ĐẢNG CẦN LAO
I. CẦN LAO LÀ GÌ?
Từ-ngữ “Cần Lao” là do tay sai thực-dân Pháp bộ-hạ của Quốc-Xã Đức đặt ra.
Nguyên Thống-Chế Philippe Pétain của Pháp (một anh-hùng trận-mạc từ thời Đệ Nhất Thế-Chiến), sau khi quân Pháp bị quân Quốc-Xã Đức đánh bại tại mặt trận vào tháng 6 năm 1940, đã được quốc-hội Pháp bầu làm Quốc-Trưởng, để đối-phó với tình-hình Quốc-Xã Đức đang tiến chiếm thủ-đô Paris. Nhưng ông lại đầu hàng Đức, tự biến chính-quyền của mình thành bù-nhìn cho Quốc-Xã Đức của Adolf Hitler (Phe Pétain tự-hào là nhờ có ông đứng ra hợp-tác với Đức, thủ-đô Pariscủa Pháp mới khỏi bị phi pháo tan-tành).
Chế-độ Pétain sửa đổi khẩu-hiệu của Cộng-Hòa Pháp-Quốc (République Française) nguyên là “Tự Do ‒ Bình Đẳng ‒ Bác Ái” (Liberté ‒ Égalité ‒ Fraternité) thành ra “Cần Lao ‒ Gia Đình ‒ Tổ Quốc” (Travail ‒ Famille ‒ Patrie).
Tiếng Pháp “Travail” (tiếng Anh là Labor) được bồi bút dịch ra tiếng Việt là “Cần Lao” (thay vì “Lao Động”). Cần Lao là khẩu-hiệu số 1 trong chương-trình“Cách-Mạng Quốc-Gia” (Révolution Nationale) của Pétain.
Do đó, “Cần Lao” là một từ-ngữ Việt do thực-dân Pháp nô-lệ của Quốc-Xã Đức đặt ra.
Tại Việt-Nam, bọn đồ-đệ văn-hóa của thực-dân Pháp nô-lệ Đức đã có sáng-kiến bắt-buộc mọi người đi xem xi-nê đều phải đứng nghiêm chào cờ, chiêm-ngưỡng ảnh của Thống-Chế Pétain, trong lúc nhạc trỗi bài “suy tôn” ông ta, trước khi phim được chiếu lên. Thanh-niên, sinh-viên, và học-sinh đều phải học thuộc lòng mấy bài thơ phổ nhạc ca-tụng Pétain, tỉ như:
Debout, belle jeunesse! Voici l’heure d’agir
Et voici la promesse de toujours obéir!
(Thanh-niên, hãy đứng lên! Đây là giờ hành-động!
Và đây là lời hứa: hãy luôn luôn vâng lời !)
Sinh-viên học-sinh mỗi khi hội-họp, diễn-hành, phải hát các bài hát ấy. Công-chức, dân-chúng nói chung, phải học-tập các “huấn-từ (lời nói)” của Pétain, cũng như phải thuộc lòng bài thơ Đường-luật tiếng Việt ca-tụng Pétain như sau:
Con thuyền nguy-biến lúc phong-ba
Đứng mũi chịu sào rước Cụ ra
Thời-thế dở-dang trăm nỗi khó
Giang-sơn trông-cậy một ông già
Tám tuần đầu bạc pha sương tuyết
Một tấm lòng son nặng quốc-gia
“Lời nói Ma San” ghi chép đó
Đọc thì phải hiểu, hỡi dân ta!
“Lời nói Ma San” (“Les Paroles du Maréchal”) là những lời huấn-thị và hiểu-dụ của Thống-Chế Pétain (mà thực-dân vong-quốc Pháp muốn sánh với kinh-điển“Khổng-Tử viết” của sĩ-phu Việt-Nam thời bấy giờ), và Sở Thông-Tin Pháp in thành từng tập sách nhỏ phổ-biến khắp nơi, với mục-đích khuyến-dụ mọi người hãy luyện “đức vâng lời” – chỉ vâng lời của Thống-Chế Pháp tay sai của Quốc-Xã Đức mà thôi.
Phe nhóm họ Ngô đã chọn dùng một từ-ngữ con đẻ của thực-dân cháu chắt của đế-quốc Quốc-Xã Đức, để gọi giới tinh-hoa của phe nhóm họ Ngô là “Đảng Cần Lao” (“Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng”), cũng như rập khuôn chương-trình “Révolution Nationale” của Pháp-gian mà lập ra “Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia” dưới thời Đệ-Nhất Cộng-Hòa!
Họ cũng học đòi “suy tôn” lãnh-tụ, từ chào cờ, chiêm-ngưỡng ảnh, trỗi nhạc tán-dương “Pháp-gian” Pétain, đến tuyên-truyền học-tập tuân lời Thống-Chế ngụy trước kia, biến thành lớp-lang chào cờ, chiêm-ngưỡng ảnh lãnh-tụ, trỗi nhạc ca-tụng, đồng-ca suy-tôn, và học-tập “đạo-đức cách-mạng” của Ngô Chí-Sĩ (rồi Ngô Tổng-Thống) sau này.
Trong bài “Chín Năm Bên Cạnh Tổng-Thống Ngô Đình Diệm” của Ông Lâm Lễ Trinh, phỏng-vấn Ông Quách Tòng Đức, cựu Đổng Lý Văn Phòng của TTDiệm, Ông Đức cho rằng Ông Trần Chánh Thành, Bộ Trưởng Thông Tin, là người đề xướng Suy Tôn Ngô Tổng Thống. Nói như thế tức là Ông Quách Tòng Đứckhông biết gì về “thủ tục” suy-tôn lãnh-tụ đã có từ thời Pétain Quốc-Trưởng bù-nhìn của Pháp dưới thời bị Đức cưỡng-chiếm.
(Riêng về bài hát “Suy tôn Ngô Tổng Thống” thì có 2 bài khác nhau, một của Miền Nam, một của Miền Trung; nên khi có các nhân-vật Miền Nam ra Huế “chầu Cậu” Ngô Đình Cẩn, hát chung với các “đồng-chí” Miền Trung, thì cả hai phe rán hát thật to, lấn át lẫn nhau để mong được “Cậu” chú ý, tạo ra cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” lộn-xộn vô cùng).
Như thế tức là “bài-trừ tàn-tích thực-dân” mà lại “noi gương thực-dân”.
II. GIẤY KHAI SINH CỦA ĐẢNG CẦN LAO
(Tài-liệu của Chính Đạo trong “Việt Nam Niên Biểu” Tập B)
Trong suốt chín năm cầm quyền của Tổng-Thống Ngô Đình Diệm, Đệ-Nhất Cộng-Hòa chỉ ký Nghị Định cho phép thành-lập duy-nhất một Đảng này mà thôi.
III. ĐẢNG CẦN LAO TRƯỚC CÔNG LUẬN
Theo Ký-Giả TÚ GÀN
(Lữ Giang, Nguyễn Cần):
“… Các tài liệu đã được giải mã gần đây cho thấy dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, chính Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã khuyến cáo và hướng dẫn chính phủ Ngô Đình Diệm truất phế Bảo Đại “một cách hợp pháp” và thành lập một chế độc đảng như Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan để chống Cộng hữu hiệu. Ông Ngô Đình Nhu đã cho lâp một đảng tương tự như thế và lấy tên là Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng. Bản dự thảo Diều Lệ của đảng này đã được dịch ra tiếng Anh và gởi cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xem trước khi đưa ra áp dụng. Nhưng vì hoàn cảnh của Việt Nam lúc đó đang ở trong cái thế “trên đe dưới búa” và “năm cha bảy mệ”, nên ông Nhu không thể tổ chức một đảng mạnh như Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch, thành ra đầu voi đuôi chuột!… .”
(Trích từ bài viết “Lại chuyện Anh Hai” của Tú Gàn ‒ Lu Giang <lugiang2003@yahoo.com>)
“… (Dược sĩ) Nguyễn Cao Thăng được giao cho đứng tên sang lại hãng dược phẩm OPV của Pháp và làm chủ hãng này. Đây là một cơ sở kinh tài quan trọng của Đảng Cần Lao”
(Trích từ email nhan đề “Những Bí Ẩn Đằng Sau” của Lữ Giang <lugiang2003@yahoo.com> phổ-biến trên diễn-dàn liên-mạng ngày Thu, 13 Mar 2008 09:57:04 -0700 PDT)
“… Tướng Lansdale, người cố vấn hình thành các toán chiến đấu dân sự cho miền Nam, rất thắc mắc về chuyện lập cái chế độ độc đảng này. Nhưng ôngReinhardt, Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Cộng Hòa (1955 – 1957), đã nhỏ nhẹ nói với Tướng Lansdale: “một quyết định về chính sách của Hoa Kỳ đã được định rồi(a U.S. policy decision had been made)”. Về sau, trong bản phúc trình ngày 17.1.1961, Tướng Lansdale có ghi rõ: “Đảng Cần Lao không phải là ý kiến của nhà Ngô;“trước tiên nó được đề xướng bởi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ” để loại bỏ cộng sản ra khỏi đất nước (the CLP was not their idea; “it was originally promoted by the U.S. State Department” to rid the country of communists).
Đại Sứ Elbridge Durbrow, người thay thế Đại Sứ Reinhardt, cũng đã mô tả rõ: “Tổ chức Cần Lao đã gần như theo mô thức của một đảng Cộng Sản, với các chi bộ, cán bộ, v.v., và cũng có thể so sánh với Quốc Dân Đảng của Trung Hoa.
Nhưng ông Diệm, ông Nhu và ông Cẩn không có khả năng xây dựng tại miền Nam một đảng giống Trung Hoa Quốc Dân Đảng được. Trái lại, một số tay chân bộ hạ đã lợi dụng tổ chức này để lộng hành và tranh giành nhau quyền lợi… gây xáo trộn trong quân đội… .”
(Trích từ bài viết “Trả lại sự thật cho lịch sử” ‒ Saigon nhỏ ngày 26.10.2007)
Theo Luật-Sư HOÀNG DUY HÙNG
(nhà hoạt-động chính-trị, cộng-đồng):
“… Đảng Cần Lao vừa mới được thành-lập và nó vẫn còn quá non trẻ so với các đảng quốc-gia khác như Đại Việt và Quốc-Dân Đảng. Các đảng ấy đã có một quá-trình dài hoạt-động cách-mạng rồi, nhiều người trong họ đã hy-sinh cho chính-nghĩa và nền độc-lập của tổ-quốc. Các đảng ấy không có may-mắn cầm nắm quyền-lực trong chính-phủ; do đó, họ không thể phát-triển hoạt-động của họ dễ-dàng như Đảng Cần-Lao; và, đương-nhiên, nếu các lãnh-tụ Đảng Cần-Lao không đối-xử với họ một cách khôn-ngoan và tế-nhị, thì sự bất-mãn sẽ nổ bùng dễ-dàng. Thí-dụ, vào năm 1959, bác-sĩ Phan Quang Đán và ông Nguyễn Trân đã được dân bầu vào Quốc Hội với tỷ-lệ phiếu đạt được rất lớn. Vì một lý-do nào đó, Nhu và vợ ông ấy đã cố gắng loại-trừ hai nhân-vật này ra khỏi chính-quyền. Từ đó, không có bao nhiêu đảng-viên của các đảng-phái quốc-gia khác muốn hợp-tác với chính-quyền Diệm.
Diệm bổ-nhiệm bác-sĩ Trần Kim Tuyến làm Giám-Đốc Sở Nghiên-Cứu Chính-Trị và Xã-Hội. Trong thực-tế, sở này là một cơ-quan tình-báo nhắm mục-đích giúpDiệm và Đảng Cần-Lao củng-cố thế-lực trong chính-quyền. Đối với nhiều người, cơ-quan tình-báo này là một sở “khủng-bố”, vì đã lạm-quyền bắt-bớ và giam-cầm người dân mà không buộc tội gì cả. Nhiều lãnh-tụ chính-trị đã bị cơ-quan tình-báo này bắt-bớ và bí-mật giam-cầm suốt nhiều năm trời, tỉ như Hà Thúc Ký, là Thủ-Lãnh của Đại-Việt Cách-Mạng-Đảng, Phạm Thái, là một trong các lãnh-tụ của Việt-Nam Quốc-Dân-Đảng. Các lãnh-tụ chính-trị khác thì bị bí-mật thủ-tiêu, như trong trường-hợp ông Nguyễn Bảo Toàn. Cảnh-trạng đó càng thảm-hại hơn, khi, vào ngày 6 tháng 5 năm 1959, Tổng-Thống Diệm ban-hành một loạt các đạo Luật gọi là Luật 10/59 cho phép bắt giam bất cứ kẻ nào bị nghi là cộng-sản mà không cần thủ-tục chính-thức buộc tội. Các đạo luật này đã gây bất-bình cho các nhà hoạt-động nhân-quyền khắp nơi trên thế-giới. Dựa vào các đạo luật này, một số đảng-viên Đảng Cần-Lao cũng đã trả thù các kẻ thù của mình bằng cách giản-dị cáo buộc họ là “nghi-can cộng-sản”. Hẳn là, trong nhiều trường-hợp, cộng-sản đã đứng đằng sau giựt dây và khích-động quần-chúng, đặc-biệt là Phật-Tử, đứng lên chống-đối chính-quyền Diệm, do tính cứng-rắn của ông cũng như do các hành-động bất-lương của đám thuộc-hạ của ông.
Đảng Cần Lao là nòng cốt của chính-quyền Diệm. Đảng này mới được thành-lập. Nó chưa có đủ thì-giờ để đào-tạo và thử-nghiệm đảng-viên. Vì đảng là đảng cầm quyền nên nhiều người xin vào đảng vì quyền-lợi cá-nhân hơn là vì lý-tưởng. Họ luôn luôn nịnh-hót Diệm để được Diệm tin-cậy và tín-cẩn, họ bịt mắt không cho Diệm thấy biết tính-chất thật-sự của nhiều sự-kiện để có quyết-định đúng-đắn. Vì kết-quả này, sau khi Tổng-Thống Diệm chết đi, đảng đã chấm dứt hoạt-động. .. .”
(Trích và phỏng dịch từ tác-phẩm “A Common Quest For Vietnam’s Future, a brief of Vietnam War, the First and Second Republic of Vietnam” [Cùng Tìm Tương Lai cho Việt Nam, tóm lược Chiến Tranh Việt Nam, hai nền Đệ-Nhất và Đệ-Nhị Cộng-Hòa] của Hoàng Duy Hùng)
Theo Giáo-Sư CAO THẾ DUNG
(nhà văn, nhà hoạt-động chính-trị):
… “Về Quân đội, một sai lầm khác của chế độ Miền Nam là đã đem đảng Cần Lao vào Quân Đội… .
… Khi một cấp ủy Hạ sĩ quan Đảng ủy trong đơn vị chỉ đạo cấp Tá thì quân đội tất bị xáo trộn, mất tôn thống quân giai. Hơn nữa, đảng chỉ là đảng chính quyền nên đảng trở thành nấc thang công danh cho một số thành phần cơ hội.
Từ đầu năm 1957, đã có bất mãn trong quân đội, một phần lớn do sự hiện diện của đảng Cần Lao với một Quân Ủy gồm 6 người mà cả 6 người đều không có kinh nghiệm trong quân đội… .
Tuy nhiên, một số sĩ quan, nhất là cấp Tá muốn tiến thân đã vào đảng tạo nên tình trạng kéo bè kéo cánh trong quân đội, kết quả lại thành thứ “gian nhân hiệp đảng” dưới thời Nguyễn Văn Châu làm Giám Đốc Tâm Lý Chiến, cấp Trung Tá làm Quân Ủy Trưởng (sau 1963, Châu theo Cộng Sản hoạt động trong Hội Việt Kiều yêu nước ở Paris)… .
… Gia nhập đảng Cần Lao dưới chế độ như Việt Nam Cộng Hòa không có gì đáng trách hay là điều đáng hổ thẹn hoặc là điều không tốt song, cái cung cách và ý đồ của người gia nhập đảng… mới là điều đáng xấu hổ.
Đảng chỉ còn là thứ đảng “lên lon”. Thật vậy, nhờ ở trong đảng và biết luồn cúi tâng bốc nên một Thái Quang Hoàng đầu năm 1954 là Đại úy, năm 1956 đã là Thiếu tướng, năm 1958, Trung tướng. Lê Quang Tung xuất thân khóa 4 Thủ Đức, đầu năm 1963 đã lên Đại tá, 8 năm lên 6 cấp… Trần Ngọc Tám, đầu năm 1954 là Đại úy, đầu năm 1958 đã là Thiếu tướng chỉ nhờ có chân trong đảng và là con tinh thần của Giám mục Ngô Đình Thục.
Trong khi Đại tá Linh Quang Viên, cựu đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, giáo quan trường Lục Quân Yên Bái (1945-1946), Đại tá từ đầu năm 1954, Tư lệnh Đệ IV Quân Khu, đeo lon Đại tá cho đến sau đảo chính 1963. Nhiều người bạn cùng khóa với tác giả đeo lon Trung úy 9 năm; Đại tá Nguyễn văn Thành, khóa I Nam Định, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 6 ‒ Sư đoàn 2 từ năm 1959, không vào đảng Cần Lao nên đeo lon Đại úy 9 năm, 7 năm làm Trung đoàn trưởng và kể cả thành phần ưu tú nhiệt tình ủng hộ chế độ như Đại úy Khiếu Hữu Diêu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù… trong khi chỉ một thiểu số (rất ít) thăng cấp quá nhanh dùkhông bao giờ đi đánh trận hoặc lại là sĩ quan thiếu khả năng.
… Tiếng súng đảo chính 11.11.1960 vừa nổ thì cột trụ của chế độ đã bỏ trốn như trường hợp Nguyễn Văn Châu, Quân ủy Trưởng Đảng Cần Lao trong Quân Đội chạy trốn vào nhà dòng Chúa Cứu Thế đường Kỳ Đồng. Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Công An, tướng Nguyễn Văn Là bỏ trốn sớm nhất đến trưa 12.11.60 mới vào Dinh trình diện Tổng Thống… .
… Từ lúc tổ chức đảng Cần Lao trong quân đội, cái lễ binh cách đã mất. Một Nguyễn Văn Châu, cấp Trung tá, môt con người rất tầm thường mà làm đến Quân Ủy Trưởng Quân Ủy Trung Ương trong Quân Đội thì đây là nghịch thường trong khi quân đội Cộng Sản Bắc Việt, Quân Ủy Trưởng là một Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị là một Thượng tướng, cả hai đều là Ủy viên Bộ Chính Trị… .”
(Trích từ cuốn sách “Việt Nam Ba Mươi Năm Máu Lửa” của Cao Thế Dung, xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1991 – trang 528-534)
Theo Tướng Mỹ EDWARD G. LANSDALE
(CỐ-vấn, đỡ đầu cho nhân-vật Ngô Đình Diệm):
… “Càng ngày càng có nhiều người đã đến tìm tôi để xin can thiệp, vì thân nhân của họ bị các đảng viên Cần Lao võ trang đầy mình nửa đêm tới gõ cửa và bắt đi. Thân nhân của những người này là viên chức của chính phủ, không thích vô đảng phái phục vụ cá nhân, đã tử chối không tham gia đảng Cần Lao. Các nhân viên chánh quyền đểu bị ép phải gia nhập đảng Cần Lao. Đảng Cần Lao được tổ chức mau chóng trong mọi cơ quan dân sự và quân sự… .
… Nếu đảng Cần Lao được ông Nhu tổ chức như một cơ cấu chính trị bí mật khắp trong chính phủ, dùng Công An Mật do ông Nhu kiểm soát để loại trừ đối lập, thì đảng Cần Lao sẽ khiến cho các đảng phái quốc gia khác rút vào phạm vi hoạt động bí mật để khỏi bị tiêu diệt… .”
(Trích từ cuốn sách “Tôi làm quân sư cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm”, do LT dịch sang tiếng Việt, ấn hành tại Hoa Kỳ năm 1972 – trang 235-36)
Theo Ông LÂM LỄ TRINH
(cựu Bộ Trưởng Bộ Nội-Vụ thời Đệ-Nhất Cộng-Hoà):
… “Ông Quách Tòng Đức xác nhận ông Ngô Đình Nhu… là cha đẻ của Đảng Cần Lao, dựa vào thuyết Nhân Vị, Personnalisme, đúc kết hai xu hướng của triết gia công giáo Emmanuel Mounier (1905-1950) và Jacques Maritain (1882-1973)… .
Ngoài chức Tổng Bí thơ Đảng Cần Lao (tổ chức theo mô hình đảng Cộng sản, với một Quân ủy trong Quân đội), có một lúc ông Nhu là dân biểu Quốc hội… .
Về câu hỏi TT Diệm liên hệ ra sao với đảng Cần Lao, ông Quách Tòng Đức cho biết ông Diệm chỉ để ý theo dõi hoạt động của Phong Trào Cách Mạng Quốc gia (tổ chức nồng cốt của chế độ từ lúc đầu) và Liên đoàn Công chức Cách mạng, một tổ chức ngoại vi của Chánh phủ.
Về chuyện thành lập và sinh hoạt của đảng Cần Lao, TT Diệm giao hết cho hai ông Nhu và Cẩn… . Các gương mặt nổi trong hoạt động Cần Lao gồm có các ôngHuỳnh Văn Lang, Trần Kim Tuyến, Lê Văn Đồng, Huỳnh Hữu Nghĩa, Lê Quang Tung, Đổ Mậu, Nguyễn Văn Châu, Đổ Kế Mai, Nguyễn Trân ..v..v..
Quyết định đưa Cần Lao vào Quân đội – tức là chính trị hoá Quân đội – làm yếu Quân đội vì phá vỡ hệ thống quân giai và làm nản lòng các sĩ quan chuyên nghiệp… .
… “Bộ trưởng Thông tin Trần Chánh Thành bỏ hàng ngũ kháng chiến về cộng tác với ông Diệm từ lúc đầu như Trần Hữu Phương, Trần Lê Quang…..Ông có công xây dựng Phong trào CMQG, tổ chức Chiến dịch tố cộng v.v… . Bất thuận với Trần Kim Tuyến, Thành rời Nội các cuối năm 1959. Ba bộ trưởng khác ra đicùng một lúc vì, với ông Thành, lập hồ sơ truy tố một số cán bộ Cần lao dân sự và quân sự lộng quyền: Trần Trung Dung (Quốc phòng), Nguyễn Văn Sĩ (Tư pháp) và người viết Lâm Lễ Trinh (Nội vụ). Bộ Thông tin bị đổi thành Nha Tổng Giám đốc Thông tin do bác sỉ (Cần lao) Trần Văn Thọ phụ trách.”…
(Trích từ bài viết “CHÍN NĂM BÊN CẠNH TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM – Mạn đàm với cựu Đổng lý QUÁCH TÒNG ĐỨC”)
Theo Ông NGUYỄN VĂN MINH
(Cựu đại-uý biệt-phái đến văn-phòng Cố Vấn Ngô Đình Cẩn):
… “Đến đầu năm 1954 Đảng bắt đầu phát triển mạnh, đặc biệt là trong hàng ngũ Quân Đội tại miền Trung. Cố Trung Tá Nguyễn Văn Châu, khi ấy là Trung Úythuộc Phòng Quân Nhu Quân Khu II, người được Linh Mục Lê Sương Huệ tiến cử làm liên lạc viên cho ông Ngô Đình Diệm, thời gian ông bị ông Hồ chí Minh quản thúc tại Hà Nội (1946), được ông Ngô Đình Cẩn, với tư cách Bí Thư của Đảng, giao nhiệm vụ tổ chức đảng trong Quân Đội.
Đảng được tổ chức theo hệ thống, trên hết là Trung Ương Đảng, kế đến là:
Phía Dân Sự: Liên Khu, Khu, Tỉnh, Quận và Chi Bộ.
Phía Quân Sự: Quân Ủy, Khu, Sư, Liên Chi, Chi Bộ và Tổ.
Phía Quân Sự, một cuộc họp Đại Biểu Đảng trong toàn quân được tổ chức tại Nha Trang vào hạ bán niên 1955, do Trung Tá Đỗ Mậu khi ấy là Chỉ Huy Trưởng Phân Khu Duyên Hải phụ trách. Tại Đại Hội này, một Quân Ủy đã được thành lập với tên gọi là Quân Ủy Lê Lợi. Đại Hội cũng bầu ra Ban Chấp Hành đầu tiên của Quân Ủy Lê Lợi với Bí Thư là Tướng Lê Văn Nghiêm, bí danh Minh Sơn. Ông Ngô Đình Nhu, từ Sài Gòn ra dự buổi họp bế mạc với tư cách Tổng Bí Thư, chấp nhận thành phần Ban Chấp Hành Quân Ủy và chứng kiến lễ huyết thệ tuyệt đối trung thành với Lãnh Tụ Ngô Đình Diệm và Đảng của tất cả các đảng viên tham dự cuộc họp. Năm 1957, khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm ra lệnh cấm mọi sinh hoạt chính trị trong Quân Đội, Quân Ủy Đảng Cần Lao đã được ngụy trang dưới bí số B5 (Ban 5).
THỰC TRẠNG: Trong những năm đầu (1954-1960) đảng sinh hoạt đều đặn, nội dung sinh hoạt tương đối có chất lượng về các mặt xây dựng cán bộ, cơ sở đảng và chính quyền. Nhưng từ năm 1961, sinh hoạt của đảng mỗi ngày mỗi lỏng lẻo, rời rạc. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là vì:
1. Từ khi được thành lập đến khi nắm được chính quyền là một thời gian quá ngắn. Hầu hết cán bộ, đảng viên chưa học hỏi kinh nghiệm sinh hoạt đảng phái, chưa từng trải những khó khăn, gian nguy trong tranh đấu.
2. Ngay sau khi Lãnh Tụ Ngô Đình Diệm vừa nắm chính quyền, các vị lãnh đạo cũng như cán bộ, đảng viên mọi cấp đã bị công tác đối phó với những khó khăn thời cuộc cuốn hút hết thời gian. Công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ không được thực hiện đúng quy định và yêu cầu.
3. Trong thời gian tình hình đất nước nổi lên quá nhiều khó khăn (1954-1956), một phần chi phối bởi nhu cầu đối phó với tình hình, phần khác cũng do một số cán bộ mắc bệnh chủ quan, thiếu thận trọng. Nên việc kết nạp đảng viên thường căn cứ vào cấp bậc, chức vụ hoặc tình cảm mà bỏ qua nguyên tắc điều tra lập trường, thử thách đạo đức trong một thời gian cần thiết, trước khi chính thức kết nạp.
Tình trạng kết nạp đảng viên lệ thuộc vào tình hình và phần nào thiếu thận trọng trên đây đã tạo cơ hội cho một số bọn ‘’thời cơ chủ nghĩa’’ lọt được vào đảng với mục đích bảo vệ quyền lợi cá nhân hơn là lý tưởng. Sau khi lọt được vào Đảng, để củng cố uy thế, mưu lợi cá nhân, nhóm này thường khoa trương ‘’nhãn hiệu’’ Cần Lao và để tỏ ra là một đảng viên trung thành, họ hay có những hành động thiếu ý thức đối với các đảng phái khác và những người có tư tưởng không đồng nhất với chính quyền. Hành động của nhóm người này cộng với tác phong của chú ngựa chở sắc phong Thành Hoàng về làng của một vài cán bộ được Tổng Thống Diệmtín nhiệm, đã góp phần không nhỏ vào việc tạo ra nguyên nhân làm cho một số người bất mãn với chế độ. Đồng thời làm cho người bàng quan lầm tưởng rằng Tổng Thống Diệm dùng Đảng Cần Lao khống chế chính quyền. Vì thực ra, tuy được tôn là Lãnh Tụ của Đảng, nhưng ông Diệm hoàn toàn không biết gì đến Đảng Cần Lao. Từ ngày đầu trong cuộc đời tranh đấu của ông, ông luôn giữ lập trường phải đứng trên các đảng phái để đoàn kết được toàn lực quốc gia. Ông không dành một đặc quyền nào cho đảng viên Đảng Cần Lao. Chính vì thế mà số đảng viên vào đảng vì lợi và danh đã trở lại giết ông vì ông không thỏa mãn sự thèm khát danh và lợi của họ.
