…..

Đồng Đội

Bình Nguyên Lộc

…..

Tám Tơ khà một cái dài như rắn hổ, đặt tô trà Huế xuống bàn, một cái cộp, rồi hỏi:
– Mầy liệu làm sao?
Tư Nết gãi tóc, nhăn mặt giây lâu, rồi nói:
– Thật, tôi không nỡ nào…
– Mầy phải nỡ…
– Ngộ không! Anh nói giọng đó, thì tôi trả lời dứt khoát với anh cho rồi. Tôi không nhận lời.
– Vậy hả, vậy thì tao cho mầy ở tù.
Tư Nết cười ha hả:
– Hứ, thứ trùm trưởng là tay sai của người ta mà cũng làm oai. Bộ mặt anh mà bỏ tù ai được.
– Bỏ tù mầy được. Nè, đêm hôm qua, mầy biết ai chèo xuồng cho thầy Hương Quản rượt bối đó không ?
Tư Nết giật nẩy mình, mặt tái lét. Hắn ngó quanh quất và rất mừng là quán vắng tanh. Cả chủ quán cũng chạy đâu mất.
– Xanh mặt rồi đó, còn nói cứng nữa thôi?
– Ừ, cho là anh chèo xuồng đi. Rồi sao nữa?
– Tới vàm Tắt, tao thấy rõ trên xuồng bối có mầy ngồi. Tao theo kịp, mà thương mầy có mẹ già, bịnh nặng, nên tao lơi giầm, cho tụi bây thoát.
Mồ hôi Tư Nết xuống có giọt. Lâu lắm, hắn mới nói được:
– Thôi …, anh muốn gì, tôi cũng bằng lòng nghe theo hết.
– Có gì đâu mà khó. Nè, ghe Bình Trước, ghe Tân Uyên do dân chợ là dân cà-phê, xíu-mại bơi, nên tao thị cho đồ bỏ. Ghe mấy làng khác cũng không có gì đáng ngán. Chỉ còn hơi lo về ghe Tân Đức và rất lo về ghe An Thịt của mầy thôi. Dân bơi Tân Đức, năm nay, đã thành lão tướng hết ráo. Rốt cuộc, còn lo một mũi An Thịt của mầy đó. Tao hỏi, thì biết chắc là năm nay mầy giữ cây xà bát trên ghe làng mầy, nên tao mới cậy mầy.
– Tôi phải làm gì, đâu anh nói nghe thử ?
– Chắc chắn là chỉ có ghe Ba Doi của tụi tao và ghe An Thịt của tụi bây tới mức ăn thua trước. Chừng ấy, hai chiếc ghe sẽ song song với nhau mà rút. Dân An Thịt của mầy cừ lắm, tụi tao ngán quá. Tụi tao tính đâm đại vào hông ghe An Thịt. Ghe bây cũ quá, chắc phải rã, tụi tao ăn chắc. Mà muốn đâm cho được, phải nhờ đến mầy làm nội công. Tụi tao chĩa mũi qua, tụi bây tránh đi, rồi tụi tao làm sao đâm. Mầy giữ xà bát, mầy phải lái làm sao để đưa hông hớ hênh cho tụi tao dễ đâm…
– Chỉ có như vậy hè?
– Chỉ có bấy nhiêu đó mà mầy được hưởng mười đồng, còn ăn chia tiền thưởng của ông Chánh [1] nữa. Nghe nói, năm nay tiền thưởng giải nhứt là một trăm.
Tư Nết làm thinh mà nghe, rồi nín lặng giây lâu, đoạn thở ra, hỏi:
– Hồi hôm, tới vàm Tắt, anh thấy tôi đang làm gì?
Ý Tư Nết muốn kiểm soát lại, coi quả mình có bị trông thấy thực sự hay không. Chỉ có nỗi nguy ấy mới khiến anh phản bội hàng ngũ được.
– Mầy bơi đàng sau, thằng Sang bơi trước mũi. Thằng ngồi giữa, tao không biết.
Tư Nết, bây giờ, mới hoàn toàn chịu thua.
Anh ta lững thững ra khỏi quán, mặt buồn hiu. Luôn sáu năm, ghe bơi An Thịt chiếm giải nhứt trong các cuộc đua. Anh góp phần trong vinh quang ấy rất nhiều, cho đến đỗi, năm nay người ta tôn anh giữ xà bát, tức là giữ cây chèo dài phía sau, thế cho bánh lái ghe, không được phép gắn. Thế mà anh phải phản bạn, thì có đau lòng hay không?
Chuyến đi bối đêm rồi, xui xẻo hết sức. Không lượm được một hột gạo, mà còn bị xuồng Hương Quản Ba Doi rượt, chạy muốn hụt hơi, vì bạn của anh lỡ chém một chủ ghe. Tư Nết nhớ lại mẹ đang nóng, mê sảng ở nhà, nhớ số tiền đưa trước do Tám Tơ hứa. Thật là quyến rũ.
Mà chèo kéo làm sao? Anh nhớ bạn hữu, ba mươi người, toàn là dân chèo ghe với nhau, người nào cũng lưng cháy nắng, bàn cẳng hà ăn, cơ khổ cả năm mới được vài phút vui là tới mức ăn thua trước các làng khác trong tỉnh. Vậy mà năm nay…!
Về tới nhà, anh nghe mẹ nôn ọe ầm lên, và thấy hàng xóm lăng xăng bên chõng bà cụ. Họ chỉ có gừng và nước nóng để cứu bịnh nguy của bà. Vì thế, bà vẫn sốt liên miên.


                               [1] Tỉnh trưởng thời Pháp thuộc

Tư Nết không bước qua thềm, trở gót và chạy mau đến nhà Tám Tơ. Chưa tới cửa, anh đã nói:
– Anh Tám ơi, tôi quyết định rồi, anh đưa trước năm đồng đây coi. Gấp lắm!
Tám Tơ làm thinh, lần dây lưng, mở hồ bao lấy ra một tấm giấy con công ướt nhẹp:
– Nè, mà hễ nuốt lời thì chết đa nghen!
– Hứa rồi mà!

*
* *

Khúc sông Đồng Nai, trước chợ Biên Hòa, rộng như một cái hồ to, thế mà ghe bơi năm đó thả lềnh bềnh gần chật sông.
Ông Tỉnh Trưởng là đảng viên của một Đảng trụ cốt của Đệ Tam Cộng Hòa Pháp, nên ông ra lịnh ăn lễ Cát-to-ru-dết thật rình rang. Ghe làng nào cũng phải có mặt, làng thất mùa, làng bị bịnh truyền nhiễm gì cũng phải tham dự cuộc đua bơi năm đó cả.
Đứng ở bờ sông trước dinh ông Chánh mà ngó lên Cồn Gáo, người xem có cảm giác như lạc vào miền lạ nào. Màu sắc hực hỡ của mấy mươi chiếc ghe mới sơn, với đầu rồng, đầu phụng của nó gợi hình ảnh cuộc nam du của vua nhà Tùy, nhắc nhở những thuyền rồng vua Lê, những hành cung của chúa Trịnh.
Những đuôi rồng, đuôi phụng cong quớt lên, lại gợi hình ảnh xứ Thái, xứ Miên với những chiếc ghe hình rắn Na-Ta.
Một hồi trống. Tức thì mấy mươi chiếc ghe chuyển mình, lượn tới để sắp hàng.
Một tiếng súng. Trả lời tiếng súng ấy, mấy mươi chiếc phèn la đánh lên một lượt, rồi mấy trăm tiếng người hô lên một lượt, để ra hiệu khởi hành.
Phèng!
– Hè!
Phèng!
– Hè!
Tiếng phèng la trên mỗi chiếc ghe bơi, chỉ định thời gian hạ giầm cho dân bơi. Tiếng hè của họ xác định rõ thêm thời gian ấy. Nhờ thế, họ hạ giầm ăn rập với nhau, mấy mươi người đều cúi rạp xuống cùng một lúc.
Phèng!
– Hè!
Phèng!
– Hè!
Trên mỗi chiếc ghe, mấy mươi người dân bơi giống hệt như người gỗ được cột dính với nhau, rồi một bàn tay bí mật vô hình nào đó giựt dây cho họ cử động.
Mấy mươi chiếc ghe bơi, trông đàng xa, như mấy mươi con thủy quái thời tiền sử còn sót lại và thừa lúc biển lặng, trời êm, nổi lên để giỡn nước. Chúng trườn tới trên mặt sóng như những con giao long hồ Động Đình, tả trong truyện Tàu ngày xưa, đầu có mồng, có mỏ, có vảy, đuôi có rìa.
Xanh, trắng, đỏ, vàng pha trộn với nhau trên màu bạc của mặt nước phản chiếu ánh mai, lóng lánh như cá ngũ sắc trong một chiếc bồn khổng lồ nào.
Phèng!
– Hè!
Phèng!
– Hè!
Phèng!
– Hè!
Đua chưa đầy trăm thước, mà đã có ba làng rớt lại sau. Đó là những làng chợ, mà dân bơi là dân cà-phê, xíu-mại y như lời Tám Tơ nói. Họ chỉ dự cho có mặt, và vui lòng ở lại đùa chơi, khi bị bỏ rơi.
Bây giờ sông nổi sóng, Mũi ghe rẽ nước ro ro. Giầm chém xuống mặt sông làm bắn nước lên trắng như bọt thác.
Phèng!
– Hè!
Ghe bơi không lướt theo tốc độ đều đều như thuyền buồm. Hễ giầm hạ một bận, là nó vượt một cái, thành ra, xa trông tưởng như nó nhảy. Mà nó cũng nhảy thật đó. Sức bơi mạnh quá, khiến nhiều chiếc làm bằng gỗ nhẹ, nhảy chồm lên. Có năm, vài chiếc đứt làm hai đoạn, hoặc rã bung ra.
Phèng!
– Hè!
Hai chiếc ghe giữa đi kề sát nhau. Dân bơi bên nầy dùng giầm mà chém vào tay dân bơi bên kia. Cuộc chém trả gây thành một trận thủy chiến tai hại cả đôi bên, và cả hai bên đều rơi lại.
Chiếc ghe rồng xanh, không biết anh xà bát lái thế nào, mà lật úp xuống. Hai mươi chín người trên ghe đều quăng giầm, rối rít bu quanh chiếc ghe họ, để lật nó trở lại, không phải mong theo kịp ai nữa, mà cốt cứu sống anh giầm đốc. Anh nầy ngồi trước mũi, hai chơn bị cột dính vào hông ghe cho khỏi té xuống nước. Hễ ghe chìm là anh ta nguy.
Phèng!
– Hè!
Bây giờ còn có sáu chiếc là mong tranh ăn thua với nhau. Thành thử cuộc đua vô cùng hào hứng trong cái nước rút của họ.
Chiếc nầy lấn chiếc kia một mũi thôi. Họ rút tới như ta so đũa, ráng so cho bằng với nhau, để dành sức đặng rút vào phút chót mà tranh giải. Nhưng không làm sao so cho bằng được cả. Sáu chiếc cứ thay phiên nhau mà so le, trờ tới hoặc thụt lùi.
Trên bờ, khán giả la ó vang trời. Có người nôn quá, nhảy múa lăng xăng, thỉnh thoảng, một anh rơi xuống nước, kêu cái chủm.
Phèng!
– Hè!
Ghe phụng xanh và ghe rồng vàng, bỗng như hai mũi tên bắn mạnh tới.
– Ba Doi với lại An Thịt đó, bà con ơi!
– Rút lên, Ba Doi!
– Ráng giữ danh tiếng, An Thịt!
Một chiếc thứ ba, đầu phụng mỏ đỏ, mình nhiều màu, chừng như muốn bắn theo. Đó là ghe Tân Đức. Nhưng gắng được vài phút, nó lại trở về hàng cũ.
Cuộc đua đã gần ngã ngũ: Nhứt, nhì về tay An Thịt, Ba Doi, chớ không sai chạy được. Nhưng khán giả càng hồi hộp hơn bao giờ hết. Bạn của An Thịt thì lo lắng An Thịt mất chức vô địch, còn bạn của Ba Doi thì nôn nao mong Ba Doi lên chưn một lần.
Ba Doi và An Thịt nằm trên khúc sông Đồng Nai ở gần ngoài cửa. Sông lớn tập cho họ quen bơi chèo giỏi. Dân hai vùng đó, người nào cũng lưng, nách và bắp thịt của họ có u, có nần.
– Hè!
– Lên con, Ba Doi!
– Ừ đó! Ừ đó! Ừ đó! Được đa! An Thịt !
Ghe An Thịt lấn hơn ghe Ba Doi nửa mình. Ghe sau hổn hển rượt theo, coi muốn hụt hơi mà chỉ nhích lên được độ một gang thôi. Đã kém, nó lại không đi đường ngay, lối thẳng mà chỉa mũi xéo vào bờ bên nây.
– Ba Doi đổ quạu rồi, coi chừng nó đâm ẩu!
Thiên hạ ó ré lên.
– Đâm làm sao được. Bộ An Thịt người ta dại hay sao.
Người ta cũng chĩa xéo như nó, rồi hai chiếc cứ song song như cũ, làm sao mà đâm.
Nhưng kỳ lạ thay, ghe An Thịt, chẳng những, không cho ghe mình đi song song với chiếc ghe gây sự kia, lại còn chĩa mũi qua bờ đối diện, tức là đem hông mình mà dưng cho mũi ghe địch.
Tư Nết ăn tiền, đã trung thành với lời giao ước, đem cả làng nạp mạng cho Ba Doi. Anh nghĩ bụng, bất quá bạn đồng thuyền anh sẽ chửi anh tan ông, nát cha vài phút, rồi rầm một cái là ghe anh lật nhào rồi mạnh ai nấy lội, không còn dám hả miệng chửi dai hoài. Tuy nhiên, anh vẫn nghe nhờm nhờm nơi tay, khi cầm xà bát mà nại cho ghe anh chĩa xéo, nhờm nhờm như là cầm dao thọc huyết con heo.
Trừ anh đánh phèn la, cả thuyền đều cắm đầu, cắm cổ mà bơi, không còn biết trời đất gì cả. Họ chưa kịp thấy sự phản trắc của anh, mà cho dầu thấy, họ cũng chẳng làm sao được.
Phèng!
– Hè !
Cả thuyền đều cắm đầu, cắm cổ mà bơi. Ba mươi người mà như là một người, sự duy nhứt ấy không phải chỉ ở việc ăn rập và reo hò một lượt với nhau, mà cả ở trong lòng họ. Cả làng, cả đội sẽ thắng hay bại, chớ không riêng anh Ất, anh Giáp nào. Dân làng sống đồng đội từ cái ăn, cái làm, cái chơi cho đến cái khổ, cái chết. Tư Nết đã đồng đội với họ từ vụ lụt lớn, cách đó mười năm, từ vụ thất mùa bảy năm trước, từ vụ cọp Rừng Sác chụp tía anh và được cả làng ùa ra cướp lại, thì làm sao, bây giờ, anh lại thôi đồng đội với họ? Tất cả những ý nghĩ ấy qua mau trong đầu anh.
Phèng !
– Hè!
Hồi hộp lắm. Hai ghe cách nhau gần trăm thước hồi nãy, bây giờ chỉ còn xa nhau độ hai mươi thước thôi. Cả hai như cố châu đầu lại để chạy về một cái đích chung, vô hình, ở đầu phía trước, và ghe nào chèo mau hơn, sẽ bị đâm thủng hông.
Phèng!
– Hè!
Dân bơi hả miệng mà la và cũng để táp lấy những giọt nước sông do giầm phía trước chém bắn lên, cho đỡ khát.
Một anh bạn bơi, giọng khàn khàn nói:
– Chết rồi, nó đâm!
– Mầy lái cái mắc dịch gì mà kỳ vậy Nết?
– Nết ơi, mầy muốn ở tù sao mà đưa hông cho nó đâm?
Câu nói đó là của Hương Trưởng Chi, người đánh phèng la.
Tư Nết cười ha hả mà đáp:
– Chính vì sợ ở tù, nên tôi mới cho nó đâm. Mà thôi, bà con ơi, thà là ở tù!
Ghe An Thịt bỗng quay mũi ngay lại, rồi quay xéo cho đi song song với ghe Ba Doi.
– Hè…è…è!
Một tiếng hè dài không dứt, thế là An Thịt bứt đi, bỏ Ba Doi xa đến một mình rưỡi, vượt qua khỏi trái nổi neo ở trước đó, để làm mức ăn thua.
Ghe Ba Doi tiu nghỉu như mãnh thú vừa vồ hụt con mồi, nhìn nó chạy thoát, lòng đầy căm giận.
Ba mươi chiếc giầm sơn đỏ của ghe An Thịt bỗng đưa cao lên một lượt để chào quan khách trong bờ. Khán giả có ấn tượng như thấy một con rít tới đó rồi ngã lăn đùng ra, đưa mấy trăm chân lên trời.
Tiếng hoan hô ở hai bên bờ sông vang dậy lên.
Tư Nết chỉ hưởng sung sướng chung trong vài giây. Anh nhớ lại chuyện riêng, lẩm bẩm:
– Thôi, cũng được. Chắc ở ngoài, bà con cũng chẳng bỏ má mình đâu.

Bình Nguyên Lộc

© Binhnguyenloc.com

[Tác Giả] [Lãnh Vực]
________________________________________

 

Tìm Kiếm