ĐỊA CHỦ ÁC GHÊ

C.B.

ING.310Dưới đây là một bài viết đăng trên báo Nhân Dân ngày 21 tháng 7 năm 1953 của tác giả C.B., mở màn cho chiến dịch cải cách ruộng đất. Đối tượng mà bài báo “tấn công” là bà Cát-hanh-long Nguyễn Thị Năm, một người có công với cách mạng, mà theo mô tả trong hồi ký của Hoàng Tùng thì:

Trung Quốc muốn qua cải cách ruộng đất để chỉnh đốn lại Đảng ta. Thời gian từ lúc tiến hành cải cách ruộng đất đến lúc dừng là 3 năm. Khi đó tôi thường được dự họp Bộ chính trị do đó cũng biết một số việc. Đó là việc làm thí điểm cải cách ở đồng bằng và chọn đồn điền Nguyễn Thị Năm. Nguyễn Thị Năm tức là Cát Thành Long có một người con làm trung đoàn trưởng ở cục chính trị của Văn Tiến Dũng. Gia đình bà trong dịp Tuần lễ Vàng có hiến 100 lượng vàng. Bà còn tham gia công tác của Hội phụ nữ từ năm 1945 đến 1953. Tôi chưa đến đó lần nào, các anh Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ thường hay ăn cơm ở nhà bà. Gia đình Nguyễn Thị Năm cũng giống như các gia đình Đỗ Đình Thiện, Trịnh Văn Bô giúp đỡ nhiều cho cách mạng.Chọn địa chủ Nguyễn Thị Năm để làm trước là do có người mách cho cố vấn Trung Quốc. Họp Bộ chính trị Bác nói: “Tôi đồng ý người có tội thì phải xử thôi, nhưng tôi cho là không phải đạo nếu phát súng đầu tiên lại nổ vào người đàn bà, mà người ấy lại cũng giúp đỡ cho cách mạng. Người Pháp nói không nên đánh đàn bà, dù chỉ đánh bằng một cành hoa”. Sau cố vấn Trung Quốc là La Quý Ba đề nghị mãi, Bác nói: “Thôi tôi theo đa số, chứ tôi vẫn cứ cho là không phải”. Và họ cứ thế làm. Thuyết của họ là không dựa vào tổ chức cũ mà tổ chức lại một số tổ chức khác của Đảng, họ phủ nhận hết các tổ chức khác như chính quyền, các đoàn thể. Ai lãnh đạo cách mạng tháng tám thành công, ai lãnh đạo cuộc kháng chiến từ năm 1945 đến năm 1953. Thế mà họ thẳng tay bỏ hết, trong đó có mấy ngàn người bị xử tử. Mục đích của họ không phải là cải cách ruộng đất mà là đánh vào Đảng ta. May mà đến năm 1956 ta kịp dừng lại, nếu không thì tan nát hết. Sau này có những phiên họp Bộ chính trị tôi hay ngồi lại cùng Bác nói chuyện. Có lần Bác trầm ngâm nói: “Mình đã nói để kháng chiến xong đã, mới tiến hành cải cách ruộng đất, cứ ép mãi. Mà nếu có làm cũng làm theo cách ta, chứ không theo họ

Theo ông Nguyễn Quang Duy trong bài “Vai trò của Hồ Chí Minh trong Cải cách ruộng đất“, C.B. chính là bút danh của Hồ Chí Minh (tham khảo thêm giọng văn kích động ở đây: “Đế quốc Mỹ nhúng tay vào xâm lược Đông Dương“):

