ĐẠO CAO ĐÀI VÀ THÔNG THIÊN HỌC(2)
Chương 40: II.Sự Thành Lập Hội Thông Thiên Học
Hai vị sáng lập Hội Thông Thiên Học là Bà H.P. Blavatsky và Ông H.S. Olcott.
Bà H.P. Blavatsky là người Nga, và là đệ tử của hai Đấng Đại Tiên, thường được gọi là Chơn Sư, trong Quần Tiên Hội, là Đức Đế Quân Kuthumi và Đức Đế Quân Morya, nơi cõi thiêng liêng.
Ông H.S. Olcott là người Mỹ, và là cựu Đại Tá quân đội, làm Luật sư kiêm phóng viên viết báo, đang hành nghề tại New York, là người mà hai Đấng Đại Tiên lựa chọn để cộng tác với Bà H.P. Blavatsky, thành lập Hội Thông Thiên Học.
Cho nên việc thành lập Hội Thông Thiên Học là hoàn toàn do sự sắp đặt của hai Đấng Đại Tiên Kuthumi và Morya, theo lịnh của Đức Ngọc Đế nơi cõi thiêng liêng. Bà H.P. Blavatsky và Ông H.S. Olcott chỉ là người thừa hành mạng lịnh của các Đấng ấy mà thôi.
Giữa năm 1874, Bà H.P. Blavatsky đang ở tại Parisnước Pháp, được lịnh của Chơn sư bảo rời Paris (Ba lê) đi qua New York (Nữu Ước) ngay. Bà tức khắc chuẩn bị, đến Hải cảng Le Havre lấy vé tàu đi qua New York của nước Mỹ.
Khoảng tháng 9 năm ấy, Bà thấy trên tờ báo Daily Graphic có đăng, tại nông trại của gia đình ông William Eddy ở Chittenden, tiểu bang Vemont, cách Nữu Ước vài trăm dặm, có xảy ra hiện tượng Thần Linh Học mà Bà Eddy là đồng tử.
Bà H.P. Blavatsky liền đi đến đó để xem xét, thì gặp Ông H.S. Olcott đang ở đó quan sát và nghiên cứu để viết một thiên phóng sự đầy đủ về hiện tượng nầy.
Hai người liền quen nhau, và như đã có mối liên hệ tiền kiếp, hai người trở nên đôi bạn thân.
Sau đó, hai vị trở về Nữu Ước, viết báo binh vực Thần Linh Học một cách mạnh mẽ, thách thức những người Duy vật chỉ trích, tạo nên một cuộc bút chiến trên mặt báo rất sôi nổi, và Bà H.P. Blavatsky bắt đầu nổi danh.
Ông H.S. Olcott tổ chức nhiều buổi diễn thuyết về Thần Linh Học, chứng minh có những sinh vật nơi cõi vô hình, và Bà H.P. Blavatsky làm những pháp thuật Huyền môn mà Bà học được nơi Chơn Sư, trước mắt nhiều người, được rất nhiều người tin tưởng, nhứt là giới trí thức lúc bấy giờ.
Ông H.S. Olcott chợt có ý nghĩ : ” Phải chăng là một điều tốt nếu chúng ta thành lập một Hội để khảo cứu vấn đề Thần Linh Học nầy ? “
Bà H.P. Blavatsky đồng ý ngay.
Buổi họp thành lập Hội Thông Thiên Học tại Nữu Ước, được một tờ Nhựt báo tại Nữu Ước đăng tin, với nội dung tóm tắt như sau :
” Một phong trào rất quan trọng vừa được khai trương tại Nữu Ước, dưới sự lãnh đạo của Đại Tá H.S. Olcott, trong việc thành lập một Hội gọi là Hội Thông Thiên Học Thế giới.
Đề nghị khởi xướng công việc nầy là một điều hoàn toàn không dự tính trước, và được phát động vào buổi tối ngày 7-9-1875, tại phòng khách của nhà Bà H.P. Blavatsky. Cử tọa gồm khoảng 17 vị quan khách Nam Nữ trong giới thượng lưu trí thức đã hội họp để nghe Ông Henry Felt thuyết trình về một vài khía cạnh của Huyền môn Ai Cập một cách vô cùng lý thú và hấp dẫn . . .
Trong cuộc thảo luận sau đó, thừa dịp thuận tiện, Đại Tá Olcott đứng lên phát biểu ý kiến. Sau khi phát họa tình trạng của phong trào Thần Linh Học đương thời, thái độ của các nhà Duy vật chống lại phong trào nầy, sự xung đột ý kiến giữa khoa học và tôn giáo, tính cách triết học của đạo lý cổ truyền, sự khả dĩ dung hoà tất cả mọi lý thuyết tương phản hiện hữu, và công trình khảo cứu siêu việt của Ông Henry Felt đã khám phá ra được bí quyết cấu tạo của Thiên nhiên, do những tàn tích cổ xưa của khoa Huyền môn Ai Cập.
Ông Olcott đề nghị thành lập một Hội tinh thần để qui tụ tất cả những người có khuynh hướng tâm linh, sẵn sàng làm việc chung với nhau để sưu tập và truyền bá những kiến thức Huyền môn.
Chương trình của Ông Olcott là tổ chức một Hội các nhà Huyền học và bắt đầu lập ngay một Thư Viện, kế đó là phổ biến những Giáo lý về những Định luật huyền bí trong Thiên nhiên mà người cổ Ai Cập và Trung Đông đều biết rõ, nhưng lại hoàn toàn xa lạ đối với thế giới khoa học của chúng ta hiện nay. ” (Trích trong : Hồi Ký của Ông H.S. Olcott).
