ĐỈNH GIÓ HÚ (24,25)

Chương 24 – 25

Ba tuần sau tôi mới bắt đầu rục rịch ra khỏi phòng và đi lại trong nhà. Buổi chiều đầu tiên ngồi dậy được tôi đề nghị Liên đọc truyện cho tôi nghe vì mắt tôi còn kém. Lúc ấy cậu Kha đã về giường nằm còn chúng tôi ở trong phòng sách. Liên nhận lời nhưng có vẻ miễn cưỡng. Nghĩ là loại sách của tôi có thể Liên không thích tôi bảo nàng muốn chọn đọc cuốn sách nào cũng được, tùy ý nàng.

Liên chọn một trong những cuốn nàng ưa thích và đọc một mạch trong khoảng một tiếng đồng hồ. Sau đó hỏi cô luôn miệng:

“Vú không mệt à? Có lẽ bây giờ vú nên nằm nghỉ thì hơn. Vú ngồi lâu thế sợ ốm lại đấy, vú Diễn.”

Lần nào tôi cũng trả lời:

“Không sao đâu cưng. Tôi không mệt đâu mà sợ.”

Thấy không đổi được ý tôi, Liên tìm cách khác để tỏ ý nàng đã chán cái công việc đang làm. Liên

hết ngáp rồi vươn vai…

“Em mệt rồi, vú Diễn à.”

“Liên đừng đọc nữa, mình nói chuyện vậy.”

Nói chuyện thì càng tệ hơn. Liên hết cựa mình, thở dài, lại nhìn đồng hồ. Đến tám giờ thì nàng trở về phòng riêng. Cứ coi cái bộ dạng buồn bực, đờ đẫn, luôn tay đưa lên dụi mắt đủ biết nàng buồn ngủ rã rượi.

Chiều tối hôm sau, Liên tỏ vẻ sốt ruột hơn nữa. Đến hôm thứ ba thì cô nàng kêu nhức đầu rồi bỏ mặc tôi đi chỗ khác. Sau một thời gian lâu ngồi một mình, ngẫm nghĩ đến cử chỉ hơi khác lạ của Liên, tôi quyết định lên lầu thăm Liên xem nàng đã đỡ chưa và định bụng bảo nàng xuống nằm ở ghế nệm dài dưới này thay vì nằm trên gác tối.

Tôi tìm khắp trên lầu không thấy Liên đâu, tìm dưới nhà cũng không thấy. Người làm trong nhà cũng không ai thấy Liên đâu cả. Tôi ghé tai nghe ngóng ở cửa phòng cậu Kha. Bên trong im lặng như tờ. Quay trở lại phòng Liên, tôi tắt đèn nến và ngồi ở cửa sổ.

Đêm xuống trăng sáng vằng vặc. Tuyết phủ lấm tấm trên mặt đất. Tôi chợt nghĩ hay là Liên đang đi dạo ngoài vườn? Lúc đó tôi nhìn thấy một bóng người rón rén đi dọc bên trong hàng rào trại gia súc, nhưng lại không phải là cô bé của tôi. Khi bóng người ló ra ngoài ánh trăng tôi nhận ra đó là anh chăn ngựa.

Anh ta đứng yên một lúc lâu ngó ra đường cái chạy ngang trại rồi bỗng vọt biến đi như vừa khám phá ra cái gì. Lát sau anh chàng hiện ra, tay giắt con ngựa tơ của Liên. Lại có cả Liên nữa, nàng nhẩy xuống ngựa, đi cạnh anh ta. Anh này lén lút băng qua bãi cỏ để giắt ngựa về chuồng.

Liên thì trèo qua cửa sổ vào phòng khách, rón rén bước lên lầu, nơi tôi đương ngồi đợi nàng. Liên khẽ đẩy cửa vào, bỏ mũ và cởi đôi giầy còn dính tuyết ra. Nàng không ngờ có người đang ngồi rình. Khi Liên sắp sửa cởi áo choàng thì tôi vụt đứng dậy. Sự việc xẩy ra bất ngờ quá làm Liên kinh hoảng bật kêu lên một tiếng và đứng đờ người ra.

Tôi vẫn còn cảm động về việc nàng đã săn sóc tôi trong mấy tuần qua nên tôi không thể nặng lời với Liên được. Tôi chỉ nhẹ nhàng hỏi:

“Giờ này mà cưng còn cỡi ngựa đi đâu vậy? Mà sao cưng lại bịa chuyện nói dối tôi? Cưng đi đâu thế, nói đi?”

Liên lúng túng đáp:

“Em… em đi ra cuối trại. Em đâu đặt chuyện nói dối vú.”

“Cô không đi đâu nữa chứ?”

Liên lí nhí đáp:

“Không.”

Tôi đau lòng kêu lên:

“Ồ! Liên! Cô thừa biết làm như vậy là quấy, nếu không thì cô đã chẳng nói dối tôi. Nói dối tôi buồn lắm. Giá tôi có phải đau liệt giường ba tháng nữa tôi còn thích hơn là nghe cô nói dối tôi.”

Liên nhẩy tới bá cổ tôi oà lên khóc:

“Vú ơi vú! Tại em sợ vú giận. Vú hứa với em là vú không giận đi rồi em sẽ kể sự thật cho vú nghe. Em không giấu vú đâu!”

