GIẢI MÃ 6 NỤ CƯỜI CƠ BẢN CỦA CON NGƯỜI
Cười là một dạng ngôn ngữ khác với lời nói, một phương tiện để chúng ta bộc lộ ra những gì mà chúng ta “không nói ra bằng lời”. Nụ cười từ đó sẽ mở ra nhiều phạm vi giao tiếp rộng lớn.
Cười trước hết là một cơ chế được điều khiển từ não bộ. Theo các nhà khoa học, phản xạ này bắt đầu từ một kích thích ở phần trước của vùng hạ đồi (hypothalamus). Đây chính là một trung khu thần kinh cao cấp chi phối mọi hoạt động của hệ thần kinh tự chủ của cơ thể chúng ta. Từ đó, kích thích này lan ra như một làn sóng và truyền đi một luồng thần kinh đến hệ thống rìa, một trung khu cảm xúc của não. Từ đó, tín hiệu sẽ được phát ra: trương lực cơ sẽ giãn, các biểu lộ cảm xúc thoả mãn sẽ xuất hiện ở vùng mặt. Ngược lại, một kích thích ở phần sau của vùng hạ đồi sẽ kéo theo các phản ứng bất mãn.
Mặt khác, để con người chúng ta có thể “nở” được một nụ cười đơn giản nhất, ít nhất phải có 15 bộ phận cơ hoạt động đồng loạt. Mười lăm bộ phận cơ chỉ để khởi phát một “cử động nhẹ của mắt và môi”, theo như những định nghĩa khá đơn giản mà chúng ta đọc được trong các quyển tự điển. Nhưng không chỉ có vậy, mỗi một kiểu cười đều có liên quan đến những bộ phận cơ khác nhau, nhằm tạo ra những nét riêng biệt của từng kiểu cười. Khi chúng ta cười vì lịch sự, đó chỉ là một “động tác” đơn giản của đôi môi và sự co giãn của bộ phận cơ gò má lớn. Trong khi đó, một tràng cười rạng rỡ khi quá vui mừng sẽ khiến cơ thể phải “huy động” hệ cơ của vành mí mắt. Bộ phận cơ này sẽ được kích hoạt một cách tự động khi chúng ta có được những cảm giác khoan khoái dễ chịu. Do đó, không thể nào nhầm lẫn được giữa một nụ cười ngượng nghịu và một nụ cười hạnh phúc.
Vậy thì, trong cuộc sống sinh hoạt giao tiếp, mỗi ngày chúng ta cười bao nhiêu lần? Không thể nói được, bởi điều này phụ thuộc vào mỗi cá tính và từng hoàn cảnh. Nụ cười khi đó sẽ giúp bộc lộ ra những trạng thái tình cảm mà con người chúng ta đang có lúc đó. Thực tế, chúng ta không chỉ mỉm cười vì hài lòng mà còn vì nhiều nguyên nhân tâm lý và tình cảm phức tạp khác. Thêm nữa, một câu hỏi được đặt ra là con người biết cười từ khi nào? Lúc mới sinh? Không phải vậy. Ở trẻ em, nụ cười xuất hiện vào lúc bé được khoảng đầy tháng, hoặc muộn nhất là khi bé được 3 tháng tuổi. Bé sẽ mỉm cười khi bắt gặp một khuôn mặt quen thuộc, khi được nghe một âm thanh êm tai và nhất là sau khi được ăn no. Về sau, qua quá trình học hỏi, mỗi cá thể sẽ có được những nụ cười khác nhau biểu thị nhiều ý nghĩa của nó. Nhà tâm lý học Paul Ekman đã liệt kê ra 19 kiểu cười khác nhau, trong đó có những kiểu cười mang dấu ấn của sự sợ hãi, những nụ cười của sự khinh thường hoặc những kiểu cười nhếch mép, mỉa mai và những nụ cười gượng.
Nói tóm lại, cười là một dạng ngôn ngữ khác với lời nói, một phương tiện để chúng ta bộc lộ ra những gì mà chúng ta “không nói ra bằng lời”. Nụ cười từ đó sẽ mở ra nhiều phạm vi giao tiếp rộng lớn. Dưới đây xin giải mã 6 nụ cười được xem là cơ bản của con người.
Cười chào đón – Đây là một nụ cười “Tiếp thị”
Nụ cười chào đón hay nụ cười lịch sự mang một tính chất vừa gần gũi vừa tạo khoảng cách. Khi bắt gặp nụ cười này, tự nhiên chúng ta sẽ cảm thấy vui sướng và tin cậy, ngay cả khi người đối thoại không có quan hệ thân hữu gì với chúng ta. Alexandra, 36 tuổi kể lại: “Tôi luôn nhớ đến nụ cười của cô bán bánh mì ở cửa tiệm, khi thỉnh thoảng tôi ghé qua mua một ổ. Nụ cười đó luôn làm tôi vui và muốn ghé lại mua”. Tính chất của nụ cười này là không cần biết chúng ta là ai, nhưng lại “đánh” vào phần tình cảm tổng quát trong con người chúng ta. “Một nụ cười thành tâm sẽ khơi dậy trong chúng ta một phản xạ bẩm sinh rất nhạy cảm, hướng chúng ta đến điều thiện”, đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh như vậy trong quyển Sagesse ancienne et monde moderne.
Cười đồng thuận – Đây là nụ cười “Lôi kéo”
Nụ cười đồng thuận diễn tả đối tượng cũng thuộc về một vấn đề hay một hoàn cảnh chung giống như chúng ta. Nụ cười này biểu lộ một sự đồng thanh nhất trí với một vài cá nhân nào đó mà chúng ta chọn. Nhiếp ảnh gia người Đài Loan Steven, 25 tuổi giải thích: “Tôi luôn thích chộp lấy những khoảnh khắc cao trào của những ánh mắt và những nụ cười đồng thuận, cho dù đó là biểu hiện của những người mà tôi tình cờ bắt gặp ngoài đường phố”. Những nụ cười mà Steven đã góp nhặt được là những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những chuyến đi săn ảnh của mình.
Cười quyến rũ – Đây là một nụ cười “cưa cẩm”
Chuyên gia người Đức về tập tính học Irenaus Eibl-Eibsfeldt đã chứng minh rằng nụ cười luôn hiện diện trong phần lớn các cách thức quyến rũ của loài người trên toàn thế giới. Tại Pháp, phụ nữ đánh giá cao nhất một người nam luôn có những nụ cười vui vẻ (37%), trước cả sức quyến rũ của ánh mắt (13%). Nụ cười đó vừa mang tính bảo đảm vừa mang tính bảo vệ. Claire, chuyên viên nghiên cứu tranh ảnh 38 tuổi đã đính hôn, kể lại: “Đôi lúc, khi không biết làm gì để tôi hài lòng thì anh ấy liền nở một nụ cười dịu dàng và khá ranh mãnh. Tôi liền cảm thấy bị xiêu lòng và hoàn toàn tin tưởng”.
Cười phòng thủ – Đây là một nụ cười “Tự vệ”
Khi tình cờ phải đối diện với một người mà chúng ta không quen biết, vũ khí đầu tiên mà chúng ta sẽ sử dụng đến không gì khác hơn là một nụ cười. Đây là một “con chủ bài” được tung ra nhằm vô hiệu hoá đối phương, làm triệt tiêu đi những xung động tấn công mà người đối diện có thể có khi chúng ta nhìn họ. Đây được xem là một dấu hiệu hoà bình mà chúng ta chia sẻ với tất cả mọi nền văn minh trên thế giới. Như Emmanuelle, 25 tuổi, thú nhận: “Khi tôi bước vào một căn phòng mà trong đó tôi không quen với một người nào cả, tự nhiên tôi mỉm cười như để tự trấn an mình”.
Cười táo bạo – Đây là một nụ cười “Củng cố niềm tin”
Việc học được cách nở một nụ cười nhằm giữ cho chúng ta luôn có những thái độ và dáng vẻ tích cực là bước đầu đưa chúng ta đến những thành công trong cuộc sống. Bác sĩ tim mạch Elisabeth, 48 tuổi, thổ lộ: “Tôi luôn phải tập cười và tập nói trước đám đông. Điều đó sẽ khiến tôi có thêm nhiều tự tin”. Một nụ cười như vậy sẽ giúp chúng ta kiểm soát được mình tốt hơn khi bị stress, giúp chúng ta đối diện tốt hơn với những thay đổi trong cuộc sống, để chúng ta có được một thái độ bình an và thanh thản hơn. Ludovic, 27 tuổi, cho biết: “Có lần tôi băn khoăn không biết làm cách nào để có thể xin ông giám đốc cho tôi nghỉ việc một tháng không hưởng lương. Cuối cùng, tôi đã quyết định đi gặp giám đốc trước hết với một nụ cười. Và mọi việc đã diễn ra suôn sẻ”. Một nụ cười như vậy đã giúp tạo ra thêm được một nụ cười khác…
Cười gượng – Đây là một nụ cười “Phạt”
Không chỉ luôn dùng để chỉ sự thoả mãn, một nụ cười gượng vẫn có thể nở trên môi chúng ta khi chúng ta vừa mới phạm phải một hành động vụng về nào đó hoặc khi chúng ta thẹn thùng, xấu hổ hoặc biểu thị một tâm lý rối loạn. Chuyên gia tâm lý liệu pháp Catherine Aimelet-Perissol giải thích: “Một nụ cười ngao ngán cho thấy khi đó chúng ta muốn chế ngự cảm xúc của mình chứ không muốn chịu đựng nó”. Vì vậy, nếu như cười là để tìm thấy một sức mạnh trong các mối quan hệ, thì nụ cười cũng diễn tả được những tình cảm… mềm yếu của chúng ta.
Theo SÀI GÒN TIẾP THỊ
[Lãnh Vực]