Khi Hội đã được chấp thuận thành lập trên nguyên tắc thì một phiên họp sau đó được tổ chức để soạn thảo Nội Qui
và Điều Lệ, rồi bầu một Ban Chấp Hành để quản trị công việc của Hội.
Ngày 30-10-1875, bản Điều Lệ và Nội Qui được chấp thuận và một Ban Chấp Hành được chánh thức bầu cử, gồm những vị sau đây :
– Hội Trưởng : H.P. Olcott.
– Phó Hội Trưởng : B.S. Pancosat và G.H. Felt.
– Tổng Thơ Ký Ngoại vụ : H.P. Blavatsky.
– Tổng Thơ Ký Nội vụ : John S. Cobb.
– Thủ Bổn : Henry Newton.
– Quản lý Thư Viện : Charles Sotheran.
– Luật Sư nhiệm trách : William Q. Judge.
– 5 vị Cố Vấn.
Phiên họp lại tái nhóm vào ngày 17-11-1875 để đọc Bản Tuyên Ngôn của Hội, và để nghe vị Hội Trưởng Olcott đọc bài Diễn văn khai trương.
Thế là Hội Thông Thiên Học Thế giới được chánh thức thành lập vào ngày 17-11-1875, với Ông H.S. Olcott làm Hội Trưởng và Bà H.P. Blavatsky làm Tổng Thơ Ký.
Tuy là có chức vụ như vậy, nhưng thực tế thì Bà H.P. Blavatsky là linh hồn của Hội và Ông H.S. Olcott là người công tác tổ chức Hội.
Ông Olcott viết trong tập Hồi Ký, trích ra sau đây :
” Lịch sử ban đầu của Hội Thông Thiên Học đã được tường thuật khá đầy đủ. Tôi không thấy có gì cần nói thêm, trừ ra việc hoàn chỉnh những ký ức đã qua với vài mẫu chuyện vặt về đời sống xã hội của chúng tôi tại Nữu Ước cho đến ngày chúng tôi lên đường sang Ấn Độ.
Trong thời gian từ khoảng cuối năm 1876 cho đến cuối năm 1878, Hội Thông Thiên Học có vẻ tương đối bất động : Những Điều lệ của Hội trở nên vô hiệu lực, những buổi họp
đã gần như không còn tiếp tục. Những buổi sinh hoạt ít oi của Hội trước công chúng đã được diễn tả trên đây, và những dấu hiệu gia tăng ảnh hưởng của Hội được phản ảnh nơi sự gia tăng số lượng thơ từ giao dịch của 2 nhà sáng lập với các giới trong nước và ngoài nước, những bài vở tranh luận trên báo chí, sự thành lập các Chi Hội ở Luân Đôn và ở Corfu, và việc mở đầu các mối liên hệ với những cảm tình viên ở Ấn Độ và Tích Lan.”
” Còn nói về Hội Thông Thiên Học, tôi có thể nói rằng, trong khi Bà H.P. Blavatsky và tôi không ai được phép tiêu xài hoang phí, nhưng chúng tôi không bao giờ bị để cho phải thiếu thốn khổ sở về những nhu cầu cần thiết cho đời sống và cho công việc làm của mình.
Đã có biết bao nhiêu lần cạn tiền, triển vọng về tài chánh của Hội vô cùng bấp bênh và chán nãn đến mức xuống tinh thần, nhưng rốt cuộc, tôi luôn luôn nhận được vào giờ chót, từ phía nầy hay phía khác (do các Chơn Sư dùng huyền năng trợ giúp) những món tiền để trang trải vừa đủ mọi phí tổn cần thiết, và công việc của Hội không hề bị ngưng trệ ngày nào vì lý do thiếu phương tiện để xúc tiến các hoạt động của Hội.”
Ngày 17-12-1878, Bà H.P. Blavatsky và Ông H.S. Olcott vâng lịnh các Đấng Chơn Sư dời Trụ Sở Trung Ương của Hội Thông Thiên Học Thế giới đến thành phố Bombay nước Ấn Độ, nhưng sau đó lại dời đến Adyar ở thành phố Madras, nơi bờ biển Đông Nam nước Ấn Độ và ở lại luôn tại đó cho đến ngày nay.
Theo tài liệu năm 1952, Hội Thông Thiên Học Thế giới hoạt động được 76 năm, đã được 56 nước trên thế giới xin gia nhập Hội, và mỗi nước đều có 7 Chi Hội sắp lên. Riêng nước Ấn Độ có tất cả 2000 Chi Hội Thông Thiên Học.
Nước Việt Nam cũng có gia nhập Hội Thông Thiên Học Thế giới, có Trụ Sở Trung Ương đặt tại Sài gòn, số nhà 462 đường Nguyễn Kiệm (đường cũ là Võ Di Nguy) quận Phú Nhuận.
Bà H.P. Blavatsky mất năm 1891 mất tại Trụ Sở Trung Ương của Hội Thông Thiên Học Thế giới vào năm 1891, hưởng thọ 60 tuổi. (Xem Tiểu sử của Bà nơi phần sau).
Hội Thông Thiên Học Thế giới vẫn nối tiếp hoạt động và phát huy rộng rãi trên toàn thế giới, xuất bản nhiều bộ sách rất giá trị về Thần học và Triết lý, bởi các nhà Thông Thiên Học tài giỏi sau Bà H.P. Blavatsky, xin kể ra vài vị tiêu biểu như sau :
– Bà Bác sĩ Annie Besant.
– Ông C.W. Leadbeater.
– Ông C. Jinarâjadâra.
– Bác sĩ G.S. Arundale.
– Ông N. Sri Ram.
– Ông Alcyone tức J. Krishnamurti.
– vv . . . . . . . . . .