INK.064

 

Cứ như sự giải thích của Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương Ðảng khóa VI (1986-1991) vào tháng 11.1991 thì từ đầu những năm 60 Ðảng đã phát hiện một nhóm chống Ðảng mà hạt nhân gồm ba người : Ðặng Kim Giang, Vũ Ðình Huỳnh, Hoàng Minh Chính; rằng nhóm này từ tháng 9 năm 1963 đã chủ trương phá hoại Hội nghị Trung ương lần thứ 9, âm mưu truất bỏ Trung ương nhằm lập ra một Trung ương mới…

Ðể tăng thêm tính thuyết phục người ta dẫn đoạn trích lời khai của Hoàng Minh Chính : “Ngay từ khi mới thành lập, tổ này (tổ lãnh đạo 3 người) đã mang đầy đủ tính chất và nhiệm vụ của Ban chấp hành Trung ương tương lai” mà mục tiêu là “truất bỏ Trung ương đi, quyết định ra đường lối mới và bầu ra Trung ương mới để điều hành”.

Ai cũng biết rằng cái Ban Tư tưởng – Văn hóa chẳng có nghĩa gì, bản thân nó. Nhưng nó là cái mà ta phải lắng nghe, bởi vì nó phát cái ngôn chính thức của ban lãnh đạo Ðảng.

Khốn nạn, những người đứng đầu một đất nước có bốn ngàn năm lịch sử mà nghĩ như thế đấy, mà tuyên bố bằng giấy trắng mực đen như thế đấy ! Cứ như thể họ đang hoa chân múa tay ở Châu Quỳ(1) chứ không phải đang ngự trong những dinh thự đủ tiện nghi hiện đại giữa đất Thăng Long ngàn năm văn vật.

Ôi chao, mấy ngài là cái gì mà ghê gớm vậy ? Mà thiêng liêng vậy ? Ðến mức không phải dân đen con đỏ mà chính những đảng viên bầu ra mấy ngài cũng không có quyền, không được phép nghĩ đến sự thay thế các ngài bằng người khác ? Trong khái niệm dân chủ xã hội chủ nghĩa quyền bầu thì có, quyền bãi miễn thì không, biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Nhưng không có quyền là một chuyện. Ðây lại là có tội kia. Thế nào là phá hoại Hội nghị Trung ương ? Bắn đại bác vào nơi Trung ương đang họp chăng ? Hay đặt mìn ?

Hoàn toàn không có chuyện như vậy. Thậm chí nếu đa số ủy viên Trung ương đề nghị một Ðại Hội bất thường để bầu ra một Trung ương mới, là việc không lạ ở các đảng phái khác, thì ở đây người ta đã tri hô lên rằng có âm mưu lật đổ.

Cứ cho rằng Hoàng Minh Chính đã có những ý nghĩ phản loạn đi, thậm chí đã có một kế hoạch lật đổ được tìm thấy trong chuồng xí nhà ông ta đi. Thử hỏi ở nơi nào trên trái đất này, trong thời đại này, những người tự xưng là văn minh lại dám ngang nhiên xử tội con người dựa trên những ý nghĩ của họ, nhất là khi họ đang nằm trong tay cơ quan công an, hoặc dựa trên lời khai của người khác về họ, mà người khác này cũng đang ở trong trại giam nốt ?

Cách luận tội như vậy chỉ có được trong một xã hội mông muội mà thôi.

Tôi, với tư cách tù nhân trong cái gọi là vụ án “nhóm xét lại hiện đại chống Ðảng”, thế tất tôi phải là người thuộc nhóm đó, là điều rõ ràng như hai với hai là bốn. Vậy mà tôi phải ở tù chín năm và chờ thêm mười tám năm nữa mới được Ðảng cho biết nhóm đó chủ trương cái gì (!). Vui thật !

Buồn cười nữa là cả hai vị tổng bí thư kế tiếp nhau – Nguyễn Văn Linh và Ðỗ Mười – không ai bảo ai đều cùng khăng khăng một mực khẳng định rằng Ðảng vô cùng sáng suốt của các vị không sai một li ông cụ nào trong việc giải quyết vụ “nhóm xét lại chống Ðảng”.

Có lẽ trí nhớ của người già không được tốt cho lắm, cho nên cả hai vị đều quên những gì xảy ra tiếp theo, khi những người tù được thả, khi vụ án coi như được khép lại.

Tôi kể lại cho các vị nghe nhá ? Rồi sau đó các vị cứ cho quân đi thẩm tra xem có đúng vậy không, tôi bịa chuyện hay sự thật đúng là như thế ?

Khoảng đầu thập niên 80 Lê Ðức Thọ, bậc tiền bối của hai vị, đã lặng lẽ cho quân đến gặp từng người trong vụ án. Hoàng Minh Chính, Lưu Ðộng, Lê Trọng Nghĩa, Trần Thư, Hoàng Thế Dũng…đều được Ðảng của Thọ (chứ không phải Nhà nước) quyết định cho lĩnh một thứ lương không ra lương, trợ cấp không ra trợ cấp, gần giống như lương hưu, trừ anh Phan Thế Vấn và tôi đã từ chối không nhận như đã nói ở trên.

Cha tôi cũng được Thọ mời đến nhà. Không hiểu hai người trò chuyện những gì trong bữa cơm tối chắc chắn không ngon lành, trở về cha tôi nói :”Thằng Thọ nói thối lắm, không ngửi được. Nhưng thôi, nó đã biết lỗi, thì mình cũng không nên chấp nhặt”. Thọ lại mời mẹ tôi tới. Thọ nói muốn khôi phục mọi quyền lợi cho cha tôi. Mẹ tôi không nhận :”Anh làm thế tôi còn mặt mũi nào nhìn những anh em bị oan ức khác. Không, nếu anh thực lòng muốn giải quyết thì phải giải quyết cho tất cả mọi người.”

Năm 1985 Thọ tới gặp ông Ung Văn Khiêm tại Sài Gòn. Ông Khiêm kể :”Nó tới, tao đang tắm cho heo. Bác gái báo tin, tao biểu cứ để cho nó đợi, con heo quan trọng hơn. Tắm heo xong, tao lên nhà, nó vẫn ngồi đó. Anh Ba, nó nói, Bộ Chính trị muốn mời anh trở lại gánh vác việc nước”. Tao biểu nó :”Nếu đất nước lại lâm nguy, chẳng cần ai kêu Ba Khiêm nầy cũng chống gậy tới xin Nhà nước một việc vừa sức mình cùng bà con đánh giặc. Còn bây giờ đất nước thanh bình, mình già rồi, nghỉ đi cho con cháu làm, kẻo chúng nó chửi mấy thằng già mắc dịch, già hổng trót đời, còn tham quyền cố vị”. Thọ đỏ mặt cáo từ.

Ông Ba Khiêm bằng lòng trở lại Ðảng. Theo thủ tục, ông phải làm lại lý lịch. Ông đọc cho cô thư ký được người ta cử tới ghi :”Chiến đấu liên tục vì sự nghiệp giải phóng dân tộc từ 1930 với tư cách người cộng sản. Bị Ðảng khai trừ năm 1968…” Mấy tay cán bộ tổ chức Ðảng đọc bản lý lịch, tá hỏa đòi ông bỏ đoạn đó đi cho thì ông đáp :”Thằng Ba Khiêm nầy trước nay sống quang minh chánh đại, chưa dối Ðảng một lần, đây là việc Ðảng làm, là việc có thiệt hẳn hoi, mà lại biểu Ba Khiêm nói hổng có, là cớ làm sao ?”.

Thời thế đã khác. Kể từ ngày Hồng quân Trung Hoa theo lệnh Ðặng Tiểu Bình vượt biên giới sang đất ta để dạy “cho Việt Nam một bài học” ngành truyền thông Việt Nam quay ngoắt 180o chửi bới chủ nghĩa Mao và những nhà lãnh đạo Trung Quốc sau Mao hết lời. Tôi còn nhớ cảm giác khi được đọc cuốn Chủ Nghĩa Mao Không Có Mao của Nhà xuất bản Thông tin Lý Luận năm 1982. Tôi rùng mình trước sự tráo trở. Cứ như trước đây họ chưa từng nuốt chửng từng lời của Bác Mao vĩ đại !

Lê Ðức Thọ ân hận với việc làm tàn nhẫn lúc trước, hoặc hiểu rằng mình đã đi quá xa trong sự vi phạm luật pháp mà có biện pháp giải quyết như trên, cũng là điều không ai biết. Chỉ biết rằng ở Việt Nam chẳng có cơ sở pháp lý nào để trả lương hưu cho những tội phạm đã nhiều năm không làm việc. Chính quyền làm cách nào để hợp pháp hóa khoản tiền ấy cũng không ai biết, là chuyện tù mù.

Nhưng thôi, ta hãy quay lại với những ngày cuối năm 1967.

Viết xong bản báo cáo về Nguyễn Lương Bằng, tôi mệt thừ.

Tôi phải cố gắng vượt qua mình, vượt qua cảm giác nhục nhã. Sau, tôi xót xa thương nhà cách mạng Sao Ðỏ, bác Cả Hà Ðông của tôi.

Huỳnh Ngự hài lòng ra mặt. Nếu tôi đã chịu viết báo cáo về Nguyễn Lương Bằng, có nghĩa tôi sẽ chịu viết về những người khác.

Một điều nữa làm tôi thắc mắc là không hiểu sao ông Nguyễn Lương Bằng hiền lành là thế mà cũng bị chúng để ý ? Chắc chắn ông không phải là người chống lại chúng, kể cả khi chúng lộng hành, vượt qua phép nước. Phải có một lý do nào chứ ?

Tôi nhớ rất lâu câu chuyện ông kể cho chúng tôi, những đứa cháu bé bỏng của ông, về lần đầu ông qua Thượng Hải : “Bác mới từ trong nhà vệ sinh công cộng ở ngoài phố bước ra thì thấy có một cô lật đật chạy đến tươi cười chìa cho bác cái khăn tay thơm phức. Bụng bảo dạ : sao mà ở đây người ta lịch sự thế không biết ! Hóa ra không phải. Bác vừa cảm ơn, định bỏ đi thì cô ta níu chặt lại, nói líu lô một tràng. Bác không biết tiếng Tàu, không hiểu cô ta nói gì, cô ta xí xộ hồi nữa rồi lấy tay chỉ vào túi bác. Thì ra người ta chực ở chuồng xí đưa khăn cho mình lau tay là để kiếm tiền, các cháu ạ. Bác lúng túng, chẳng biết đưa bao nhiêu cho phải, thôi thì đưa tuốt cho cô ta số tiền bác dành ăn bữa trưa. Tiếc đứt ruột !”. “Thế rồi bác nhịn bữa trưa à ?”, chúng tôi hỏi. “Thì nhịn vậy chứ sao ?! Bác chưa tìm thấy người của mình, lúc ấy phải dè xẻn từng xèng(2), các cháu ạ”.

Thời gian ở lại nhà tôi sau cuộc vượt ngục Sơn La, ông cư xử với lũ trẻ chúng tôi như một ông bác thật sự. Lúc mới về đến Hà Nội, gày rộc và xanh lướt, ông còn chịu ăn những món riêng mẹ tôi nấu cho để bồi bổ sức khỏe, sau đó ông nhất định không ăn nữa, “để cho các cháu, tôi khỏe chán”, ông nói. Trong bữa ăn ông ý tứ nhường cho chúng tôi món chúng tôi thích, mẹ tôi giục ông ăn ông chỉ cười xòa, chứ không đụng đũa. Lúc nào rỗi rãi ông lại bày trò cho chúng tôi chơi, kể chuyện cổ tích cho chúng tôi nghe. Trò của ông không hay và đơn điệu, chuyện của ông phần lớn chúng tôi đã được nghe, nhưng chúng tôi thích quanh quẩn bên ông bởi vì chúng tôi cảm được tình yêu của ông dành cho chúng tôi. Ngược lại, ông cũng được chúng tôi yêu mến. Hồi đó, tuy nhiều tuổi hơn cha tôi, ông vẫn độc thân.

Nguyễn Lương Bằng là người khiêm nhường. Ông không nổi bật trong đám đông, không phải chỉ hồi đó mà cả sau này, khi ông đã giữ những chức vụ quan trọng trong Nhà nước. Tính ông thế. Trong những cuộc họp Ðảng tại nhà tôi Nguyễn Lương Bằng ngồi nép trong một góc với nụ cười rất hiền, như thể ông bẽn lẽn, trong khi các đồng chí của ông nói nhiều và hùng hồn, nhất là ông Hạ Bá Cang. Vì tôi là đứa trẻ cho nên người lớn không ngó ngàng gì đến tôi, tôi học bài bên cạnh họ khi họ họp và tha hồ quan sát. Hạ Bá Cang là đối cực của Nguyễn Lương Bằng. Lùn tịt, hói đầu, ông không ngồi mà đứng tựa vào lò sưởi, chân nọ vắt qua chân kia, thỉnh thoảng mới phát biểu, đã nói thì nói dài, nói dai, không cho ai xen vào. Hạ Bá Cang khôn lắm, ông thường chờ cho mọi người nói xong mới nói, gay gắt sửa lại ý kiến của họ. Hạ Bá Cang thích vượt lên trên người khác, không cho phép ai cãi lại. Ông muốn mình phải là con công trong đàn gà. Nguyễn Lương Bằng không thế, ông sẵn sàng làm gà, miễn không phải tham gia tranh luận. Ông không thích lý thuyết. Nó không hợp với tạng ông. Nó quá sức ông. Nhưng đó là điều sau này tôi mới hiểu.

Những năm đầu kháng chiến chống Pháp Nguyễn Lương Bằng làm giám đốc Công ty Bắc Thắng ở Tuyên Quang. Ông làm công tác kinh tài cho Ðảng từ hồi bí mật. Cha mẹ tôi là hai người cộng sự.

Bề ngoài Công ty Bắc Thắng chuyên sản xuất lương khô cho bộ đội. Những cái bánh nướng hình khối chữ nhật nhỏ hơn bìa đậu phụ một chút bằng bột đậu xanh trộn bột gạo có pha đường ăn rất ngon. Bề trong, công ty lo toan mọi khoản chi tiêu cho chính phủ kháng chiến. Công ty mua gom thuốc phiện ở các vùng Tây Bắc, Việt Bắc, rồi bán qua Thái Lan lấy tiền mua súng đạn cho bộ đội. Chính phủ vừa mới tuyên bố xá mọi thứ thuế, lại không có nguồn thu này khác cho nên việc buôn ma túy trở thành nguồn thu nhập chính. Tôi lấy làm ngạc nhiên khi chẳng thấy một ai nói tới hoạt động này trong những hồi ký cách mạng và kháng chiến.

Lao vào hoạt động kinh tế, Nguyễn Lương Bằng chìm đắm trong đó, chẳng được biết đến, không có tên tuổi trong nhân dân xứng với vị trí và uy tín của ông với tư cách một nhà lãnh đạo.

Nhưng người Pháp không quên ông. Mùa hè năm 1947 địch lần ra dấu vết những hoạt động của Nguyễn Lương Bằng. Bốn máy bay Spitfire quần đảo bên trên kho thuốc phiện của ông ở cây số 7 đường Tuyên-Hà, bắn “đui-xết” (12,7 ly) không ngừng cho tới khi cái kho cháy trụi. Vụ thiệt hại rất lớn – hơn bốn tấn thuốc phiện biến thành khói. Ông gày rộc đi sau trận oanh kích bất ngờ. Hôm đó tôi ở gần cái kho bị cháy. Mùi thuốc phiện cháy gây gây, ngầy ngậy lan đi rất xa. Ông Nguyễn Lương Bằng đi chân đất bụi phủ bạc phớ lủi thủi trên con đường hàng tỉnh, mặt bệch như xác chết.

Sau năm 1947 tôi không gặp ông trong một thời gian dài.

Gặp lại ông vào tháng 10 năm 1954 khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, chính phủ kháng chiến trở về thủ đô giải phóng, tôi ngỡ ngàng. Trông ông khác hẳn ông Nguyễn Lương Bằng ngày trước. Trong bộ đồ Tôn Trung Sơn bằng kaki Mỹ, chễm chệ trong chiếc Pobeda sang trọng, ông đến thăm mẹ tôi và lũ cháu của ông. Mặt phương phi, tiếng sang sảng, ông vui vẻ hàn huyên với mẹ tôi về những ngày gian khổ đã qua.

Tôi còn gặp ông nhiều lần khi ông làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Liên Xô. Thỉnh thoảng, khi nào được nghỉ học tôi lại ghé thăm ông. Là người quen hoạt động, vai đại sứ ngồi một chỗ với những bữa tiệc khoản đãi liên miên làm ông chán ngán. Trong bộ pi-gia-ma nhàu nát ông ngồi ủ rũ trong phòng ngủ, bên chồng bản tin tiếng Việt, không bước chân ra ngoài. Một hôm ông giữ tôi lại ăn cơm. Bữa ăn chỉ có hai bác cháu. Nguyễn Lương Bằng uể oải nhai từng miếng. Ðột nhiên, ông đăm chiêu bảo tôi :”Cháu nhớ lấy điều này để sau biết cách mà sống : đàn bà, cháu ạ, một người thì đoàn kết, hai người thì chia rẽ. Ðừng bao giờ tin có hai người đàn bà ở chung mà lại thương yêu nhau”. Tôi ngạc nhiên. Ông nói với tôi chuyện ấy để làm gì. Hóa ra trong đại sứ quán vừa có vụ cãi lộn – một bên là bà đại sứ, một bên là cô văn thư hay quản lý chi đó.

Mặc dầu đã về hưu cha tôi thỉnh thoảng vẫn đến chơi với ông. Những cuộc gặp gỡ càng về sau càng thưa dần. Từ nhà ông về, cha tôi buồn thiu. Tôi đoán hai người không có sự nhất trí trong nhiều vấn đề, đặc biệt là những vấn đề thời sự về đường lối trong phong trào cộng sản. Khi các bạn hỏi ông về quan điểm của Sao Ðỏ thì ông chỉ cười xòa rồi lảng qua chuyện khác.

Cha tôi không hiểu Nguyễn Lương Bằng. Ông vốn yêu bạn. Do yêu bạn, ông kỳ vọng ở bạn quá nhiều. Lẽ ra cha tôi phải biết Nguyễn Lương Bằng là người thế nào. Ông Bằng chưa bao giờ quan tâm tới lý thuyết, cho dù là lý thuyết cách mạng. Tính tình quá lành, ông không thích hợp với bất kỳ cuộc đấu tranh nội bộ nào. Việc ông lúng túng trong cuộc xung đột giữa hai người đàn bà là một thí dụ.

Huỳnh Ngự vắt chân chữ ngũ đọc báo cáo của tôi về Nguyễn Lương Bằng, thỉnh thoảng gật gù cái đầu. Tôi biết, nội dung bản báo cáo không thể làm y hài lòng, y chỉ mới hài lòng về sự thuần phục của tôi thôi.

– Anh uống trà đi kẻo nguội.

Y mời tôi. Chúng tôi cùng uống. Trà nóng hổi, ngát hương.

Nhưng tôi chẳng có tâm địa nào để thưởng trà. Tôi nhìn Huỳnh Ngự đọc bản báo cáo tôi vừa hoàn thành, cố đoán thái độ của y. Nhưng mặt y là cuốn sách viết bằng thứ ngoại ngữ tôi không biết. Có lúc tôi đã nghĩ y muốn thử gân tôi, xem tôi chịu y tới mức nào.

Nhưng xem ra không phải. Y hỏi nghiêm túc. Ðúng là Nguyễn Lương Bằng bị nghi ngờ thật. Hẳn bề trên Huỳnh Ngự hẳn cho rằng cha tôi và Nguyễn Lương Bằng thân nhau, thì có thể moi ở tôi những điều bí mật giữa hai người. Cha tôi không nói, nhưng do khờ dại tôi sẽ nói.

Trong báo cáo tôi miêu tả một Nguyễn Lương Bằng tận tụy với dân với nước, rất mực liêm khiết. Ðó là sự thật. Tôi không nói tới một Nguyễn Lương Bằng ngày càng hồng hào và đẫy đà, quay mặt đi trước cuộc sống. Có lần tôi kể cho ông nghe về đời sống lầm than của dân chúng ở những vùng tôi đi qua, ông tỏ vẻ không tin. Tôi rủ ông :”Bác cải trang rồi vi hành đi cùng cháu, như ngày trước bác cháu mình vẫn đi cùng nhau ấy, cháu sẽ chở bác đi bằng xe máy, cháu đi xe máy thạo, cháu không làm ngã bác đâu, bác sẽ xem xét cuộc sống của đồng bào bây giờ ra sao rồi tự rút ra kết luận”. Ông nghe, cười trừ.

Tôi cũng không nói tới nhận xét của các đồng chí cách mạng cao niên về tính dao động, lưỡng lự giữa các quan điểm đối lập, không dám quyết đoán khi cấp trên chưa ra lệnh ở ông. Nói nhược điểm của ông ra cho công an biết để chúng lợi dụng hay sao ?

Một bản báo cáo như thế chẳng có giá trị gì. Nó như vị hoài sơn trong thang thuốc bắc, tính lành, không công cũng không phạt.

Nhờ những cuộc hỏi cung tôi hiểu ra rằng trong cái tranh tối tranh sáng của tình hình từ lâu vốn không rõ ràng giữa lợi ích của cách mạng và quyền sống của con người, giữa cái buộc phải tạm thời hy sinh cho thắng lợi cuối cùng với cái bị chà đạp đã có những cái vòi bạch tuộc nhầy nhụa mò mẫm kiếm chác.

Mặc dầu đã nắm trọn quyền hành trong tay, liên minh Duẩn-Thọ trong giai đoạn này chưa đủ tự tin để muốn làm gì thì làm. Riêng đối với Nguyễn Lương Bằng, họ vẫn còn chút e dè. Dù sao ông cũng là người nổi tiếng chính trực, liêm khiết, lại đang cầm thanh kiếm bảo vệ sự trong sạch của Ðảng. Tôi đoán họ sợ ông sẽ nhân danh chức trách của mình mà xông vào đòi thanh tra vụ án, đòi đưa vụ án ra trước Ban chấp hành Trung ương và chuyện sẽ thành rùm beng. Phải chăng việc bắt tôi phải khai về Nguyễn Lương Bằng để lộ ra nỗi lo ngại ấy ?

Nếu nghĩ như vậy thì họ lầm to.

Họ không hiểu Nguyễn Lương Bằng. Như một nghịch lý, nhà cách mạng kiên cường Sao Ðỏ lại không phải là người đáng ngại đối với bất kỳ ai. Tại sao lại như vậy, tôi không hiểu, nhiều người không hiểu. Ông sợ đấu tranh sẽ dẫn tới mất đoàn kết ? Hay ông sợ cái gì khác ? Chỉ biết rằng trong Cải cách ruộng đất, khi những người từng có liên hệ với ông để ủng hộ cách mạng bị đấu tố, bị bắn giết, bị bức tử, bị cầm tù, ông biết cả đấy, ông nhìn thấy cả đấy, ông linh cảm thấy Ðảng sai đấy, nhưng ông chỉ dám thổ lộ với cha tôi, thế thôi, chứ không hơn. Lẽ ra phải lớn tiếng phản đối, chí ít thì cũng phải can ngăn những kẻ lộng hành thì ông lại im lặng, không dám động ngón tay út để cứu người vô tội. Mà ông sợ cái gì kia chứ ? Trường Chinh tuy không trọng ông về học thức nhưng rất nể ông vì quá trình hoạt động và uy tín cách mạng.

Tâm sự với ông Lê Giản, cha tôi nhận xét người tù Nguyễn Lương Bằng có thừa dũng khí đấu tranh với Coussot, nhưng lúc cần đứng về phía lẽ phải để bảo vệ nhân dân thì ông quan lớn Nguyễn Lương Bằng lại trùm chăn, chẳng dám hé răng. Mà tiếng nói của Nguyễn Lương Bằng là tiếng nói có trọng lượng, được những người lãnh đạo lắng nghe. Nghe cha tôi than phiền, Lê Giản cười buồn bã. Từ lâu, Lê Giản nói, ông đã biết Nguyễn Lương Bằng là người thế nào. Nguyễn Lương Bằng đọa ra thế, theo ông, là do trình độ hiểu biết kém, đã lười suy nghĩ lại quá ỷ lại vào Hồ Chí Minh. Trong khi Hồ Chí Minh chưa có ý kiến, Nguyễn Lương Bằng chui vào cái vỏ ốc ý thức tổ chức để trốn tránh trách nhiệm cá nhân, trốn tránh lương tâm.

Tôi cũng không trông đợi nhiều ở Nguyễn Lương Bằng. Tôi nghĩ ông không phải là người vì tình bạn thân thiết với cha tôi, với các bạn tù Sơn La cũ, vì những kỷ niệm đã trôi tít mù xa vào quá khứ mà dám đối mặt với Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ. Tôi biết, trong thâm tâm, ông tin chắc các đồng chí của ông không phản bội cách mạng. Nhưng bị Lê Ðức Thọ xuyên tạc, ông nghĩ họ sai về quan điểm đối với cuộc đấu tranh giữa hai đường lối mà Ðảng đã có nghị quyết, cho nên mới bị coi là phản cách mạng. Bây giờ không cứ theo Tây mới là phản cách mạng. Bây giờ cứ không đồng ý với Trung ương đã là phản cách mạng rồi. Nếu không phải là phản cách mạng thì sao Bác lại đồng ý để cho bắt ? Có nghĩa các đồng chí ấy bị bắt là phải. Lập luận ấy tiện lợi cho ông. Nó bẻ hết răng cái lương tâm vốn đã móm mém.

Ông cũng không có tham vọng làm Bao Công. Ðể làm Bao Công phải có cả khí phách lẫn uyên bác. Nguyễn Lương Bằng không có cả hai. Chao ôi, trải qua bao nhiêu gian truân khổ ải làm cách mạng để rồi phải sống run rẩy trước những đồng chí hôm qua, để bị những đồng chí hỉ mũi chưa sạch khinh rẻ – thân phận nhà cách mạng Sao Ðỏ mới thảm hại làm sao, mới đáng thương làm sao !

Tiếp theo báo cáo về Nguyễn Lương Bằng, Huỳnh Ngự mới bắt tôi viết tiếp những báo cáo khác về Hoàng Minh Chính, Ðặng Kim Giang, Trần Minh Việt…mà theo tôi, lẽ ra y phải bắt tôi viết từ lâu trước đó. Tôi viết lăng nhăng những báo cáo nhạt nhẽo, chỉ để chứng tỏ tôi không bướng, bảo tôi viết thì tôi viết. Hơn thế, tôi còn tỏ ra sốt sắng hoàn thành những yêu cầu do Huỳnh Ngự đề ra. Nhưng hiểu biết của tôi có hạn, tôi không thể viết gì hơn những điều tôi biết. Huỳnh Ngự đành chịu.

Tôi không ngạc nhiên nghe Huỳnh Ngự hỏi về Võ Nguyên Giáp :

– Anh Hiên nè, lâu nay anh có gặp đại tướng lần nào không nhỉ ?

– Ðại tướng nào ?

– Còn giả cách ! Ðại tướng của các anh ấy ! Tôi muốn được nghe ít chuyện về đại tướng của các anh.

Y hỏi tôi bằng giọng nhẹ nhàng, như thể chẳng có gì quan trọng, nhân tiện thì hỏi.

