ĐỈNH GIÓ HÚ (32,33)

Chương 32 – 33

Năm 1802 – Vào tháng chín, một người bạn mời tôi đi thăm đồn điền của anh ta ở miền bắc. Tôi không ngờ chỗ tôi đến chỉ cách Diên-Mễ-Tôn khoảng hơn hai chục cây số.

 

Tại một quán ăn bên đường người phu ngựa đang xách thùng nước cho ngựa tôi uống thì một chiếc xe chở lúa mới gặt đi qua. Anh ta nói:

“Xe này phải đến từ Diên Mễ Tôn. Ở đấy bao giờ cũng gặt hái chậm hơn nơi khác ba tuần.”

Tôi buột miệng:

“Diên Mễ Tôn?”

Thời gian tôi ở chốn đó chỉ lờ mờ trong kỷ niệm như trong một giấc chiêm bao. Tôi kêu lên:

“A! Tôi biết Diên Mễ Tôn! Từ đây đến đó bao xa?”

Anh phu ngựa đáp:

“Hai mươi bốn cây. Phải đi qua ngọn đồi kia và đường đi xấu lắm.”

Tôi đột nhiên muốn đến thăm Họa Mi Trang. Lúc đó mới xế trưa, tôi nghĩ tội gì mình phải ở nhà trọ trong khi mình có thể nghỉ đêm ở nhà mình [1]. Vả lại tôi có thể dễ dàng bỏ ra một ngày để thanh toán công chuyện với ông chủ nhà, có phải đỡ mất công đi đi về về không? Nghỉ ngơi một lát tôi bảo anh người hầu của tôi đi hỏi thăm đường tới làng. Ba tiếng đồng hồ sau ngồi mệt trên lưng ngựa chúng tôi tới Diên Mễ Tôn.

Tôi để anh người hầu ở trong làng, một mình tôi đi ngựa xuống thung lũng.

Ngôi nhà thờ xám trông xậm màu hơn và khu nghĩa trang hiu quạnh nay càng quạnh hiu. Một đàn cừu từ ngoài đồng kéo tới gậm cỏ trên các ngôi mộ. Trời êm ả nhưng lại nóng quá sức, nhất là đối với khách đi đường xa, nhưng cái nóng không ngăn được tôi thưởng thức phong cảnh tuyệt đẹp trên núi cao và dưới thung lũng thấp kia. Nếu nhằm tháng tám chắc tôi dám ở lại nơi cô quạnh này cả tháng cũng nên. Mùa đông ở đây quả là thê lương nhưng mùa hạ thì lại đẹp tuyệt vời với những thung lũng hẹp nằm gọn giữa bốn bề đồi núi và những gò đá dốc đứng, sắc nét.

Tôi tới Họa Mi Trang trước khi trời tối. Tôi gõ cửa. Bên trong im lìm. Nhìn lên mái bếp có một làn khói xanh bay tỏa tôi đoán là mọi người ở cả phía sau nhà nên không nghe tiếng tôi gọi. Tôi vào sân. Một con bé chừng chín mười tuổi đang ngồi đan dưới cửa và một mụ già đứng tựa bực tam cấp mơ màng hút thuốc.

Tôi hỏi:

“Bà Diễn có nhà không?”

“Bà Diễn à? Không. Bà ta không ở đây nữa, ở trên kia, trên Đỉnh Gió Hú ấy.”

“Vậy bà là người trông coi nhà?”

“Vâng, phải.”

“Tôi là Lộc, chủ nhà đây. Tôi muốn ở đây đêm nay. Có phòng cho tôi ngủ không?”

“Trời, ông chủ – mụ ngạc nhiên kêu lên – ông tới bất ngờ quá! Sao ông không báo trước? Chẳng có một chỗ nào khô ráo đáng để cho ông ở được trong cái nhà này. Không có chỗ nào cả.”

Mụ vứt tẩu thuốc xuống, hối hả đi vào, con nhỏ theo sau. Tôi cũng vào và nhận thấy ngay là mụ ta nói đúng. Thấy việc tôi đến đột ngột làm mụ ta quýnh cả lên, tôi vội trấn an, bảo mụ cứ từ từ mà làm việc. Tôi nói tôi đi dạo quanh nhà, mụ liệu dọn dẹp một góc phòng khách làm nơi ăn và một góc phòng ngủ làm chỗ ngủ. Khỏi cần quét dọn, lau chùi: tôi chỉ cần lửa ấm và chăn nệm khô ráo. Mụ có vẻ sốt sắng, nhưng mụ lại dùng chổi bới vỉ sắt trong lò sưởi thay vì dùng que cời than và các đồ dùng khác mụ cũng xử dụng lung tung như thế. Tôi bỏ đi, để mặc mụ dọn dẹp hầu kịp có chỗ ngủ khi tôi trở về.

Trại Gió Hú mới thực là mục đích chuyến đi này của tôi. Đã đi ra khỏi sân rồi, nghĩ thế nào, tôi quay về hỏi mụ già:

“Ở Gió Hú mọi chuyện vẫn bình thường chứ?”

“Dạ, dạ. Theo tôi biết thì vẫn bình thường.”

Mụ vừa đáp vừa bưng một chảo tro nóng chạy biến đi. Tôi định hỏi vì sao bà Diễn lại không ở Họa Mi Trang nữa nhưng thấy mụ ta vội vội vàng vàng như thế nên tôi lại thôi và quay ra cửa đi luôn. Tôi đi thong thả. Khi tôi ra khỏi vườn trại đi trên con đường đá dẫn đến nhà ông Hy thì ánh mặt trời lặn phía sau lưng lịm dần đi và ánh trăng lên mờ dịu phía trước mỗi lúc một sáng tỏ hơn.

Trước khi tầm mắt tôi có thể trông thấy tòa nhà Gió Hú thì ánh sáng ban ngày chỉ còn rơi rớt một dải sáng lờ mờ màu hổ phách chạy dài ở phía tây. Tuy nhiên nhờ ánh trăng tỏ tôi vẫn thấy rõ từng viên sỏi từng ngọn cỏ trên đường.

Chẳng cần phải trèo qua cổng hay gõ cửa… lần này tôi chỉ khẽ đẩy là mở ra được. Có tiến bộ rồi đấy! Tôi nghĩ thầm. Mũi tôi lại phát hiện thêm một tiến bộ nữa: trong đám cây ăn trái trồng trong vườn nhà một mùi hoa đinh hương thoang thoảng bay trong không khí.

Cửa ra vào và cửa sổ đều mở. Tuy nhiên, theo thói thường trong một khu vực có sẵn than, lửa trong lò sưởi lúc nào cũng vẫn cháy đỏ rực. Cảnh an lạc khiến người ta quên cả hơi lửa nóng. Vả lại phòng ở Gió-Hú rộng lắm nên người trong nhà có thừa chỗ để ngồi xa hơi nóng lò sưởi. Những người trong nhà lúc ấy tụ tập gần một chiếc cửa sổ. Chưa bước vào nhà mà tôi đã trông thấy và nghe thấy họ chuyện trò. Tôi chần chờ đứng đó và bỗng nẩy ra ý tưởng tò mò không vào ngay để coi xem họ làm gì và nói gì với nhau.

Một giọng ngọt và trong như tiếng chuông cất lên:

“Trái lại! Đây là lần nhứ ba em nhắc lại đấy nhớ, anh dốt như bò! Em không nhắc lại nữa đâu… cố mà nhớ lấy, nếu không em giựt tóc cho mà coi!”

Một giọng khác, trầm và dịu, đáp:

“Trái lại, đúng chưa? Thôi bây giờ hôn anh đi, anh nhớ đúng mà!”

“Không. Đọc tất cả lại cho thật đúng cái đã. Không sai một chữ nào mới được!”

Gã đàn ông bắt đầu đọc. Đó là một thanh niên ăn bận bảnh bao, một cuốn sách đặt trước mặt. Vẻ mặt vui tươi, gã đọc sách mà cứ chốc chốc lại liếc nhìn trộm bàn tay đặt trên vai gã, bàn tay thon nhỏ trắng trẻo sẵn sàng tặng gã một cái bạt tai mỗi khi gã tỏ ra lơ đãng.

Người có bàn tay đẹp ấy đứng sau lưng gã. Lọn tóc vàng óng ả của nàng quyện vào mái tóc nâu của gã học trò mỗi khi nàng cúi xuống giám sát việc học. Và gương mặt nàng – cũng may mà gã không thấy được khuôn mặt ấy – nếu không thì gã chẳng thế nào chăm chú vào việc học hành cho nổi. Tôi thì tôi trông thấy nên phải cắn môi hối tiếc trước kia mình đã để lỡ cơ hội làm một cái gì khác hơn là để bây giờ phải đứng đây nhìn trộm nhan sắc quyến rũ của nàng.

Bài học đã xong, không phải là không có thêm lỗi nào nữa nhưng anh học trò cứ đòi thưởng và được ít nhất năm cái hôn. Rồi họ đi ra cửa. Nếu lúc này tôi để lộ hình tích vô duyên của mình ra thì cái anh chàng Hạ này sẽ rủa tôi thậm tệ là cái chắc. Tốt hơn là tôi nên lỉnh ngay, mặc dù tôi biết làm như vậy là kỳ cục. Tôi lẻn phía cửa sau vào bếp. Ở đó tôi thấy bà bạn cũ của tôi, bác Diễn, đang ngồi ở cửa khâu vá, miệng hát khe khẽ. Bác bỗng ngưng hát vì một giọng nói chua như dấm vọng ra:

“Tôi thà bị chửi còn sướng lỗ tai hơn nghe bà hát lải nhải mãi – tiếng người từ trong bếp như để trả lời câu gì của bác Diễn mà tôi không nghe rõ – Thực rõ là xấu hổ! Chả lúc nào tôi được yên thân mở Thánh Kinh ra đọc mà không bị giọng hát của bà phá đám. Bà thực là đồ vô tích sự! Mà cả “bà kia” cũng vô tích sự nốt. Cái thằng nhãi đáng thương rồi cũng đến hư đến hỏng vì hai bà mà thôi…”

Bác Diễn cãi lại:

“Thôi, thôi, ông im đi, ông già, ông cứ việc đọc Thánh Kinh cho trọn đạo, để ý đến tôi làm gì…”

Bác định hát nữa nhưng tôi đã bước vào. Nhận ngay ra tôi, bác vội đứng dậy, bật kêu lên:

“Trời đất! Ông Lộc! Ông nghĩ sao mà lại quay trở lại đây nữa thế? Bên Họa Mi Trang đã đóng cửa rồi, đáng lý ông phải báo cho chúng tôi biết trước để chúng tôi dọn dẹp đón tiếp mới phải!”

Tôi đáp:

“Tôi đã thu xếp ở tạm một bữa. Sáng mai tôi đi rồi. Sao bác lại dọn sang đây ở thế, bác Diễn?”

“Chị Dị nghỉ việc. Ngay sau khi ông đi Luân Đôn ông Hy bảo tôi sang đây ở cho tới khi ông về. Nhưng mời ông vào nhà ngồi chơi cái đã! Ông đi bộ từ Diên Mễ Tôn tới chiều nay?”

Tôi đáp:

“Tôi đi từ Họa Mi Trang. Trong lúc bà già dọn phòng cho tôi thì tôi tới đây để thanh toán công chuyện với ông chủ của bác vì tôi chắc sẽ chẳng có dịp nào dễ dàng đến đây được nữa.

Bác Diễn đưa tôi vào trong nhà, hỏi:

“Thưa ông, công chuyện gì cơ ạ? Chủ tôi hiện ra ngoài và chắc lâu mới về.”

“Vấn đề tiền nhà ấy mà.”

“Nếu vậy thì ông phải thu xếp với bà Tôn hoặc với tôi. Bà Tôn chưa quen điều khiển công việc và tôi làm thay bà ấy. Ngoài ra không có ai khác.

Tôi ngạc nhiên. Bác Diễn nói tiếp:

“Ôi! Thế ra ông chưa biết chuyện ông Hy chết?”

Tôi sửng sốt kêu lên:

“Ông Hy chết? Bao lâu rồi?”

“Cách đây ba tháng. Kìa, ông hãy ngồi xuống đã. Ông đưa mũ cho tôi rồi để tôi kể ông nghe. Khoan, chắc ông chưa ăn uống gì, có phải thế không ạ?”

“Bác để mặc tôi. Tôi đã dặn ở nhà làm cơm rồi. Bác cũng ngồi xuống đi. Tôi không thể ngờ ông ta lại có thể chết được. Đầu đuôi ra sao? Bác vừa nói chủ nhân đi ra ngoài… có phải bác muốn nói mấy người trẻ tuổi ấy không?”

“Thưa vâng. Chiều nào tôi cũng phải mắng hai cô cậu ấy vì đi chơi lâu quá, nhưng họ bất chấp… Nhưng, ít ra cũng phải mời ông nhắm thử chút rượu bia quý lâu năm, ông sẽ thấy dễ chịu… coi bộ ông có vẻ mệt.”

Tôi chưa kịp từ chối thì bác ta đã chạy vụt đi lấy rượu. Tôi nghe có tiếng lão Dọi nói: “Thế này thì có tai tiếng không chứ? Già rồi mà còn lẳng lơ, nhân tình nhân ngãi… Lại còn tiếp người ta ở ngay trong phòng khách của chủ nhân nữa chứ. Già này cũng lấy làm xấu hổ.”

Bác Diễn không đứng lại cãi. Chỉ một thoáng sau bác trở lại, tay bưng một cái bình bạc đầy tràn bọt rượu. Tôi uống và tấm tắc khen ngon. Rồi bác ta kể tiếp câu chuyện. Theo lời bác Diễn kể thì ông Hy đã chết một cách “kỳ quái”.

°

Ông đi cỡ nửa tháng thì tôi được gọi sang bên Gió Hú. Nghĩ đến Liên tôi vui vẻ tuân lời ngay. Hôm đầu gặp nàng, tôi buồn bực hết sức. Mới xa cách nhau ít lâu mà không ngờ nàng lại thay đổi đến thế. Ông Hy không nói lý do vì sao ông đổi ý gọi tôi đến đây; ông chỉ bảo là ông cần tôi và ông ngán thấy mặt Liên lắm rồi. Tôi phải dọn cái phòng khách nhỏ làm phòng chơi và giữ Liên ở đó với tôi. Mỗi ngày ông Hy chỉ phải gặp nàng một đôi lần là quá đủ rồi.

Liên thích lối thu xếp như vậy. Dần dà tôi lén đem về rất nhiều sách và đồ chơi trước kia vốn là thú tiêu khiển của nàng ở Họa Mi Trang. Tôi mừng thầm là nàng và tôi được sống khá đầy đủ dễ chịu.

Nhưng ước vọng ấy không được lâu. Thoạt đầu Liên tỏ vẻ bằng lòng, nhưng chỉ ít lâu sau nàng bực bội khó chịu vì nàng bị cấm không được ra vườn, cứ phải ru rú trong nhà khi mùa xuân đang đến gần. Lý do khác nữa là tôi vì bận lo công việc này nọ bắt buộc phải xa nàng luôn, nàng than cảnh cô độc và thích gây chuyện với lão Dọi ở trong bếp còn hơn là thui thủi một mình trong phòng. Tôi kệ họ chí chóe với nhau, nhưng Hạ lắm lúc cũng buộc phải mò xuống bếp mỗi khi ông chủ muốn độc chiếm nhà trên. Lúc đầu, cứ hễ Hạ vào thì nàng ra, hoặc đến bên tôi lẳng lặng giúp việc tôi và tránh không để ý, không nói chuyện với Hạ. Còn Hạ thì sưng sỉa và câm lặng. Sau một thời gian, nàng đổi thái độ. Nàng không chịu để Hạ yên. Nàng chê Hạ lười biếng và ngu dốt.

Nàng nói:

“Vú Diễn này, anh ấy chẳng khác nào một con chó hay một con ngựa kéo xe, vú nhỉ? Hết làm việc, rồi ăn, rồi ngủ, cứ thế! Chắc đầu óc anh ấy trống rỗng và u tối lắm. Này, anh Hạ, có bao giờ anh mơ mộng không nhỉ? Ừ, mà mơ mộng cái quái gì? Kìa, anh không mở miệng nói chuyện với tôi được sao?”

Nàng nhìn Hạ. Nhưng Hạ vẫn nín thinh, không nhìn nàng. Liên nói tiếp:

“Có thể anh chàng đang mơ mộng đấy… Trông anh ta co rúm vai lại kìa… này vú Diễn, vú hỏi thử anh ấy đi!”

Hạ không những co vai mà còn nắm chặt bàn tay lại như muốn đấm ai. Tôi nói:

“Chú Hạ sẽ lên mách ông chủ tống cổ cô lên lầu bây giờ nếu cô không giữ đứng đắn một chút.”

Một lần khác, Liên kêu lên:

“Tôi biết tại sao anh ấy câm như hến khi có tôi ở trong bếp rồi. Anh ta sợ tôi cười. Có đúng thế không, vú Diễn? Có lần anh ấy tự đọc sách, vì tôi cười nên anh chàng đem đốt sách đi và bỏ học luôn… như thế có phải là điên không?”

Tôi chỉnh lại:

“Như thế có phải là cô ác không?”

“Có lẽ, nhưng tôi không ngờ anh ấy lại khùng đến mức ấy. Hạ này, nếu bây giờ tôi cho anh một cuốn sách anh có lấy không? Đây này…”

Liên đặt vào tay Hạ cuốn sách nàng đang đọc. Anh chàng hất đi và lầu bầu nói nếu cô nàng còn lôi thôi anh chàng sẽ vặn cổ.

Nàng nói:

“Thôi được. Tôi để đây, trong ngăn kéo bàn này. Tôi đi ngủ đây.”

Rồi nàng rỉ tai tôi để ý dò hộ xem Hạ có rớ tới cuốn sách không, nhưng Hạ không tới gần bàn. Sáng sau tôi nói lại cho Liên biết, cô nàng có vẻ thất vọng lắm. Tôi thấy Liên buồn vì thấy Hạ lúc nào cũng giận dỗi và lười biếng. Nàng cũng hối hận đã chế giễu Hạ khiến anh chàng không dám học hành và khéo léo sửa sai lỗi lầm ấy của mình.

Những khi tôi bận ủi quần áo hoặc làm những việc vặt khác ở phòng khách Liên thường lấy một cuốn sách đọc to lên cho tôi nghe. Nếu có mặt Hạ, đọc đến quãng nào hay, nàng thường ngừng lại để ngỏ sách. Cách này nàng thường áp dụng luôn. Nhưng anh chàng vẫn cứng đầu cứng cổ không chịu cắn câu. Thay vào đó vào những ngày mưa anh chàng lại gần Dọi hút thuốc và hai người ngồi im như hai pho tượng ở hai bên lò sưởi. Những buồi chiều đẹp trời thì Hạ xách súng đi săn. Liên ngáp, thở dài, trêu tôi để tôi phải nói chuyện với nàng. Nhưng khi tôi vừa mở miệng thì nàng lại bỏ chạy ra sân hay ra vườn. Cách cuối cùng của nàng là giở trò… khóc, nàng khóc và kêu đời vô dụng, không thiết sống…

Ông Hy ngày càng khó tính không muốn tiếp xúc với mọi người. Ông gần như đuổi Hạ ra khỏi phòng mình. Đầu tháng ba, Hạ bị một tai nạn phải nằm yên một chỗ trong bếp mất mấy ngày. Chả biết làm ăn ra sao mà trong lúc đi săn một mình Hạ để súng nổ, đạn xuyên vào cánh tay mất nhiều máu trước khi chàng chạy về tới nhà. Anh chàng bắt buộc phải nằm yên một chỗ bên lò sưởi cho tới khi vết thương lành lặn.

Thấy Hạ phải ở luôn trong bếp như thế, Liên thích lắm. Chưa bao giờ nàng ghét ở trên lầu trong phòng nàng như lúc đó. Nàng lại bắt tôi phải bới việc ra làm ở dưới nhà để nàng có thể bám theo tôi.

Ngày thứ hai, lễ Phục Sinh, Dọi dắt mấy con bò ra chợ Diên Mễ Tôn bán. Trưa hôm đó tôi mắc ủi quần áo trong bếp. Hạ ngồi ủ rũ bên lò sưởi. Còn Liên thì vẽ lăng nhăng trên cửa kính cho qua thì giờ rỗi, thỉnh thoảng lại cất tiếng hát hoặc liếc nhanh xem người anh họ có phản ứng gì không, nhưng anh chàng chỉ lẳng lặng hút thuốc, mắt đăm đăm nhìn lửa.

Nhân lúc tôi kêu nàng đứng che mất ánh đèn tôi không làm việc được, Liên có cớ đi về phía lò sưởi. Tôi không mấy để ý đến hành động của nàng cho tới lúc bất chợt tôi nghe nàng nói:

“Hạ này, bây giờ thì tôi muốn… tôi thích… xem anh là anh họ tôi nếu anh không còn gắt gỏng với tôi nữa…”

Hạ yên lặng. Liên nói tiếp:

“Kìa, anh Hạ, anh có nghe tôi nói không?”

Anh chàng đáp cộc lốc:

“Cút đi!”

“Cho tôi lấy cái tẩu thuốc này nghe!”

Vừa nói nàng vừa đưa tay rút chiếc píp trong miệng Hạ. Anh chàng chưa kịp giật lại thì cái píp đã bị quăng vào lò sưởi. Hạ văng một tiếng chửi thề và lấy ra cái tẩu khác. Nàng kêu:

“Thôi! Anh phải nghe tôi nói trước đã! Khói thuốc bay um vào mặt tôi làm sao tôi nói được!”

Hạ giận dữ la lên:

“Có xéo đi ngay không! Để tôi yên!”

“Không, tôi không đi đâu hết… Tôi không biết làm cách nào để bắt anh nói chuyện với tôi, còn anh, anh cố chấp không chịu hiểu. Khi tôi bảo anh là đồ ngu, tôi thực tình không có ý gì… Tôi không có ý khinh rẻ anh đâu. Thôi, đừng làm mặt dửng dưng với tôi nữa. Hạ… anh là anh họ tôi, anh phải nhìn nhận tôi là em họ anh.”

“Tôi chả dính dáng gì với cô với tính kiêu ngạo và những trò trêu trọc chết tiệt của cô! Tôi chết xuống địa ngục còn hơn là phải làm lành với cô. Thôi, bây giờ cô tránh ra chỗ khác cho tôi nhờ!”

Liên cau mặt, cắn môi rút lui ra ngồi bên cửa sổ. Nàng khẽ hát một điệu hát kỳ quặc để cố nén khỏi bật khóc.

Tôi xen vào, nói:

“Cậu Hạ, cậu nên làm lành với cô em họ cậu đi. Cô ấy đã biết hối lỗi rồi đấy! Như vậy sẽ rất tốt cho cậu. Có cô ấy làm bạn, cậu sẽ trở thành một con người khác.”

Anh chàng kêu lên:

“Làm bạn? Khi cô ấy đã khinh tôi, bảo tôi không đáng xách dép cho cô ấy? Không! Không bao giờ! Có cho tôi làm vua tôi cũng chả cầu cạnh cô ấy để rồi lại bị khinh miệt nữa.”

Không còn giấu cơn xúc động của mình, Liên vừa mếu máo khóc vừa nói:

“Không phải tôi khinh anh. Chính anh khinh tôi thì có. Anh ghét tôi giống như ông Hy ghét tôi, ghét hơn là đằng khác!”

Hạ cãi:

“Đừng nói điêu! Tôi ghét cô mà sao lại bênh vực cô cả trăm lần khiến ông Hy phải nổi giận? Ấy vậy mà cô còn chế giễu phỉ báng tôi… Cô cứ tiếp tục làm tình làm tội tôi đi. Tôi đi khỏi đây và sẽ nói là cô làm rầy tôi để tôi phải đi ra khỏi nhà bếp.”

Liên lau nước mắt đáp:

“Thực tình tôi đâu có biết là anh đứng về phe tôi. Với lại hồi ấy tôi khổ sở quá nên hằn học với hết thẩy mọi người. Bây giờ thì tôi cám ơn anh và chỉ biết xin anh tha lỗi, chứ tôi còn biết làm gì hơn nữa?”

Nàng lại đi về phía lò sưởi, thẳng thắn chìa tay ra. Mặt Hạ xa xầm, tay nắm chặt, cúi gầm xuống nhìn đất. Do linh tính Liên đoán biết chàng đổ quạu như thế là do cố chấp chứ không phải do oán ghét, nên sau khi do dự một chút, nàng cúi đầu xuống hôn nhẹ một cái lên má chàng.

Cô ả tinh quái tưởng tôi không nhìn thấy, lùi lại quay về ngồi bên cửa sổ như cũ làm bộ nghiêm trang. Tôi lắc đầu tỏ ý trách, Liên thấy thế đỏ mặt ghé tai tôi phân trần:

“Nhưng em còn biết làm cách nào khác, hả vú Diễn? Anh ấy không chịu bắt tay em, không buồn nhìn em… Em phải tỏ bằng cách nào khác để anh ấy hiểu là em mến anh ấy, rằng em muốn làm thân…”

Tôi thì tôi chả biết cái hôn có đủ sức thuyết phục được Hạ không. Anh chàng cẩn thận giấu mặt chẳng cho ai thấy. Vài phút sau khi Hạ ngửng lên thì chàng bối rối không biết đặt mắt nhìn đâu.

Liên lấy một tờ giấy trắng tinh ra công bọc một cuốn sách đẹp, thắt nơ cẩn thận rồi đề mấy chữ: “Tặng Yên Hạ”. Nàng lại muốn tôi đóng vai sứ giả chuyển món quà đến người nhận. Nàng nói:

“Vú cứ bảo là nếu anh ấy nhận thì em sẽ xuống dậy anh ấy đọc cho đúng. Bằng không thì em sẽ lên lầu ngay và không bao giờ chọc anh ấy nữa.”

Liên lo lắng theo dõi tôi đưa sách cho Hạ và nhắc lại lời nhắn. Hạ không buồn cầm cuốn sách khiến tôi phải đặt sách trên đùi chàng. Nhưng Hạ không hất sách đi. Tôi quay về tiếp tục công việc. Liên tựa đầu vào khuỷu tay đặt trên bàn cho đến khi nghe tiếng sột soạt nhè nhẹ giở tờ giấy bọc ngoài. Nàng len lén đến ngồi lặng lẽ bên cạnh nguời anh họ. Chàng run lên, mặt đỏ bừng. Tất cả vẻ thô lỗ, quạu cọ biết mất. Thoạt đầu Hạ chưa có đủ can đảm để thốt lên một lời nào trước cái nhìn dò hỏi và lời năn nỉ của Liên:

“Hãy nói là anh tha thứ cho em đi, anh Hạ. Anh chỉ nói một tiếng thôi là em sung sướng vô cùng…”

Hạ khẽ đáp câu gì tôi nghe không rõ. Liên lại hỏi:

“Và anh sẽ là bạn em?”

“Không. Cô còn sống ngày nào cô sẽ còn xấu hổ vì tôi ngày nấy. Càng biết rõ tôi cô càng xấu hổ vì tôi và tôi không thể chịu được thế.”

“Vậy anh không muốn làm bạn em ư?”

