CỐ LƯƠNG KIM ĐỊNH, CHÚA MUÔN ĐỜI TRONG LÒNG TÔI

 

Trần Đại Sỹ

ING.272Giữa tháng 7 năm 1999, tôi nhận được bộ Khai quật kho tàng cổ sử hừng Việt của bác-sĩ Nguyễn Xuân Quang gửi tặng (1). Xin tạm viết tắt là KQHV. Ðây là tác phẩm mà tôi mong đợi từ lâu, hơn một lần tôi viết thư dục tác giả xuất bản. Cũng may anh Quang vốn là người dễ tính, nên không bực mình.Thói quen của tôi khi nhận được tác phẩm của thân hữu, là gấp lại, đợi sau khi làm việc, tắm rửa, rồi mới trịnh trọng đọc. Bộ sách nghiên cứu của anh Nguyễn Xuân Quang cũng vậy. Dù rằng, trước đó, tôi đã đọc từng mảnh lẻ tẻ KQHV trên Y-học thường thức. Nhưng đọc từng mảnh, không thỏa mãn trí thức, và phải ngồi chờ hai tháng sau mới được đọc…tiếp. Bây giờ tôi đã có trọn bộ trong tay. Tôi đọc với cây bút chì, mỗi khi có sự kiện đặc biệt, tôi lại ghi chú, đánh dấu. Cũng có lúc gặp những từ khó hiểu, tôi phải ghi tiếng Pháp hay Anh bên cạnh, để sau đó bốn đứa con tôi đọc sẽ không bị cái cảnh gọi điện thoại Bố ơi, cái từ…nghĩa là gì vậy ? Ðược cái tác giả không sáng tạo ra nhiều từ ngữ khó, thành ra tôi cũng không phải ghi chú nhiều. Hôm ấy là ngày thứ sáu. Thứ bẩy tôi không làm việc, nên đọc một hơi suốt đêm thứ sáu đến 2 giờ sáng thứ bẩy mới xong.

Khoan hãy nói cảm tưởng. Khoan hãy phê bình.

Tôi sang phòng thờ, trịnh trọng để bộ KQHV trên chiếc đĩa sứ Limoges rất đẹp, rồi thắp hương tại bàn thờ của Giáo-sư Lương Kim Ðịnh. Tôi khấn :

Kính Cố,

Hồi còn sinh tiền, Cố hằng mong sao trong kho tàng chủ đạo của tộc Việt có những bộ sách tiêu biểu cho Văn-hóa năm nghìn năm đã qua. Cố chia ra làm bốn loại là Kinh, Triết, Văn, Sử. Cố nhiều lần tâm sự : Biết bao giờ ? Biết có ai ? Sẽ nghiên cứu cùng kỳ cực tổng hợp khảo cổ, triết học, văn hóa, ngữ học, rồi soạn ra một bộ sách, chiếu sáng về thời kỳ dựng nước của tổ tiên ta. Bộ sách này, sẽ nhắc nhở cho tộc Việt biết rằng trải năm nghìn năm dài lịch sử, nhờ văn minh thời hừng Việt, mà ta không bị đồng hóa, vì tổ tiên ta đã dùng làm vũ khí giữ nước.

Nay bộ sách mà Cố ước mong đã ra, tại Thiên-đàng xin Cố hãy đọc, và mỉm cười .

Bây giờ trong số Xuân Canh Thìn của Y-học thường thức, luật sư Michele Nguyễn, muốn tôi viết về một người thân, không phải là ruột thịt, đã ảnh hưởng vào những tác phẩm của tôi. Tôi xin viết về Cố Lương Kim Ðịnh là người ảnh hưởng vào các tác phẩm của tôi đã đành, mà còn ảnh hương cả vào nếp sống của tôi, của gia đình tôi, và của tất cả những người thân của tôi.

Kể ra thì có nhiều người đã ảnh hưởng vào 13 nghìn trang giấy mà tôi đã viết. Như bà vợ khuất núi của tôi, khiến tôi viết về những cặp vợ chồng do cha mẹ quyết định luôn hòa thuận đến chết. Chết rồi còn hòa thuận. Những người bạn gái tài tử điện ảnh Hương-cảng, nhưng nữ ca sĩ ở Hàng-châu, Dương-châu, Tô-châu khiến tôi tạo ra những mối tình Hoa-Việt, mà bao giờ người con gái Trung-quốc cũng xinh đẹp, ôn nhu văn nhã, cực kỳ trung thành. Bà má má (vú nuôi) người Hàng-châu của tôi đã khiến bất cứ tác phẩm nào của tôi cũng có những bà vú thương yêu, hy sinh cho đứa con sữa của mình. Những đứa con của tôi, bị mồ côi mẹ sớm, đã khiến tôi tạo ra những nhân vật, mồ côi mẹ, rồi do cố gắng mà trở thành những người kiệt hiệt.

Nhưng, đó chỉ là những ảnh hưởng nhỏ. Có ba nhân vật đã ảnh hưởng vào tôi, nếu nói không ngượng, là những người tạo ra hồn và xác toàn bộ các tác phẩm của tôi đã xuất bản và sắp xuất bản. Ba người đó là Ông tôi, Bố tôi và Cố Kim-Ðịnh.

Ông tôi là người dạy Kinh, Sử, Tử, Tập, Cửu lưu tam giáo cho tôi, rồi vạch ra con đường cho cả cuộc đời tôi, ngay từ lúc tôi mới 11-12 tuổi. Người khuyên tôi phải học, để có chỗ đứng về tài chánh, rồi viết lấy ít nhất 4 bộ tiểu thuyết về 4 thời đại huy hoàng của người Việt : Lĩnh-Nam (Vua Trưng), Ðông-a (Trần), Lam-sơn (vua Lê), Tây-sơn (vua Quang Trung). Cho nên tôi khởi viết ba bộ về thời Lĩnh Nam là Anh-hùng Lĩnh Nam, 4 quyển ; Ðộng-đình hồ ngoại sử, 3 quyển, Cẩm-khê di hận, 4 quyển. Ông tôi không khuyên tôi viết về triều Lý, nhưng tôi cũng cứ viết về : Anh hùng Tiêu-sơn 3 quyển, Thuận-thiên di sử 3 quyển, Anh-hùng Bắc cương 4 quyển, Anh-linh thần võ tộc Việt 4 quyển, Nam-quốc sơn hà 5 quyển. Về thời Ðông-a tôi mới viết được bộ Anh-hùng Ðông-a dựng cờ bình Mông. Tôi đang viết bộ Anh-hùng Ðông-a gươm thiêng Hàm-tử. Tôi còn nợ tổ tiên hai bộ Anh-hùng Lam-sơn và Anh-hùng Tây-sơn.

Nguyên do nào ông tôi lại khuyên tôi viết ?

Bấy giờ là những năm 1950-1954, những vị khoa bảng cũ lần lượt quy tiên. Số người biết chữ Nho để đọc sách cổ lưa thưa như sao mai. Nhà Tín-đức thư xã cho xuất bản hầu hết những bộ tiểu thuyết dịch Trung-quốc như : Phong-thần, Hán Sở tranh hùng, Chiêu-Quân cống Hồ, Tam Quốc chí, Tề-thiên Ðại-thánh, Thuyết Ðường, La Thông tảo Bắc .v.v. Người Việt thi nhau đọc, rồi tin rằng những nhân vật tiểu thuyết là thực, tin đến độ thờ cúng những nhân vật đó. Cũng có người xưng là Phật là Thánh; mà Phật, Thánh đó lại chỉ là những nhân vật trong tiểu thuyết Trung-quốc. Lại cũng có người lập ra tôn giáo, để thờ những nhân vật ấy.

Buồn thay, trong các tiểu thuyết Trung-quốc, thì chủ đạo của họ luôn được đề cao : Vua bao giờ cũng là con trời. Các quan thì luôn là Văn-khúc tinh quân, Vũ-khúc tinh quân, Nhị thập bát tú giáng trần. Rồi người Việt đọc tự ty mình là Nam-man, không thể và không nên chống Thiên-triều.

Vì vậy ông tôi khuyên tôi viết những bộ tiểu thuyết, để người Việt đọc, biết rõ tổ tiên ta anh hùng như thế nào ? Và vua chúa Trung-quốc không phải là con trời, tướng Trung-quốc không phải là Thiên-tướng. Họ bị người Việt chặt đầu như chặt củ chuối.

Phụ thân tôi thuộc giới Tây-học, nhưng uyên thâm cổ học. Người từng đọc Alexandre Dumas, Thị Nại Am, La Quán Trung, người khuyên tôi ba điều : Một là khi viết thì đừng vì tự ái dân tộc, mà cái xấu của mình là của người, cái tốt của người là của mình. Hai là, viết về thời nào thì làm nổi bật lên cả văn minh, tôn giáo, y học thời đó. Ba là, con phải biết rằng một lời con viết là Trưng-vương nói, là Hưng-đao vương nói. Vì vậy viết thì cứ viết, nhưng để đấy, thỉnh thoảng đem ra đọc rồi thêm bớt. Khi đi vào tuổi 45, tâm đã định, hãy đem ra xuất bản.

Có thể nói, ông tôi, bố tôi đã tạo ra thân, xác cho các bộ sách của tôi. Nhưng còn hồn ? Tôi không thể viết để độc giả mua vui trong vài trống canh. Những bộ sách phải lồng trong hệ thống tư tưởng. Vậy nên chọn hệ thống nào ? Nho ? Lão ? Phật ? Chúa ? Cả bốn đều không tiêu biểu cho toàn thể tư tưởng của tổ tiên ta. Tôi nghĩ : Người Trung-quốc họ lấy niềm tin là con trời, thì tôi cũng phải viết về niềm tin con Rồng, cháu Tiên của tộc Việt. Tôi tìm hiểu tư tưởng của cụ Lý Ðông A, của Giáo-sư Nguyễn Ðăng Thục… rồi dùng kiến thức tổng hợp lại.

Tôi khởi công viết ngày 10 tháng 3 năm Mậu-Thân (1968), âm thầm làm việc. Năm 1987, khi bộ Anh-hùng Lĩnh-Nam (AHLN) ra đời, thì Giáo-sư Phạm Hữu, anh Mai Trung Ngọc giám đốc nhà xuất bản Nam-á, ký giả Từ Ngọc Lê hỏi tôi rằng tôi đã đọc những bộ sách của Giáo-sư Lương Kim Ðịnh chưa, mà sao những tư tưởng kiến giải của người về tộc Việt lại bàng bạc trong AHLN ?

Tôi vội vàng lục lọi, tìm hầu hết những công trình của Giáo-sư Lương, bấy giờ tôi mới biết Ngài là một linh mục. Ðúng là ếch ngồi đáy giếng. Cho đến 1987 tôi mới biết đến Ngài. Tôi nghiền các bộ sách của Ngài trong suốt một tháng. Toàn bộ tư tưởng Ngài đưa ra, tôi chỉ bất đồng ý kiến rất ít, khoảng 10%. Một chân trời mới mở rộng ra trước mắt tôi, để tôi nhìn suốt toàn bộ tư tưởng năm nghìn năm của tổ tiên.

Tôi gửi bộ AHLN biếu Ngài. Tôi được biết Ngài với tôi cùng quê ở Nam-định, cùng huyện, chỉ khác làng mà thôi. Tôi không gọi Ngài là cha, hay giáo sư, mà gọi lá Cố. Chả quê tôi, những người không theo đạo Chúa, gọi linh mục là Cố để tỏ ý kính trọng. Các con tôi cũng gọi Ngài là Cố. Chúng thích thú với từ này lắm.

Sách gửi đi trong nửa tháng, thì Cố gửi thư cho tôi. Trong thư, Cố tỏ ý mừng vô hạn, vì từ lâu, Cố hằng mong sẽ có những bộ trường giang tiểu thuyết như Tam-quốc chí, như Anh hùng xạ điêu. Cố phát biểu : Hai người vô tình cùng đào con đường hầm từ hai nơi khác nhau, rồi gặp nhau . Cố rủ tôi sang Hoa-kỳ gặp Cố, để cùng thảo luận. Tôi nảy ra ý kiến, rủ Cố cùng đi Úc một chuyến. Vì bấy giờ bên Úc có nhóm Trường-hoa Tiên Rồng của nhà văn Nguyễn Ðức Sách, và nhóm Việt-luận của Giáo-sư Lê Linh Thảo, và ký giả Gia-Du. Hai nhóm này cùng có khuynh hướng nghiên cứu, hoạt động trong việc lấy hào quang của tổ tiên để truyền bá văn hóa, giữ gìn nếp sống đẹp của tộc Việt.

Anh em ở Úc vốn yêu văn hóa, vì vậy khi tôi vừa ngỏ ý, thì có đến hơn chục vị muốn mua vé máy bay cho Cố sang. Chúng tôi gặp nhau ngày 2 tháng 8 năm 1988 tại Melbourne, trong nhà người em tôi là ký giả Trần Huy Quyền. Tôi không hề ngạc nhiên khi thấy Cố trang phục rất giản dị. Cố ăn uống cũng dễ dãi như tính tình của Cố. Trong những ngày Cố ở nhà của Quyền, vì Quyền là một người hoạt động văn hóa, nên sinh viên ra vào tấp nập. Những người trẻ, những sinh viên tìm gặp Cố quá đông. Quyền phải chia họ thành từng nhóm, tùy theo trình độ. Nhóm ít khoảng 3-4 , nhiều thì 20-30 người. Khi Cố giảng giải cho họ, tôi đều ngồi nghe rất kỹ, rất chăm chú. Tôi thấy, qua những lần sinh hoạt với tuổi trẻ, Cố không hề mệt mỏi. Tất cả những gì Cố trình bầy đều có hệ thống, và tỏa ra tâm hồn Cố hết sức ưu tư về tương lai Việt-Nam.

Anh em ở Melbourne tổ chức cho Cố với tôi nói truyện tại Ðại-học, cho khoảng 700 người nghe. Sau đó chúng tôi nói truyện ở Sydney, Nam Úc, và Queensland.

Tháng 10 năm đó, tôi mời Cố du lịch Âu-châu. Trong chương trình, tôi xếp đặt để Cố đi Hòa-lan, Ðan-mạch, Vương-quốc Bỉ, mỗi nơi khoảng hai, ba ngày. Có hai nơi, Cố không dứt ra mà đi được là Vương-quốc Anh và Pháp. Tại Vương-quốc Anh, tổ chức An-việt do anh Vũ Khánh Thành rất lớn, rất sâu, và ảnh hưởng vào người Anh rất nhiều ; vì vậy Cố ở Anh hơi lâu, làm các nơi khác phân bì, khiếu nại. Riêng tại Pháp, Cố ở trong nhà tôi mười lăm ngày. Thời đó các con tôi đang ở tuổi 16-22. Chúng khao khát được biết chiều sâu của văn hóa tộc Việt. Gặp Cố, chúng mừng vô kể, tôi phải làm một thời khóa biểu, để chúng tập họp bạn ta, bạn Tây lại nghe Cố giảng. Hai tác phẩm của Cố mà thính chúng say mê nhất là Việt-lý tố nguyên và Gốc rễ triết Việt.

Tựu trung những luận án mà Cố với tôi đưa ra như sau :

1.Lãnh thổ của tộc Việt bao gồm phía Nam sông Trường-giang nghĩa là gồm cả các tỉnh Hồ Nam, Quảng Ðông, Quảng Tây của Trung-quốc. Phía Nam gồm cả Lào, Thái, Chiêm, Miên. Cố thì chứng minh bằng suy luận, bằng văn hóa, bằng triết học. Tôi thì bổ túc bằng những di tích còn lại, những khai quật tại các vùng mà tôi đã đi qua, và nhất là tôi dùng những tài liệu của Ủy-ban y học Pháp-Hoa (Comité Médical Franco-Chinois = CMFC). Vì CMFC đã dùng hệ thống ADN để chứng minh rằng tộc Việt bao gồm toàn vùng Nam Trường-giang tới Cao-miên.

2. Những đặc thù văn hóa, văn minh gốc tại Hoa-Nam là của tộc Việt. Tộc Hán xâm lăng đất của tộc Việt, rồi xâm lăng luôn văn minh của tổ tiên, văn hóa của tộc Việt. Luận cứ này của Cố cực kỳ vững trãi. Tôi chỉ bổ xung bằng những chi tiết lịch sử còn ghi lại trong các sách Trung-Quốc và trong những di tích hiện các địa phương còn lưu giữ.

3. Cố đưa ra chủ đạo của tộc Việt kể từ vua Ðế-Minh, tất cả những huyền sử thời bình minh như :Vật tổ là con Rồng cháu Tiên ; triết học về sách ước gậy thần, trăm trứng trăm con, Phù-đổng Thiên-vương, bánh chưng bánh dầy, Chử đồng tử và Tiên Dung, Sơn Tinh và Thủy Tinh. Tất cả những triết luận của Cố, tôi đã viết trong Anh-hùng Lĩnh-Nam rồi. Trước tôi định toàn bộ tiểu thuyết của tôi chỉ nằm trong những gì về thời bình minh lịch sử mà thôi.

4. Sang đến các thời sau, Cố triết luận rằng Việt Nho với Hán Nho hoàn toàn khác nhau. Hóa cho nên từ phương pháp học, cho đến phương thức thực hành của Việt Nho, Hán Nho khác nhau rất xa. Rồi khi Phật giáo truyền vào Việt Nam, bị tộc Việt biến đổi thành Phật giáo Việt Nam khác hẳn với Phật-giáo tại Ấn-độ, Trung-quốc. Ðến cuối đời Lý sang đời Trần, thành một thứ văn hóa Việt Nam thuần túy : Tam giáo đồng nguyên, rồi đạo Thiên-chúa truyền vào Việt-Nam, một lần nữa đạo Chúa tại Việt-Nam lại có sắc thái khác hẳn đạo Chúa tại Pháp, Bồ-đào-nha, Tây-ban-nha.

Trong suốt một tháng gần nhau cả ngày lẫn đêm tại Úc. Trong ba tuần tại Pháp, sau những thảo luận, triết luận, tôi với Cố đã đồng ý rằng : Bất cứ văn hoá nào truyền vào Việt Nam cũng bị Việt hóa, hợp với chủ đạo sẵn có thành một hệ thống mới, chủ đạo tộc Việt lại có một vẻ mới.

Bây giờ, quý độc giả không ngạc nhiên rằng, những bộ sách mà tôi xuất bản sau 1978 như Ðộng-đình hồ ngoại sử, Cẩm-khê di hận, 5 bộ về thời Lý dĩ chí cho tới bộ mới nhất Anh-hùng Ðông-a dựng cờ bình Mông nhất nhất đều chứng minh : Tổ tiên ta đã dùng chủ đạo của tộc Việt để giữ nước.

Trong thời gian viết này, việc làm thành công nhất của tôi là bài Nguồn gốc dân tộc Việt Nam mà tôi được mời đọc nhân dịp khai giảng niên khóa 1992-1993 tại viện Pháp-á. Sau đó, tháng 10 năm 1992, tôi lại được mời diễn giảng bài đó tại đại học văn khoa Quảng-châu và Trường-sa. Thính giả 3 nơi, cũng như 3 đại học đều chấp nhận lý luận của tôi. Ðược tin này, Cố mừng, Cố viết thư cho tôi : Việt Nam mình hiện giờ người ta vẫn còn theo đuổi Mác, Lê. Nhưng chỉ mấy năm nữa thôi, rồi họ cũng trở lại với chủ đạo của tộc Việt .

Năm trước đây, trong nước đã đưa ra chủ trương trở về nguồn. Ðến năm 1997 hầu hết các thôn xã, các trang, các động, đều phục hồi lại truyền thống dân tộc, đến nay, hầu như tất cả truyền thống, chủ đạo đều phục hồi. Duy chính sự là chưa thay đổi. Năm 1999 Bác-sĩ Nguyễn Xuân Quang xuất bản bộ Khai quật kho tàng cổ sử hừng Việt . Bộ sách ra đời đúng lúc, không sớm, không muộn. Nếu Cố còn tại thế, ắt Cố sẽ đến Califonia để dự lễ ra mắt bộ sách này, Cố sẽ hân hoan, không bút nào tả xiết.

Tôi nghĩ lẩm cẩm rằng : Cố về Thiên-đàng, hay Cố còn tại thế cũng thế thôi. Cố sinh ra để làm những việc mà tộc Việt cần. Việc đó xong, thì Chúa gọi Cố về. Cái linh hồn thanh khiết như hoa huệ của Cố còn ở tại thế làm gì ? Tôi là một Phật-tử, hơn nữa là Yên-tử cư-sĩ, nhưng tôi tin có Chúa ngự trên trời, Cố là phân thân của Chúa ban cho tộc Việt. Cố là Chúa muôn năm trong lòng tôi. A-men.

Trần Ðại-Sỹ


(1) Ngày đầu tháng 7 năm 2000, các giáo sư thuộc viện Pháp-á (IFA) và ARMA đưa ý kiến làm lễ ra mắt bộ sách Khai quật kho tàng cổ sử hừng Việt của bác-sĩ Nguyễn Xuân Quang. IFA là cơ quan chính-trị văn-hóa lớn. ARMA là cơ quan thuần túy y học mới thành lập 25 năm mà thôi. Kể từ năm 1975, chưa bao giờ hai cơ quan này liên hệ tới những sinh hoạt chính trị, văn hóa của người Việt. Nhưng lần này cả hai đều đứng ra tổ chức. Về nơi ra mắt:

_ Tôi đề nghị tại Ðại-học Y-khoa Cochin Port Royal.

_ Giáo sư Inge Pape đề nghị tại Ðại-học Sorbonne (Văn-khoa).

_ Bác-sĩ Chủ-tịch ARMA đề nghị tại viện Ðông Nam Á (Institut du Sud-Est Asie). Cuối cùng chính Bác-sĩ Nguyễn Xuân Quang đã chọn viện Ðông Nam Á.

Ngày ra mắt là 31 tháng 7 năm 2000. Ngày này là ngày mà những người đi nghỉ hè tháng 7 trên đường trở về. Còn người đi nghỉ tháng 8 đang lên đường. Tuy quan khách tới đầy phòng hội, nhưng sau đó khi tựu trường đám sinh viên trẻ nhè meo tôi vì chúng không được dự. Tôi nhận lỗi.

( Nguồn: Tài Liệu An Việt))

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm