ ở lãnh vực Nhạc, mà còn ở nhiều địa hạt khác nữa, đặc biệt với mối liên hệ giữa quan niệm của Claude Lévi-Strauss về địa vị của thời Đồ Đá Mới (l’Age Néolithique) đối với Văn Minh Nhân Loại, và khám phá Khoa Học gần đây cho thấy Tổ Tiên Lạc Việt có lẽ đã khai sáng ra nền văn minh Nông Nghiệp Đầu Tiên của Nhân Loại tại Đông Nam Á.

Người ta thường đặt nặng tính chất Quan Trọng của các khám phá khoa học gần đây và xem nhẹ các phát kiến của thời xa xưa, như thành kiến còn sót lại ngay trong các sách của ngành Nhân Chủng không lâu trước đây : chẳng hạn sự khám phá ra Lửa thì cho là do tình cờ của sấm sét hay một cơn cháy rừng nào đó, hoặc việc Nấu Nướng là kết quả của một con mồi tình cờ bị thiêu rụi..vvv.. Theo Lévi-Strauss, lối nhìn “ngây thơ” đó bắt nguồn từ sự kiện là đại đa số hoàn toàn “mù tịt” về tính chất Phức Tạp và Đa Dạng trong các “thử nghiệm” cần thực hiện trước khi đạt được kết quả, ngay đối với các khám phá kỹ thuật đơn giản nhất.(15)

Chính vào thời Đồ Đá Mới mà Nhân Loại đã phát minh ra những Kỹ Thuật căn bản cần thiết cho một nền Văn Minh như Canh Nông, Gia Súc, nghề Dệt, làm Đồ Gốm…vvv…Những phát minh căn bản này không phải ngẫu nhiên mà có, trái lại, là kết quả của không biết bao nhiêu nỗ lực của con người.

Mỗi kỹ thuật _ đồ gốm, dệt, trồng trọt, chăn nuôi _ đòi hỏi hằng bao thế kỷ quan sát có phưong pháp, hằng bao giả thuyết táo bạo được đem kiểm chứng cùng hằng bao thí nghiệm được làm đi làm lại.

Muốn trồng một loài cây dại, nuôi một loài thú hoang để ăn thịt, muốn chế tạo đồ gốm, muốn tạo nên những kỹ thuật canh tác và dẫn thủy nhập điền, muốn biến những hạt, rễ cây độc thành thực phẩm hoặc dùng độc tính của chúng để đi săn, đánh nhau, làm thuốc, cần phải có một thái độ Tinh Thần thật sự Khoa Học, luôn luôn thèm khát tìm hiểu một cách Không Vụ Lợi. Ấy là chưa kể đến phương thức luyện kim hàng mấy ngàn năm trước, tất cả bắt buộc con người phải có khả năng kỹ thuật và lý luận rất cao.

Con người thời Đá Mới như vậy đã thừa hưởng một truyền thống Khoa Học dài.(16) Điều ngoạn mục ở đây là sự nghiệp Vĩ Đại này đã diễn ra một cách tốt đẹp, liên tục và thành công trong khi CHƯA CÓ CHỮ VIẾT. Sở dĩ sự kiện này cần phải được nhấn mạnh là vì chúng ta thường nghe nói rằng: “Những dân tộc có chữ viết có khả năng tích lũy kinh nghiệm và vì vậy mau tiến hơn, trong khi những dân tộc “mù chữ” vì không thể lưu giữ kinh nghiệm quá khứ nên không có lịch sử, không có ý thức sâu xa về bất cứ dự định nào”.

Vậy làm sao giải thích sự TRÌ TRỆ hằng bao nghìn năm từ thời Đá Mới cho đến khi Khoa Học Hiện Đại phát sinh mà ít nhất một nửa kỳ gian này Nhân Loại đã CÓ CHỮ VIẾT ? Làm sao giải thích là Kiến Trúc của người Ai Cập và người Sumer “có chữ viết” cũng không hơn gì kiến trúc của một số dân tộc Da Đỏ “mù chữ” ?

Theo Lévi-Strauss, từ khi phát minh ra Chữ Viết đến khi Khoa Học Hiện Đại phát sinh, nghĩa là trong khoảng 5000 năm, kiến thức của thế giới phương Tây chỉ có giao động chứ không có gia tăng. Giữa nếp sống và nghĩ của một công dân Hy Lạp, La Mã và nếp sống một người dân Tư Sản châu Âu thế kỷ 18, không có sự khác biệt lớn.

