INK.056

 

Anh ngủ tốt chớ, anh Hiên ?

Không ngẩng lên, Huỳnh Ngự vừa lúi húi soạn chồng hồ sơ trên bàn vừa hỏi tôi thay lời chào. Tôi biết thừa : y chẳng bận gì hết, y làm ra vẻ bận bịu để bắt tôi phải chờ, cho những gì sẽ xảy ra sau đó thêm quan trọng.

– Cảm ơn, tôi ngủ được. – tôi nhạt nhẽo đáp.

Ngồi vào vị trí thường ngày, tôi lơ đãng nhìn quanh.

Công việc hỏi cung được Huỳnh Ngự tiến hành theo lối du mục, không cố định một nơi, nay phòng này mai phòng khác, không hiểu tại Hỏa Lò thiếu phòng làm việc hay do nguyên nhân nào khác. Căn phòng hôm nay hẹp nên có vẻ ấm hơn. Cách bài trí bên trong thì phòng nào cũng như phòng nào – bàn chấp pháp đặt sát tường hậu, sau lưng chấp pháp là chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh, với vài băng khẩu hiệu bên dưới. Ghế cho phạm(1) được đặt cách chỗ ngồi của chấp pháp hơn một tầm với, đề phòng sự tấn công bất ngờ. Bên phải hoặc bên trái, là cái bàn nhỏ dành cho phạm viết lời khai, phần lớn là bàn mộc, cái nào cái nấy lem nhem mực tím. Ghế cho phạm là ghế đẩu, thấp hơn ghế chấp pháp. Ở vị trí này bao giờ người bị hỏi cung cũng phải ngước mắt lên nhìn kẻ hỏi mình. Một cách tính toán để nâng cao uy thế cho chấp pháp. Cũng có lần tôi được đưa tới một căn phòng khác loại, bài trí theo kiểu phòng khách, được ngồi ghế có tựa, ở khoảng cách gần chấp pháp. Ðó là khi tôi chấp nhận một sự lùi bước.

– Hừm, bữa hổm ta làm tới mô rồi hè ? Anh nói anh ngủ được, hả ? Vậy mà trong y bạ của anh vừa lấy về tui thấy bác sĩ toàn kê thuốc ngủ với thuốc an thần. – Huỳnh Ngự nói, giọng thân mật cố ý – Dùng nhiều mấy thứ nớ hại lắm đó.

Tôi hiểu ẩn ý câu nói : anh bạn, tụi tui nghiên cứu anh kỹ lắm, anh coi, tài liệu cả đống nè, tụi tui biết về anh không ít đâu.

Huỳnh Ngự sắp xếp xong đống giấy má, đặt chúng gọn gàng vào góc bàn.

– Còn nếu khó ngủ thì tốt nhứt là trước khi đi ngủ anh thở theo khí công. Anh biết luyện khí công chớ ?

– Không. Tôi chưa tập khí công bao giờ.

Tôi nói dối. Tôi biết khí công và yoga. Nhưng tôi thích nói dối Huỳnh Ngự, cho dù trong những chuyện chẳng có gì quan trọng, nhằm kiểm tra sự hiểu biết của Huỳnh Ngự về tôi. Cách tốt nhất để đối thủ không hiểu được mình là tạo ra một mê cung lẫn lộn cái thật và cái giả. Vả lại, nói dối để thấy đối thủ bị mắc lừa âu cũng là một thú vui trong tù.

Huỳnh Ngự nghiêng ngó nhìn tôi :

– Tui sẽ bày cho anh cách chữa căn bản. Coi tui thị phạm(2) cho anh nè. Cứ làm theo cách tui bày ít lâu là bịnh mất ngủ hết liền.

Y ngả người trên ghế, nhắm mắt lại, chầm chậm hít vào thở ra nhiều lần. Tôi cười thầm. Cách nói đi ngẩu thay cho đi ngủ làm tôi nhớ tới cách anh bạn tôi nhại vợ mình :”Eng ơi eng téc đèng đi ngẩu(3)”. ê vợ anh cái gì anh cũng ưa, trừ cách phát âm của cô, anh uốn mãi nhưng cô không sửa được. Trong giọng nói, cách nói của Huỳnh Ngự sau hơn chục năm ở đất Bắc đã không còn nguyên chất giọng quê hương, nhưng khi nào tức giận lên y nói một tràng dài mà tôi không hiểu gì.

– Phải hít cho thiệt sâu, hít vô bụng dưới nè, đẩy cái khí nớ xuống, nhịn thở lâu thiệt là lâu, sau đó mới thở ra từ từ, từ từ như rứa cho tới khi hết khí rồi vẫn còn vận nó lên hoành cách mô đặng tống cho bằng hớt ra ngoài. Cứ thở như vậy lối mươi, mười lăm phút là ngủ liền hà. – Huỳnh Ngự cười hì hì – Anh không biết chớ nhiều người ở Hỏa Lò nầy một thời gian ra là hớt sạch mọi bịnh đó.

Thảo nào, để tăng cường sức khỏe cho nhân dân Nhà nước tăng số lượng nhà tù lên vòn vọt trong một thời gian kỷ lục !

Chúng tôi thong thả uống trà, nói chuyện vãn. Huỳnh Ngự có sắc khí của người hài lòng về mình. Y có vẻ vừa vượt qua một chặng đường vất vả. Tôi đồ rằng cái đó có liên quan tới tình hình mới. Từ khi biết Ðảng có quyết định mới về cách xử lý vụ án, có thể anh em trong vụ tôi cũng bớt căng thẳng với y.

Ngoài tôi ra Huỳnh Ngự còn làm việc ít nhất cũng với mấy người nữa. Y ra đầu đề, nói theo cách của y, bảo tôi ngồi viết, rồi tất bật chạy đi đâu đó. Lát sau y chạy về, sắc mặt khi buồn khi vui, bực bội nhiều hơn phấn khởi, thỉnh thoảng còn nổi khùng lên một cách rất vô lý, chắc hẳn vừa trải qua một cuộc cãi cọ.

Hỏi thăm sức khỏe tôi xong, Huỳnh Ngự huyên thuyên đủ mọi chuyện tầm phào. Thậm chí y còn quan tâm tới sắc đẹp của tôi nữa. Y hỏi tôi có muốn cạo râu không, râu tôi mọc dài, trông gớm chết, mất cả đẹp trai. Tôi cảm ơn, nói bữa khác cạo cũng được, trong xà lim bộ râu chẳng làm phiền tôi bao nhiêu, cái mà tôi cần bây giờ là bàn chải và thuốc đánh răng. Y phàn nàn nói đã nhắn vợ tôi gửi mấy thứ đó vào cho tôi rồi mà sao vẫn chưa gửi, chắc bả bận đi công tác địa phương. Y nói dối ráo hoảnh – nhà tôi đông người, không người này đi gửi thì người khác đi, không khi nào để tôi ở đây phải thiếu.

– Trong tù mọi người đều dối trá, cả anh cai ngục lẫn anh tù. Môi trường nhào nặn con người theo mẫu của nó. – Thành nhận xét.

Chẳng cần nhiều thời gian ở tù tôi mới thấy Thành nói đúng.

– Mấy bữa rầy tui bận quá xá! – Huỳnh Ngự cười hì hì, tự mãn – Anh biết không, từ hôm biết tin Vũ Thư Hiên bị bắt, bè bạn anh nườm nượp kéo tới văn phòng xin được báo cáo, tiếp không xuể. Ðành phải lên lịch tiếp từng người một. Bộ anh không tin hả ?

Tôi trương lên vẻ mặt hồn nhiên nhất

– Có gì mà không tin. Gặp cơ hội kiếm chác được trong thời buổi khó khăn này khắc có khối kẻ bâu lại. Ðảng rất khuyến khích sự lập công :”thành khẩn bộc lộ khuyết điểm của mình và hăng hái tố cáo người khác là thước đo lòng trung thành với Ðảng”, họ sẽ được Ðảng chiếu cố. Có điều những người này có thực là bạn tôi hay không ? Bạn của cơ quan công an là cái chắc rồi, không còn nghi ngờ gì nữa.

– Nè, bỏ cái lối xóc óc đi nghen. Chẳng có lợi chi cho anh đâu, thiệt đó. May cho anh gặp tui, chớ phải người khác họ quyết không để cho anh yên.

– Tôi cũng nghĩ thế, may thật !

Huỳnh Ngự nguýt tôi một cái dài.

Công bằng mà xét, Huỳnh Ngự không phải người xấu. Y chẳng qua là một công bộc trung thành với nhà nước hoặc với cái ghế y được ngồi, y làm việc như một robot không biết đến hỏng hóc. Y ngầy ngà, y dai hoi, nhưng y cũng không làm gì tồi tệ hơn, đôi lần tôi còn thấy y có vẻ ái ngại cho tôi nữa là khác. Nếu Ðảng mang tôi đi bắn chắc y cũng bùi ngùi một phút, mà cũng có thể là hai.

– Hôm nay ta không làm tiếp việc bữa trước, mà bắt đầu làm việc chính thức. – y bình thản nối điếu thuốc kế tiếp rồi thong thả nhả khói về phía tôi. – Trước tui hỏi anh, anh trả lời, nay anh tự khai báo với Ðảng những tội lỗi của anh cũng như của những kẻ mà anh có liên quan.

– ??

– Tức là tui sẽ đề ra câu hỏi. Anh trả lời bằng miệng. Tui gợi ý thêm. Anh khai vô giấy. Ðơn giản vậy thôi hà. Anh hiểu chớ ?

Buồn cười thật ! Tôi tự khai báo, nhưng y vẫn hỏi cung tôi. Như cũ.

Tôi đáp gọn lỏn :

– Không.

Cặp kính trắng loáng lên :

– Không cái chi ?

– Tôi không hiểu.

– Sao lại không ? Có chi khó hiểu đâu.

Huỳnh Ngự ngừng hút, điếu thuốc thây lẩy trên môi. Tôi cũng làm ra vẻ ngỡ ngàng.

– Tôi không phải là phạm nhân, sao lại phải khai ?

Huỳnh Ngự hiểu ra.

– Bộ anh không thấy anh là người có tội với Ðảng à ?

– Tội gì ?

