INK.072

 

Tôi choàng tỉnh, mồ hôi đầm đìa. Cơn ác mộng đã qua. Trong ánh điện chói chang, tôi nhìn thấy mặt Thành cúi sát tôi, bàn tay đặt lên vai tôi lạnh ngắt :

 

– Cậu ú ớ mãi, mơ hoảng à ?

– Cái gì thế ? Có chuyện gì thế ? – tôi ngồi nhỏm dậy.

Anh đặt ngón trỏ lên môi suỵt khẽ, hất hàm chỉ ra cửa.

Ðịnh thần, tôi nghe ngoài hành lang có tiếng nấc cụt liên hồi, tiếng người xì xào không rõ, tiếng chân rầm rập chạy vào khu xà lim. Trong tĩnh mịch, ầm lên tiếng một vật bằng gỗ rơi xuống sàn xi-măng, sau đó là tiếng bước chân nặng nề xa dần.

Khu xà lim lại chìm vào yên lặng.

Thành rời khỏi khung cửa, leo lên phản, lúi húi chuẩn bị điếu thuốc lào đầu tiên của buổi sáng.

– Cấp cứu.- anh điềm tĩnh kết luận sự kiện vừa xảy ra.

Tôi hiểu mối quan tâm của Thành đối với người tù cùng vụ với tôi.

– Cậu đoán ra là ai chưa ?

Tôi lắc đầu. Cánh cửa xà lim bên ấy suốt ngày đóng im ỉm, người bên trong không đánh tiếng thì chịu, làm sao biết được anh ta là ai.

Thành là người lính trinh sát tốt. Anh quan sát, anh suy luận, anh liên tưởng, anh đặt giả thuyết trước mỗi hiện tượng và bao giờ cũng vậy, anh có những kết luận khá chắc, khá gần với sự thật.

Ai ở bên ấy nhỉ ? Cha tôi không có hiện tượng bệnh như vậy. Ông đau gan, nhưng khi đau lắm ông chỉ rên khe khẽ, như thể suýt soa. Vả lại, nếu là cha tôi chắc chắn tôi sẽ biết, bằng linh tính, bằng một chi tiết nhỏ nhất. Chỉ cần đi qua cửa xà lim tôi cũng có thể bắt được hơi ông. Ông Ðặng Kim Giang, tôi nhớ, không có bệnh gì, trừ chứng tê thấp nhẹ, họa hoằn tôi mới gặp ông đi cà nhắc. Vậy còn ai nữa trong những nhà cách mạng già cũng bị trong vụ này, mà người ta phải lo lắng để không cho chết tự do ? Ông Bùi Công Trừng ? Ông Ung Văn Khiêm(1) ?

– Liệu anh ta có việc gì không, anh Thành ?

– Chẳng biết nữa ! – Thành thở dài – May mà người ta đến kịp.

– Anh ta bị bệnh gì nhỉ ?

Thành tư lự.

– Hiện tượng này, theo tôi nghĩ, nhiều phần là bệnh tim, hẹp van hay hở van chi đó. Nhồi máu cơ tim không phải, chứng ấy chết trong tích tắc, đợi được đến lúc y sĩ tới thì đã ngoẻo.

Thôi chết, đau tim thì đúng là Phạm Viết rồi ! Thế mà tôi quên bẵng anh.

Tôi và Phạm Viết thỉnh thoảng vẫn gặp nhau, nhưng giữa chúng tôi không có sự giao du thân tình. Thoạt vào Hỏa Lò Huỳnh Ngự còn hỏi tôi về Phạm Viết, nhưng biết tôi không có quan hệ mật thiết với anh, y hỏi lấy lệ rồi bỏ qua.

– Sao, cậu đã nhận ra ?

– Ðó là Phạm Viết, cán bộ mặt trận Hà Nội.

Tên của Phạm Viết không nói lên điều gì với Thành. Hai người ở hai chiến trường khác nhau, chưa gặp nhau bao giờ.

Phạm Viết là cán bộ Hà Nội từ thời tiền khởi nghĩa. Năm 1946 anh bị thương trong một cuộc chạm súng với địch. Hà Nội bị Pháp chiếm, anh hoạt động nội thành. Hà Nội giải phóng, anh làm phó tổng biên tập một tờ báo hàng ngày trực thuộc thành ủy(2).

Trắng trẻo, nho nhã, học thức, lại biết nhiều ngoại ngữ, trong thời kỳ công nông được đề cao Phạm Viết đương nhiên trở thành con quạ trắng giữa các đồng nghiệp xuất thân từ những thành phần cơ bản (3). Khi nổ ra cuộc đấu tranh giữa hai đường lối, Phạm Viết còn bị thành kiến hơn nữa bởi những phát biểu chướng tai các vị lãnh đạo.

Cha tôi vốn hiếu khách. Nhà tôi lúc nào cũng có khách, nhất là trong những giai đoạn có biến động xã hội. Người ta đến để hỏi ý kiến, để nhận một lời khuyên, tin rằng cha tôi hiểu biết, có uy tín với các nhà lãnh đạo, được ông Hồ lắng nghe. Người bị oan ức thường đến nhờ cậy cha tôi can thiệp. Ðến nỗi trong thời kỳ Cải cách ruộng đất Trường Chinh nổi đóa gọi cha tôi là cái loa của bọn tư sản và địa chủ, còn đến thời kỳ đấu tranh giữa hai đường lối thì Lê Ðức Thọ gọi ngôi nhà của chúng tôi là câu lạc bộ Pêtôfi(4).

Trong những người thường lui tới với cha tôi thời gian cuối có Phạm Viết.

Phạm Viết kính trọng cha tôi, như kính trọng một bậc tiền bối cách mạng, kính trọng thái độ dũng cảm của ông trong việc bảo vệ chân lý, không sợ cường quyền.

Tôi cũng quý Phạm Viết nhưng không mấy đồng tình với anh về tính cách cực đoan của anh. Trong anh tính xu hướng quá mạnh, mà một khi tính xu hướng quá mạnh, nó thường đẻ ra sự chống lại, chí ít cũng là ý muốn tự vệ ở người đối thoại.

Thời gian căng thẳng của Nghị quyết 9 rồi cũng trôi qua. Ba năm đủ để cho chúng tôi quên đi những nỗi lo âu. Trung Quốc vẫn mải mê đấu tranh chống xét lại, còn ở Việt Nam mọi nỗ lực được dồn cho kháng chiến chống Mỹ. Chúng tôi đã mừng : Ðảng ta thoáng, Ðảng không bắt ép ai phải theo quan điểm Ðảng.

Văn Cao cảnh cáo tôi : hãy coi chừng !

Vài tuần sau khi nổ ra vụ bắt bớ bọn xét lại chúng tôi cảm thấy rõ nanh vuốt Ðảng qua những lời dọa nạt của những tên hãnh tiến. Chúng nghiến răng kèn kẹt :”Phải quét sạch cỏ dại trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội”, “Ðảng nhân đạo, nhưng chỉ có giới hạn thôi”, “Phải tống chúng nó (bọn xét lại) đi cải tạo hết thì xã hội mới lành mạnh”. Những người có ý kiến ngược trong Nghị quyết 9, bị coi là có quan điểm xét lại, bắt đầu lo sợ. Nhưng lo sợ thế thôi, chứ vẫn tin : mình có làm gì đâu mà Ðảng bắt. Nếu không được bảo lưu quan điểm nữa thì thôi, ta chui phắt quan điểm đi là xong, như trong trò tam cúc ấy.

Nói tóm lại, chúng tôi chưa biết sợ vì chúng tôi mắc bệnh đinh ninh. Chúng tôi tin Ðảng quá lâu, quá nhiều. Chúng tôi đinh ninh Ðảng bây giờ đàng hoàng, không bắt bậy bắt bạ, đã bắt là phải có sở cứ. Chắc Hoàng Minh Chính và mấy anh có làm điều gì quá đáng Ðảng mới bắt, cha tôi nghĩ thế, tôi cũng nghĩ thế. Théo Ronco, phóng viên thường trú tờ Nhân Ðạo (Humanité) gặp tôi hỏi về vụ bắt bớ vừa xảy ra, tôi còn nói rằng chưa biết thế nào, cần phải chờ Ðảng thông báo. Ronco lắc đầu, nói anh không hiểu luật pháp Việt Nam – cứ bắt người cái đã, lúc nào Ðảng thích công bố tội trạng thì công bố. Anh cho rằng ở Việt Nam đang diễn ra những gì đã có ở Trung Quốc, tuy kém ồn ào.

Tôi chờ Phạm Viết trở về xà lim 1, nhưng anh không trở về nữa. Không rõ anh bị chuyển đi đâu, điều chắc chắn là không phải đi bệnh viện – nhà cầm quyền không giàu lòng nhân đạo đến thế.

Tôi buồn mất mấy ngày. Tôi nghĩ Phạm Viết đã chết và tôi ân hận trước kia đã có cái nhìn khe khắt đối với anh. Khi Phạm Viết bị bắt, cha tôi nói với mẹ tôi : “Khốn khổ, bệnh nó như thế, nó đến chết trong tù mất thôi.” Chị Lan, vợ anh, kể anh bị bắt trong khi đang đau tim nặng, phải điều trị tại bệnh viện.

Cha tôi nói gở. Tôi biết tin Phạm Viết chết vào năm 1972, trong một trại giam ở Thái Nguyên(5). Khi đó tôi đang ở trại Tân Lập. Nghe nói sau khi anh chết gia đình anh được báo tin và chị Lan(6), vợ anh, được phép lên nghĩa trang nhà tù để thắp nén hương tưởng niệm chồng.

Phạm Viết đi khỏi xà lim 1 được ít ngày thì một hôm đi ngang dãy phòng giam cuối hành lang để tới phòng vệ sinh, tôi giật mình nghe thấy tiếng ho trầm trầm của ai đó, rất quen. Tiếng ho không tự nhiên, rõ ràng người ở trong cố dặn ra để chúng tôi chú ý. Hôm sau đi qua tôi nghe người trong phòng ngâm nga :

Nhất sĩ nhì nông,

Hết gạo chạy rông

Nhất nông nhì sĩ.

Tôi muốn reo lên khi nhận ra tiếng Hồng Sĩ. Chao ôi, chẳng lẽ cả anh nữa, người trước nay tôi vẫn coi là thuộc phía bên kia, cũng bị bắt, cũng là đồng vụ với tôi ? Cuộc đời mới kỳ cục làm sao !

Hồng Sĩ là công an, làm công tác phản gián ở Hải Phòng. Anh ở cùng nhà với nhà văn Bùi Ngọc Tấn tại đường Ðiện Biên phủ. Mỗi lần có việc đến cảng hoặc đi xa hơn, tới mỏ Quảng Ninh, tôi đều ghé thăm Tấn. Tấn lại chơi thân với Hồng Sĩ, đến Tấn tức là đến Hồng Sĩ, cho nên chúng tôi gặp nhau luôn.

Mặc dầu chúng tôi tin Tấn, nhưng với ông bạn trung tá công an của anh chúng tôi vẫn cứ chờn chợn. Khi trò chuyện với Hồng Sĩ tôi vẫn cảnh giác, lựa từng lời mà nói, chọn từng chữ mà dùng, không dám khinh xuất.

Cao to, xương xẩu, nghiện thuốc lá nặng, Hồng Sĩ giống một thầy ký nhiều hơn một cán bộ, hơn nữa, lại là cán bộ công an. Nhưng đó chỉ là bề ngoài. Bùi Ngọc Tấn nhận xét anh là một cán bộ công an giỏi và có học thức nhất thành phố cảng. Tôi gặp Hồng Sĩ là mến anh ngay. Anh ham học hỏi, quan tâm nhiều lĩnh vực, hiểu biết rộng. Trong căn phòng hẹp của gia đình anh có một máy thu thanh cổ lỗ hiệu Phillips, trên cái mặt nhựa vàng xỉn hình bát quái của nó chữ in đã mờ hết, nhưng nó vẫn bắt được các đài xa. Ðêm đêm anh ngồi lì bên cái radio già lão nghe hết BBC đến Tiếng nói Hoa Kỳ, hết Bắc Kinh đến Moskva, nhờ đó anh biết nhiều chuyện chúng tôi không biết trên cái thế giới xa lắc xa lơ bên kia hàng rào tư tưởng.

Hồng Sĩ không giấu giếm quan điểm của anh. Anh nói anh đang chờ xem Ông Cụ định đưa dân mình tới đâu. Nếu Việt Nam rồi sẽ như Trung Quốc thì chán lắm, anh nói, thà chết còn hơn. Cẩn tắc vô áy náy, chúng tôi nghe anh, mặt bất động như những nhân vật trong của tuồng Nô Nhật-bản.

Có lần Hồng Sĩ còn dặn dò tôi hãy cẩn thận trong mối quan hệ với nhà thơ HTK cũng ở Hải Phòng trong thời gian đó :

– Nó vừa báo cáo về cậu đấy. Lên Hà Nội, nghe Tố Hữu phê phán Ðêm Mất Ngủ của cậu xong là nó về đây báo cáo liền. Nó làm thế để duỗi ra vì trước có quan hệ thân mật với cậu hay là muốn lập công tớ không biết.

Tôi chơi với HTK từ thời kháng chiến chống Pháp, ở Liên khu 4. Anh người Huế, ăn nói nhỏ nhẹ dễ thương, công tác trong bộ đội nhiều năm, đảng viên, là nhà thơ đầu tiên được tặng thưởng huân chương Chiến thắng. Năm 1956 anh bị dính vào vụ Nhân văn – Giai phẩm, bị Ðảng thi hành kỷ luật. Oan cho HTK, anh không dính dáng gì với Nhân văn – Giai phẩm cả. Anh bị thi hành kỷ luật do lỏng tay lãnh đạo trong cương vị bí thư ở văn phòng Hội Nhà văn hay Hội Văn nghệ tôi không nhớ. Bị mất việc, anh chuyển về Hải Phòng, công tác tại công đoàn cảng, sống nghèo khổ với một nhà thơ nữ có sẵn một đàn con.

Tôi vẫn đến chơi với HTK. Tôi vẫn thương anh. Nhưng có lần bên ly cà phê hội ngộ tôi đe :

– Bây giờ nhiều thằng bán bạn bán bè lắm. Tớ cũng bị bán, tớ biết, nhưng thông cảm hoàn cảnh của thằng chẳng có gì để bán mới phải bán bạn, tớ không trách. Tớ chỉ trách cái sự bán quá rẻ. Tiếng thế, tớ cũng có giá lắm chứ !

HTK cười ngượng. Tôi kiểm tra, biết việc Hồng Sĩ báo là có thật.

Khi biết tôi vẫn còn e ngại Hồng Sĩ, Kỳ Vân cười hì hì :

– Các cậu lại mắc bệnh Tào Tháo rồi. Thế thì khác gì họ. Tin tớ đi, Hồng Sĩ là thằng bạn tốt lắm đấy.

Nguyên Hồng có vẻ cũng e dè Hồng Sĩ. Anh hay có mặt ở nhà Bùi Ngọc Tấn, và tất nhiên, không thể không tiếp xúc với anh bạn công an có những quan điểm thoải mái. Nguyên Hồng chỉ yên tâm hơn một chút khi thấy Hồng Sĩ không chú ý tới anh nhiều.

Nguyên Hồng hồi ấy cũng rơi vào tâm trạng buồn phiền. Một hôm, Bùi Ngọc Tấn đang đứng dưới tấm bảng lớn bằng cả bức tường để so vé xổ số thì bị Nguyên Hồng bắt gặp. Nguyên Hồng thụi cho Bùi Ngọc Tấn một quả :

– Cái thằng rõ ngu. Ở đời đã chán vạn điều thất vọng mà mày còn bỏ ra hai hào mua thêm một cái, đắt quá !

Bùi Ngọc Tấn đỏ mặt lên.

Ít ngày sau, Bùi Ngọc Tấn bắt quả tang Nguyên Hồng cũng đang so vé số, cũng trước bức tường ấy. Anh khoái lắm, đem câu nói của Nguyên Hồng hôm trước ra đay lại. Nguyên Hồng làm bộ sửng sốt :

– Tao có nói thế à ? Không có lẽ. Ở đời toàn là thất vọng, bỏ ra có hai hào mua được cả một cái hi vọng, rẻ ơi là rẻ !

Bây giờ Hồng Sĩ đã ở đây, bên cạnh tôi. Mọi nghi vấn về anh thế là được giải tỏa.

Thấy tôi buồn buồn, Thành hỏi :

– Cậu nhận ra người ấy à ?

Tôi gật đầu :

– Anh ấy là bạn tôi.

