Đối Thoại Tôn Giáo

 Nguyễn Tầm Thường, S.J.


Không nơi nào nhiều đền đài như đất Ấn. Chỗ nào cũng có thần linh. Ai thích kiến trúc và nghệ thuật tôn giáo không thể không tìm đến đây. Ngàn năm thuở trước, đất Ấn không có biên cương như bây giờ. Thuở trước vùng đất này chia ra trăm mảnh, mỗi vương quốc một vua cai trị. Vua nào cũng có thành quách, có kinh đô với đền thờ riêng.

      Hôm nay đất Ấn vẫn còn những văn hoá khác biệt ấy. Hơn mười ngôn ngữ được thừa nhận chính thức. Từ vùng đất này qua vùng kia, họ nói khác nhau, chữ viết khác nhau, văn hóa khác nhau, ngay cả màu da cũng khác nhau. Tiếng Anh và Hindi là ngôn ngữ chính, nhưng mỗi địa phương vẫn có ngôn ngữ riêng. Rất lầm lẫn nếu ta hiểu Ấn Độ như một quốc gia, một ngôn ngữ, một mầu da, một văn hoá nhất thể.

      Những khác biệt ấy tạo cho Ấn Độ mầu sắc văn hoá không nơi nào có trên thế giới. Ở đây tôi muốn nói về vẻ đẹp của một vết tích Phật Giáo.

     Đất Ấn là quê hương Đức Phật sinh ra, nhưng hôm nay Phật Giáo chỉ còn lại những vết tích.

     Trong những ngày học ở Poona. Một linh mục người Ấn cùng khoá, cha Jeyaraj Eluswamy, S.J. rủ tôi đi thăm ngôi đền thờ Phật Giáo cách đó vài trăm cây số. Cũng nhờ chuyến đi này tôi biết thêm sinh hoạt của một xứ đạo Ấn. Vùng trung nước Ấn, xe đi thăm thẳm không thấy bóng dáng nhà thờ. Chúng tôi ngủ qua đêm tại một nhà xứ trong vùng thưa thướt bóng thánh giá này. Sáng sau cha xứ dẫn chúng tôi đi. Các dòng tu Công Giáo trên đất Ấn dù ở miền xa, họ cũng mở trường học. Các cơ sở gáo dục của Công Giáo đều nổi tiếng. Nơi tôi ngủ qua đêm là trường trung học của các cha Francis de Sales. Một trung học trên ba ngàn học sinh mà chỉ có bẩy mươi hai em Công Giáo. Cha cho biết, cũng như mọi nơi trên đất Ấn, cả năm không có em nào theo đạo. Bố mẹ chọn trường Công Giáo vì dạy giỏi, nhưng xin đừng đả động đến tôn giáo. Những năm gần đây, chính quyền đa số là Ấn Giáo họ càng khắt khe trong vấn đề truyền đạo. Ở vùng xa, nhiều nhà thờ bị đốt phá. Thừa sai bị khủng bố, linh mục và mục sư bị giết.

      Cha xứ cũng là hiệu trưởng của trường đã ở đấy lâu, ngài biết những di tích cổ xưa trong vùng. Chúng tôi đến Ellora, nơi Phật Giáo còn để lại một trong những tu viện cổ xưa nhất, có từ thế kỷ thứ hai trước Chúa Kitô. Vào thời bấy giờ Phật Giáo đã có những dòng tu phát triển mà biết đâu sau này các dòng khổ tu Công Giáo ảnh hưởng theo. Công trình của họ thật là khủng khiếp theo thời gian. Người ta đục vào trong núi đá thành đền thờ, làm thành các tu viện dài hàng cây số. Không phải xây bằng đá mà là đục vào đá. Không phải núi đất có đá mà hoàn toàn vách đá cứng. Không thể hình dung được họ tốn bao nhiêu thế kỷ để hoàn thành. Hàng cây số liên tiếp các tu viện như thế. Mỗi tu viện rộng có thể ở được mấy chục người. Mỗi thầy tu một căn phòng, đủ chỗ nằm. Những căn phòng này được khoét vào vách đá, giống như một xà lim tù, cao hơn đầu người, rộng chừng hai mét. Trong khi khoét, họ chừa đá để lại thành cái giường. Tu viện có phòng họp lớn rộng như phòng ăn của các dòng khổ tu Benedicto bên Công Giáo bây giờ. Tài tình trong lối kiến trúc là âm thanh rất kỳ diệu. Một tiếng chuông, hay tiếng ngâm vang lên, nó như sóng triều lượn quanh, dội lên dữ dội, rồi chìm xuống vang xa nhỏ đi từ từ. Chắc không nơi nào lý tưởng như đây để nghe các cha khổ tu Benedicto hát những bài ca Latin.

     Dọc theo bờ đá, các cửa đền thờ hướng về phía mặt trời. Núi đá thiên nhiên làm thành một vòng cung hình bán nguyệt. Trước mặt là một thung lũng chìm sâu xuống hàng trăm mét. Sâu dưới đó là dòng sông. Vào những đêm trăng sáng, chỉ có sao trời và cây rừng, nơi đây sẽ thơ mộng và huyền bí như thế nào. Có tiếng chuông nữa. Thinh lặng. Và tiếng chuông thong thả vang lên giữa thế giới cô tịch. Từ bờ đá trước cửa đền thờ nhìn xuống, thăm thẳm dưới kia như một thế giới khác. Trên đây như một cõi thoát trần. Sâu dưới kia là rừng cây và nước ánh lên lóng lánh lúc mặt trời dổ nóng. Nhiều đền thờ đang đục dở dang. Công trình chưa hoàn tất đã đến thời suy vong. Vì nó quá lâu, quá dài. Làm sao con người có thể đọ sức mình được với thời gian.

      Chưa hết ngưỡng mộ khu di tích thần thành này, cha xứ nói:

      – Chúng ta phải đi thôi, còn nhiều. Ngôi đền thờ sắp tới sẽ làm du khách nín thở, không thể tin những gì mắt mình nhìn.

      Tôi vẫn muốn ở lại đây thơ thẩn trước đền thờ nhìn xuống dòng sông dưới thung lũng sâu kia.

      Hơn hai nghìn năm trước, ngay cả trước khi Gioan Tiền Hô vào sa mạc, đã có những con người đến đây tìm cõi tịch tu. Trước khi Đức Kitô thiết lập Giáo Hội, nơi đây đã có những cộng đoàn sống chung với nhau dười điều luật tu viện. Tôi hình dung những đêm trăng đó, vằng vặc trong thinh lặng, vi vu gió rừng. Trên kia nghìn vì sao thanh khiết chiếu xuống. Ai dám bảo những tâm hồn này không siêu thoát. Họ như ba vua trong chuyện Giáng Sinh đi tìm ánh sáng. Với tôi, hình ảnh họ đẹp như những chuyện thần tiên. Đức Kitô trong lịch sử chưa giáng trần, ai nói cho họ về con đường chân lý? Giáo Hội chưa khai sinh thành cơ cấu tổ chức hữu tình, ai nói cho họ về nếp sống tu trì? Với tôi, đó là thần khí của Chúa Thánh Thần. Một thần khí có từ thuở đời đời. Tôi quý mến những di tích này. Tôi quý mến những anh em Phật Giáo, những con người sống nối tiếp những đêm trăng sáng nơi đây của hơn hai nghìn năm về trước.

     Phật Giáo đã có một chiều sâu tâm linh về nếp sống tu trì rất lâu ngược theo hai nghìn năm về trước. Trong tâm hồn mỗi người, thần chân lý, thần ca ngợi vẻ đẹp, thần yêu mến điều thiện hảo đã hoạt động từ muôn thủa. Điều đáng buồn của xã hội hôm nay là người ta có thể dùng tôn giáo làm mất vẻ đẹp của những tinh thần tu đức cao cả ấy. Hôm nay người ta cũng đang nói đến đối thoại tôn giáo rất nhiều. Đối thoại tôn giáo không thể chỉ là một phái đoàn ngoại giao với nghi lễ. Nó phải là một tình yêu thực tâm tìm kiếm vẻ đẹp trong chân lý toàn vẹn. Tôi tin Đức Kitô là chân lý toàn vẹn. Nơi Ngài không có thiếu sót. Nhưng tôi có thể bù đắp sự thiếu sót nơi chính mình bằng yêu mến vẻ đẹp nơi ngôi đền thờ nay. Chính nơi này biết bao tâm hồn đã tha thiết đi tìm con đường thiêng liêng thánh thiện.

      Từ trên cao nhìn xuống thung lũng, tôi thấy Tim Mừng Chúa Kitô âm vang, đưa tôi vào hình ảnh Chúa trong thinh lặng cầu nguyện. Tôi hình dung thấy Gioan Tẩy Gỉa dưới ánh trăng đêm suy nghĩ về ơn gọi của chính mình. Những thầy tu Phật Giáo đã đến đây, những bàn tay kiên nhẫn từng nhát búa đục theo hàng thế kỷ thời gian cho tôi di tích tôn giáo thánh thiện này. Trong tinh thần Phật Giáo đó, hai nghìn năm sau vẫn tiếp tục có biết bao tâm hồn như thế. Tôi cứ muốn ở lại đây để tâm tình mình đi về quá khứ nghe tiếng chuông gõ nhẹ trong đêm, nhìn dáng người tu sĩ bình an rảo bước. Những hình ảnh ấy đẹp quá.

      Chỉ là di tích còn lại thôi, nhưng những vách đá kia đang nói với tôi bài học vỡ lòng về đối thoại tôn giáo. Hình ảnh đẹp của những tâm hồn tha thiết đi tìm nhân đức ở đây nói cho tôi rằng đối thoại tôn giáo là lắng nghe tiếng chuông, vì tiếng chuông ở đâu cũng vang lên như nhau, các bờ đá đền thờ bao giờ cũng thật thà.
Tôi sinh ra trong một đất nước mà tôn giáo tôi theo chỉ là thiểu số. Tôi sống giữa những người anh em mà triết lý sống, niềm tin thiêng liêng là Đạo thờ cúng tổ tiên, là triết lý nhà Phật. Trong giáo trình giảng dạy tại các chủng viện Việt Nam không có chương trình học về triết lý Phật giáo, không biết về Đạo thờ cúng tổ tiên. Tôi không dám nói đó là điều thiếu sót, nhưng đó là điều đáng tiếc. Tu viện triết thần ở Poona, các thày phải lấy thêm hai môn học nữa là triết Ấn và triết Phật. Như con cá bơi lội trong dòng sông, nó cần biết về dòng nước của mình. Tôi ước mong trong chương trình giảng dạy tại các chủng viện Việt nam có môn triết học Phật Giáo. Mọi chính thể rồi cũng qua đi, nhưng tôn giáo sẽ không qua đi trên đất nước này. Họ sẽ sống chung với nhau mãi mãi trên cùng một mảnh đất, cùng một ngôn ngữ, cùng một dân tộc.

     Tìm hiểu nền tu đức của nhau chắc sẽ giúp chúng ta mến nhau. Nhân đức là những hành vi suy nghĩ và sống thành thiện. Bởi đó nhân đức làm cho đời sống của kẻ tìm hiểu nó sẽ thêm phong phú. Nhân đức không lệ thuộc vào tôn giáo. Tôn giáo giả không làm cho nhân đức thành giả. Trái lại nếu tôn giáo giả dạy sống nhân đức sẽ bị nhân đức thay đổi tôn giáo ấy. Đức Phật là một thánh nhân. Ngài không tự cho mình là Trời. Ngài đi tìm con đường giúp chúng sanh thoát khổ đau. Nơi Ngài có trái tim cao cả của bồ tát muốn cứu độ. Năm thế kỷ trước Chúa Kitô, nhiều người lạc lõng tâm linh muốn đi tìm con đường giải thoát, họ tìm đến Đức Phật. Trong trái tim vô lượng từ bi, Ngài dạy con người một lối sống. Ngài không dạy hãy tôn thờ Ngài như một tôn giáo. Ngài đi tìm nhân đức và dạy người ta nhân đức. Bởi đó, tìm hiểu triết lý sống ấy không là đi tìm một nền tu đức rất tốt lành sao. Người ta có thể tạo ra chiến tranh tôn giáo. Nhưng không có chiến tranh nhân đức. Tuỳ thuộc những nhân đức và giá trị tinh thần này mà làm cho tôn giáo ấy đáng quý hay không. Trong Phật Giáo có biết bao nhân đức rất đẹp như yêu mến thiên nhiên, lòng từ bi, không sát sanh, quý trọng chiêm niệm, diệt tham sân si. Sống cùng một mảnh đất, cùng một văn hoá, vả lại Phật Giáo đã hành trình cùng dân tộc những chặng đường dài của lịch sử. Biết đâu những môn Phật học sẽ làm các tu sĩ Công Giáo sống đời tu Công Giáo cao đẹp hơn. Chúng ta sẽ quý mến nhau trong những nhân đức.

      Phật Giáo còn để lại đây di tích một thủa có tiếng chuông ngân trong đêm vắng. Các tường thành tu viện kia đã một thời cùng ánh trăng đẹp như lời kinh hôm, kinh mai. Chiến tranh tôn giáo đã xua đuổi con người nhưng không xua đuổi được nhân đức. Hôm nay, các bậc thềm kia không là bệ đá vô tri. Chúng đang nói với tôi về ý nghĩa của đối thoại tôn giáo. Tôi không đến đây để nhìn vách núi. Tôi đã thấy vết chân nhân đức của những chiếc áo cà sa lưu lại trên các bậc thềm cửa và tôi muốn ở lại đây lâu hơn.

Poona, Ấn Độ tháng 2, 2001

Nguyễn Tầm Thường

 (Nguồn : www.dunglac.org)

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

Tìm Kiếm