Giải Nobel văn chương 2015 tôn vinh nhà văn Belarus

Cái Bạt Tai nảy lửa vào chế độ Cộng Sản

TTO – Vào lúc 18g (giờ Việt Nam) ngày 8-10, tại Viện hàn lâm khoa học Thụy Điển, nhà văn Belarus Svetlana Alexievich đã được xướng tên ở hạng mục giải thưởng Nobel văn chương 2015.

 INK.450
Nữ nhà văn Belarus Svetlana Alexievich – Ảnh: Wikipedia

Thông cáo về giải thưởng Nobel văn chương năm nay mở đầu ngắn gọn: Giải thưởng Nobel văn chương năm 2015 được trao cho nhà văn Belarus Svetlana Alexievich vì những tác phẩm đa giọng điệu, một biểu tượng mẫu mực về sức chịu đựng và lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta.

Nhà văn kiêm nhà báo điều tra người Belarus Svetlana Alexievich là người được công chúng ca ngợi vì những tác phẩm mang tính tư liệu hình thành từ chất liệu có được trong các cuộc phỏng vấn của bà. Trong đó có những cuốn nổi tiếng như “War’s Unwomanly Face” (Chiến tranh không mang gương mặt phụ nữ) và “Zinky Boys” (Những cậu bé Zinky).

Trong phần trả lời báo chí ngay sau lễ công bố tên nhà văn đoạt giải Nobel văn chương 2015, thư ký Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển Sara Danius đã bày tỏ ấn tượng đặc biệt về các tác phẩm được viết từ trải nghiệm sâu sắc của nữ nhà văn, những trang viết mà theo bà Sara, đã được dệt nên từ chất liệu của “hàng ngàn, hàng ngàn cuộc phỏng vấn” với những người trong cuộc.

Tác phẩm của nữ nhà văn Belarus khắc họa đời sống và cuộc chiến tranh tại Liên bang Xô Viết (cũ) và giai đoạn hậu Xô Viết. Tên tuổi bà Svetlana Alexievich ngày càng gây được ấn tượng đậm nét và trong dư luận trước lễ trao giải, báo Wall Street Journal đã dự đoán bà là ứng cử viên số 1 của giải Nobel văn chương năm nay.

Và như vậy, nữ nhà văn Svetlana Alexievich đã trở thành nhà văn thứ 108 được trao giải thưởng Nobel văn chương của Viện hàn lâm Khoa học Thụy Điển.

Các đề cử cũng như những quan điểm đánh giá ở dạng văn bản của các thành viên trong Ủy ban xét giải thưởng Nobel văn chương hàng năm sẽ được giữ bí mật trong 50 năm.

 

 

Hàn Lâm Viện Thụy Điển ‘bạt tai’ các chế độ độc tài 
Việt Nguyên

INK.451

Nữ văn sĩ Svetlana Alexievich. (Hình: Getty Images)

Tiếng nói của người dân được nhà văn Svetlana Alexievich ghi nhận trong những tác phẩm của bà. Nhà văn nữ lần thứ 14 trong lịch sử văn chương Nobel thế giới đã lắng nghe, đi tìm hiểu, hỏi và ghi nhận những tâm tình của người dân trong xã hội Cộng Sản Xô Viết và viết lại không phải như ký giả mà là nhà văn với tất cả tấm lòng của bà và tâm hồn người được phỏng vấn. Có những đối thoại hay độc thoại trong những cuốn sách của bà đầy triết lý trong cuộc đời những người dân bị áp bức. Những ghi nhận trung thực ấy đã được ủy ban văn chương Nobel Thụy Điển công nhận.

Tổng Thư Ký Hàn Lâm Viện Thụy Điển Sara Darius ca ngợi bà Svetlana Alexievich đã tạo ra một nền văn học mới, văn học lịch sử của xúc động và lịch sử của tâm hồn. Nữ văn sĩ Alexievich là người đầu tiên đoạt giải Nobel văn chương dựa trên phỏng vấn nhân vật và các nhân vật có thật nhưng được giữ kín tên tuổi.

Một đoạn trong “Những tiếng nói từ Chernobyl” đã cho thấy tài tả chân của bà văn sĩ từ tiếng nói cô độc nhân bản của một bà vợ, tiếng nói về sự sống, cái chết và tình yêu trong một khung cảnh ở Chernobyl sau vụ nổ lò nguyên tử gây tai nạn tử thương trong đó nạn nhân nghĩ là bị trúng độc vì hơi ngạt, bác sĩ nói láo, không nói về tia phóng xạ: “Chồng tôi đẹp trai quá (vài ngày trước khi chết). Nhưng khi chết thì được mặc đồng phục với mũ, nhưng người ta không mang giày cho anh được vì chân phù. Thân thể anh đã rã, xương lung lay và rơi lòng thòng. Mấy miếng phổi và gan ói lên miệng làm nghẹt những cơ quan nội tạng. Thân thể phù lớn nên người ta chôn anh chân không.” (lời tường thuật của bà Lyndmil Quatenko, vợ một lính cứu hỏa).

Lên tiếng thay cho những người dân thấp cổ bé miệng, nữ văn sĩ Svetlana Alexievich năm nay 67 tuổi, cũng là một người đàn bà chỉ cao khoảng 1m 50. Những tác phẩm của bà nhắm đến những khủng hoảng lịch sử của Đế Quốc Xô Viết từ thương dân, binh sĩ, phụ nữ trong Thế Chiến Thứ Hai, chiến tranh của Xô Viết ở A Phú Hãn, thảm cảnh nguyên tử Chernobyl cho đến sự sụp đổ của Xô Viết. Bà đã nhận được nhiều giải thưởng văn chương quốc tế giá trị trước giải Nobel như giải National book Critics, giải Hòa Bình 2013 của Đức, giải tiểu luận Medicis của Pháp.

Sanh ra đời ba năm sau khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc ở Ukraine, nhưng lớn lên ở Belarus, một quốc gia thuộc Xô Viết, có chế độ độc tài từ chính trị đến kinh tế dưới quyền cai trị của Tổng Thống Alexander Lukashenko từ 1994 (ông này vừa tái đắc cử năm nay).

Sống dưới chế độ Cộng Sản, bà đã nổi tiếng với những cuốn sách đã bị cấm cho đến khi “Đổi mới” của Tổng Bí Thư Gorbachev. Cuốn sách bìa cứng “Chiến tranh không bộ mặt phụ nữ,” trên thị trường Amazon giá 2,264 Mỹ Kim, cuốn sách này ấn bản năm 1984 ở Moscow với nhân vật chính là một phụ nữ sống sót sau chiến tranh.

Bà cũng như người kể trong các chuyện “đa số là phụ nữ vì phụ nữ trong làng tụ họp nói chuyện, kể chuyện chiến tranh, còn đàn ông hầu hết chết vì đi trận, số còn lại thì tối ngày say rượu.” Đàn bà kể chuyện vì “đàn bà sống với tình cảm.” Cuốn sách “Chiến tranh không bộ mặt phụ nữ” là độc thoại của một phụ nữ sống sót sau chiến tranh, đã phá huyền thoại từ tuyên truyền của chính quyến Xô Viết luôn luôn “vinh quang chiến thắng,” những lời tuyên truyền viết bởi các bồi bút của đảng ca ngợi quân đội bách chiến bách thắng.

Khi Tổng Bí Thư Gorbachev lên cầm quyền, ông đã dùng tựa cuốn sách trong diễn văn “Đổi mới” của ông, một rạng đông của sự cởi mở cho giới trí thức và nền văn học Nga. Cuốn sách bán trên 2 triệu cuốn đoạt giải Lenin Komsomol.

Cuốn tiếp theo là “Nhân chứng cuối cùng” xuất bản năm 1985. Cuốn sách đặt ra nhiều câu hỏi dẫn đến chiến tranh A Phú Hãn. Cuốn “Những thanh niên trong quan tài kẽm (Boys of zinc) là tiếng nói kể lại của những người lính, mẹ và quả phụ của binh lính Xô Viết tử trận ở A Phú Hãn được đưa về trong những hòm kẽm đóng kín trong năm 1989, năm Xô Viết rút quân về. Lính Nga sợ hãi, mất tinh thần, hoang mang, nghèo đói, những người lính trẻ có bộ mặt con người, không phải là những người lính được đảng Cộng Sản đánh bóng bằng huyền thoại. Chính quyền Xô Viết kiện bà về tội mạ lị nhưng bà thắng kiện trong năm 1991 khi Xô Viết sụp đổ. Huyền thoại con người Xô Viết, những con người “đỏ” “hồng chuyên” được tạo ra từ “Chiến tranh yêu nước vĩ đại” với Đức đã biến mất, con người “đỏ thắm Cộng Sản” tiêu với sự sụp đổ của chế độ Xô Viết.