Tôi cho rằng Huỳnh Ngự thấy tôi bướng, y hiểu với tôi phải hỏi cung theo cách khác, mềm dẻo, nhẹ nhàng muốn tốt, bởi vì tôi mà khùng lên thì tôi sẽ không nói gì hết, dục tốc bất đạt. Tôi biết trước sau gì y cũng đặt câu hỏi đó ra. Tôi có ý chờ. Biết tôi có quan hệ gần gụi với tướng Ðặng Kim Giang, Huỳnh Ngự không thể không khai thác mối quan hệ đó, chửa biết chừng tôi lại cho họ một cái gì dẫn tới tướng Giáp cũng nên.

Câu hỏi của Huỳnh Ngự đánh động trí tưởng tượng, bắt tôi tìm kiếm, nhớ lại, sắp xếp những sự kiện, phân tích chúng, dựng nên những giả thuyết để cuối cùng có được bức tranh toàn cục hữu lý, với tư cách câu trả lời lô-gích cho những thắc mắc.

Cần phải ngược dòng thời gian về với cuộc kháng chiến chống Pháp để hình dung toàn bộ bối cảnh lịch sử.

Ðêm 19 tháng 12 năm 1946 nước Việt Nam vừa mới tuyên bố độc lập buộc phải bước vào một cuộc chiến đấu không cân sức. Nước Pháp được Ðồng Minh giải phóng chưa kịp hồi sức đã hối hả trở lại với Ðông Dương màu mỡ. Cái gọi là quân đội Ðồng Minh vào Việt Nam giải giáp quân Nhật bại trận đã không ủng hộ chính quyền non trẻ của Việt Nam thì chớ, ngược lại, còn tận tâm giúp đỡ các lực lượng muốn thủ tiêu nó. Quân đội Tưởng Giới-thạch trên miền Bắc giúp Việt Nam Quốc dân đảng. Quân đội Anh-Ấn vào miền Nam Việt Nam mang theo quân Pháp.

Trong hoàn cảnh ấy, Hồ Chí Minh đã đi một nước cờ táo bạo – ký Hiệp định 6.3.1946, thỏa thuận cho các lực lượng viễn chinh Pháp vào thay thế các lực lượng Ðồng Minh. Cần phải thoát khỏi ngay lập tức đám ma đói từ bên Tàu, lực lượng thổ phỉ này bất cứ lúc nào cũng có thể biến thành một trận hồng thủy từ phương Bắc tràn xuống. Lấy bọn xâm lược rành rành đẩy bọn xâm lược giấu mặt ra ngoài, tranh thủ thời gian để bước vào cuộc kháng chiến không thể tránh né.

Những lực lượng chống Việt Minh la ó :”Hồ Chí Minh bán nước ! Hồ Chí Minh là tay sai cho ngoại bang !”. Chủ tịch Hồ Chí Minh phải thề trước đồng bào rằng ông không bán nước. Bài toán Hồ Chí Minh giải không phải mọi người đều hiểu. Nước Pháp vừa thoát khỏi cuộc chiếm đóng của Ðức trong Thế chiến còn yếu, còn nghèo, lại ở xa, sẽ là kẻ thù dễ chịu hơn nhiều so với kẻ thù đông đúc ở sát nách.

Bắt đầu những năm gian khổ của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do tuổi trẻ tiến hành. Lớp người làm ra cuộc Cách mạng Tháng Tám lúc bấy giờ chỉ ở độ tuổi trung bình 20-30. Người lãnh đạo cao niên nhất của Cách mạng khi bước vào kháng chiến chống Pháp mới có 56 tuổi, đã được tôn vinh là Cha già Dân tộc.

Ðó là thời gian tràn đầy chất lãng mạn tuyệt vời chỉ có được trong những cuộc cách mạng đúng nghĩa cách mạng. Người ta sẵn sàng bỏ nhà cửa, bỏ vợ con, bỏ tất cả để đi theo tiếng gọi cứu nước.

Trong những năm gian khổ của cuộc vật lộn sống chết với kẻ thù không hề xảy ra chuyện sát phạt lẫn nhau trong hàng ngũ những người lãnh đạo. Của đáng tội, có hồi người ta cũng xì xào về cái chết của trung tướng Nguyễn Bình. Ông bị bắn chết trên đường ra Việt Bắc họp, trong một trận phục kích của quân đội Pháp, vào năm 1951. Ðồn rằng những người không ưa ông (trong đó có bí thư miền Lê Duẩn) buộc ông ra Việt Bắc để dự một cuộc họp thực ra không cần tới ông, rồi kín đáo mách bảo lộ trình của ông cho địch. Không một cứ liệu, không một nhân chứng nào khẳng định vụ này(3). Tại căn cứ địa Việt Bắc, trong các cơ quan đầu não của kháng chiến ngự trị một không khí đoàn kết và thân tình, nhân tố không thể thiếu được để chiến thắng.

Sau khi Hà Nội được giải phóng, các cơ quan Ðảng và nhà nước từ rừng thẳm Việt Bắc đã trở về đóng tại thủ đô tràn ngập ánh điện thì bóng đen của những mưu mô cung đình mới bắt đầu chập chờn trên những dinh thự kín cổng cao tường.

Mọi sự bắt đầu kể từ khi cả Hồ Chí Minh lẫn Trường Chinh bị mất uy tín trước con mắt ngưỡng mộ của quần chúng cách mạng. Thất bại của Cải cách ruộng đất, như một đòn số mệnh, bất thình lình giáng xuống đầu hai lãnh tụ của cuộc kháng chiến vừa thắng lợi.

Vào thời kỳ này, có tin đồn rằng đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ giữ chức tổng bí thư thay cho Trường Chinh, rằng nay mai ông sẽ được phong nguyên soái.

Trong hàng ngũ lãnh đạo Võ Nguyên Giáp nổi bật lên như một nhân vật tài ba và sạch sẽ, chưa từng vướng vào những khuyết điểm có mùi máu. Vì những đặc điểm đó mà chính ông chứ không phải ai khác được Trung ương Ðảng cử ra tạ tội trước đồng bào ở sân vận động Hàng Ðẫy sau sai lầm trong Cải cách ruộng đất.

Võ Nguyên Giáp gặp may. Không rõ có phải Hồ Chí Minh và Trường Chinh tính trước không cho quân đội được hưởng thêm một vinh quang nữa sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ hay không, nhưng sau khi hòa bình lập lại (năm 1954) nó không được tham gia vào cuộc Cải cách ruộng đất long trời lở đất, hứa hẹn đem lại một Ðiện Biên phủ dưới ruộng(4). Nhờ đó mà quân đội không phải chịu chung với Ðảng những lời nguyền rủa.

Tin đồn lịm dần, sau đó tắt ngấm. Ðùng một cái, không phải Võ Nguyên Giáp mà Lê Duẩn, một tên tuổi gần như không được nhân dân biết đến trên miền Bắc, được bầu vào chức vụ tổng bí thư thay Trường Chinh. Võ Nguyên Giáp cũng chẳng được phong hàm nguyên soái. Ðại tướng ngày càng ít xuất hiện trước công chúng. Còn hơn thế, thay vào sự hiện diện của Võ Nguyên Giáp là một đại tướng mới toanh, chưa hề được quân đội tôn trọng là đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Võ Nguyên Giáp bị thất sủng.

Tin đồn lan nhanh trong quân đội và nhân dân. Nguyên nhân thất sủng là cái gì thì trong một thời gian dài chẳng ai biết. Mãi về sau, cũng theo những nguồn tin không chính thức, người ta mới biết rằng ông bị mất tín nhiệm vì cơ quan tổ chức của Ðảng lục được trong thư khố của Pháp một lá đơn của cậu học sinh Võ Nguyên Giáp gửi quan toàn quyền Ðông Dương xin học bổng du học, với những lời lẽ quỵ lụy không thể chấp nhận được đối với người cách mạng. Ban tổ chức Trung ương không cần phân biệt cậu học trò Võ Nguyên Giáp với nhà cách mạng Võ Nguyên Giáp. Võ Nguyên Giáp rõ ràng tình nguyện làm tay sai cho thực dân. Ðồn rằng nếu không chiếu cố tới công lao hãn mã của đại tướng từ thời kỳ bí mật, và đặc biệt trong chiến thắng Ðiện Biên Phủ thì tướng Giáp đã bị lột lon và đuổi ngay khỏi Ðảng.

Những người thạo chuyện cung đình nói rằng trong vụ này đã nhìn thấy móng vuốt một nhân vật mới xuất hiện nhưng đã tỏ ra có bản lĩnh cao cường là Lê Ðức Thọ.

Lúc ấy chưa ai nhìn thấy Duẩn và Thọ liên kết với nhau thành cặp bài trùng. Mọi việc Thọ làm đều có sự chỉ đạo của Duẩn.

Dư luận không đồng tình với cách Ðảng đối xử với đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chẳng qua chỉ tại đại tướng Võ Nguyên Giáp quá nổi tiếng, người ta nói thế. Nổi tiếng quá sinh ra ghen ghét. Sau chiến thắng Ðiện Biên và Hiệp định Genècve về Ðông Dương, các phương tiện truyền thông ngày đêm ca ngợi sự lãnh đạo tài ba của Ðảng, Bác và tổng bí thư Trường Chinh. Khốn nỗi để khuếch trương chiến quả không thể không trích báo chí phương Tây, mà báo chí phương Tây thì lại quen trình bày cuộc chiến ở Ðông Dương như một cuộc đấu tay đôi giữa hai ông tướng. Thành thử hình ảnh tướng Giáp cứ lồng lộng trên nền cờ chiến thắng, che lấp cả Ðảng lẫn Bác, lẫn Anh Cả Trường Chinh. Có thể nói rằng các đài phát thanh phương Tây đã góp phần làm cho cuộc đời tướng Giáp thêm cay đắng.

Vào khoảng năm 1964, giữa lúc cuộc đấu tranh giữa hai đường lối đang diễn ra quyết liệt thì bỗng ồn lên tin tướng Giáp lén lút liên lạc với Nikita Khrusov, bị Ðảng phát hiện. Tin đồn nói rằng Ban tổ chức Trung ương đã có trong tay bằng chứng : một bức thư của Khrusov gửi tướng Giáp. Cũng theo tin đồn thì hồi ấy Duẩn và Thọ đã định làm to chuyện, đưa vấn đề ra trước Trung ương, nhưng ông Hồ gạt đi, nói tướng Giáp báo cáo với ông chuyện Khrusov gửi thư rồi. Việc mới yên. Rồi lại có tin tướng Giáp vẫn bí mật liên lạc với đại tá Lê Vinh Quốc, nguyên phó chính ủy sư đoàn thép 308, người được coi là cánh tay phải của ông, đã xin cư trú chính trị tại Liên Xô(5).

Cái chính là ban lãnh đạo mới không ưa Võ Nguyên Giáp. Không ưa thì dưa có ròi.

Như mọi người lính trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, cảm tình của tôi ở về phía vị tướng gắn bó với quân đội từ ngày nó được thành lập trong rừng già Việt Bắc.

Dường như có liên quan với tướng Giáp, một loạt cán bộ cao cấp trong quân đội cũng bị bắt. Anh Lê Trọng Nghĩa, cục trưởng Cục 2 (Cục tình báo quân đội) kể rằng họ mời anh đi họp rồi đưa thẳng đến trại giam. Trung tá Trần Thư bị bắt ngay tại tòa soạn báo Quân đội Nhân dân. Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, trưởng Ban Thống nhất Trung ương, tuy không bị bắt, nhưng vì có quan điểm xét lại, cũng bị treo giò, ngồi chơi xơi nước. Nhiều cán bộ khác bị buộc nghỉ việc để hàng ngày tới nơi thẩm vấn. Tất cả, như sau này tôi mới biết, đều phải trả lời những câu hỏi về tướng Giáp. Nổi bật lên như một người hùng trong chiến dịch chống xét lại là đại tá Kinh Chi, được cán bộ quân đội mệnh danh là con béc-giê nòi của Thọ.

Cần phải chặn đứng làn sóng đòi tự do dân chủ trước khi quá muộn.

Ngòi nổ của biến cố, nếu không vững tay để nó xảy ra, nằm trong tầng lớp trí thức. Ðảng biết rằng đánh thẳng vào trí thức là khó. Khốn nỗi, không đánh không được. Không đánh thì chiều hướng dân chủ sẽ lấn tới. Vấn đề đặt ra là đánh như thế nào mà thôi.

Trong bối cảnh những sự việc như thế câu hỏi về tướng Giáp là điều dễ hiểu.

Tôi bình thản đáp :

– Ông Giáp không tới nhà tôi lần nào kể từ khi hòa bình lập lại. Không cần hỏi cơ quan an ninh cũng thừa biết ông Giáp có tới hay không.

Hỏi tôi về tướng Giáp là thậm vô lý. Tôi có thể trả lời được gì khi gặp ông lần đầu tôi còn là đứa trẻ, còn mấy lần sau là người lính ở cấp bậc gần cuối cùng ?

Khốn nỗi, số phận oái oăm lại cứ thích bắt tôi phải làm nhân chứng cho những sự kiện kia, và câu hỏi của Huỳnh Ngự cho tôi biết mặt sau cuộc trấn áp những người cộng sản là cái gì.

– Chuyện thời kháng chiến ta bỏ qua. – Huỳnh Ngự nói – Mấy năm gần đây chẳng có lẽ anh không gặp Võ Nguyên Giáp lần nào ? Bữa đại tướng của các anh rẽ vào thăm Lê Liêm hình như anh cũng ở đó mà ?

Huỳnh Ngự còn chưa gọi Võ Nguyên Giáp hoặc Lê Liêm bằng thằng, tôi nhận xét.

Cái vòng nghi ngờ lan rộng hơn tôi tưởng. Không biết còn bao nhiêu người bị nó thâu tóm vào trong ?

Tôi lắc đầu, chán ngán :

– Tôi nhắc lại : tôi không gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp lần nào kể từ khi về Hà Nội.

– Tui có khẳng định mô, tui chỉ hỏi thôi. Có anh bảo có, không anh bảo không. Miềng làm việc với nhau phải hiểu nhau, thường khi chuyện vãn như vầy mà ra vấn đề đó. Chẳng hạn, về đại tướng của các anh, trên cũng không có ý hỏi anh về ổng, anh thì biết gì về ổng, mà muốn anh báo cáo những chuyện chung quanh ổng, thậm chí những chuyện không liên quan trực tiếp tới ổng, chuyện người khác kìa, chỉ cần có dính dáng tới ổng là được …

Tôi im lặng.

– Chẳng hạn, anh nghe thấy người ta nói chi về ổng, ở nhà anh, khách tới thăm ông già nói chuyện … Chuyện đại tướng là chuyện thời sự mà.

Tôi thì có thể báo cáo gì về đại tướng Võ Nguyên Giáp ?

Từ khi có sự rạn nứt trong phong trào cộng sản quốc tế, Võ Nguyên Giáp bị liên minh Duẩn-Thọ lặng lẽ liệt vào loại pro-soviétique(6). Tại nhiều cuộc nói chuyện với cán bộ Lê Duẩn không bỏ lỡ dịp tốt nào không công kích “quan điểm xét lại của một số đồng chí sa sút lập trường, sợ đụng đầu với bọn đế quốc quốc tế, làm nô lệ cho vũ khí luận, quên mất rằng yếu tố quyết định chiến tranh là sức mạnh chính nghĩa, là sức mạnh nhân dân”.

Ðó là sự vu khống. Mà là vu khống trắng trợn. Hơn ai hết, tướng Giáp hiểu tác dụng của du kích chiến mà ông là người trực tiếp chỉ huy trên một địa bàn rộng lớn. Cũng hơn ai hết ông biết đánh giá vai trò người lính trong chiến tranh. Nhìn quang cảnh chiến trường, tướng Giáp nói với tướng Giang vào ngày De Castries đầu hàng : ” Xem kìa, bộ đội ta mới anh dũng làm sao ! Họ đã chịu đựng biết bao nhiêu gian khổ để có chiến thắng này. Kẻ chiến thắng trên chiến trường, anh Giang ơi, bao giờ cũng là người lính”.

Cái gọi là quan điểm xét lại là nhãn hiệu thông dụng. Nó được gán cho bất kỳ ai có ý kiến ngược với ban lãnh đạo Ðảng. Sau nó còn được mở rộng ra tới những người bướng bỉnh, dám cãi lại cấp trên. Con người được gọt hết gai góc, được sửa lại cho tròn như một hòn bi, giống hệt những hòn bi khác.

Nguyễn Chí Thanh cũng gay gắt lên án những quan điểm sai lầm về chiến tranh của bọn xét lại. Mặc dầu không chỉ đích danh, người nghe hiểu ông tướng muốn chỉ ai. Nguyễn Chí Thanh chưa hài lòng với vị trí người lãnh đạo tối cao của quân đội do tướng Giáp xây dựng. Trong khi tướng Giáp chỉ còn là một đại tướng làm vì, ngồi chơi xơi nước. Nguyễn Chí Thanh ghen tức với uy tín mà tướng Giáp có trong lòng mỗi người lính, là cái chẳng bao giờ ông ta có được.

Tôi gặp Nguyễn Chí Thanh lần đầu, giữa một cử tọa khép nép, tại nhà riêng ông Ngô Ðức Mậu, chủ nhiệm báo ảnh Việt Nam. Tôi ngồi trong một góc nhìn viên đại tướng ngồi dãi thải trong ghế bành mây, mắt vè vè nhìn mọi người, như thể trước mặt ông là một lũ vô loài. Nguyễn Chí Thanh viết. Nghe thiên hạ đồn nhiều về tài hùng biện của Nguyễn Chí Thanh, tôi chăm chú nghe ông ta nói. Nguyễn Chí Thanh không nói mà giảng. Ông thường đưa ra một định đề chắc nịch, sau đó mới triển khai nó, chứng minh tính đúng đắn của nó, bằng lời lẽ bình dân pha những tiếng đệm còn bình dân hơn. Thời gian này các cơ quan đang phải học tài liệu “Chống chủ nghĩa cá nhân” do Nguyễn Chí Thanh viết. Trong tài liệu này Nguyễn Chí Thanh phán bảo mọi người phải xóa bằng sạch cá nhân mình trong tập thể, rằng con người cá nhân là đáng ghét, nó không là cái gì trước tập thể lớn lao. Những cuộc gặp gỡ tiếp theo với Nguyễn Chí Thanh để lại trong tôi ấn tượng ngược lại những lời răn dậy của ông ta – chính Nguyễn Chí Thanh mới là kẻ cá nhân chủ nghĩa cao nhất.

May cho dân tộc ta, viên tướng hãnh tiến qua đời trước khi trở thành một lãnh tụ độc đoán. Trong ông ta, ngoài tham vọng trở thành vĩ nhân còn có những nét tàn bạo của tên quân phiệt. Tuy nhiên, phải nhận rằng Nguyễn Chí Thanh có hấp lực mạnh mẽ đối với bầy nô lệ tự nguyện. Khi Nguyễn Chí Thanh nói, nhiều người nghe đờ đẫn nhìn ông ta như những con chuột bị rắn hổ thôi miên.

Một hôm ông Ngô Ðức Mậu bảo tôi :

– Này, anh Thanh bảo anh đọc đi rồi viết một bài phê phán thằng cha này. Hắn viết bố láo lắm.

Ông đưa cho tôi một cuốn sách mỏng. Ðó là cuốn Vào Ðời của Hà Minh Tuân(7). Tôi mang về nhà, đọc một mạch cuốn tiểu thuyết vừa mới ra lò nhưng đã có nhiều tiếng xì xào trong giới phê bình. Tôi ngạc nhiên. Cuốn sách không lôi cuốn tôi bởi văn chương. Về bút pháp nó kém xa Hai Trận Tuyến và là bước lùi về tay nghề của Hà Minh Tuân. Quả là cuốn Vào Ðời có chạm tới một vài chuyện được gọi là những mặt tiêu cực của xã hội, là cái mà nền văn học quan phương không cho phép nói tới. Sự đụng chạm này cũng chỉ sơ sơ thôi chưa có gì nặng nề so với thực tế mà tôi biết. Chính chỗ yếu này đã làm cho tác phẩm không xứng đáng bị công kích.

Tôi từ chối gợi ý của Nguyễn Chí Thanh viết bài phê bình Hà Minh Tuân.

Tôi quen Hà Minh Tuân, hiểu anh chẳng có ý gì khác ngoài mong muốn viết một cái gì đó cho thực thà, không dối trá. Nhưng anh lại không biết nói bóng gió, anh cứ thẳng ruột ngựa tương ra, cứ bê nguyên xi sự thật vào tác phẩm, thành thử người ta dễ chạm nọc.

Sau thời kỳ Nhân văn – Giai phẩm là thời kỳ của những cuốn sách xuôi chiều, được viết theo cái mà những môn sinh của A. Jdanov gọi là “đơn đặt hàng của cách mạng”. Cuộc khủng bố văn nghệ sĩ năm 1956 đẻ ra sự sợ hãi được nhuộm màu trung thành. Mọi người đều nghiêm khắc và kỹ lưỡng kiểm duyệt tác phẩm của mình trước cả người kiểm duyệt chuyên trách của Ðảng.

Tôi trả Ngô Ðức Mậu cuốn sách, nói rằng nó không phải là cuốn sách hay để phải viết bài phê bình, còn nếu có những điểm không tốt về chính trị thì đó là lỗi của nhà xuất bản, và ông Nguyễn Chí Thanh có thể khiển trách người đã cho nó ra đời. Bệnh sính văn chương là bệnh phổ biến trong các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Trong cuộc “đánh” Nhân văn – Giai phẩm, khởi đầu từ việc tống nhà thơ quân đội Trần Dần vào cải hối thất, Nguyễn Chí Thanh, lúc ấy là chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, là người rất hăng hái. Phụ tá cho Nguyễn Chí Thanh là nhà văn Vũ Tú Nam.

Vào hồi ông ta xui tôi đánh cuốn Vào Ðời của Hà Minh Tuân, Nguyễn Chí Thanh không còn làm công tác chính trị trong quân đội, nhưng máu kiểm duyệt vẫn chảy trong huyết quản và ông ta ngứa nghề. Ít lâu sau Nguyễn Chí Thanh tự tay đánh tôi bằng việc phê phán tính người chung chung, chủ nghĩa nhân đạo chung chung, phi giai cấp, cào bằng ranh giới địch ta trong kịch bản phim Ðêm Cuối Cùng, Ngày Ðầu Tiên, tại một hội nghị cán bộ trung cao quân đội.

Nguyên trưởng ty văn hóa Hà Tĩnh, họa sĩ Hoàng Nguyên Kỳ cho tôi biết ông Ngô Ðức Mậu, chủ nhiệm báo ảnh Việt Nam, trước là thầy học của Nguyễn Chí Thanh. Chính Nguyễn Chí Thanh cứu ông Ngô Ðức Mậu khi ông nằm trong trại giam trong Chỉnh đốn tổ chức. Ông kêu ầm lên khi trông thấy Nguyễn Chí Thanh đi ngang: “Anh Thanh ơi, anh Thanh ! Cứu thầy với !”

Chuyện Hoàng Nguyên Kỳ kể thật khó tin. Nó khó tin ở chỗ ông thầy học cũ rất khúm núm trước tên học trò nay là đại tướng. Tôi tin Hoàng Nguyên Kỳ không bịa. Ông thầy khúm núm trước học trò làm quan to không lạ, nhưng ông quan học trò tự nhiên như không trước thái độ quỵ lụy của ông thầy ở một nước có truyền thống tôn sư trọng đạo hàng nghìn năm thì lạ lắm.Viên tướng nông dân, theo lời truyền tụng của những người ngợi ca Ðảng, xuất thân tá điền, trưởng thành trong nhà tù, là xứ ủy viên Trung kỳ vào thời kỳ bí mật, chủ nhiệm Việt Minh Trung bộ những năm tiền khởi nghĩa, đến năm 1948 đã là Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Theo lời người khác, đáng tin hơn, thì Nguyễn Chí Thanh chẳng hề làm tá điền, cũng không phải thành phần cố nông, mà là một “tay chơi” vùng Phong Ðiền, Thừa Thiên. “Tay chơi” theo cách nói dân dã thời trước Cách mạng Tháng Tám là ăn cướp, nhưng là dạng ăn cướp nghiệp dư, thỉnh thoảng mới họp nhau lại đi kiếm chác rồi giải tán, ai về nhà nấy. Nguyễn Chí Thanh chắc chắn có được học hành chút đỉnh, nếu không sao lại có thầy học ? Là cố nông, lại hoạt động cách mạng liên tục, làm sao Nguyễn Chí Thanh có thời gian để học, dù là tự học, để biết khá rõ về Tôn Tử, Clauzevitz, Napoléon, Lâm Bưu, Jukov…, như lời một chứng nhân có thời gian ở gần ông xác nhận. Trung tá Trần Thư, người cùng vụ với tôi còn kể rằng trình độ tiếng Pháp của Nguyễn Chí Thanh không đến nỗi tồi, ông ta thậm chí còn biết chơi chữ bằng tiếng Pháp.

Sau khi Nguyễn Chí Thanh chết, tên ông ta được đặt cho đường phố, chân dung ông ta được in trên những con tem. Thế rồi bỗng nhiên người ta im lặng hẳn về viên đại tướng lừng danh quá cố và tên tuổi Nguyễn Chí Thanh chìm vào quên lãng.

Chuyện này có nguyên nhân. Số là hai năm trước cái chết của Nguyễn Chí Thanh (1967), ông Ðặng Xuân Thiều trong lúc hấp hối đã cho mời một số đồng chí ở Trung ương đến để trối trăng về vụ Nguyễn Chí Thanh phản bội xưng khai, làm vỡ một số cơ sở Ðảng. Ông chỉ ra những nhân chứng :” Trước đây chúng tôi không nói vì thấy Nguyễn Chí Thanh vẫn tích cực tham gia công tác cách mạng, thôi thì việc quá khứ rồi, bỏ qua đi cho hắn, cho hắn có cơ hội đới công chuộc tội. Sau đó thì không nói được nữa – Bác và Bộ Chính trị quá tín nhiệm hắn, cho hắn phụ trách toàn việc lớn, nói ra lại vạ vào thân. Nay tôi sắp chết, phải nói lại việc này kẻo tủi cho vong linh các đồng chí đã hy sinh không được ai nhắc nhở, tên phản bội thì lại được ca ngợi như anh hùng”.Trung Ương kiểm tra lại thấy đúng mới lẳng lặng dẹp cái sự xưng tụng kia đi. Chỉ còn một con đường ở thành phố Hồ Chí Minh là còn giữ tên Nguyễn Chí Thanh. Người ta chưa thay vì ngượng, chẳng lẽ lại cho “bọn ngụy” biết tại sao phải thay lại tên đường.

Xin quay lại chuyện tướng Giáp.

Lẽ ra, cha tôi làm công tác quân sự cùng với tướng Giáp, nếu như không có một quyết định mới của Trung ương. Quyết định này liên quan tới cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa cha tôi với ông Hồ tại hội nghị Tân Trào (cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 1945). Cha tôi kể ông rất ngạc nhiên trước sự thiếu hiểu biết về tình hình trong nước của ông Hồ. Chẳng hạn, ông hỏi cha tôi :”Có phải cụ Huỳnh Thúc Kháng đầu Tây rồi phải không ?”. Cha tôi nói không phải, ông vừa mới gặp cụ Huỳnh hai tháng trước, cụ rất kiên định cách mạng. Ông Hồ Chí Minh hỏi chuyện cha tôi cả một buổi và hài lòng thấy cha tôi biết nhiều về nhân sĩ trí thức. Trong cuộc họp Trung ương cuối tháng 8.1945 ông Nguyễn Lương Bằng đề nghị cha tôi rời công tác quân sự để giúp việc ông Hồ thì Trung ương nhất trí. Cha tôi có ghi lại nội dung cuộc họp đó, hình như vào ngày 28 tháng 8 thì phải, trong hồi ký “Tháng Tám cờ bay”.

Nói đến Võ Nguyên Giáp, cha tôi nhận xét ông Giáp có nhược điểm hay tránh né khi xảy ra bất đồng ý kiến. Với vẻ ngoài bình thản, pha chút cao ngạo, nhiều người tưởng ông kiêu ngạo đặt mình trên những cuộc tranh luận. Thực ra, ông bao giờ cũng sẵn sàng chịu lép vế trước người đối thoại hùng hổ. Tất nhiên, ở cương vị của ông số người dám áp đảo và áp đảo được ông không nhiều.

Cha tôi kể : năm 1949, khi Trung ương ra nghị quyết “Tích cực cầm cự, chuyển mạnh sang tổng phản công” do Trường Chinh thảo, Võ Nguyên Giáp không thông, nhưng cũng không cãi lại. Theo nguyên tắc Võ Nguyên Giáp phải triệu tập một hội nghị cán bộ quân sự trung cao cấp để phổ biến nó dưới dạng một báo cáo của Bộ Tổng tư lệnh. Cha tôi không có mặt trong buổi báo cáo đó. Nghị quyết ông đọc rồi, nghe lần nữa ông không muốn. Theo cha tôi, nghị quyết này phản ánh ý muốn đốt cháy giai đoạn của Trường Chinh. Ông Hồ biết cha tôi không thông, giải thích :”Thì mình có nói cụ thể thời hạn tổng phản công là bao giờ đâu mà lo. Kháng chiến cực nhọc nhiều rồi, cũng phải động viên quần chúng phấn khởi nhìn về tương lai chứ”.

Trong nhiều vấn đề kháng chiến quan điểm cha tôi gần với Võ Nguyên Giáp. Hai ông không đồng tình với khẩu hiệu tiêu thổ kháng chiến của Trường Chinh, cho rằng chỉ vườn không nhà trống là đủ. Nếu cần thì trên một bãi hoang địch cũng lập nên đồn bốt, thậm chí cả một tập đoàn cứ điểm, không cần thì một thành phố nguyên vẹn chúng cũng chẳng màng. Sau mới thấy vườn không nhà trống là đúng. Vinh, Thanh Hóa, Tuyên quang, Thái Nguyên chỉ còn là đống gạch vụn, nơi thì Pháp không tới, nơi chúng tới rồi lại rút đi.

Trong hội nghị cán bộ quân sự họp ở Phú Thọ nói trên, sau khi báo cáo ở hội trường trở về Võ Nguyên Giáp ngồi phịch xuống bên cha tôi, lúc ấy đang nằm ở lán :

Thấy Võ Nguyên Giáp buồn thiu, cha tôi hỏi :

– Có chuyện gì thế ?

– Mình rõ to đầu mà dại. – Võ Nguyên Giáp thở dài – Thằng Thận đúng là xúi chó vào bụi rậm. Mình biết trước sẽ khổ vì cái nghị quyết của nó. Y như rằng, vừa mới đọc xong báo cáo, chưa kịp ngồi xuống đã bị Nguyễn Sơn nó đập cho một trận tơi bời, vuốt mặt không kịp.

Ông thuật lại cho cha tôi nghe Nguyễn Sơn(8) đập ông như thế nào. Cha tôi cười rũ.

– Nhưng nó đập đúng chứ ? – cha tôi hỏi.

– Ðúng ! – Võ Nguyên Giáp hồn nhiên thừa nhận – Mới cay.

Thiếu tướng Nguyễn Sơn nổi tiếng ngang tàng, không kiêng nể một ai, khi nóng lên lại hay văng tục. Trên hội trường Nguyễn Sơn nói thẳng vào mặt tổng tư lệnh :”Nói tổng phản công vào lúc này là chẳng biết cái đếch gì về quân sự… Thử điểm lại mình coi, có cái cóc khô gì trong tay mà đòi tổng phản công ! Tổng phản công cái cục c… !!”

Tôi được nghe cha tôi kể chuyện này vào thời kỳ đang diễn ra Hội nghị Trung ương lần thứ 9. Tiếng nói của tướng Giáp là tiếng nói có trọng lượng. Nếu ông kiên quyết, vị tất Bộ Chính trị đã lái được Trung ương vào con đường mao-ít.

Ông Hồ, theo mọi người nhận xét, không thân Trung Quốc. Phạm Văn Ðồng sẽ ngả theo đa số. Trường Chinh sau khi chịu thảo nghị quyết theo ý Lê Duẩn hiển nhiên sẽ đứng về phía Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ.

– Rồi xem Văn(9) nó có dám chống lại thằng Duẩn với thằng Thọ không ? – cha tôi nói – Tính nó vậy đấy, đứa nào to mồm là nó im. Chán lắm !

Sự việc diễn ra như cha tôi tiên đoán. Võ Nguyên Giáp im lặng ngay từ đầu, trong cuộc họp Bộ Chính trị đi trước hội nghị Trung ương.

Ðầu tháng 12 năm 1963 tướng Lê Liêm xin gặp chủ tịch nước để trình bày với ông mối lo ngại trước viễn cảnh Việt Nam bị cuốn vào cuộc đấu tranh giữa hai cường quốc xã hội chủ nghĩa. Cuộc đấu tranh này hoàn toàn không cần thiết đối với nước Việt Nam đang có chiến tranh. Ông phàn nàn chuyện những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của khối tuyên giáo như Tố Hữu, Hoàng Tùng, Lưu Quý Kỳ… đi khắp nơi chửi bới Liên Xô, mà Liên Xô là nước đang giúp Việt Nam chống Mỹ.

Ông Hồ trầm ngâm nghe tướng Lê Liêm trình bày rồi nói :

– Vừa nhận người ta là anh em, xin viện trợ của người ta năm này qua năm khác, lại vừa chửi người ta thì xấu quá.

– Nhưng bản dự thảo nghị quyết lại là thế.

– Ra hội nghị chú cứ nói. Tôi ủng hộ.

Ngày hội nghị họp, Lê Liêm đơn độc đọc tham luận chống lại đường lối thân Trung Quốc trước một cử tọa lạnh lùng. Võ Nguyên Giáp ngồi im, đầu cúi, thỉnh thoảng lại cựa quậy trên ghế. Lê Duẩn bĩu môi. Lê Ðức Thọ hầm hầm. Khi Lê Liêm kết thúc bản tham luận, bầu không khí đã nặng nề còn nặng nề hơn nữa. Ông nhìn ông Hồ Chí Minh, chờ đợi một lời ủng hộ, nhưng ông Hồ tránh ánh mắt của ông, quay đi nơi khác(10).

– Ðiều tôi không ngờ là Bác đã hứa, nhưng lại không giữ lời. – Lê Liêm kết luận – Tôi không hiểu được, vì lẽ gì ? Hôm tôi gặp Ông Cụ nghe tôi chăm chú, suy nghĩ một lát rồi mới trả lời, chứ không phải Ông Cụ trả lời bộp chộp, hứa đãi bôi… Có một cái gì đó không hiểu được.

Chúng tôi ngồi lặng lẽ trước cái bàn rộng trong phòng khách, trong ánh sáng chập choạng của chiều tàn. Căn phòng tối dần, nhưng Lê Liêm không bật điện.

Ðó là lần gặp cuối cùng. Chẳng bao giờ tôi còn gặp ông nữa.

Tôi nhớ lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau, mùa thu năm 1952, trên đỉnh dốc Cun. Sau dốc Cun từ Hòa Bình đi Vụ Bản có một quãng trống dài bốn cây số, nơi máy bay địch hay xuất kỳ bất ý sà thấp bắn vào người đi đường, bất kể đi một mình hay đông người, đi bộ hay bằng xe đạp. Nhiều người bị chết ở quãng này, vì vậy nó được đặt tên là Cửa Tử. Từ khu 3 đi Việt Bắc tôi vượt qua Cửa Tử lúc sẩm tối, rồi dừng lại nghỉ qua đêm trên đỉnh dốc để đổ dốc lúc mờ sáng. Trong số khách dừng chân trong cái quán nhỏ cùng chúng tôi, có một người đàn ông trẻ, trắng trẻo, với gương mặt sáng sủa. Thấy tôi mê mải đọc sách bên bếp lửa, ông ngồi ghé bên cạnh :

– Ðồng chí có cuốn gì đấy ?

Tôi lật bìa cho ông xem. Ðó là cuốn Mùa Xuân ở Sakenne bằng tiếng Pháp. Mắt ông ta sáng lên.

– Cho tôi ngó qua một chút nhé, được không ? – mắt sáng lên, ông ta rụt rè đề nghị.

Có bảo vệ đi cùng, ông này ít nhất cũng trung đoàn trưởng hoặc trung đoàn phó, loại kễnh đây, tôi nghĩ.

– Tôi có cuốn này cũng hay lắm, hay là ta đổi cho nhau ? – trả lại tôi cuốn sách ông ta gạ.

Ông mang tới cuốn La Jeune Garde (Ðội Thanh Niên Cận Vệ) của Fadéev(11). Nó là cuốn sách rất quý hồi ấy. Nếu đổi, tôi là người có lợi. Nhưng bỏ dở cuốn Mùa Xuân ở Sakenne đang đọc dở tôi không muốn. Tôi nói nếu tới sáng tôi đọc xong tôi sẽ đổi cho ông. Ông sai bảo vệ mang cho tôi cái đèn bão được bọc kín trong giấy đen được chọc thủng một lỗ cho ánh sáng lọt ra vừa đủ để đọc sách.

Chúng tôi chia tay vào rạng sáng. Ðến lúc ấy tôi mới biết ông là cục trưởng Cục Dân quân Lê Liêm. Hồi ấy lớp thanh niên chúng tôi háo hức đọc tác phẩm văn học xô-viết lắm. Nhưng sách Liên Xô lúc bấy giờ hiếm. Lác đác có mấy cuốn : Ðội Thanh niên Cận vệ của Fadeev, Người Mẹ của Gorky, Tinh Cầu của Kazakevich, Con đường Ðau khổ của Alexis Tolstoi… Sau này, khi Lê Liêm từ quân đội chuyển sang công tác dân sự, làm thứ trưởng Bộ Văn hóa phụ trách điện ảnh, chúng tôi mới gặp lại nhau. Nhắc lại cuộc gặp gỡ trên dốc Cun ông kêu ông thiệt – cuốn Le Printemps à Sakenne nhạt phèo.

Ðể lãnh đạo ngành điện ảnh cần phải có kiến thức rộng, nhất là kiến thức chuyên môn, mà Lê Liêm lại không có. Không giống một số cán bộ cờ đến tay là phất bừa, không biết cũng lãnh đạo tạt, Lê Liêm yêu cầu tôi soạn bài giảng theo cách tóm tắt, giới thiệu cho ông đặc trưng của nghệ thuật thứ bảy, lịch sử điện ảnh thế giới và nói chung mọi vấn đề văn hóa nghệ thuật. Ông nghe chăm chú, ghi chép cẩn thận như một cậu học trò.

Ðể hiểu âm nhạc ông tự học nhạc lý, nhờ một nhạc công dạy dương cầm và trở thành một nhạc sĩ nghiệp dư không tồi. Tôi chưa gặp cán bộ cấp cao nào chịu học hỏi như ông. Lê Liêm là gương mặt tiêu biểu cho những người cộng sản tôn trọng trí thức. Họ ý thức được rằng nếu không dựa vào trí thức thì chế độ xã hội chủ nghĩa chỉ là một ảo ảnh sán lạn trong đầu đám đông bần cố. Nhờ ham học, Lê Liêm luôn tiếp cận cái mới, cái tiến bộ, không bao giờ bảo thủ. Ông không có thái độ kỳ thị đối với những văn nghệ sĩ bị Ðảng trù dập.

– Thiên hạ mỗi người mỗi ý, chưa biết ý nào hơn ý nào. Chân lý phát ra từ miệng quân vương hay từ miệng con điếm đều có giá trị ngang nhau. – Lê Liêm nói – Một khi nó đã là chân lý.

Báo cáo của tôi về đại tướng Võ Nguyên Giáp bị Huỳnh Ngự chê ỏng chê eo. Tôi nói rằng tôi không thể bịa.

– Ai biểu anh phải bịa ? Nhưng anh không thành khẩn. Tui biết, có nhiều điều đúng là anh không biết thiệt, nhưng có những điều chắc chắn anh phải nghe người khác nói mà anh không chịu báo cáo. Cái nớ, xét cho cùng, chỉ thiệt cho anh thôi !

Không hiểu nếu tôi khai thật với y rằng những người mà y gọi là xét lại hiện đại không hề có ảo tưởng về tướng Giáp thì thái độ của y sẽ ra sao ? Tôi chắc y không tin. Nhưng sự thật là như vậy. Chẳng ai đặt hi vọng vào tướng Giáp cả.

Huỳnh Ngự đọc xong, bắt tôi ký vào từng trang như thường lệ.

– Tui đã nói với anh không biết bao nhiêu lần rằng anh phải viết vô đây cả những tin đồn, vậy mà cả lần này nữa anh cũng không viết. – y lầu bầu – Anh quên thật, anh không hiểu hay anh không muốn hiểu ?

Còn một điều nữa y không biết, mà tôi cũng không muốn nói cho y biết, là tướng Giáp rất đơn độc. Trong quan hệ cá nhân ông không được coi là bạn tốt. Không thể chỉ ra được ai là bạn thân của ông trong đời sống riêng cũng như trong đời hoạt động cách mạng. ê cương vị đại tướng ông bị cấp dưới chê là hách dịch. Người ta nhận xét tướng Văn Tiến Dũng đối xử với những người giúp việc có tình người, hơn hẳn tướng Giáp.

– Trong nầy anh không viết một dòng nào tới chuyện bọn Ðặng Kim Giang, Lê Giản, Lê Liêm, Bùi Công Trừng… đừng nói chi tới Võ Nguyên Giáp. Ðám ấy thể nào mà chả động tới ông tướng của họ, đúng không ?

Huỳnh Ngự ngày một lấn tới. Y muốn tôi phải phụng sự ngành công an như một tên chỉ điểm chính cống kia.

– Nhưng khách tới nhà thời anh cũng phải điếu đóm cho ông già chớ ? Nhứt định anh phải nghe được, không chuyện nầy cũng chuyện khác, không thể không có cái đó.

Khi nào giở trò bắt nọn là y như rằng y phải nhìn chằm chằm vào tận mặt tôi, đôi mắt gián nhấm hấp háy qua cặp tròng xây xát. Tôi phải nhịn thở để tránh hơi hôi thối phả ra từ miệng y.

– Tôi nói nhiều lần rồi : gia giáo miền Bắc không cho phép con cái hóng chuyện người lớn. – tôi nói – Vả lại, tôi cũng không có ý định nghe lỏm để nói lại với ai.

“Có biết tao cũng chẳng nói với mày !”, đó là câu tôi muốn nói với y hơn cả.

– Thôi được, tui nói thẳng ra với anh : có lúc mô, ở nơi mô anh nghe thấy mấy kẻ tôi vừa nhắc tên – y dằn từng tiếng, thở phì phò – đả động tới hai chữ ni không ?

Tôi nhìn chằm chằm vào bộ mặt căng thẳng của y.

– Hai chữ gì ?

– Ðảo chính !

1) Trại điều dưỡng bệnh tâm thần gần Hà Nội.

(2) Tiền trinh, đơn vị tiền tệ nhỏ nhất, bằng 1/10 xu.

(3) Cha tôi và bè bạn ông, những người biết Nguyễn Bình, nói rằng Nguyễn Bình có mâu thuẫn với những người lãnh đạo Trung ương cục miền Nam (Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ). Do đó ông bị điều ra Bắc và hy sinh dọc đường trong tình trạng không được bảo vệ đầy đủ và lộ trình của đoàn bị lộ. Vấn đề được đặt ra là kẻ nào đã báo cho Pháp biết lộ trình của đoàn ? Nhiều người nói bàn tay Lê Duẩn trong vụ này là rõ ràng, nhưng lại không chỉ được ra chứng cứ. Cho tới nay cái chết của Nguyễn Bình vẫn là một dấu hỏi chưa có giải đáp.

(4) Ðáng chú ý là tuy Trường Chinh tiến hành Cải cách ruộng đất theo bài bản Cải cách thổ địa của Trung Quốc, nhưng ông ta đã bỏ đi lực lượng quân đội là lực lượng nòng cốt.

(5) Hồi đó cùng xin cư trú chính trị một lúc với đại tá Lê Vinh Quốc còn có một số cán bộ Ðảng được cử đi học tại Trường đảng cao cấp Liên Xô, học viện quân sự Frunze như thượng tá Văn Doãn (biệt hiệu Doãn Bụt), tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân, phó chủ tịch ỷy ban hành chính Hà Nội kiêm phó bí thư thành ủy Hà Nội Nguyễn Minh Cần.

(6) Thân Liên Xô.

(7) Trong kháng chiến chống Pháp Hà Minh Tuân là một chính ủy sư đoàn trong đại đoàn 312. Sau khi hòa bình lập lại anh chuyển sang làm công việc xuất bản, giữ chức phó giám đốc Nhà xuất bản Văn Hóa.

(8) Nguyễn Sơn (1908-1956) tên thật là Vũ Nguyên Bác, quê Gia Lâm Hà Nội. Năm 1927 tham gia Ðảng cộng sản Trung Quốc, tham gia Quảng Châu Công xã, làm tổng biên tập báo Kháng Ðịch. Ðược bầu vào Ban chấp hành Trung ương Ðảng cộng sản Trung Quốc, dự hội nghị Tuân Nghĩa khi Mai Trạch-đông lên nắm quyền lãnh đạo. Là vị tướng nước ngoài duy nhất trong Hồng quân Trung Hoa.

(9) Bí danh của Võ Nguyên Giáp .

(10) Tôi không nghe ông Lê Liêm nói tới ông Bùi Công Trừng trong Hội nghị 9. Theo tôi nhớ thì hôm Trung ương họp ông Trừng ốm nằm trong bệnh viện Việt Xô. Ông Dương Bạch Mai có tới nơi họp, xin vào dự thính, nhưng không được chấp thuận, chuyện này ông Mai có kể lại cho tôi nghe. Việc các cán bộ Trung ương được dự thính trong các cuộc họp của Trung ương đã có tiền lệ, không phải nhất thiết không được.

(11) Nhà văn xô-viết, ủy viên Trung ương Ðảng Cộng sản Liên Xô, ủy viên Hội đồng Hòa bình thế giới.

hết: Chương 19, xem tiếp: Chương 20

 

 

 

Tìm Kiếm