Đành rằng ta khó lòng quan niệm được sự phát triển của Khoa Học vào thế kỷ 19 và 20 nếu không có chữ viết: tuy nhiên, điều trên là CẦN song CHƯA ĐỦ!

Trái lại, Lévi-Strauss cảnh báo chúng ta rằng Chữ Viết xuất hiện cùng với những Đô Thị lớn, những Đế Quốc Trung Đông như Ai cập, Á Đông như Trung Hoa, nhất là Chế Độ NÔ LỆ với cảnh NGƯỜI BÓC LỘT NGƯỜI. Theo ông, vai trò đầu tiên của Chữ Viết thật ra không phải là truyền bá Văn Hóa mà để Kiểm Soát, Nô Lệ hóa dân chúng bằng những tờ khai gia đình , thẻ căn cước, luật lệ…vvv…Nói khác đi, Chữ Viết đi đôi với sự hình thành các xã hội Phân Chia thành Giai Cấp : giai cấp Thống Trị xử dụng Chữ Viết như một khí cụ nhằm đàn áp và bóc lột giai cấp Bị Trị (17)

Tóm lại, vào thời Đồ Đá Mới, với sự đóng góp nền tảng của Tổ tiên Lạc Việt ( căn cứ theo các khám phá mới nhất của Khoa Học), Nhân Loại đã hoàn thành những Bước Tiến Vĩ Đại mà KHÔNG CẦN ĐẾN CHỮ VIẾT!

Nhưng Lévi-Strauss còn đi xa hơn nữa khi ông so sánh cuộc Cách Mạng TÂN THẠCH với cuộc Cách Mạng KỸ NGHỆ. Ông viết: “Cái gọi là Tiến Bộ KỸ THUẬT đã làm tan rã hàng tỷ cơ cấu thiên nhiên độc đáo và không thể thay thế, tạo nên một trạng thái mất quân bình thường trực cho nhân loại…” “Sự thoái bộ của nhân loại đã xẩy ra và càng ngày nhân loại càng xa rời trạng thái mà Jean Jacques Rousseau cũng như tôi đều biểu đồng tình: “trạng thái Trung Dung” (Juste Milieu) : trung dung giữa sự vô tư lự thuở sơ khai và sự hăng hái quá mức của tự ái con người” hôm nay.(18)

Và theo Lévi-Strauss , Nhân Loại đã đạt được Đạo TRUNG DUNG vào thời ĐỒ ĐÁ MỚI !

4) CƠ CẤU LUẬN VÀ VIỆT NHO

Phần trình bày trên đã cho chúng ta thấy nhiều điểm Tương Đồng giữa Cơ Cấu luận và Việt Nho như việc đề cao Nhạc, như nhấn mạnh đến địa vị đặc biệt của thời Đồ Đá Mới đối với Văn Minh Nhân Loại…vvv..

Ngoài ra, trong khi trình bày lý thuyết Nhân Văn của mình, những từ ngữ như “Điểm Nối”, “Tương Quan”, “Liên Hệ”, “Giao Liên”, “Mâu Thuẫn”, “Đối Đáp”, “Phối Hợp”…vvv.trở đi trở lại nhiều lần. Vậy nên hình như có một mối liên hệ sâu xa nào đó giữa các từ ngữ trên của Cơ Cấu luận và chữ TƯƠNG là từ ngữ Nền Tảng trong Dịch Kinh và Việt Nho.

Vậy nên, Cố Triết Gia Kim Định mới viết: “Việt Nho chính là Cơ Cấu”. “Vì Cơ Cấu là gì nếu không là một cố gắng Tổng Hợp. Mà Tổng Hợp đến cùng cực là đưa chữ TƯƠNG vào cõi học độc khối im lìm của văn hóa Cổ Điển. Mà đã nói đến Tương là phải có những hạn từ ĐỐI ĐÁP, đã đối đáp là có thể vẽ ra ĐỒ THỊ và SỐ ĐỘ..vvv. Đó là những nét Căn Bổn của Nho Giáo với câu “âm dương tương thôi” cũng như là đạo Trung Dung của Thái Hòa. Có Tương Quan tất phải có hai hạn từ, và hai hạn từ đó gọi là “âm dương” hay “trời đất, “nam nữ”, “lý tình”..vvv..Và ĐẠT ĐẠO là đạt thế Bình Quân giữa hai hạn từ đó.

Do đó, Cố Triết Gia đã đi theo lối CƠ CẤU trước khi nghe nói về Cơ Cấu luận. Sau khi đã đọc Lévi-Strauss, nhất là về sự Kiến Tạo MÔ THỨC, Ông có cảm tưởng là Tiên Nho thời rất xa xưa đã kiến tạo ra các Mô Thức: đó là Tam Tài, Ngũ Hành và các hệ quả theo sau (Âm Dương, Tứ Tượng, Bát Quái, Cửu Trù..). Và vì thế nếu phải tìm ra Ông TỔ của Cơ Cấu thì chính là các Vua của Huyền Sử Việt Nho : Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông, Đại Vũ…

Điều trên còn được xác nhận qua nhận xét của nhà nghiên cứu Jean-Marie Aujas trong cuốn “Clefs pour le Structuralisme”. Tác giả viết: “Lévi-Strauss đã được khởi hứng lập ra Cơ Cấu luận là do một Học Giả về Nho Giáo là Marcel Granet, còn những tài liệu cũng như các điều tra của các nhà Nhân Chủng người Mỹ chỉ là tùy phụ”.(19)

Với những ai đã đọc quyển “la Pensée Chinoise” của M. Granet thì câu trên không thể làm ngạc nhiên là vì những Đồ Thị, Số Độ của Đại Toán đã có tràn ngập trong sách đó rồi. Hỏi rằng vậy tại sao Cơ Cấu lại xuất hiện như một Khoa mới lạ ? Thưa trước hết vì Lévi-Strauss có nhờ nhiều vào công trình của các Khoa mới như Ngữ Lý học, Tân Toán học và Uyên Tâm, Nhân Chủng vvv Nhưng nhất là vì phần khác, Cơ Cấu của Việt Nho đã bị Hán Nho vùi giập : Âm Dương, Ngũ Hành bị hiểu cách Tai Dị, Phù Pháp, còn Tam Tài thì không còn ai nhận ra ý nghĩa sâu xa của nó nữa.

Vì thế khi Cố Triết Gia khai quật lên thì nó chiếu ra những tia sáng thực mới lạ như đã trình bày trong quyển “Chữ Thời”. Còn tác phẩm “Cơ Cấu Việt Nho” được viết ra là nhằm Tân Thời hóa môn học cổ truyền của Việt Nho: Cố Triết Gia trình bày về Cơ Cấu hiện đại bởi cách này sẽ giúp phần lớn vào việc Minh Nhiên hóa những khả năng Tàng Ẩn trong Cơ Cấu Việt Nho. Những khả thể đó sẽ hiện lên chói chang khi đặt bên cạnh những “khám phá” của Thời Mới. Nhờ đó chúng ta sẽ dễ nhận thức hơn những dị biệt giữa Cơ Cấu của người xưa và của người nay.(20)

Nguyễn Tiến Nam

(Hết Phần Hai)

CHÚ THÍCH
(7) Kim Định, “Cơ Cấu Việt Nho”, Nguồn Sáng, SG, 1973, tr.27-28
(8) Claude Lévi-Strauss, “Race et Histoire”,Ed.Gontier, 1961, France, tr.46-47
(9) Kim Định, Idem, tr.37
(10) Idem, tr.29-30
(11) Idem, tr. 46, Yvan Simonis, Idem, tr. 200
(12) Kim Định,Idem tr.47
(13)Kim Định, Idem tr. 49
(14) Idem tr. 50
(15) Claude Lévi-Strauss, “Race et Histoire”, Idem, tr.57
(16) Trần Đỗ Dũng, “Luận Lý và Tư Tưởng trong Huyền Thoại Trình Bày, 1967, SG, tr. 100-102
(17) Idem, tr. 197-203
(18) Idem, tr.194-197
(19) Jean-Marie Aujas, “Clefs pour le Structuralisme”, Ed. Seghers, tr. 88 Kim Định, Idem, tr. 37
(20) Idem, tr. 38

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm