…..

ĐƯỜNG TA ĐI

An Phong Nguyễn Văn Diễn

…..

Chương II A
NƯỚC XÍCH THẦN

NƯỚC XÍCH QUỶ

…..

II/1.-BỐI CẢNH LỊCH SỬ, XÃ HỘI THỜI ĐẠI VUA ĐẾ MINH

     Nhờ sự phát triển rực rỡ của nền nông nghiệp dưới thời đại Thần Nông Đế Viêm*, xã hội Miêu, Viêm mà về sau gọi là Bách Việt đã có những phát triển vô cùng khởi sắc trên nhiều lãnh vực. Cư dân nông nghiệp sinh tụ đông đảo, đời sống an lạc, sung túc… Thời gian này tương ứng với giai đoạn giữa của thời kỳ văn hóa Bắc Sơn kể từ 7.000 đến 1.000 năm trước Công nguyên).

* Thời đại Thần Nông Đế Viêm:

     Thời kỳ 1.- Từ vua Thần Nông Đế Viêm đến cháu ba đời là vua Đế Minh từ năm 3118 đến 2879 tr.CN kéo dài 239 năm.

     Thời kỳ 2.- Từ vua Đế Minh chia nước cho hai con lập thành hai triều đại Xích Thần (Bắc Miêu) và Xích Quỷ (Nam Miêu).

  A.- Triều đại Xích Thần:

     – Đế Nghi 2.879 – 2.813/tr.CN
– Đế Lai 2.813 – 2.704/tr.CN
– Đế Du Võng 2.704 – 2.636/tr.CN

  B .- Triều đại Xích Quỷ:

     – Kinh Dương Vương 2879 – (?) tr,CN
– Lạc Long Quân năm (?) – 2.704/tr.CN

     Từ năm 2704 tr.CN trở về trước là giai đoạn độc lập và thanh bình được coi là cảnh thái hòa đã đạt. Sau chiến tranh Trác Lộc 2704 tr.CN, nước Xích Thần (Bắc Miêu) hoàn toàn bị tiêu diệt, nước Xích Quỷ (Nam Miêu) thì mất vua (Lạc Long Quân), lạc tướng đến độ triều đình tan rã. Bà Âu Cơ về đất Tương Dạ (trên Cánh Đồng Tương) lập đàn, phong cho con trưởng Lạc Long Quân thuộc Hồng Bàng Thị (con của người mẹ họ Hồng Bàng) lên làm Hùng vương và đổi tên nước là Văn Lang. Sau họ Hồng Bàng còn có 17 họ khác thay nhau làm Hùng vương. (Xin xem phần khảo luận ở đoạn sau).

     Năm 1959, mặc dù chính quyền Trung Hoa Cộng sản không công bố nhưng báo chí Đài Loan có đăng một bản tin xuất phát từ các nhà khoa học khảo cổ ở bảo tàng viện Hồ Nam. Bản tin cho biết họ tìm được tại di chỉ khảo cổ Xinqlang, phía Đông hồ Động Đình khoảng 50 km những miếng đất sét nung hình chữ nhật có ghi những chữ chân chim và họ giải đoán là bảng ghi những con số thu hoạch nông nghiệp và chăn nuôi của những quý tộc xã hội Miêu.

     Họ xác định những mảnh đất nung này có niên đại 4.600 năm tr. CN + 100. Việc phác giác những cổ vật tiền sử ở Xinqlang đã xác nhận trước khi “văn minh!” du mục Hoa tộc tràn tới thì Nam Miêu đã có văn minh chữ viết.

…..

Hình 2

     Trong giai đoạn tiền sử này, vùng Bắc Việt Nam dù là vùng rìa của trung tâm văn hóa Động Đình, các chuyên gia ngành khảo cổ học và tiền sử học đã tìm thấy nhiều di chỉ quan trọng điển hình nhất là tại Bắc Sơn. Đấy là giai đoạn tân thạch khí với những đồ đá mài và sơ kỳ kim loại đồng thau, phát triển nghi lễ mai táng, thuần hóa trâu bò, kỹ thuật đan tre, mây, lát. Phát minh đồ gốm văn hoa chải, tiền đá Hòa bình và nghề dệt và nhất là nghệ thuật ca múa, hát nói, vè, hát ru em, hò giã gạo, chèo thuyền…

     Xã hội Việt cổ đã hình thành những cộng đồng và tổ chức làng xã, đình, miếu, chợ búa, văn nghệ hát nói, ca múa… Như thế, nếu vùng Bắc Việt Nam đã đạt được những thành quả như trên thì vùng trung tâm Động Đình chắc hẳn còn cao hơn.
Tuy nhiên, vào cuối thời vua Đế Minh (2789 Tr.CN), cháu ba đời vua Thần Nông Đế Viêm*, một số khó khăn có tầm vóc an nguy quốc gia và sự sinh tồn của xã hội Miêu cổ đã bắt đầu xuất hiện :

II/1A .-Một vài khó khăn mới của xã hội Miêu tộc

     Xã hội nông nghiệp Miêu tộc sinh sôi nẩy nở rất nhanh. Đất nước vốn không có biên giới nên đồng ruộng lan tràn hết đồng bằng này qua đồng bằng khác. Sự phát triển nông nghiệp rộng ra về mọi phía, nhất là về phía Nam, nhờ vùng này khí hậu ẩm ướt, ấm cúng, mưa thuận gió hòa… khiến việc liên lạc giữa trung ương và các tộc địa phương mỗi ngày một trở nên khó khăn, chậm chạp. Việc điều động nhân dân thực hiện những công tác công ích không thể thích ứng với đường lối lãnh đạo của chế độ Liên minh Bộ tộc mà đứng đầu là những vị vua gọi là Thiên tử*

     * Thiên tử : Khi sử gia nổi danh nhất Trung Hoa, Thái sử công Tư Mã Thiên (thuộc một dòng họ chuyên viết sử từ thời nhà Chu đến thời cực thịnh nhà Hán) tả lại cuộc chiến tranh Hoa–Miêu tại Trác Lộc năm 2704 tr.CN, ông gọi người lãnh đạo các bộ lạc du mục Hoa tộc là Cộng chủ trong khi đó ông gọi người lãnh đạo liên minh Xích Quỷ là Cổ Thiên tử Xi Vu.

     Tại sao ông ấy không gọi Hiên Viên là Thiên tử?

     Cho tới giai đoạn này, Hoa tộc chỉ là những bộ lạc du mục gọi là hậu. Tù trưởng bộ lạc gọi là hậu chủ. Từng đoàn, từng lũ, man rợ y như các giống du mục khác trên thế giới thời đó, họ kéo nhau đi tìm đất sống. Họ xâm nhập đất Bắc Miêu và gặp sự chống cự của cư dân nông nghiệp Miêu tộc, họ liền họp nhau “công kênh” một hậu chủ hùng mạnh nhất là Hiên Viên lên làm “Cộng chủ” (chữ của Tư Mã Thiên) để gọi người lãnh đạo các hậu. Như vậy có nghĩa là họ chưa lập quốc, chưa xưng vua, xưng vương, xưng đế gì cả. Họ chỉ là một đám Rợ du mục cường bạo, dã man mới tập trung lại…

     Như vậy danh hiệu Thiên tử là danh hiệu của các vị vua Miêu tộc đã có từ rất lâu về trước chứ không phải của Hoa tộc.

     Theo quan niệm nông nghiệp cổ đại, Thiên tử là người đứng đầu Thiên hạ và Thiên hạ thì không hạn định biên giới. Thiên tử thay Thiên hạ tế giao trời đất, nghiên cứu thiên tượng để đoán thời tiết và định ngày tháng nước lớn, nước ròng, gió mây, mưa nắng để chỉ cho dân biết mà làm mùa. Thiên tử chấp hành ý dân như ý trời, gìn giữ đức hiếu sinh bằng lòng nhân như cha mẹ vỗ về, giáo huấn con và gọi đấy là nhân trị hay vương đạo, vương hóa. Các bộ tộc tự trị đối với Thiên tử ngoại trừ việc hằng năm cung cấp đồ tuế cống (cống phẩm), đóng góp dân quân và lương thực mỗi khi thiên tử cần đến để duy trì công đạo và tôn trọng quyền tài phán của Thiên tử.

     Xem thế, vai trò lãnh đạo xã hội nông nghiệp Miêu tộc rất nhẹ nhàng, uyển chuyển, nhân ái… thích hợp với bản tính người nông nghiệp mà xã hội du mục vốn chuộng cường lực và thực tiễn khó có thể có được.

     Đây là vấn đề cốt lõi, là khởi đầu của mọi nghi vấn văn hóa giữa hai dân tộc Việt và Hoa mà phía Việt luôn luôn là kẻ gánh chịu mọi áp đặt cực kỳ phủ phàng trước cường lực Hoa tộc trong suốt 5000 năm lịch sử chiến tranh và hòa bình của hai dân tộc Hoa, Việt.

     Về sau, khi Hoa tộc làm chủ Bắc Miêu (nước Xích Thần) thì họ tiếp tục duy trì truyền thống lãnh đạo của xã hội Miêu tộc vì họ quá ít nhân lực và chưa đủ sức mạnh để trực tiếp cai trị một vùng đất quá rộng lớn và người thì đông đảo. Họ phong hàng vạn tộc trưởng Bắc Miêu làm vua chư hầu. Tuy nhiên, họ không duy trì được thanh bình lâu dài vì bản tính dã man, hung bạo, chỉ chú trọng thực tiễn cường lực và truyền thống độc đoán của du mục. Chính sách Nhân trị của Miêu tộc chỉ áp dụng vài trăm năm đầu, về sau chỉ còn là khẩu hiệu “cho vui”. Các chư hầu gốc du mục Hoa tộc nuốt dần các chư hầu gốc Miêu tộc khiến từ hàng vạn chư hầu thời Đế Nghiêu, Đế Thuấn xuống còn vài ngàn thời Thương. Cho đến thời Chu thì còn lại vài trăm… vài chục… rồi 7,6 chư hầu.

     Sách Lĩnh Nam Trích Quái của Trần Thế Pháp thế kỷ 13 có nhắc việc: “Vua Đế Lai truyền ngôi cho Đế Du Võng rồi lãnh đạo quân đội đánh nhau với Hiên Viên ở Bản Tuyền. Đế Lai thua trận bị giết”. Từ chứng liệu này và đoạn sử Tư Mã Thiên vừa dẫn trên, chúng tôi tìm được người lãnh đạo Liên minh Xích Quỷ chính là vua Đế Lai. Thật rõ ràng, vua Đế Lai khi cầm quân tại Trác Lộc và Bản Tuyền là cựu thiên tử (ông đã truyền ngôi cho Đế Du Võng) chứ không phải đương kim thiên tử, vì thế sử Tầu gọi ông là cổ thiên tử Xi Vu có nghĩa là “cựu vương xấu xí và khoác lác”.

II/1B .-Du mục Hoa tộc

     Du mục Hoa tộc sống thành từng bộ lạc gọi là hậu. Mỗi hậu có hậu chủ là những ông chủ tham lam, hung bạo với những đội quân kỵ và bộ chuyên lo việc xâm chiếm đất đai, trấn áp kẻ địch, bắt nô lệ và bảo vệ tài sản của hậu chủ. Các nhóm du mục Hoa tộc thời kỳ này còn rất man rợ mà về sau các giống Rợ Trung Á và Châu Âu cũng y hệt.

     Trong một thời gian dài, chia ra thành nhiều giai đoạn, các giống du mục man rợ ở Tiểu Á, Trung Á, Tây Bắc Á, Âu châu… cũng gặp phải thiên tai hạn hán hoặc sa mạc hóa… Họ di dân đi khắp nơi tìm đất sống. Họ đã xâm lược thành công và tạo ra nhiều nước “mới” thời cổ như Hi Lạp, Ai Cập, Ấn Độ, Ba Tư (I-Ran), Babilon (I-Raq), Hébreux (Do Thái)… Những nước này học được nền văn hóa đặc thù của những nước mà họ xâm lược để trở nên văn minh, cường thịnh.

     Khoảng năm 2750 tr. CN, những vùng đất ở tây bắc lục địa Đông Á như Tân Cương, Thanh Hải… dần dần bị sa mạc hóa khiến những bộ lạc du mục Hoa tộc (các sử gia Tây phương gọi các giống du mục là Savage hay Barbarian, Rợ… tức là dân tộc dã man, mọi rợ, chưa khai hóa) chuyên chăn nuôi dê, cừu, heo, bò, ngựa… đang sống rải rác tại đây phải đi tìm những đồng cỏ mới cho những đoàn gia súc của họ. Họ đưa thân tộc cùng với những đoàn gia súc, đầy tớ và đội quân bảo vệ đi dọc theo nguồn bờ bắc sông Hoàng Hà mà vào phía bắc Trung Hoa ngày nay. Họ đã gặp vùng đất cực bắc của nước Xích Thần và người nông nghiệp Bắc Miêu ở đó.

     Rợ Hoa tộc cũng không nằm ngoài bản tính hung hăng, cường bạo, dã man của xã hội du mục. Trước vùng đất bạt ngàn, đồng lúa mênh mông… niềm mơ ước của họ y hệt như dân Do Thái khi rời khỏi Ai Cập tiến vào đất Palestine. Điều đáng nói là trong khi lịch sử các nước kia đã ghi lại sự vay mượn văn hóa của các dân tộc mà họ xâm lược, còn Trung Hoa thì thật là mỉa mai, họ cho rằng nền văn hóa mang biệt sắc nông nghiệp vùng Đông Á là do họ mang tới từ… hai sa mạc Tân Cương, Thanh Hải !!!..

II/2.-NHỮNG TIÊN LIỆU CỦA VUA ĐẾ MINH

     Vua Đế Minh đã thấy được sự uy hiếp đó đối với khu vực địa đầu của đất nước. Ông muốn truyền ngôi thiên tử cho Lộc Tục là con thứ, vốn là rể của vua Động Đình Quân ở phía nam Trường Giang (sông Dương Tử) nhằm dựa vào sức mạnh Động Đình để bảo vệ vùng đất phía Bắc. Nhưng Lộc Tục cố nhường cho anh, không nhận.

     Cuối cùng, vua Đế Minh chia lãnh thổ làm hai vùng. Từ sông Trường Giang trở lên bắc gọi là nước Xích Thần, phong cho Đế Nghi làm tự quân. Từ hồ Động Đình trở về nam gọi là nước Xích Quỷ, phong cho Lộc Tục làm vua gọi là Kinh Dương Vương với lời dặn: “Hai nước phải đoàn kết như keo sơn thì đất nước mới bền vững được”

II/3.-TRIẾT LÝ NÔNG NGHIỆP LỘ RÕ NÉT
TRONG HÀNH ĐỘNG CỦA VUA ĐẾ MINH

     II/3A .- Nước Xích Thần và nước Xích Quỷ.

     Năm 1944-45 tôi học trường Pellerin, Huế, vị sư huynh Việt Nam dạy lớp tôi tên là frère (sư huynh) Paul,một tu sĩ rất già, râu tóc bạc phơ. Bài học về huyền sử Tiên Rồng, tôi được frère Paul dạy: vua Đế Minh chia nước ra làm hai, phong cho Đế Nghi làm vua nước phía bắc, gọi là nước Xích Thằng; Lộc Tục làm vua nước phía nam gọi là nước Xích Quỷ… Về sau, khi học những lớp cao hơn ở Sài Gòn, tôi không thấy nhắc đến tên nước Xích Thằng nữa. Tôi vẫn thắc mắc không hiểu tại sao tên nước Xích Thằng của Đế Nghi bị gạt ra khỏi sách giáo khoa?

     Năm 1986, tôi tham gia sinh hoạt An Việt, một tổ chức nghiên cứu triết lý An Vi của triết gia Lương Kim Định. Có lần tôi hỏi cha Kim Định về việc loại bỏ tên nước Xích Thằng trong huyền thoại Tiên Rồng. Cha đáp, có lẽ Bộ Quốc gia Giáo dục thời đó cho rằng tên Xích Thằng* vô nghĩa nên không để vào. Tôi trình bày, thưa, cha có nghĩ là Xích Thần mà đọc trại ra Xích Thằng không? Bởi vì phải có Xích Thần mới có Xích Quỷ** chứ! Cha nhìn tôi gật gù: Đúng lắm! Người là hội tụ bởi thần và quỷ kia mà! Cha dặn tôi: Phải đấy, anh viết một bài nói về việc nầy đi nhé! Thời gian đó tôi đang bận rộn chuẩn bị in cuốn “Thần Long Bách Việt” nên quên bẵng.

     * Xích Thằng: Tôi nghĩ, người Hoa vốn tiểu tâm, ngạo mạn… họ tự xưng là Hoa tộc (đẹp như đóa hoa), Trung Hoa (cái hoa ở trung tâm) còn thiên hạ thì họ miệt thị là bọn tứ di, nam man, man di, man (mọi rợ)… Người Mông Cổ, họ gọi là hung nô (mọi, đầy tớ). Các dân tộc ở phía tây họ gọi là rợ Khuyển, rợ Hồ… Tên vua Đế Lai chúng đổi là Xi Vu (xấu xí, láo khoét). Tên bà Triệu Thị Trinh, người Việt cổ gọi bà là oa Triệu (oa=o=cô Triệu, tiếng Tầu đọc là Triệu oa) họ đổi ra là Triệu Ẩu (Triệu ẩu tả); Tên nước Xích Thần họ đổi là Xích Thằng và gọi chung cả hai nước là “thằng quỷ”, vừa xóa nhòa cái di tích văn hóa Việt cổ vừa tỏ ra cha chú, trịch trượng. Đau thật!… Suốt mấy ngàn năm người Việt vô tình cứ theo đó mà gọi…

     Anh Hoa tộc ơi, anh học lóm văn hóa tổ tiên tôi và anh từng viết vào thượng cổ sử Trung Hoa rằng nước Văn Lang của tổ tiên tôi có 10 điều luật (có luật tức là xã hội đã có tổ chức, có luật pháp, truyền thống, đạo đức, luân lý). Anh khen giấy Mật hương của người Văn Lang bền dai, mực không lem, có mùi hương thoang thoảng, xuống nước không rã… (có giấy tức là đã có chữ viết, có ghi chép… cho dù còn sơ khai). Anh đến đất Văn Lang cướp của, giết người, hãm hiếp phụ nữ, đày đọa dân Việt… Nhưng anh lại ghi vào sử của anh: vua sai quan qua Giao Chỉ giáo hóa man di! Anh ăn gian, nói dối kéo dài nhiều ngàn năm… May sao, đã có đức Khổng Phu Tử làm chứng: đạo mà ngài ghi chép để dạy cho các anh là “đạo cổ của người quân tử ở phương Nam”. Có nghĩa là… chẳng những các anh đã không xóa được gì cả mà còn để lại trong lịch sử nước anh những vết bẩn muôn đời không bao giờ rửa sạch được nữa”!

     ** Xích Quỷ .- Bác sĩ Trần Đại Sĩ, trưởng ban Nghiên cứu Phối hợp Đông Tây y tại Pháp, sau chuyến công tác y học ở nam Trung Hoa 1980, đã viết trên “Việt Nam đệ ngũ thiên niên kỷ” xuất bản tại Mỹ năm 1994 như sau: Hiện nay ở tả ngạn sông Tương Giang, trong dãy núi Quế Dương có một ngọn núi cao 179m mang tên là Thiên Đài Sơn, đỉnh tròn, sườn núi thoai thoải, có đường đi lên. Trên đỉnh có một ngôi miếu hoang phế, rêu phong, không người ở. Có một tấm bia cổ khắc chuyện vua Đế Minh phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương và đặt tên nước là Xích Quỷ tại đấy.

     Ông cho biết, tại thư viện tỉnh Hồ Nam, ông được đọc một cuốn phổ viết từ thời nhà Đường do Chu Minh Văn biên soạn nói rõ chuyện vua Đế Minh truyền ngôi cho Lộc Tục làm vua nước Xích Quỷ trên Thiên Đài Sơn và chuyện các quan nhà Đường khi được sai sang cai trị Lĩnh Nam đã chung tiền xây ngôi miếu hoặc xuất tiền tu bổ ngôi miếu này. Mỗi lần như thế, họ tổ chức cúng tế linh đình để cầu xin Miêu vương Đế Minh phù hộ cho họ được bình an cai trị dân Miêu ở chín quận đô hộ.

     II/3B.- Nhất nguyên Lưỡng cực

     Danh xưng hai nước Xích Thần và Xích Quỷ mang dấu vết minh triết Đông Á: Nhất nguyên Lưỡng cực hoặc Nhất thể Lưỡng tính. Trong đại thể Miêu tộc (Người) luôn luôn có sự kết hợp bởi Thần và Quỷ. Hai cụm từ trên có nghĩa: Trong một Nguyên (Thể) luôn luôn có hai Cực (Tính): âm và dương, tình và lý, tinh thần và vật chất… Tỷ dụ: Người là kết hợp bởi Trời và Đất, âm và dương, thần và quỷ, tình và lý, nhu và cương, nóng và lạnh, đực và cái…

     Lời dặn dò của vua Đế Minh khi đặt tên hai nước và phong vương cho hai con: “Hai nước phải đoàn kết như keo sơn thì dòng giống mới bền vững được…

     Thật là thú vị khi hiểu được những tư tưởng ẩn dấu trong lời nói đó. Bởi vì đấy không phải là một lời khuyên đoàn kết bình thường như ta thường nghe mà đấy là lời minh xác một triết lý quan trọng: Người là kết hợp bởi Thần và Quỷ… sự kết hợp đó không thể chia cắt được, chia cắt là không thể tồn tại… đó là triết lý Nông nghiệp Miêu tộc cổ: Con Người phải duy trì Nhất nguyên Lưỡng cực thì mới có thái hòa trong cuộc sống của mình và xã hội..

     Vua Đế Minh khi đặt tên nước Xích Thần, Xích Quỷ và lời dặn dò đoàn kết là sống, chia rẽ là chết cho hai con, ngài đã an bài triết lý Nhất nguyên Lưỡng cực trong đời sống của hai xã hội mới. Và, lời căn dặn là một huấn lệnh triệt để: âm dương phải hòa hợp như keo sơn mới có thái hòa. Nói theo triết gia Lương Kim Định thì: nhu cầu thiết thực của con người phải đặt trên nền tảng Nhất thể Lưỡng tính tức là nhân bản toàn diện gồm hai lãnh vực tinh thần và vật chất luôn luôn kết hợp làm một.

     Khác với Tây phương ngày nay chỉ chọn một trong hai, có cái này thì không có cái kia hoặc ngược lại. Chẳng những thế, họ chú trọng quá nặng vào vật chất (Nhân bản suy lý) còn tinh thần thì lơ là, thả nổi có khi chối bỏ chà đạp. Triết gia Lương Kim Định gọi triết lý Tây phương là Nhị nguyên, hai Nguyên tách biệt, có cái này thì không thể có cái kia.

II/4.-GIẢ THUYẾT LỊCH SỬ VỀ CUỘC CHIẾN
TRANH HOA-VIỆT TẠI TRÁC LỘC, 2704 tr.CN

     Để quý độc giả có cái nhìn sinh động về xã hội Miêu tức Viêm Việt trong khoảng thời gian 20 năm kể từ năm 2720 đến năm 2700 tr.CN chúng tôi xin trình quý vị một tài liệu tạm gọi là giả thuyết lịch sử:
Chiến tranh Trác Lộc 2704 tr.CN.

     Giả thuyết dưới đây được tổng hợp từ các tài liệu đã được dẫn chứng trong sách này.

     II/4A .- Vị trí nước Xích Thần (Bắc Miêu) nằm vắt ngang sông Hoàng Hà trải dài xuống phía bắc châu thổ sông Dương Tử với hàng vạn bộ tộc nông nghiệp chuyên canh lúa nước, chăn nuôi gia súc như trâu, bò, lợn, chó, gà, vịt… trồng cây ăn trái, đánh bắt tôm, cá, mò nghêu, lượm sò… Xã hội Xích Thần theo truyền thống mẫu hệ, thanh bình, trù phú và hầu như chưa hề biết chiến tranh. Vị vua đương thời là Đế Lai, con Đế Nghi, cháu nội Đế Minh, thuộc dòng dõi Thần Nông Đế Viêm. Kinh đô nước Xích Thần đặt tại Sơn Đông tức là vùng đất thuộc chư hầu Lỗ sau này. Vào thời Chiến quốc đất này sẽ là nơi sinh của đức Khổng Tử. Quý độc giả đọc sách Đông Châu Liệt quốc chắc không quên nước Lỗ là một nước có truyền thống luân lý và đạo đức nổi tiếng thời cổ.

     Danh xưng vua của nước Xích Thần có ý nghĩa như đại tù trưởng, đại tiên chỉ. Sử gia Trung Hoa Tư Mã Thiên thì gọi vua nước Xích Thần là thiên Tử.

     Việt sử Tân Biên chép:

     “… Chúng tôi cả quyết như vậy bởi vì từ thời Hồng Bàng cho tới khi nhà Đông Hán sang lập nền đô hộ trên đất ta, thể chế chính trị Lạc Việt tuy có tính cách phong kiến nhưng sử sách không hề chép có sự lãnh đạm hay mâu thuẫn giữa quý tộc và bình dân vì vậy Đại Việt Sử Ký Tiền Biên (ngoại kỷ quyển 1 tờ 9b) đã có thể bình luận tình trạng Lạc Việt đời thượng cổ như sau”:

     “Nước Nam về thời Lạc Hồng vua dân cùng cầy, cha con cùng tắm, người và giống vật cùng ở nhà sàn. Ruộng Lạc điền theo nước triều lên xuống. Dân đời ấy cùng nhau vui vẻ chơi đùa ở trong cõi đất không rét không nóng. Người già rồi thì chết, người trẻ đến lúc già không biết gì đến việc đánh nhau. Có thể gọi là đời chí đức, gọi là nước cực lạc. Vua thì yên vui như tượng Phật. Dân thì vẽ mình làm ăn, không phiền nhiễu gì đến sưu thuế, không việc gì canh phòng. Vua dân thân nhau, dẫu vài nghìn năm cũng không thay đổi…”

     Xã hội Việt tộc cổ là như vậy, nếu so với uy quyền của các vua du mục Hoa tộc sau này thì khác hẳn, quyền hành của các vị vua phong kiến hay chuyên chế của truyền thống du mục vốn rất bạo ngược, thuế má, sưu dịch nặng nề, chiến tranh chiếm đoạt liên miên lúc nào cũng sẵn sàng xẫy ra…

     II/4B .- Khoảng năm 2.720 tr.CN, có nhiều hậu du mục Hoa tộc (mỗi hậu như một bộ lạc có từ một tới vài vạn người) với những đàn gia súc đông đảo từ vùng Tân Cương, Thanh Hải (đang bị sa mạc hóa)du cư về phía Đông Nam. Các sử gia Tây phương gọi dân du mục trên thế giới là Savage, Barbarian tức là Rợ, có nghĩa là thành phần dã man, mọi rợ, chưa khai hóa.

     Rợ Hoa tộc tấn công chiếm đoạt đất đai của nước Xích Thần, bắt dân Miêu Bắc làm nô lệ, cướp đoạt tài sản, hãm hiếp phụ nữ. Những toán kỵ binh và bộ binh hùng mạnh của họ xông vào các khu cư ngụ Miêu tộc như vào chỗ không người. Nhiều tù trưởng Miêu tộc quật cường tổ chức chống cự nhưng đều bị đánh bại. Trung Quốc Sử Cương viết về người Miêu:

     “Kẻ cường bạo hơn cả là Xi Vu (ám chỉ vua Đế Lai là kẻ xấu xí, khoác lác), thường nhiễu loạn các bộ lạc (Hoa tộc) khiến nhân dân không ở yên được”.

     Tuy nhiên trước những đoàn quân thiện chiến, những đội kỵ binh hung hãn của rợ Hoa tộc, các bộ tộc Bắc Miêu thuộc nước Xích Thần thua liên tiếp nhiều trận phải rút về phía Nam sông Hoàng Hà. Nhiều đoàn rợ Hoa tộc nhân đà thắng lợi, họ vượt sông Hoàng Hà đánh tràn xuống phía Nam. Thế nước Xích Thần mỗi ngày một trở nên nguy ngập.

     II/4C .- Để cứu nguy nước Xích Thần, vua Đế Lai đem công chúa Âu Cơ (một vị nữ tướng) về Nam, đến nước Xích Quỷ (Nam Miêu, Bách Việt) cầu viện binh đồng thời gả công chúa Âu Cơ cho vua Lạc Long Quân, con vua Kinh Dương Vương, cháu nội vua Đế Minh. Tổ chức xã hội Xích Quỷ giống xã hội Xích Thần, tuy nhiên đất nước Xích Quỷ thịnh vượng, dân cư đông đúc, giàu mạnh hơn. Lạc Long Quân họp dân quân 100 bộ tộc gọi là Liên Minh Xích Quỷ*, chia làm hai cánh, một cánh đặt dưới quyền chỉ huy của Long Quân, một cánh đặt dưới quyền chỉ huy của Công chúa Âu Cơ.

     * Chúng ta đã biết hai nước nông nghiệp Bắc Miêu và Nam Miêu thanh bình lâu đời, không có quân đội thường trực. Khi hữu sự, các vua Miêu tộc thường góp dân quân từ các bộ tộc. Cuộc góp quân 100 bộ tộc nước Xích Quỷ năm 2704 Tr. CN là một cuộc tập họp đại quy mô khiến du mục Hoa tộc rất lo sợ (con số 100 có ý nói rất nhiều bộ tộc có dạng như nói: trăm họ, muôn dân…).

     Quân Liên Minh Xích Quỷ theo vua Đế Lai tiến lên phía bắc họp với tàn quân Xích Thần lập thành một đạo binh rất lớn. Để chứng tỏ lòng quyết chiến, vua Đế Lai truyền ngôi cho Đế Du Võng rồi dẫn đại binh tiến lên sông Hoàng Hà (sử Tàu ngạo mạn gọi cựu vương Đế Lai là Cổ Thiên tử Xi Vu). Thấy quân binh Miêu tộc được tiếp viện từ phương Nam tiến lên “đông vô số”, những hậu du mục Hoa tộc ở phía nam sông Hoàng Hà vội vã rút lui. Họ lập phòng tuyến tại Trác Lộc, cách bờ bắc Hoàng Hà vài trăm dặm và cầu cứu các rợ du mục Hoa tộc khác.

     II/4D .- Hội nghị các thủ lĩnh du mục họp ở Tân Trịnh, họ công kênh thủ lĩnh Hiên Viên họ Hữu Hùng Thị, một hậu (bộ lạc) hùng mạnh nhất, lên làm cộng chủ các hậu Hoa tộc. Cộng chủ liền lãnh đạo quân các hậu kéo về Trác Lộc tổ chức ngăn chặn Liên Minh Xích Quỷ.

