GIÓ MÙA ĐÔNG BẮC (Chương 12)

Chương 12

Gặp lại Nàng Thơ

Triệu được chỉ thị cần phải tìm cách phối hợp hoạt động với các thanh niên, học sinh gốc Trung Hoa ở Chợ Lớn. Thủ đô Sài Gòn bao gồm cả Chợ Lớn, một trung tâm kinh tế phồn thịnh với diện tích và dân số kể như phân nửa của Thủ đô. Không thể nào chấp nhận để Chợ Lớn như thành phần tách riêng, không tham gia cuộc tranh đấu chống Pháp.

Phần lớn người Trung Hoa lớp lớn tuổi ở Chợ Lớn đều tham gia vào các hoạt động kinh tế. Họ chỉ cầu mong được yên ổn để việc kinh doanh được dễ dàng. Tình hình bất an ninh ở vùng Lục Tỉnh đã gây tình trạng có khi rất bất lợi cho công việc làm ăn, tiếp tế thương mại. Hoạt động lôi kéo những thành phần này là một việc khó khăn, phức tạp. Nhiều bộ phận đặc biệt đã được thành lập để phụ trách việc này. Riêng về giới thanh niên thì triển vọng lôi kéo họ tham gia cuộc chiến có chiều hướng thuận lợi hơn, vì thanh niên lúc nào, thời nào cũng là phần tử mang nhiều lý tưởng trong tâm tư.

Tình cờ được chỉ định một công tác mới như thế đã khiến Triệu tự hỏi vì sao lại có việc xui khiến như vậy: Kể từ khi trường Petrus Ký phải đóng cửa vì thời cuộc xáo trộn, Triệu đã có bao nhiêu lần hồi tưởng đến mái trường xưa, bè bạn cũ. Trong ký ức, Triệu đã bao phen nhớ lại những buổi sáng, lúc còn ở nội trú, thường hay đứng ở bao lơn tầng lầu nhất, nhìn các học sinh ngoại trú tuần tự xếp hàng dẫn xe đạp vào sau sân trường. Ðó là những lúc Triệu đón chờ bóng dáng Lý đem cất xe đạp trước khi lên lớp học. Ðón chờ cô bạn đã một lần nhảy múa, đóng vai Nàng Thơ với Triệu trong vở kịch câm “Nàng Thơ và Thi sĩ” trong Dạ hội Lễ Tiễn Ông Táo một đêm nào, đã là một thông lệ trong hai năm học cuối cùng của Triệu ở Petrus Ký. Lý dáng người nho nhỏ, đầu đội chiếc nón vải trắng nhỏ vành, tóc kẹp đuôi gà dài chưa đến nửa lưng, thường hay dùng tay mặt dẫn xe, tay trái áp vào má có lúm đồng tiền đã khiến “thi sĩ” Triệu liên nghĩ đến bốn câu thơ:

“Trên sân thoăn thoắt bước mơ tiên
Áp má tay che nửa mặt hiền
Trời lạnh gì đâu? Tôi vẫn biết:
Người làm thêm dáng để thêm duyên!”

Sau những ngày ly loạn, trường Petrus Ký đã mở trở lại ở vị trí gốc trước kia ở đường Nancy nhưng hai ban Cổ Ðiển : Metro, La tinh ngữ và E.O, (Extrême Orient) Hán ngữ nay đã phải xóa bỏ, có thể vì thiếu giáo sư (?). Trong thời gian các trường Trung học ở Sài Gòn bị đóng cửa, Duy Thảo vẫn có cơ hội liên lạc được bằng thơ từ với Lý vì hai người là bạn thân mặc dầu học ở hai trường khác nhau. Duy Thảo học ở Nữ Học Ðường. Lý tuy học Petrus Ký nhưng lại được nội trú ở trường của Duy Thảo. Vì thế, xuyên qua Duy Thảo, Triệu vẫn biết được tin tức của Lý. Lý lúc trước theo học ban E.O với giáo sư Hán văn Phạm Thiều, nay đã tiếp tục học Trung học ở trường Trung Hoa “Nghĩa An Học Hiệu” ở Chợ Lớn.

Muốn bắt liên lạc được với giới thanh niên học sinh người Hoa, Triệu nôn nao nghĩ đến việc phải tìm gặp lại Lý. Tìm gặp Lý là việc Triệu đã mơ ước từ bao nhiêu tháng năm nhưng chưa có dịp thực hiện.

Một buổi xế trưa, Triệu đạp xe vào khu chợ Khổng Tử ở Chợ Lớn để tìm trường Nghĩa An. Trường là một cơ sở lớn, có cơi lầu, được xây cất ở bên hông chợ Khổng Tử, rất bề thế. Lúc Triệu đến trường thì lại vào lúc trường nghỉ sớm nên trông rất vắng vẻ. Triệu đang thất vọng đứng nhìn vào trong sân thì bỗng nhiên từ một góc ở cuối đường nghe vang dậy những tràng vỗ tay, la ó, cổ võ… Triệu tò mò đi về phía cuối đường, gần bờ kinh, mới thấy đó là một sân vận động nhỏ cũng đề tên trường Nghĩa An! Hai toán học sinh của trường đang tranh tài trên sân bóng rổ. Triệu vui mừng nhận ra ngay bóng dáng Lý đang hăng hái trổ tài tranh giành banh trên sân. Vẫn cái dáng người nho nhỏ nhưng lanh lẹn, làn da nay đã sạm nắng hơn, áo thun thể thao trắng, quần sọt đen, đôi chân rắn chắc. Lý hình như cũng đã dễ dàng nhận ra Triệu ngay vì Triệu không mặc đồng phục của học sinh Nghĩa An. Triệu hân hoan theo dõi suốt buổi tranh tài giữa hai đội, cổ võ mỗi khi Lý bắt được banh, đưa về lưới địch.

Ðến lúc tàn cuộc đấu, Triệu vừa đến gần thì Lý đã lên tiếng trước:
– Sao anh lại biết mà đến đây?

Triệu vui mừng thấy Lý coi mình hầu như một người đã quen từ trước:
– Dò la bao nhiêu ngày nên hôm nay mới may mắn gặp lại Lý.

Sau đó, Lý và Triệu đến bên một xe bán nước giải khát nối tiếp chuyện. Ðây là lần đầu tiên Lý và Triệu có cơ hội gặp nhau nhưng cả hai đều tưởng chừng như đã quen biết nhau từ lâu lắm! Những kỷ niệm về bạn bè, về các giáo sư, nhất là giáo sư Phạm Thiều là thầy của Lý, những ngày ly loạn tản cư đã làm câu chuyện kéo dài đến gần chập tối. Cuối cùng Triệu đã phải chia tay với Lý để đạp xe trở về Gia Ðịnh. Con đường tuy thật xa nhưng tâm thần Triệu có nhiều rộn rịp suy tư nên về đến nhà lúc nào không biết!

Triệu thật sự cảm thấy lòng ngổn ngang trăm mối. Trong thời gian vừa qua, được cơ hội sống gần và cùng đảm nhận nhiều công tác với Duy Thảo, người em họ, giữa hai bên đã có nhiều cảm tình khăng khít. Tình yêu đã từ từ chớm nở, mặc dầu vẫn có những suy tư e dè vì liên hệ họ hàng. Nay nhân được cơ hội tiếp xúc thẳng với người đã một thời tình cờ đi vào đời mình và tình cảm cũng đã vun quén từ những tháng năm qua, Triệu lưỡng lự, chưa biết thật sự phải có lựa chọn nào!

Kể từ đó, mặc dầu từ chợ Bà Chiểu đến Chợ Lớn là một khoảng đường khá dài, Triệu vẫn hầu như thường xuyên đạp xe ra trường Nghĩa An để gặp Lý. Con đường Charles Thompson ở mặt sau của Tòa Hành chánh Chợ Lớn là một con đường rộng, hai bên có hai hàng cây dầu cao, bóng mát suốt ngày, là con đường quen thuộc của Lý và Triệu thường đạp xe song song để trao đổi bao nhiêu câu chuyện. Triệu đã bắt đầu quen với lối sống mới của các học sinh Trung Hoa ở Chợ Lớn, thường gặp nhau ở những quán nước nhỏ, bình dân nhưng kín đáo; những buổi giao đấu bóng chuyền hay bóng rổ vui nhộn sau buổi học, những rạp chiếu phim Trung Hoa giá rất rẻ ở rải rác nhiều nơi trong thành phố…

Ở Trung Quốc vào thời đó, cuộc tranh chấp giữa quân đội quốc gia Tưởng Giới Thạch và Hồng quân Mao Trạch Ðông đang vào giai đoạn quyết liệt. Giới thanh niên Trung Hoa, nhất là học sinh, sinh viên đã bị lôi cuốn vào cơn gió lốc của thời cuộc nên đã có những xung đột lý tưởng gay go ở các trường và các đại học. Những cuộc đàn áp không thể tránh được của nhà cầm quyền Tưởng Giới Thạch đã từng xảy ra ở Trung Quốc và Lý đã cho Triệu đọc qua nhiều tài liệu về các cuộc tranh chấp có khi đi đến đổ máu ở các Ðại học Trung hoa. 
Trong giới học sinh Trung Hoa ở Chợ Lớn cũng đã có những thanh niên bồng bột tham gia vào các tổ chức bí mật theo xu hướng cách mạng của Mao Trạch Ðông. Lý cho Triệu biết cũng có một số đã được giới thiệu vào khu tham gia kháng chiến do các giáo sư có đầu óc cấp tiến. Triệu đã đặt được vài cơ sở liên lạc để truyền đạt các chỉ thị khi trong khu có các quyết định phối hợp hành động. Một số lớn thanh niên khác đã tình nguyện, hoặc đã được tuyển chọn trở về Trung Quốc tham gia phong trào cách mạng, theo xu hướng Mao Trạch Ðông. Ngay cả Lý cũng có một người cháu trai thân thương vừa mới thoát ly gia đình để trở về Trung Quốc!

Trở Về

Tìm Kiếm