– Anh nghĩ đi, nghĩ cho kỹ, anh sẽ thấy anh có tội chi ! Nếu không có tội thử hỏi Ðảng bắt anh làm chi ?

Cái lô-gích tuyệt vời này chỉ có ở những kẻ ấm đầu ! Nhưng tôi không muốn cãi nhau với y. Tôi chỉ muốn cù nhầy một chút để suy nghĩ : thằng cha định lái câu chuyện đi hướng nào ?

– Anh không phủ nhận anh có tội với Ðảng chớ ?

– Tôi phủ nhận.

Câu trả lời tỉnh bơ làm y sững sờ.

– Anh ? Phủ nhận ?

– Tôi đã kiên nhẫn chờ đợi, – tôi lạnh lùng – nhưng rất tiếc, cho đến hôm nay tôi vẫn chưa được nghe Ðảng công bố cho tôi biết tôi phạm tội gì ?

Huỳnh Ngự trợn mắt. Y bắt đầu mất bình tĩnh.

– Anh không biết thiệt ? Ðến hôm ni vẫn không biết ?

– Ðúng thế ! Khi bị bắt, tôi nghĩ Ðảng buộc phải đưa tôi vào đây để hỏi vài điều gì đó mà để tôi ở ngoài hỏi thì không tiện. Sau, được nghe trên phổ biến tôi lại càng tin mình hiểu đúng.

– Hứ ?

– Thật vậy, một mâu thuẫn đã được coi là mâu thuẫn nội bộ thì không phải là vụ án. Mà đã không có vụ án thì không thể có phạm nhân. Tôi hoan nghênh Ðảng đặt việc này trong phạm trù mâu thuẫn nội bộ. Nhưng tôi thắc mắc : bất kỳ đảng chính trị nào cũng chỉ có những hình thức kỷ luật như phê bình, cảnh cáo, nặng quá thì khai trừ, tuyệt nhiên không có chuyện giam giữ, đúng thế không ạ ?

– Hừm.

– Muốn giam giữ một công dân chế độ nào cũng phải thông qua các thủ tục tố tụng thông thường, phải có lệnh khởi tố, lệnh tạm giam, mà tạm giam cũng chỉ được phép trong thời hạn luật định. Tôi không hiểu sao trong vụ này lại không có những cái tôi vừa nói. Như vậy có quá đáng không ? Hơn nữa, tôi thấy tôi chẳng có tội gì nếu đối chiếu các việc làm của tôi với Hiến pháp và luật pháp nhà nước…

Huỳnh Ngự lúng túng. Y không chờ đợi ở tôi một thái độ ngang như cua sau khi đã được nghe phổ biến về ân sủng của trên..

– Tui đã biểu anh rồi mà, cứ nghĩ cho kỹ đi khắc hiểu vì sao anh bị bắt.

– Nghĩ kỹ đến mấy cũng thế mà thôi. Tôi thật sự không hiểu, và nếu Ðảng không cho biết thì tôi đành chịu tiếng ngu mà hỏi nữa, hỏi mãi cho tới khi nào hiểu được mới thôi.

– Tui đã biểu đừng vội mà. Chưa nghĩ kỹ đừng trả lời.

Vui thật, thì ra người ta bắt tôi vào đây để ra cho tôi một câu đố : đố đằng ấy biết tại sao đằng ấy bị bắt ?

– Một công dân bị bắt có quyền đặt câu hỏi : họ bị bắt vì tội gì, thậm chí có quyền không trả lời khi chưa được gặp luật sư của mình.

Huỳnh Ngự cười ngất. Tiếng cười hé hé căng thẳng, giả tạo của y vang to đơn độc trong căn phòng trống.

– Chà, sao mà hai cha con nhà anh giống nhau quá vậy ! Anh còn trẻ hổng nói làm chi chớ ông già anh hoạt động cách mạng từng ấy năm mà vẫn còn mơ hồ mới lạ ! Trong đầu cha con nhà anh rặt một thứ khái niệm dân chủ tư sản ! Anh phải hiểu : nền dân chủ của ta khác hẳn nền dân chủ tư sản, như ánh sáng và bóng tối, như đêm với ngày, nghĩa là khác về chất, rõ chưa nào ? Bởi vì nó là nền dân chủ được xây dựng trên cơ sở chuyên chính vô sản, một nền chuyên chính vì lợi ích của đại đa số nhân dân lao động chống lại thiểu số bóc lột… Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mới thiệt là dân chủ, nó dân chủ gấp triệu lần nền dân chủ của các ngài tư sản, như Lênin đã dạy…

Lại một cách chạy trốn câu hỏi trực diện.

– Tuyên bố với người phạm tội về tội của họ phỏng có mâu thuẫn gì với chuyên chính vô sản ? – tôi tấn công tiếp – Chuyên chính vô sản là đường lối công khai, Ðảng tuyên bố thẳng thắn, Ðảng cần gì phải giấu giếm hành động chuyên chính của mình ?

Huỳnh Ngự đỏ bừng mặt.

– Anh tưởng Ðảng không biết chi về những hành động của các anh sao ? Chẳng qua Ðảng muốn anh tự giác nhận ra tội mình mà thành khẩn khai báo, để qua đó đánh giá mức độ giác ngộ của anh mà thôi.

Tôi vặn lại :

– Nhưng nếu chính tôi không biết mình phạm tội gì thì làm sao tôi có thể trình bày với Ðảng tội của tôi được. Tội lỗi là một khái niệm không đồng nhất. Cái mà người này coi là tội, người kia lại coi là không.

Huỳnh Ngự phát bẳn.

– Nói rứa mà nghe được ! Vô đây mà còn lý sự. Trước hết anh phải thấy mình có tội với Ðảng đã ! – giọng y bắt đầu the thé – Anh phải khẳng định một ngàn lần rằng Ðảng-bao giờ-cũng-sáng-suốt. Bắt cán bộ của mình lòng Ðảng xót xa lắm chớ. Anh không có tội thì không đời nào Ðảng bắt anh. Anh có biết phương châm Ðảng chỉ ra cho chúng tôi ra răng không ? Nếu bắt cũng được mà không bắt cũng được thì kiên quyết không bắt !

Trong các nghị quyết của Ðảng tôi không thấy có phương châm này. Theo tôi biết, nó là một câu nói của Trần Quốc Hoàn trong một huấn thị cho cán bộ công an, rồi được ngành này khoe khoang ầm ĩ như thể đó là mẫu mực của lòng nhân ái vô sản. Tại sao lại có thể bắt cũng được mà không bắt cũng được ? Ðáng ngạc nhiên là một chủ trương phô bày sự đần độn như thế lại được tờ Học Tập, tạp chí lý luận của Ðảng tán dương.

– Thế những người bị xử trí oan trong Cải cách ruộng đất thì sao ? – mặc cho Huỳnh Ngự giận dữ, tôi lại vặn tiếp – Họ bị quy kết, bị bắt buộc phải nhận tội, rồi sau đó Ðảng phải thừa nhận sai lầm, phải xin lỗi, phải sửa sai…

– Anh đừng có móc máy chuyện Cải cách ruộng đất ! – y vỗ bàn, gầm lên – Từ bấy tới chừ cách mạng ta đã tiến bộ rất nhiều, cả về lý luận lẫn thực tiễn. Không phải Ðảng cứ sai một lần thì những lần khác Ðảng cũng sai mô…Rồi coi : lần ni Ðảng có sai không ?

Tôi mỉm cười, nhớ tới câu nói dân dã :” Một lần ỉa bậy, lần sau thấy cứt người ta gọi đến”.

Mặt Huỳnh Ngự tím lại :

– Nè, đừng giỡn mặt tui nghen. Bất cứ khi mô Ðảng cũng có thể thay đổi nhận định hôm ni đối với lũ các anh. Tới lúc đó thì chỗ của các anh không phải xà lim nữa, mà là pháp trường, pháp trường ! Các anh là bọn phản Ðảng. Mà phản Ðảng coi bằng phản quốc. Chỉ có đem bắn. Bắn tuốt !

Bàn tay cầm điếu thuốc của y run bần bật.

Chúng tôi nhìn thẳng vào mắt nhau. Giống như trong trò chơi trẻ con, bên nào chớp mắt trước bên ấy thua, chúng tôi nhìn nhau trừng trừng, không ai chịu ai.

Tôi quyết thắng. Nếu tôi thua, tôi không chỉ thua trong trò chơi. Tôi thua có nghĩa là tôi sợ Huỳnh Ngự, có nghĩa là tôi có tội, nhưng không có can đảm nhận tội.

Huỳnh Ngự bỏ cuộc. Y quay đi, không chịu nổi cái nhìn lạnh giá của tôi. Nhưng chẳng bao giờ tôi có địa vị kẻ thắng, ngay cả trong trò chơi này. Vấn đề thua hay không thua chỉ đặt ra trước một mình tôi thôi.

Tôi được đưa trở lại xà lim.

Tôi làm mất thời giờ bạn đọc, kể một câu chuyện nhạt phèo. Nhưng câu chuyện dù có nhạt tới mấy thì cũng không nhạt bằng cái thực tế mà tôi gặp. Nó chẳng những nhạt mà còn phi lý. Phi lý đến mức không tưởng tượng nổi. Như thực tế trong một nhà thương điên.

Tôi mệt rũ. Tôi chán nản. Tôi tuyệt vọng.

Thành đã trải qua cảm xúc đó. Anh khuyên tôi phải luyện cho mình thói quen không ngạc nhiên trước bất cứ điều gì :

– Ông ngây thơ lắm. Với Nhà nước ta công dân nào mà chẳng có tội. Khác nhau ở chỗ tội nhiều hay tội ít mà thôi. Nghĩ mà xem : nếu mỗi công dân lúc nào cũng nơm nớp thấy mình có tội thì tiện cho Ðảng lắm chứ ! Ðảng chỉ còn việc nghĩ xem có nên bắt thằng A hay thằng B không, bắt hôm nay hay để đến mai ? Ông cho là tôi nói quá à ? Tôi không nói quá đâu. Ông cười ? Ðừng cười, bởi vì nó đúng là như thế đấy. Bộ máy chính quyền nào cũng gồm những con người, như ông với tôi đây, nó cũng biết nghĩ đấy, nó có cách suy luận của nó đấy, nó có bản năng tự vệ của nó đấy… Bộ máy chính quyền nào cũng sĩ diện lắm. Nó thích được ca ngợi, nó không thích bị chỉ trích, bao giờ nó cũng tìm cách phô rằng nó sạch sẽ… Ông có biết rằng khi bắt một đảng viên người ta phải khai trừ anh ta trước đã để làm gì không ? Ðể đến lúc bị bắt anh ta không còn là người của Ðảng nữa, để Ðảng không phải xấu hổ…

Chuyện khai trừ Ðảng trước khi bị bắt đã không xảy ra với những người trong vụ nhóm xét lại hiện đại(4). Tại sao, tôi không hiểu. Tôi cho rằng trong thời điểm đó những nhà lãnh đạo chưa có thái độ dứt khoát trong sự trấn áp những người cộng sản bất tuân. Việt Nam không phải là Trung Quốc. Những việc mà người Trung Quốc làm phứa không cần suy tính thì ở Việt Nam người ta còn phải dò dẫm, cân nhắc.

Cái ngoại lệ này kể cũng lạ. Tên cục trưởng Cục chấp pháp nói đúng chăng ? Hiểu theo lời y thì một hình thức trấn phản chưa có tiền lệ đang được dùng cho chúng tôi : vừa bắt vừa không bắt. Xử lý nội bộ được hiểu như những người bị Ðảng còng tay đưa đi không phải bị giam giữ, mà chỉ bị tập trung lại một chỗ để giáo dục thôi (!).

– Khi bắt một con người, việc trước tiên người ta phải làm là bắt hắn nhận tội cái đã. – Thành giảng giải – Có tội hay không có tội, mặc. Ðã bảo Ðảng không bao giờ sai lầm cơ mà. Thế thì trong tay Ðảng phải có bản nhận tội của thằng bị Ðảng bắt cái đã. Nó có nhận tội thì Ðảng mới không sai. Vụ việc để đó, xem xét sau cũng chẳng muộn…

Huỳnh Ngự đang cố gắng áp dụng bài bản này với tôi. Tôi muốn Thành phát triển đề tài nên giả vờ thích thú :

– Như thế đâu có được.

– Rồi ra ông còn biết ối chuyện lạ hơn nữa kia. – Thành nói – Tôi biết có người hoàn toàn vô tội, ở tù sơ sơ cũng vài năm, thế mà ra tù cậy miệng anh ta cũng không dám nói anh ta bị oan. Thậm chí anh ta còn một mực nói Ðảng bắt anh ta là đúng, rằng sở dĩ anh ta được tha, không bị xử là nhờ lượng khoan hồng của Ðảng… Ông có biết vì sao không ? Là vì anh ta nhận tội rồi, ký vào bản cung người ta mớm cho rồi, bây giờ há miệng mắc quai, lại còn sợ bị trả thù vì phản cung nữa chứ. Tội nghiệp, bị oan rồi mà đến một cái lệnh tha cũng chẳng được cấp, chỉ được thí cho một cái lệnh tạm tha thôi. Tạm tha là thế nào ? Là người ta tạm cho về, nhưng coi chừng, bất cứ lúc nào anh cũng có thể bắt lại, đừng có đùa ! Trong lệnh tạm tha người ta ghi : xét tội trạng chưa tới mức phải xử lý theo pháp luật…

Tôi kêu lên :

– Như thế là vi phạm nhân quyền !

Thành cười hức hức :

– Ông bạn ngốc nghếch của tôi ơi ! Ðể có thể vi phạm một cái quyền thì phải có nó trước đã, ông ạ !

Rồi anh thở dài, giọng yếm thế :

– Trong xã hội chúng ta, ông ạ, mỗi công dân chỉ là một người tù dự khuyết.

Tôi im lặng. Tôi buồn.

Có tiếng gào khóc thảm thiết ở đâu đó vọng đến, không biết từ xà lim nào. Thành lắng tai nghe.

– Cái gì thế, anh Thành ?

– Tôi không rõ. Trong xà lim nghe tiếng khóc là chuyện thường. Khi nào nghe người ta cười, ấy là có người đã phát điên.

– Công an ở đây có tra tấn tù không ?

Thành lắc đầu :

– Không. Nghe nói thỉnh thoảng người ta cũng đánh bọn lưu manh. Bọn ấy đánh là phải, tôi không thương. Với những can phạm khác thì không, họ không đánh, tôi chưa thấy. Âu cũng còn là cái tốt của chế độ. Tra tấn can phạm bây giờ bị cấm ngặt.

Chuyện bọn lưu manh bị đánh tôi có nghe. Nhưng đó là việc xảy ra ở những trại xa nào chứ ở Hỏa Lò thì tuyệt nhiên không có. Anh bạn tôi tên Quý, biệt hiệu Quý Cao, làm công an trong Hỏa Lò chuyên hỏi cung tù hình sự kể rằng bọn lưu manh đã biết tính anh. Ðứa nào bị anh hỏi cung mà cho một cái tát đuổi về thì đứa ấy mừng rơn, tí tởn khoe với bè bạn : “Bố Quý vừa tát tao một cái !”. Ðó là điềm lành, nó cầm chắc được tha. Chúng sợ nhất khi anh ân cần hỏi thăm gia cảnh, tỏ vẻ thương hại, cho điếu thuốc hút tại chỗ rồi vỗ vai cho về – như thế sẽ còn nằm lâu, có thể đến mùa quít. Không phải mình có ý gì hoặc giở trò nghịch ác đâu, Quý Cao nói, mình thương chúng nó lắm chứ, chúng nó xấp xỉ bằng thằng lớn nhà mình. Từ hôm vào Hỏa Lò tôi có ý nhìn ngó xem có thấy Quý Cao không, nhưng không thấy. Trước khi bị bắt tôi hay chạy lại anh để hỏi thăm tin tức cha tôi, nhưng anh chẳng biết gì. Vụ án được giữ bí mật, ngay cả với công an. Tôi bao giờ cũng cẩn thận cắt đuôi rồi mới tới Quý Cao, nhưng làm sao biết chắc không còn cái đuôi nào vẫn lẵng nhẵng theo được tới nhà anh ?

Có lần tôi đang bị hỏi cung thì nghe có tiếng kêu khóc trong một phòng gần đấy, kèm theo là tiếng vật lộn huỳnh huỵch, tiếng quát tháo om xòm. Tôi đoán đây là trò Huỳnh Ngự bày ra nhằm áp đảo tinh thần tôi. Tôi chưa lần nào bị tra tấn, chính mắt tôi cũng chưa thấy người khác bị tra tấn. Khi tôi ra tù có nhiều bạn hỏi, tôi có trả lời nhưng họ không tin. Không phải tôi sợ không dám nói, mà đúng vậy – chuyện tra tấn là không có, tôi không thấy.

Nhục hình khác thì có, chẳng hạn những người không chịu khai, hoặc có hành động chống lại trong khi hỏi cung thì bị cùm chân dài ngày, có khi cả tháng. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi nhục hình chưa phải là cái ác lớn nhất. Có cái còn ác hơn.

Do nhu cầu hiểu biết tôi có dịp làm quen với hình pháp học. Những tác phẩm về ngành học này không có nhiều ở nước ta, tôi có được vài cuốn là nhờ người đi nước ngoài mua giùm. Nhưng hồi đó tôi còn nhìn mọi vấn đề qua lăng kính đấu tranh giai cấp, cho nên tôi đọc không công bằng. Chỉ cần thấy Cezare Lombroso(5), Durkheim(6) không phải mác-xít là tôi đã coi nhẹ tác phẩm của hai ông rồi. Trong lĩnh vực này tôi chỉ thừa nhận mỗi một Kudriavsev(7) với những luận điểm siêu hình của ông ta, như sau này tôi hiểu ra. Nhưng cái đáng tiếc nhất là những cuốn sách về khoa học hình sự của cả phe xã hội chủ nghĩa lẫn phe tư bản chủ nghĩa đã chẳng mang lại cho tôi điều gì hữu dụng trong thực tế.

Thành nhận xét trong công tác giam giữ công an Việt Nam về cơ bản du nhập kinh nghiệm Trung Quốc. Gần đây người ta có xu hướng học tập Cộng hòa Dân chủ Ðức, cho rằng trong phe xã hội chủ nghĩa nước này có nhiều thành tựu tiên tiến nhất do phải trực diện đối đầu với đế quốc. Ấy là gần đây thôi, chứ trước kia mọi thứ của Liên Xô đều hay nhất, tốt nhất. Sau Ðại Hội XX người ta coi mọi cái của Liên Xô đều xấu đều dở. Hệ thống trừng phạt vốn đã khắc nghiệt của Liên Xô, theo báo chí phương Tây mô tả, vẫn còn bị phê phán. Người ta nói nó bị ảnh hưởng nặng nề chủ nghĩa xét lại hiện đại, thậm chí trong luật pháp Liên Xô cũng còn đầy rẫy yếu tố tư sản.

Xà lim ở một số trại giam hiện nay được rập khuôn theo hình mẫu Stasi(8), hiện đại hơn của thực dân Pháp nhiều – có nước máy dẫn vào tận nơi, tù cả năm không bước chân ra ngoài trừ khi đi cung, phòng hỏi cung thì lại được đặt ngay trong khu xà lim, tiện lắm. Như vậy khả năng quan sát vị trí nhà tù bị hạn chế tối đa, triệt tiêu ý muốn vượt ngục. Hệ thống nghe trộm điện thoại của Ðức nhập về đã hoàn tất năm 1964.

– Dân có điện thoại đâu mà phải nghe trộm họ nói gì ? – tôi ngạc nhiên.

Vào thời kỳ này hầu như chẳng có nhà dân nào có điện thoại. Tôi nói hầu như cho chắc ăn, lỡ có ngoại lệ nào chăng, biết đâu có nhà được mắc điện thoại mà mình không biết. Ðiện thoại chỉ có ở các cơ quan và trong nhà các ông kễnh(9).

Thành cười khục khục trong họng.

– Các vị theo dõi nhau là chính chứ. – anh thì thào – Ông tưởng các ông kễnh tin nhau lắm sao ? Còn lâu. Thời nào cũng vậy.

Tôi đồng ý với anh. Ðến ngay hoàng đế Napoléon cũng còn sử dụng mật thám riêng nữa là. Có điều mình quen hình dung xã hội chủ nghĩa là tốt đẹp, là tình nghĩa, cho nên mình mới ngỡ ngàng, mình mới cho là không có chuyện đó mà thôi.

Vào thời kỳ có cuộc đấu tranh giữa hai đường lối việc nhiều nhân vật cao cấp bị công an mật theo dõi không còn là chuyện lạ. Thậm chí các công an viên được phân công theo dõi đại tướng Võ Nguyên Giáp còn khoe với bè bạn công việc vinh quang của họ. Ðến nhà cách mạng cao niên rất mực hiền lành Tôn Ðức Thắng cũng không thoát khỏi con mắt cú vọ của Lê Ðức Thọ. Mà cụ đâu phải người thèm muốn chức quyền. Với đám con cháu, cụ Tôn bảo : “Tụi bay đừng có kêu tao bằng phó chủ tịch nước, nghe ngứa cái con ráy lắm ! Người ta đặt đâu tao ngồi đó, chớ tao không màng cái chức chi hết”. Ngoài việc dự các nghi lễ long trọng bắt buộc phải có mặt cụ, cụ không làm việc gì khác ngoài một việc cụ thích thú hơn cả là sửa xe đạp. Làm phó chủ tịch nước, ông thợ máy ngày trước buồn tay buồn chân. Hết xe đạp hỏng cho cụ chữa, anh em bộ đội bảo vệ và nhân viên phục vụ phải lấy xe của người nhà mang vào cho cụ kẻo ngồi không cụ buồn. Thương cụ quá, đôi khi họ còn làm cho xe trục trặc đi để dắt đến nhờ cụ sửa giùm. Một người bạn tôi quen thân với cụ Tôn, cha anh trước kia là đàn em cụ, kể rằng một hôm anh đến thăm cụ, vào thời gian Nghị quyết 9, thì cụ dắt anh vào phòng riêng thì thào :”Mầy có thấy lính kín(10) theo mầy tới đây không mầy ?” Anh ngạc nhiên quá. Tưởng anh lo lắng cho cụ, cụ mỉm cười hiền hậu :” Là tao lo cho tụi bây, chớ tao hổng lo cho tao. Trong nhà tao nè, lính kín hổng có thiếu”.

Tôi ngày càng mến Thành. Tuy nhiên, tôi vẫn tránh đụng chạm tới chuyện chính trị. Nhưng có chuyện gì ở nước này mà không dính dáng tới chính trị kia chứ ? Ðành phải ngậm miệng khi Thành vô tình hỏi đến vụ án chúng tôi. Thành linh cảm được điều đó và anh lảng xa vùng cấm. Tôi chắc Thành cũng biết mong manh về tôi. Anh không có ý moi móc những gì tôi không muốn nói, và là cái công an muốn biết. Rất có thể người ta đã chiêu mộ anh làm chỉ điểm, cái thế của anh buộc anh phải nhận, không nhận không xong với họ, nhưng trong thâm tâm anh không tán thành việc làm vô sỉ đó, vì thế anh nhận đấy nhưng lại hành động ngược lại. Mấy ngày ở gần anh cho tôi cảm giác như vậy. Ðể giúp tôi đối phó với chấp pháp anh kín đáo đưa ra những lời khuyên dưới dạng những câu chuyện kể về đời tù, những chuyện tiếu lâm vô thưởng vô phạt. Nhờ những lời khuyên của anh tôi biết cách ứng xử khéo léo hơn trong những cuộc hỏi cung, và nói chung chúng rất có ích cho tôi trong cuộc sống trong tù những năm sau.

Ngoài sân, con chó béc-giê được thả vào. Nó bắt đầu lồng lộn trong những chồng tôn vứt hỗn độn. Nhưng chúng tôi đã quen rồi.

Phía xà lim xế cửa có tiếng sụt sùi.

Thành nói anh tù vừa được tin mẹ chết. Anh này nằm xà lim đã hơn ba năm. Bình thường là người tù có kỷ luật bỗng dưng anh ta nổi khùng, chửi loạn xạ từ ông quản giáo đến ông Ðảng, ông Nhà nước. Phớt lờ những hình phạt mà người tù xà lim nào cũng sợ, anh ta cứ chõ ra hành lang mà kể lể. Rằng mẹ anh ta ở nhà chết đói mà anh ta chẳng tội tình gì thì cứ phải ở mãi nơi này. Rằng anh ta là đứa con duy nhất, tại Ðảng mà trở thành bất hiếu, không nuôi được mẹ, để mẹ chết thảm. Quản giáo rầm rập chạy vào, đè nghiến anh ta xuống, nhét giẻ vào miệng, cùm lại. Việc xảy ra buổi sáng, lúc tôi đi cung. Nhân sự kiện này Thành kể cho tôi nghe ở một số trại còn có cả dụng cụ chuyên dùng để bịt miệng những người tù kêu la. Nó trông tựa cái hàm thiếc ngựa. Nếu người tù chửi bới, anh ta sẽ bị đóng hàm thiếc vào, cùm chân lại, cho tới khi thôi chửi bới. ê trong khu xà lim chuyện này thường xảy ra. Chẳng phải những người tù có tư tưởng chống Ðảng chống điếc gì hết. Bị giữ trong xà lim quá lâu, thế là vào một ngày nào đó họ nổi cơn điên.

K. Mác viết trong cuốn Gia Ðình Thiêng Liêng rằng chế độ giam giữ người trong xà lim cá nhân quá lâu là vô nhân đạo. “Con người chỉ có thể chịu đựng một sự giam giữ như thế trong giới hạn năm năm. Vượt quá giới hạn này người bị giam sẽ mất trí”, ông nhận định như vậy trong khi điểm cuốn Những Bí Mật Thành Paris của Eugène Sue.

Những kẻ tự xưng là học trò Mác, là người kế tục sự nghiệp của Người (viết hoa) đang thực hiện điều mà Mác lên án.

Tôi muốn an ủi Mác quá : thôi mặc họ, ông ơi, chấp làm gì ba cái chuyện vặt ! Mà ông cũng chẳng phải xấu hổ – đám mao-ít vô học và thất học nọ có bao giờ là học trò ông đâu. Họ chưa bao giờ đọc ông, trừ những cuốn giản lược mà nội dung đã bị vo tròn bóp méo đến mức, nói thật, đến mức chính ông cũng không nhận ra là của ông nữa. Ông không biết đấy thôi, Mác của tôi ơi, chứ sách của ông cũng bị làm mồi cho lửa đấy. Cùng với sách của các đại văn hào được cả loài người kính trọng. Nói cho công bằng, những nhà chuyên chính vô sản ở nước tôi cũng không chủ bụng đốt sách của ông đâu, dù sao ông cũng được họ tôn làm thầy kia mà, cũng xưng là trò của ông kia mà. Khốn nạn là sách của ông, cũng như sách của bất cứ ai, phàm được in bằng tiếng Tây, đều bị đốt tất, không cần phân biệt, trong những đợt truy quét văn hóa độc hại. Cũng có một số sách may mắn không bị đốt mà chỉ bị thu, chúng được chất thành đống trong kho Hỏa Lò. Chính mấy anh bạn công an đã tha về cho tôi một số sách của ông, và của cả ông Engels nữa, từ khi tôi còn chưa biết Hỏa Lò là thế nào.

Ông nên lấy làm mừng đã ra đời ở một thế kỷ khác, ở một nước khác, chứ không phải ở Việt Nam (hay Trung Quốc, hay Bắc Triều Tiên) trong những năm rồ dại này. Với tư tưởng ngạo ngược của ông, tôi đoan chắc ông phải ở đâu đây, bên cạnh tôi, trong một xà lim nào đó.

Xà lim Hỏa Lò làm cho con người mất trí nhanh hơn xà lim thời ông nhiều, Mác ạ.

Với sự giúp đỡ của những con chó.

(1) Mọi người bị bắt đều bị gọi chung là phạm, gọi tắt phạm nhân.

(2) Làm mẫu cho học trò học.

(3) Anh ơi anh, tắt đèn đi ngủ.

(4) Sau khi ra tù tôi mới được biết các ủy viên Trung ương Ðặng Kim Giang, Lê Liêm, Bùi Công Trừng, Ung Văn Khiêm và các cán bộ Trung ương Hoàng Minh Chính, Vũ Ðình Huỳnh, Lưu Ðộng… bị khai trừ cùng một lúc vào tháng 5 năm 1968.

(5) Cezare Lombroso (1836-1909) bác sĩ thần kinh, giáo sư pháp y ở Turin (Italia). Cùng với Enricco Ferri (1856-1929), Raffaele Garofalo (1851-1954) sáng lập ra trường phái hình pháp học nhân chủng, chủ trương nguồn gốc tội phạm nằm trong sự cấu thành con người về mặt nhân chủng, nói cách khác, những tên tội phạm sống trong xã hội loài người như một loại hình riêng xét về nhân chủng học.

(6) Emile Durkheim (1858-1917), nhà xã hội học người Pháp, tác giả Le Suicide (Kẻ Tự Sát) và cùng với Adolf Prins, tác giả La Défense Sociale et Les Transformations du Droit Pénal (Sự Phòng Vệ Xã Hội và Những Biến Thể của Luật Hình), được các nhà tội phạm học châu Âu ngưỡng mộ bởi cách lý giải nguồn gốc tội phạm từ những điều kiện xã hội.

(7) Kudriavsev, tác giả cuốn Hình pháp học – Kriminologia), được coi như sách gối đầu giường của công an các nước xã hội chủ nghĩa, giải thích nguồn gốc tội phạm như hậu quả của xã hội có giai cấp, nơi ngự trị những quy luật người bóc lột người. ê Việt Nam tôi không thấy có bản dịch cuốn này, hoặc nó có ở dạng tài liệu nội bộ mà tôi không biết.

(8) Staatssicherheitsdienst, Bộ Mật vụ quốc gia của Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Ðức, tồn tại từ năm 1957 tới năm 1989. Cơ quan này có 85.000 nhân viên và 500.000 chỉ điểm viên. Người lãnh đạo Stasi từ năm 1957 là Erich Mielke, bị tống giam năm 1989.

(9) Ông to, quan lớn.

(10) Mật thám, cách gọi thông thường ở miền Nam hồi trước.

hết: Chương 11, xem tiếp: Chương 12
Tìm Kiếm