ĐÒ DỌC (Chương 7)

Tối hôm ấy cả mấy chị em đều bị bắt làm khổ dịch gói bánh tét bánh ích để cúng giỗ ngày mai, trừ cô Hồng ra vì khi sáng cô làm cá bị đứt tay.

Chưa giao thiệp rộng với người trong vùng, và đám giỗ chỉ sẽ sơ-sịa thôi, nhưng bà Nam Thành nhớ lệ cũ, cứ làm bánh làm trái lu bù. “Để cho con nó học“. Bà nói với ông như vậy.
Mưa đầu mùa vài mươi đám liên tiếp, rồi ngưng lại rất lâu. Trời nóng bức như chưa mưa bao giờ cả.

Như có ai rắc những hạt vàng trên nền trời đen thẳm, những hạt vàng long lanh, tuy nhỏ li ti mà cũng soi sáng được cảnh bao la dưới nầy, cỡ ngồi gần nhau, hai người thấy mặt nhau được khá rõ như nhà thắp đèn dầu.

Long cà nhắc lôi từ nhà ra sân chiếc ghế bố dài kiểu tàu thủy, rồi mở ra để nằm mà ngắm đầu hôm.

Trời đêm nay khác hẳn trời của cái đêm mà chàng vỡ lòng yêu. Đêm ấy sáng trăng trên sông Đồng Nai, ngoại giới và nội tâm chàng thưở ấy đều vang lên điệu thơ tình ái.

Khác hẳn nhưng chàng lại nghĩ đến đêm đó là vì lòng chàng, sau nhiều thất vọng chua cay, mấy hôm nay lại bắt đầu bâng khuâng như lòng gã trai tơ.

Đêm sao không thơ mộng bằng đêm trăng, nên chi bâng khuâng của Long cũng xa huyền ảo hơn. Đây là một mối bâng khuâng không mơ màng lắm, chàng không chỉ mơ yêu, mà yêu hẳn, không chỉ yêu hẳn thôi mà lại quyết định kết nghĩa vợ chồng với người chàng yêu.

Không, đã qua rồi, tuổi phiêu lưu tình ái. Chàng không được phép yêu suông nữa, mặc dầu chàng là nghệ sĩ.

Gia đình nầy hiền lành quá, một là nên xa hẳn họ, hai là nên chánh thức hóa, hợp pháp hóa tình cảm của mình. Không, không nên để cho người ta phải khổ.

Long còn đang nghĩ vẩn vơ thì tiếng bước đạp lên sỏi, lên lá khô khiến chàng day đầu ra sau mà ngó.

Bóng một thiếu nữ lướt nhẹ đến bên chàng. Chưa nhận được ai, mà sao chàng có cảm-giác đó là Hồng, người chàng mong đợi đêm nay, mong đợi bâng quơ và không mảy may hy vọng gặp mặt được người mà mấy ngày rày chàng chưa hề có dịp trao lời, trừ cái đêm đầu vừa tỉnh cơn ngất lịm.

Long ngồi dậy ngay ngắn thì thiếu nữ đã tới bên chàng và quả người đó là Hồng.

– Chào cô Hồng.

– Chào anh.

Hồng tay xách một chiếc ghế một, đặt ghế xuống sàn và sắp ngồi. Long đứng lên nói:

– Cô ngồi ghế bố, dễ chịu hơn.

– Không, để anh nằm nghỉ. Em nói câu chuyện rồi đi ngay.

Lạ, Long băn khoăn tự hỏi. Nàng có câu chuyện gì mà xem ra trịnh trọng như thế? Chàng hồi hộp ngồi trở xuống, nín đợi nghe câu chuyện có lẽ là dữ, nó bắt chàng lo lắng vô cùng.

– Mấy bữa rày anh khỏe thật chớ? Hồng hỏi.

– Thưa cô, khỏe nhiều lắm. Cái chơn cũng đỡ. Chắc vài bữa nữa là tôi đi ngay ngắn được.

– Bữa nay anh có chắc là anh không chết hay không?

Long buồn cười quá. Thì ra cô gái muốn chế anh đã kêu chết om trời hôm nọ. Anh sắp cười ra tiếng nhưng chợt nhìn kỹ thì thấy Hồng nghiêm trang hơn bao giờ cả, nên anh hoảng và nín im.

– Thưa cô, đêm đó tôi sợ hãi thái quá nên nói xàm vậy thôi!

– Nếu như vậy thì tôi trả lại anh món ấy được?

– Món gì thưa cô?

– Lạ! Đêm ấy anh đã thiết tha, căn dặn về tấm lắc dữ lắm, mà sao…

À, Long đã nhớ ra rồi. Tấm lắc bằng bạch kim! Chàng đã nói láo về tấm lắc ấy, nên quên nó mất.

– Dạ, tôi ngỡ cô nói gì khác. Vâng, xin cô cho lại cũng tốt.

– Lẽ cố nhiên là em phải trả lại anh. Tấm lắc và câu chuyện ấy, em định là không muốn cho ai biết, nên hổm nay, em không có kể cho ai nghe cả và đợi dịp để giao lại cho anh. Dịp ấy là bây giờ đây.

Nói rồi Hồng lấy trong túi ra một gói giấy nhỏ trao cho Long.

– Cảm ơn cô!

Sợ cô gái hết chuyện nói, đứng lên mà đi ngay, Long hấp tấp ca ngợi cảnh vật, không có câu bắc cầu giữa chuyện giao trả nữ trang và chuyện trời, chuyện đất.

– Đêm đẹp quá, phải không cô Hồng?

– Dạ, đẹp quá.

Long quýnh lên vì chàng không biết nói gì thêm để giữ cô gái lại mà Hồng thì có thể đi bây giờ đây.

Lạ quá, chàng không nhát gái, mà hễ nói chuyện với phụ nữ thì thường chàng hoạt bát ra, giỏi hơn cả nói chuyện với đàn ông. Dường như là đờn bà con gái đẹp, gợi hứng cho chàng nói giỏi. Nhưng sao giờ đây, hứng kéo về cả bầy, cả lũ mà chàng tìm không ra một câu nói tầm thường. Rốt cuộc chàng định khách sáo trở lại về công khó của Thái-huyên trang.

– Nếu đêm hôm đó mà được khô ráo, trong trời như thế này, chắc hai bác và quí cô đã đỡ khổ hơn nhiều.

– Nhưng nếu khô ráo thì anh đã không trợt bánh, không bị tai nạn.

– À, đúng như vậy, và tôi không bao giờ được quen biết Thái-huyên trang cả. Thành ra rủi, mà may. Không nhớ xứ nào có câu tục ngữ “Cái họa cũng hữu ích cho việc gì”. Nhưng tôi nói may là may cho tôi. Thật ra đó là một tai nạn cho hai bác và quí cô.

– Không, vòng quen biết được nới rộng ra chừng nào thì hay chừng nấy, thưa anh.

– Nhưng nới rộng trong sự dễ dàng thì hay, chớ nới rộng bằng cách túi bụi săn sóc một con bịnh thì…

– Nói ra thì thiển cận quá. Nhưng chắc anh cũng dư biết rằng kẻ sung sướng là kẻ thi ơn chớ không phải kẻ chịu ơn, nếu có ơn gì.

– Điểm tâm lý đó Âu-Châu quá hay chăng?

– Em nghiệm ra thì thấy nó vẫn đúng với người Việt Nam. Đó là điểm tâm lý của con người chớ không phải của riêng dân tộc nào.

– Riêng phần tôi, tôi thấy đó là một may mắn lớn cho tôi. Nhờ vậy mà tôi được biết cô, và mới có buổi nói chuyện đêm nay, nó sẽ là kỷ niệm đẹp nhứt của đời tôi.

Hồng lo người khách lại bạo lời như đêm đó nữa, nên lảng sang chuyện khác.

– Thường thường anh vẽ gì và ký tên là gì mà em chưa hề thấy tranh của anh?

– Dạ, tôi chỉ vẽ tranh lớn, chớ không có minh họa bài báo, hay vẽ tranh khổ nhỏ để bán, nên cô không thấy cũng phải. Tôi ký tên thật là Long.

– Tranh lớn sao khó hiểu quá vậy anh! Chắc phải có học qua nghệ thuật hội họa mới…

– Không cần phải học mới hiểu được. Có giáo dục về nghệ thuật là đủ rồi. Bằng không, chỉ cần thông minh cũng hiểu được. Như cô, tôi tin chắc cô hiểu ngay.

– Không, em có xem triển lãm mấy lần, mà cả mấy lần đều không hiểu.

– Cô nói ra không được đó thôi, chớ cô biết tranh nào đẹp hơn tranh nào. Nhứt là khi so sánh hai bức tranh cùng một đầu đề do hai người vẽ, người thông minh và có óc thẩm mỹ đôi chút sẽ chỉ ngay được bức họa nào đẹp hơn.

Hồng thì muốn đưa câu chuyện sang những nẻo không nguy hiểm như thế, nhưng Long lại muốn hướng nó qua nẻo chàng định. Hai người giống hai nhơn viên gác nhíp đường rầy xe lửa, nhưng anh chàng nhơn viên đực rựa là một tay âm mưu phá hoại, định cho xe chạy vào một nơi có thể đụng chướng ngại một cái rầm rồi đầu xe sẽ vỡ tan ra từng mảnh. Chàng liền chuyển hướng:

– Với lại vẽ đẹp còn tùy thuộc tâm trạng con người vào lúc nào đó. Thường thường người ta bảo đêm trăng đẹp. Nhưng tôi, tôi lại thấy đêm sao đẹp hơn. Phải không cô.

– Dạ đẹp lắm!

– Đêm sao thì sâu thẳm và huyền bí quá, như mắt của một người có tâm sự gì u-uẩn, như mắt của… cô chẳng hạn.

Hồng giựt nẩy mình. Chiếc xe đã bị đưa qua nẻo khác trong một lúc nàng lơ-đễnh để kẻ âm mưu giựt được cần nhíp. Lần nầy xe đã vào xa trên nẻo mới nên nàng không thể đột ngột kéo nó qua đường khác một cách êm dịu được. Đành là phải bằng lòng đi trên con đường ấy, rồi sẽ hay.

– Anh thi sĩ quá. Nhưng mắt em có gì là huyền bí đâu?

– Thi sĩ à? Tôi chỉ mong có cái tài của thi sĩ để nói ngay ra được những gì nó đang sôi nổi trong lòng tôi. Vẽ vời thì chậm quá! Tôi ganh tị với những kẻ biết trang sức tình cảm của họ bằng những lời diễm ảo, chớ rung động rồi phải đợi lâu lắm mới ghi lại được như tôi thì cũng hoài.

Long thấy được là Hồng bị xúc động. Chàng sợ xúc động ấy chỉ là phù du thôi, rồi cô gái sẽ giận chàng quá bạo lời nên vội xin lỗi:

– Xin cô thứ lỗi cho. Tất cả những cảm nghĩ mà tôi vừa nói ra, đã đến thình lình, đến một cách kỳ dị mà tôi không còn tự chủ được.

Hồng vẫn làm thinh. Tim nàng bị lay động một cách dễ chịu, nàng như đang say cái say thần tiên mà năm nào nàng đã say qua rồi.

Bỗng như chợt tỉnh cơn mê, Hồng hoảng hốt đứng lên, tay xách ghế, miệng nói:

– Ý chết, em quên ngâm đậu xanh. Thôi anh nằm nghỉ mát nhé.

Rồi cô ta quây quả đi vô, hấp tấp như sợ bị ai rượt bắt.

Long ngã người trên ghế, nhìn cái đêm và tưởng đến cái người, cả hai đều sâu thẳm và huyền bí bao la.

Chàng yêu Hồng vì Hồng đẹp, cố nhiên, và vì Hồng thuộc vào một gia đình mà chàng mến. Nhưng lẽ chánh là vì Hồng yên lặng quá, kín đáo quá khiến chàng ham khám phá một tâm hồn mà chàng đoán là đang ủ kín tâm sự gì, hoặc những ý tình gì hay lạ.

Cúng giỗ rồi qua ngày sau nữa, bà phủ lại lên, mang lên đủ thứ đồ cần thiết con bà đòi hỏi, với lại quà cho ông và bà Nam Thành và bốn cô gái.

Không lên, sợ người ta nói là bỏ phú con, mà lên mãi lại ngại làm phiền chủ nhà. Nên chi bà xin phép về ngay.

Suốt ngày hôm đó Long bận lắp cái máy điện nhỏ, hì hục mãi cho đến tối mới xong.

Cả nhà còn đang ăn cơm mà trẻ con lối xóm đã tề tựu đông đảo ngoài sân rồi, vì cô Quá khi sáng đã đi quảng cáo từ xóm lò rèn đến xóm công – tử áo hường, khiến Long phải ăn hối hả để xong bữa cho sớm đặng đi căng màn.

Hoạ sĩ cà nhắc bỗng biến thành anh chàng chiếu bóng dạo, tuy không cần rờ-xết mà rất lo lắng cho buổi chiếu bóng được suôn sẻ, nhứt là lo phim không vừa ý khách.

Phim đầu là một phim tài liệu về nghề trồng thuốc ở Havane, chàng chọn nó vì đề tài của cuốn phim dính líu đến đời sống trong xóm nầy.

Phim kế là một việc thời sự liên hệ đến phim đầu: cuộc thi hút xì gà giữ nguyên tàn, cũng ở Havane. Ồ, những điếu thuốc xì- gà dài lắm sao ! Mà mấy mươi người dự thi mới tài chớ! Họ hút mãi, tàn thuốc cứ mỗi lúc một dài thêm ra mà không hề bể, không hề rơi xuống.

Phim câm, nhưng vẫn nói. Người nói đó là Long. Cháng nói có duyên hơn bao giờ cả, phê bình trào phúng những nhơn vật dự thi, đùa cái mũi của ông nầy, cái trán của lão nọ, khiến cả sân đều cười nôn ruột.

Phim thứ ba cũng là phim tài liệu: cảnh săn cá voi ở các biển Bắc. Lần đầu tiên trẻ con trong xóm thấy hình ảnh biển cả, có một ý niêm về đại- dương và hàng- hải, nên chúng mê thích lắm.

Phim cuối cùng cho trẻ con là một cuốn phim hoạt hoạ khôi hài chọc cho trẻ cười lăn chiêng.
Long bật đèn sáng lên rồi tuyên bố hết, khiến đám nhi đồng nầy tiếc hùi hụi vì cuộc vui chóng tàn. Trong khi Long đi xem lại cái máy đèn, thì ông bà Nam Thành cũng ngỡ hết thật nên lo dọn ghế vô nhà một lượt với trẻ nhỏ đang giải tán.

Long ra hiệu bảo Quá lại gần chàng, rồi chàng bảo nhỏ với cô nên mời kín đáo ông bà ở lại. Khi trẻ nhỏ vào hết trong xóm, Long bắt đầu chiếu phim riêng cho Thái- huyên trang xem.
Đây cũng là phim đen câm, cũ quá nhưng còn xem được. Phim tiểu thuyết hoá đời tình ái đau thương của thi sĩ Đức Henri Heine.

Henri Heine mồ côi, ở với chú, lại yêu trưởng nữ của chú là một cô gái trưởng giả không hiểu nổi tâm hồn cao đẹp của chàng mà chỉ thích lấy một người chồng sang cả thôi.

Cô gái ấy toại nguyện về sau, nhưng chàng thanh niên mồ côi lại phải đau khổ vì mối tình điên của chàng: yêu một người không hiểu mình, không được yêu lại mà vẫn hy vọng cho đến ngày người ấy lấy chồng.

Trong khi đó thì bóng một người thứ ba lởn vởn sau khung cảnh, cô thứ nữ của ông chú, một cô gái bé, hiểu thấu tâm hồn của Henry Heine, nhưng lại còn quá bé con, không được Heine để ý đến.

Cô bé nầy cũng là nạn nhân của mối tình cút- bắt kia, cả hai đau khổ âm-thầm, nhưng chàng trở thành vĩ đại nhờ niềm đau khổ ấy, còn nàng thì chỉ ôm hận trong cảnh tối tăm, không gây được tiếng vang nào lại với đời sau cả.

Không biết vô-tình hay cố ý mà Long bảo mướn phim ấy. Nhưng cả hai chị em Hồng và Quá đều quả quyết thầm là Long cố ý.

Nhưng tuy cùng một nghi-ngờ, mà hai người lại nghĩ khác nhau về nghi-ngờ đó.

Hồng thì nghĩ rằng Long ngỡ nàng không hiểu anh ta nên mới trách xéo bằng cuốn phim kia.

Còn Quá lại thấy đó là lời xác nhận ngầm của Long, xác nhận rằng anh ta hiểu cô gái bé là cô ta lắm và đã chú ý đến cô. Ừ, Heine không ý thức nên quên cô em bé họ. Nhưng Long đã biết câu chuyện ấy rồi, không thể không ý thức như vậy được, không thể quên như vậy được.

Và cả hai đều đinh ninh rằng Long nghĩ đến họ

*

* *

– Cô Quá ơi, cô thích có một bức chân dung cô hay không?

– Cái đó tuỳ. Nếu hoạ dở thì không. À, mà anh nè! họ nói anh người lớn tuổi thì hoạ mới giống, còn ảnh người còn trẻ, khó lòng mà giống được, phải không anh?

– Đúng phần nào. Người lớn, nhứt là người già, nét mặt rõ rệt lắm, lại nhờ những cái chỗ hóp, những đường nhăn làm rõ ra thêm. Nơi người còn trẻ như cô chẳng hạn, trên mặt chỗ nào cũng đầy… Nhưng tôi không hoạ phóng đại ảnh của cô đâu. Tôi vẽ truyền thần mà.

– Vẽ truyền thân thì có khác gì hoạ phóng-đại ảnh?

– Khác lắm, tôi thí dụ: mặt cô có nét riêng biệt khác thường, thì ống ảnh không thể làm lộ ra được, và người hoạ phóng đại theo ảnh cũng không thể thành công hơn. Nhưng người vẽ truyền thần, khi quan sát nét ấy, sẽ vẽ nó hơi quá lố hơn một chút. Vì nét ấy là điểm chính của biệt sắc trên gương mặt của mỗi người, nên chỉ vẽ nét ấy được là giống được người đó, tất cả những nét khác đều phụ thuộc thôi.

– Ý ẹ, như vậy nếu cái mũi em hơi lớn một tí, thì anh sẽ vẽ cho nó chù vù ra à?

– Chớ sao! Tôi sẽ vẽ cái mũi cô to như trái cam. Long nhát cô Quá rồi cười ngất.

Quá thấy người nhà Long mang lên cho chàng đến sáu tấm bố căn nên biết là Long định vẽ truyền-thần cho cả nhà. Nhưng sao lại bắt nàng mà vẽ trước? Nàng băn khoăn về chỗ đó lắm. Phải chăng đó là vì tình cảm riêng.

Thật ra, đó chỉ là sự tình cờ. Nhưng Long rủi ro cứ vô tình hành động cho Quá ngộ-nhận mãi.

Sau buổi đầu ngồi cho Long vẽ. Quá xem lại các nét phác thì là không bằng lòng. Tuy chưa có gì, mà nàng đoán là về sau cũng sẽ không có gì lỗi lạc lắm.

Quả nhiên không có gì thật, Quá mong đợi bức chân dung trình bày nàng tươi cười như một đoá hoa chớm nở. Nhưng Long chỉ vẽ được một cô gái hết sức ngây thơ, ngây thơ hơn người thật, nhiều lắm.

Long giải thích:

– Ngây thơ là điểm chính trên gương mặt của cô. Tôi trình bày lố cái điểm ấy ra, thế mới làm lộ biệt sắc của cô được.

Nhưng Quá không chịu hiểu như vậy và hờn mát hoạ sĩ không biết ý người mẫu.

Long buồn cười lắm cho cái tính trẻ con của Quá. Nhưng chàng làm lành, theo năn nỉ cô như dỗ em bé:

– Hay là để tôi vẽ bức khác bắt đền cho cô?

Quá tức mình, ứa nước mắt, rồi khóc oà lên. Long lo lắng bước đến gần cô rồi cố dịu giọng mà rằng:

– Em Quá, đừng trẻ con nữa, anh vẽ bức khác cho mà.

Rồi chàng đưa tay vò đầu cô gái út Thái-huyên trang. Quá bỗng nghe như một luồng điện chạy khắp thân nàng. Nàng cúi mặt lặng thinh, lắng nghe cái tái tê kỳ lạ lần đầu tiên lay động người nàng và cả lòng nàng.

Thật ra đó chỉ là một cử chỉ vô tội của Long thôi. Từ ngày chàng yêu trộm Hồng, và định cưới cô ấy thì chàng xem Quá như là một đứa em vợ còn bé con. Đứa em gái ấy hôm nay nũng nịu thì chàng vỗ về nó, chỉ có thể thôi.

Bao nhiêu là rủi ro đều qui tụ lại để làm cô Quá ngộ nhận. Long vô tình nói và làm gì với Quá cũng hớ hênh cả.

Quá lau nước mắt rồi mỉm cười nhìn lên, nàng nhìn Long một cách say dại như đứa con nhìn mẹ đánh phấn, thấy mẹ đẹp vô cùng, nhớ lại cái gõ đầu khi nãy mà mẹ ban cho và đinh ninh mẹ tỏ bụng yêu mình bằng cái gõ đầu ấy.

Long bắt chợt cái nhìn đó, bỗng hiểu. rồi sợ hãi hết sức.

*

* *

Vẽ chân dung cho Quá xong là Long đi được gần ngay ngắn. Chàng rất lo bịnh sẽ khỏi và chàng không biết lấy lẽ gì để nấn ná lại đây lâu thêm nữa.

Chàng tiếc sao hôm đó chàng không bị gãy xương. Nếu gãy xương, chàng sẽ nằm tại nhà nầy hai tháng là ít.

Ý mà, chàng chợt tỉnh và bảo thầm, nếu gãy xương, người ta đã đưa mình đi nhà thương còn đâu!

Long mong hão một chứng bịnh gì thình lình xảy ra đến cho chàng, bịnh không nguy hiểm lắm, nhưng phải được săn sóc lâu, như bịnh sốt rét rừng chẳng hạn.

Chàng bỗng thấy vẽ chân dung cho cô Quá trước là hay. Bây giờ chàng sẽ vẽ Hương, rồi Hoa rồi đến hồng và ông cụ bà cụ.

Chàng sẽ khỏi hẳn bịnh lúc đang vẽ cho ông Nam Thành. Vẽ cho ông xong lại vẽ cho bà. Chàng sẽ có cớ ở lại để làm xong sứ-mạng. Ba bức tranh chót, chân dung ông, bà, cô Hồng, sẽ giúp chàng nấn ná thêm hai mươi ngày là ít.

Thật là cố lì, nhưng yêu thì không thể lịch sự được. Kẻ yêu luôn luôn điên, gàn và nhứt là không biết điều. Tránh được những cái tệ đó là yêu ít, yêu có chừng mực rồi vậy.

Hôm nay Long vẽ chân dung cho Hương thì Bằng lên chơi

– Thế nào? Anh ta hỏi ba cô em kia. Đoạn sau của cuốn tiểu thuyết có gì hấp dẫn hay chăng?

Hoa đáp:

– Gay cấn lắm, hoạ sĩ vẽ truyền thần cho con Quá bị nó trề môi dài hai thước năm mà chê.

– Nó nhõng nhẽo é mà. !

– Coi chừng đa cô bé. Thứ tiểu thuyết đó hay lắm, mà do óc lãng mạn của cô viết thêm ra nó càng hay hơn. Chà, trí cô làm việc dữ để bịa ra cốt truyện. Loại truyện nầy họ đã viết hàng trăm lần rồi mà lần nào cũng được hoan-nghinh cả. Nhuưg coi chừng lúc tỉnh mộng, đau lắm.

Bằng ưa cà rỡn và mấy chị em không lấy đó làm phiền. Nhưng lần nầy Quá giận anh thật sự. Cà rỡn sao mà đúng vào tâm trạng của cô, mà câu hăm doạ dễ sợ kia thật đáng ghét làm sao!

Hình như là Bằng có chuyện gì quan trọng để nói với ông bà Nam Thành. Họ rù rì nhỏ to lâu lắm rồi Bằng ra về ngay chớ không đợi chiều như mọi lần.

Ông bà Nam Thành, sau khi Bằng đi rồi, lo dọn dẹp nhà cửa ngay nội ngày hôm đó. Ông phân công các con, đứa nhổ cỏ ngoài sân, đứa dọn quét dưới bếp, đứa chùi lịa ly, tách, đứa lo những món ăn hàng nắm như dưa kiệu, tương ớt, vân vân…

Hai ngày sau, nhà có khách lạ. Khách lên hồi tám giờ sáng, mười phút sau khi Hương đi chợ về.

Một ông cụ đầu râu bạc trắng, một cụ nữa cao niên hơn ông Nam Thành lối năm bảy tuổi, và một bà cụ trạc tuổi bà Nam Thành.

Long thơ-thẩn quanh các gốc me, gốc mít ngoài sau, còn các cô gái thì rút vào nhà bếp.
Bà Nam Thành kêu rót nước, nhưng không kêu “các con“ như mọi bân trước có khách khác, mà lại kêu quyết:

– Năm ơi, đem nước uống con.

Cô Quá bưng mân trà lên và có cảm giác khách xét-nét cô, tuy không hỏi gì về cô cả.
Chỉ có ông cụ đầu bạc là nói chuyện nhiều còn hai ông bà kia chỉ nghe thôi. Ông cụ râu bạc nói gì mà nghe như là chữ nho, khó hiểu quá.

Cô Quá trở gót ra sau được nữa chừng đường thì bà Nam Thành gọi lại:

– Con, lấy thêm vôi con.

Lạ quá! Vôi đang đầy bình, sao mẹ nàng lại bảo lấy thêm! Quá lấy thêm vôi lên tới thì mẹ lại hỏi:

– Con à, gà nhà mình nuôi cỡ độ mấy con, má quên mất, con có nhớ hay không?
Quá cũng chẳng nhớ gì hơn mẹ. Gà đã đẻ nhiều lắm rồi, đến tám chín mái, gà lại nhiều lứa, lứa già, lứa trẻ, lứa mặc áo lá, lứa mới đủ lòng, còn làm sao nhớ được
Tuy vậy nàng cũng đáp liều:

– Thưa má, lối hai trăm con.

Khách ở lại ăn cơm. Bà Nam Thành ra sau, dặn quyết chỉ có một mình Quá bưng các thức ăn lên thôi. Đó là bữa ăn đầu tiên trong gia đình mà không có mặt bốn người con, mà cũng không có mặt người khách quí trong nhà.

Khách ăn lâu quá, nhưng chừng xong bữa, dọn xuống thì mâm cơm vẫn còn nguyên, còn đĩa chỉ được động đũa sơ đến thôi.

Cô Hương từ sáng tới giờ, cứ cười mãi mà nhìn cô em út. Cơm dọn ra mâm thứ nhì ngay trong nhà bếp, mà chỉ có bốn người ăn thôi: ba chị em và Long, còn Quá thì bận bưng mâm, chưa dùng bữa được.

Ông bà Nam Thanh đã xin lỗi Long và yêu cầu chàng ăn riêng nơi mâm thứ nhì ấy, vì một lẽ riêng mà ông bà đã cho chàng biết.

Long đã hỏi các cô gái:

– Cô Quá năm nay bao nhiêu tuổi, các cô?

– Hăm hai. Hoa đáp. Nhưng theo tánh tình và gương mặt thì người ta đoán lối mười tám thôi.

– Cô Hương chắc biết chuyện nên tp6i thấy cô cứ cười mãi.

– Dạ hôm nay các chú lái đi coi heo ấy mà?

Cả bốn đều cười xoà! Hoa reo:

– Hay! Hèn chi mà trông trịnh trọng và bí-mật dữ. Để anh Bằng lên đây…

Nhà có gì buồn cười, bốn cô đều nhớ đến cái người anh họ hay bông đùa ấy.

Họ vốn cởi mở về việc chồng con. Nay nhân Long đã thành thân trong nhà và biết câu chuyện quan trong đó nên họ cởi mở cả trước mặt anh ta nữa.

– Chị biết mà không dám nói ra, Hương cắt nghĩa, là vì sợ con Quá nó quýnh rồi bưng mâm vấp té mà khổ.

– Em thì có ai đi coi mặt em, em biết ngay, và sẽ hát xiếc cho họ xem. Em sẽ cho chén, đĩa bay lên cho họ thấy kinh không dám tới nữa.

Cô Hoa vô tình dùng tiếng “sẽ”, thành ra Long biết rằng cô chưa được ai xem mặt lần nào cả
Chàng bỗng thương biết bao bốn cô gái nhà này với tình trạng khó lấy chồng của bốn cô.

Giàu, người ta không trông xuống; nghèo, người ta không dán với lên; lại chung quanh toàn là những anh trai kém cỏi hơn bốn chị em nhiều.

Long đoán biết phản ứng ngầm của các cô, bằng theo lời lẽ bông lơn của các cô về vụ nầy, và bằng theo trình độ hiểu biết, trí thông minh của các cô mà chàng quan sát được hổm nay.

Phản ứng ấy là sự công-phẫn của họ đối với trò xem mặt “các chú lái đi coi heo”. Lời của Hương đúng, bóng bảy và chua cay biết bao!

Thân người con gái sao mà như món hàng để bán. Mỗi lần có khách muốn mua, món hàng được bày ra dưới đủ khía cạnh. Người ta xem phía trước, người ta ngắm phía sau, người ta xét tướng đi, người ta thử nghe giọng nói.

Chắc hẳn người ta chê khen trong bụng, có người lại nghĩ thầm: “Hàng chỉ xoàng thôi, nhưng nếu được giá hời thì cũng mua“

Chắc chắn là các cô công-phẫn như vậy, nhưng chỉ công-phẫn ngầm chớ không dám phản đối ra mặt, không phải vì sợ cha mẹ mắng, mà vì chính món hàng cũng thích được mua, Chua cay là ở chỗ đó. Đó là một sự hy sinh lớn, hy sinh lòng tự ái, hy sinh nhân phẩm mà các cô phải chịu đựng để đi lấy chồng.

Xã hội Việt Nam đang ở vào giai đoạn giao thời, sự tiến-bộ tinh-thần còn nhiều chênh-lệch giữa nhiều hạng người. Một mớ thì quan niệm rằng “đi coi heo“ như vậy phạm đến nhân phẩm con gái, mớ khác xem đó là sự thường, là phải lẽ, vì từ ngàn xưa người ta vẫn thế.

Vậy các cô, vốn biết điều, biết lẽ phải thì phải rán ôm bụng chịu chớ phản đối ai mà nghe cho.

Chắc chắn là Quá đoán hiểu khách muốn gì sau khi cô bị kêu lên xuống một cách vô lý, và cũng chắc chắn là cô giả đò không biết. Biết mà vẫn im-lặng chịu khổ-hình thì khó chịu với mình biết bao và nhứt là mắc-cỡ với các chị của mình biết bao! Họ sẽ chế nhạo cho mà khóc.

Khách ra về thì đồng hồ điểm mười hai giờ trưa. Ớn chưa cho sự kéo dài của cuộc viếng thăm đầu! Hèn chi lời tục bảo “cà kê, dê ngỗng, như nói chuyện làm sui”.

Hoa hỏi em lúc Quá ăn bữa cơm trễ:

– Có vừa mắt hay không ?

Quá làm bộ chưng hửng:

– Gì mà vừa mắt?

– Tao hỏi mầy, mầy xem mắt chú lái heo có vừa bụng hay không. Có xứng đáng cho mầy gọi làm “bố” chồng hay không?

– Vậy hà! Té ra …

– Thôi để cho nó ăn. Coi bộ nó đói gần luỗi rồi kia.

– Đừng buôn mà em, Hoa lại đùa. Nữa rồi mình sẽ trả thù cái bữa đói nầy. Mình bắt ổng bả ăn cơm khô, và bữa nào cũng ăn trễ độ nửa tiếng đồng hồ cho bõ ghét.

Quá chỉ làm bộ suông vậy thôi cho các chị của cô bớt chế nhạo. Cô không hề cố ngoan ngoãn để được chồng. Cô chưa lỡ thời như các chị của cô, nên không cần hoảng hốt. Vả cô đã bắt đầu yêu một người, thì cô chỉ biết có người đó thôi.

Các cô chị thì thấy tỉnh cảnh mỉa-mai đến không biết phải nên cười hay nên khóc.

Chàng trai mong đợi, bắt các cô chờ mãi không biết từ bao năm rồi. Nay hắn vừa đến, xem chừng đã yêu một người trong mấy chị em, chưa biết rõ người nào, thì chàng trai khác lại đến nữa. Khi bất cập, lúc thái-quá như vậy, không rồi lòng ta sao được.

Mà cái chàng trai thứ nhì nầy đến lại để xem quyết mắt cô em út là cô gái chưa cần lấy chồng lắm. Kẻ cóc cần lại được, người tha thiết lại không.

Nhưng dầu sao, ba chị em lớn cũng thầm cám ơn cha mẹ hết sức. Trong gia đình có lu bù con gái chưa chồng như vậy, các bậc cha mẹ thường hay nói câu này “Đó, ba bốn đứa đó, muốn chọn đứa nào tuỳ ý thích“ mặc dầu bên đàng trai chỉ coi một cô thôi.

Sự dễ dãi của các bậc cha mẹ ấy đã hạ phẩm giá củ con họ ngang hàng con vịt trong chuồng.

Ông bà Nam Thành chỉ trình món hàng người ta đòi xem thôi, nhờ thế nhơn-phẩm các cô được cứu vãn phần nào.

Phần ông bà Nam Thành thì xem như ông bà vui-vẻ lắm.

Ông bà cứ nhìn con gái út mà cưới chúm chím mãi. Chắc bụng ông bà thầm khen con bé có duyên đắt chồng sớm chớ không hẩm hiu như các chị của nó.

Cái duyên ấy nếu có, thì chỉ là của trời ban thôi. Nhưng nó bớt cho ông bà một ghánh nặng nên ông bà mừng rồi muốn xem là Quá đã giỏi-giắn tạo ra được cái duyên kia.

Ông bà thương yêu đứa con gái út hơn lên, và nuông-chiều binh-vực nó hơn, không phải là vì nó út mà vì xứng đáng hơn.

– Em đã biết lối vẽ của anh rồi. Con Quá là cả sự ngây thơ được cụ thể hoá bằng sơn màu. Còn em?

– Cô ấy à? Cô sẽ là hiện thân của cả một trời huyền bí.

Hồng cười dòn:

– Như vậy anh chỉ bệt vào vải một vết sơn đen là xong chớ gì. Anh có biết cạu chuyện hai bức tranh danh-hoạ bí-hiểm hay không?

– Không

– Trời, hoạ-sĩ mà lại không biết chuyện đó. Này, ở Balê, người ta tổ chức một phòng triển lãm cho các hoạ-sĩ mầm non. Một uỷ ban đặt ra để tìm tòi nhân tài mới. Uỷ ban gồm nhiều hoạ sĩ trứ danh và nhiều nhà phê bình tranh đanh thép. Thế mà cả bọn các tay cừ khôi ấy, đều ngẩn ngơ trước hai bức tranh kỳ lạ: một, vẽ một khuôn vuông đen thui, và một, vẽ mặt nước biển phẳng lặng, không thấy bờ bến chim chóc gì cả.

Rốt cuộc uỷ ban phải cho mời hai tác giả ấy đến để nhờ họ giải-thích ý nghĩa tranh của họ. Người thứ nhứt cắt nghĩa: “Tranh nầy tả một cuộc đánh nhau giữa hai người da đen, trong một đường hầm xe lửa, vào một đêm không trăng sao”. Người thứ nhì giải thích : “Tranh của tôi tả một chiếc tàu chìm nghỉm dưới đáy biển”.

Long cười ngất một hơi rồi nói:

– Tranh của phái lập thể cũng bí hiểm đến như thế thôi.

Trái với dự định. Long vẽ bức chơn dung cho Hồng trước chị của cô và ông bà Nam Thành. Lần-lựa ở lại để vẽ cho người khác, chàng sẽ dễ ăn nói hơn là để vẽ cho người chàng yêu.

Chàng yêu ai nào nào ai biết. Vả chẳng biết cũng chẳng nên tội lỗi gì. Nhưng chàng chắc chắn là sẽ ngượng miệng khi đòi ở lại để vẽ chân dung cho Hồng.

Long dừng tay lại. Nỗi vui do câu chuyện tranh bí hiểm gây ra, vẫn còn đọng lại nơi mặt Hồng. Hồng bỗng khác đi, không còn là Hồng u buồn mà chàng yêu.

Hồng vui-vẻ thì vẫn đẹp như thường, có phần đẹp hơn lúc nào cả. Nhưng mỗi người đều mang một vẻ riêng, vẻ ấy hợp với người đó mà không hợp với người khác, mà người đó mang vẻ đẹp của người khác cũng không xong.

Không phải vì Long ích kỷ muốn cho Hồng buồn mãi để hợp nhãn của chàng, cũng không phải vì Hồng buồn thì gương mặt mới đẹp được, nhưng chàng thấy nét buồn hợp với vẻ mặt của Hồng lắm, không thế khác được.

– Cô buồn xuống đi chớ ! Long bảo.

Nghe lời khuyên kỳ cục, Hồng lại càng vui tươi lên hơn.

– Thợ nhiếp ảnh thì bảo nên vui lên, anh lại bảo khác, sao mà rắc rối dữ vậy, ai biết phải làm sao.

– Không cần biết phải làm sao. Cô cứ tự nhiên đi cho là tốt.

– Thì em tự nhiên đây chớ có làm bộ làm tịch gì đâu.

Hồng nói đúng. Nàng tự nhiên mà vui, vui từ hôm nay. Giá không có câu chuyện pha trò, nàng cũng vui tươi. Nỗi vui ấy đột ngột đến trong lòng nàng, sau buổi đầu hôm giao trả nữ trang lại cho Long.

Nó đến rồi mọc gốc mọc rễ nơi đó, càng ngày càng đâm chồi nẩy lộc sum sê.

Tình-cảm tuy vô hình nhưng lại gây ra những biến đổi nơi thể-chất con người.

Nó dường như bấm vào nút điện bí mật nào để cho bộ máy hóa học trong con người phát chạy. Những phản ứng, những trao đổi phức tạp của hoá chất trong thân thể con người nhờ thế, diễn ra rồi ảnh hưởng đến bên ngoài mà gương mặt là cái đồng hồ kiểm soát phản ứng kia. Không một cây kim, đồng hồ ấy vẫn chỉ được rõ ràng những biến chuyển bí mật bên trong. Bên ngoài việc gì xảy ra chỉ thay đổi mặt đồng hồ một chút xíu thôi, tất cả đều do bên trong điều khiển, chi phối.

Bản chất của con người là quên, mặc dầu người ta đã thề với ta là sẽ nhớ mãi mãi. Biết vậy nên ông Câu Tiễn mới phải nằm gai nếm mật để nhắc mối thù cho mình.

Cô Hồng không có hành hạ thân thể cô lần nào, nên cô hầu gần quên đựơc. Niềm đau cũ vừa dịu thì chàng trai nầy đến trong một trường hợp rất là tiểu thuyết.

Hắn đẹp người và nghe câu chuyện của hắn, xem nghề nghiệp của hắn, Hồng thấy là hắn đẹp cả ở tâm hồn nữa. Hắn lại đồng tâm với nàng là đã bị tình nhân phụ rãy.

Hơn thế, hắn đã tỏ tình, tuy chưa bao giờ dám nói ra điều gì nhưng Hồng đã hiểu giữa lời được rằng hắn yêu cô.

Hồng còn trẻ. Vết thương cũ đã kéo da non và đi lần đến chỗ mất dấu vết. Nên chi mối tình thứ nhì nầy vẫn em đẹp y như mối tình đầu.

Lòng nàng như sợi tơ căng thẳng rung vang lên trước mỗi lần gió thật nhẹ của tình yêu. Long đã dám nói gì đâu, thế mà dây đàn rất nhạy ấy đã thánh-thót những tiếng nhạc du dương rồi:

Tuy chưa nên khúc tình đà thoáng hay

Hoạ-sĩ và người mẫu đang ở dưới bóng cây me sau nhà. Một ngọn gió thổi qua, lá me rơi lác đác. Long chờ đợi những giây phút đó thử xem cảnh lá rụng có làm cho Hồng buồn lại được hay không.

Quả nhiên mặt cô gái bỗng trở nên âu-sầu. Hồng nhiều tình cảm quá, mưa rơi cũng buồn, mà lá rụng cũng buồn được.

Vài chiếc lá tươi và khô rơi trên tóc nàng. Hồng toan đưa tay lên lượm nhưng Long vội ngăn:

– Đừng, cô cứ để y như vậy, đẹp lắm, rồi cô sẽ thấy.

Nhìn những lọn tóc lộn với lá me, giây lâu chàng hoạ sĩ trẻ tuổi nói:

– Cô Hồng ơi, tôi đang sáng tác giai-phẩm của đời hoạ-sĩ của tôi đây cô.

– Tài anh đã lên tới mức tột cùng rồi à? Sớm dữ vậy ?

– Không, tại tôi gặp đề. Hứng nhiều lắm.

Chàng nín lặng, rồi giây lâu lại nói:

– Cô Hồng ơi, mắt cô sâu.

Hồng hốt hoảng:

– Sâu thật à? Em vẫn ăn ngủ như thường kia mà?

– Không, mắt sâu chớ không phải là quầng mắt sâu. Xem như là cô trông xa lạ lắm, như là trong đó ẩn kín nỗi niềm gì không diễn được… Mắt cô sâu lắm, làm tôi nhớ lại vòm trời đêm nọ, nhớ lại những vì sao… Cô Hồng ơi, đêm đó tôi đã nhìn thấy sao Hôm, sao tôi lại quên yêu cầu cô cũng nhì sao đó.

– Có, đêm đó em cũng nhìn sao Hôm.

– À, nếu vậy thì đó là một sự tình-cờ kỳ-lạ, mà như tôi đã nói đêm đầu, lúc tôi vừa tỉnh và cô đang canh gác tôi, thì sự tình-cờ nào cũng do trời xui nên cả. Cô Hồng à. Người Âu Châu có cái tục, khi mến nhau thì cả hai người bạn cùng chọn một vì sao. Vì sao ấy sẽ là nơi hẹn hò của họ những lúc họ xa nhau. Như vậy dẫu cách bức nhau muôn trung, họ vẫn có cách để thông cảm với nhau được. Cô Hồng ơi, cô có muốn dự vào trò chơi ngây dại ấy của người Âu Châu không?

Hồng hết sức bối rối, nàng nghe như ngộp thở. Nàng chưa kịp lấy lại hơi, Long đã thổi tới thêm một trận gió mạnh nó lay cả người nàng, cả tâm hồn nàng:

– Nếu cô muốn, tôi xin kính cẩn tặng cô vì sao ấy. Món quà đế vương đó cô à, vì nó là một hột kim cương muôn thuở không lạc mất, không xuống nước được. Nó vừa to-tát lắm như mối tình của tôi đối với cô, lại vừa nhỏ xíu thôi, như hạnh-phúc mà tôi mong mỏi, nhỏ vừa cho tôi cầm chắc nơi tay, kẻo mà rơi mất.

Hồng nghe choáng-váng, rụng tời cả tay chơn. Không, nàng cố nhớ lại, chưa hề có ai nói với nàng những lời kỳ-lạ như vậy bao giờ cả.

Hồng ứa nước mắt, vụt đứng lên rồi chạy bay ra giếng.

Chiếc ma-ni-quên đã được ai gài lại. Chiếc thùng mới kéo nước vừa xong, còn treo ở đầu dây, đánh rơi xuống nước những giọt lệ to, kêu thảnh-thót lên như dư-âm của khúc nhạc cô vừa nghe.

Hồng vịn cây trụ trồng ở bờ giếng, cúi nhìn xuống đáy nước. Giếng sâu thăm-thảm rợn rùng, khiến nàng sợ hãi thêm.

Mối tình, mối tình nầy đây! Tương lai sao mà nghe cũng thăm-thẳm như đáy giếng nầy. Rồi sau sẽ ra sao? Mộng đẹp lắm nhưng tỉnh mộng sẽ đau lắm hay không như Bằng đã doạ?

Gió sớm thổi mát làm dịu lại những tình cảm đang sôi trong tim Hồng. Nàng bình tĩnh lại rồi thơ-thẩn đi quanh đó.

Giây lát sau, Hồng tới nhà bếp, rút ống tre treo trên vách xuống và một chiếc dùi nhỏ. Nàng gõ vào mõ tre một hồi thì gà, vịt, và cả con trích nữa đều tựu đến đông đủ.

Vua trong sân Thái-huyên trang không phải là con gà trống oai-hùng mà là chú trích du-côn. Chưa chi nó đã mổ đông, mổ tây để chiếm trọn một khoảng trống lớn giữa bầy. Hạt có rơi, sẽ rơi vào giữa chỗ ấy và nó sẽ được địa-vị đế-vương.

Hồng buồn cười quá, cười lên một chuỗi dài. Nàng đưa tay quẹt cho ráo lệ, và mắt nàng tự nhiên trở lại như thường.

*

* *

– Cô thích tặng quà gì cô Quá? Long hỏi cô gái út Thái-huyên trang khi thấy cô nàng đang thêu khăn tay một mình nơi buồng ăn.

Quá ngước lên mỉm cười đáp:

– Tuỳ dịp. Nếu như là lễ sinh nhựt của em thì em thích được tặng một bức chân dung của em, mà vẽ phải cho khéo kia.

– À, cô nhắc khéo quá. Được, tôi sẽ vẽ lại cho vừa ý cô mà, chắc như vậy mà! Nhưng tôi muốn hỏi thăm về quà cưới kia mà.

– Anh đừng đùa. Em không lấy chồng đâu.

– Sao lạ vậy cô. Cô nói không yêu người ta thì còn nghe được, chớ không lấy chồng thì vô lý quá.

– Chớ anh chưa cưới vợ, lại có lý hơn ai.

– Tôi thì khác. Tôi chưa cưới vợ, nhưng chưa hẳn là không cưới vợ.

– Em cũng vậy.

– Tiếc quá! Tôi vừa nghĩ ra một món quà bất ngờ, ý nghĩa nhiều, hay lắm.

– Té ra anh tặng quà chỉ để thoả mãn cái tài chọn quà của anh?

– Em nhỏ bắt chẹt dữ quá. Hèn chi tên em là Quá cũng phải. Nói làm sao cũng bị em bẻ hết. Thôi thì anh chịu thua. Sao em nhỏ lại chưa chịu lấy chồng ?

Quá giận dỗi:

– Vì em nhỏ quá mà! Đã hăm hai rồi đó mà người ta cứ coi em là em nhỏ mãi.

– Coi em là em nhỏ là một hân hạnh đó chớ em.

– Hân hanh đối với người gái già kia! Gái già thích làm gái tơ, con nít thích làm người lớn. Còn em, em không trẻ con… cũng không già nên em chỉ muốn người ta xem em vừa với cái tuổi của em thôi.

– Thì như thế, chớ có ai xem em trẻ hơn tuổi của em đâu.

– Anh không xem như vậy sao?

– Không.

– Em cứ ngỡ…

– Ngỡ gì?

– Ngỡ anh như Henri Heine.

– Hắn là thi sĩ, còn anh là hoạ sĩ, con mắt hai người khác nhau.

– Vậy à! Khác, nhưng sao anh lại thích em lấy chồng?

– Sao anh lại không thích em được hạnh phúc?

– Thật vậy à? Đâu anh ngó ngay em thử coi mắt anh có nói dối hay không.

– Tôi sợ lắm.

– Anh sợ gì?

Long muốn nói là sợ Quá biết chàng nói thật. Nhưng chàng chợt thấy lời ấy sẽ làm khổ Quá không biết đến đâu, cho nên chàng không dám nói ra.

Sự im lặng của chàng lại khiến Quá nghĩ anh chàng sợ lòi sự giả-dối ra.

Ngộ nhận ấy đã giúp Quá yên lòng, và cứ đi sâu mãi trên nẻo đường hiểu lầm của cô.

Long không có can-đảm làm mích lòng con gái, mặc dầu cái mất lòng ấy chỉ nhỏ thôi. Như vậy ngày kia chàng sẽ phạm phải mích lòng to.

Cháng biết thế mà vẫn không dám chấm dứt tình trạng không phân minh ấy, mà mỗi lần có chuyện úp mở là chàng hối-hận đến hai ba hôm sau.

*

* *

Thái huyên trang lại rộn rịp dọn dẹp nhà cửa. Lần này thì ai cũng biết cuộc sắp đặt ấy có mục đích gì.

Cô Quá bực dọc trông thấy. Cô đánh vỡ ly chén thường lắm. Ông bà Nam Thành ngỡ thấy đó là phấn khởi của con gái sắp được chồng cưới, sự cảm xúc bên trong lộ ra ngoài bằng những cử chỉ bấn-loạn.

Cô Quá không buồn. Cô chỉ có vẻ lo nghĩ nhiều thôi. Trong khối óc ngây thơ vô tội và hơi kỳ khôi ấy, đang xây dựng mưu-mẹo gì, chiến lược gì đây?

Trừ ông Nam Thành ra, còn thì cả nhà, kể cả Long, ai cũng đinh ninh anh chàng đi coi vợ là một câu trai bé con như Quá vậy. Câu ta hẳn khờ khạo lắm, không có tư cách riêng nên mới chịu để cha mẹ đi xem mặt cô gái dùm cho, và hôm nay, chính cậu ta đi, lại đi với cha mẹ.

Họ hình-dung một công chức hay một tư chức nhỏ, mới nhận chức, rụt rè như con gái, sẽ ăn nói khuôn phép, ngồi đâu đó ngay-ngắn và chỉ dám liếc cô dâu tương lại một cái thôi, lúc cô nầy bưng nước lên.

Hoa thấy trước là em cô sẽ vướng chân nên cô buồn cười lắm, căn dặn:

– Mầy nhớ mặc quần ống cao nghen không? Vấp té thì xấu hổ lắm đa nghen?

– Xí, bộ ai nhút-nhát như chị ba vậy sao mà lo.

– Ừ để rồi xem.

– Nếu chị dám, chị nên núp, nên rình mà nghe.

*

* *

Khách lên. Đó là một Uỷ-ban chấm giải bò trong một cuộc đấu xảo nông mục. Con bò cái tơ cứ được trại chủ kêu lên kêu xuống để khoe hết phía nầy đến phía khác.

Bò lại bị bắt rống thử một lần cho uỷ-ban nghe. Tủi lắm!

Hôm ấy Quá chịu trang điểm theo ý muốn của ông bà Nam Thành. Con gái nào lại không thích làm đỏm làm dáng, cho dẫu trước những người rất thường, hay cho dẫu trước những người mà họ không ưa.

Đứng một mình, nàng vẫn xinh gái. Mặc chiếc áo vừa ý nhứt, cô Quá nghe dễ chịu lắm, đẹp hơn lên và dạn dĩ hơn lên. Nhưng mặc dầu cóc cần vừa con mắt ai, Quá vẫn bị cảm kích khi bưng mâm trà bước vào buồng khách.

Cũng cái buồng quen thuộc và thân-mật mỗi ngày nhưng hôm nay sao nó bỗng mang một bộ mặt long-trọng khác thường.

– À, cô Út !

Bà khách đáp cái chào của cô bằng câu trên đây, rồi gọi cô lại gần bà.

– Cháu có hay về Sài Gòn hay không?

– Thưa bà, không

Bà khách nắm tay cô rồi hỏi tới:

– Cháu không nhớ Sài Gòn hay sao?

– Thưa nhớ. Nhưng cháu bận việc luôn.

– Giỏi. Hồi đó cháu học tới đâu ?

Trong khi lơ đãng đáp những câu hỏi vớ vẩn của bà khách, Quá kín đáo liếc nhìn anh chàng đi coi vợ.

Nàng ngạc nhiên hết sức mà thấy người ấy không giống như người mà mấy chị em tưởng tượng chút nào. Đó là một thanh niên có gương mặt sáng sủa và lanh lợi, có thân hình thể thao lắm, và ăn mặc rất hợp thời trang.

Quá ngây người ra rồi tự hỏi thầm:

– Lạ, sao hắn không tìm lên đây bao giờ cả. Chắc hẳn là anh Bằng chỉ mối cho. Như vậy đi theo anh ấy lên đây nào có khó khăn gì? Người như thế mà chịu níu áo mẹ đi coi vợ thật vô lý.

Bỗng ông Nam Thành nói:

– Thưa ông bà và ông cụ đây. Giờ còn mát trời, nếu ông bà và ông cụ đây muốn xem vườn tôi mới gây-dựng thì mời ông bà và ông cụ ra xem, kẻo nắng tới.

Qía bỗng giựt nẩy mình. Câu ấy nàng đã nghe rồi một lần, mà lần trước ông Nam Thành mời xem va-ly da chớ không phải vườn cây.

Đó là lần họ đi xem mặt chị Hương cô cách đây lâu lắm rồi. Thuở ấy nàng mới mười bốn tuổi, ra vào được thong thả khi có khách nên mới nghe được câu đó.

Trong các gia-đình lưng-chừng, không dám Tây quá mà không chịu cổ quá như gia-đình ông Nam Thành và của những người đồng địa vị với ông, người ta thương toa rập với nhau mà làm thế.

Không dám cho “hai trẻ“ tự-do thoả hiệp với nhau, người ta không nỡ để chúng hoàn-toàn không biết nhau. Vì vậy mới có cái trò xem va-ly, xem vườn cây nầy.

Cả mấy người cao niên đồng đứng lên một lượt như ăn ý với nhau lắm. Bà Nam Thanh nói với anh chàng đi coi vợ bằng một giọng bông đùa:

– Thanh niên chắc không thích trồng cây. Thôi thì cháu ngồi đó. Năm, con à, còn đàm-đạo với thầy đây thế giùm cho ba má giây lát.

Họ đã đi ra sân hết cả rồi. Người thanh niên vẫn ngồi làm thinh, không nói gì, cả mặt, cả mắt, cả môi đều lặng-lẽ cười lên một cách thị đời, đáng ghét.