Nàng tươi cười nói và ngồi xích lại gần Hạ. Tôi không nghe rõ hai người rì rầm nói chuyện. Nhưng khi tôi quay lại thấy hai khuôn mặt rạng rỡ cùng cúi xuống trang sách tôi biết chắc chắn là hai bên đã phê chuẩn hòa ước và từ nay, hai kẻ thù sẽ trở thành đồng minh trọn đời.

Cuốn sách có đầy những hình ảnh đẹp. Cách họ ngồi bên nhau cũng đẹp. Họ ngồi lặng yên sát vào nhau cho đến khi Dọi về. Thấy Liên cùng ngồi chung một ghế với Hạ, tay nàng khoác lên vai chàng, lão ngạc nhiên ngẩn người ra. Lão không thể hiểu nổi vì sao gã trai cưng của lão lại dở chứng chịu để cho thiếu phụ kia ngồi sát bên cạnh. Quá xúc động trước “biến cố” này gã không thốt lên được một lời suốt buổi chiều hôm ấy. Buổi tối lão thở dài não nuột, trịnh trọng đặt cuốn Thánh Kinh lên bàn, rút từ trong ví ra một mớ giấy bạc (tiền bán bò ngày hôm đó), rồi gọi Hạ bảo:

“Đưa số tiền này cho ông chủ rồi ở luôn trên ấy. Tôi cũng đi về phòng tôi đây. Chỗ này không tốt. Không thích hợp với bọn mình. Phải dọn đi chỗ khác…”

Tôi nói:

“Thôi, Liên, mình cũng phải dọn đi nơi khác. Cô đã muốn lên lầu chưa?”

Nàng bất đắc dĩ đứng dậy, đáp:

“Chưa đến tám giờ mà vú? Anh Hạ này, em để cuốn sách trên lò sưởi, mai em mang thêm mấy cuốn nữa.”

Dọi xía vào nói:

“Cô mà bỏ sách ở đây tôi sẽ vứt vào phòng khách, cho cô tha hồ mà kiếm!”

Liên dọa sẽ trả đũa phá tủ sách của lão. Rồi nàng cười đi qua mặt Hạ vừa lên cầu thang vừa hát. Tôi dám chắc rằng kể từ khi nàng đến ở dưới mái nhà này, có lẽ chỉ trừ mấy lần đầu tiên đến thăm Tôn, chưa bao giờ lòng nàng được thư thái như tối hôm ấy.

Tình thân giữa Liên và Hạ nẩy nở rất nhanh, mặc dầu cũng có đôi lúc tạm thời bị gián đoạn. Việc khai hoá cho Hạ không phải cứ muốn là được ngay. Liên chẳng phải là người mẫu mực về đức tính kiên nhẫn để có thể cải hóa chàng một cách nhanh chóng. Nhưng vì cả hai người đều đồng một lòng – họ yêu nhau và cùng muốn được yêu – nên sau cùng họ đạt được mục đích.

Ông Lộc, ông xem đấy: muốn chiếm hữu trái tim của bà Tôn đâu có gì là khó. Nhưng bây giờ… tôi cũng mừng là trước kia ông đã không thử… Điều mong ước tuyệt đỉnh của tôi là thấy đôi trẻ ấy kết hôn với nhau. Ngày họ lấy nhau, tôi sẽ không ghen tị với bất cứ ai trên đời, vì ở trong toàn cõi nước Anh phỏng còn có một người đàn bà nào sung sướng hơn tôi!

Chương XXXIII

Sau hôm thứ hai ấy vì Hạ vẫn chưa làm được những công việc nặng thường ngày nên chàng vẫn quanh quẩn ở nhà. Tôi thấy ngay là mình khó lòng giữ Liên ở bên cạnh tôi như trước. Sáng sớm nàng xuống dưới nhà trước cả tôi rồi đi ra vườn, tới chỗ Hạ đang làm một công việc nhẹ gì đó. Khi tôi ra mời họ vào ăn sáng thì Liên đã thuyết phục được anh chàng phạt quang một khoảng cây phúc bồn tử trong vườn và bàn tính với nhau đem cây ở bên Họa Mi Trang về trồng thay vào đấy.

Tôi đâm hoảng vì trong vòng có nửa giờ mà Hạ đã phá tan hoang. Cây phúc bồn tử đối với lão Dọi cũng quý chẳng khác nào bản thân lão, ấy thế mà nàng tính phạt đi hết để trồng hoa có chết không chứ?”

Tôi hét lên:

“Này! Lão mà thấy sẽ mách ông chủ ngay lập tức. Rồi cô cậu sẽ ăn nói ra làm sao dám tự tiện phá vườn như thế này? Hai người sẽ bị nhừ đòn cho mà xem! Cậu Hạ, cậu còn lạ gì tính nết ông chủ, thế mà cậu lại nghe lời cô ấy phá tan tành thế kia?”

Hạ lúng túng nói:

“Tôi quên khuấy đi mất là mấy cây này của Dọi. Nhưng tôi sẽ bảo là chính tôi phá đấy.”

Chúng tôi vẫn ăn cơm chung với ông Hy. Tôi giữ phận sự thay chủ nhà để cắt thịt và pha trà nên bữa ăn cần có tôi. Mọi bữa Liên vẫn ngồi cạnh tôi nhưng hôm ấy nàng ra ngồi cạnh Hạ. Tôi thấy ngay là bây giờ cô nàng không che dấu tình bạn của mình với Hạ, cũng như trước kia, không hề che giấu lòng thù ghét chàng.

Trước khi vào phòng tôi đã dặn khẽ nàng:

“Này, cô liệu đấy, đừng có tỏ ra quá săn sóc và nói chuyện nhiều với Hạ, ông Hy ông ấy không thích đâu, ông sẽ giận cả hai người đấy!”

Liên đáp:

“Em sẽ không làm thế đâu!”

Một phút sau, nàng đã ngồi bên cạnh Hạ và gắp đậu trong đĩa của chàng sang đĩa mình. Anh chàng không dám nói gì, chỉ khẽ ngước nhìn lên một tí. Nhưng cô nàng vẫn tiếp tục trêu làm anh chàng hai lần suýt không nhịn được cười. Tôi cau mày. Liên đưa mắt nhìn ông chủ, nhưng dường như ông Hy đương mải suy nghĩ chuyện gì không để ý đến cử chỉ của những người khác. Liên chăm chú nhìn ông ta và nghiêm trang được một lúc. Nhưng lát sau nàng lại quay đi và tiếp tục cái trò của mình. Hạ không nhịn được, bật lên cười. Ông Hy giật mình, đưa mắt soi mói nhìn chúng tôi. Liên nhìn lại. Nàng vẫn giữ thái độ hằn học và thách đố mà ông Hy rất ghét. Ông la lên:

“May cho mày ngồi ngoài tầm tay của tao! Con quỷ nào sai khiến mày nhìn tao trừng trừng vậy? Nhìn xuống đi! Đừng làm tao nhớ đến sự có mặt của mày ở đây. Tao tưởng tao đã chữa cho mày hết cười rồi chứ?”

Hạ lắp bắp:

“Con cười đấy ạ.”

“Mày nói sao?”

Hạ cúi gầm mặt xuống đĩa ăn, không dám nhắc lại lời vừa nói. Ông Hy nhìn Hạ một cái rồi tiếp tục bữa điểm tâm và nối lại dòng suy tưởng vừa bị ngắt quãng. Chúng tôi ăn gần xong bữa. Liên và Hạ bây giờ khôn hồn ngồi xa nhau ra. Đúng lúc tôi tưởng không còn chuyện gì xẩy ra nữa thì Dọi lù lù xuất hiện ở cửa. Thấy môi lão run lên, mắt long sòng sọc, tôi biết ngay là lão đã khám phá ra mấy cây quý của lão bị phá. Chắc lão đã thấy Liên và Hạ ở khu vườn đó trước khi lão ra kiểm kê sự thiệt hại. Lão mấp máy đôi quai hàm như con bò nhai cỏ trước khi bật lên một tràng nghe thật khó hiểu:

“Tôi muốn được trả lương rồi tôi nghỉ việc! Tôi muốn chết ở nơi tôi đã làm năm sáu chục năm, tôi tính khuân hết sách vở của tôi lên gác xép, và mọi thứ đồ nghề của tôi, để cả nhà bếp cho riêng họ… để tôi được yên cái thân già. Phải nhường cái lò sưởi trong góc bếp quen thuộc của tôi, tôi buồn lắm nhưng không biết sao hơn! Bây giờ thì người ta lại chiếm đoạt cái vườn của tôi, thưa ông chủ, tôi không không thể nào chịu nổi. Tôi thà đi đập đá để kiếm miếng cơm còn hơn…”

Hy ngắt lời:

“Thôi! Khoan đã! Ông kêu ca việc chi? Tôi không muốn dính vào những việc xích mích giữa ông và bà Diễn. Bà ta có thể quẳng ông vào hố than họa may tôi mới can thiệp.”

“Không phải bà Diễn! Lạy Chúa! Nếu là bà ta thì tôi đã chẳng đi mặc dù bà ta cũng là đồ xấu xa vô tích sự. Cái con nhỏ hư đốn kia đã mê hoặc thằng nhỏ nhà mình đến nỗi… nói ra đau lòng… thằng nhỏ quên hết tôi làm gì cho nó và nó đi nó nhổ hết trơn một dẫy cây phúc bồn tử đẹp nhất vườn của tôi!”

Nói đến đây lão già bắt đầu mếu máo. Ông Hy hỏi:

“Lão có say rượu không đấy? Hạ, có phải lão nói mày không?”

Hạ đáp:

“Con có nhổ hai ba bụi, để con trồng trả lại.”

“Nhưng ai khiến mày nhổ đi?”

Liên khôn khéo xen vào:

“Bọn tôi định trồng ít hoa ở đấy. Lỗi là lỗi ở tôi vì tôi nhờ Hạ nhổ cây lên.”

Ông bố chồng ngạc nhiên:

“Ai cho phép mày đụng đến một tấc đất ở đây, hả?”

Rồi quay sang Hạ, Hy hỏi:

“Và ai ra lệnh cho mày nghe theo lời nó?”

Hạ ngồi im. Liên cãi lại:

“Ông lấy hết ruộng đất của tôi thì không sao. Thế mà tôi mới lấy có mấy thước đất để trồng hoa thì ông la lối.”

“Đất của mày? A, con này hỗn thật! Mày làm gì có đất bao giờ?”

“Cả tiền bạc của tôi nữa!”

Liên vừa nói vừa cắn mẩu bánh cuối cùng của nàng, mắt nhìn thẳng vào đôi mắt nẩy lửa của Hy.

“Im ngay! Cút đi!”

Liên không chịu thua, nói:

“Cả ruộng đất của Hạ, cả tiền bạc của Hạ… Hạ và tôi bây giờ là bạn nhau. Tôi sẽ nói cho Hạ biết rõ về ông!”

Hy bối rối một lúc, mặt tái đi, đứng dậy, mắt không rời Liên, ánh nhìn đầy thù hận. Liên nói cứng cỏi:

“Nếu ông đánh tôi, Hạ sẽ đánh ông. Ông biết điều ngồi xuống thì hơn.”

Hy hét:

“Thằng Hạ mà không tống cổ mày ra ngoài thì tao sẽ đập cho nó chết! Đồ yêu tinh! Mày dám xúi nó chống lại tao hả? Tống cổ nó ra! Có nghe thấy không? Ném nó xuống bếp kia! Bà Diễn, tôi sẽ giết nó nếu bà còn để nó lảng vảng trước mắt tôi.”

Hạ khẽ bảo nàng nên tránh đi. Hy gầm lên:

“Mày có tổng cổ nó không nào? Hay còn ngồi đó mà chuyện trò?”

Hy tiến tới, định tự thi hành lệnh của mình. Liên nói:

“Anh Hạ không tuân lệnh ông nữa đâu. Đồ độc ác! Tôi khinh ghét ông thế nào thì anh ấy cũng sẽ khinh ghét ông như thế!”

Hạ giọng trách móc khẽ nói:

“Suỵt! Tôi không thích nghe cô đối đáp như vậy. Thôi đi!”

“Nhưng anh không để cho ông ta đánh em chứ?”

“Vậy thì đi ngay đi!”

Giọng Hạ cương quyết. Nhưng chậm quá, Hy đã xông tới túm lấy nàng và bảo Hạ:

“Bây giờ mày đi đi. Còn con quỷ này, mày khiêu khích tao đúng vào lúc tao không chịu được. Mày sẽ hối hận cho đến ngày mày chết, nghe chưa?”

Hy túm tóc nàng. Hạ vừa cố gỡ tóc nàng ra vừa năn nỉ Hy tha cho nàng lần này. Hy, đôi mắt tóe lửa, tựa như sắp xé xác nàng ra từng mảnh. Tôi xông tới cứu Liên.

Đột nhiên Hy buông đầu nàng ra, nắm cánh tay Liên và ngó nàng trừng trừng. Rồi đưa tay lên che mắt, đứng lặng một hồi lâu như để tĩnh trí, ông ta cố làm ra vẻ trấn tĩnh, nói:

“Cô liệu hồn đừng chọc giận tôi, kẻo có ngày tôi giết cô! Xéo đi ở với bà Diễn, muốn ăn nói xấc xược thì nói với bà ta. Còn thằng Hạ, nếu tôi thấy nó nghe lời cô thì tôi sẽ tống cổ nó đi đâu kiếm ăn mặc xác nó. Tình yêu của cô sẽ biến nó thành đứa ăn mày, hiểu chưa? Bà Diễn, bà đem nó đi. Để tôi yên. Tất cả để tôi yên!”

Tôi dắt Liên đi ra. Nàng mừng húm vì thoát nạn một cách ngon lành. Hạ cũng theo ra. Thế là ông Hy chiếm độc một mình một phòng cho đến bữa cơm chiều. Tôi khuyên Liên nên ăn trên lầu nhưng khi thấy ghế nàng bỏ trống, Hy cho người lên gọi nàng xuống. Ông không nói năng với ai, ăn rất ít rồi đi ra ngay, dặn sẽ về muộn.

Trong lúc Hy đi vắng, đôi bạn trẻ chiếm nguyên phòng chính. Tôi nghe Hạ nghiêm khắc trách Liên. Chàng không muốn nghe chuyện Liên định kể việc ông Hy đối xử với cha chàng trước kia ra sao. Hạ nói là cho dẫu ông Hy có là giống quỷ đi nữa chàng sẽ đứng về phe ông và không thể để ai nói xấu ông trước mặt mình. Chẳng thà nàng chửi bới chàng như trước kia chàng còn thích hơn là nghe nàng thóa mạ ông Hy.

Liên tức lắm khi nghe Hạ nói thế. Nhưng chàng đã tìm được cách khiến nàng phải im miệng. Hạ hỏi chứ nếu chàng nói xấu cha nàng thì liệu nàng có bằng lòng không? Liên hiểu ngay rằng Hạ rất coi trọng thanh danh của ông chủ và đã gắn bó với ông ta bằng một sợi dây bền chắc mà lý trí không thể nào phá nổi; có thể nói đó là những dây xiềng được rèn bởi thói quen, rắp tâm tháo ra thì quả là tàn nhẫn. Từ đó trở đi Liên tránh kêu ca và không bầy tỏ lòng oán ghét Hy.

Câu chuyện bất hòa nho nhỏ ấy qua đi, hai người trở lại thân thiết và chú tâm vào việc làm hàng ngày của họ trong cương vị cậu học trò và cô thầy giáo. Buổi tối khi công việc xong xuôi tôi ngồi với họ, ngắm đôi trẻ và cảm thấy lòng êm ả thanh thản đến độ quên cả thời gian. Chắc ông cũng đã hiểu, trong một chừng mực nào đó tôi xem hai người gần như con. Đã từ lâu tôi tự hào về Liên và bây giờ tôi cũng hãnh diện không kém với Hạ. Bản chất thực thà, nồng hậu và thông minh của Hạ đã nhanh chóng xua tan lớp mây mù của sự dốt nát và hèn kém trong đó chàng được nuôi dưỡng từ hồi tấm bé. Những lời ngợi khen thành thực của Liên đã kích thích sự cần cù của Hạ. Một khi tâm trí được sáng sủa thì mặt mày chàng cũng thêm rạng rỡ, tinh anh và cao nhã. Tôi không còn nhận ra chàng là người mà tôi đã gặp hôm đầu tiên tôi tìm thấy cô chủ tôi ở Gió Hú, cái ngày mà cô nàng đã một mình đi chơi Băng Thạch Nham.

Trong khi tôi đang ngồi ngắm họ làm việc thì đêm đến đưa ông chủ về lúc nào không ai hay… Ông vào lối cửa trước bất thần tiến thẳng lại chỗ chúng tôi, đứng nhìn cả ba người, trước khi chúng tôi kịp ngửng đầu lên nhìn ông.

Tôi nghĩ ngay trong bụng: “Ôi, chẳng có cảnh nào êm đềm và vô hại hơn cảnh này, nếu ông mà mắng mỏ họ thì quả thực là đáng xấu hổ.” Thực vậy, ánh lửa hồng chiếu hai mái đầu xanh, soi rõ hai khuôn mặt trẻ thơ đầy sinh động. Mặc dầu chàng đã hai mươi ba tuổi và nàng mười tám, nhưng mỗi người đều có bao nhiêu tình ý để xúc cảm, bao nhiêu điều mới lạ để học hỏi, họ không cảm thấy hay để lộ ra những tình cảm trầm tĩnh, hết thơ mộng của tuổi trưởng thành.”

Hai người cùng ngước mắt lên và bắt gặp cái nhìn của Hy. Có lẽ ông Hy chưa bao giờ để ý thấy đôi mắt họ giống nhau như thế, và hơn thế nữa cả hai người đều có đôi mắt giống hệt đôi mắt mợ Yên Liên. Cô Tôn Liên hiện thời không còn giống mẹ ở điểm nào khác nữa, ngoại trừ vầng trán rộng và đầu mũi hơi cong khiến nàng có một nét kiêu kỳ. Còn Hạ thì giống hơn nhiều. Lúc bình thường trông chàng đã giống mợ Liên, lúc này lại càng giống một cách khác thường.

Tôi cho rằng chính những nét giống nhau ấy đã khiến ông Hy lặng người đi một lát. Rồi ông tiến tới lò sưởi với một vẻ khích động hiện rõ trên nét mặt. Vẻ khích động ấy dịu xuống mau chóng khi ông nhìn Hạ. Ông cầm lấy cuốn sách ra khỏi tay Hạ, liếc nhìn trang sách mở, rồi đưa trả lại, không nói câu nào, chỉ ra hiệu bảo Liên đi ra chỗ khác. Hạ đi theo Liên. Tôi cũng định bỏ đi nốt nhưng ông khoác tay bảo tôi ngồi lại.

Ngồi suy nghĩ một hồi lâu về cái cảnh ông vừa chứng kiến, Hy nói:

“Một kết cuộc buồn, phải không bà Diễn? Tôi đã cố gắng dùng đủ mọi cách tàn bạo mà không ngờ kết cuộc lại phi lý như thế. Tôi đã dùng sức phá hủy cả hai căn nhà, tôi đã luyện để có sức mạnh làm những việc tầy trời như Héc-Quyn [1], đến khi mọi sự xếp đặt đâu vào đấy trong tầm tay tôi thì tôi bỗng thấy chí khí mình tiêu tan như mây khói, không còn muốn động đến một ngón tay… Kẻ thù cũ của tôi không đánh tôi… lúc này là lúc tôi có thể trả thù…tôi có thể làm hại chúng qua hai đứa này, dễ như trở bàn tay! Chẳng ai có thể ngăn cản tôi… nhưng rồi, để làm gì? Ích gì? Tôi không thiết đánh nữa. Tôi không thể cất công giơ tay lên được nữa. Thật cứ như là tôi đã tốn bao nhiêu công sức để rồi cuối cùng đóng vai một người độ lượng. Không, còn khuya tôi mới độ lượng với chúng…tôi chỉ không còn cái thích thú hãm hại một cách vô cớ.”

