…..

DU HÀNH VÀO TRUNG TÂM TẾT

                                                                                An Phong Nguyễn Văn Diễn

…..

-Bài viết trên đăng lần đầu trong “ Giai Phẩm Xuân An Việt – Quý Mùi 2003” cách đây đúng 10 năm. Xuân năm nay, vĩnh viễn mất người bạn An Vi chân thành, Minh Triết Việt xin phép đăng lại , với muôn vàn trân quý, để thắp lên nén hương tưởng niệm muộn màng.

……

IMG.502Bạn thân yêu!

_ Bạn vừa chào đón Tết Tây! Bạn cũng đang nghe bà con, bạn bè bàn chuyện Tết Ta đang tới! Bạn có ý kiến gì không?

……– Bạn nhún vai! Khoan, hãy để lòng thanh thản một chút xem! Tụi mình thử đi vào chuyện này trong dịp cuối năm Nhâm Ngọ…được không?

……– Đi vào chuyện Tết! Câu nói có vẻ là lạ…

……– Mình muốn bàn với bạn một chuyến Du hành vào Trung tâm Tết!

……– Du hành vào Trung Tâm Tết!…Hồi này bạn có vẻ lãng mạn à nghe! Tết ư! Tôi đã đi từ thời mới lọt lòng Mẹ! Muôn đời chẳng có gì thay đổi, có gì lạ cơ chứ!!! Ba cái mục dưa hành câu đối đỏ, khăn đóng áo dài đi vái thiên hạ, bánh tét bánh chưng ớn đến tận cổ, thêm cái mục chọn đường hướng, kiêng cữ lẩm cẩm…Toàn những chuyện dị đoan, mê tín, cổ lỗ sĩ vào cái thời buổi khoa học kỹ thuật này! Bàn qua chuyện khác đi!1

……– Bạn thân mến ơi! Mình làm sao viết chuyện khác khi mà cái Tết đang mỗi ngày một đến gần ta, gần vợ ta, con ta, cha mẹ ta, bà con ta, các bạn ta và toàn thể người Việt trong cộng đồng của chúng ta! Bởi vì nó là cái gì thân thương nhất, gần gũi nhất và bàng bạc nơi nó hình ảnh quê hương tổ quốc chúng ta ở bên kia Thái Bình Dương. Ở đó, 70 triệu người cùng màu da, cùng mũi tẹt, cùng giọng nói, cùng mang những họ Ngô, Đinh , Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Nguyễn…như bạn như mình. Những họ đó phản ảnh 100 trứng trong cái bào thai huyền thoại 5000 năm cũ.

Chắc chắn điều mình muốn viết gửi bạn hôm nay không phải vận động bạn cố giữ cái tục lệ đó đâu! Mà mình nói chuyện khác cơ, bạn chưa đoán ra được đâu! Bởi vì có những cái cực kỳ lý thú trong”Trung tâm Tết” mà tôi đoán có thể bạn chưa bao giờ để tâm tới!

Bạn biết không, hầu như bất cứ lời dậy nào mà Tổ tiên hiền triết của chúng ta muốn truyền đạt cho người dân thời cổ, các cụ thường giản dị hoá những điều các cụ muốn nhắn nhủ. Chẳng những thế, các cụ còn pha thêm một chút mời mọc, một chút mê tín, một chút hăm doạ, một chút hứa hẹn rất chi là hấp dẫn, rất chi là thuyết phục. Thế rồi dân tuỳ người, tuỳ trình độ mà tiếp nhận, ai cũng có thể tuỳ nghi mà áp dụng vào đời sống của mình. Tuy nhiên, trải qua nhiều ngàn năm, con cháu hậu thế, cứ lặp đi lặp lại mãi cái hình thức mà quên đi cái ý nghiã sâu xa của lời dạy. Đặc biệt ai cũng chỉ nhớ những lời hăm doạ hay hứa hẹn bay bướm rồi cứ theo truyền thống mà làm, cho rằng thế là đạt.

Chẳng riêng gì tổ tiên chúng ta mà đến các đấng khai sáng tôn giáo như Thiên chuá Jéhova của Do Thái giáo, Phật Thích Ca, chúa Jesus…cũng có những xử sự giông giống như vậy.

Tỉ như những người đi đạo Công giáo, Tin Lành chỉ nghe chúa hăm một câu”Cái chết sẽ đến như tên ăn trộm, nếu các ngươi không lo giữ lòng công chính, đến khi nó đến thì không có cách gì tránh khỏi luận phạt đời đời dưới hỏa ngục. Trái lại, nếu ngươi là người công chính, ta sẽ dành Thiên đàng cho ngươi!”.

Do đó họ rất sợ xuống hoả ngục, khoái lên thiên đàng, giữ đạo chết bỏ!

Người đi theo đạo Phật thì sợ đầu thai làm kiếp khác nhất là kiếp làm thú vật, sợ phải xuống địa ngục nên cố ăn ngay ở lành để sớm được giải thoát, mau về nơi niết bàn.Họ rất ngán sát sinh, rất sợ làm điều xấu xa tội lỗi.

Ngày Tết cũng thế, không biết vị Tổ Tiên hiền triết nào đã bày ra đủ thứ chuyện trong dịp “năm hết Tết đến”, làm con cháu hàng ngàn năm sau, cứ mỗi lần Tết đến là chạy hộc xì dầu cho việc chuẩn bị ba ngày Tết.

Các cụ bảo:
Ngày đó, Trời đổi mới, Đất đổi mới
Con Người cũng phải đổi mới.

Trời , Đất đổi mới thì đúng là chuyện tuần hoàn của Trời Đất, không sai một ly. Nhưng Người mà muốn đổi mới thì nhất định phải có ý thức, có quyết tâm muốn làm cái việc đổi mới, mới được. Chắc chắn Tổ tiên ta không thể dạy ta chỉ đổi mới đầu môi chót lưỡi!

Nhưng đổi mới cái gì và để làm gì?

Đến đây thì bạn ơi, vấn đề không còn nằm trong tôn giáo nữa, cũng không nằm trong phạm vi dị đoan, mê tín cổ lỗ sĩ nữa, cũng không nằm trong phong tục tập quán nữa mà nằm trong quan niệm nhân sinh và vũ trụ của người Việt cổ:

Con Người và Trời, Đất cùng sinh, cùng sống khắn khít với nhau. Ý niệm cùng sinh trên lãnh vực triết lý: Khi một Người được sinh ra thì Trời Đất mới xuất hiện với Người ấy: Người ấy càng “lớn lên” bao nhiêu thì “Trời Đất cũng “lớn lên” bấy nhiêu. Bởi đó, triết học Đông Á cho rằng, nếu không có Người thì Vũ Trụ có cũng như không.

Con Người “lớn lên” từ thể xác, kiến thức và tinh thần tuỳ theo môi trường hoạt động của mình trong xã hội. Con Người tìm hiểu, xử dụng và cải tạo Trời Đất để xây dựng cuộc sống, do đó Con Người thông với Trời Đất và nhân loại trong suốt cuộc sống của mình.

Người xưa gọi là Tam Thông, chuyển hoá thành Đạo Làm Người, Đạo Thờ Ông Bà. Điều mình vừa kể, rõ ràng người xưa đã thấy được Con Người có một vị thế quan trọng và là một biệt sắc trong vũ trụ mà lý giải. Tây phương ngày nay còn rất mù mờ khi cho rằng con người chỉ hơn con vật ở chỗ biết suy lý rồi xây dựng xã hội trên một chiều suy lý đó!!!

Bởi thế, cùng với sự đổi mới của trời đất, Con Người cũng cần đổi mới để hoàn chỉnh hơn, tốt lành hơn và mỗi ngày một tiến tới Chân Thiện Mỹ hơn.

Vậy thì không gì hơn là bắt đầu từ những ngày cuối năm , Con Người phải lo kết toán sổ sách, nợ nần ai thì lo trả cho xong, giận ghét ai thì lo dĩ hoà vi quý. Trang hoàng nhà cửa, tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới, cúng giỗ tổ tiên, thăm viếng ông bà, cha mẹ, thầy cô, thân hữu…từ cái bề ngoài gọn gàng, thanh thoát, trang nghiêm đó sẽ là nhịp cầu cho cái bề trong hàm dưỡng thâm sâu, cái bình tâm, cái tĩnh trí…Con Người thu dọn sạch sẽ những sai lầm, tính hư nết xấu cũ vứt bỏ vào thùng rác dĩ vãng và hướng về tương lai bằng tấm lòng thiết tha chân thiện mỹ…để sẵn sàng cùng vũ trụ tiến bước trên con đường mới, nhiệm kỳ mới, niên khoá mới.

Bạn thân ơi!

Đố bạn câu này nhé:” Tại sao tổ tiên ta dậy nấu bánh chưng, bánh dầy vào hai ngày 29, 30 để ăn Tết? Tại sao khuyên ta ba ngày Tết cữ quét nhà?

Không phải nấu bánh để khỏi nấu ăn trong dăm ba ngày Tết đâu nhé! Cũng không phải để có thì giờ rỗi rảnh đi du hí hay đi chơi đùa vô bổ đây đó đâu nhé!

Mà cũng phải cữ quét nhà là khỏi để xua đuổi cái tài lộc đầu năm ra khỏi nhà đâu?

Cũng thế, không phải ăn gian nói dối, mặc áo rách dơ, chửi thề bậy bạ, ăn tục nói phét, không chọn đúng hướng xuất hành, ra đường gặp đàn bà…vào ngày đầu năm là cả nhà xui xẻo, cả năm đi ăn mày, cả năm chửi lộn, cả năm trật đường rầy, cả năm xúi quẩy …đâu!! Những điều nói trên có khác chi người nhà Chúa sợ làm tội sẽ xuống hoả ngục, không được lên thiên đàng. Người nhà Phật sợ giết các sinh vật sẽ mất đi cơ hội giải thoát mà phải đi đầu thai kiếp khác!

Mình nghĩ mục tiêu của Chúa, của Phật và Tổ tiên hiền triết của chúng ta cao lớn, sâu rộng gấp triệu lần ba cái lẻ tẻ vừa kể bạn ạ! Tuy nhiên, chuyện tôn giáo mình khộng dám lạm bàn ở đây. Mình chỉ xin bàn với bạn về chuyện Tết thôi.

Vậy, Tổ tiên muốn gì nơi việc chúng ta chuẩn bị và thực hiện trong những dịp Tết, chẳng hạn như Tết Quý Mùi sắp tới?

Ngày đầu của một năm được coi là một nhiệm kỳ mới của Trời Đất, đồng thời cũng là một nhiệm kỳ mới, niên khoá mới của đời sống mỗi Người. Các cụ muốn chúng ta hãy dành tất cả sự trân trọng nhất của tâm hồn và thể xác để tiếp nhận linh khí của Trời Đất làm lương thực, làm kim chỉ nam cho một năm mới trước mặt, để cùng với Trời Đất tiến lên giai đoạn mới.

Linh khí của vũ trụ được hiểu ra từ một câu chuyện rất cổ, cách đây bốn ngàn năm vào thời đại họ thứ VI làm Hùng Vương chọn người kế vị như sau:

“ Con trai út của Hùng Vương thứ VI tên là Tiết Liệu, chàng vốn là một nông dân hiền lành, nhân nghiã. Trong khi các anh chị đi khắp nơi tìm kiếm món ăn ngon nhất thì chàng Tiết Liệu chiêm bao thấy nhân thần mách bảo làm hai loại bánh bằng gạo nếp giữa có nhân đậu xanh, gói trong lá. Một bánh được gói thành hình vuông, một bánh gói hình tròn để dự cuộc thi của vua cha.

Vua hỏi ý nghiã của bánh, Tiết Liệu đáp:

– Gạo, Đậu là thảo vật do ở Đất Trời và tay Người mà có. Bánh hình tròn tượng trưng cho Trời gọi là bánh Dầy, bánh hình vuông tượng trưng cho đất gọi là bánh Chưng. Lá gói bánh tượng trưng cho công đức Cha Mẹ sinh dưỡng đùm bọc. Dùng hai thứ bánh này để tế lễ Trời, Đất và Tổ tiên tức là giao cảm cái tình lý âm dương của vũ trụ đồng thời trọn lòng hiếu đạo với Cha Mẹ là đấng sinh thành dưỡng dục.

Vua đẹp dạ, chọn họ Tiết kế vị và ra lệnh cho dân gian làm bánh này để ăn trong ba ngày Tết”.

Như vậy, ăn bánh Dầy, bánh Chưng, chọn hướng xuất hành, giữ gìn sạch sẽ, ăn nói vui tươi, lịch sự, nhã nhặn…trong ba ngày Tết đúng là thời gian con Người giao cảm với Trời Đất và Tổ tiên. Ba ngày đó Con Người ăn bánh Trời, bánh Đất và hướng tâm trí về Tổ tiên mà suy niệm những điều các ngài đã dạy để chọn hướng đi cho cuộc đời. Những việc lao động nhẹ nhàng như quét nhà, giặt giũ, chuyện làm ăn, chuyện thiên hạ…đều gác một bên.

Giữ tinh thần trong sáng, thân thể trong sạch và tận dụng thời gian tốt đẹp nhất của Trời Đất mà xây dựng cho mình một nhiệm kỳ mới, hoàn hảo hơn nhiệm kỳ vừa qua trên tất cả mọi lãnh vực. Các cụ còn đặt ra 12 con thú biểu tượng cho 12 năm. Cứ mỗi năm bà con ta dựa theo những tính tốt con thú của năm đó để suy niệm và luyện tập,,,

Cứ thế, năm này qua năm khác, con người tiến lên Chân, Thiện, Mỹ và tinh thần An Nhiên, Tự Tại cho đến ngày về với Trời, Đất, Ông, Bà.

Bạn thân ơi!

Viết bài Du Hành Vào Trung Tâm Tết, đồng thời mình cũng có cơ hội tĩnh tâm để thử tìm một lời giải đáp mà mình vẫn thắc mắc: Tại sao bà con ta có những cổ tục kiêng cữ rất ngộ nghĩnh, có vẻ e ấp, duyên dáng vô thưởng vô phạt đó? Tại sao vào những dịp đầu năm , sau khi nhận lời chúc Tết, mừng tuổi…Ông Bà, Cha Mẹ ta thường dậy bảo, kể “chuyện xưa cổ” cho con cháu nghe…Nếu gọi rằng những tục lệ ấy chẳng có mục đích gì quan trọng thì làm sao chúng có thể tồn tại liên tục hàng bốn ngàn năm?

Bài viết này xin gói ghém một vài ý tưởng thô thiển, giản lược nhân khi năm con Ngựa sắp hết nhiệm kỳ và bóng dáng con Dê đang lảng vảng bên ngoài hàng dậu:

Tại sao ta cứ mãi là một mẫu người mà lắm khi chính ta cũng tự thấy ta đáng ghét, ta đáng hổ thẹn! Tại sao năm mới này ta không thử dành cho ta một cơ hội làm đẹp cuộc đời ta hơn năm ngoái nhỉ? Nếu nghĩ rằng đây là vấn đề quan trọng nhất trong năm mà ta phải làm trước nhất, bắt đầu từ những phút đầu tiên của năm mới thì tại sao ta còn chần chờ!!!

Bạn thân ơi! Bạn thử ngưng lại vài phút. Chế một ấm trà ngon. Ngồi lại đây, ta với ta nhẩm tính lại con đường ta đã đi qua và…thiết lập cho ta một bản đồ du hành mới:

Mục tiêu là ………………Nhân
Lương thực là ………… Nghiã
Hành trang là………………Lễ
Phương tiện là ………………Trí
Bạn đường là………………Tín

 

Và trên con đường đầy hoa thơm cỏ lạ ấy, ta bước tới trong An Nhiên Tự Tại.

An Phong Nguyễn Văn Diễn

[Tác Giả] [Lãnh Vực]

 

 

Tìm Kiếm