4. Thêm vào những yếu tố trên đây, lệnh cấm mọi sinh hoạt chính trị trong Quân Đội của Tổng Thống Diệm đã ảnh hưởng quá mạnh trên các tổ chức và sinh hoạt của đảng. Do lệnh này (1957), Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia trong Quân Đội phải giải tán, các cơ sở sinh hoạt Đảng Cần Lao ở mọi cấp trong Quân Đội đều phảingụy trang. Vin vào tình trạng này, nhiều cơ sở đảng đã dần dần lơ là hẳn với nhiệm vụ sinh hoạt bồi dưỡng tinh thần cán bộ.
Riêng về tình trạng phân hóa của Đảng Cần Lao tại miền Nam, có dư luận cho rằng ông Ngô Đình Cẩn gây ra tình trạng này. Vì muốn mở rộng ảnh hưởng vàomiền Nam, ông Cẩn đã lập một Đảng Cần Lao riêng chống lại Đảng Cần Lao của ông Nhu. Sở dĩ có dư luận này là vì vào khoảng năm 1958-1959, ông Cẩn có chấp thuận cho ông Phan Ngọc Các tổ chức thâu nhận đảng viên cho Đảng Cần Lao tại miền Nam. Nhưng không phải để chống lại ông Nhu. Đó là điều tôi biết chắc chắn. Vì khi ông Cẩn sai tôi đưa ông Phan Ngọc Các đến giới thiệu với các ông Mai Ngọc Dược Tỉnh Trưởng Long An, Trương Hữu Diệp Tỉnh Trưởng Mỹ Tho, Lương Duy Ủy Tỉnh Trưởng Vĩnh Bình, là những đảng viên Cần Lao được chuyển từ miền Trung vào, ông đã căn dặn tôi lưu ý các vị này rằng, các cơ sở ông Phan Ngọc Các tổ chức được, đều phải sinh hoạt trong hệ thống Tỉnh Đảng Bộ địa phương. Khi đã được sự chấp thuận của ông Cẩn và được giới thiệu với một số địa phương rồi, ôngCác tự xưng là đại diện cho ông Cẩn tại miền Nam làm nhiều việc tai tiếng cho ông Cẩn và chế độ. Đó chỉ là hậu quả của phương pháp làm việc NGĂN CÁCH của ông Cẩn, vì không ai kiểm soát được ông Các để ngăn chận những hành động bất chính của ông ta.
Trước tình trạng trên đây của Đảng Cần Lao, đầu tháng 7. 1961, ông Ngô Đình Nhu ra Huế ở lại mười ngày. Sau đó, tôi được biết có kế hoạch tổng cải tổ và thành lập một Đảng Cần Lao mới, cấp tiến và chặt chẽ hơn. Tại miền Trung và Cao Nguyên Trung Phần, đã tiến hành ngay cuộc rà soát lại tình trạng nội bộ Đảng, để sẵn sàng thực hiện kế hoạch. Nhưng rồi tình hình biến chuyển quá nhanh, kế hoạch này đã không thực hiện được… .”
(Trích từ cuốn sách “Dòng họ Ngô Đình, Ước Mơ Chưa Đạt” của Nguyễn Văn Minh)
LÊ XUÂN NHUẬN