Chúng tôi ngồi xuống bên cửa sổ. Tôi cam đoan với Liên dù câu chuyện có thế nào đi nữa tôi cũng sẽ không mắng Liên, vả lại tôi cũng đoán biết chuyện gì rồi – cố nhiên – Liên kể:

“Em đến Đỉnh Gió Hú, vú Diễn ạ. Từ bữa vú đau, không ngày nào là em không tới, chỉ trừ có ba lần trước ngày vú đi lại được và sau đó hai lần nữa. Em đã cho thằng Mịch sách và tranh ảnh để mỗi buổi chiều nó đóng ngựa cho em và dẫn ngựa về chuồng. Vú đừng có trách mắng gì Mịch nhớ! Em đến Gió Hú vào khoảng sáu rưỡi và thường ở lại đến tám rưỡi thì phóng ngựa về. Em đến đó chẳng phải vì vui thú gì, còn mang khổ nữa là đằng khác. Họa hoằn lắm, may ra tuần một lần, mới có được một ngày vui.

Mới đầu em thấy khó lòng nói cách nào để vú chịu cho em đi để em khỏi thất hứa với Tôn, vì bữa mình về hôm ấy em đã hứa hôm sau trở lại. Nhưng hôm sau em chuồn đi được vì vú ốm. Buổi trưa lúc Mịch đang thay ổ khóa cửa vườn, em lấy chìa khóa và bảo Mịch là đứa em họ của em đau không thể tới đây được và đang mong đợi em hết sức, mà ba thì không cho phép em đi. Em điều đình với Mịch về con ngựa. Mịch rất mê đọc sách và đương tính xin nghỉ việc để cưới vợ. Nó đề nghị nếu em lấy sách ở thư viện cho nó mượn thì em sai bảo gì nó cũng chịu hết. Nhưng em cho nó mựợn sách của em và như thế nó thích hơn.

Lần thứ hai đến thăm, Tôn có vẻ linh hoạt hơn. Chị Dị (là chị quản gia bên ấy) lau chùi phòng thật sạch sẽ, đốt lò sưởi thật nóng và cho biết là bác Dọi đã đi dự hội cầu nguyện, Hạ thì dẫn chó đi săn – sau này em mới biết là hắn săn trộm trĩ trong rừng nhà mình – vậy chúng em tùy thích muốn làm gì thì làm. Chị Dị tỏ vẻ ân cần hết sức. Chị ấy đem chút rượu vang hâm nóng và bánh ngọt ra cho chúng em dùng. Tôn ngồi trong ghế bành còn em thì ngồi ghế xích đu trước lò sưởi. Hai đứa cười nói vui lắm. Có bao nhiêu chuyện để nói. Chúng em bàn tính sẽ đi những đâu và làm gì vào mùa hè này. Nhưng em không nhắc lại đâu vì vú nghe lại cho là hão huyền.

Tuy vậy cũng có một lúc chúng em suýt cãi nhau. Tôn cho rằng mùa hè không gì thích thú bằng nằm thượt trên đồng cỏ từ sáng đến chiều, nghe tiếng ong vo ve, tiếng chim hót, nhìn chim bay và bàu trời trong xanh không gợn chút mây. Đối với Tôn đó là thiên đường, là niềm hạnh phúc lớn nhất ở trên đời. Còn em cho rằng như vậy có gì là thích; em thích ngồi đu đưa trên cành cây, chạy nhẩy trong rừng, bên suối nước, nghĩa là phải sống động mới vui… Em bảo là nếu em ở trong thiên đuờng của Tôn thì em sẽ buồn ngủ rũ ra; còn Tôn nói là sẽ ngộp thở trong thế giới của em và Tôn đâm ra cáu kỉnh. Cuối cùng cả hai đồng ý nếu thời tiết thuận tiện sẽ thử thí nghiệm cả hai cách, rồi hai đứa lại hôn nhau và thân thiện như cũ.

Sau khi ngồi yên độ nửa giờ em nhìn căn phòng rộng và nghĩ nếu dọn quách cái bàn đi mà chơi thì thú biết mấy. Em bảo Tôn gọi chị Dị vào giúp và cùng chơi trò bịt mắt bắt dê…chị ấy sẽ đuổi bắt bọn em như vú vẫn làm ấy mà… Tôn không chịu, bảo chơi trò ấy chán lắm. Nhưng nó bằng lòng chơi banh. Bọn em tìm thấy hai quả bóng trong tủ chén, giữa một đống đồ chơi cũ. Một quả có đánh dấu chữ L. và một quả chữ T. Em thích quả có chữ L. vì là chữ tắt tên em nhưng Tôn lại không thích quả bóng kia mang tên mình vì quả ấy bị rách.

Em đánh thắng luôn khiến Tôn đâm ra cáu kỉnh, nó lại ho sù sụ và quay về ghế ngồi. Tuy thế tối hôm đó nó dễ trở lại vui tính. Tôn khoái mấy bài hát… mấy bài của vú ấy mà… Khi em về Tôn năn nỉ em hôm sau trở lại và em nhận lời. Con Minh Nhi chở em phóng như bay về nhà. Suốt đêm đó cho đến sáng em mơ tưởng đến Trại Gió Hú và người em họ đáng yêu của em.

Hôm sau em buồn ghê. Phần vì vú bị ốm, phần vì em muốn thưa với ba để ba biết chuyện và chấp nhận cho em đi. Nhưng sau bữa trà, trăng lên đẹp và trong khi em cưỡi ngựa đi, nỗi buồn của em dịu dần.

Nghĩ bụng chắc mình và Tôn sẽ có được một buổi tối vui, em thúc ngựa chạy thật mau. Lúc đến vườn nhà họ, đang định vòng ra đằng sau thì cái thằng ôn con, thằng Hạ ấy, túm lấy dây cương, bảo em vào lối cổng trước. Nó vỗ vỗ vào cổ con Minh Nhi, khen con ngựa tốt, ra điều muốn nói chuyện với em. Em bảo để yên con ngựa đó kẻo nó đá cho đấy.

Nó trả lời, vẫn cái giọng nhà quê nhà mùa:

‘Đá cũng chẳng nhằm nhò gì.’

Nó cười tủm tỉm xem xét chân cẳng con ngựa. Lúc ấy em chỉ muốn ngựa đá cho nó một cái. Rồi nó bỏ đi để mở cửa. Trong lúc nhấc then, nó nhìn lên mấy chữ khắc trên cổng rồi nói với một vẻ khoái trá:

‘Cô Liên! Hôm nay tôi có thể đọc hàng chữ kia được rồi!’

Em reo lên:

‘Hay quá! Giỏi dữ đa! Đọc tôi nghe thử đi!’

Nó ê a đánh vần tên… YênHạ… Thấy nó tắc tị em khuyến khích nó:

‘Còn những con số?’

‘Chưa đọc được!’

Em bật cười nói:

‘Chà, sao dốt vậy!’

Nó nhìn trân trân, môi thoáng một nụ cười nhưng mặt thì cau lại như phân vân không biết mình có nên cười phụ họa hay không. Nó vẫn không hiểu em cười vì thân tình hay vì khinh thị. Sự thực thì em khinh nó đứt đuôi đi rồi còn gì. Rồi em làm mặt nghiêm bảo nó tránh ra chỗ khác vì em đến thăm Tôn chứ không phải thăm nó.

Thằng Hạ đỏ mặt lên trời sáng trăng nên em thấy rõ – buông tay khỏi then cửa, lùi lũi bỏ đi, hết cả dương dương tự đắc. Chắc cu cậu tưởng mình đánh vần được cái tên nó thì cũng giỏi không thua gì Tôn.”

Tôi ngắt lời:

“Thôi. Cô Liên. Cô đừng kể nữa. Tôi không mắng cô đâu nhưng tôi không ưa cái cách cô cư xử với những người bên đó. Cô đối xử với Hạ như vậy là không phải. Nên nhớ Hạ cũng là anh em họ với cô, y như Tôn vậy. Nếu Hạ có ý mong học hỏi để không thua kém Tôn thì đó là điều đáng khen. Mà tôi chắc không phải là Hạ chỉ muốn khoe khoang không thôi đâu. Hôm trước cô đã làm Hạ xấu hổ vì chê nó dốt, tôi chắc lần này nó cố chữa lại để cốt làm vui lòng cô. Mặc dầu học chưa đến đâu nhưng ít ra có cố gắng. Thế mà cô lại coi khinh và chế riễu Hạ thì thật là thiếu giáo dục. Nếu cô cũng được nuôi dậy trong hoàn cảnh y hệt như Hạ chắc gì cô đã hơn nó không? Xưa kia hồi còn nhỏ cậu Hạ cũng lanh lợi thông minh không thua gì cô. Tôi đau lòng lắm thấy bây giờ Hạ bị người ta khinh rẻ chỉ vì bị cái tên Hy đê tiện kia đã đối xử bất công với nó.”

Thấy thái độ của tôi quá nghiêm trang Liên ngạc nhiên kêu lên:

“Khoan đã vú Diễn? Vú không khóc vì chuyện này đấy chứ? Khoan, đợi em nói xong cái đã, xem có phải nó học đánh vần để vui lòng em không đã, xem nó có đáng để em đối xử lịch sự với nó không đã.

Em bước vào trong nhà. Tôn đương nằm trên ghế nhỏm dậy để chào em:

‘Liên ơi, tôi bị ốm. Tối nay tôi để Liên nói, tôi chỉ nghe thôi. Lại ngồi cạnh đây… Tôi biết thế nào Liên cũng không sai hẹn. Trước khi Liên về tôi sẽ bắt Liên hứa nữa.’

Biết Tôn ốm, em thấy chả nên trêu trọc nó. Em ngọt ngào với nó, không hỏi nó điều này điều nọ và tránh chọc giận nó bằng đủ mọi cách. Em định đọc cho nó nghe cuốn truyện em mang theo thì Hạ bất chợt mở cửa vào. Nó vào với một dự mưu độc địa. Mặt đầy nộ khí nó xấn tới chỗ chúng em, nắm tay Tôn quăng khỏi ghế, nói lắp bắp không ra lời:

‘Mày cút về phòng mày đi. Dẫn cả cái con này đi vì nó đến là để thăm mày. Mày không thể cấm tao ở đây. Cút đi cả hai đứa!’

Nó chửi thề mấy câu rồi không để Tôn có thì giờ trả lời nó gần như quẳng Tôn vào bếp. Em đi theo Tôn, nó giơ quả đấm nạt em như muốn đánh. Em hoảng sợ để rơi một cuốn sách. Nó đá quyển sách tung theo em rồi đóng sập cửa lại.

Một tiếng cười độc địa vang lên ở cạnh lò sưởi. Quay lại em thấy lão già đáng ghét, lão Dọi, đang đứng run rẩy, xoa hai bàn tay xương xẩu vào nhau.

‘Tôi biết thế nào nó cũng tống cổ hai người ra mà! Đúng là tay gan lì, chả sợ ai! Nó biết rõ như tui ai mới đáng mặt là chủ cái nhà này… Hề, hề, hề!’

Bỏ ngoài tai lời giễu cợt của lão già khốn kiếp, em hỏi Tôn:

‘Mình đi đâu bây giờ?’

Tôn đứng run như cầy sấy mặt trắng bệch ra. Trông nó hết cả dễ thương, vú Diễn ạ! Ồ, không! Phải nói là trông nó thật dễ sợ. Mặt nó gầy guộc, đôi mắt to của nó co rúm trong một vẻ tức tối tràn hông mà bất lực không làm gì được. Nó nắm quả đấm lay giựt, nhưng cửa đã gài then bên trong. Nó thét lên:

‘Mày không để tao vào tao sẽ giết mày! Đồ khốn nạn! Tao giết mày!’

Lão Dọi lại cười hềnh hệch:

‘Đúng là máu ông bố nó! Hạ này! Đừng sợ! Nó không làm gì được mày đâu!’

Em nắm lấy tay Tôn lôi nó đi chỗ khác, nhưng nó gào thét ghê quá em không dám kéo nữa. Rồi tiếng gào thét bị tắc nghẽn. Nó lên cơn ho dữ dội, máu trong miệng nó ộc ra và nó ngã lăn xuống đất.

Em hết hồn chạy ra sân gọi chị Dị thật to. Đang vắt sữa bò dưới mái hiên sau nhà kho, chị Dị nghe thấy vội bỏ công việc chạy lên hỏi xem có chuyện gì.

Không còn hơi sức để trả lời, em chỉ kéo vội chị Dị vào tìm Tôn. Lúc ấy Hạ đã mở cửa. Nó mục kích cái tội ác nó gây nên và bồng thằng bé đáng thương lên lầu. Chị Dị và em theo lên. Nhưng đến đầu cầu thang thì nó chặn em lại, bảo em không được vào và phải đi về. Em la lên là nó đã giết thằng Tôn và bảo nó em nhất định vào. Lão Dọi đóng cửa khoá lại. Lão tuyên bố là em chẳng làm được gì cho thằng Tôn đâu và em cũng điên khùng y như nó vậy.

Em đứng khóc một thôi một hồi cho đến lúc chị Dị trở ra. Chị ta quả quyết là Tôn sẽ đỡ hơn, nếu em không kêu khóc làm náo động cả lên. Nói rồi chị Dị đỡ em xuống nhà.

Vú Diễn ơi, em chỉ muốn giựt hết tóc trên đầu! Em khóc muốn mù mắt luôn. Còn thằng Hạ đứng trước mặt em, cái thằng côn đồ mà vú vẫn dành nhiều cảm tình ấy, chốc chốc lại chẩu mỏ lên suỵt một cái bảo em im, nó chối biến bảo không phải lỗi ở nó. Sau cùng, thấy em nói nhất quyết sẽ mách ba và nó sẽ bị tù, bị treo cổ, nó cũng đâm hoảng cũng khóc òa lên, rồi chạy biến ra ngoài che dấu cái mặt hèn nhát của nó.

Vậy mà em vẫn chưa thoát khỏi tay nó. Lúc em về, mới đi khỏi trại vài trăm thước, em thấy nó trong bóng tối bên đường ló ra, chặn con Minh-Nhi lại, nắm tay em nói:

‘Cô Liên, tôi buồn đến ốm người đi… thực là khổ quá…’

Tưởng nó định giết em, em quất cho nó một roi ngựa… Nó bỏ em ra, buông một câu chửi ghê gớm. Em phóng về nhà, đầu óc rối loạn”

Tối hôm đó trước khi đi ngủ em không lên chúc vú ngủ ngon như thường lệ. Hôm sau em cũng không đi Đỉnh Gió Hú. Sự thực em muốn đi ghê lắm. Nhưng em bị một khích động kỳ lạ. Em sợ phải nghe tin Tôn chết. Em rùng mình nghĩ đến chuyện phải trạm trán với Hạ.

Ngày thứ ba em thu hết can đảm lẻn đi lần nữa. Em không thể nào kéo dài mối lo sợ lâu hơn. Em đi lúc năm giờ và đi bộ. Em nghĩ bụng mình có thể trèo vào nhà lên buồng Tôn mà không ai biết. Nhưng không ngờ đàn chó đánh hơi sủa vang lên. Chị Dị ra đón. Chị nói là Tôn đã khá rồi. Chị đưa em vào một căn buồng nhỏ, sạch sẽ, có trải thảm. Thấy Tôn nằm trên chiếc ghế nệm dài đang đọc một cuốn sách của em, em mừng không tả được. Nhưng vú ạ, suốt một tiếng đồng hồ Tôn chẳng buồn ngó ngàng hay nói với em một câu… nó buồn thỉu buồn thiu… cho đến khi nó mở miệng thì… em đớ người ra: Tôn nói láo! Nó bảo là chính em đã gây ra chuyện bữa trước chứ thằng Hạ chả có gì đáng trách cả!.

Em giận ứ hơi không trả lời, đứng dậy ra khỏi phòng. Nó gọi em một tiếng yếu ớt ‘Liên’ – nó không ngờ em phản ứng bằng cách ấy – nhưng em không thèm ngoái cổ lại. Ngày hôm sau em ở nhà, nhất định không đến thăm nó.

Nhưng khi đi ngủ hay lúc trở dậy em mới khổ sở làm sao! Em chẳng được tin tức gì của Tôn nên cái ý định gần như quả quyết của em dần dần bị tiêu tan như mây khói. Thoạt đầu em thấy không nên đi, nhưng sau em lại nghĩ không đi là lầm. Thằng Mịch hỏi em có phải đóng ngựa không, em trả lời có. Trong lúc cưỡi con Minh Nhi qua mấy ngọn đồi em tự cho mình đang làm một bổn phận.

Để đi vào sân bắt buộc phải đi qua cửa sổ ở mặt tiền nên em thấy giấu mặt cũng vô ích. Chị Dị thấy em tiến về phía phòng khách thì bảo:

‘Chú Tôn có ở trong phòng kìa.’

Vào phòng, em thấy có cả Hạ, nhưng nó đi ngay. Tôn ngồi lim dim ngủ trong chiếc ghế bành lớn. Em lại gần lò sưởi, nghiêm giọng nói, cốt ý cho nó thấy là em nói thực chứ không nói giỡn:

‘Vì Tôn không thích tôi, cho rằng lần nào tôi đến đây cũng chỉ làm Tôn đau buồn, nên đây là lần gặp gỡ cuối cùng của chúng ta. Chúng mình chào từ biệt nhau và nhờ Tôn nói hộ với ông Hy rằng Tôn đã không muốn gặp tôi, do đó xin ông ấy đừng bịa thêm lời dối trá nào về chuyện này nữa.’

Tôn nói:

‘Liên hãy ngồi xuống và cởi mũ ra đã. Liên được sung sướng hơn tôi nhiều, dĩ nhiên là Liên phải hơn tôi. Ba tôi cứ nói mãi về khuyết điểm của tôi, lại khinh bỉ tôi đủ điều, tất nhiên là tôi phải tự nghi ngờ mình… Tôi thường tự hỏi không biết là tôi có thực là đồ vô dụng như ba tôi nói không. Vì thế mà tôi tức và khổ ghê lắm. Tôi hận tất cả mọi người! Phải rồi, tôi vô dụng, tôi xấu tính, tôi độc ác, gần như luôn luôn là như vậy… Nếu cô muốn thì cô cứ việc chào từ biệt đi. Cô sẽ khỏi phải phiền lụy nữa… Có điều, cô Liên à… cô hãy xét cho công bằng dùm tôi, cô hãy tin rằng nếu tôi có thể ngọt ngào được, tử tế được, tốt bụng được như cô thì tôi sẽ làm ngay. Tôi mong được như thế còn hơn là mong được sung sướng và mạnh khỏe như cô. Và cô nên tin rằng lòng tốt của cô đã khiến tôi yêu cô sâu xa hơn, nếu quả tôi còn xứng đáng với tình yêu của cô. Tôi không thể làm cách nào để cô thấu hiểu được con người tôi. Tôi rất tiếc, rất ân hận về điều này và tôi sẽ còn tiếc hận mãi cho đến khi chết.’

Em cảm thấy Tôn nói thật lòng. Em cần phải tha thứ cho Tôn! Cho dẫu về sau nếu Tôn có gây chuyện với em nữa thì em cũng sẽ phải tha thứ nữa. Rồi hai đứa em làm lành với nhau và cả hai đều khóc hết buổi hôm ấy cho mãi đến lúc em về. Em khóc không phải hoàn toàn vì buồn đâu. Mà vì thương cho bản chất bất thường của Tôn: Tôn sẽ chẳng bao giờ đem lại sự thoải mái hạnh phúc cho các người thân yêu của mình cũng như cho chính bản thân mình.

Từ buổi tối hôm đó lần nào em cũng đến cái phòng khách nhỏ ấy, vì hôm sau cha của Tôn về. Tính ra, có lẽ chúng em chỉ được hưởng những ngày vui như buổi ban đầu được có ba lần. Những lần khác thì đều gặp buồn phiền và bị phá rối, khi thì vì Tôn ích kỷ, khó tính, khi thì tại Tôn đau ốm và em phải chịu đựng tính này với tật kia cũng gần như nhau.

Ông Hy cố tình tránh mặt em. Em hầu như không trông thấy ông. Chủ nhật trước, em đến sớm hơn thường lệ, em nghe thấy ông ấy mắng Tôn như tát nước về thái độ của Tôn chiều hôm trước. Em không hiểu sao ông ấy lại biết chuyện, chắc là nghe trộm. Quả thực là Tôn đã trêu tức em quá sức, nhưng đó là chuyện của em mắc mớ gì đến ổng. Em bèn bước vào cắt ngang lời ông Hy và nói thẳng cho ông ta biết như vậy. Ông ta phá lên cười và bảo ông ta rất mừng thấy em có quan niệm như thế rồi ông ta bỏ đi. Từ hôm đó em nhắc Tôn khi nào có chuyện bực tức nói ra thì nói khẽ thôi.

Đấy, bây giờ vú đã nghe hết chuyện rồi. Việc ngăn cấm em không được bước chân đến Gió Hú chỉ làm cho hai đứa em đau khổ… Còn nếu vú đừng nói gì hết với ba thì việc em đến đó đâu có gây phiền cho ai. Vú đừng nói nhớ, vú Diễn? Nếu vú mách ba thì thật là vú nhẫn tâm hết sức.”

Tôi nói:

“Đợi đến mai hãy hay. Chuyện này cần phải nghĩ kỹ. Thôi tôi để cô đi nghỉ. Tôi sẽ suy nghĩ về chuyện này.”

Tôi đã “suy nghĩ” bằng cách kể hết với cậu Kha. Ở phòng Liên đi ra tôi đến thẳng phòng cậu và thuật lại mọi chuyện, nhưng tôi không đề cập đến Hạ và những chuyện Liên nói với Tôn.

Cậu Kha hoảng lên và rầu rĩ lắm nhưng không nói ra với tôi. Sáng hôm sau Liên biết là tôi đã phụ lòng tin của nàng, đồng thời nàng cũng ý thức là từ đây những cuộc viếng thăm lén lút của mình sẽ phải chấm dứt.

Bị cấm đoán, Liên khóc lóc tìm mọi cách để xin xỏ mà không được. Cả đến việc năn nỉ cha hãy đoái thương đến Tôn cũng vô hiệu. Tất cả, nàng chỉ nhận được một lời hứa của cha là ông sẽ viết thư cho phép Tôn đến Họa Mi Trang bất cứ lúc nào nó muốn, nhưng nói rõ đừng có trông chờ Liên đến Đỉnh Gió Hú. Có lẽ nếu ông biết rõ tâm tính và tình trạng sức khỏe của thằng cháu, thì hẳn là ông sẽ thấy ngay cả cái điều an ủi nhỏ nhoi ấy cũng nên cấm tiệt luôn.

Chương XXV

Bác Diễn kể tiếp: Ông Lộc ạ, tất cả những chuyện tôi vừa kể xẩy ra chỉ cách đây mới hơn một năm, vào mùa đông năm ngoái. Hồi đó tôi đâu có nghĩ rằng mười hai tháng sau tôi có dịp kể những chuyện đó cho một người xa lạ nghe để tiêu khiển! Nhưng ông Lộc ạ, đố ai mà biết được ông sẽ xa lạ trong bao lâu? Ông còn quá trẻ để chịu sống trong cảnh đơn chiếc và tôi thì lại có ý nghĩ rằng khó ai gặp Liên mà không yêu Liên. Ông cười ư? Thế tại sao nghe tôi kể chuyện Liên, ông có vẻ quan tâm một cái thích thú như thế? Tại sao ông lại đòi tôi treo ảnh Liên trên lò sưởi phòng ông? Và tại sao…

Tôi kêu lên:

“Thôi, thôi, tôi xin bác! Rất có thể là tôi yêu Liên, nhưng liệu nàng có yêu tôi không?” Tôi ngờ quá. Lòng tôi đương thanh thản nên tôi chẳng dám liều hy sinh để mạo hiểm đi vào con đường cám dỗ ấy. Vả lại tôi không nhà không cửa ở đây. Tôi là người của thế giới nhộn nhịp, tôi phải về sống ở đấy. Thôi xin bác kể tiếp đi…Rồi sau Liên có nghe lời cha không?”

Bác quản gia đáp:

“Thưa có. Tình yêu quý cha của nàng vẫn chiếm chỗ quan trọng nhất trong tình cảm Liên. Cậu Kha ôn tồn nói với con gái không một chút giận dữ. Cậu nói với tất cả lòng âu yếm sâu xa thắm thiết của một kẻ sắp sửa phải bỏ lại người yêu quý nhất đời mình giữa muôn ngàn nguy khốn, giữa bầy kẻ thù tàn ác mà chỉ còn lưu lại những lời nói để hỗ trợ và hướng dẫn Liên mà thôi.”

Mấy hôm sau cậu Kha nói với tôi:

“Tôi mong thằng cháu tôi sẽ viết thư hay tới thăm. Vú Diễn, vú cứ thực tình nói cho tôi biết vú nghĩ sao về nó… Liệu nó có khá hơn hoặc hy vọng khi lớn lên sẽ khá hơn không?”

“Thưa cậu, chú ấy ốm yếu và xem chừng khó có thể sống tới khi trưởng thành. Nhưng có điều này tôi có thể nói ngay là chú ấy không giống bố. Nếu chẳng may mà cô Liên lấy chú ấy thì chắc chú ấy sẽ ở dưới quyền cô Liên… trừ khi Liên lại nhu ngược một cách thái quá. Vả lại, cậu có khối thì giờ để tìm hiểu Tôn rõ hơn, coi xem chú ấy có xứng với cô nhà không… vì còn những bốn năm hay hơn thế nữa chú ấy mới đến tuổi trưởng thành.”

Kha thở dài, và bước tới cửa sổ nhìn ra nghĩa trang Diên-Mễ-Tôn. Đó là một buổi chiều mù sương, nhưng mặt trời tháng hai chiếu mờ mờ vừa đủ cho chúng tôi thấy hai cây thông ngoài sân và dăm ba tấm mộ bia lác đác.

Kha gần như nói một mình:

“Ồ, mình vẫn thường cầu nguyện cho những việc sắp xẩy ra hãy xẩy ra sớm đi, thế mà bây giờ mình lại đâm ra ngần ngại lo sợ. Mình cứ ngỡ là cái kỷ niệm lúc mình đóng vai chú rể đi xuôi cái thung lũng hẹp kia sẽ không thể nào êm đềm cho bằng cái viễn cảnh là chẳng bao lâu nữa, trong dăm ba tháng hay có thể dăm ba tuần nữa không chừng mình sẽ được người ta khiêng đi đặt nằm trong cái lòng đất hiu quạnh ấy. Vú Diễn à, tôi đã sống rất sung sướng với con bé Liên. Suốt những đêm đông ngày hạ nó ở bên tôi như một nguồn hy vọng sống… nhưng tôi cũng thấy sung sướng không kém khi ngồi trầm ngâm giữa những tấm mộ bia bên dưới ngôi nhà thờ cổ kính kia, hay nằm bên nấm mộ xanh rì của mẹ nó và mong chờ, ao ước cái lúc tôi được vĩnh viễn nằm luôn ở đó. Tôi có thể làm được gì cho Liên? Tôi phải chia tay với nó như thế nào? Tôi sẽ chẳng bao giờ bận tâm đến chuyện Tôn là con của Hy hay là chuyện nó cướp mất con gái tôi hay là chuyện Hy đạt mục tiêu đoạt mất niềm hạnh phúc cuối cùng của tôi là Liên, nếu quả như Tôn có thể làm Liên khuây khỏa về cái chết của tôi. Nhưng nếu Tôn là một đứa không xứng đáng, nếu Tôn chỉ là một công cụ trong tay cha nó, thì tôi không thể giao phó con gái tôi cho nó được! Cho dẫu có khó khăn cách mấy đi nữa, cho dẫu có làm nó đau buồn khổ sở khi tôi còn sống và bỏ nó lẻ loi khi tôi chết đi, tôi cũng phải kiên nhẫn tìm mọi cách để dẹp cái tính nhẹ dạ nông nổi của Liên. Tội nghiệp con tôi! Thà phó thác nó cho Trời và để nó chết trước tôi còn hơn!”

Tôi cất tiếng:

“Dẫu sao thì cứ phó thác cô ấy cho Trời. Và, thưa cậu, nói dại nếu cậu mất đi – biết đâu Trời chả thương không để chúng tôi phải mất cậu – và nếu Trời thương run rủi, tôi nguyện sẽ là người bạn dìu dắt cô ấy cho đến mãn đời. Liên là một cô gái ngoan, tôi không sợ cô ấy dễ dàng đi vào con đuờng xấu và con người ta nếu đã làm tròn bổn phận thì luôn luôn được ơn trên biệt đãi.”

Trời đã gần sang xuân rồi mà cậu Kha vẫn chưa hoàn toàn lại sức, mặc dù cậu đã bắt đầu dạo bộ trong trại với con gái như trước. Vì thiếu kinh nghiệm, cô bé tưởng đó là dấu hiệu cha cô đã hết bệnh. Thấy má cha thường đỏ ửng và đôi mắt long lanh, cô càng tin ông đã bình phục.

Hôm kể niệm lần thứ mười bẩy ngày sinh nhật Liên, vì trời mưa cậu tôi không thể đi thăm mộ được. Tôi nói:

“Thưa cậu, chắc chiều nay cậu không đi đâu?”

Cậu Kha đáp:

“Không. Năm nay tôi hoãn lại ít ngày.”

Cậu chủ tôi viết thư gửi cho Tôn, tỏ ý rất mong được gặp nó. Tôi chắc bố nó cho phép nó đi nếu thằng bé bệnh hoạn ấy đủ sức đi một mình. Tuy nhiên nó được người ta gà cho viết trả lời rằng ông Hy không muốn nó đến chơi Họa Mi Trang, rằng nó rất cảm động về lòng tốt của ông bác đã nhớ đến nó, rằng nó hy vọng thỉnh thoảng được gặp ông trong những dịp nó đi chơi và khẩn khoản ông đừng để Liên và nó phải xa cách quá lâu.

Phần sau này của bức thư lời lẽ giản dị, chắc là của nó viết. Hy biết nó dư sức viết một cách đầy thuyết phục về mối giao tình của nó với Liên.

“Cháu không xin phép bác cho phép Liên đến đây thăm cháu. Nhưng chẳng lẽ không bao giờ cháu còn được gặp Liên nữa hay sao, khi mà ba cháu cấm cháu đến nhà Liên và bác thì cấm Liên đến nhà cháu? Cháu chỉ xin bác thỉnh thoảng cưỡi ngựa đưa Liên về phía Trại Gió Hú và cho chúng cháu trao đổi dăm ba lời trước mặt bác! Chúng cháu có làm gì nên tội mà bị chia rẽ nhau? Bác không giận cháu – bác không có lý do gì để ghét bỏ cháu – bác đã tự nhận như thế. Vậy thưa bác yêu quý của cháu, xin bác vui lòng ngày mai gửi cho cháu mấy chữ cho phép cháu được gặp bác ở bất cứ nơi nào tùy bác chọn, ngoại trừ ở Họa Mi Trang. Cháu tin rằng gặp cháu, bác sẽ thấy rõ tính nết cháu không giống tính nết ba cháu. Chính ba cháu vẫn quả quyết cháu là cháu của bác hơn là con của ba cháu. Tuy cháu có những thói hư tật xấu khiến cháu không xứng đáng với Liên nhưng Liên đã tha thứ rồi, vậy bác cũng vì Liên mà tha thứ cho cháu. Bác có hỏi thăm sức khỏe cháu, xin thưa: cháu đã khá hơn. Nhưng chừng nào mà cháu bị cắt hết mọi hy vọng và bị đầy ải trong cảnh cô đơn giữa đám người trước cũng như sau này chẳng bao giờ yêu thương cháu, thì thử hỏi làm sao mà cháu vui vẻ khỏe mạnh cho được.”

Cậu Kha tuy thương cháu nhưng không thể thỏa mãn lời yêu cầu của Tôn vì chính cậu, cậu không thể đi theo Liên được. Cậu trả lời Tôn, hẹn đến mùa hè hai đứa có thể gặp nhau. Trong lúc chờ đợi cậu mong Tôn thỉnh thoảng viết thư cho cậu và hứa sẽ cố gắng viết thư lại để an ủi và khuyên bảo Tôn vì cậu hiểu địa vị khó khăn của nó ở trong gia đình.

Tôn tuân theo lời Kha. Nếu nó không bị kiềm chế nó đã viết những lời than vãn làm hư hết mọi việc; nhưng cha nó đã canh chừng nó rất kỹ, cố nhiên là bắt nó phải đưa xem tất cả thư từ cậu tôi viết cho nó. Vì vậy thay vì kể lể những nỗi niềm riêng tư mà luôn luôn nó phải nghĩ đến, thì nó chỉ lải nhải mãi cái việc bị chia rẽ một cách oan ức với người bạn vừa là người yêu của nó. Nó cũng nhẹ nhàng lựa lời nói bóng gió rằng cậu Kha phải sớm cho nó gặp mặt, nếu không nó e rằng cậu Kha đã cố tình hứa suông để đánh lừa nó.

Liên là một đồng minh đắc lực của Tôn. Chỉ có hai đứa thôi mà cuối cùng chúng đã thuyết phục được cậu tôi chấp thuận cho chúng cỡi ngựa hay đi bộ dạo chơi với nhau mỗi tuần một lần ở trên cánh đồng gần Họa Mi Trang nhất – có tôi đi theo giám sát – vì đã qua tháng sáu rồi mà cậu tôi vẫn còn yếu. Tuy cậu tôi hàng năm vẫn để dành một phần lợi tức làm vốn cho con gái, nhưng tự nhiên là cậu vẫn mong muốn sau này Liên có thể giữ được hoặc ít ra là sớm trở về ở tại ngôi nhà của tổ tiên cô. Cậu tôi thấy chỉ có một cách là gả cô cho người thừa kế ngôi nhà ấy. Nhưng cậu không ngờ Tôn lại cũng suy nhược mau chóng y như cậu. Mà tôi chắc là chẳng có ai lại có thể ngờ được chuyện này. Đâu có một y sĩ nào được mời đến Gió Hú và cũng chẳng có ai gặp ông Hy để nói lại cho chúng tôi biết về tình trạng sức khỏe của nó.

Phần tôi, tôi đã bắt đầu ngờ rằng những tiên đoán của mình là sai và nghĩ là Tôn phải khỏe mạnh vì thư nào nó cũng kể những cuộc đi bộ hay cưỡi ngựa chơi trên cánh đồng hoang và tỏ ra hết sức hăng hái theo đuổi mục tiêu của nó.

Thật là ngoài sức tưởng tượng của tôi. Tôi không thể nào tưởng tượng nổi một người cha lại có thể hành xử với một người con sắp chết của mình một cách tàn nhẫn và độc địa như Hy. Sau này tôi mới được biết hắn đã ép Tôn làm ra bộ sốt sắng hăng hái như thế và khi thấy cái chết của thằng bé có thể là làm hỏng những tính toán thâm độc của mình, hắn lại càng ra sức hành hạ thằng bé hơn.

Trở Về

Tìm Kiếm