ĐI TÌM CHỮ VIỆT CỔ

Quang Hòa

Chữ của thời Hùng Vương là loại chữ gì ? chắc chắn không phải chữ Hán và có trước chữ Hán. Trong thời phong kiến, mặc dù Nho học đã chiếm vị trí độc tôn, chữ Nho đã trở thành văn tự chính thức của Quốc gia, nhưng nhiều trí thức dân tộc vẫn không ngừng tìm kiếm một thứ chữ cổ của cha ông.
Gần đây, trong tập: Sự hình thành và phát triển chữ Việt cổ, do Viện Văn hoá in năm 1986, tác giả Lê Trọng Khánh đã dẫn chứng nhiều dân tộc trong Bách Việt đã dùng chữ Khoa đẩu thời Phục Hy- Thần Nông để ghi tiếng dân tộc mình. Như vậy, dân tôc Kinh- Việt lại không còn văn bản hay sao? Đúng là tài liệu của ta vừa bị giặc nước huỷ diệt, vừa bị ta không biết cách bảo tồn, thí dụ một tài liệu về chữ Việt cổ của gia đình cụ Lê Huy Nghiệm cũng mới bị mất sau cách mạng Tháng Tám.
Vào năm 1903 Tổng đốc Thanh Hóa lúc ấy là Vương Duy Trinh công bố việc tìm ra một văn bản viết bằng thứ chữ lạ, trông như những ngọn lửa vờn cháy mà Ông gọi là chữ Hỏa tự. Dựa vào những chữ hán ghi chú bên cạnh ông dịch được nội dung, thì ra đây là một bài thơ có tựa đề “Mời trầu” có nội dung ca ngợi tình yêu.

Vương Duy Trinh cho rằng, đây chắc chắn là chữ của tổ tiên ta từ thời các vua Hùng. Do âm mưu đồng hóa của kẻ thù, chúng tìm cách triệt phá, không để lại dấu tích của thứ văn tự cũ, nay vẫn còn truyền lại và lưu hành trong một bộ phận nhỏ xã hội. Theo nghiên cứu của Ông thì:” Thập châu là vùng biên viễn, nhân dân ta còn lưu giữ được thư chữ này”

Cách đây hơn một thế kỷ, Phạm Thận Duật, một nhà văn hóa lớn của dân tộc, trong thời gian làm Tri châu ở Tây bắc (khoảng năm 1855) đã phát hiện nhiều bộ chữ mà Ông cho là chữ Thái thổ tự , trong đó có một bộ chữ cái có kèm ghi chú chữ Hán. Theo mô tả của Ông, thứ chữ này được viết theo chiều ngang, bộ chữ gồm 18 thể chữ cái theo vần bằng, 18 thể chữ cái theo vần chắc. Còn ở Châu Mai Sơn, Châu Minh Biên có bộ chữ gồm 17 thể chữ cái theo vần bằng, 15 thể chữ cái theo vần chắc. Ngoài ra còn 11 chữ và nét phụ ở 04 bên mà Ông gọi là “tứ bàng phụ họa, sử dụng 03 thể chữ cái đảo lên, lộn xuống, ghép lại với nhau thành từ, thì đều có thể thông với văn tự Trung châu” (tức là có thể chuyển ngữ cho chữ Hán).

Theo nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền: Bộ chữ do Phạm Thận Duật mô tả là bộ chữ không có dấu, trong đó 17 chữ vần bằng là phụ âm, đi với thanh không. 16 thể chữ theo vần trắc là phụ âm đi với thanh huyền. 11 nét phụ (tứ bàng phụ họa) cho những từ vần bằng chính là nguyên âm. Sau nhiều năm khảo sát ở nhiều miền trong cả nước, Đỗ Văn Xuyền sưu tầm được một khối lượng lớn tư liệu về chữ Việt cổ, và khu biệt được một bộ chữ gồm 47 chữ cái mà Ông tin chắc là chữ Việt cổ, vì bộ chữ này thỏa mãn được 03 tiêu chuẩn kiểm tra ký tự của một dân tộc, được các nhà khoa học đề ra, đó là:

– Có ghi lại được đầy đủ tiếng nói của dân tộc đó không ?

– Những đặc điểm của ngôn ngữ dân tộc có thể hiện qua các đặc điểm của kí tự đó không ?

– Có giải quyết được các “nghi án” về ngôn ngữ, ký tự của dân tộc đó trong quá khứ ? (Chứng minh bằng các cuộc kiểm tra thực tế ở các địa phương, bằng cách dịch lại các văn bản còn tồn nghi và đọc các văn bản cổ mới sưu tầm)

Đây là bộ chữ ghi phát âm của tiếng nói (không phải chữ tượng hình nguyên thuỷ) có cấu tạo gần với hệ chữ la tinh của phương tây, nên rất dễ học. Tuy nhiên bộ chữ này có một nhược điểm là những chữ nguyên âm luôn thay đổi vị trí (Tứ bàng phụ hoạ). Phải mất nhiều năm nghiên cứu ông Xuyền mới tìm ra qui luật – Qui luật đặt vị trí nguyên âm theo đạo lý người Việt (ví dụ từ trời, đất nguyên âm đặt phía trước và trên, từ chỉ muông thú, cây cỏ nguyên âm đặt phía dưới. Tương tự các từ cha, con nguyên âm đặt phía trước hoặc sau). Để thuộc bảng chữ cái và nắm được qui luật ghép vần , người ta có thể học sử dụng được bộ chữ này để đọc, viết trong khoảng thời gian 7-10 ngày. Nhóm nghiên cứu đang đang tập trung nghiên cứu để một ngày gần đây chứng minh giả thiết cho rằng, Những nhà truyền giáo người Bồ đã tiếp thu bộ chữ cổ của người Việt, và có công La tinh hóa nó, để ra được chữ Quốc ngữ. Nhóm nghiên cứu rất cần sự ủng hộ của các nhà khoa học và các cơ quan nghiên cứu khoa học của nhà nước để hoàn thiện công trình khoa học này.

Buổi thuyết trình của ông Đỗ Văn Xuyền về ” Báo cáo quá trình sưu tầm tư liệu và kết quả nghiên cứu các thầy giáo thời Hùng Vương và chữ Việt cổ” trước tết nguyên đán, tại Trung tâm Văn hóa người cao tuổi đã nhận được sự chú ý và quan tâm của nhiều nhà khoa học.

Quang Hòa

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm