Người Tìm Hiểu

CÓ CẦN CHỌN LỰA GIỮA MÔI SINH VÀ TĂNG TRƯỞNG ?

 

Các cuộc tranh luận giữa Tăng Trưởng và Môi Sinh thường hàm ý là chúng ta cần phải chọn lựa giữa một trong hai mục tiêu vừa kể. Ngoài ra, đối với nhiều người, cuộc tranh luận nêu trên còn có vẻ đáng để ý nhất. Nhưng có điều là trong bầu khí kinh tế hiện nay, phần lớn xem ‘sức khỏe’ Kinh Tế là quan trọng hơn cả. Đến nỗi bất cứ hành động nào nhằm bảo vệ Môi Sinh thường bị đa số xem như là có hại cho Kinh Tế. Có đúng như vậy hay không ?

Vấn đề đối với lối nhìn trên đây là nó có tính cách  phần mớ và ngắn hạn nên dễ gây ra cảm tưởng là Kinh Tế và Môi Sinh chống đối nhau. Nhưng với lối nhìn dài hạn và toàn diện hơn, Kinh Tế và Môi Sinh không những không chống đối nhau, mà còn bổ túc cho nhau nữa.

Thực vậy, không thể tách rời các vấn đề Môi Sinh ra khỏi bất cứ vấn đề nào khác mà chúng ta phải đối phó vì trên thực tế, nó là một thành phần của tất cả các vấn đề khác. Chúng ta không thể chiến đấu chống các nạn Nghèo Đói, Bệnh Tật, Đau Khổ mà thiếu vắng một Khí Hậu ổn định hay một Môi Sinh lành mạnh.cho người Dân sống trong đó. Cũng như chúng ta không thể cải thiện một nền Kinh Tế đang gặp khó khăn mà vắng bóng những điều kiện về Khí Hậu và Môi Sinh vừa đề cập ở trên.

Một Môi Trường lành mạnh là một điều kiện tiên quyết cho một nền Kinh Tế lành mạnh. Kinh Tế dựa trên khả năng của Trái Đất nhằm cung cấp Tài Nguyên và nhu yếu phẩm cho cuộc sống. Nếu tình trạng Ô Nhiễm do chúng ta gây ra, giảm thiểu khả năng của Trái Đất về phương diện này, thì đó quả là cả một Thảm Họa cho nền Kinh Tế. Trong thực tế, hiện tượng “Thay Đổi Khí Hậu’ có tiềm năng ( và có nhiều cơ may sẽ) gây ra cho Nhân Loại một trong những cuộc Suy Trầm Kinh Tế toàn cầu lớn nhất từ xưa đến nay.

Cuộc tranh luận giữa Tăng Trưởng và Môi Sinh đang tiến hành thì mới đây có một ý kiến rất táo bạo và mới mẻ nhưng được dựa trên những lập luân và dữ kiện rất vững chắc của ông Chris Huhne, nguyên Tổng Trưởng của Anh Quốc trong lãnh vực Năng Lượng và Khí Hậu. Theo ông Huhne, có những bằng chứng không thể chối cãi đựợc là  sự chọn lựa thực sự hiện nay là Tăng Trưởng trong đường lối tôn trọng Môi Sinh hoặc không có tăng trưởng gì cả !

Chris Huhne viết: “Lần đầu tiên trong giai đoạn Hậu Thế Chiến, giá Năng Lương và các hàng hóa khác cao một cách bất thường vào giai đoạn  này của tiến trình Phục Hồi Kinh Tế toàn cầu. Bình thường, giá các nguyên liệu căn bản giảm trong thời gian ít nhất hai năm sau khi cuộc phục hồi kinh tế bắt đầu.. Trong quá khứ , hiện tượng vừa nêu gia tăng lợi tức, hỗ trợ cho việc chi tiêu và thúc đẩy nền Kinh Tế phục hồi

Hiện nay, xảy ra trong các nước ‘đã phát triển’ một hiện tượng mới mẻ:  thay vì giúp gia tăng lợi tức và hỗ trợ chi tiêu, thì sự kiện giá Năng Lượng và nguyên liệu Cao xoi mòn sự phục hồi kinh tế mỏng manh bị ‘vùi dập’ bởi một cuộc khủng hoảng tài chánh và ‘gia tài’ Nợ Nần’.

Mô hình mới đưa tới các hậu quả sau đây cho tương lai của chúng ta.

Tình trạng sụt giá hàng hóa của thế kỷ vừa qua có vẻ đã chấm dứt. Mà Á Châu là nguyên nhân của hiện tượng vừa kể.Trung Hoa đang phát triển nhanh hơn 5 lần Anh Quốc trong giai đoạn kỹ nghệ hóa của nước này, và số người có dính dáng vào nó nhiều như chưa từng thấy trước đây.

Lẽ dĩ nhiên, chúng ta có thể hy vọng rằng các nguồn tài nguyên mới sẽ từ từ thay thế các nguồn tài nguyên cũ mà giá cả đang gia tăng. ‘Ứng cử viên sáng giá’ nhất hiện nay là nguồn hơi đốt nằm trong đá phiền sét (shale gas) mà việc sản xuất đã bành trướng mạnh mẽ tại Hoa Kỳ, giúp cho giá hơi đốt tại đây hiện nay chỉ bằng nửa tiền giá hơi đốt tại Âu Châu..

Chúng ta cần nguồn nguyên liệu mới mẻ này thay thế nguồn dầu thô mà việc sản xuất đang suy sụp.

Tuy nhiên, tốc độ bành trướng của loại hơi đốt mới mẻ này tại Hoa Kỳ khó có thể lập lại trong các vùng đông dân cư hơn như Âu châu chẳng hạn. Ngoài Hoa Kỳ, quyền sở hữu khoáng chất thường nằm trong tay các chính quyền. Điều trên dẫn tới tình trạng là các chính quyền ít có khuynh hướng tìm cách khai thác các tài nguyễn sẵn có, nếu không nói ngược lại. Ngoài ra, nhiều  vùng sở hữu nguồn hơi đốt nằm trong đá phiến sét này (shale gas) thiếu nước cần thiết cho tiến trình làm thoát ra (fracking) nguyên liệu hơi đốt mới mẻ này.

Cho đến thời điểm này, nguyên liệu mới này không ngăn nổi việc giá cả hơi đốt gia tăng trên toàn cầu, mặc dầu từng đoàn tàu chuyên chở các loại hơi đốt thông thường đang hướng tới các nước khác hơn là Hoa Kỳ. Mà nguyên nhân một phần là vì nhu cầu nhiên liệu đang gia tăng tại các nước đang phát triển, phần khác là do sự chuyển hướng trong việc thay thế nhiên liệu Nguyên Tử với loại nhiên liệu khác sau vụ tai ương xảy ra tại Nhật liên quan đến nhà máy nguyên tử Fukushima. Chúng ta cần rất nhiều ‘nguồn hơi đốt nằm trong đá phiến sét’ (shale gas) mới mẻ này cho nhu cầu của 3 trong số các nền kinh tế kỹ nghệ lớn nhất là Đức, Ý và Nhật đang chuyển hướng từ nhiên liệu nguyên tử qua các nguồn nhiên liệu khác.

Với tình thế như vừa đề cập ở trên, chúng ta chỉ hy vọng có nguồn nhiên liệu rẻ này trong tương lai xa xăm và sẽ tỏ ra liều lĩnh nếu chúng ta đặt hết hy vọng vào đó. Trái lại, chúng ta phải khuyến khích loại Tăng Trưởng nào có thể tiết kiệm nguyên liệu ở nơi nào có thể thực hiện được.

Chính sách Tiết Kiệm Năng Lượng dẫn tới tình trạng ai cũng có lợi cả. Nó có tiềm năng cho việc tạo ra công ăn việc làm và hỗ trợ cho sự Tăng Trưởng bằng cách cắt giảm chi tiêu và gia tăng lợi tức. Tuy nhiên, cần phải kèm theo với một chương trình rộng lớn hơn nhằm tạo nên sự hữu hiệu trong việc xử dụng nguyên liệu như Tái Chế Biến, Tu Sửa và Tái Xử Dụng như Hội Nghị Thượng Đỉnh tại Rio vào tháng 6 tới sẽ giải thích rõ ràng.

Loại tăng trưởng ‘đói nguyên liệu’ sẽ bị ‘khựng’ lại một cách nhanh chóng do tình trạng giá cả hàng hóa gia tăng, mà lý do đơn giản là nhiều người trong chúng ta muốn có các loại hàng hóa đó. Nếu chúng ta muốn có loại Tăng Trưởng có thể đứng vững với thời gian, chúng ta không có lựa chọn nào khác. Chúng ta phải theo đuổi loại chính sách Tăng Trưởng tuân theo các quy luật của Môi Sinh (1)

 Người Tìm Hiểu

CHÚ THÍCH

(1) Chris Hulne, ‘Going Green A No-Brainer If Growth Is The Objective‘, ‘The  Saturday Age’, 05/05/2012, Melbourne, Úc

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm