Giải Nobel Hóa học 2016 vinh danh những “cỗ máy siêu nhỏ”
TTO – Giải Nobel Hóa học 2016 vừa được quyết định trao cho bộ ba nhà khoa học Pháp, Anh và Hà Lan trong việc nối các phân tử lại với nhau để thiết kế nên mọi thứ từ những động cơ và cơ bắp tí hon.
Chân dung ba nhà khoa học vừa được trao giải Nobel Hóa học 2016 – Ảnh: NobelPrize.org |
Theo thông tin vừa mới công bố, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tại Stockholm đã chọn lựa người thắng giải Nobel Hóa học 2016 là bộ ba nhà khoa học Jean-Pierre Sauvage, Sir J. Fraser Stoddart và Bernard L. Feringa. Công trình của họ được vinh danh là “thiết kế và tổng hợp các cỗ máy phân tử (hay còn gọi là cỗ máy nano)”.
Từ những nghiên cứu của họ đã phát triển những cỗ máy nhỏ nhất thế giới. Nó cho thấy con người có thể tạo ra những cỗ máy nhỏ chỉ bằng 1/1.000 một sợi tóc.
Bộ ba nhà khoa học này đã thành công trong việc nối các phân tử lại với nhau để thiết kế nên một chiếc máy nâng và các động cơ tí hon cùng với các cơ bắp cực nhỏ.
“Họ đã làm chủ được việc kiểm soát chuyển động ở kích thước phân tử”, ông Olof Ramstrom – thành viên Ủy ban Nobel – nhận xét khi công bố những người đoạt giải.
Thân thiết như gia đình
Khi hay tin, Ngài Stoddart nói về các đồng nghiệp cùng đoạt giải Nobel với mình: “Chúng tôi không chỉ là một gia đình khoa học mà gần như đã trở thành một gia đình thực thụ; chúng tôi rất gần gũi nhau”.
“Tôi không biết nói gì nữa, tôi hoàn toàn kinh ngạc. Và nhận định thứ hai của tôi là: ‘Tôi cũng có chút xúc động về giải thưởng này'”, Giáo sư Feringa phản ứng hóm hỉnh trước tin mình vừa được vinh danh với giải Nobel Hóa học 2016.
Vào năm 1983, ông Jean-Pierre Sauvage đã tạo nên một bước đột phá khi sử dụng i-ôn đồng để khóa các phân tử lại với nhau bằng liên kết vật lý.
Năm 2016, nhà nghiên cứu Fraser Stoddart đã vận dụng kết quả nghiên cứu trên của Jean-Pierre Sauvage để làm ra một chiếc xe phân tử (molecular shuttle) có khả năng di chuyển trên một trục phân tử theo cách có kiểm soát.
“Về mức độ phát triển, động cơ phân tử đang ở cùng giai đoạn phát triển với động cơ điện vào những năm 1830, khi các nhà khoa học trưng bày vô số mẫu tay quay và bánh xe khác nhau mà không hay biết một ngày chúng sẽ dẫn đến sự ra đời của tàu điện, máy giặt, quạt máy, và những chiếc máy xử lý thức ăn” |
Ủy ban Nobel Hóa học của Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển nhận xét |
Nhóm nghiên cứu của Stoddart đã từ đó dựng nên được các cỗ máy phân tử. Ví dụ như một cái máy nâng có khả năng tự nâng nó lên khỏi một bề mặt bất kỳ 0,7 nano mét.
Ông Jean-Pierre Sauvage đã khâu nối 2 vòng phân tử lại với nhau, tạo cho cấu trúc này có khả năng co dãn.
Còn ông Ben Feringa đã chế tạo ra những động cơ phân tử đầu tiên vào năm 1999. Khi đã cùng các cộng sự chế tạo thành công cỗ máy phân tử đầu tiên, Feringa nói rằng lúc bấy giờ ông vẫn chưa thể tin là cỗ máy đã hoạt động.
Vào năm 2011, nhóm nghiên cứu của Feringa đã chế tạo thành công một chiếc xe hơi nano bốn bánh.
Nhà khoa học Hà Lan Feringa với niềm đam mê Hóa học đã đưa ông vào con đường nghiên cứu thế giới phân tử siêu nhỏ – Ảnh: NobelPrize.org |
Ông Jean-Pierre Sauvage sinh năm 1944 ở Paris, Pháp. Ông hiện là giáo sư danh dự của ĐH Strasbourg (Pháp) và là Giám đốc nghiên cứu danh dự của Trung tâm quốc gia Nghiên cứu Khoa học (CNRS) của Pháp. Ông lớn lên ở một trang trại tại Pháp và từ nhỏ đã bị hút vào Hóa học bởi những cơ hội sáng tạo bất tận trong lĩnh vực này.
Ngài Fraser Stoddart sinh năm 1942 ở Edinburgh, Vương quốc Anh. Ngài hiện thỉnh giảng tại ĐH Northwestern của Mỹ.
Ông Bernard L. Feringa sinh năm 1951 ở Barger-Compascuum, Hà Lan. Ông hiện là giáo sư ngành Hóa hữu cơ tại ĐH Groningen, Hà Lan