Dòng Ca Dao Triết Việt An Vi

Đông Lan

Điểm cuối cùng và cũng là thành tựu của ca dao không còn nằm trên bình diện chuyên chở xuông những ý, tình, trí. Thuyền tình ca dao phải cập bến. Trí hiểu của ca dao cũng phải tới một cùng đích của nó dù mơ hồ hay rõ nét, dù ở mặt tiềm thức khó nhận ra hay ở mặt ý thức rõ rệt. Con đường Tu Thân, sửa mình để cuộc nhân sinh được giao hòa trong mối tình thâm, nghĩa nặng trong tất cả quan hệ, nam nữ, vợ chồng, cha mẹ con cái, ruột thịt, bạn bè, thầy trò, người và người…chính là kết quả của nền ca dao với một chữ Tình. Chữ dũng được dùng ở đây là cái lòng cương quyết thực hành tình nghĩa, cái chí nhất định giữ vững nền tảng Tương quan Hoà hợp trong mọi quan hệ xã hội, là Tâm tư là một với chân lý tự nhiên. Sống thuận theo lẽ sinh hóa của tự nhiên, đó là cái sức mạnh, cái bền vững của con người bình yên nơi đạo lý. Đó là cái sức mạnh của Tính thể hội nhập nơi cá thể. Đó là cái dũng của bậc chân nhân. Đó là Nghĩa Dũng. Điểm cùng cực của ca dao là chở con người về bến bờ nghĩa dũng. Bến bờ của sự cảm hóa đích thực là tiến về cõi vô biên. Bến bờ của những người hi hiến thân tâm cho Văn Hóa – Văn Hiến. Cho nên, ca dao đã đưa con người trở thành những Văn Hiến. Ca dao đã Vinh Danh Dân Tộc ta là “Văn Hiến Chi Bang”.

    

Tìm Kiếm