ĐÒ DỌC (Chương 8)
Quả nhiên đêm ấy cái cảnh mà Quá tiên đoán đã diễn ra tại Thái Huyên trang. Chắc chắn là một cảnh y hệt như vậy cũng đang diễn ra tại nhà chú rể hụt.
Long không tham dự buổi nói chuyện đầu hôm trong gia đình và thoát ra sân để hóng mát.
Ấy thế, cứ vài bữa là chàng đào ngũ một lần cuộc họp mặt đầu hôm trong gia đình.
Gia đình nào cũng chỉ đông đủ có ba lần trong một ngày: hai bữa ăn chánh và đầu hôm. Cần nói gì với nhau, có gì để dạy con, để mách cha mẹ, họ nói vào ba dịp đó. Long thấy mình đã chiếm mất cảnh thân mật trong các bữa ăn của người ta rồi, nên tha cho họ sự hành tội lúc đầu hôm đó.
Bà Nam Thành xỉa qua cục thuốc rồi hỏi con gái út:
– Làm sao con, con thấy thằng đó như thế nào?
– Dạ, thưa người cũng khá lịch sự.
– Hư, con gái hư! Ai lại khen như vậy.
Người miền Nam lớp già thường hiểu lầm và dùng lầm tĩnh từ lịch sự. Tiếng ấy đối với họ có nghĩa là đẹp người. Bà Nam Thành không bằng lòng con gái khen con trai đẹp vì bà thấy sự ngợi khen ấy trái đạo nên bà mới mắng yêu Quá như thế.
Mấy chị em hiểu được mẹ nên cười rộ lên.
– Gì mà bây cười? Bây chê tao xưa hả? Nay cũng vậy chớ, con gái chỉ nên để ý đến tài đức của con trai thôi.
– Làm sao mà con biết được tài đức của người ta sau khi mới trao đổi với người ta vài câu chuyện không đâu.
– Sao lại không? Người có đức nói một lời thì biết ngay là có đức.
– Hồi xưa thì như vậy nhưng bây giờ họ không có đức mà vẫn biết cách tỏ ra ta đây có đức thì làm sao, thưa má?
– Như vậy là họ giả dối, họ giả dối là mình thấy ngay.
– Thôi được, con thấy người ta có tài, có đức lắm.
– Chớ lại không à? Mới hăm bốn tuổi mà tự sắm xe hơi được rồi. Ông Phán bà Phán ấy về hưu có giàu có gì đâu, thế mà họ sống thong-thả lắm, nhờ “thằng ấy” đó.
Bà nín lặng vài giây. Trong lúc đó thì Hoa thúc cùi chỏ vào người chị cả rồi cười hóm hỉnh bằng mắt như nói:
– Bà cụ đã chấm đậu rồi đó.
Bà Nam Thành ngọt giọng hết sức rồi hỏi thêm con:
– Má hỏi thật con, con có bằng lòng ưng người ta hay không?
Quá từ thuở giờ được cưng hơn hết. Nàng không sợ mẹ giận, mẹ phiền về mọi việc khác. Nhưng việc nầy!
Nàng biết là cha mẹ rất lo-âu về việc chồng con của bốn chị em nàng. Chỉ có mỗi một mình nàng là còn dễ gả thôi, ba chị kia đã lỡ lứa rồi. Hy vọng cuối cùng của cha mẹ, nàng đã đánh tan đi mà không thấy là bậy. Bây giờ trước mặt người thân-yêu nhứt đời nàng, nàng bỗng nhớ sực lại trách nhiệm của mình rồi hối-hận vô cùng . Nàng không hối hận đã bỏ lỡ dịp, mà đã làm một việc mà cha mẹ nàng khi hay được sẽ tuyệt.vọng biết bao!
Bà Nam Thành ngỡ sự im lặng của Quá là lời thú nhận theo thường tình con gái nên bà đắc-chí mỉm cười.
Biết sớm muộn gì cũng lòi ra, không nói thật bây giờ thì phải lo ngày nầy qua ngày khác, lo cơn bão-tố bỗng nổ bùng ra nên nàng thưa, thưa thật nhỏ như sợ mẹ nghe:
– Con đã nói thẳng với người ta là con chưa định lấy chồng.
Ông bà Nam Thành rụng rời như cả ngôi nhà đang sụp đổ xuống vai ông bà. Ba người chị của Quá đều kinh ngạc.
Ông Nam Thành bỗng đứng lên như có lò-so bật, nhưng ông lại ngồi trở xuống ngay, nói đúng ra là ông thả rơi mình trở xuống ghế.
Bà Nam Thành ngừng nhai trầu, nhìn con như không tin lời con vừa nói.
– Thật à? Giây lâu bà hỏi như vậy.
– Dạ thưa thật.
– Trời, mầy giết tao!
Rồi bà ôm một đầu gối ngó lên trần, nuốt lệ như từ đâu nơi cổ họng bà nó cứ muốn trào ra, nghe nghèn nghẹn khó thở vô cùng.
Ông Nam Thành chỉ chắt lưỡi một tiếng thôi rồi tì càm vào bàn tay chống, mắt nhìn vào khoảng không.
Cơn bão tố không bùng nổ lên như Quá đã dự liệu. Nhưng khỏi sợ hãi, nàng lại phải chịu đau xót vô ngần. Nàng đau nỗi đau thầm-lặng của hai người thân-yêu nhứt đời nàng.
„Rồi con cũng sẽ lấy chồng được kia mà!“ Nàng kêu thầm lên những lời đó, muốn nói lớn lẽ ấy ra để an-ủi cha mẹ, nhưng bỗng nàng giựt mình sợ hãi.
Ừ, lỡ không lấy chồng được? Người mà nàng yêu, biết có chắc là yêu nàng hay không? Vả yêu và cưới là hai việc khác nhau, không bắt buộc phải liên-hệ đến nhau, theo quan niệm của nhiều anh con trai đời bây giờ !
“Trời ơi! Nếu như thế thì cha mẹ mình đành ôm hận mà không gả được đứa con nào hết !“
Qúa nghĩ tới đó rồi bỗng dưng khóc ào. Hương thương hại đứa em út, kéo xển nàng đi ra ngoài, một tay nắm cánh tay Quá một tay vuốt lên tóc em.
Đêm ấy cả nhà im tiếng sớm. Ai cũng lặng-thinh và nằm êm trên giường mình nhưng thật ra không ai nhắm mắt cả.
Ông bà Nam Thành không tiêu hóa nổi thái độ kỳ khôi một cách vô lý của con, nằm gác tay lên trán mà hậm hực với ai không biết.
Cô Hương thật thà, không hề ngờ em đã yêu nên cứ ấm-ách cho con bé sanh chứng một cách dại dột.
“Tại sao nó lại có thái độ lạ lùng như vậy? Cô Hồng tự hỏi. Người ấy, đoán thì gàn dở lắm, nhưng chừng thấy mặt, xem ra cũng người đàng hoàng, lại rất xứng đôi vừa lứa với nó lắm mà! Trời! nhà nầy có mã ế chồng sao mà? Mỗi một lần được một chỗ xứng đáng đến xem mắt thì lại sanh chuyện chẳng lành ?“
Chỉ có cô Hoa là hiểu được thái độ của Quá thôi. Không phải cô tinh ý hơn ai nhưng vì cô để ý nên đã bắt chợt được vài tiếng không kín, vài cử chỉ quá hùng biện nơi cô em út.
Tại sao cô lại để ý? Ấy, có tịch mà. Tuy làm bộ ta đây là gái có bản-lãnh, Hoa thật ra đã bối rối trước người thanh niên mà nàng thấy là đẹp trai, lại có tài có duyên.
Đối với chính nàng, nàng luôn luôn chối là đã cảm mến người thanh niên ấy. Nhưng tất cả hành động của nàng đều tố cáo tình yêu không dám thú của nàng.
Nên chi, Hoa hay rình xem có ai yêu chàng trai ấy hay không. Nàng đã tìm ra được thủ phạm, đến hai thủ phạm kia, nhờ tài trinh thám của kẻ đa-nghi, đa nghi vì đã bắt đầu ghen.
Tuy-nhiên Hoa vẫn phục em về cái ngông của em nàng hồi sáng. Hoa với Quá là hai cô gái cứng đầu trong gia đình. Hai chị em trìu mến nhau vì đồng tật.
Kẻ có tội lớn trong nhà là cô gái út. Lẽ cố nhiên là cô ta đêm ấy lật qua lật lại mãi trong trí cái tội kia, thử xem coi nó hưởng được trường-hợp giảm-khinh hay không, cho nhẹ lương tâm cô một chút.
Luận điệu cũ cứ trồi lên mãi: “Rồi con cũng sẽ lấy chồng được kia mà! Con còn trẻ chớ đã lỡ thời đâu“
Và lo sợ cũ cứ lù-lù tiến đến để dọa nạt cô “Biết người ấy có thật dạ yêu mình hay không? Và nếu có, sẽ cưới mình hay không?”
Cứ như thế mà mãi cho đến khuya, Thái-Huyên trang mới chợp mắt được.
Không khí gia đình Thái Huyên trang bỗng trở lại bình thường sau cái đêm bứt-rứt đó.
Ông bà Nam Thành định dịu ngọt với con, thương yêu nó hơn lên để dỗ-dành nó. Câu chuyện đáng tiếc hôm qua, không phải là không còn cứu vãn được. Và may ra Quá sẽ đổi ý.
Con gái đang dậy thì, bị cơ thể biến chuyển đau đớn như trở thời tiết, hành hạ họ. Sự khó chịu ấy được cụ thể ra ngoài dưới hình thức những chứng bịnh thường xuyên, không rõ rệt là chứng gì. Đến mấy vị đốc-tờ già đầy kinh nghiệm cũng phải chịu là bí và dưới hình thức những lúc sanh chứng kỳ khôi, khó hiểu, những càu nhàu, những câu-mâu đáng giận.
Ông Nam Thành biết rõ điều ấy nên khuyên bà hãy có thái-độ như thường, nếu càng dịu hơn thường được, càng hay.
Hồng và Hoa thì công phẫn lối xem mắt vợ của người mình, đặt con gái ngang hàng với món đồ, với con vật nên nghe thỏa-mãn hằn-học của họ khi người con trai bị ra rìa. Họ nghe như Quá đã trả thù tập quán đáng giận kia giùm họ. Vì vậy họ thán phục cô em út và sự thương mến giúp họ vui vẻ với em hơn mọi ngày.
Duy chỉ có Hương là rầu buồn. Phận nàng, đã xong một đời như vậy. Nàng cam-phận ở với cha mẹ đến khi cha mẹ qua đời. Nhưng thương em, nàng mong đứa nào cũng có đôi bạn để ra riêng mà hưởng hạnh phúc với người ta. Người sốt ruột hơn cả cho cảnh hẩm hiu của mấy chị em là nàng. Sự sốt ruột ấy không vì nàng mà vì các em của nàng vậy.
Mỗi lần có bạn trai đến chơi là nàng hy vọng giùm cho các cô em, hy vọng từ năm nầy đến năm khác và rất lo các cô em phải chịu chung số phận với mình.
Nay có một đám xem chừng xứng đáng, lại bước tới một cách quả quyết như thế thì công chuyện lại đổ vỡ vì cái ngông của em.
Cô tức lắm cho nên khi sáng Quá đang cho gà ăn, cô đi lại níu áo em mà nói:
– Quá, mầy ngược đãi những người đi coi mắt mầy như vậy thì biết bao giờ mầy mới lấy chồng được?
– Bộ trên đời nầy chỉ có một người đi coi vợ sao chị?
– Hẳn là có nhiều người. Nhưng họ lại phân chia ra rải-rác mà đi coi vợ nhiều nơi, chớ có phải họ chú trọng đến độc một mình mầy sao?
– Đành là thế nhưng cũng không phải sẽ chỉ có độc một người đi coi mắt em.
– Mà đám nầy tao xem được lắm…
– Không phải duyên nợ, chị tiếc làm gì.
– Mầy nói chuyện duyên nợ là mầy chỉ nghĩ đến một mình mầy. Nếu mầy mà thương ba má thì mầy chỉ được kén vừa vừa thôi.
– Em có kén chọn gì đâu. Em đã chẳng khen người ấy là lịch-sự, là có tài có đức đó sao?
Hương rơm rớm nước mắt mà rằng:
– Em còn thơ dại, không hiểu được nỗi khổ của ba má. Nhà có con gái đông vầy mà không gả được đứa nào hết, thiên-hạ cười chê ba má dữ lắm đó. Họ nói: “Đẻ làm chi cả bầy con gái cho chúng ế chồng lên, ế chồng xuống như vậy?”
Mình không thấy đó là xấu hổ nên mình bất-kể được. Nhưng ba má lại nghĩ khác mình, nghĩ như họ nên ba má buồn phiền lắm.
Quá cảm động đến đỏ cả mắt và mũi:
– Khổ quá, em có muốn làm cha mẹ buồn đâu. Tại lòng em như vậy đó chớ.
– Dẹp cái lòng mầy lại một nơi đi. Mầy tưởng tình yêu không đến được sau hôn-nhơn à? Mầy tưởng má hồi đó si tình ba dữ lắm lúc ba đi coi mắt mà à? Nhưng rồi má có không yêu ba đâu ? Đồ điên!
*
* *
Vừa thoát khỏi tay chị, Quá lọt ngay vào ổ phục-kích của Long.
Anh chàng họa-sĩ đã được cô Hoa bép xép cho biết mọi việc, nên quyết gặp mặt Quá để phân vài lời cho cô biết lẽ phải ra.
Long hối hận lắm, chàng đã không can-đảm mích lòng cô bé, để cô ta hiểu lầm nên nay mới xảy ra việc đáng tiếc nầy.
Mà khổ! Sao từ thuở giờ không ai đi coi mắt họ? Biển tình cảm trong gia đình vừa mới bị ngọn sóng ngầm dao-động sơ sơ vài bữa là có một đám thật khá muốn giao-tình.
Xui-xẻo cho gia đình nầy biết bao! Long càng nghĩ càng thương những người sống trong tối tăm nầy, không bao giờ dám có mộng to, chỉ mong hưởng được một cuộc đời bình thường của mọi người mà cũng không toại nguyện.
Vừa bị chị gợi cho mình khổ tâm, Quá thấy Long thì bỗng nổi giận lên. Nàng quy tội cho anh họa-sĩ đã bước vào đời nàng một khi không phải lúc, cho nàng phải xót dạ như vầy.
“Ừ, tại nhà ngươi đó mà ta mới ngông như vậy, mà nhà ngươi thì xem chừng như chưa dứt khoát lắm đó. Liệu hồn nhà ngươi, bỏ rơi ta thì biết”
Mặt Quá hầm-hầm khiến Long sợ-hãi lắm nhưng cố làm bộ thản nhiên, chàng hỏi:
– Thế nào cô út? Chưa muốn lấy chồng thật à? Bữa nay thì tôi tin cô rồi đó nhưng vẫn không hiểu tại sao…
– Đồ ngốc!
Quá như điên lên mắng càn một tiếng. Tiếng mắng vừa vọt ra khỏi miệng nàng là nàng hả giận được ngay và tỉnh hồn lại rồi hoảng sợ vô cùng. Hoảng sợ lại làm cho nàng tức nghẹn lên nên Quá òa lên khóc.
Người kinh khủng là Long. Tình-cảm dữ-dội của Quá vừa rồi cho chàng cảm thấy mãnh lực cuồng-loạn của mối tình nàng. Mãnh lực ghê hồn ấy được tuổi thơ dại buông cương ra và nó sẽ tác-hại không biết đến bờ bến nào mà lường trước được.
„Trời ơi, thế nầy thì chết mất! Chàng than thầm. Ta vào đây, mang ơn gia đình nầy rất nặng, đã chẳng làm gì được để đáp nghĩa họ, lại vô tình gây rối rắm trong nhà người ta !“
„Đành rằng họ yêu mình là tại họ, có ai bắt buộc họ đâu, có ai dụ dỗ họ đâu? Nhưng phải thú nhận với lương tâm rằng cũng chính vì mình không ngay ngắn lắm nên người ta mới hiểu lầm, rồi chính vì mình hèn nhát lắm không dám đính chánh nên người ta tiếp-tục hiểu lầm mãi“
Hoảng sợ quá nên tính xằng, Long tự hỏi: “Hay mình cưới quách con bé ấy cho xong? Ừ, cưới nó thì êm chuyện , khỏi sợ ai làm dữ nữa. Đành rằng mình đã tỏ tình với chị nó nhưng chưa nói gì rõ ràng đích-xác lắm, mà chị nó cũng chẳng hứa hẹn gì, thì dứt bên kia cũng không khó. Cô Hồng ấy lại hiền từ…“
Ỳ nghĩ ấy vừa thoáng qua trí chàng thì Long lại hoảng hơn bao giờ cả. Thì ra càng sợ, càng rối lên rồi càng giải-quyết bậy-bạ tất cả mọi việc. Cũng may là chưa có gì ghê gớm lắm mà chàng đã hốt-hoảng tính xằng như vậy rồi, nói gì khi uất-khí của cô gái bé cứng đầu kia nổ đùng ra thì chàng sẽ hành động sai lạc đến đâu?
Thấy rõ là cần phải nguội trong đầu, bình-tĩnh lại mới khỏi làm xằng, Long quyết đánh cù cưa cho dịu cơn tức của Quá để đợi sự lắng tình của nàng và lắng trí của mình.
Chàng dọn ra một bộ mặt rộng lượng và đậm màu thương mến, tiến đến gần Quá mà rằng:
– Anh không ngốc đâu, em nhỏ à! Anh hiểu em lắm nhưng anh thấy là anh không gây hạnh phúc cho em được bằng người khác, bằng người thanh niên hôm qua.
Quá mừng rỡ hết sức vì cái liều lĩnh đến thô lỗ của nàng chẳng nhưng không làm mích lòng Long mà lại buộc Long nói rõ ra vài điều mà từ hổm nay chưa ai dám nói. Thế là đã rõ, như là nàng có tỏ tình với anh ta và anh ta đã có ý-kiến về mối tình ấy.
Tuy đó là một ý-kiến thối-thác nhưng vẫn còn hy-vọng nhiều và dễ chịu cho thắc-mắc của nàng hơn là trước kia không thể biết được người ta hiểu thấu mình hay không.
Một lần nữa Long lại hèn nhát rồi dấn thân thêm vào con đường gai gốc. Chàng không yêu Quá, mà nói như thế hóa ra yêu, yêu nhiều lắm, yêu đến vị-tha, sợ không làm nàng sung sướng được nên hy-sinh mối tình của mình nhường nó lại cho người khác. Khổ ơi là tuổi trẻ! Thờ thần tình cảm quá rồi cứ dối người dối mình, dối cả đến vị thần mà họ thờ phượng. Đến khi đức tin nơi vị thần ấy phai lợt được thì bao nhiêu là tang tóc, bao nhiêu là sụp đổ đã chồng chất lên đời họ rồi!
*
* *
Ở thôn quê miền Đông, nhứt là ven các con lộ, không hiểu sao trong vòng mười lăm năm nay cỏ bù-xít mọc nhiều quá.
Các bạn biết thứ cỏ ấy chăng? Đó là thứ cỏ người ta hái ngọn để nuôi thỏ. Cỏ có thân cây và nhánh lá đủ cả như một cây to thu nhỏ lại. Nhưng thứ cỏ bù-xít mọc tràn đầy đồng nội nầy lại cao quá đầu người chớ không phải chỉ thấp độ hai tấc như cỏ bù-xít thường.
Có người biết chuyện quả quyết rằng chính quân đội Nhựt muốn kháng chiến chống quân đồng minh nên đã mang hột cỏ ấy từ xứ họ qua đây mà rải để khi cỏ mọc lên, họ có chỗ núp mà đánh du kích ở khắp nơi.
Chỉ có cỏ ấy là đủ điều kiện thôi. Mọc mau, rậm rì để ẩn núp mà lại mềm, không gai góc, người núp trong đó day trở dễ dàng mà không sao cả.
Sáng hôm ấy Long vẽ chơn dung cho Hoa, Hoa nài nỉ đòi ngồi giữa đám cỏ bù-xít bên vuông đất trống cạnh vườn nhà, vì nàng bảo hay e-lệ, ngồi ở ngoài vườn thiên hạ trông thấy, nàng sẽ hết tự nhiên đi.
Mới ngồi xong, Hoa lo lắng hỏi:
– Anh vẽ em ngây thơ, hay quạu-quọ hay gì đó?
– Chơn dung của cô là chơn dung của “sắc đẹp”.
– Nịnh đầm! Hoa mỉm cười và mắng khéo hoạ-sĩ một tiếng.
Long mặc sơ mi vẽ hình đủ thứ cá, quần phờ-la-nen, ống chẹt nhưng trông phong nhã chớ không cao bồi.
Chàng đã vẽ xong chơn dung cho mọi người nhà trừ Hoa và ông Nam Thành. Đã đi được ngay ngắn từ lâu, Long muốn về lắm nhưng loạt truyền thần không lẽ bỏ dở chừng, nên rán vẽ cho xong để ra đi sớm chừng nào hay chừng nấy!
Long ngừng tay lại, đứng ngắm kỹ mặt người mẫu như để cố thu tất cả những đặc điểm của gương mặt ấy vào trí chàng.
Trong giây phút, mắt chàng gặp phải mắt Hoa, chàng bỗng sực nhớ lại rằng đêm đầu, mắt ấy đã trốn mắt chàng.
Lần nầy nó không lẩn tránh nữa mà lại như muốn đương đầu với cái nhìn của chàng.
Long hơi bối-rối rồi chàng quyết định chịu thua. Nếu không chịu ơn nhà nầy, nếu không có chuyện rắc rối xảy ra hổm nay thì chàng đã cho hai cái nhìn quyện lấy nhau rồi.
Long là một thanh niên đa tình, cô Hoa lại là một cô gái đẹp. Nghệ-sĩ thường thường tham-lam đến quên đạo đức, mặc dầu yêu cô chị, chàng cũng dám trầm trồ nhan sắc của cô em.
Nhưng cái nguy đã ló dạng nên chàng để lý trí lên trên được.
Hoa hỏi:
– Tại sao lại “của sắc đẹp“ như anh vừa nói?
– Là vì cái điểm trội hơn hết nơi cô là sắc đẹp. Cô Hồng thì đã có cái mơ buồn làm minh tinh cho dung nhan của cô ấy, mặc dầu cô ấy cũng rất đẹp. Cô Quá có cái ngây thơ là khả họa nhứt. Nơi cô, sắc đẹp là chủ điểm.
– Ừ, chị Hồng em buồn lắm. Nhưng vẻ buồn của chị rất nên thơ và khả ái.
– Đúng như vậy. Tại sao cô Hồng lại buồn như thế cô?
Đây là một câu hỏi mà Hoa cố ý khêu gợi ra khi nói đến cái buồn của Hồng, khêu gợi và mong mỏi nó đến.
Nhưng nàng vẫn làm bộ ngại lời, nên chỉ mỉm cười một cách bí mật thôi.
Long yêu Hồng vì nhiều lẽ, mà một là vì vẻ buồn như tàng ẩn nỗi niềm gì đau thương lắm. Riêng vẻ buồn ấy, riêng cái đau thương bí mật ấy, tự nó cũng đã quyến rũ lắm rồi, chàng không cần biết thêm gì nữa cả. Nhưng tò mò là bản chất của con người nên chàng nài nỉ một cách như không tha thiết lắm:
– Cô Hồng nhờ buồn mà đẹp hơn lên nhưng vẻ đẹp ấy sẽ còn mãi hay không là do duyên cớ buồn của cô. Nếu tự nhiên mà buồn thì cô sẽ đẹp mãi mãi nhờ nét buồn ám-trợ. Bằng như buồn vì một cớ có thể nguôi được thì vĩnh-biệt vẻ đẹp vậy.
Hoa ngứa ngáy quá chịu không thấu nữa, xác định:
– Chị em chỉ mới buồn về sau nầy thôi. Tội nghiệp cho chỉ lắm, chỉ đã đau khổ không biết bao nhiêu…
– Vậy à? Tình duyên chắc? Xin lỗi cô, tôi quá tò mò…
– Chuyện riêng tư không lẽ nói với ai, nhưng đã xem anh như là người nhà, như một người anh rồi thì…
Hồng làm quen với Thân nơi nhà một người bạn gái chung.
Thân là một sinh viên y-khoa đại-học, nhà nghèo mồ côi cả cha lẫn mẹ. Có lẽ tình trạng đáng thương ấy khiến Hồng cảm tình với Thân ngay trong cuộc gặp gỡ đầu.
Họ ít gặp nhau lắm vì Thân ngoài các buổi nghe giảng ở phân-khoa, còn phải đi thực-hành ở các viện như viện cơ-thể-học, viện hoá-học hữu-cơ, viện sinh-lý-học v.v…và nhứt là dạy ở các trường tư để mưu sinh và mua thêm sách vở.
Ít gặp mà hễ gặp là đàm đạo mê vì xem ra họ rất hạp tâm hạp ý với nhau lắm.
Sau một năm quen biết, họ yêu nhau. Hồng con nhà nề nếp, Thân đứng đắn nên họ yêu nhau suông vậy thôi, được một năm nữa.
Thân dạy trường tư rất ít giờ, vì chàng sợ bỏ học thực-hành rồi hỏng thi như không biết bao nhiêu sinh viên khác ở các phân-khoa khác.
Vì vậy vấn đề cưới hỏi nhau chưa ai dám đặt ra cả.
Ông bà Nam Thành không khá-giả bao nhiêu thì không thể bao cho một tiểu gia đình nữa được. Thân chỉ kiếm vừa đủ tiền ăn cơm tháng, tiền quần áo, sách vở và xi-nê thôi. Đến những bữa mời nhau đi ăn mà Hồng còn phải trả tiền tắc-xi, tiền hiệu ăn nữa là.
Hồng đã lãnh đan áo, lãnh xếp đèn giấy cho người ta, thức đêm thức hôm để kiếm thêm chút ít mà giúp bạn.
Mối tình vô tội của đôi bạn, vì phải đợi lâu ngày quá nên chuyển ra tội lỗi. Thân chỉ mới học đến năm thứ nhì, nếu kể cả năm dự bị là ba, còn đến bốn năm nữa mới cưới vợ được. Mà đời nay con trai con gái không đủ bền chí đợi nhau đến ba bốn năm như các cụ ngày xưa.
Hồng lo sợ Thân thối chí nên đã dễ dãi với người sanh viên ấy.
Năm đó Thân thi đỗ ngoại trú. Người ngoại trú mỗi ngày phải vào làm việc ở các nhà thương một buổi.
Công việc bắt buộc chàng chung đụng rất thường với bạn gái đồng nghề.
Thân vẫn yêu Hồng như thường nhưng gần gũi cô Nghĩa, cô nữ đồng nghiệp ấy lâu ngày chầy tháng quá nên lửa phải bắt rơm.
Là một người vị hôn phu trung thành với người bạn đời chưa cưới, trung thành đến dại dột, Thân thú thật với Hồng sự phản bội của hắn.
Hồng đau đớn lắm nhưng sau những giải thích khoa học của Thân và những lời cam kết của anh, Hồng nguôi được.
Nhưng rủi ro cho cả ba người trong cuộc là cô Nghĩa mang thai với Thân.
Thân trước kia có giới thiệu hai người bạn gái với nhau, và Nghĩa với Hồng cũng mến nhau lắm.
Bây giờ cớ sự như thế này, Thân hoảng sợ quá không giải quyết làm sao được cả.
Cô Nghĩa thì chỉ khóc, chớ cũng chẳng làm gì Thân.
Hồng đành chịu thiệt thòi, không phải để cứu một người bạn không thân bao nhiêu mà chính là để cứu một người đờn bà mà số kiếp thường chịu long đong do tạo hóa gây dựng thể chất của họ một cách bất lợi trong đường tình.
Hồng cố vui vẻ cho Thân cưới Nghĩa, nếu không anh chàng nầy dám làm mặt lì bỏ rơi Nghĩa lắm, vì Nghĩa kém sắc hơn Hồng nhiều, lại vì chính Nghĩa đã thọ thai, tức là đã bớt quyến rũ về xác thịt.
Đau đớn là ở chỗ đó.
Khi nỗi đau khổ bị đè nén xuống, nó chạy dồn vào bên trong rồi con người cứ phải nhơi mãi thứ tình cảm không tiêu ấy, nó nằm trong đó mà gặm lần gặm mòn cả tâm hồn người ta.
Nghe câu chuyện, Long có cảm giác rằng Hoa cố ý tiêu diệt Hồng trong lòng chàng, Hoa đã đoán thấy mối tình chớm nở giữa hai người và cũng yêu chàng nên mới nhẫn tâm tiết lộ bí mật của đời chị như thế.
Trời! “Núc ních trật chín, trật mười”, lời tục nói không sai! Cái cô Hoa nầy hổm nay xem ra như là rất thờ ơ với mình, nhưng giờ mới thấy là cô ta quá sá.
Quá tuy thế mà thẳng thắn hơn, lương thiện hơn nhiều. Cô yêu là cứ yêu, không sợ ai cười chê gì cả. Và yêu thì yêu không cần gạt ai ra hết. Chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn chớ!
Cô Hoa đã lầm. Long yêu là yêu, không thèm biết đến dĩ vãng của người yêu, hay có biết cũng chẳng để nó ảnh hưởng đến tình yêu của chàng được.
Trái lại, chàng nghe ghê tởm quá cái con người nầy mà lòng vẩn-đục những ác ý. Bỗng nhiên chàng thấy Hoa bớt đẹp ra và hình như là bắt chợt được vẻ hiểm-ác kín-đáo ẩn hiện trên gương mặt của nàng.
Hoa im lặng nhìn phản ứng trên mặt của Long, còn Long thì ngẩn người ra mà kinh ngạc cho nhơn-dục đã làm loạn tâm con người đến thế.
Hai người không nghe được tiếng chơn đạp lá, không thấy những cây cỏ bù-xít bị lay động gần đó.
*
* *
Ăn cơm trưa xong, Long xin phép ông bà Nam Thành vô xóm trong để hầu chuyện vị sư già nơi am “Xên Hà“ là cái am riêng, thờ Quan Âm, do một bà cụ lập ra từ mấy năm nay.
Hôm ấy tới phiên Hoa rửa chén. Cả nhà mặc dầu không ngủ trưa, vẫn nằm nghỉ trên nhà trên.
Hồng nằm chưa nóng lưng đã ngồi dậy để xuống bếp! Không ai chú ý nên không thấy được mặt nàng hầm hầm vì nỗi căm tức chưa tiêu hóa được sau khi bắt chợt trong đám cỏ bù-xít những tiết lộ ác hiểm của em khi sáng.
Hoa đang sắp chén dĩa đã rửa xong vào sóng thì Hồng chụp lấy vai cô rồi cười gằn mà hỏi:
– Sao em ác với chị dữ vậy?
Hoa hết hồn, vì bị chụp thình – lình lại vì câu hỏi đến trong lúc cô đang có tịch, nên cô đứng ngậm câm vài giây rồi mới hỏi lại được:
– Em có ác gì đâu chị?
Hồng cười dài rất mỉa mai mà rằng:
– Em ác, mà lại hèn, không có gan thú tội. Trời ơi! Trong gia đình mình lại có một đứa con, một đứa em như vậy à?
Bây giờ Hoa đã hiểu, và sợ hãi lắm, nhưng nàng vẫn còn hy vọng rằng không phải chuyện tiết lộ kia đã chọc giận chị nàng, nên nàng mới hỏi gặng cho chắc ý.
– Nhưng việc gì chị cũng phải nói ra chớ.
– Việc gì thì em biết, cần gì phải nói ra. Chị chỉ hỏi em vì sao nỡ ác như vậy. Xấu xa quá, đến chị, chị còn mắc cở cho em, cho cả nhà ta, huồng gì đối với người nghe chuyện em kể trong đám cỏ hôi.
Thế là đã rõ, Hồng đã rình mò (hay tình cờ không biết) nghe được câu chuyện bép xép vì ác ý của nàng.
Không thể chối cãi được nữa, cũng chẳng có lý lẽ nào để đưa ra cho giảm tội đưọc, Hoa làm mặt lì cự lại:
– Mắc cở cho em? Chị làm xấu mà em lại mắc cở? Có phải tập tầm vòng của trẻ nhỏ đâu.
Rồi nàng mỉa mai hát:
Tập tầm vông.
Chị lấy chồng?
Em ở góa.
Chị ăn cá.
Em múc xương.
Chị nằm giường.
Em nằm đất.
Chị húp mật.
Em liếm ve….
Tức lắm Hồng sừng sộ hỏi:
– Chị làm gì mà em cho là làm xấu.
– Tốt lắm à, con gái có mèo mà tốt lắm à?
Cơn giận từ trong lòng nàng đã sôi bọt và trào lên. Hồng nhảy đến nắm đầu em, tát vào má nó một cái tóa hỏa, vừa tát vừa nói:
– Có phải là mèo chuột hay không, mầy đã dư biết đừng vu khống thêm vô ích. Mà em thì không quyền xét đoán chị như vậy nghe chưa?
Hoa không nhịn, một tay nắm lấy tay đánh của chị, còn tay khác thì đánh lại Hồng.
– À, con nầy dữ, Hồng nói rồi vả tiếp vào mặt Hoa.
Bị vả hai lần đau điếng, Hoa như điên lên, hai tay chụp đầu chị, quay những lọn tóc của Hồng trong những ngón tay của cô rồi vặn mạnh.
Hồng nghe như ai rứt da đầu của nàng ra, nàng vả lia vào mặt em để thoát, nhưng Hoa cứ chịu vả như vậy, và tiếp tục vặn tóc của Hồng.
Cùng thế, Hống táp cánh tay của em rồi cắn vào thịt của Hoa một cái thật mạnh.
Hoa la “oái“ lên một tiếng rồi buông tóc Hồng ra. Nhưng tóc cứ vướng vào những ngòn tay của cô mãi. Hồng tuy nghe hết đau đầu, mà thấy tay em không rời tóc mình, ngỡ nó toan vặn tóc lọn nữa, nên ôm Hoa mà vật xuống như con trai đánh lộn.
Không đề phòng, nên Hoa bị vật ngã xuống đất kêu cái ạch. Cô níu chị theo trong khi té, vì thế Hồng cũng ngã nhưng nằm đè lên mình em.
Hoa vùng vậy để hất cho chị té xuống đất. Nhưng Hồng thấy em mình dữ quá, lo nó mà ngồi dậy được thì khổ, nên cố nín thở để cho nặng thêm để đè xuống.
Vùng vẫy không hiệu quả, Hoa đánh lên túi bụi. Hồng đã ngồi dậy trên mình em và đánh trả lại một cách đắc thế hơn trước, vì ngồi thì không vững bằng nằm. Vì thế Hoa lật té chị xuống được.
Hai chị em bây giờ ôm nhau mà vật lộn, không ai thắng ai cả, nên họ xàng quây với nhau và hai chị em lắm lúc quay tròn như con trổng.
Cẳng hai người khi xây qua tới cái chỗng cao cẳng, dùng để sóng chén, chạm mạnh vào chõng ấy, làm cho sóng chén rơi xuống, chén dĩa bể kêu lổn rổn.
Hoa bỗng nảy ra một sáng kiến ác hiểm. Nàng cố quay cho đầu day lại đống miễng chén rồi vói tay lượm một cái miểng lớn, đập nó vào mặt chị .Hồng bị vỡ trán máu phun có vòi. Nhưng nàng không la. Cả hai dều lầm lì quyết câm miệng để sống chết với nhau.
Nàng cũng vói tay lượm miểng đập vào mặt em như vậy, nhưng Hoa biết trước, đưa cả hai bàn tay ra mà đở. Tuy bàn tay trái của cô rách và máu chảy dầm dề nhưng mặt cô còn nguyên vẹn được.
Nghe chén dĩa rơi cả sóng, ở nhà trên ai cũng hoảng không biết tai nạn gì đang xảy ra cho người rửa chén.
Hương và Quá nhảy xuống đất chạy trước, ông bà Nam Thành chạy sau.
Khi họ xuống tới thì thấy Hồng và Hoa đánh vùi với nhau, máu me đầy cả mình mẩy và áo quần của họ.
Cả nhà kinh khủng hết sức, Hương và Quá vội vã mỗi người kéo một chiến sĩ đang hỗn chiến ấy ra. Ông bà Nam Thành thì cứ chạy vòng quanh đó mà hỏi:
– Cái gì? Cái gì vậy?
Bà Nam Thành ngồi bệt xuống đất rồi rống lên mà khóc.
Khi hai con gà mái tơ đã bị rứt rời ra xong, Hương giao cho Quá ngăn hai người tái chiến, còn cô thì chạy lấy gòn, băng và tanh-tuya-dót để trở lại nghề lang băm một lần nữa.
Hai nữ tướng thấy cha mẹ thì sợ hãi, cúi mặt xuống nhưng cả- quyết lặng- im, ông Nam Thành hỏi gì họ cũng chẳng dỉ hơi.
Ông Nam Thành tức lắm, giậm chơn xuống đất mà kêu trời:
– Trời ơi chị em bây hòa thuận với nhau thuở giờ như bát nước dầy, cả nhà đầm ấm mấy mươi năm nay. Rồi bây giờ lại sanh chứng ra thế nầy thì có khổ hay không!
Bà Nam Thành khóc đã rồi kể lể:
– Tại ông không nghe tôi, nên mới ra cớ sự như vầy! Ông giết con ông đó đa! Rồi ông sẽ thấy còn khổ hơn trăm ngàn lần bây giờ nữa.
– Tại tôi làm sao? Ông Nam Thành đổ quạu, hỏi bằng giọng sân si.
– Tôi biểu đừng có lui về quê, chưa phải lúc đâu.
Ông Nam Thành bỗng chợt hiểu. Trong khi Hương và Quá vẫn cứ ngơ-ngác ra.
Ông bà không tinh hơn hai cô con không biết rộng hơn, nhứt là về khoa – học, nhưng ông bà vốn đã có bàn qua vấn đề ấy rồi nên nay nhắc sơ lại là hiểu ngay.
Hương hối hai em đi rửa mặt mày và thay đổi y – phục, còn Quá thì lo dẹp miểng chén và quét những giọt máu trên mặt đất.
Độ nửa tiếng đồng hồ sau, Long trở về nhà. Chàng có cảm giác như là một cuộc bể dâu vừa đi qua đó.
Cô Hồng bị băng đầu, còn cô Hoa thì băng tay trái, cả nhà lại im-lìm chớ không nói cười như mọi ngày. Mặt ai cũng có dáng lo nghĩ buồn phiền.
Long lấm – la lấm-lét như kẻ có tội vì chàng quan niệm rằng bắt chợt những thảm cảnh, những chi tiết trong đời sống thân mật của gia đình người ta là có tội.
Vì vậy chàng thơ-thẩn đi ngoài vườn, dưới nắng xế. Đi quanh được vài vòng Long nghe khó chịu quá, nên chun vào đám cỏ bù-xít cạnh vườn để núp nắng và nhứt là núp mắt người nhà.
Đến khoảng trống mà chàng dọn khi sáng để làm phòng vẽ, Long ngồi xuống rồi rút khăn ra lau mồ hôi hột đã thắm ướt cả áo sơ – mi của chàng.
Long có cảm giác là chàng không phải là không liên – hệ đến cơn bão tố đã nổi lên ở nhà lúc chàng vắng mặt. Nếu họ bị tai nạn hay là đánh nhau đi nữa, mà vì lẽ khác thì thế nào cũng bô-lô, ba-la lúc chàng về để cắt nghĩa lăng xăng cho khỏa lấp việc ấy. Đằng nầy họ nhìn chàng từ xa mà như là mắc-cỡ.
Sự im lặng của họ là sự im lặng hổ ngươi chớ không phải im lặng giận hờn. Nhưng sao lại hổ ngươi? Có phải chăng vì chàng …….
Áy náy khó chịu, chàng đứng lên mà đi, không biết đích tới, đi cốt để quên sự cắn rứt vì mối hận đã gây sóng gió một cách vô tình trong một gia đình mà chàng chịu ơn và thương mến.
Long ra khỏi phòng vẽ lộ – thiên ấy được đâu bảy tám bước thì ngạc nhiên thấy cõ ngã thành một đường dài. Con đường nầy khác với con đường chàng và Hoa đã phá để vào khi sáng.
Chàng ngạc nhiên không phải vì sự hiện hữu của con đường. Ai cũng có thể và có lý do vào đó cả, nhưng con đường lại tuyệt đạo. Người vô danh nào, đã đi đâu, sao không đi tới nữa, như chàng đã đi tới một nơi trống cỏ để vẽ vời, lại quay gót lúc nửa chừng như vậy?
Hơn thế, nơi đầu đường tuyệt đạo ấy, là cỏ chung quanh bị hái sạch trơn, bị vò nát, vứt đầy trên mặt đất.
Bỗng chàng hiểu tất cả: Hồng đã theo dõi họ, có lẽ vì muốn xem vẽ thôi, chớ không có ý xấu rình mò. Nhưng vừa tới đó, nàng bất chợt câu chuyện do em kể. Đứng nghe một hồì, vừa sợ, vừa giận, vừa bối rối nàng vò nát cỏ mà không hay.
Long thở dài lẩm bẩm: „Thì ra vậy! Rồi Hồng tìm Hoa để mắng em, rồi họ cãi vã với nhau, rối đánh nhau đấy! Thì ra cảm giác của mình đúng chớ không phải là đoán mò“.
Bây giờ Long lại hối hận và sợ hãi hơn hồi mới về nhiều. Tội chàng đã rõ rệt trong vụ nầy, không phải là tội bắt chợt chi tiết thân mật trong đời sống gia đình của người ta, mà tội gián tiếp làm xáo trộn cảnh êm ấm của mấy chị em đáng mến nầy.
Vì lẻ ấy, chàng lại càng không dám vô nhà. Nhưng còn chưa biết phải tính sao thì Long bỗng mừng rỡ mà thấy Bằng ngoài ngõ.
Chàng ngạc nhiên nhưng vẫn mừng. Sao Bằng lại lên ngày thường chớ không phải chúa nhựt, thứ bảy gì, lại lên vào buổi xế chiều, như là có chuyện gì quan trọng lắm? Mà mặc, miễn vào nhà được mà khỏi ngượng rồi hãy hay. Chàng sẽ tháp tùng theo Bằng, rồi thì xí xóa cả. Ăn thua cái phút đầu, mà cái phút đầu qua lọt được thì êm luôn.
Nghĩ vậy, Long đi riết ra cữa ngõ, rồi reo lên:
– Ê! Bằng! Saigon có gì lạ?
Bằng lạnh lùng bắt tay Long, mỉm cười một cách gượng- gạo rồi đáp:
– Chuyện lạ là ở đây.
Long cục hứng và sợ hãi không dám nói gì nữa. Hai người con trai lặng lẽ đi song song với nhau vào nhà.
Mấy cô con gái đang dọn cơm chiều, vì ở nhà quê ăn cơm tối thật sớm, vào lúc mặt trời chưa lặn hẳn.
– À! Bằng! Ông bà Nam Thành mừng cháu bằng câu cụt ngủn ấy.
Trừ Hương ra thì mấy cô con gái kia chỉ cúi đầu chào anh, như chào khách lạ.
Hương hỏi:
– Có việc gì mà anh lên một lúc bất thường vậy?
– Thôi để ăn rồi hãy hay, bà Nam Thành ngăn Bằng đáp lời con. Hay là ta nói chuyện trong bữa ăn cũng được, bà lại đề nghị như vậy.
Cơm đã dọn xong, cả nhà ngồi lại. Trong mấy phút đầu, bữa ăn lặng trang như bữa giỗ đầu của người thân yêu nào, kẻ sống ăn mà ngậm ngùi nhớ người chết hẳn như còn quanh quất đâu đây.
Ông bà Nam Thành e có chuyện gì kín chăng nên không muốn hỏi trước mặt khách. Hương bị anh không đáp một lần nên đâm chán, làm thinh mà ăn, Hồng và Hoa, hai nữ tướng bị thương, từ trưa đến giờ vẫn chưa bỏ quyết định làm reo ngậm miệng. Quá thì vì đã ngược đãi bồ của Bằng, nên lấm lét, sợ Bằng cự.
Lâu lắm, Bằng mới hỏi:
– Hai cô làm sao mà bể mặt rách tay như vậy?
– Hai đứa nó té, Hương nói dối hớt dùm hai em.
Nhưng Hồng đã chịu mở miệng và nói ngay sự thật ra, nói bằng một giọng pha trò, mong Long hiểu là cô nói cà – rỡn:
– Không, hai đứa em dánh nhau đó a anh Bằng.
– Tôi cứ ngỡ là hai cô bị tại nạn xe hơi. Tôi bị ám ảnh vì tai nạn ô-tô nên nghĩ ngay ra thế.
Long khó chịu, không biết Bằng có muốn ám chỉ xiên xẹo gì mình hay không. Nhưng chàng vẫn không dám mở lời.
Bằng lại nín cả nhà lại ăn. Tiếng nhai dưa chuột, tiếng húp canh đều nghe mồn một, bữa ăn lặng lẽ quá, khiến người ta có cảm giác đang nghe tiếng ăn rào rào của một nong tằm.
Khi gần xong bữa, Bằng nhìn dì dượng và nói:
– Cháu định chúa nhựt sẽ lên, nhưng bứt rứt quá chờ không được nữa nên mới đi hôm nay, vào giờ nầy. Cháu lên để cự cô Quá một mách cho hả giận. Thằng Côn nó về nó kể lại buổi đi xem mắt vợ của nó, cháu nghe, cháu tức muốn nghẹn.
Bà Nam Thành nghe cháu nói bỗng nghẹn ngang thật sự. Sợ cháu nó hối hận, bà vẫn tiếp tục nhai nhai mãi mà không nuốt, giây lâu mới qua được cơn tức. Bà nói:
– Đâu cháu hỏi nó trước mặt dì thử xem, coi nó trả lời làm sao vụ đó.
– Sao vậy cô Quá? Bằng hỏi em theo lời dì yêu cầu.
– Tại không phải duyên nợ, chớ có sao đâu anh.
– Cô điên lắm, về sau cô sẽ phải ăn năn … Nó là thằng bạn trẻ của tôi. Tôi mến nó lắm và thấy nó đủ điều kiện, nên mới dám điềm chỉ như vậy.
Không ưng là quyền của cô, đến dì dượng đây mà còn không ép được cô. Nhưng tôi thấy thái độ của cô không có lý do, hay nói cho đúng ra, không có lý do hợp lý nên tôi tức, lên đây mà nói cho hả hơi.
Ăn cơm xong là Bằng xin về ngay, ông bà Nam Thành cầm thế nào cũng không được.
Long vừa định đưa Bằng ra cửa ngõ, thì người con trai nầy đã ngoắt chàng trước. Họ làm thinh mà đi, chừng cách xa nhà rồi, Bằng mới đột ngột hỏi và nhìn ngay vào mắt Long:
– Anh có lỗi gì hay không? Cứ nói thật đi. Mình là bạn trai với nhau, hiểu nhau nhiều, không còn gì giấu nhau nữa.
Long thẳn thắn đáp:
– Có, nhưng lỗi gián – tiếp thôi. Mặc dầu vậy tôi cũng hối- hận hết sức.
Đáp xong chàng thở dài, mặt bí – xị.
Ra tới đường, Bằng nói:
– Anh nên đi là tốt hơn.
– Phải, tôi đã quyết định từ hồi trưa. Tối nay tôi sẽ xin phép để mai lên đường. Tôi đã phác họa xong bức truyền thần cho ông cụ và ghi sâu vào trí đặc điểm của gương mặt ông. Đó là bức họa cuối cùng mà tôi sẽ hoàn thành ở Saigon.
– Như vậy là biết điều.
– Anh không trách tôi lắm chớ?
– Không! Tôi chỉ tiếc thôi. Tôi thương mấy em tôi lắm.
Long đưa tay nắm tay Bằng siết chặc lại và nói:
– Tôi cũng vậy, tôi thề quyết chuộc tội bằng…
– Tốt hơn là đừng nói gì trước, kẻo lại phải hối hận nữa.
Một chiếc xe lô chạy ngang qua. Bằng đưa tay bắt lại. Đôi bạn xiết tay nhau thật mạnh. Xe chạy đã xa rồi mà Long vẫn còn đứng trông theo cái người độc nhất đã hiểu câu chuyện, hiểu anh và khoan hồng không trách móc anh.
Xe đã khuất nẻo. Trời tím xẩm xuống. Xóm trên đã khởi sự đỏ đèn.
Long định đêm nay không dự buổi họp mặt đầu hôm của gia đình. Chàng xin phép về, tỏ lòng biết ơn và từ giã nội nhà thì cũng tốn trót một tiếng đồng hồ rồi. Nếu ở lại họp mặt như mọi ngày thì buổi họp mặt của người ta sẽ phải kéo dài thêm. Vả lại không khí ở đây không còn đầm ấm vui vẻ nữa. Thái – huyên trang đã có thể sửa lại là Thái Phiền trang rồi.
“Trời ơi, Long than thầm, mới ngày nào mình còn hình dung ra một đêm giã từ vừa vui vẻ, vừa bận bịu những luyến – tiếc, mà bây giờ thật – trạng lại như thế nầy!“.
Mới có mấy hôm, chỉ có mấy hôm thôi, mà bao nhiêu biến -cố đã xãy ra trong nhà nầy. Những tình – cảm bị dồn ép, những nhân dục bị đẩy lùi, tìm gặp chỗ yếu nơi thành của chiếc thùng nhốt chúng nó, phá chỗ yếu ấy mà xì ra.
Chàng thương biết bao những con người hiền lành kia. Ông bà Nam Thành chỉ dám mong mỏi gả được con, rồi sống những ngày xế chiều trong một xó tối, mấy cô con gái chỉ ước mơ lấy được một tấm chồng, ước mơ nào có xấu xa gì cho cam.
Họ đã yêu! Cũng không có tội lỗi gì cả. Họ điên dại mà ngược – đãi người coi mắt họ, càng đáng thương thêm . Họ đâm khùng phá hoại hạnh phúc của chị họ, mong cướp hạnh – phúc ấy cho riêng mình, điều đó tuy bậy, nhưng những kẻ may mắn hơn, không có dịp làm thế, liệu có lương thiện được hay không, nếu đứng vào địa vị họ.
Long băn khoăn không biết làm thế nào để gặp mặt Hồng được đêm nay hầu giã từ riêng nàng, nói cho nàng khỏi lo, rằng chàng vẫn yêu nàng và câu chuyện xưa hoàn toàn không lung lay được mối tình của chàng.
Nhà vỏn vẹn có ba buồng ở dưới, vách buồng trống trơn, vườn cũng trống lỗng, đêm nay nhà lại có việc buồn thì rất khó mà trao lời với Hồng.
Long định đón Hồng nơi một xó nào đó trong nhà, nói mau cho nàng biết ý định của mình muốn gặp nàng, khuya lại, chắc nàng xuống.
Nhưng chàng không dám. Sóng gió vừa qua hai cơn, nếu rủi ro, cơn thứ ba nổi lên thì phải ôm mặt mà chạy ra khỏi nhà nầy ngay, không còn dám ngó ai nữa hết.
Bỗng chàng hồi hộp, mà thấy dáng ai đứng gần giếng. Đêm đã xuống hẳn. Trời chỉ có lưa thưa vài con sao, nên dưới nầy gần như tối mịt. Người ấy nhờ mặc áo trắng nên chàng mới trông thấy được.
Nếu như đó là Hồng thì thật may mắn bất ngờ. Nhưng lỡ không phải Hồng, thì nó sẽ rắc rốì thêm biết bao nhiêu!
Người ấy chắc chắn không phải là Hương, vì chỉ có ba cô kia mới đang buồn, đang khổ và mới thơ thẩn ngoài trời như vậy.
Hoa thì chàng đã ghê tởm rồi, còn Quá thì chàng thương lắm, không muốn cô có dịp hy vọng hão nữa. Mà cả hai đều yêu chàng và nhân dục họ mạnh và mù vô cùng, gặp họ thì nguy.
Nhưng nếu không đến gần thì còn làm sao biết đó là ai được. Long nhớ lại mình đang mặc bi- da- ma xám, đi trong đêm chắc không bị ai trông thấy.
Chàng định đến cách khoảng vừa đủ trông thấy là ai thôi, rồi sẽ tiến nữa hay lùi tùy người đứng đó là ai.
Nhưng chàng đến càng lúc càng gần mà cũng trông không rõ được. Người ấy đứng nghiêng mình, có thể đoán là đang âu sầu nhìn xuống giếng.
Người ấy khóc hay chăng? Ừ, hình như là chàng vẵng nghe tiếng hít mũi.
Bỗng một ý nghĩ ghê – gớm chạy xẹt qua trong trí chàng. Long hoảng sợ rồi đâm liều, chạy càng tới giếng.
Chưa thấy gì lạ cả nhưng không hiểu sao chàng cứ sợ là không kịp. Chàng vừa đến nơi thì trời ơi, cái mình áo trắng đã ngã xuống. Chàng chỉ nhắm chừng thôi, vì quần đen của người ấy không thấy được, nhắm chừng rồi chụp lấy hai cái chơn của người ấy lại.
May quá, chàng chụp trúng và nắm chặt lấy hai chơn ấy.
Thân trên kẻ quyên sinh đã ngã vào miệng giếng, nhưng hai bắp vế của y còn nằm trên bờ giếng bằng xi măng xây khá cao. Vì chân được giữ lại, nên thân dưới không bị lôi theo.
Long bối rối lắm. Nếu buông ra, toàn thân kẻ quyên- sinh sẽ lọt xuống dưới đáy giếng! Mà không buông thì tay đâu đở mình y lên.
Riêng y, một là y không chịu lên, hai là y không đủ sức ngóc lên nữa.
Long đành phải ôm hai cái chơn ấy bằng một tay rồi kéo lui mình người ấy vừa vói tay kia để níu lấy cái mình.
Người bị kéo như vậy, da thịt cọ vào bờ giếng, chắc đau đớn lắm, nhưng mặc! Chàng hì – hục rất lâu mới kéo thân hình trên của người ấy ra khỏi miệng giếng được.
Lạ là y làm thinh, không kêu la gì cả, như một cái xác chết. Được biết tình cảm mãnh liệt của mấy chị em Thái – Huyên – trang. Long không ngạc nhiên trước cam đảm của người nầy chút nào.
Chàng hỏi nho nhỏ:
– Ai đây?
– Anh Long!
Nhận ra được tiếng của Hồng, Long mừng hết sức và càng sợ nhiều hơn lên, nỗi sợ trễ – tràng vì Hồng có thể rơi xuống đáy giếng trước khi chàng cứu kịp.
Hồng kêu lên hai tiếng “Anh Long“ rồi òa lên khóc nức nở. Long không nói gì cả, để cho bạn tự – do khóc cho hả hơi và lợi dụng thời gian ấy để đỡ Hồng dậy. Xong đâu đó chàng nói:
– Bậy lắm, sao cô lại làm vậy? Tôi đang tìm cô để nói rõ cho cô biết là tôi vẫn yêu cô và không đếm xỉa đến những lời nói xấu nào hết.
Hồng nức nở lên mà khóc nữa. Lần đầu tiên Long đường đột chạm đến Hồng. Chàng nắm lấy tay Hồng, siết chặt lại rồi ngồi chờ cho trận khóc thứ nhì ấy dứt.
Khi tiếng thổn thức thưa dần . Long gọi:
– Em!
– Dạ.
– Em có nghe anh nói hay không?
– Dạ nghe.
– Thì nín đi. Em cứ an lòng. Anh sẽ trở lại mà cưới em, nếu em còn yêu anh.
– Làm sao mà không còn hở anh.
– Con sao Hôm, hôm nay không ra mặt, con sao Hôm của chúng ta, sẽ nhắc nhở mối tình của chúng ta, sẽ nhắc nhở em chờ anh và sẽ nhắc nhở anh kịp trở lên đây cưới em.
Long đặt má chàng lên tóc bạn, Hồng còn tấm – tức, tấm – tưởi nên đầu nàng chốc chốc lại đẩy lên, đè áp lực vào má của Long.
– Thôi anh từ giã em nhé! Ở đây lâu không tiện, em vào nhà mau đi.
Hồng đứng lên rồi tấm – tức tấm – tưởi nói:
– Người ta hay nói : “Vật đổi sao dời“. Anh có thể đổi ý, nhưng em cầu xin cho sao đừng dời để mỗi đêm em nhìn sao mà nhớ đến anh.
– Vật đổi sao dời, nhưng người không đổi, em đừng lo.
Hình như một bóng đen đang đi vào nhà. Đôi bạn sợ hãi buông nhau ra. Hồng bước mau, rời khỏi giếng, trong khi Long đi vòng để ra phía ngoài mà vào, như đi đâu ngoài đường mới về.
*
* *
– Thôi mai nó về là xong! Ông Nam Thành nói nho nhỏ trong bóng đêm.
– Xong làm sao được! Con mình đã yêu nó rồi. Nếu việc không thành thì tai hại không thể lường được. Lai cả hai ba đứa yêu nó! Chị em nó thương yêu nhau biết bao nhiêu, mà bây giờ lại đến cả đánh lộn với nhau. Cũng tại ông.
– Bà cứ đổ lỗi cho tôi hoài!
– Tôi đã nói có con gái lớn, lùi về quê không được.
– Không, tại mình rủi ro đó chớ. Tai nạn xe hơi trước nhà, chỉ có trời mà đoán trước được.
Nhưng rủi ro ấy có phải là nguyên nhân chánh của biến động trong gia đình mình đâu.
– Sao không phải? Bà đã chẳng cho rằng vì về quê, sống xa xã-hội riêng biệt của mình, nên bất kỳ người con trai nào hiện đến là con mình yêu ngay đó sao.
– Đúng. Nhưng nếu không có tai nạn xe hơi, không có khách, thì con mình vẫn khổ như thường.
Ông Nam Thành thở dài.
Trong khi hai ông bà băn-khoăn cho số phận con cái thì cô Quá nước mắt ràn-rụa ướt cả gối mền. Những lời cô rình nghe lóm được bên giếng không còn để nghi-ngờ nào lại cả. Đã rõ-ràng như hai với hai là bốn rằng chị cô và Long đã yêu nhau, và Long định cưới chị cô.
Quá không mảy-may ganh với chị. Cô chỉ tủi cho cái không may mắn của cô thôi. Thất vọng chỗ này, cô lại ân-hận đã bỏ lỡ cơ-hội kia, khiến cha mẹ buồn phiền, và cơ-hội ấy có thể không bao giờ đến nữa, y như đối với mấy chị của cô. Như vậy, cha mẹ cô sẽ mất luôn hy-vọng cuối cùng được gả đứa con gái út.
Thật ra Quá chưa đến quýnh lấy chồng thì cô nghĩ cho dẫu cơ-hội không bao giờ đến cũng chẳng sao. Ý nghĩ ấy rồi vài năm nữa đây, một khi đã luống tuổi, cô có thay đổi hay không thì chưa rõ, nhưng hiện giờ cô tin chắc như vậy.
Nhưng con gái thơ thì yêu chỉ để đáp lại tiếng gọi của tình-cảm đang thời tốt giọng của nó chớ không phải tha-thiết lấy chồng, lắm khi cũng chẳng thèm nghĩ đến việc xác thịt.
Và con gái thơ, mà trai tơ cũng thế, yêu dại lắm, họ xem tình yêu là tất cả cuộc đời, mất đi là vũ-trụ cũng đổ theo, đời không còn nghĩa nữa. Và mối tình đầu nào, cho dẫu không có gì cao, đẹp lắm, cũng là mối tình có thể giết người.
Nằm chung buồng với em, cô Hương không hay biết gì cả, vì Quá chỉ lặng-lẽ khóc, nằm yên không day trở. Đó là một kẻ cố chạy cho mút con đường, nhưng chừng đến nơi, y thấy trước mặt một cái hố sâu, khó mong tiến thêm được nữa, y chán-nản quá không còn biết mệt mà chỉ nghe oải tay oải chơn như quá đuối sức.
Cô Hương, một kẻ lương-tâm bình-yên, nằm một lát rồi ngủ khò. Quá rón-rén ngồi dậy, thắp cây đèn trứng vịt lên, rồi che kín ngọn đèn, sợ lọt ánh-sáng qua vách ngăn rồi ông bà Nam Thành sanh nghi.
Cô viết bốn bức thơ dài, thơ cho cha mẹ, cho Hồng cho Long và cho hai chị là Hương và Hoa.
Bây giờ có lẽ đã quá nửa đêm. Dưới kia người thanh niên ngủ ngáy đều đều, nhắc nhở Quá cái đêm đầu mà người ấy vừa tỉnh lại. Từ cái đêm ấy, mối tình của cô nảy lộc đâm chồi, rồi bây giờ lại tàn rụng. Chỉ mới có non hai mươi ngày thôi, nhưng sao mà cô nghe như đã lâu lắm rồi.
Cô yêu nhiều quá, sống mãnh liệt quá với mối tình câm lặng ấy, nên thấy nó xưa lắm, như là yêu đã hai ba năm.
Tàn rụng! Ý nghĩa tàn rụng lại đẩy tràn nước mắt cô ra. Quá ngồi đó mà khóc, không biết bao lâu nữa đến chừng cạn lệ, cô đứng lên đem bốn bức thơ lại nhét dưới gối mình.
Đêm nào bốn chị em cũng có đem lên gác một chai nước chín phòng khi khát nước mà không dám xuống buồng ăn.
Quá rót một ly nước rồi thò tay vào túi lấy ra ống thuốc ngủ mà lúc đầu hôm cô đã tìm thấy trong tủ thuốc gia đình do Hương sắm.
Mặc dầu không thiết sống nữa, Quá vẫn nghe ghê rợn khi cầm xem vật giết người ấy! Những viên thuốc nhỏ xíu nầy, bỏ vào miệng cô dễ-dàng như là những viên thuốc cảm sốt.