     II/4E .- Quân Liên minh Xích Quỷ sơn mặt đỏ, rất đông, có tài xử dụng búa. Nhân khi sương mù dày đặc, họ ào ạt tấn công vào phòng tuyến du mục Hoa tộc rất dữ. Quân du mục bị đánh bất ngờ, hốt hoảng, hàng ngũ rối loạn, thoát chạy.
Trong nhất thời quân du mục thua Liên minh Xích Quỷ, tuy nhiên nguyên lực quân sự của họ vẫn hùng mạnh. Chẳng bao lâu sau, cộng chủ Hiên Viên chế được “xa bàn” để định phương hướng, liền hội quân các hậu, tổ chức phản công. Quân du mục vốn là những đạo quân chuyên nghiệp, được trang bị xa mã và kỵ binh. Họ có tài xử dụng cung và trường thương. Bộ binh thì to lớn, mặc áo da và đánh cận chiến bằng giáo dài và mã tấu.

Hình 3

     Quân Liên Minh Xích Quỷ là những nông dân mới tập họp, ô hợp, thiếu kinh nghiệm và vũ khí chiến đấu. Sau trận đầu toàn thắng, trở nên khinh địch, lơ là việc phòng bị. Đến khi quân du mục Hoa tộc dùng xa bàn khống chế được sương mù và tấn công thì liên minh Xích Quỷ không chống nổi, hàng ngủ rối loạn, thua lớn. Vua Đế Lai lui quân về phía Đông, lập trại tại Bản Tuyền. Tại đây, hai bên lại đánh một trận lớn, quân Xích Quỷ lại bị thiềt hại nặng. Vua Đế Lai tử trận. Liên minh Xích Quỷ hoàn toàn tan vỡ.

     II/4F .- Lạc Long Quân dẫn tàn quân theo bờ bắc sông Hoàng Hà chạy ra hướng đông. Có lẽ nhà vua định lên cao nguyên Sơn Đông, kinh đô nước Xích Thần, nơi chưa bị xâm chiếm để cố thủ. Tuy nhiên quân Hoa tộc truy kích rất dữ, phải chạy ra biển Đông và mất tích*.

     Kể từ đấy, nước Xích Thần mất hẳn** vào tay du mục Hoa tộc.

     *Chạy ra biển Đông và mất tích :

     Theo cố học giả Bình Nguyên Lộc trong sách “Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam” (danh xưng Mã Lai xuất p[hát từ địa danh Hi-Malaya tức cao nguyên Hi Mã lạp sơn chứ không phải nước Mã Lai Á ngày nay) với những dẫn chứng rất đáng tin cậy thì đoàn quân của Lạc Long Quân đã tản mát ra khắp nơi ở Biển Đông: Đông-Bắc lục địa, kết hợp với dân địa phương lập ra nước Triều Tiên; phía Đông với giống Ai Nô lập nước Nhật, Đài Loan; Đông Nam họ lên quần đảo Célèbre ở Indonésia, đảo Hải Nam; phía Nam họ đổ bộ lên đồng bằng sông Cả và sông Mã với đồng chủng. Ông gọi sự kiện đạo binh Lạc Long Quân chạy ra biển đông là cuộc di dân đợt một của dân tộc Việt Nam, còn cuộc di dân đợt hai xẩy ra vào cuối Chu và Tần và Hán.

   ** Các Bộ tộc, Bộ lạc nước Xích Thần (bắc Miêu, Thần Nông bắc) sau khi bị Hoa tộc xâm lược đã chuyển đổi thành “hàng vạn” nước chư hầu và nước phụ dung của vua chúa du mục Hoa tộc. Họ dần dần trở thành người Trung Hoa gốc Miêu.
Cánh quân của công chúa Âu Cơ vượt sông Hoàng Hà chạy về phía nam. Bị quân Hiên Viên đuổi riết, bà lại vượt sông Dương Tử lui về vùng núi Ngũ Lĩnh trên Cánh Đồng Tương* quê hương chồng. Theo sách Lĩnh Nam Trích Quái của Trần Thế Pháp thì Âu Cơ và các con (các đơn vị dân quân trong Liên Minh Xích Quỷ) đã về đến Tương Dạ. Bà ở lại đấy có ý đợi tin tức Long Quân.

Hết Chương II A Xem Tiếp Chương II B 

Tìm Kiếm