Quá tức giận lắm, muốn nhảy đến mà tát một cái thật mạnh vào bộ mặt khinh-khỉnh ấy, nhưng nàng dằn được ngay.

Có lẽ anh chàng cũng đang bối-rối và cố cưới cho đỡ ngượng. Và trong cái vụ đi coi vợ nầy, thật ra anh chàng không có lỗi gì cả.

Ừ, ai lại biết đuợc rằng cô chưa muốn lấy chồng!

Đây là cái dịp không bao giờ ngờ có. Hổm nay, Quá toan tính tìm cách nói thẳng cho cậu con trai nghe, nhưng không biết nói vào lúc nào. Viết thơ cho người ta thì cô không biết địa chỉ.

Vì vậy cô quả-quyết tấn-công liền, kẻo bọn người lớn trở vỏ thì lỡ cả cơ hội.

Quá ngồi xuống ghế rồi mời:

– Mời anh uống nước.

– Cám ơn cô.

Chàng đưa tay rước lấy tách nước mà cô Quá trao cho, rồi hớp từng hớp mà vẫn làm thinh.

Tức mình, Quá hỏi đột ngột:

– Anh chỉ nói có được mỗi một câu ngắn ấy à?

Anh con trai ngạc nhiên lắm, nhưng không sợ hãi chút nào. Anh cười rồi nói:

– Tôi định nói nhiều, nhưng lại cụt hứng thình lình.

– Thôi được, để tôi nói. Ta nên thẳng thắn mà nhận ra rằng đây là một âm mưu của người lớn. Họ bỏ mình ở đây để cho mình có thì giờ nói với nhau. Nhưng thật buồn cười. Nói với nhau một lần mà biết được nhau à?

– Phải, buồn cười lắm.

– Họ muốn anh hoàn thành xong cuộc điều tra mà bà cụ của anh đã kín-đáo mở ra hôm nay và đã công khai hồi nãy về tôi; điều tra và thẩm vấn nữa. Rồi tối nay bà cụ anh sẽ hỏi: ”Thế nào, con đó được chớ ?”, và bà cụ của tôi cũng hỏi: ”Thế nào, thằng đó được chớ ?”. Nếu hai câu trả lời của anh và của tôi ăn khớp thì các bà sẽ thích lắm, và chương trình tới sẽ được lập ra. Vậy thế nào? Anh cứ dò hỏi tôi đi, rồi sẽ biết.

Anh con trai, phút đầu bị choáng váng vì những lời lẽ quá thẳng thắn đến gần như là mặt dày mày dạn ấy, nhưng rồi anh ta trấn-tĩnh ngay, rất lấy làm thú mà nghe Quá nói, và nhìn nàng một cách thán phục

Quá nói xong cũng hết hồn, không hiểu sao mình dạn miệng đến thế.

– Tôi thích như vậy hơn, người con trai nói.

– Anh thích cái gì hơn?

– Tôi thích sự thành thực của cô hơn là cái trò giả dối kia.

– Vậy ra anh cũng chỉ là nạn-nhân của âm-mưu nầy chớ không phải là một tác-giả.

– Phải, nạn-nhân. Ba má tôi xưa lắm, chỉ cho phép tôi được tự do coi vợ đến như thế nầy thôi. Cũng cảm-động thật đó, tuy xưa mà cũng còn cho một chút xíu tự do.

– Chắc anh thấy tôi là một con bé đáng ghét?

– Không, dễ thương chớ, đáng phục lắm.

– Như vậy chắc tối nay anh sẽ chứng với bà cụ rằng tôi được lắm. Tôi cho anh biết trước là anh cho tôi giấy chứng chỉ tốt là một chuyện, còn tôi có nhận chức hay không là một chuyện khác.

– Tôi hiểu. Nhưng cho giấy tốt là một chuyện, còn nhận người tốt là một chuyện khác nữa.

Cả hai cười xoà, rồi Quá hỏi:

– Thế là anh không nhận? Hoan hô!

– Không phải là tôi không nhận. Nhưng tôi biết cô không thích chức ấy nên tôi đã tính đến việc đăng lời rao nới khác rồi.

– Sao anh lại đoán được ý tôi?

– Dễ đoán quá. Không có cô gái liều-lĩnh nào mà dạn lời bằng cô hôm nay. Thế nghĩa là cô đã quyết tâm phá hoại mưu toan của người lớn nên mới can đảm thế.

– Anh phiền hà gì tôi hay không?

– Kể ra thì cũng hơi phiền cho tôi. Mất công đi xuống đi lên.

Quá đọc, giọng gần như hát:

Tiếc công đi xuống đi lên

Mòn đường, nát cỏ, chẳng nên….

Nàng bỏ dở câu hát ru em ấy rồi nói:

– Thật ra anh mới mất công chỉ có một lần, mà đã kêu rồi.

– Không, tôi có kêu đâu. Cô hỏi tôi phải nói thật chớ. Nhưng tôi không hối hận. Tôi có rất nhiều bạn gái và rất nhiều cô bạn dạn-dĩ. Nhưng tôi phải nhìn nhận rằng không ai dạn-dĩ bằng cô. Tôi thích thể thao lắm và rất mến tinh thần thể thao, tôi thấy thái độ của cô hôm nay đầy tinh-thần thể thao ấy: cả-quyết, thẳng-thắn và lương thiện.

Biết được một người như vậy là một cái may. Nếu cô thấy không bất tiện, xin cô cho tôi cứ được quen biết với cô trong tình bạn hữu như vậy thì quý biết bao.

– Tôi cũng rất vui lòng. Thấy mặt anh, tôi biết ngay anh cũng có tinh thần thể-thao nên mới dạn miệng thế. Tôi kêu anh ngay bằng anh cũng vì vậy.

Cả hai đều nghe không khí dễ thở ra. Họ uống trà đàm đạo tiếp. Người con trai bảo:

– Từ nãy đến giờ mọi sáng kiến đều về cô. Vậy cô dẫn đầu luôn đi. Tôi phải nói thế nào với cha mẹ tôi?

– Thì anh cứ chê tôi cho dữ thì xong.

– Không, tôi không thích nói láo.

– Hay anh cứ nói để rồi xem.

– Cũng không được. Ông cụ và cụ sẽ bắt tôi lên xuống nữa, sẽ hỏi vặn tôi mãi, khổ lắm. Cô bảo tôi nói láo, chắc phần cô, cô cũng thế, cô sẽ chê tôi dữ lắm?

– Tôi mà có chê láo cũng vô ích. Hình như là con gái không có quyền chê con trai, các ông bà cụ quan-niệm như vậy. Nếu chê được, tôi đã khỏi nói liều hôm nay.

– Thế thì có tính sao?

– Tôi sẽ nói thật không phải là duyên-nợ.

– Hoan hô!

Đôi bạn cười dòn. Kẻ khác sẽ thảm kịch hoá cuộc hội kiến kỳ dị của họ hôm đó. Nhưng riêng họ thì họ thấy ngộ nghĩnh lắm.

Những tay âm mưu đã xem xong vườn. Chắc phải dang nắng một lúc, họ khổ sở lắm, nên họ mới vội vàng trở vào nhà sớm thế. Nếu đôi bạn trẻ có gì để nói với nhau nhiều, chắc là nói không kịp.

Họ vào nhà lúc câu chuyện vừa dứt, cả hai gương mặt còn tươi cười. Bà Nam Thanh bằng lòng hết sức. Đó là triệu chứng hay – theo ý bà- tỏ rằng “hai trẻ“ đã tâm đầu ý hiệp rồi vậy.

Khách ăn cơm vui-vẻ hơn bận trước nhiều. Chú rể hụt thấy câu chuyện ngã ngủ một cách hay hay ngộ nghĩnh nên ngồi càng lâu càng thấm, chúm chím cười mãi một mình khiến cả bàn ăn đều lạc quan.

*

* *

Trở Về

Tìm Kiếm