Hồng Sĩ không có con. Vợ chồng anh đón đứa cháu họ về làm con nuôi cho vui cửa vui nhà, tình cảnh tội nghiệp lắm. Bây giờ Hồng Sĩ bị giam, không hiểu vợ con anh xoay xở ra sao ? Lại còn Bùi Ngọc Tấn nữa. Hồng Sĩ bị thì Bùi Ngọc Tấn cũng dám bị lắm. Tôi biết rõ Bùi Ngọc Tấn(7). Anh hiền lành, có chính trị chính em gì đâu.

Nghe tôi kể về Hồng Sĩ, Thành chép miệng :

– Bạn cậu ở cái phòng chết tiệt ấy là khốn nạn lắm đấy. Hôi hám, ẩm ướt vô cùng. Có lần tôi bị họ nhét vào đấy, chịu không nổi. Anh này chắc bướng, hả ?

– Chắc vậy.

Tôi kể cho Thành nghe về Hồng Sĩ. Giả thử Thành là chỉ điểm, có báo cáo với chấp pháp cũng chẳng sao.

Trừ tình cảm quý mến nhau, Hồng Sĩ chẳng có liên quan gì với tôi trên bất cứ phương diện nào. Vả lại, kể chuyện Hồng Sĩ tôi cũng muốn dẫn Thành vào sâu thêm vụ án chúng tôi. Biết đâu sau này anh lại chẳng là người đưa những tin tức cuối cùng của chúng tôi ra ngoài.

Tôi không biết trong lòng Thành đang có nỗi buồn. Anh suy luận : nếu người ta bố trí cho tôi ở chung với anh thì điều đó có thể có nghĩa là vụ án của anh cũng kéo dài luôn – chẳng ai dại gì cho anh ra để mang theo những bí mật về vụ án họ đang bưng bít.

Phòng giam Hồng Sĩ liền vách với phòng vệ sinh, trong đó có chuồng xí lẫn với buồng tắm. Nó rộng rãi, tiện đường đi lối lại, cho nên đám quản giáo, lính gác bên trong Hỏa Lò chốc chốc lại tạt vào tiểu tiện đại tiện, nhát nhát lại bì bõm tắm rửa, thậm chí giặt giũ cũng tới đấy. Hồng Sĩ phải sống trong tiếng đóng cửa, mở cửa, tiếng cười nói oang oang, tiếng nước xối ào ào, trong bầu không khí tanh tưởi, sũng nước suốt ngày đêm.

Tôi không mừng gặp Hồng Sĩ, nhưng sự có mặt của anh ở đây làm tôi thấy bớt cô đơn. Chắc hẳn ở cửa phòng anh có cái lỗ ai khoan sẵn ngó ra ngoài được cho nên lần nào tôi đi qua Hồng Sĩ cũng biết. Nghe tiếng ho làm hiệu của anh mà ấm lòng.

– Cần phải giải thoát cho anh bạn cậu ra khỏi cái xà lim chết tiệt ấy. – Thành nói – Nằm đấy lâu mất sức lắm.

Tôi hiểu – trong óc Thành đã nảy ra một kế.

– Ðồng ý. Nhưng phải làm thế nào ?

– Có gì khó. Nguyên tắc của Công an là không để cho tù cùng một vụ thông cung với nhau…

Kế ấy được.

– Ðể nghĩ thêm một chút xem có hại gì cho anh ấy không đã.

– Sẽ xảy ra hai trường hợp : một là anh bạn chúng ta được chuyển đi nơi khác, nơi nào thì nơi vẫn cứ khá hơn ở đây; hai là chính chúng ta bị chuyển đi, trong trường hợp này số phận anh bạn không tốt lên, mà chính chúng ta có thể gặp cái tồi hơn…

– Với tôi thì đâu cũng vậy, nhưng vì bạn tôi mà anh bị ở chỗ xấu hơn tôi không muốn.

– Xì, đừng nghĩ lôi thôi. Cậu cho tôi là loại người gì ?

Tôi coi anh là bạn, là người anh. Tôi cảm ơn số phận đã cho tôi gặp anh ở đây. Cách cư xử có nhân phẩm của anh làm tôi cảm phục. Nếu tôi có còn cảnh giác một chút thì đó là do tình thế. Ðược tin một con người là một hạnh phúc.

Còn một điều làm tôi ngần ngại : ấy là tôi sợ Hồng Sĩ hiểu lầm tôi nhát gan đã báo cáo với chấp pháp về việc anh đánh tiếng cho tôi. Mà sự hiểu lầm rằng tôi đầu hàng trong thời gian mọi người đang bị dồn ép khai cung có thể gây ra những tai hại không thể lường trước được.

Nhưng tôi không đành lòng không cứu anh. Vạn nhất có bị anh hiểu lầm thì cũng đành chịu vậy, sau này anh sẽ hiểu. Anh đã là công an, anh chẳng đến nỗi non nớt để bị bọn chấp pháp qua mặt.

Tôi thực hiện kế của Thành ngay lần đi cung sau. Tôi nghĩ kế hoạch của mình sẽ chót lọt mà không gây ra sự phiền phức nào vì gần đây tôi chỉ gặp Hoàng chứ không gặp Huỳnh Ngự. Với Huỳnh Ngự mọi việc sẽ phức tạp lên nhiều.

Tôi quyết định nói với Hoàng vào lúc y chăm chú đọc báo. Bao giờ cũng vậy, sau khi trao cho tôi một số câu hỏi để tôi suy nghĩ, Hoàng vùi đầu vào mấy tờ báo anh ta mang theo.

– Tôi không hiểu sao các anh lại bắt Hồng Sĩ ? – đang viết, tôi ngẩng lên hỏi Hoàng – Hồng Sĩ là người của các anh cơ mà ?

Hoàng giật mình :

– Hồng Sĩ nào ?

– Còn Hồng Sĩ nào nữa.

Buông tờ báo, Hoàng chằm chằm nhìn tôi.

– Làm sao anh biết Hồng Sĩ bị bắt ?

– Anh ấy đang ở cùng một khu xà lim với tôi.

– Anh tin chắc như thế ?

– Tôi tin chắc.

– Tại sao ?

– Tôi nghe tiếng ho của anh ấy. Tiếng ho của Hồng Sĩ không lẫn được.

Hoàng tủm tỉm cười. Như một người Việt Nam chính cống, anh ta cười trong bất cứ trường hợp nào.

– Anh loại trừ mọi khả năng nhầm ?

– Tôi loại trừ.

Hoàng không nói gì nữa. Anh ta đẩy bọc thuốc lá sợi về phía tôi.

Tôi cuốn một điếu. Từ khi làm việc với Hoàng, tôi học được cách cuốn thuốc lá của anh ta – trên những ngón tay thành thục điếu thuốc hiện ra tròn trịa, ngay ngắn, đầu bằng đít, đít bằng đầu, như thể cuốn bằng máy. Hoàng không bao giờ hút thuốc bao, anh ta chỉ có thuốc sợi, mà là loại thuốc vụn phế liệu của nhà máy bán cho cán bộ và dân nghèo, không phải phiếu, giá lại rẻ.

– Anh có phân biệt được tiếng tên lửa lúc phóng lên và lúc nó nổ trên trời không ? – Hoàng hỏi.

– Cũng còn tùy ta ở cách dàn phóng bao xa và tên lửa được cho nổ ở độ cao nào, và còn tùy ở khoảng cách giữa lúc nó nổ và tai mình nữa. – tôi bình thản trả lời – Tôi cho rằng tôi phân biệt được, mặc dầu chưa bao giờ tôi đặt ra cho mình một câu hỏi như thế.

Hoàng quay lại với đề tài Hồng Sĩ vào cuối giờ làm việc.

Anh ta nói nếu tôi muốn báo cáo với Ðảng về Hồng Sĩ thì anh ta không phản đối. Tôi cười nhạt, nói tôi không có tinh thần xung phong lập công. Ðáp lại, Hoàng làm thinh.

Không thể nhớ được là ngày hôm đó chúng tôi làm việc gì. Như mọi ngày, Hoàng đặt vài câu hỏi về một nhân vật nào đó, nhiều người tôi không quen, nhưng có gặp, hoặc có nghe tiếng. Tôi trả lời lăng nhăng, cho có lệ, rồi viết những câu lăng nhăng nọ vào giấy, Hoàng đọc lại, tôi ký phía dưới – thế là thành bản cung.

Tôi lấy làm lạ : bọn họ bày ra cái trò vớ vẩn ấy làm gì ? Có lẽ họ có những bài bản độc đáo mà tôi không hiểu. Kiến thức của tôi về nghề mật thám quá nghèo nàn.

Trước khi bị bắt tôi có được đọc một số hồi ký của những người cộng sản Liên Xô bị bắt dưới thời Sta-lin đăng trong tạp chí Novy Mir (Thế Giới Mới) và Neva (Sông Neva). Cung cách bắt người ở bên ấy hoàn toàn giống ở Việt Nam. Nhưng cách hỏi cung thì khác nhiều. Thời Sta-lin, người nào cũng bị tra tấn. Có người sợ quá trong một ngày đêm khai ra hơn một trăm kẻ thù của nhân dân. Không biết có phải vì được dùng nhục hình mà OGPU hoặc NKGB, hoặc NGB(8) dựng vụ tài hơn không, nhưng những vụ lớn đều được đưa ra xét xử tại tòa án. Ðiều đáng khâm phục hệ thống trấn áp của Stalin là trước tòa hết thảy người bị bắt oan đều nhận tội phản Ðảng, làm tay sai cho đế quốc. Dưới triều Lê Duẩn, lũ công sai đã vụng về lại không được phép dùng nhục hình(9), thành thử chủ của chúng lúng túng mãi không biết làm cách nào nặn ra cái họ muốn.

Ngay đêm ấy, Hồng Sĩ bị chuyển đi nơi khác. Chúng tôi nghe tiếng mở cửa phòng anh, tiếng người nói khẽ, giọng giục giã, tiếng dép lẹp kẹp trên sàn xi măng, tiếng ho khan nhiều lần của Hồng Sĩ. Tôi hiểu : anh gửi tôi lời chào từ biệt.

(1) Về sau tôi mới biết hai ông không bị bắt, nhưng bị quản thúc tại gia. Người ta không bắt có lẽ vì không muốn vụ án thêm ầm ĩ vì cả hai là ủy viên Trung ương Ðảng.

(2) Khi Phạm Viết bị bắt , tờ báo mang tên Hà Nội Mới.

(3) Nói xuất thân công nông là nói theo cách thường bấy giờ, chứ giai cấp công nhân Việt Nam vào thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám nhỏ bé đến nỗi hầu như không có mấy cán bộ cách mạng xuất thân từ giai cấp công nhân. Ðặc biệt trong hàng ngũ cán bộ trung cao cấp lại càng hiếm hơn nữa, phần nhiều số cán bộ này thuộc thành phần dân nghèo thành thị và trí thức tiểu tư sản.

(4) “Câu lạc bộ Pêtôfi” là tên gọi của tổ chức những nhà trí thức đấu tranh cho dân chủ, chống lại chế độ độc tài của nhà nước cộng sản tại Hungari vào giữa thập niên 50, lấy tên nhà thơ Sandor Petofi (1823-1856) của Hungari. Từ “Câu lạc bộ Pêtôfi” đã hình thành một phong trào đấu tranh rộng lớn của nhân dân Hungari vì dân chủ và tự do.

(5) Phạm Viết chết trong tù ngày 31.12.1971.

(6) Chị Lan, cán bộ ẹy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, cũng bị bắt, nhưng không bị giam lâu (chị chỉ bị giam hai năm rưỡi), sau đó được tha cho về nuôi con.

(7) Bùi Ngọc Tấn bị bắt, bị giam hình như 5 hoặc 6 năm, nhưng không được Ðảng gộp vào trong đám xét lại ở Trung ương. Anh bị đối xử xấu hơn, vợ con anh ở nhà không được hưởng nửa lương như vợ con tôi, mà bị cắt hoàn toàn.

(8) Những tên tắt của cơ quan mật vụ Liên Xô trong thời kỳ trị vì của Stalin. Khởi đầu bằng cơ quan Cheka (U?y ban đặc biệt) được thành lập sau Cách mạng Tháng Mười, các cơ quan này thực hiện việc trấn áp “các lực lượng phản cách mạng”.

(9) Trong nhà tù Việt Nam kể từ Cải cách ruộng đất việc dùng nhục hình bị nghiêm cấm. Ðó là sự thật. Nghe nói sau năm 1975 ở một số trại tù miền Nam tù nhân bị phơi nắng, bị giam trong những công-te-nơ, bị đánh bằng roi, bằng gậy. Ðiều này tôi không rõ.

hết: Chương 27, xem tiếp: Chương 28
Tìm Kiếm