Bà Diễn này, sắp có một sự biến chuyển kỳ dị… Tôi hiện đang bị nó ám ảnh… Tôi chả tha thiết gì đến cuộc sống hàng ngày đến nỗi tôi hầu như không còn nhớ tới cả việc ăn uống nữa. Hai đứa vừa ra khỏi đây đối với tôi là hai thực thể còn giữ được hình dáng rõ ràng, nhưng cái hình dáng đó lại làm tôi đau đớn quằn quại. Về cái con ấy tôi không muốn nói tới, nghĩ tới; tôi mong nó là kẻ vô hình, vì cứ trông thấy nó là tôi muốn nổi điên. Còn thằng kia nó lại phiền tôi một cách khác. Tôi không bao giờ muốn thấy nó nữa… Chắc bà sẽ nghĩ là tôi sắp hóa điên rồi – Hy vừa nói vừa cười gượng – nếu tôi bảo rằng nó chính là hiện thân hay là nó đã gợi tôi nhớ lại thiên hình vạn trạng những liên tưởng xưa, những ám ảnh quá khứ… nhưng bà đừng kể những gì tôi nói với bà nhớ. Tâm trí tôi luôn luôn khép kín triền miên đến nỗi cuối cùng tôi đâm thèm được bộc bạch nỗi niềm với một người khác.

Mới năm phút trước đây tôi thấy thằng Hạ. Tôi không thấy nó như thấy một con người bằng xương bằng thịt, mà thấy nó là hiện thân của tôi thời trẻ… Đối với nó tôi có cả trăm ngàn ý nghĩ và tình cảm lộn xộn khiến tôi không thể nào đến gần nó và xử sự sao cho hợp với lẽ phải. Trước hết nó giống Yên Liên kinh khủng, nó có liên hệ với nàng kinh khủng. Bà có thể bảo rằng nó có ảnh hưởng mạnh nhất đến trí tưởng tượng của tôi; thực ra ảnh hưởng nó rất yếu, bởi vì với tôi có cái gì trên đời mà không gắn chặt với nàng?

Tôi không thể không nhìn xuống cái sàn nhà này mà không thấy gương mặt nàng hiện lên trên những viên đá lát! Nàng hiện trong mỗi đám mây, mỗi lá cây, mỗi ngọn cỏ… Đêm đêm bóng nàng lấp đầy không gian, ban ngày nàng hiện trong bất cứ vật gì. Những khuôn mặt đàn ông đàn bà dù tầm thường nhất – ngay cả khuôn mặt tôi – đều hiện ra một nét giống nàng để trêu trọc tôi! Cả thế gian này là một sưu tập khủng khiếp những nhắc nhở rằng nàng đã tồn tại và tôi đã mất nàng!

Phải, Hạ chính là hồn ma của mối tình bất diệt của tôi, của những nỗ lực điên cuồng của tôi, của sự sa đọa của tôi, của lòng kiêu ngạo, niềm hạnh phúc và nỗi thống khổ của tôi…

Nhưng thật là điên mà đi kể với bà những ý nghĩ ấy; có điều là nói vậy để bà biết vì lẽ gì tôi buộc phải sống cô độc, vì gần nó tôi chẳng lợi ích gì mà chỉ tổ làm tôi thêm đau đớn. Và đó cũng là một trong những lý do khiến tôi dửng dưng thấy nó kết thân với con em họ nó. Tôi không hơi đâu mà quan tâm đến chúng nó nữa.

Thái độ của ông Hy làm tôi đâm hoảng, mặc dù ông ta không có triệu chứng gì là mất trí hay sắp chết. Theo chỗ tôi nhận xét thì ông ấy hoàn toàn khỏe mạnh, không bệnh tật. Còn về tinh thần thì ngay từ hồi nhỏ ông ta đã thích nuôi những tư tưởng đen tối và có những thị hiếu kỳ quái. Ông Hy có thể mắc chứng thiên chấp do đầu óc lúc nào cũng bị ám ảnh bởi thần tượng quá vãng của ông, nhưng về tất cả những điểm khác, lý trí của ông vẫn vững mạnh như của tôi.

Tôi hỏi:

“Nhưng ông vừa nói sắp có một sự biến chuyển, là chuyện gì vậy, ông Hy?”

“Chừng nào nó xẩy ra tôi mới biết chắc được. Bây giờ tôi chỉ lờ mờ biết được một nửa.”

“Ông có bị đau yếu gì không?”

“Không. Không đau yếu một chút nào, bà Diễn ạ.”

“Và ông không sợ chết đấy chứ?”

“Sợ à? Không! Tôi chẳng hề sợ, chẳng dự cảm và cũng chẳng mong chết. Mà vì lẽ gì cơ chứ? Tôi khỏe mạnh, sống điều độ, công việc của tôi không có gì nguy hiểm. Tôi ắt là phải sống trên thế gian này cho đến khi nào trên đầu bới không ra một sợi tóc đen. Tuy nhiên, tôi không thể sống mãi trong tình trạng này! Tôi phải dồn hết tâm trí để bắt lá phổi phải thở… bắt trái tim phải đập! Và cứ như phải bẻ ngược một cái lò-xo cứng, tất cả những hành động vặt vãnh nhất, nếu không có cái ý nghĩ duy nhất kia thúc đẩy, tôi phải tự cưỡng bách mình mới làm nổi. Tôi chỉ có một ý nghĩ, một ao ước mà tôi đem cả thân tôi, đem hết khả năng tôi để đạt cho bằng được. Tôi đã ráng làm như vậy từ lâu lắm và làm một cách cương quyết nên tôi tin chắc rằng sẽ đạt được, và đạt rất sớm… Nó đã nhai nghiến đời tôi và bây giờ… tôi sắp sửa thỏa nguyện. Những lời tự thú này của tôi tuy không làm tôi nhẹ bớt nhưng có thể giải thích một số diễn biến về tâm tính tôi mà tôi không thể cắt nghĩa bằng cách nào khác. Ôi, Trời đất! Thực là một cuộc kịch chiến lâu dài, tôi mong là nó chấm dứt đi cho rồi!”

Nói tới đây, Hy đi đi lại lại, lẩm bẩm nói một mình những lời ghê rợn, khiến tôi phải tin điều mà ông bảo Dọi đã tin, rằng lương tâm đã biến trái tim ông thành một địa ngục trần gian… Tôi tự hỏi rồi đây kết cuộc sẽ ra sao.

Tuy trước kia chả mấy khi ông ta để lộ những tâm tư đó, ngay cả vẻ ngoài cũng không bộc lộ bao nhiêu, nhưng bây giờ tôi dám chắc đó là tâm trạng thông thường của ông Hy, như chính ông ta tự xác nhận thế. Qua bộ dạng của ông ta mấy ai mà đoán nổi tâm trạng bên trong. Ông Lộc ạ, ông đã gặp ông Hy rồi đó, ông đã thấy ông ấy, nhưng chắc ông cũng không đoán ra được… Ở cái thời gian tôi vừa kể đó, ông ta vẫn như thế, có điều là ông ấy chìm đắm hơn trong cô độc và lầm lỳ ít nói hơn mỗi khi có ai ở bên cạnh.

Chú thích:

[1]Khi ông Lộc trở lại, ông vẫn là chủ Hoạ Mi Trang vì chưa mãn khế ước 12 tháng thuê nhà.

Trở Về

Tìm Kiếm