Báo Nhân Dân là cơ quan tuyên truyền của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, bài báo phải được duyệt xét kỹ của Trung ương Đảng trước khi cho phổ biến. Khi đọc bài báo này, người viết cảm nhận một điều là bố cục, hình thức và văn phong của bài viết rất tương tự với bản “Tuyên ngôn Độc lập” do Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, phần lên án thực dân Pháp.Tập tài liệu Phát động quần chúng và tăng gia sản xuất ghi rõ tên tác giả các bài viết trong đó là C.B. – đây là một trong những bút hiệu của Hồ Chí Minh. Chỉ riêng trong tập 6 (từ 1-1951 đến 7-1954) của bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập do nhà xuất bản Sự Thật Hà Nội in năm 1989, người viết đã đếm được tất cả 15 bài viết của Hồ Chí Minh ký tên là C.B.Không thấy bài viết này được nhắc đến trong bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập. Tuy nhiên trong Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử tập 5 trang 418 ghi rõ: “Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Địa chủ phản động ác ghê, ký bút danh Đ. X. đăng trên báo Cứu Quốc, số 2459 (ngày 2/11/1953), tố cáo tội ác của một số địa chủ phản động đã cấu kết với thực dân và bù nhìn để phản dân, phản nước, mưu phá hoại chính sách ruộng đất của Chính phủ. Chúng là bọn ‘mặt người dạ thú’ và tội ác của chúng là ‘tuyệt vô nhân đạo’.” Có thể bài viết của ông Hồ trên báo Nhân Dân đã được đăng lại trên báo Cứu Quốc.

Xin mời độc giả Dân Luận tham khảo bài viết “Địa chủ ác ghê” này:

Địa chủ ác ghê

Thánh hiền dạy rằng: “Vi phú bất nhân”. Ai cũng biết rằng địa chủ thì ác: như bóc lột nhân dân, tô cao lãi nặng, chây lười thuế khoá – thế thôi. Nào ngờ có bọn địa chủ giết người không nháy mắt. Đây là một thí dụ:

Mụ địa chủ Cát-hanh-Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã:

– Giết chết 14 nông dân.

– Tra tấn đánh đập hằng chục nông dân, nay còn tàn tật.

– Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người – năm 1944, chúng đưa 37 gia đình về đồn điền phá rừng khai ruộng cho chúng. Chúng bắt làm nhiều và cho ăn đói. Ít tháng sau, vì cực khổ quá, 32 gia đình đã chết hết, không còn một người.

– Chúng đã hãm chết hơn 30 nông dân – Năm 1945, chúng đưa 65 nông dân bị nạn đói ở Thái Bình về làm đồn điền. Cũng vì chúng cho ăn đói bắt làm nhiều. Ít hôm sau, hơn 30 người đã chết ở xóm Chùa Hang.

– Năm 1944-45, chúng đưa 20 trẻ em mồ côi về nuôi. Chúng bắt các em ở dưới hầm, cho ăn đói mặc rách, bắt làm quá sức lại đánh đập không ngớt. Chỉ mấy tháng, 15 em đã bỏ mạng.

Thế là ba mẹ con địa chủ Cát-hanh-Long, đã trực tiếp, gián tiếp giết ngót 260 đồng bào !

Còn những cảnh chúng tra tấn nông dân thiếu tô thiếu nợ, thì tàn nhẫn không kém gì thực dân Pháp. Thí dụ:

– Trời rét, chúng bắt nông dân cởi trần, rồi dội nước lạnh vào người. Hoặc bắt đội thùng nước lạnh có lỗ thủng, nước rỏ từng giọt vào đầu, vào vai, đau buốt tận óc tận ruột.

– Chúng trói chặt nông dân, treo lên xà nhà, kéo lên kéo xuống.

– Chúng đóng gióng trâu vào mồm nông dân, làm cho gẫy răng hộc máu. Bơm nước vào bụng, rồi giẫm lên bụng cho hộc nước ra.

– Chúng đổ nước cà, nước mắm vào mũi nông dân, làm cho nôn sặc lên.

– Chúng lấy nến đốt vào mình nông dân, làm cho cháy da bỏng thịt.

– Đó là chưa kể tội phản cách mạng của chúng. Trước kia mẹ con chúng đã thông đồng với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, chúng đã thông đồng với giặc Pháp và Việt gian bù nhìn để phá hoại kháng chiến.

Trong cuộc phát động quần chúng, đồng bào địa phương đã đưa đủ chứng cớ rõ ràng ra tố cáo. Mẹ con Cát-hanh-Long không thể chối cãi, đã thú nhận thật cả những tội ác hại nước hại dân. Thật là:

Viết không hết tội, dù chẻ hết tre rừng, Rửa không sạch ác, dù tát cạn nước bể!

(21-7-1953)

C.B.

  (Nguồn: Dân Luận)

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm