…..
ĐƯỜNG TA ĐI
An Phong Nguyễn Văn Diễn
…..
Chương I
GỐC MIÊU VÀ DẤU TÍCH
VĂN HÓA VIỆT CỔ
I/1.- VĂN HÓA MỒ CÔI
Giải thích hai chữ văn hóa, tự điển Lê Văn Đức và nhóm Lê Ngọc Trụ viết: “Văn hóa là mọi sự cần dùng về đời sống có tổ chức của một dân tộc như : kinh tế, pháp lý, mỹ thuật, văn chương v.v…”
Theo Bs. Nguyễn Thị Thanh trong “Văn hóa Tiền sử và Sơ sử Việt Nam” thì “văn hóa là sản phẩm tinh thần và vật chất tốt đẹp, phát xuất từ những suy tư của trí tuệ, của lương tri, lương tâm, sự thông minh, nghị lực cùng sự khéo léo tay, chân, cơ thể của con người. Một nước giàu thịnh, có văn hóa vật chất, khoa học kỹ thuật tiến bộ, chưa hẳn là một nước có văn hóa cao toàn hảo, nếu họ không có phần văn hóa tinh thần theo đúng với lương tâm con người. Vì thế một nước nghèo yếu, kém kỹ thuật, nhưng có một nền văn hóa tinh thần theo đúng lương tâm con người muôn thuở, thì họ vẫn là một nước có văn hóa cao. Vì phần tinh thần bao giờ cũng cao quí hơn phần vật chất. Cũng thế, người khoa bảng cao, khả năng tài chánh dồi dào, chưa phải là người có văn hóa hơn người ít học, nghèo nhưng có tư cách và nhân phẩm. Văn hóa tuy bao la phức tạp, nhưng thật ra nó rất rõ ràng đơn giản. Vì thế, tùy suy tư của trí tuệ, tùy hành động của cá nhân, tập thể hay dân tộc mà người ta đánh giá văn hóa của họ cao hay không”.
Do ở điều kiện kinh tế, luân lý, đạo đức, truyền thống và tổ chức xã hội của mỗi dân tộc mà xã hội loài người thời cổ phát sinh hai mô thức văn hóa chính.
Một là văn hóa du mục, phát sinh từ những dân tộc chuyên về chăn nuôi, họ không ở một chỗ mà thường xuyên di chuyển theo đàn thú. Cai trị xã hội bằng cường lực… Điển hình là các dân tộc ở Trung Đông, Âu châu cổ, Tây Bắc Á…
Hai là văn hóa nông nghiệp, phát sinh từ những dân tộc định cư một chỗ, sống bám vào ruộng đất. Chỉ đạo xã hội là minh triết hoặc tôn giáo. Điển hình là các dân tộc ở vùng Lưỡng Hà, vùng châu thổ sông Nil, sông Hằng và nhất là vùng Đông Nam Á lục địa với 3 dòng sông lớn: Hoàng Hà, Trường Giang (Dương Tử) và Hồng Hà. Một điều rất lý thú là những nền văn hóa nông nghiệp này hầu như cùng xuất hiện trong khoảng thời gian từ 8 đến 10 ngàn năm về trước, cùng nằm trên những vĩ độ 20 đến 30 Bắc vĩ tuyến và lập cư lâu đời trên các châu thổ của những con sông lớn.
Theo thời gian, có những nền văn hóa cổ đã đi vào dĩ vãng như văn hóa Lưỡng Hà (Mésopotamie), văn hóa Babilon, văn hóa Ai Cập, Hi Lạp, La mã, Maya, Incas (Trung Mỹ), Angkorwat (Cambodia cổ), Chiêm Thành và Phù Nam (vùng Hậu Giang cổ).v.v…
Có những nền văn hóa đang chập chờn như văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật, Việt Nam… Cũng có nhiều nền văn hóa đang được cố gắng hồi sinh trở lại như văn hóa Do Thái, văn hóa Hồi giáo của các nước ở Trung Đông và một số ở Đông Á, hay cố tình hủy diệt cả một nền văn hóa như Trung cộng đang làm ở Tây Tạng, Khờ Me đỏ đã làm ở Cambodia…
Ngày nay, chúng ta đang sống trong quỷ đạo văn hoá Tây phương. Nền văn hóa này được kiến tạo từ triết lý nhân bản suy lý của các triết gia Hi Lạp cổ Socrate, Platon, Antisthène, Aristote, Diogènes… khoảng 500 tr. CN. Ở Âu châu, vào thế kỷ 17, 18 sau CN, triết lý nhân bản này được các triết gia châu Âu làm sống lại, người ta gọi là thời kỳ Phục hưng. Nhờ áp dụng triết lý nhân bản suy lý, Tây phương đã dùng lý luận và toán học thúc đẩy khoa học kỹ thuật vươn lên mỗi ngày một tiến bộ. Từ lý luận, Tây phương dần dần xóa bỏ chế độ quân chủ chuyên chế, đưa nhân loại đi vào thể chế cộng hòa, dân chủ, tự do, pháp trị dựa trên nền tảng nhân quyền… đời sống loài người trở nên sung túc và kiến thức con người được mở rộng hơn xưa rất nhiều.
Cuối cùng, có một nền văn hóa mà chúng tôi muốn đề cập trong tài liệu này, đó là nền văn hóa mà triết gia Lương Kim Định đã xót xa đặt cho cái tên: văn hóa mồ côi!
Gọi là mồ côi bởi vì cho đến nay, nền văn hóa kỳ diệu này vẫn tồn tại, nhưng hầu như chỉ có những người hằng quan tâm đến cổ sử và văn hóa Việt cổ mới trăn trở, bỏ công tham gia nghiên cứu mà thôi. Về phía độc giả, đa số lắng nghe do tin vào giá trị rộng lớn của những tài liệu nghiên cứu có tầm vóc quốc tế rất cao của nhiều khoa học gia các ngành như: khảo cổ, khảo tiền sử và thượng cổ sử, nhân chủng học, ngôn ngữ học, văn hóa truyền thống, nhân thoại, chỉ số sọ…
Tuy nhiên cũng không thiếu những người còn nghi ngờ hoặc vài cây bút vốn mang nhiều mặc cảm thân phận nhược tiểu vẫn tiếp tục đưa ra những ý kiến xuất phát từ môt số học giả Pháp trong thời kỳ thực dân. Những học giả người Pháp này, không phải là tất cả, đã làm việc theo một nguyên tắc có hậu ý tiêu diệt niềm tự hào dân tộc Việt bằng cách đưa ra những lập luận:
“Người Việt Nam ngày nay vốn là con cháu của những di dân chạy loạn diệt chủng phương Bắc. Nếu họ không lệ thuộc dân tộc này thì cũng làm tôi dân tộc khác. Dân tộc Việt vay mượn ngôn ngữ của Trung Hoa, của Khờ Me, của Miến Điện, Mã Lai, Nam Dương… Đời đời trong dòng máu dân Việt mang truyền thống chia rẽ của tổ tiên .v.v…”
Quả nhiên, việc làm đầy thiên kiến, lừa dối này của họ đã để lại không ít hậu quả tai hại dù dân Việt đã thoát ra khỏi xiềng xích đế quốc Pháp đã hơn nửa thế kỷ.
Nền văn hóa mồ côi này nằm xen kẽ, lẫn lộn trong một nền văn minh khác ít nhất cũng đã hai ngàn năm trăm năm rồi (giai đoạn sau Khổng Tử). Nó mang tên họ khác và buồn thay, tất cả mọi người trên thế giới, kể cả con cháu của những tổ tiên hiền triết đã khai sinh ra nó đều tin rằng, nó là của Trung Hoa, của Khổng, Mạnh, Lão, Trang… Nhiều ngàn năm rồi, ai cũng nói như vậy, cho nên ngày nay hễ ai nói khác đi thì lập tức kẻ ấy bị cười vào mặt: Con nhái muốn đẻ ra con bò, yêu nước mù quáng!… Nhưng biết mà nói không được thì thao thức, đau lòng vì thấy mình vừa có lỗi với tổ tiên vừa làm cho dân tộc mất đi một kho tàng tư tưởng cực kỳ quý giá có giá trị trùm lấp.
Tôi viết cụm từ có giá trị trùm lấp, bởi vì đây là một minh triết có một không hai của nhân loại mà tôi xin mượn những công trình nghiên cứu của các người đi trước như Phạm Quỳnh, Đào Duy Anh, Bình Nguyên Lộc, Lương Kim Định, Phạm Văn Sơn, Hoàng Văn Chí, Phạm Cao Dương, Đinh Khang Hoạt, Nguyễn Xuân Quang, Heidegger, Keightley, Wilhelm G. Solheim II, David N, Max Scheller và rất nhiều người nữa… để làm nền tảng cho những lập luận và gợi ý một sự phối hợp giữa văn minh Việt cổ và văn minh Tây phương trong việc xây dựng lại quê hương thân yêu của chúng ta.
Đã đến lúc người Việt cần mở rộng gia phả tổ tiên, cẩn trọng và đem hết tâm tình tìm lại tông tích nguồn cội, văn hóa cha ông để biết mình con cháu nhà ai? Tại sao thiên hạ quan tâm đặc biệt đến dân tộc mình, sử nước mình, nhất là thời tiền sử? Những thập niên hậu bán thế kỷ 20, sau khi Việt Nam thoát khỏi sự đô hộ và phong tỏa văn hóa của thực dân Pháp thì các sử gia, triết gia, học giả, khoa học khảo cổ… Việt Nam và thế giới nghiên cứu một cách nghiêm chỉnh. Họ đi sâu vào các lãnh vực tiền sử và sơ sử Việt Nam và Trung Hoa, họ say sưa đề cập tới nền văn hóa Động Đình* cách đây khoảng 9.000 năm đến 3000 năm.
* Động Đình : Một địa danh cổ được nói đến trong Thượng cổ sử Việt Nam: Năm 2.879/TCN, Kinh Dương Vương Lộc Tục, vua nước Xích Quỷ (tên nước ta thời tiền sử) cưới nàng Long Nữ con gái của Động Đình Quân, một vị vua ở vùng Động Đình…
Động Đình thời cổ là vùng châu thổ sông Dương Tử mà trung tâm là Động Đình Hồ. Vùng Động Đình có rất nhiều hồ, và hồ lớn nhất cũng gọi là hồ Động Đình. Chu vi hồ 450km. Hồ nằm trong phạm vi tỉnh Hồ Nam ngày nay, Hồ Động Đình nối với sông Dương Tử bằng một đoạn sông ngắn rộng nhiều sóng gió, đó là sông Tiền Đường được kể trong truyện Đoạn Trường Tân Thanh (truyện Kiều) của Nguyễn Du. Hồ Động Đình còn mang nhiều tên khác như: Ngũ Hồ, Cửu Giang Hồ, Tràng Hồ. Gần hồ có núi Cửu Nghi (Trung Nhạc Thái Sơn) là ngọn núi cao nhất trong Ngũ Nhạc. Phía Nam hồ Động Đình là Cánh Đồng Tương có kinh đô của vua Lạc Long Quân gọi là Cửu Linh nằm trên ngã ba hai sông Tiêu và sông Tương. Hai con sông này phát nguồn từ Ngũ Lĩnh chảy về phía Bắc, chúng gặp nhau ở Cánh Đồng Tương rồi đổ vào hồ Động Đình.
Trên Cánh Đồng Tương có núi Thiên Đài, nơi vua Đế Minh làm lễ lên ngôi cho Lộc Tục. Hiện vẫn còn ngôi miếu cổ và một tấm bia đá ghi rõ sự kiện này. Sách Việt Nam Đệ ngũ Thiên niên kỷ, bài của bác sĩ Trần Đại Sĩ hiện là Trưởng ban Nghiên cứu Phối hợp Đông Tây y tại Pháp. Tục truyền ngày xưa có giống rồng Á châu sống trong phạm vi Động Đình Hồ (?).
Theo các nhà khảo cổ học và sử học thì khu vực Động Đình cổ là trung tâm văn hóa nông nghiệp cùng thời với văn hóa Bắc Sơn miền bắc Việt Nam (7.000 – 1.000 năm tr.CN). Sau này, khi thống thuộc Trung Hoa, vùng Hồ Nam, Giang Nam, Lưỡng Quảng… vẫn là vùng đất nổi danh về văn thơ, triết học, nghệ thuật điêu khắc, hội họa, ca vũ, đồ gốm, tơ lụa, y dược, cao lương mỹ vị, người đẹp… hạng nhất của Trung Hoa xưa và nay.
Vậy ai là chủ nhân của nền văn hóa tiền sử đó? Thiết tưởng hơn ai hết, người Việt chúng ta không thể thờ ơ đối với gia tài văn hóa của tổ tiên mình. Điều này lại càng thiết thực hơn khi nền văn hóa Tây phương đã và đang lộ ra nhiều khuyết điểm tai hại cho nhân loại trong suốt thế kỷ 19, 20. (Chúng tôi sẽ trình bày ở Chương IV – Văn minh thế giới) .
Nền văn hóa mồ côi đặc thù này xuất phát từ một dòng dân gọi là Miêu tộc* cũng gọi là Viêm* (người xứ nóng) về sau gọi là Bách Việt*. Miêu tộc ra đi từ dãy Thiên Sơn, cao nguyên Himalaya cách đây nhiều chục ngàn năm họ theo các dòng sông lớn chảy về hướng Đông và Đông Nam mà xuống định cư ở lục địa Đông và Đông Nam Á châu.
* Theo những trưng dẫn trong sách “Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hùng Việt” của Bác sĩ Nguyễn Xuân Quang các danh xưng Miêu, Viêm, Bách Việt được ông trình bày như sau: “Trong số các Học giả cho rằng Thần Nông là người Việt, người tiêu biểu là Giáo sư Kim Định. Giáo sư theo Mộng Văn Thông (Sử gia Trung Hoa), cho rằng Thần Nông là vua của Viêm tộc tức là Việt vì người Trung Hoa thời nhà Chu gọi chúng ta là Viêm Bang và gọi phương Nam (vùng châu thổ sông Dương Tử trở về Nam) là Viêm phương. Theo Mộng Văn Thông trong Cổ Sử Nhân Văn thì Viêm là Việt + Miêu. Giáo sư Kim Định gọi là Vimê”.
Sau nhiều giai đoạn văn hóa mà sự tiến bộ gối đầu lên nhau một cách mật thiết; cho đến cách đây khoảng 9.000 năm (khởi đầu văn hóa Bắc Sơn) , dòng Miêu tức Viêm này đã đạt được những bước tiến bộ đặc thù mà trung tâm văn hóa là những vùng đất lớn nằm quanh hồ Động Đình và châu thổ sông Dương Tử (Trường Giang) . Nền văn hoá này được đánh giá cao ở mức kỳ diệu và đã chứng tỏ khả năng đáp ứng nhu cầu thiết thực của con người * mặc dù nó chỉ mới là một nền văn hóa biểu tượng vì thời gian này chữ viết rất sơ khai chưa hoàn hảo.
* Nhu cầu thiết thực của con người theo triết gia Lương Kim Định là Nhân bản toàn diện, có nghĩa là hạnh phúc con người phải đạt tới toàn diện gồm hai lãnh vực vật chất và tinh thần. Dựa vào nền tảng đó, ông đề xướng lối sống An Vi tức là triết lý Nhất nguyên Lưỡng cực. Khác với văn minh
I/2 .- NHỮNG BƯỚC ĐẦU TÌM VỀ NGUỒN CỘI
CỦA Triết Gia KIM ĐỊNH VÀ MÔN SINH:
Tại đại học Văn khoa Sài Gòn, năm 1958 khi giáo sư, triết gia, linh mục Lương Kim Định đề nghị thành lập môn Việt triết thì gặp ngay sự phản đối của một số giáo sư triết học đồng nghiệp và những viên chức có thẩm quyền. Họ mĩa mai: “Việt Nam làm gì có triết học mà giảng với dạy!” , “Văn hiến Việt Nam là cóp nhặt của Trung Hoa”… Cuối cùng, lời đề nghị cũng được miễn cưỡng chấp thuận, nhưng đổi tên thành: triết Đông, theo chương trình giáo khoa, nhưng kèm theo đó cho xen kẽ triết Việt mà triết gia Kim Định soạn thảo (triết Đông vốn là của Trung Hoa, được giảng dạy tại các trường đại học ở Đài Loan và Hồng Kông nhưng không được các trường đại học này coi trọng) .
Mấy năm đầu, số giờ giảng dạy bị hạn chế tối đa và tiền lương giáo sư phụ trách rẻ mạt đến độ một giáo sư đại học đã không đủ tiền để đi xích lô đến trường và mướn nhà… mà phải đến ở nhờ nhà riêng của một học trò cũ, Lm. Vũ Khánh Tường. Vài năm sau, từ chỗ lạ tai đến chỗ hấp dẫn, thuyết phục… Giáo sư Kim Định tạo một sinh khí mới trong giới sinh viên đại học Văn Khoa Sài Gòn. Họ ngóng giờ thầy Kim Định và đến nghe chật giảng đường.
Những vị có thẩm quyền thấy rõ Việt triết là một thực tế có tầm vóc, đã nâng lên dần dần ngang hàng với triết tây và gọi chung là triết học Đông Á. Riêng triết gia Kim Định thì ông chính thức khai mở một hệ thống triết học mới mà ông gọi là Việt Nho, Việt triết và cuối cùng ông chính thức đặt tên cho triết thuyết này là triết lý An Vi. Từ Sài Gòn, giáo sư Kim Định được mời dạy thêm ở các đại học khác trên toàn quốc như Đà Lạt, Vạn Hạnh, Minh Đức, Thành Nhân, An Giang, Huế… (Theo học giả Nguyễn Duy Quang)
Sau năm 1975, triết lý An Vi theo bước chân chạy loạn cộng sản của đồng bào miền nam, giáo sư Lương Kim Định và học trò của ông lan ra khắp thế giới với một ý thức mới: tổ chức tộc An Việt ra đời qui tụ nhiều nhóm môn sinh cũ và mới. Khởi đầu, dưới sự dẫn dắt của triết gia, các nhóm này tập họp thành những gia đình An Việt chuyên nghiên cứu Việt Nho (triết lý An Vi) và phổ biến sâu rộng ở ngoại quốc lẫn trong nước.
Khi triết gia tạ thế (25-3-1997) hưởng thọ 82 tuổi, ông để lại cho đời bộ triết Việt Nho và An Vi gồm 42 cuốn. Có thể nói đây là một gia tài văn hóa đồ sộ nhất trong nền văn hóa sử Việt Nam.
Tính đến tháng 1/2004 các gia đình An Việt tiếp nối đường đi của vị thầy khả kính gồm có:
Âu châu: Gia đình Anh Quốc, Gđ. Bỉ, Gđ. Pháp, Gđ. Thụy Sĩ, Gđ. Hòa Lan, Gđ. Đức…
Úc châu: Gđ. NSW 2195, Gđ. NSW 2204, Mulgrave Vic. 3170, Vic. 3133.
Mỹ Châu: Liên gia Gđ Toronto, Gđ Montreal, Gđ. Mississauga ở Canada. Liên gia Gđ. Florida, Gđ. Ohio, Gđ. Illinois, Kentucky, Arizona, Lousiana, nam California, Bắc California, Texas Houston… ở Hoa Kỳ) Mỗi gia đình quy tụ khoảng 10 đến 40 thành viên.
Tại Việt Nam vì tình hình chính trị chưa cho phép nhưng cũng có mấy nhóm hoạt động trong âm thầm.
I/3 .- HƯỚNG LAN TỎA CÁC DÂN TỘC ĐÔNG Á
Để quý độc giả có khái niệm về những bước đầu của xã hội Miêu tộc còn gọi là Viêm, tổ tiên tiền sử của đa số dân tộc Đông Á (trong đó có Việt Nam), chúng tôi xin mời quý độc giả theo dõi vài nét thực cô đọng:
Theo The Nation Academy Of Science-USA, ngày 29.07.1990, Tiến sĩ J.Y. CHU dựa vào Khoa học Di truyền DNA, chứng minh rằng người Hiện đại đầu tiên xuất hiện ở đông Phi Châu. Cũng trong năm này, giới khoa học gia nghiên cứu về nguồn gốc loài người trên thế giới đều thừa nhận thuyết người Hiện đại xuất hiện ở đông Phi châu là đáng tin cậy nhất. Đồng thời, trong khoảng 10 năm tiếp đó, các khoa học gia khảo cổ này cũng đã tính được thời gian những hậu duệ của người Hiện đại tản mát dần ra khắp mặt đất theo những lộ trình khá hợp lý. Họ đã tính được người Hiện đại có mặt trên trái đất cách đây khoảng 150.000 năm. Trải qua nhiều giai đoạn sinh sôi nẩy nở con cháu họ đợt này qua đợt khác lan tràn qua miền Tiểu Á rồi chia làm hai nhánh lớn một lan dần về phía đông và một lan dần về phía tây .
A .- Nhánh đi về phía đông, cách đây khoảng 100.000 năm, nhiều nhóm lan dần về phía đông rồi tách làm hai hướng :
– Hướng đông bắc nhóm A lan lên phía bắc Trung Á sống rải rác thành các bộ tộc du mục. Nhóm này trở thành thủy tổ của dòng Aryian (Ấn Âu) cách đây 50.000 đến 25.000 năm.
– Hướng đông bắc nhóm B lan về phía đông, băng qua Ấn Độ, rồi tới phía bắc các nước Đông Dương. Họ lan dần lên Đông Á và có mặt ở khắp vùng đất lục địa Trung Hoa ngày nay. Nhóm này trở thành thủy tổ của giống Miêu tức Viêm về sau gọi là Bách Việt cách đây 60.000 năm.
Cũng nhánh đông bắc B này lên rất xa về phía bắc, họ băng qua eo biển Bering vào đất Bắc Mỹ rồi lan tràn khắp Mỹ Châu. Cách đây 35.000 đến 25.000 năm
(vào thời điểm này, các eo biển và hải đảo trên thế giới thường là đất liền vì mực nước rất thấp).
Cũng nhánh đi về phía đông C băng qua nam Việt Nam rồi ra các quần đảo cực đông Châu Á và Úc Châu cách đây 60.000 đến 30.000 năm.
B.- Nhánh đi về phía tây D, cách đây 90.000 năm, lan dần vào Châu Âu trở thành thủy tổ của các dòng du mục da trắng.
Địa cầu từ khi được thành hình cho đến cách đây nhiều trăm ngàn năm luôn luôn thay hình đổi dạng. Từ khoảng 150.000 năm trở lại thì Địa cầu đã khá ổn định ngoại trừ thời tiết thì theo chu kỳ mà thay đổi: Khi lạnh quá thì băng, tuyết tràn ngập khắp nơi. Khi nóng quá thì băng tuyết tan, gây lũ lụt, nước dâng lên rất cao… khiến đời sống mọi sinh, thực vật trên Địa cầu không thể tránh khỏi những giai đoạn cực kỳ tàn khốc đến độ có nhiều giống bị tuyệt chủng.
Ở Đông Á, các thủy tổ của dòng Miêu, Viêm cũng không tránh khỏi các đại thiên tai đó.
Theo cố giáo sư, triết gia Lương Kim Định, lần lũ lụt cuối cùng, người Đông Á di cư lên vùng núi phía tây để tránh nạn. Khi nước rút về mức bình thường thì hậu duệ của họ từ các hang động trên các dãy núi phía tây lần xuống đồng bằng. Trên những vùng đất mới đó, dần dần hình thành các thị tộc, bộ tộc chuyên về nông nghiệp. Người nông nghiệp hiền lành nhưng tư tưởng thâm trầm do phải sống thích nghi với thiên nhiên. Họ thường xuyên quan sát vũ trụ, khí hậu, sông nước, cỏ cây… rồi theo thời gian họ rút ra những kinh nghiệm sống: Hợp với thiên nhiên thì tốt mà nghịch lại thì xấu. Trời, đất, vạn vật cùng một thể và những thứ đối chọi nhau như âm dương, sáng tối, nắng mưa, đực cái… phải nương nhau sinh tồn và tiến hóa tạo thành nhân sinh quan và vũ trụ quan của người nông nghiệp Đông Nam Á. Đó là văn hóa nông nghiệp
Ở các vùng Bắc Á, Trung Á, Tây Bắc Á… thì hình thành những tộc, bộ tộc Du mục. Họ thiên về cường lực, chuộng thực tiễn, mạnh được yếu thua. Truyền thống văn hóa người du mục do đó hoàn toàn khác hẳn người nông nghiệp. Đó là văn hóa du mục.
Trong phạm vi sử liệu, căn cứ theo sách “Trung Quốc Dân Tộc Sử” của sử gia Vương Đông Linh và “Cổ Sử Nhân Văn” của học giả Mộng Văn Thông thì con người cổ đại sau khi bị tiêu diệt trong các đợt băng tuyết, lũ lụt, những người còn sống sót kéo nhau lên miền cao nguyên sống trong các hang động để tránh lụt trong giai đoạn tuyết tan. Trong khoảng giữa thời đại Trung thạch và sơ kỳ Tân thạch khoảng từ 40.000 năm đến 25.000 năm trước đây, khí hậu tương đối ấm áp, loài người rời bỏ hang động trong các dãy núi Thiên Sơn ở bắc Tây Tạng và Tân Cương đi xuống các vùng bình nguyên.
I/3A .- Một nhóm xuống các đồng bằng phía Tây trở thành thủy tổ giống du mục Aryan (Ấn Âu) vùng Trung Á (Trung Đông)*
* Người Tây phương thường gọi Á châu là Đông phương. Họ chia Á châu ra làm ba vùng: Cận Đông, Trung Đông và Viễn Đông. Cận Đông là vùng bán đảo Á-Rập, Viễn Đông tức là các nước thuộc Đông Á lục địa và Đông Nam Á quần đão .
I/3B .- Một nhóm xuống các đồng bằng phía Đông trở thành thủy tổ của các giống da vàng. Giống da vàng có 2 chi:
Bắc tam hệ và Nam tam hệ có ba dòng*:
I/3B1 – Bắc tam hệ
– Dòng Mãn tộc chiếm cực Đông Bắc Trung Hoa ngày nay.
– Dòng Mông Cổ chiếm vùng đất phía Bắc Trung Hoa ngày nay
– Dòng Đột Quyết (Turks) chiếm miền Tây Bắc Trung Hoa và Tây Bá Lợi Á (sau theo Hồi giáo nên gọi chung là Hồi tộc).
* Cả ba dòng dân này đều sống theo truyền thống du mục, chế độ phụ hệ, tổ chức xã hội hướng về thực tiễn cường lực, hiếu chiến, sống thành từng bộ lạc riêng rẽ, man rợ và chưa khai hóa.
I/3B2 – Nam tam hệ cũng có 3 dòng:
– Dòng Hoa* theo Thiên Sơn Nam lộ như Miêu tộc nhưng còn sống đời săn hái du mục ở vùng Tân Cương, Thanh Hải vì nơi này thời đó vẫn còn là vùng đất thuận lợi cho việc săn bắt dã thu và chăn nuôi của dân du mục. Cho tới khi nơi này biến thành sa mạc (cách đây khoảng 5.000 năm) thì Hoa tộc mới men theo sông Hoàng Hà tiến vào Bắc Trung Hoa thuộc vùng cư trú của Miêu tộc.
– Dòng Tạng* theo Thiên Sơn Nam lộ định cư vùng Hi Mã Lạp Sơn rồi ra Thanh Hải, Tây Khương.
-Dòng Miêu** cũng gọi là Viêm**.Người Miêu tộc theo Thiên Sơn Nam lộ tiến về hướng Đông và Đông Nam và có mặt khắp nước Tầu cổ đại cho đến Bắc và Trung Việt Nam ngày nay.
* Hoa và Tạng tổ chức xã hội theo truyền thống du mục và phụ hệ giống như các dòng Mãn và Mông Cổ thuộc Bắc tam hệ 1/1A1 và I/1A2.
Miêu tộc định cư ở vùng khí hậu nắng ấm nên cũng gọi là Viêm, người xứ nóng. Dòng Miêu sau khi định cư, họ sống theo truyền thống nông nghiệp, chế độ mẫu hệ. Hệ tư tưởng dần dần được nẩy sinh do suy ra từ nhận thức thời tiết và thiên nhiên, vạn vật và con người. Họ tổ chức xã hội theo truyền thống thị tộc, bộ tộc, liên bộ tộc về sau tiến lên thành xóm, làng, huyện và nước. Người lãnh đạo cao nhất nước gọi là “thiên tử” và toàn dân Miêu gọi là “ thiên hạ”.
Xin mở một ngoặc đơn ở đây để nhìn về phía Việt Nam trong thời gian này ra sao. Đó là những giai đoạn mà các nhà khảo cổ Việt Nam và thế giới gọi là những nền văn hóa nông nghiệp Việt cổ:
Đấy là vài nét sơ lược thời tiền sử của một số các dân tộc sống ở vùng Đông Á lục địa do chính các nhà khảo tiền sử, cổ sử Trung Hoa nghiên cứu và biên soạn
Học giả Đinh Khang Hoạt trong cuốn Tinh hoa sử Việt có trích dẫn tài liệu mang tên “Puzzle Begins To Fit Together” của tiến sĩ Wilhelm G. Solheim II, giáo sư nhân chủng học tại đại học Hawaii viết năm 1971, đã nói về xã hội Việt cổ đại như sau:
“Dựa vào những khám phá mới và những xác định vào thời gian… Tôi đồng ý với Sauer rằng, thực vật đầu tiên được thuần hóa là do nền văn hóa Hòa Bình của miền Đông Nam Á. Tôi cũng không ngạc nhiên về việc làm cho thực vật được thích hợp với thủy thổ này đã thực hiện trước đây nhiều chục ngàn năm trước Tây lịch”.
Ông cũng lập luận rằng :
“Những dụng cụ bằng đá tìm được ở Australia, đồ gốm ở Nhật đã được định tuổi từ 20.000 đến 10.000 năm TCN đều bắt nguồn từ văn hóa Hòa Bình. Văn minh Yangshao và văn minh Lungson và nhiều di chỉ khảo cổ khác ờ Indonesia, Philipine… ở nhiều thời kỳ khác nhau trong khoảng 8.700 năm đến 3.000 năm tr.CN đều chịu ảnh hưởng của văn hóa Hòa Bình”.
Hoa tộc: Cố học giả Bình Nguyên Lộc gọi Hoa tộc là du mục Mễ Tây, một số học giả lại gọi họ là Trung Hoa cổ. Nói chung, họ tự nhận là cách đây 5000 năm, tổ tiên Hoa tộc còn sống đời du mục ở Tân Cương, Thanh Hải (Các sử gia thế giới gọi các giống du mục là savage, barbarian, Rợ… có nghĩa là dân tộc dã man, mọi rợ, chưa khai hóa). Các sử gia Trung Hoa đặt tên cho tổ tiên họ là Hoa tộc.
Trong tài liệu này, chúng tôi cũng sẽ gọi họ là Hoa tộc như họ tự xưng. Tuy nhiên, người Hoa tộc chính cống chỉ ở từ Bắc Kinh trở lên phía bắc. Họ vẫn còn mang đậm nét họ là con cháu trực tiếp của dòng du mục Hoa tộc này (Thân hình to cao, da trắng tương đối, ăn lúa mì (bánh bao), tính tình thực tiễn… Ngày nay nhờ các phương pháp: Đo chỉ số sọ, ngôn ngữ tỷ giảo, so sánh DNA… người ta thấy rất rõ Hoa tộc miền Bắc thuộc giống Aryian (Ấn Âu) lai với Mông Cổ. Trong khi đó Hoa tộc miền Trung và miền Nam Trung Hoa thì lai với Miêu, Viêm. Càng xuống sâu về phía nam thì đặc tính Ấn Âu – Mông Cổ càng mờ nhạt và đặc tính Miêu tộc đậm lên.
Vậy các dân tộc nông nghiệp bản thổ được gọi là Miêu hay Viêm là ai?
Khởi đầu cổ sử Trung Hoa gọi họ là Miêu tộc, có khi gọi là Viêm tộc có nghĩa là người xứ nóng. Sử ta cũng đề cập đến vua Đế Viêm (vua xứ nóng). Trong cuộc chiến tranh với dân bản địa Miêu tộc tại Trác Lộc* năm 2.704 tr.CN thì họ gọi chúa của người Miêu là cổ thiên tử Xi Vưu, lãnh đạo Liên Minh Xích Quỷ**. Sau chiến tranh Trác Lộc, thì họ gọi dân ở phía Nam Hoàng Hà là Cửu Lê***. Đầu thời Chu họ gộp tất cả các dân tộc sống trong vùng châu thổ sông Dương Tử và gọi chung là Bách Việt. Cho đến thời Tần Thủy Hoàng thống nhất toàn cõi lục địa và cuộc tranh hùng Hán Sở tiếp đó, danh xưng Bách Việt**** vẫn còn thấy nhắc đến nhiều lần.
* Trong bài này chúng tôi chưa nói tới cuộc chiến tranh tại Trác Lộc, một bước ngoặc cực kỳ quan trọng đã làm tiêu tan hai nước Xích Thần, Xích Quỷ và xuất hiện nước Văn Lang. Xin quý vị vui lòng xem chương II.- Hai nước Xích Thần và Xích Quỷ.
** Xích Quỷ vốn là tên nước ta thời Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân 2879-2704 TCN. Liên minh Xích Quỷ là sự liên minh của hàng trăm đội dân quân của các bộ tộc Miêu, Viêm nước Xích Quỷ. Liên minh này được chia làm hai đạo. Một đạo do Lạc Long Quân chỉ huy, một đạo do Âu Cơ chỉ huy. Có nhiều độc giả thắc mắc tại sao người xưa lại chọn chữ quỷ để đặt tên nước? Chúng tôi nghĩ, chữ quỷ là một trong hai vế thần, quỷ của triết lý Nhất nguyên Lưỡng cực mà biểu tượng là cái hình tròn lưỡng nghi. Người là kết hợp bởi thần và quỷ. Như thế thần quỷ có ý nghĩa đồng dạng như trời đất, âm dương, tinh thần với vật chất, nhu cương, lạnh nóng, tình lý, mưa với nắng, đực cái… Ta không nên hiểu quỷ là ma quỷ là xấu xa… mà nên hiểu là sự khôn ngoan, hùng mạnh, thịnh vượng mang tính dương, tính vật chất, tính đực, mà biểu tượng là Rồng. Tên hai nước Xích Thần và Xích Quỷ xác định biệt sắc tư tưởng của nông nghiệp Đông Á. (Xin đọc chương II Xích Thần,Xích Quỷ)
*** Cửu Lê: (tức là chín nhóm Lê) Theo Việt sử Toàn thư của sử gia Phạm Văn Sơn, vào thế kỷ thứ 9 tr.CN, một quý tộc Việt thuộc họ Mỵ kiêm tính các vùng đất cư trú của các bộ tộc Lê (Cửu Lê) ở vùng đất phía Bắc sông Dương Tử để lập nước Sở và xưng là Hùng Mỵ . Xin lưu ý chữ Hùng trong Hùng Mỵ , chúng tôi có phần bình luận danh hiệu Hùng của người Miêu ở chương II trong sách này.
**** Bách Việt : Sách Trung quốc Sử cương chép về chiến công của Tần Thủy Hoàng có đoạn như sau:”Vua sai Đồ Thư đi đánh lấy đất Bách Việt, nay là tỉnh Chiết Giang, Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến…Vua nước Nam phải thần phục” (Xin lưu ý, chúng tôi chỉ dẫn chứng chữ Bách Việt, còn đúng hay sai của đoạn sử Tầu thì xin đừng quan tâm).
Khi Hạng Võ chiếm được kinh đô nhà Tần, Sử ký Tư Mã Thiên chép:”Bà quân tên là Ngô Nhuế đem quân Bách Việt giúp và theo vào đất Tần được phong Hành sơn vương, đóng đô ở đất Chu”.
Khi Lưu Bang diệt được Hạng vương và lên ngôi đế, sách Sử ký chép tiếp: “Tướng của bà quân Ngô Nhuế là Mai Quyên có công chiếm được đất Tính, đất Lịch, được phong làm Thập vạn Hộ hầu.”
Vào cuối thời Vương Mãng, tước vương, tước quân của các vua man di Bách Việt bị Vương Mãng hạ xuống tước hầu. Họ tức giận, bèn hợp cùng bọn Lưu Tú, Lưu Điền… nổi lên chống lại, diệt Vương Mãng, lập Lưu Huyền làm Hán đế. (Trung quốc Sử cương)
Như thế, dù gọi là Miêu, Viêm, Xích thần, Xích Quỷ, hay Cửu Lê, hay Bách Việt, man di, Nam man… các dân tộc nông nghiệp này trước sau vẫn là con cháu của dòng Miêu, Viêm. Dân tộc Miêu quả nhiên đã có một nền văn hóa cao trước khi có sự hiện diện của cường lực du mục Hoa tộc. Rõ ràng chỉ mới xuất hiện hai tên nước Xích Thần và Xích Quỷ, chúng ta đã thấy ló dạng một minh triết cực kỳ uyên thâm chứ không phải sau này mới có.
I/4 . – NHỮNG NỀN VĂN MINH VIỆT CỔ
Những biểu tượng của nhiều giai đoạn văn minh Viêm Việt cổ kéo dài trong khoảng mười ngàn năm, được coi là biệt sắc đặc thù của chủng Bách Việt, vốn có một nền văn minh cổ xưa chẳng những không thua kém bất cứ dân tộc nào trên thế giới mà còn vượt trội hơn là khác. Chúng tôi xin đơn cử một số biệt sắc đó:
1. – Tiên Rồng
2. – Tả nhậm
3. – Vầng nhật
4. – Tập quán làng xã
5. – Ca, vũ, hò, vè, hát ru em …
6.- Thương em từ thủa Tiên Rồng
7. – Kiến trúc Việt cổ
8. – Bí mật phòng trung
9. – Chuyện ông Bàn Cổ
Các biểu tượng này chứa đầy quan niệm nhân sinh và vũ trụ cũng như mang tính ẩn dụ vô cùng sâu sắc vốn là minh triết chỉ đạo đời sống con người của nền văn hóa nông nghiệp Miêu Viêm và về sau gọi là Bách Việt. Người Việt xưa nay dù hiểu rất “lờ mờ”, vẫn ra sức bảo tồn. Chẳng những thế những di vật cổ hay truyền thống mang biệt sắc Việt tộc này có niên đại cách đây từ 9.000 năm đến 3.000 năm tức là niên đại văn hóa Bắc Sơn là một sự thật không còn nghi ngờ. Nền văn hóa này hiện diện trong xã hội Miêu tộc trước khi Rợ Hoa xâm lược vùng châu thổ sông Hoàng Hà .
Những biểu tượng này, từ phía Động Đình càng tiến về phương Nam càng đa dạng, phong phú; khi xuống đến đồng bằng Bắc Việt Nam thì dày đặc.
Có thể nói, Động Đình là nơi phát sinh nền văn minh nông nghiệp Viêm Việt còn miền Bắc và Trung Việt Nam là nơi bảo tồn và phát triển nền văn minh này do những biến cố lịch sử giữa hai dân tộc Việt–Hoa.
Khi Hoa tộc xâm lăng trung tâm văn hóa Bách Việt Động Đình và pha trộn với truyền thống du mục của họ thì văn hóa nông nghiệp vùng rìa ở các châu thổ Hồng Hà, sông Cả, sông Mã… (Bắc và Bắc-Trung Việt ngày nay) chẳng những vẫn giữ được trinh nguyên mà còn được thường xuyên bổ sung do những cư dân đồng chủng chạy loạn từ phương bắc về tiếp sức.
Cao điểm của nền văn hóa đặc thù Việt tộc xuất hiện vào thời đại nhà Thục với phát minh ngành sơn gỗ, sơn da, sơn cột, nhà có mái cong, mỹ thuật ván ngũ cong hai đầu ngành chôn cất có hòm hình thuyền, thủ tục cưới hỏi, nghệ thuật ca vũ… Phát triển tối đa mỹ thuật đồ đồng, kỹ nghệ trống đồng, mũi tên đồng, xây dựng thành quách và phát minh kỹ nghệ đồ sắt…
Tuy nhiên, sau 1.000 năm bị du mục Hoa tộc đô hộ, với chính sách cướp đoạt văn hóa và đồng hóa, Hoa tộc đã làm dân ta quên đi rất nhiều truyền thống và tư tưởng Việt cổ đến độ sau khi đã dành được độc lập (năm 939), vua quan, triều đình Đại Việt được tổ chức rập theo khuôn mẫu Tầu. Giới sĩ phu Việt coi sử Tầu là chính, sử Việt là phụ. Họ học và phổ biến trong đại chúng luân lý, đạo đức Khổng, Mạnh và tư tưởng Lão, Trang… mà không ngờ rằng hai dòng tư tưởng này bắt nguồn từ tổ tiên hiền triết Việt tộc đã bị Tầu làm biến dạng theo truyền thống du mục của họ.
Hai nền học thuật Khổng, Lão dù không đi cùng một hướng nhưng đắp đổi cho nhau tạo thành một xã hội mà kẻ cường lực, hung bạo thì làm vua, có toàn quyền trên thiên hạ, giới sĩ phu thì luồn cúi bợ đỡ để được vinh thân phì gia… Nếu vì lẽ gì mà thất bại trong cái xã hội đó thì đành vào rừng mà ở, làm bạn với cỏ cây. Lấy hai chữ ẩn sĩ, vô vi mà tự an trí, tự phát vãn!… Còn đâu nhân chủ, nhân trị, còn đâu vương hóa, còn đâu người vị người, còn đâu đầu đội trời, chân đạp đất?
Trong hoàn cảnh như thế, làng xã Việt Nam với nếp sống bình dị của người dân sau lũy tre làng, đã là nơi giữ lại phần nào truyền thống tư tưởng và những biệt sắc văn hóa của tiền nhân. Mỗi làng xã Việt Nam có giá trị như một viện bảo tàng văn hóa trong suốt nhiều ngàn năm, chăm chút, gìn giữ trước bao nhiêu nghịch cảnh!
Tài liệu văn hóa tiền và sơ sử Việt Nam của bs. Nguyễn Thị Thanh có ghi lại những nền văn hóa Việt cổ, tôi xin tóm lược dưới đây:
– Văn hóa Sơn Vi hay Tiền Hòa Bình: Cách đây 30.000 đến 12.000 năm. Thời đại cựu thạch và trung thạch (giai đoạn vật dụng bằng đá có đầu nhọn tự nhiên cho đến đá ghè đẽo thành lưỡi hoặc đầu nhọn).
– Văn hóa Hòa Bình: Cách đây15.000 đến 7.000 năm. Thời đại trung thạch đến sơ kỳ tân thạch (giai đoạn vật dụng đá đẽo ở phần lưỡi đến đá đẽo được mài bén ở phần lưỡi). Đây là thời kỳ phát minh văn hóa nông nghiệp.
– Văn hóa Bắc Sơn: Cách đây 9.000 đến 3.000 năm. Thời đại tân thạch (dao hoặc búa đá được mài toàn phần). Phát triển nghi lễ mai táng, phát triển văn hóa nông nghiệp và nuôi gia súc; thuần hóa trâu, bò để làm ruộng… Phát triển kỹ thuật đan tre, mây, lát. Phát minh đồ gốm văn hoa chải, tiền đá Hòa bình và nghề dệt. Xã hội thành hình những cộng đồng và tổ chức làng xã, chợ búa, văn nghệ hát nói và ca múa. Thời kỳ Thần Nông Đế Viêm. Thời kỳ vua Kinh Dương vương (Lộc Tục, con thứ của vua Đế Minh) lập nước Xích Quỷ năm 2.879 tr.CN ở phía Nam sông Dương Tử.
– Văn hóa Quỳnh Văn hay Hậu Sơn Vi: Cách đây 10.000-4.000 năm song song với Vh. Bắc Sơn. Đồng thời là khởi đầu văn hóa Bàu Tró, văn hóa tiền Phùng Nguyên. Đây là thời kỳ văn hóa Lạc Việt sơ khởi của những chi phía Nam trong nền văn hóa Bách Việt toàn vùng mà chúng tôi trình bày ở trên. Thời kỳ các vua Hùng dựng nước Văn Lang, thời gian này đất nước đã có 10 điều luật hoàn toàn khác với Hoa tộc (Hạ, Thương); phát triển đồ gốm có bàn xoay, hoa văn gốm hình dây thừng, hình kỷ hà, nghề đánh cá, nghề dệt; phát minh nghề làm rượu; sơ kỳ đồng thau; truyền thống nhà sàn có mái cong, truyền thống cưới hỏi theo mẫu hệ; tục uống nước bằng mũi.
– Văn hóa Phùng Nguyên hay Hậu Bắc Sơn và Quỳnh Văn: Cách đây 6.000 đến 2.400 năm. Thời kỳ các vua Hùng và nước Văn Lang.
– Văn hóa Gò Mun: Cách đây 4.800 đến 2.300 năm. Phát triển kỹ nghệ đồng thau, binh khí bằng đồng, mũi tên đồng, đồ gốm hoa văn chải.
– Văn hóa Đồng Dậu: Cách đây 3.700 đến 2.200 năm. Phát triển cực ky rực rỡ kỹ nghệ đồng thau, mỹ thuật tinh xảo trong nghề gốm, nghề chài lưới, câu cá… Phát minh ngành họa và âm nhạc, đàn bầu (?). Phát minh chữ lăng quăng, chữ chân chim và chữ tượng hình (chữ Nho cổ?), chế tạo một loại giấy làm bằng cây Mật Hương rất nổi danh, phát giác trà, thuốc lá… Chiến tranh giữa vua Hùng cuối cùng của họ thứ 18 với Thục Phán. Nước Văn Lang chấm dứt năm 208 tr.CN.
– Văn hóa Đông Sơn: Năm 800 đến năm 111 tr.CN. Phát minh ngành sơn gỗ, sơn da, sơn nhà có mái cong, mỹ thuật ván ngủ cong hai đầu, ngành chôn cất có hòm hình thuyền, thủ tục cưới hỏi… Phát triển tối đa mỹ thuật đồ đồng, kỹ nghệ trống đồng. Phát minh kỹ nghệ đồ sắt. Đây là thời Xuân thu và Chiến quốc và cuối cùng, chư hầu Tần thống nhất toàn cõi Trung Hoa, xưng là Tần Thủy Hoàng. Ở Lĩnh Nam, Thục phán lập nước Âu Lạc 257-207 tr.CN. Kế đó là các triều đại nhà Triệu nước Nam Việt và cuối cùng năm 111 tr.CN bị Hoa tộc thôn tính và đô hộ.
Kể từ giai đoạn này, bằng chủ trương đàn áp văn hóa cực kỳ khốc liệt của Hoa tộc, các truyền thống văn hóa và tư tưởng nông nghiệp Bách Việt cổ bị khựng lại và đi dần vào quên lãng!! Trong khi đó, Hoa tộc, với hành trang văn hóa mới, được đắp bồi liên tục bởi văn hóa Bách Việt và được Khổng, Mạnh cùng Lão, Trang chấn chỉnh đã thực sự vươn lên giai đoạn “tột đỉnh văn minh Trung Hoa” của các thời đại Hán, Đường, Tống, Minh sau này.
Những nền Văn hóa Sơn Vi, Tiền Hòa Bình, Hoà Bình, Bắc Sơn, Quỳnh Văn, Hậu Sơn Vi vừa nêu là văn hóa Bách Việt cổ được tìm thấy ở “vùng rìa” Bắc Việt Nam. Trung tâm của nó là vùng Động Đình đã được người Trung Hoa khảo cứu khá tường tận, tuy nhiên, họ công bố rất nhỏ giọt vì “tự ái dân tộc” và không muốn đánh mất những gì họ tự hào về văn minh Trung Hoa.
Kể từ văn hóa Phùng Nguyên, Hậu Bắc Sơn, Hậu Quỳnh Văn, Gò Mun, Đồng Dậu, Đông Sơn thì miền Bắc Việt Nam dần dần thay thế vùng Hồ Nam, Giang Nam và Lưỡng Quảng và phát triển mạnh để trở thành trung tâm mới của Việt tộc.
I/5 .- KẾT LUẬN I
Trong suốt hai thời kỳ đô hộ Việt tộc, càng về sau người Trung Hoa càng tỏ ra quyết liệt trong việc xóa bỏ văn hóa Việt như tịch thu mọi trống đồng Lạc Việt (người Việt gọi là thần cổ), vật dụng tế lễ bằng đồng, nấu chảy rồi đúc trụ đồng, sao chép các chuyện cổ, thơ nói, vè, ca dao… và nhận làm của riêng. Hàng đoàn xe chở đầy tài liệu công thư khố, văn, thơ, sổ sách, biểu, tấu của các triều đại Đại Việt như Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ (xâm lược Minh đầu TK.15). Thay vào đó, họ bắt dân ta học theo cái văn hóa mà họ đã phóng tác, chế biến từ những điều học được của tổ tiên ta và gọi là giáo hóa Nam man, man di… Trường hợp hai ông Thái thú Nhâm Diên và Sĩ Nhiếp là những thí dụ điển hình. Quả thực Hoa tộc thiếu cái thật thà của người La Mã khi các sử gia La Mã luôn luôn xác nhận rằng họ học được văn minh từ người Hi Lạp khi họ xâm lăng nước này!!
Ảnh hưởng của đồng hóa may sao chỉ tràn vào các cơ chế chính trị, học thuật, cung đình và những hoạt động nhân gian có liên hệ đến vua quan và triều đình… Còn làng, xã Lạc Việt thì vẫn giữ được cái “dáng” an nhiên tự tại nhờ một loại luật bất thành văn: “Luật vua thua lệ làng” bảo vệ.
Để những ai còn ngờ vực những vấn đề chúng tôi vừa nêu trên, xin cống hiến quý vị vài mẫu tài liệu lý thú sau đây:
Triết gia Lương Kim Định viết trong sách Nguồn Gốc Văn Hóa Việt Nam:
“Trước hết là việc Khổng Tử tuyên bố: Thuật nhi bất tác, tức là chỉ thuật lại đạo cổ xưa chứ ông không sáng tác. Và, nếu cần xác định là đạo cổ ấy ở đâu, thì ông bảo là ở phương Nam trong câu: Khoan nhu dĩ giáo bất báo vô đạo Nam phương chi cường dã quân tử cư chi (sách Trung Dung/10). Vì những lý do trên, chúng ta nên từ bỏ thói quen coi Khổng Tử như một người sáng lập Nho giáo. Công lao của Khổng Tử, chúng ta không bao giờ quên, như người học trò luôn luôn kính trọng và biết ơn vị thầy của vạn thế!”
Bác sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh, cựu Gs. Đại học Moncton Canada, trong bài “Phát hiện thơ cổ thời kỳ văn hóa Bắc Sơn” viết năm 1994, có kể môt câu chuyện… cười ra nước mắt của cố Tổng thống Tưởng Giới Thạch như sau:
“Năm 1958, khi Tổng thống Đài Loan, Tưởng Giới Thạch, chủ tọa lễ khai mạc đại hội văn hóa Trung Hoa gồm các nhà làm văn hóa Trung Hoa như sử gia, triết gia, học giả, nhà văn, nhà thơ, giáo sư các bộ môn khoa học xã hội….”
Sau khi nghe các học giả thuyết trình về văn minh Trung Hoa, ông hỏi: “Vậy nền học thuật và tư tưởng Khổng, Lão xuất phát từ đâu?” Họ trả lời: “Từ phương Nam” Nghe thế Tổng thống liền đứng lên ra về… bỏ cả bữa cơm truyền thống mà theo chương trình thì Tổng thống sẽ chủ tọa
Tại sao vị Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc nổi giận đến độ phải bỏ về? Chắc chắn ông biết rõ, nói tới phương Nam là nói tới địa bàn cư trú của các dân tộc Bách Việt mà Hoa tộc đã cưỡng chiếm mấy ngàn năm về trước, mà… đụng tới Bách Việt thì Trung Hoa không còn gì để nói cả!
Chẳng riêng gì Sử ký Tư Mã Thiên thời Hán, hầu như mọi sử gia Trung Hoa các triều đại Trung Hoa về sau như Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh cũng chép về các dân tộc Bách Việt và những vùng đất cư trú cổ xưa của họ và gọi họ một cách trịch thượng, đầy miệt thị là man di Bách Việt, Nam man.
1 .- Văn hóa Sơn Vi cũng gọi là Tiền Hòa Bình cách đây khoảng 30.000 năm đến 12.000 năm.
2 .- Văn hóa Hòa Bình cách đây khoảng 15.000 năm đến 7.000 năm.
3 .- Văn hóa Bắc Sơn cách đây khoảng 9.000 năm đến 3.000 năm
Những tài liệu nghiên cứu về thời kỳ hoang dã của người Đông Á lục địa này, đã mặc nhiên xác nhận rằng, chủ nhân của đất nước này từ 5.000 năm trở về trước không phải Hoa tộc mà chính là người Miêu tức Viêm.
**Tây phương ngày nay chỉ mới đạt tới lãnh vực vật chất (suy lý), còn tinh thần thì thả lỏng. Triết gia gọi triết lý Nhân bản Tây phương là triết lý Nhị nguyên.
Theo chúng tôi thì du mục Hoa tộc cổ là một giống Rợ (người man dã) đã tràn vào Đông Á rất sớm, cùng thời gian với vua Ménès tấn công chiếm vùng châu thổ sông Nil, Ai Cập của những “Tiểu bang” Nông dân đang sống thảnh thơi ở đó. Cũng y hệt như thế, các giống du mục khác ở Trung Bắc Á, Bắc Á và Đông Âu mà sử sách Tây phương gọi là Rợ cũng tràn vào vùng Trung Đông, Ấn Độ và châu Âu nhưng trể hơn du mục Hoa tộc và Ménès rất nhiều. Đó là các giống Rợ Vandale, Ostrogoth, Franc, Germain, Wisigoth Slave, Scythes… ở châu Âu; Rợ Turks, Hébreux (Do Thái), Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Tạng, Mông Cổ, Hung Nô ở châu Á…
Sử gia Nguyễn Hiến Lê trong Lịch sử Thế Giới viết “Bên cạnh các dân tộc văn minh còn có nhiều giống người dã man chiếm trọn Trung Âu, Đông Âu, Bắc Á, Cao nguyên Tây Tạng và gần hết đại lục châu Phi… Các giống người man rộ này sống bằng nghề chăn nuôi và giặc cướp”.
Vậy Rợ Hoa sống ở Thanh Hải và Tân Cương vùng Tây Bắc lục địa Đông Á cũng không khác gì các giống Rợ chúng tôi vừa dẫn trên. Cho đến khoảng năm 2720 tr.CN thì Rợ Hoa thiên di theo thượng nguồn sông Hoàng Hà mà vào Đông Á. Tại đây họ đụng đầu với đông đảo cư dân nông nghiệp Bắc Miêu. Họ liền họp nhau lại đánh cướp, chiếm đoạt (phần chi tiết chúng tôi sẽ trình bày ở Chương II).
Lâu đời trước đó, tại vùng Đông Á này, cháu ba đời của vua Đế Viêm thường được tôn xưng là Thần Nông là Đế Minh đã làm vua Miêu tộc năm 3118 Tr.CN. Nếu tính 3 đời là 100 năm thì vua Đế Viêm làm vua khoảng năm 3218 tr.CN. Cuộc chiến tranh giữa Liên minh Xích Quỷ và Rợ Hoa tại Trác Lộc vào năm 2704 tr.CN. Như vậy, vua Đế Viêm Thần Nông làm vua trước khi Rợ Hoa xâm nhập đất Bắc Miêu khoảng 514 năm . Nếu nói rằng, vua Đế Viêm Thần Nông là vua của Hoa tộc cổ thì ông ấy làm vua Hoa tộc vào lúc nào?
Thần Nông có nghĩa là “thần nghề nông” của xứ nông nghiệp, xứ nông nghiệp khí hậu nóng nên Thần Nông còn gọi là Đế Viêm. Vua Thần Nông sáng tạo ra cày, bừa để trồng lúa, trồng khoai ; nếm vỏ cây, rể cũ, lá, hạt… để làm thuốc ; lâp chợ cho dân trao đổi thực phẩm, vật dụng… sao lại làm vua một giống Rợ du mục ở xứ lạnh vốn chỉ có đồng cỏ để chăn nuôi gia súc? Chẳng những thế, du mục không bao giờ định cư một chỗ mà di chuyển thường xuyên thì làm sao mà định canh? Do đó, bảo rằng Thần Nông Đế Viêm là vua của du mục Hoa tộc quả thực là một chuyện gán ghép đến buồn cười.
Một chi tiết quan trọng khác là theo truyền thông ngôn ngữ Hoa tộc thì phải gọi là Nông Thần, Viêm Đế chứ không thể gọi Thần Nông Đế Viêm là ngôn ngữ Việt tộc.
Hết: Chương I Xem Tiếp : Chương II A