Cuốn sách thứ tư là “những tiếng nói từ Chernobyl” xuất bản năm 1997, được xem là cuốn sách thảm thiết nhất của những nạn nhân vì tia phóng xạ. Cuốn sách thứ năm của bà là “thời đại xưa” với đa số giọng đàn bà, ít giọng đàn ông, nói về thời kỳ Xô Viết đánh mất ý thức hệ, sau trận chiến chủng tộc Xô Viết, về quần đảo ngục tù Gulag và những mặt trái của Xô Viết. Xã hội Xô Viết (giống như xã hội Cộng Sản Việt Nam sau chiến tranh) với thế hệ đàn ông Xô Viết chỉ biết nói về họ, nghĩ về họ, về cuộc đời sau chiến tranh và trong chiến tranh, họ không có một đời sống riêng, họ chỉ có đời phục vụ cho đảng.

Thời kỳ “Đổi mới” của Gorbachev là thời kỳ hạnh phúc cho dân Nga, dân chúng Nga được dịp thay đổi, được nghĩ về quá khứ và tương lai, họ trở thành những con người mới không còn là những người máy “xã hội chủ nghĩa”

Vụ nổ cháy lò nguyên tử Chernobyl xảy ra ngày 26 tháng 4 năm 1986 vào lúc 1 giờ 23 phút 58 giây sáng. Chernobyl ở vùng nam Belarus. Trong các nước thuộc liên bang Xô Viết Belarus bị thiệt hại nặng nhất, 485 làng bị tiêu hủy, dân bị di tản, thảm họa cho quốc gia có 10 triệu dân và là thảm họa lớn nhất của thế kỷ thứ hai mươi. Ngày đầu tiên sau vụ nổ chỉ có một công nhân thiệt mạng nhưng sau đó hơn 10,000 người bị nhiễm phóng xạ. Hiện nay một phần năm dân số Belarus sống trong vùng ô nhiễm phóng xạ (2 triệu 100 ngàn dân trong đó có 700,000 trẻ em).

Vụ nổ này đã gây ra tiếng vang trên khắp thế giới và cho thấy cách hành xử của chính quyền Cộng Sản Belarus cũng như chính quyền Xô Viết. Bản chất các chế độ Cộng Sản giống nhau, 19 năm sau, ngày 12 tháng 8 năm 2015, vụ nổ ở Thiên Tân Trung Hoa với khí độc hóa học Cyanate cho thấy bản chất Cộng Sản không thay đổi trước gánh nạn của dân, một văn hóa chung: Độc tài, lười biếng, dửng dưng với nỗi khổ của dân chúng, bất lực và nói láo.

Chính quyền Xô Viết vào tháng 4 năm 1986 chỉ nói cho dân chúng về hơi độc mà không hề nói đến thảm họa nguyên tử. Dân chúng trong vùng đã so sánh vụ nổ nguyên tử với chiến tranh năm 1941, Nga đánh với Đức trong trận Welrmacht, đưa quân và dân đi đánh giặc mà không chuẩn bị đối đầu với sự nguy hiểm trước mắt. Chính quyền nói láo, bác sĩ nói láo trước những triệu chứng rành rành về phóng xạ nguyên tử: Da nhiễm độc, lở lói, đầy mụt nhọt, đi tiêu chảy máu một ngày 25 đến 30 lần. Trẻ em chết vì xơ gan, bệnh tim và đường tiêu hóa.

Belarus như bãi chiến trường, dân di tản, làng xóm bỏ không, làng bị đốt cháy, “mỗi người có một định mệnh, tất cả chúng tôi trở thành thú vật, không có công lý.” Một sĩ quan có nhiệm vụ di tản dân đã nhìn làng mạc trơ trụi, trong khi đó biểu ngữ vẫn còn: “Mục đích của đảng là đem lại hạnh phúc cho nhân dân,” “tư tưởng Lê Nin bất diệt.” Hình và tượng các lãnh tụ như Lê Nin vẫn đứng trong khung cảnh tang thương. Người lính đã cảnh tỉnh nhờ cảnh tàn phá vùng Chernobyl: “Phải mất đến ba năm, tôi trả lại thẻ đảng, trả lại cuốn sách Hồng, nhờ Chernobyl cháy nổ mà tôi đã được giải phóng!”

Dân vùng Chernobyl đối diện với cái chết, họ trở thành triết gia qua những cuộc độc thoại được nữ sĩ Alexievich ghi lại: “Chết, tôi không sợ chết nhưng tôi không biết tôi sẽ chết như thế nào. Bạn tôi đã chết, người phình lên lớn như thùng chứa nước, da đen như than. Tôi đã chiến đấu ở A Phủ Hãn, cái chết đến dễ dàng, họ chỉ cần bắn vào đầu tôi.”

Cái chết vì phóng xạ như những người dân vùng Chernobyl là cái chết đáng sợ nhất: “Những đốm đen nổi lên trên người anh ta, cái cằm rớt mất ở nơi nào, cổ biến mất, lưỡi rớt ra ngoài, gân cổ nổi lên, máu chảy ra từ cổ.”

Cái chết và thảm họa Chernobyl đã xảy ra và dân Chernobyl nhìn cuộc đời như một cuộc tận thế với cặp mắt triết lý: “Chernobyl đã xảy ra để chúng tôi trở thành triết gia.” Những người đã chứng kiến cảnh tàn phá trở về và tự suy nghĩ: “điều gì tốt hơn: nhớ hay quên?”

Chính quyền Cộng Sản di tản dân một cách vô nhân đạo: “Giống như năm 1937, năm Đại Khủng Bố của Stalin, lính đến bắt dân đi, dựng họ dậy trong khi ngủ trên giường, bắt đi mà không biết đi đâu.” Ngôn ngữ trong cảnh di tản cũng là một ngôn ngữ thời Stalin, đổ thừa cho “tay chân bọn mật vụ Tây phương,” “kẻ thù của xã hội chủ nghĩa” với những chiêu bài” chúng tôi tạo thiên đàng trần gian trên trái đất cho các anh. Hãy ở lại và tiếp tục làm việc.” Hô hào ở lại làm việc trong chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa: “Chủ tịch nông trường cần hai chiếc xe hơi để chở gia đình, quần áo và đồ đạc trong nhà trong khi dân chúng không có một chiếc xe để chở con đi!”

Giống như trong thời kỳ chiến tranh và thời kỳ xét lại, một bí thư đảng đã phản tỉnh. Vladimir Ivanov, bí thư thứ nhất ủy ban vùng, đã hối hận: “Tôi là sản phẩm của thời đại. Tôi tin vào Cộng Sản và bây giờ thấy rõ tất cả bọn Cộng Sản là tội phạm.” Vụ nổ Chernobyl là do lỗi của đảng Cộng Sản: “Họ đã xây lò nguyên tử rẻ tiền, họ nghèo nên muốn tiết kiệm nên không cần biết đến sinh mạng của dân. Dân đối với họ cũng giống như cát và phân bón của lịch sử.” “Đảng Cộng Sản đã giấu giếm, nói láo, nhưng thế giới đã xây trên nền tảng vật lý chứ không phải trên ý thức hệ Marx.”

Với giải văn chương Nobel, bà Svetlana Alexievich đã đi vào nền văn học Nga, một nền văn học vĩ đại với các nhà văn hào Leo Tolstoy, Dostoyevsky. Chính quyền Nga và các chính quyền Cộng Sản đã phản đối ủy ban văn chương Hàn Lâm Viện Thụy Điển với lý do Viện Hàn Lâm này luôn luôn đứng bên cạnh các nhà văn chống chính quyền Xô Viết: Năm 1933 với Ivan Bunin, năm 1958 với nhà văn và thi sĩ Boris Pasternak với đại tác phẩm đầy tính thơ Doctor Zhivago, năm 1970 với Alexander Solzhenitsyn với “quần đảo ngục tù” xuất bản tại các xứ Tây phương năm 1973, sau đó Solzhenitsyn bị trục xuất và trở về nước sau Cộng Sản và năm 1987 giải về tay thi sĩ Joseph Brodsky. Với bà Alexievich, giải văn chương Nobel đánh dấu từng giai đoạn của nước Nga từ thời Stalin đến “đổi mới.” Nhưng riêng với bà Alexievich, giải Nobel văn chương cho thấy rõ tính cách chính trị. Bà là người chống chế độ độc tài Cộng Sản, đi khỏi Belarus, sống lưu vong ở các nước Tây Âu: Ý, Đức, Pháp, Thụy Điển, nhìn thấy thế giới đầy màu sắc, đầy khía cạnh, nhưng rồi cảm thấy cô đơn, trở về lại Belarus. Là văn sĩ bà cảm thấy ngòi bút cũng là một phương tiện tranh đấu cho nhân quyền, bà đồng sáng lập nhóm nhân quyền Helsinski XXI.

Trao giải Nobel văn chương cho bà Svetlana Alexievich, Ủy Ban Hàn Lâm Viện Thụy Điển đã “bạt tai” các chế độ độc tài trên thế giới!

Tìm Kiếm